Như đã giải thích, khoảng thời gian trong thân trung ấm là thời điểm vong linh rất hoang mang sợ hãi và luôn trông mong sự hỗ trợ tinh thần từ những người thân của mình. Kinh điển dạy rằng, trong trạng thái trung gian của cái chết, khi không còn sự ngăn ngại của xác thân tứ đại, thần thức trở nên vô cùng tinh nhạy, có thể “thông minh hơn chín lần” khi họ còn sống.
Vì vậy, nếu người thân thực hành tu tập, làm các thiện hạnh và hồi hướng mọi công đức cho vong linh cũng như chúng sinh khắp mười phương pháp giới, vong linh sẽ cảm thấy an tâm vì có nơi che chở nương tựa. Ngược lại vong linh sẽ vô cùng đau khổ và tức giận nếu thân nhân của họ không tạo phúc lành, mà còn sát sinh hại vật, tạo tác ác nghiệp, hay mải lo chuyện tranh giành tài sản, anh em bất hòa… Điều này khiến họ tuyệt vọng và có thể đọa ngay xuống địa ngục chịu khổ hành hình, hoặc làm quỷ đói ngàn năm không thể siêu thoát.
Trong thời gian 49 ngày này, thân nhân người chết nên cố gắng ăn chay, niệm Phật, phóng sinh, tụng kinh cầu nguyện và làm các công đức thiện hạnh bố thí, cúng dàng đèn, giữ trai giới thanh tịnh, tránh tạo ác nghiệp, hồi hướng mọi công đức cho vong linh cũng như chúng sinh khắp mười phương pháp giới. Gia đình tuyệt đối không sát sinh vì đó là hành động tội lỗi nhất gây thêm ác nghiệp cho người chết và khiến người đó nhanh chóng bị đọa lạc. Xã hội thường có phong tục làm cơm cúng cho người chết, làm cỗ cho khách tới viếng đám ma hoặc làm cỗ giỗ. Trong những dịp này, việc sát sinh được thực hiện hàng loạt, dù trực tiếp hay gián tiếp. Như vậy sẽ là một nghiệp duyên vô cùng bất lợi với người chết. Cách tốt nhất là thay thế bằng những món ăn chay, cỗ chay để tránh đoạt mạng chúng sinh.
Là Phật tử, chúng ta cũng nên có chính kiến, không nên mời thầy cúng thực hành nghi lễ không đúng pháp vì đó là việc làm tà kiến, chẳng những không đem lại lợi ích cho người chết mà thậm chí còn khiến họ không thể siêu thoát hoặc bị đọa xuống các cõi thấp.
Những người thân cũng nên lưu ý cư xử hết sức thận trọng trong 49 ngày này vì lợi ích của người đã mất. Trong giai đoạn này, vong linh người mới mất thường quanh quẩn ở nhà hoặc bên người thân và những nơi mà họ hay lui tới khi còn sống. Họ có thể chứng kiến tất cả những gì người sống đang làm cũng như thấu hiểu những gì người sống đang nghĩ. Chẳng hạn, nếu người vợ đi với một người đàn ông khác hay người chồng đi với một cô gái khác, những xử sự như thế sẽ làm linh hồn người chết rất đau đớn, đặc biệt nếu đây là vấn đề mà họ đã lo nghĩ ám ảnh suốt cả cuộc đời. Tập khí này rất mạnh, vì thế họ sẽ cảm thấy vô cùng khổ sở. Bởi vậy, nếu bạn có tình cảm với ai đó khác trước khi người thân của bạn mất thì bạn cũng nên tạm thời gạt bỏ mối quan hệ ấy trong vòng ít nhất 49 ngày.
Chúng ta cũng nên xử sự tương tự đối với các vấn đề về tài sản và những việc khác. Chẳng hạn, chúng ta không nên quá tham lam và vội vàng kiểm tra tài khoản ngân hàng, lấy đi mọi thứ như giấy tờ, di chúc, hay nói và nghĩ đến nó, hay chia nhau của cải, tài bảo của người chết,… Việc hành xử thận trọng và đúng đắn trong những vấn đề này cũng là cách hộ niệm cần thiết và quan trọng đối với người chết trong giai đoạn 49 ngày. Ngoài ra, nếu người mất lúc sinh thời là Phật tử có tâm xả ly hoặc trước khi chết có mong nguyện thì có thể đem tài bảo, vật dụng, tiền mọi người phúng viếng đám tang người đó để cúng dàng Tam Bảo, bố thí người nghèo khó, kẻ bất hạnh để tích lũy thêm công đức cho người chết.
Trích từ ấn phẩm: BARDO – HỘ NIỆM NGƯỜI LÂM CHUNG, Drukpa Việt Nam biên dịch và phát hành.
Nguồn : Source link
Hits: 49