Người không bám chấp nhị nguyên


Niềm tin là chìa khóa cho tất cả mọi công việc
Nói về danh từ trong Đạo Phật gọi là tâm chí thành, hay đức tin, nhiều người cho rằng đây là thuật ngữ chỉ dành cho những người tu tập tâm linh hay tu tập theo Kim Cương thừa. Điều này không hoàn toàn đúng như vậy. Bởi bản chất con người sống cần có niềm tin. Ngay cả đối với việc thành lập công ty, chúng ta là một thành viên của công ty, chúng ta phải có niềm tin vào công ty mà mình đang làm việc, niềm tin vào người lãnh đạo, đồng nghiệp. Cũng như vậy, trong nhà đình, chúng ta cần có niềm tin với người thân. Niềm tin là chìa khóa cho tất cả mọi công việc xã hội cũng như trong thực hành tâm linh. Nhờ niềm tin hay tâm chí thành, chúng ta sẽ vượt qua tất cả những khó khăn, chướng ngại. Chúng ta có đủ sức tập trung một cách kiên định, không giao động để thực hành Phật pháp hoàn toàn tự nguyện và hoan hỷ, không có một sự ép buộc nào. 
Trong hình ảnh có thể có: 10 người

Làm sao để chúng ta tạo cho mình niềm hoan hỷ vả tự nguyện
Trong thực hành tâm linh cũng như trong mọi công việc thế gian, làm thế nào để chúng ta có thể làm với tâm tự nguyện, không có sự bắt buộc ? Làm sao để chúng ta tạo cho mình niềm hoan hỷ vả tự nguyện này ? Chúng ta cần có trí tuệ hiểu rõ mục đích của mình là gì. Chúng ta thực hành tâm linh, thực hành thiện hạnh, chúng ta phải biết rõ đích đến. Khi biết rõ điểm đến, trên con đường đạt đến đích, chúng ta có thể gặp những khó khăn, chướng ngại nhưng lúc này, những khó khăn chướng ngại ấy dường như không ảnh hưởng nhiều đến chúng ta. Nếu không có đích đến, khi gặp một chút khó khăn khi thực hành, chúng ta dễ sinh  nghi ngờ, thoái nản và có thể bỏ dở giữa chừng. Còn nếu đã có mục đích rất rõ ràng, thì tất cả những chướng ngại liên quan đến gia đình, công việc, mối quan hệ với chư tăng ni, tài chính, đến các hoạt động thiện hạnh, có thể có vô vàn khó khăn trên con đường đi, nhưng có khó khăn nào có thể làm chúng ta ngã gục. Bởi chúng ta đã vượt lên trên những khó khăn này. Những khó khăn chỉ như những bong bóng trên con đường chúng ta đi. Thậm chí chúng quá nhỏ nhoi không đáng để chúng ta nhắc đến. Vì chúng ta đã có mục đích, lý tưởng rõ ràng. Trong thực hành tâm linh, hiểu rõ đích đến của mình sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn để đạt được mục đích tâm linh của mình. 

Hiểu rõ đích đến và lý tưởng tâm linh
Điều quan trọng là chúng ta nên dành thời gian, tâm huyết của mình để tu tập theo một dòng Truyền thừa mình chọn lựa. Vì đã hiểu rõ đích đến, tâm nguyện và lý tưởng tâm linh, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta chọn cho mình một con đường duy nhất. Nếu chúng ta thực hành rất nhiều năm nhưng rồi lại thay đổi. Chỉ gặp một vài chướng ngại, việc bất như ý với người này, người kia, với vị tăng này, vị ni kia, chúng ta lại thay đổi, không tu tập nữa. Cứ như vậy, chúng ta sẽ lãng phí công sức và thời gian để làm lại từ đầu. Không biết rồi con đường tâm linh của chúng ta sẽ như thế nào. Điều quan trọng là chúng ta hãy cố gắng giữ tâm chí thành không thay đổi, kiên định nhất tâm tập trung vào một con đường dưới sự hướng đạo của một Truyền thừa, một bậc Thầy. Giống như khi chúng ta đi máy bay. Nếu chúng ta đi chuyên nhất một hãng hàng không, chúng ta sẽ được tích điểm và nhiều khuyến mãi có lợi cho chúng ta. Nếu chúng ta bay với nhiều hãng khác nhau, chúng ta sẽ không được gì cả. Cũng như vậy, trên con đường tâm linh, nếu chúng ta tập trung vào một Truyền thừa, và sự hướng đạo duy nhất của một bậc Thầy, chúng sẽ được bảo hộ, an toàn và sức mạnh tâm linh sẽ ngày càng vững chắc.

Đừng đi “siêu thị tâm linh”
Thời hiện đại ngày nay người ta thường đi siêu thị. Khi vào siêu thị người ta có quyền tự do chọn lựa, muốn mua thứ này thứ kia. Muốn thì mua, không thích có thể thay đổi. Trong thực hành tâm linh, chúng ta có thể gọi là siêu thị tâm linh. Rất nhiều người tu tập pháp môn này một ít, rồi nghe người khác lại đi tu tập pháp môn kia một ít. Thậm chí có những người cổ xúy cho việc dó, họ nói rằng « Bạn có quyền tự do để làm mọi thứ. Không nên ràng buộc với một Truyền thừa làm gì. Bạn hãy mở rộng lòng mình đón nhận giáo pháp của các Truyền thừa khác nhau. Bạn có thể đi khắp nơi đâu bạn muốn ». Điều này nghe qua có vẻ hợp lý. Tôi cúng là người thích tự do. Ý tưởng « tự do » không có gì là sai. Tự do tâm linh, tự do tín ngưỡng cũng rất tốt. Nhưng thực tế, kiếp người quá ngắn ngủi. Nếu có thể sống đến 300 tuổi, may chăng chúng ta mới nên đi siêu thị tâm linh. Chúng ta sẽ dành 30 năm cho Truyền thừa này, rồi thử 30 năm tu theo một Truyền thừa khác, rồi lại dành 50 năm cho một Truyền thừa khác nữa, tính ra chúng ta vẫn còn hơn 100 năm để sống. Chúng ta không đủ thời gian để đi siêu thị tâm linh như vậy. Điều này chỉ khiến chúng ta lãng phí thời gian. Chúng ta không kịp chuẩn bị gì cho mình khi ra đi. Bởi vậy, các bạn cần tập trung tu tập, chọn cho mình một Truyền thừa mà mình cảm thấy có niềm tin, tâm chí thành. Hãy giữ trọn niềm tin của mình không thay đổi. Chúng ta hãy tin tưởng rằng một Truyền thừa mà chúng ta chọn lựa mang sự gia trì của tất cả các Truyền thừa khác. Không có một sự khác biệt nào, quan trọng là chúng ta đi theo sự hướng đạo đạo của một Truyền thừa duy nhất. Điều này mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích, bảo hộ chúng ta bớt những khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống. Thời gian có thể rút ngắn rất nhiều. Chỉ mất khoảng 15, 20 năm, sự tu tập của chúng ta sẽ tiến bộ, đạt đến cấp độ của các bậc hành giả, chư vị Bồ tát. 

Người không bám chấp nhị nguyên
Như vậy, lời khuyên của tôi là cố gắng giữ tâm mình nhất hướng, kiên định với một Truyền thừa mà mình đã chọn lựa, không thay đổi tâm chí thành. Tôi xin kể với các bạn một câu chuyện. Mấy năm trước đây, tôi có gặp một Phật tử nam ở châu  u. Tôi có hỏi « Anh có thực hành một pháp tu nào không ? ». Anh ta trả lời « Không ạ, con chẳng thực hành pháp tu nào cả ». Một lúc sau tôi hỏi « Thế anh có phải là Phật tử không ? » « Dạ con là Phật tử ». Tôi lại hỏi « Vậy Thầy của anh là ai ? ». Anh ta trả lời « Con không có một bậc Thầy nào cả ». Bởi anh ta bám chấp vào một danh từ theo thuật ngữ tiếng Tạng là « Rime », có nghĩa là không bám chấp nhị nguyên. Anh ta sợ rằng mình bị chấp trước vào vấn đề nhị nguyên. Tôi im lặng không hỏi gì tiếp, cùng anh uống trà rồi chúng tôi chia tay nhau. Quả thật là câu chuyện kết thúc có hậu ! Việc gặp gỡ người đàn ông này giúp tôi nghĩ lại rằng anh ta tự bám chấp vào một danh hiệu « Người không sống nhị nguyên ». Vì vậy, anh ta không dám tham gia vào một Truyền thừa nào cả, không thực hành Phật pháp, không theo một bậc Thầy. Anh ta nghĩ rằng mình tự do, không dính mắc vào vấn đề nhị nguyên. Đây là một câu chuyện mang ý nghĩa sâu sắc giúp chúng ta tư duy rằng tự do trong tâm linh lại trở thành sự bám chấp. Sợ kẹt chấp vào một bậc Thầy, một Truyền thừa lại khiến anh ta trở nên bám chấp vào nhãn mác, khái niệm « Người không bám chấp nhị nguyên ». Đó cũng là cách để chúng ta cùng suy ngẫm lại thế nào là tự do trong thực hành tâm linh. 

(Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa khai thị trong buổi gặp gỡ Phật tử tại TP Hồ Chí Minh)





Nguồn : Source link

Hits: 45

Trả lời