Tại sao nói “vạn pháp duy Tâm tạo”?


Tất cả chúng ta đều thấy hơi khó hiểu về giáo lý “Sắc tức là Không” hay vạn pháp đều là Trí tuệ Bát nhã. Vì bị vô minh che chướng, mọi người thường có vọng tưởng rằng vạn pháp đều tồn tại chắc thực. Sự vô minh, mê lầm đó khiến chúng ta phải trôi lăn trong luân hồi đau khổ.

 

 

Vì thế, chúng ta cần sử dụng phương tiện thiện xảo để quán chiếu tâm và hiểu được rằng vạn pháp đều là Trí tuệ Bát nhã, vạn pháp đều sinh khởi từ tính không. Quán chiếu tâm có nghĩa là tìm hiểu tâm để dần dà hiểu được tự tính của vạn pháp. Khi không hiểu rằng tâm có mối liên hệ với vạn pháp, nghĩ rằng tâm là tâm và vạn pháp là vạn pháp, thì chúng ta còn bị vô minh sâu dày che chướng. Vì vô minh nên chúng ta phải trầm chìm trong bể khổ luân hồi. Khi hiểu được mối liên hệ giữa tâm và vạn pháp, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được thực tại của đời sống thường nhật hay tự tính của luân hồi.

 

 

Nếu chúng ta có thể quán chiếu tâm thì đó là giác ngộ, vì tâm đang hoạt động với sự liên hệ mật thiết cùng vạn pháp. Sẽ là sai lầm khi cho rằng vạn pháp thế gian, như những suy nghĩ về tốt hay xấu, là căn nguyên tạo ra hạnh phúc và khổ đau. Thực sự thì chúng ta cần hiểu ngược lại. Nhưng dù sao thì việc hiểu sai đó cũng là một mở đầu tốt cho thực hành tâm linh, vì thà có hiểu biết về mối liên hệ như vậy còn hơn không. Đến lúc này, chúng ta hiểu rằng tâm phụ thuộc vào một đối tượng khác, chứ không tồn tại độc lập, không như cách hiểu vô minh thông thường là tâm chúng ta tồn tại thực chắc, độc lập. Không có thứ gì, kể cả tâm chúng ta, tồn tại độc lập, mà thực ra đều dựa vào các pháp khác. Đây chính là giáo pháp duyên khởi của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Khi quán chiếu tâm, chúng ta sẽ chứng ngộ rằng cảm giác vui hay buồn phụ thuộc rất nhiều vào vạn pháp. Nhờ đó chúng ta hiểu rằng tâm không hề có gốc rễ độc lập nào cả. Bằng cách này, chúng ta sẽ hiểu là hạnh phúc hay khổ đau đều không thực sự tồn tại, mà phụ thuộc vào các đối tượng bên ngoài, các vọng tưởng về tốt hay xấu. Khi đó chúng ta chứng ngộ được tính không của tâm và các xúc tình phiền não. Đó là sự khởi đầu quan trọng của thực hành tâm linh.

 

Vạn pháp là gì?

 

Đến lúc đó, sau khi hiểu được tâm vận hành như thế nào, chúng ta bắt đầu quán chiếu về nguồn gốc đang khiến tâm chúng ta hạnh phúc hay khổ đau. Chúng ta bắt đầu quán chiếu về vạn pháp xem chúng thực sự là gì. Vạn pháp có mối liên hệ rất mật thiết với tâm, nhưng thực sự vạn pháp là gì? Liệu vạn pháp có tồn tại độc lập hay không? Vạn pháp vận hành như thế nào? Mối liên hệ giữa vạn pháp và tâm ra sao? Đây là bước thứ hai trong thực hành Bát nhã Ba la mật.

 

 

Trong bước thứ hai này, chúng ta thực hành nhiều quán chiếu, phân tích, và sẽ đi đến chỗ nhận ra sự phản chiếu của tâm. Tựa như tiếng vọng dội lại từ vách núi sau khi chúng ta hét lên, tâm phóng chiếu ra vạn pháp, và vạn pháp lại có tác động ngược trở lại giống như đã phóng chiếu. Vì thế, khi tâm phóng chiếu ra các xúc tình, thì các xúc tình này tác động ngược trở lại khiến chúng ta cảm thấy vui, buồn hay các trạng thái tâm khác.

 

Hiểu biết như trên là kết quả của bước thực hành thứ hai này. Ví dụ như những phẩm chất tốt đẹp vốn không tự nhiên tồn tại ma do chính tâm chúng ta phóng chiếu ra, do chúng ta nghĩ và nói ra, do chúng ta gán ghép cho bất kỳ đối tượng nào ở bên ngoài. Vạn pháp không hề có bản chất tốt hay xấu. Mọi sự tốt xấu đều do tâm chúng ta phóng chiếu ra, thế nên chúng ta nói “Vạn pháp duy tâm tạo”. Nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa của chữ “tạo”, – họ nghĩ “Làm sao tâm có thể tạo ra cả thế giới này?”. Vì không hiểu nên họ thấy nghi ngờ và đặt ra nhiều câu hỏi không cần thiết. Nhưng chúng ta có thể thay chữ “tạo” bằng chữ “tưởng” cho dễ hiểu.

 

 

Mối liên hệ giữa tâm và vạn pháp giống như trò đánh bóng vào tường. Chúng ta cứ liên tục đánh bóng và quả bóng liên tục dội lại từ bức tường. Vì thế, hãy luôn tỉnh thức với mọi chuyển động đang diễn ra trong tâm hay ở bên ngoài; đừng để tâm phóng chiếu hay vọng tưởng.

 





Nguồn : Source link

Hits: 58

Trả lời