Đại đức Lão Tâm thế danh là Võ Hà Thuật, sinh ngày 02 tháng 04 năm 1901 tại xã Bửu Long, Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Thân phụ là cụ Đốc Phủ Sứ Võ hà Thanh và thân mẫu là cụ bà Nguyễn Thị Ngạt.
Xuất thân từ dòng dõi trâm anh thế phiệt, có nề nếp gia phong, tuy giàu có tột đỉnh nhưng ông không kiêu căng khắc bạc mà lại trọng điều nhân nghĩa, quý bậc hiền tài, giúp đỡ người nghèo, tuân theo đạo lý. Cho nên, khi còn là cư sĩ tại gia, ông đã sớm thành danh trên đường đời, cả về mặt sự nghiệp lẫn việc xây dựng một gia đình hạnh phúc bên người vợ hiền là bà Trương Thiêm Hoa cùng với năm người con trai trung hiếu và một người con gái hiền thục.
Mặc dù có một đời sống trưởng giả phú túc, mặc dù có một gia đình đầm ấm và mặc dù đã làm đến chức Hội Đồng Địa Hạt Tỉnh Biên Hòa, ông vẫn là người có túc duyên với Đạo, nên sớm chán cảnh vinh hoa nhạt mùi phú quý, thích sống đời sống tĩnh mịch đạm bạc. Chính vì vậy mà ngay từ buổi đầu Phật Giáo Nguyên Thủy mới hoằng hóa vào vùng Sài Gòn, Gia Định, Ông đã đến quy y học đạo với Ngài Hộ Tông Tại ngôi chùa Bửu Quang, trung tâm hoằng pháp đầu tiên của Phật Giáo Nguyên Thủy tại Gò Dưa, Thủ Đức.
Trước kia ông theo Tịnh Độ Tông và hành pháp môn trì trai niệm Phật. nhưng từ khi gạp Phật Giáo Nguên Thủy, được Tổ Hộ Tông truyền dạy pháp thiền, như gặp được thuận duyên, ông quyết tâm đi theo con đường chỉ quán song tu trong pháp môn Tứ Niệm Xứ. Tìm được hướng đi, năm 1942, ông quyết tâm từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, một mình qua Thủ Đức (nay là quận 9) chọn mua lại một phần ngọn đồi tại ấp Thái Bình, xã Long Bình để lập tịnh thất vui thú điền viên, sớm hôm tu dưỡng.
Năm 1958, khi Giáo Hội Tăng-già Nguyên Thủy Việt Nam được chính thức thành lập, ông đã hoan hỷ dâng cúng toàn bộ khu tịnh viên của mình lên Giáo Hội để xây dựng thành thiền viện, Và từ đó Thiền viện Bửu Long đã được Đức Tăng Thống Giáo Hội là Hòa thượng Hộ Tông chính thức thành lập. Phấn khởi trước sự kiện trọng đại này, ông đã nhiệt thành xây dựng một ngôi thiền thất dâng cúng đến Đức Tăng Thống để Ngài tịnh cư hành đạo và hướng dẫn đồ chúng. Ngay trong khóa thiền đầu tiên tổ chức tại thiền viện, ông đã đắc pháp dưới sự hướng dẫn trực tiếp của Tổ Hộ Tông. Từ đó, ông vừa là hành giả xuất sắc vừa là người đứng ra bảo trợ cho sinh hoạt của thiền viện.
Năm 1961, Ngài Nàrada, Tăng Thống Phật Giáo Tích Lan đã đích thân đến tặng cho thiền viện Bửu Long một cây bồ đề có nguồn gốc từ cây mẹ ở Bồ-đề Đạo Tràng, và sau khi được Ngài Viện chủ (tức Tổ Hộ Tông) chưởng hạ, ông đã tự tay vun trồng chăm sóc cho đến khi cây bồ đề sum sê xanh tốt.
Thấy ông đã đắc pháp, lại có đức tính cần cù, phục vụ, giản dị, khiêm cung như vậy, một hôm, Tổ gọi ông vào thiền thất gợi ý: “Chư pháp vốn không nhưng nếu biết dụng thì tướng cũng có thể lợi lạc quần sanh, ông thấy thế nào?”. Chẳng ngờ, bấy lâu đã thấm nhuần thiền vị, trí tuệ linh thông, ông biết ngay là Tổ dạy mình nên dùng hình thức xuất gia để thể hiện hữu hiệu hơn hạnh nguyện tự giác giác tha của một Như Lai sứ giả, ông liền sụp lạy và xin Tổ từ bi thế phát. Tổ mỉm cười biết ông là pháp khí liền cho xuống tóc xuất gia.
Sau một thời gian thử thách dưới hình thức sadi, ngày 07 tháng 11 năm 1965, ông được Ngài Hộ Tông truyền thọ đại giới, từ đó có pháp danh là Đại đức Lão Tâm, một vị tăng tu hành nghiêm túc, có nhiều phẩm hạnh. Mặc dù mới xuất gia, nhưng là bậc lão thành, lại có phẩm hạnh như vậy nên chẳng bao lâu, Ngài Hộ Tông, vì bận vân du hoằng pháp đó đây, đã cử Đại đức làm Trụ trì chùa Bửu Long để đảm trách sinh hoạt tăng chúng. Như vậy, Đại đức là vị Trụ trì đầu tiên sau Ngài Viện chủ. Những công đức cao quý mà đại đức đã làm, không những lợi ích cho bản thân mà còn để đức cho con cháu hưởng phước lâu dài, và hơn thế nữa, đã lưu truyền cho hậu thế có chỗ tu hành, có nơi hoằng đạo.
Ngày 28 tháng 11 năm Kỷ Dậu (1969), Đại đức đã an nhiên thị tịch, để lại cho gia quyến, bạn bè, chư tăng và thiện nam tín nữ một niềm thương tiếc vô biên.
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông
Nguồn : Source link
Hits: 34