Hòa thượng Thiền sư Mahāsi sinh năm 1904 tại làng Seikkhun, bắc Miến Điện.
Năm lên 6 tuổi, Ngài được gởi đến học đạo tại Tu Viện Pyinmana ở Seikkhun. Là một đệ tử thông minh, Ngài sớm tiến bộ vượt bực về pháp học.
Năm 12 tuổi, Ngài thọ giới Sa di, pháp danh Shin Sobhana (Thiện Dũng). Pháp danh này hợp với cung cách cao quý và đức tính can đảm của Ngài.
Năm 19 tuổi, phải quyết định giữa sự tiếp tục đường tu hay trở về đời sống thế tục, Ngài biết lòng mình muốn gì nên đã không ngần ngại chọn con đường xuất
gia, tu hành và phụng sự Đạo Pháp. Ngài thọ giới Tỳ khưu khi vừa đến tuổi hai mươi, tuổi sớm nhất có thể được để thọ Cụ Túc giới (thọ đầy đủ giới luật của một người xuất gia) với thầy Sumedha Sayadaw Ashin Nimmala. Tỳ khưu Sobhana về sau còn có pháp hiệu là Mahāsi Sayadaw và nổi tiếng khắp mọi nơi với tước hiệu tôn kính này.
Trong những năm sau đó cho đến ngày viên tịch, Ngài đã hoàn tất nhiều công trình nghiên cứu sâu rộng về Phật học và cổ ngữ Pāli, đạt đến những danh hiệu cao nhất về pháp học và đã cống hiến nhiều thời gian cho việc giảng dạy giáo lý.
Trong lúc dạy pháp học tại Taungwainggale, Ngài tự học thêm kinh điển, đặc biệt là Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) mà Ngài rất thích.
Một ngày kia, ở tuổi hai mươi tám, Ngài cảm nhận một nhu cầu bức thiết muốn chuyển từ lãnh vực hiểu biết và trình bày có tính tri thức sang lãnh vực thực hành triệt để. Vì vậy Ngài rời tu viện, đi tìm một bậc thầy có thể dạy cho Ngài một phương pháp rõ ràng và hiệu quả để thực hành thiền.
Ngài diện kiến và thực tập thiền Minh Sát (Vipassanā) dưới sự hướng dẫn của Trưởng Lão Thiền sư Mingun Jetawan Sayadaw – được thừa nhận như người khai sáng sự đổi mới cho phù hợp với thời đại hiện nay về kỹ thuật hành thiền Tứ Niệm Xứ. Hành thiền tích cực dựa trên bốn nền tảng chánh niệm, bắt đầu với quán thân, chỉ trong vòng bốn tháng, Ngài đã đạt được kết quả tốt đẹp.
Song song với pháp hành Vipassanā, Ngài trở lại nghiên cứu Phật học và những hoạt động giảng dạy của mình về trước, và ngày càng được công nhận như một học giả danh tiếng nhất.
Năm 1941, Ngài quyết định trở về quê hương – làng Seikkhun của Ngài. Nơi đây Ngài cư trú ở tu viện địa phương, với tên mới là Mahāsi Monastery, và bắt đầu dạy các khóa thiền Vipassanā. Nhiều thiền sinh, tại gia cũng như xuất gia, đã đến với những khóa thiền này và gặt hái được nhiều lợi ích từ sự hướng dẫn của Ngài. Chẳng bao lâu, Ngài nổi tiếng khắp đất nước là một vị thiền sư đức hạnh và đầy khả năng về thiền Vipassanā.
Năm 1949, Thủ tướng Miến Điện, ông U Nu thỉnh cầu Trưởng lão Mahāsi Sayadaw về thiền viện Sāsana Yeiktha ở Yangon để điều hành và hướng dẫn các khóa thiền tích cực nơi đây.
Năm 1954, Ngài tham dự Đại Hội Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Sáu, bắt đầu từ năm 1954 và kéo dài trong hai năm cho đến 1956. Ngài giữ nhiệm vụ cao quý là vấn đạo (tức người làm nhiệm vụ đặt ra những câu hỏi liên quan đến Tam Tạng Kinh Điển và Chú giải, theo thể thức giống như các cuộc Kết Tập Kinh Điển kể từ thời Đức Phật/questioner/pucchaka) và trưởng hiệu đính (final editor/osana sodhaka) – đây chính là vị trí của Ngài Mahā Kassapa (Ma-ha Ca-Diếp) trong lần Kết Tập Kinh Điển Lần Thứ Nhất, ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt.
Từ đó về sau, Ngài Mahāsi đã thiết lập rất nhiều trung tâm thiền khác khắp đất nước Miến Điện cũng như ở Tích Lan, Ấn độ, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Nam Dương.
Với lòng nhiệt thành dâng hiến trọn vẹn cho Phật Pháp, năm 1979, mặc dù tuổi già sức yếu, Ngài đem theo hai đệ tử ưu tú là Hòa Thượng Thiền sư U Sīlananda và Sayadaw Kelatha sang Hoa Kỳ hoằng pháp.
Nơi đây Ngài bắt đầu phổ biến pháp hành Vipassanā sang phương Tây tại những Trung tâm mới thành lập như IMS (Insight Meditation Society) ở Barre, Massachusettes. Ngoài ra, Ngài còn cho phép Thiền sư U Sīlananda ở lại Hoa Kỳ hoằng pháp.
Ba năm sau đó vào ngày 14 tháng 8 năm 1982, Ngài Mahāsi viên tịch.
Như các vị đại đệ tử của Đức Phật, Ngài Mahāsi đã sống viên mãn một kiếp sống rạng ngời đức hạnh, từ bi và trí tuệ, phổ biến Giáo Pháp của Đức Thế Tôn đến nhiều nơi trên thế giới, hướng dẫn và trợ giúp hàng ngàn người đã và đang đi trên con đường tu chứng giải thoát.
Nguồn : Source link
Hits: 53