Nếu không có một mục đích rõ ràng, không có một định hướng rõ ràng, con đường tu tập của chúng ta sẽ rất khó khăn. Đối với các Phật tử mới các bạn rất cần hiểu để có một định hướng rõ ràng. Ít nhất chúng ta cũng cần phải hiểu về Truyền thừa. Các bạn cần hiểu rằng Truyền thừa Drukpa là Truyền thừa tu tập theo hạnh nguyện của Đức Quán Thế Âm. Tiểu sử và công hạnh của các bậc Thầy của Truyền thừa như tổ Naropa, Milarepa, các bạn có thể tìm đọc trong các sách viết về lịch sử của Truyền thừa. Khi đã lựa chọn được một Truyền thừa, chúng ta hãy tu tập theo Truyền thừa với tình yêu thương và lòng từ bi và nhất là niềm tin không thay đổi. Nhờ có đích đến rõ ràng, chúng ta có đủ sức nỗ lực để thực hành Phật pháp. Đấy là những phẩm hạnh rất cần thiết. Sau khi đã có đủ những phẩm hạnh cần thiết, chúng ta mới bước vào các pháp tu. Có rất nhiều pháp tu như pháp tu Ngondro hay pháp tu mở đầu, pháp tu căn bản và vô số các pháp tu khác. Chúng ta sẽ chọn lựa khi cảm thấy mình có duyên. Các pháp tu tập rất quan trọng sẽ giúp các bạn tấn tốc trên hành trình tâm linh. Càng thực hành nhiều, càng tinh tiến, tốc độ đạt đến thành tựu trên hành trình tâm linh sẽ rất nhanh. Bởi vậy, tôi xin nhăc lại, các yếu tố cần thiết để trở thành một Phật tử : trước tiên là xác định cho mình một mục đích rõ ràng: Đó là sự giải thoát giác ngộ.
Chọn cho mình một pháp tu để thực hành
Điều kiện thứ hai cần có là tình thương yêu, lòng từ bi, tâm chí thành. Chúng ta nên thực hành các nghi lễ, các pháp tu tập một cách tinh tấn để chúng ta luôn giữ mình trong khuôn khổ, giữ định tâm và tập trung hơn. Chẳng hạn như pháp tu Sengey Tsewa mà tối qua tôi đã hướng dẫn. Nếu chúng ta không chịu tu tập, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ cảm thấy mình chẳng đi đến đâu cả. Sau hơn 10 năm đồng hành với chúng tôi, các bạn cảm thấy mình lạc lối. Bởi vậy các bạn cần phải thực hành tâm linh, ví dụ như hoàn thành 100,000 biến chân ngôn, 100,000 lễ lạy. Các bạn sẽ cảm thấy niềm hứng khởi khi tu tập. Hoặc khi chúng ta thấy người khác đang tu tập, đã lễ lạy xong, đã hoàn thành xong số biến phát nguyện, chúng ta cũng phát khởi tâm hoan hỷ, tùy hỷ và tu tập theo. Như vậy chúng ta sẽ có thêm động lực để tu tập. Dù là thành viên của Sống để yêu thương, các bạn vẫn có thể thực hành. Các bạn vẫn nên chọn cho mình một pháp tu để thực hành.
Hai loại tình yêu thương
Cũng đã mất nhiều thời gian của các Phật tử. Nhưng tôi muốn đề cập một chút đến khái niệm Tình yêu thương bởi có rất nhiều nghĩa về sự yêu thương. Ví dụ yêu thương con người, yêu thương loài vật, …. Có hai loại yêu thương, trong đó có tình yêu mang đến khổ đau, nguy hiểm. Như khi các bạn nói rằng « Tôi thích gà », điều đó có nghĩa là các bạn muốn giết thịt con gà đó để ăn. Nếu có ai đó đến nói với bạn theo kiểu đó, có lẽ bạn cần phải chạy trốn ngay. Bởi vậy, chúng ta cần thận trọng, không nhầm lẫn khái niệm về tình yêu thương. Yêu thương như ví dụ trên chỉ đem lại khổ đau, nguy hiểm cho mình và cho người. Thứ hai, ở cấp độ cao hơn, khi nói yêu thương một ai đó, cách yêu thương này không giống như giết gà ăn thịt, nhưng cũng đem lại khổ đau gần như bị giết hại. Tôi không chắc các bạn có thích loại yêu thương này không. Chúng ta cần phải có trí tuệ để đối xử với loại tình cảm đó. Nói chung, khi nói về thiện hạnh Sống để yêu thương, chúng ta cần phải hiểu rằng tình thương yêu của chúng ta ban trải và cách chúng ta hành động vì tình yêu thương này đem lại lợi ích cho mọi người như thế nào. Chúng ta cần phải rất tỉnh thức và trí tuệ khi thực hành về tình yêu thương.
Tình yêu thường cần chuyển hóa thành hành động
Tất cả chúng ta với tư cách là các Phật tử, các hành giả, cần đưa tình yêu thường, lòng từ bi chuyển hóa thành hành động, những thiện hạnh thiết thực để lợi ích cho hết thảy chúng sinh, cho môi trường, … Đó là nghĩa của tình yêu thương mà tôi muốn nhắc đến. Có thể khi đánh vần thì giống nhau, nhưng ý nghĩa thì khác nhau. Chúng ta cần tư duy xem loài người đang phải chịu những đau khổ như thế nào, các loài động vật, đang phải chịu khổ đau như thế nào, cỏ cây hoa lá, môi trường, nguồn nước, bị hủy hoại như thế nào, đất mẹ đang oằn mình chảy máu ra sao. Biết bao người mắc những căn bệnh để rồi chết dần chết mòn trong bệnh viện, biết bao người và chúng sinh phải hứng chịu thảm họa, thiên tai. Chúng ta tư duy tại sao họ phải chịu đau khổ như vậy ? Khi đã trưởng dưỡng tình yêu thương bắt nguồn từ bên trong như vậy, chúng ta cần hành động. Chúng ta không thể cứ ngồi nghĩ rồi chỉ thương không như vậy. Chúng ta cần đứng dậy, bước vào cuộc đời, làm điều gì đó tốt cho thế giới này, để thế giới trở thành nơi sống tốt đẹp cho các thế hệ mai sau. Còn biết bao thế hệ con cháu của chúng ta, liệu họ có phải chịu quá nhiều khổ đau ? Chúng ta cần phải hành động như trồng cây xanh, bảo vệ nguồn nước, xây bệnh viện, trường học. Nếu giàu có, bạn có thể đóng góp tiền bạc. Nếu không có tiền, bạn có thể đóng góp công sức, kiến thức, năng lực để giúp đỡ mọi người, đóng góp cho xã hội. Đó chính là nghĩa của tình yêu thương mà tôi muốn nhắc đến. Các bạn có thể gọi đó là yêu thương trong hành động. Bởi vậy, các Phật tử cần nỗ lực để đi theo con đường của Bồ tát Quán Thế Âm, thực hành thiện hạnh sống để yêu thương.
(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị trong buổi gặp gỡ Phật tử tại TP Hồ Chí Minh)
Nguồn : Source link
Hits: 43