Tâm nhị nguyên của chúng ta hoạt động thế nào?


 

 

 

Kinh điển nói rằng Trí tuệ Bát nhã là điều không thể nghĩ bàn. Tôi cho rằng đánh giá này rất đúng. Tôi cảm thấy vốn từ không đủ sức truyền tải hết mọi hiểu biết. Nhưng chúng ta có thể áp dụng một số lập luận lô gíc. Ví dụ như tâm nhị nguyên không tạo ra mà thấy vạn pháp theo cách nhị nguyên, tức là luôn có sự đối lập ở cấp độ chân lý tương đối, ví dụ như giữa lớn và nhỏ. Khi đã có nhỏ thì sau đó sẽ có lớn để so với nhỏ. Ở cấp độ thế gian, vạn pháp luôn tồn tại trong hình thức nhị nguyên.

 

Nhưng đây là sắc tướng. Tại sao lại như vậy? Loại sắc tướng này do tâm nhị nguyên của chúng ta gán ghép cho những đối tượng này. Vì những sắc tướng như vậy chỉ hoạt động, chỉ đúng ở cấp độ tương đối, nên được gọi là chân lý tương đối. Vì vạn pháp thế gian là tương đối, nên chúng là Không. Đó cũng là một lập luận chúng ta cần có. Nếu vạn pháp không có tính chất tương đối thì không thể nói vạn pháp là Không được. Tôi nghĩ có nhiều cách để hiểu được luận điểm này, nhưng nếu không hiểu về chân lý tương đối hay đặc điểm của chân lý này thì chúng ta không dễ gì hiểu được chân lý tuyệt đối, tức là tính không hay Trí tuệ Bát nhã.

 

Ý nghĩa của chân lý tương đối

 

 

Điều này cũng giúp chúng ta hiểu thêm về việc mình đang gán ghép khái niệm cho vạn pháp, vì dù mọi pháp tương đối đều có vai trò quan trọng để hiểu được tính không, nhưng chúng ta lại không hiểu được ý nghĩa của chân lý tương đối, dù chúng ta đang tồn tại ở cấp độ này. Chúng ta đang sống ở cấp độ tương đối nhưng lại rất vô minh, vì thế chúng ta không hiểu được chuyện gì đang thực sự diễn ra ở cấp độ tương đối. Vì thế, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng rằng chân lý tương đối mà chúng ta cần hiểu cũng là một chân lý. Điều đó có nghĩa là “Không tức là Sắc”. Ở cấp độ tương đối thì vạn pháp đều có thực, đều vận động và tạo ra kết quả. Thế nhưng mọi việc chỉ rất tương đối, vì bản chất của vạn pháp là Không. Đây là lúc chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của Trí tuệ Bát nhã trong hai câu kệ “Sắc tức là Không; Không tức là Sắc”. Tôi biết điều này nghe có vẻ rất nghịch lý, khi mà vừa mới đây thôi chúng ta nói về tính không, vạn pháp đều là Không, mà bây giờ chúng ta lại nói vạn pháp đều có thực. Thế nhưng chúng ta cần suy ngẫm và hiểu đúng về giáo pháp này.

 

 

Có nhiều cách để giải tỏa các nghi ngờ hay chướng ngại. Một trong những cách đơn giản nhất là chân lý tương đối có ý nghĩa to lớn vì ở cấp độ tương đối thì chân lý đó đúng, thực sự tồn tại. Từ “tương đối” dẫn chúng ta đến tính không, nếu không là như vậy thì tại sao lại cần nói đó là chân lý tương đối mà không gọi đó là chân lý tuyệt đối. Sở dĩ gọi là “tương đối” vì tương đối có khả năng dẫn chúng ta đến tính không. Nhưng ở cấp độ tương đối thì đúng. Bát Nhã Tâm Kinh dạy rằng “Sắc tức là Không; Không tức là Sắc”, thế nên vẫn giống nhau nếu chúng ta hiểu theo cách này.

 

Một ví dụ về tính chất tương đối là chúng ta nghĩ rằng thời tiết ở đây đang nóng bức, nhưng nếu so với thời tiết ở những nơi như New Delhi vào lúc này, thì thời tiết nơi chúng ta đang ngồi lại rất lạnh. Điều đó có nghĩa là “nóng” hay “lạnh” không tồn tại thực chắc. Nếu “nóng” luôn là “nóng”, thì lúc nào chúng ta cũng cảm thấy nóng, chứ không phải là nóng theo cách tương đối. Đối với lạnh cũng chỉ là tương đối. Ví dụ như nếu chúng ta từ Hà Lan đến đây thì thấy rất nóng, nhưng khi chúng ta đến các nơi khác thì thấy rất lạnh. Vạn pháp không tồn tại thực chắc, vì thế vạn pháp là Không. Tuy nhiên, ở cấp độ tương đối thì vạn pháp thực sự đang hoạt động, thế nên chúng ta đang cảm thấy nóng hay toát mồ hôi, ngột ngạt. Vạn pháp đang thực sự vận hành và tạo ra kết quả, nhưng chỉ ở cấp độ tương đối. Vì thế vừa là Sắc lại vừa là Không, hai yếu tố này hợp nhất với nhau. Đây cũng là một trong những lý do mà Kim cương thừa sử dụng từ “nhất như”, nhưng Kinh thừa không nhấn mạnh nhiều đến khía cạnh này.

 

 

Bây giờ chúng ta có thể hiểu thực hành trưởng dưỡng lòng bi mẫn và tình yêu thương quan trọng đến mức nào trong thực hành. Trên đây là nội dung trình bày về cách mở cánh cửa dẫn đến Trí tuệ Bát nhã. Điều quan trọng là chúng ta cần biết cách mở cánh cửa đó. Khi đã mở được cánh cửa này, chúng ta đạt tới Trí tuệ Bát nhã và lúc đó chẳng còn điều gì để bàn luận nữa.

 





Nguồn : Source link

Hits: 39

Trả lời