hình ảnh Văn Thù Bồ Tát - Năng lượng sống

Mật Tông | Văn Thù Sư Lợi Bồ tát


Văn Thù Bồ tát (zh. 文殊師利, sa. Mañjuśrī, འཇམ་དཔལ་དབྱངས།) dịch âm là Văn Thù Sư Lợi hay Mạn Thù Sư Lợi, dịch nghĩa là Diệu Đức, Diệu Thủ, Diệu Cát Tường. Bồ tát Văn Thù là hóa hiện trí tuệ của chư Phật, là vị bản tôn trí tuệ siêu việt, đệ nhất trí tuệ trong tất cả các vị Bồ tát, vì vậy còn được gọi là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử. Bồ tát Văn Thù cũng là đại đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, thông thường là hình tướng thị giả, xuất hiện bên trái bảo tòa Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài cùng với Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ tát Phổ Hiền được gọi là Tam thánh Hoa Nghiêm, là vị đệ nhất biện tài trí tuệ trong tất cả các vị Bồ tát.

Văn Thù Sư Lợi là Bồ tát lâu đời nhất và quan trọng nhất trong Phật giáo Đại Thừa. Theo Đại Phật Đỉnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh: Phần bản Đức Văn Thù xưa là Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật cũng gọi là Văn Thù Phật.

Trong Phật giáo Kim Cương Thừa, Văn Thù Sư Lợi Bồ tát được coi như một vị thần thiền định. Tên tiếng Phạn “Manjushri” có thể dịch là “vinh quang ngọt ngào”, “vinh quang nhẹ nhàng” hoặc “Hoàng tử Manjushri”. Văn Thù Bồ tát là hóa hiện trí tuệ siêu việt của chư Phật; cùng với Bồ tát Quán Thế Âm hóa hiện từ bi của chư Phật; Bồ tát Kim Cương Thủ hóa hiện sức mạnh của chư Phật – Ba vị Bồ tát này được gọi là Tam bộ chủ. Trong Mật giáo Tạng Truyền, Ngài còn được biết đến với danh xưng Bát Nhã Kim Cương, Đại Tuệ Kim Cương, Cát Tường Kim Cương, Biện Pháp Kim Cương. Tu trì pháp Bản tôn này có thể đạt được trí tuệ tinh thâm, thông đạt thấu triệt tất thảy.

HÌNH TƯỚNG BẢN TÔN ĐỨC VĂN THÙ SƯ LỢI BỒ TÁT

Chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh Văn Thù Bồ tát ngồi trên lưng một con sư tử xanh, và sư tử đứng 4 chân trên hoa sen. Biểu tượng cuỡi trên lưng sư tử có ý nghĩa là, thông qua thiền định, một tâm trí hoang dã cũng có thể trở nên bình tĩnh.

Trong nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản và Trung Quốc, thanh kiếm của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi thường được thay thế bằng một cây bút, đặc biệt là các minh họa của cuộc thảo luận về kinh điển Duy-Ma-Cật (Vimalakirti Sutra) của Ngài với Vimalakirti.

hình ảnh Văn Thù Bồ tát

Văn Thù Bồ tát trong nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản và Trung Quốc.

Hình ảnh sư tử xanh ở đây là biểu thị cho uy lực của trí tuệ, vì sư tử vốn là “vua” ở rừng xanh, có sức mạnh và uy lực hơn tất cả các loài thú khác. Cho nên, lấy hình ảnh sư tử để biểu trưng cho năng lực vô cùng của trí tuệ. Đó cũng là trí của Phật. Bồ tát Văn Thù nhờ trí này nên đã chuyển hóa những vô minh, phiền não, những ý niệm chấp ngã, pháp trở về vô lậu và chứng chân thật tính.

Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, Văn Thù Bồ tát được Phật Thích Ca Mâu Ni đích thân giao phó việc truyền bá Phật pháp tại đây và Ngũ Đài sơn chính là nơi Bồ tát thuyết pháp. Vì vậy, Ngũ Đài sơn cũng được xem là trụ tich của Ngài. Chương 29 “Bồ tát trụ xứ phẩm” trong Kinh Hoa Nghiêm chép rằng: “Ngài Văn Thù trụ lại ở núi Thanh Lương phía Đông Bắc và hiện đang thuyết pháp cho chư Bồ tát nghe”. Núi Thanh Lương sau này được ám chỉ chính là Ngũ Đài Sơn.

ngũ đài sơn và câu chuyên về Văn Thù Bồ tát

Ngũ đài sơn – Trung Quốc

hình ảnh Văn Thù Bồ tát trong Mật Tông Kim Cang Thừa

Hình tướng Văn Thù Bồ tát trong Mật Tông Kim Cang Thừa

  • Theo truyền thống Mật Tông, Đức Văn Thù Sư Lợi Bồ tát thường được miêu tả với thân màu vàng, đầu đội mũ Bảo Quan biểu trưng cho Ngũ Phật.
  • Tóc Ngài kết thành năm búi trên đỉnh đầu biểu trưng cho năm trí tuệ.
  • Tay phải Ngài cầm kiếm Bát Nhã biểu trưng cho trí tuệ phá tan ám chướng, vô minh, mê vọng đã cột chặt chúng sinh vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận, dẫn dắt chúng sinh đến trí tuệ viên mãn.
  • Tay trái cầm hoa sen, trên hoa sen là kinh Bát Nhã Ba La Mật biểu trưng cho trí tuệ Bát Nhã – dùng trí tuệ để dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái, như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm bùn.
  • Ngài trang hoàng bằng các bảo báu trang nghiêm.
  • Ngài an toạ trên nguyệt luân hoa sen.

Chính vì tính cách biểu trưng này mà những nhân vật kiệt xuất về mặt trí tuệ trong lịch sử Phật giáo thế giới, cụ thể như Bồ tát Long Thọ và đặc biệt là Phật giáo Mật Tông Tây Tạng, đã được xem như là những hóa thân của Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, với hai nhân vật đặc sắc:

  • Vị quân vương Phật tử Trisong Detsen (742-797), người góp công đầu trong việc hoằng dương Chánh pháp tại Tây Tạng với việc sáng lập Phật học viện Samye
  • Đại sư Tông Khách Ba (1357-1419), người sáng lập tông phái Mũ Vàng (Geluk) của Phật giáo Tây Tạng mà Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 hiện nay là người truyền thừa. Trong tự truyện của Đại sư Tông Khách Ba có kể lại câu chuyện thân phụ của Ngài trong một giấc mơ đã thấy một nhà sư trẻ từ Ngũ Đài Sơn –nơi trụ tích của Bồ tát Văn Thù- tìm đến với ông, trước khi Ngài chào đời, như là một điềm báo trước rằng Tôn giả Tông Khách Ba sẽ là một nhà học giả vĩ đại không phải chỉ riêng đối với Phật giáo Tây Tạng mà là cả Phật giáo thế giới nói chung.

Văn Thù Bồ Tát cũng hóa thân dưới dạng một Thần thể  phẫn nộ, với danh xưng Diêm Mạn Đức Ca. Vị tôn này có khả năng hàng phục Diêm ma, cởi trói cho chúng sinh. Là một trong năm vị Đại minh vương, một trong tám Đại minh vương của Mật giáo Tạng truyền.

hình ảnh Văn Thù Bồ tát dưới dạng Thần thể phẫn nộ

Văn Thù Bồ tát dưới dạng Thần thể phẫn nộ

Trong một số truyền thừa, hình tướng của Bồ tát Văn Thù phong phú đa dạng như Văn Thù hình tướng tăng, Văn Thù ngũ kế, Văn Thù nhất kế, Văn Thù bát kế.Trong Phật giáo Tạng truyền Bồ tát Văn Thù có nhiều Hóa thân, thường gặp có 5 vị là Hoàng Văn Thù, Nhũ Đồng Văn Thù, Ngũ Tự Văn Thù, Bạch Văn Thù và Hắc Văn Thù, hợp thành Ngũ Văn Thù. Công đức và lợi ích của các Ngài có đặc điểm riêng:

  • Hoàng Văn Thù: mở mang trí tuệ, thông đạt tính không, phá trừ chấp trước.
  • Nhũ Đồng Văn Thù: Mở mang trí tuệ, trừ bỏ thói quen xấu, tu tâm dưỡng tính.
  • Ngũ Tự Văn Thù: Mở mang trí tuệ sâu rộng, khiến cho Phật pháp an trụ lâu dài trên thế gian, chứng ngộ tính không.
  • Bạch Văn Thù: Tăng cường trí tuệ nhạy bén, trí nhớ và khả năng diễn giảng, biện luận.
  • Hắc Văn Thù: Tăng cường trí tuệ, gia trì nhanh chóng, trừ chướng ngại, trị bệnh mà nổi danh.


Bồ tát Văn Thù Sư Lợi là vị đệ nhất biện tài trí tuệ trong tất cả các vị Bồ tát, có đầy đủ các loại thiện khiếu, phương tiện, có thể dẫn dắt chúng sinh đi vào biển trí tuệ. Bất luận là Hóa thân nào, đều có công đức khiến cho chúng sinh đạt được sự tăng trưởng trí tuệ. Trong Phật giáo Tạng truyền, trí tuệ của Bồ tát Văn Thù được chia làm 7 loại:

7 LOẠI TRÍ TUỆ SIÊU VIỆT CỦA VĂN THÙ VÀ NGŨ VĂN THÙ

  • Trí tuệ quảng đại: chỉ trí tuệ có thể nhanh chóng lựa chọn kinh điển luận nghĩa, không một chút trở ngại.
  • Trí tuệ thâm sâu: Tức trí tuệ tính không, chỉ loại trí tuệ hiểu rõ tất cả chân tướng của sự vật.
  • Trí tuệ biện biệt: chỉ trí tuệ ẩn chứa của giáo nghĩa thâm sâu trong sự hiểu rõ kinh luận.
  • Trí tuệ mẫn tiệp: Chỉ loại trí tuệ có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề, học một biết mười.
  • Trí tuệ sáng tác: Chỉ trí tuệ sáng tác tác phẩm.
  • Trí tuệ biện luận: Chỉ trí tuệ dùng tư duy sắc bén để luận chứng mệnh đề.
  • Trí tuệ diễn giảng: Chỉ trí tuệ khai thác năng lực diễn giàng.

ĐẠI NGUYỆN CỦA ĐỨC VĂN THÙ BỒ TÁT

hình phật Văn Thù Bồ tát

Bồ tát Văn Thù phát nguyện lấy trí tuệ lớn giáo hóa, khuyên nhủ, dẫn dắt tất cả chúng sinh phát tâm Bồ Đề. Truyền thụ trí tuệ, bi tâm viên mãn của Ngài, cho đến khi tất cả chúng sinh viên mãn thành Phật, Ngài mới thành tựu vô thượng Bồ tát. Bồ tát Văn Thù vì độ hóa chúng sinh nên thường du hóa Phật độ thập phương, núi Ngũ Đài chính là đạo tràng mà Ngài thị hiện.

Vậy nên, việc tu trì chân ngôn Trí Tuệ Văn Thù một cách chí thành, chúng ta có thể tăng trưởng phúc đức, trí tuệ, có khả năng ghi nhớ và đạt được biện tài vô ngại. Kim khẩu có thể diễn thuyết được tám vạn diệu pháp, thấu rõ được thâm nghĩa của tất cả các pháp, tiêu trừ được tất cả ngu si ám chướng và tất cả các ác nghiệp về khẩu.

 

CHÂN NGÔN & NGHI QUỸ TU TRÌ ĐỨC BẢN TÔN TRÍ TUỆ VĂN THÙ

OM AH RA PA TSA NA DHI – OM A RA PA CA NA DHIH

Chân ngôn của Đức Văn Thù là một trong những thần chú Phật giáo được sử dụng rất nhiều trong các thực hành thiền định của người Tây Tạng. Thần chú Bồ tát Văn Thù Sư Lợi tượng trưng cho trí tuệ, sự khôn ngoan siêu việt, một yếu tố quan trọng giúp chúng ta vững bước trên con đường giác ngộ.

Chúng ta nên tụng niệm chân ngôn này nhiều lần trong ngày. Nếu bạn niệm thần chú hàng ngày, thực sự tập trung, thì trí tuệ của bạn có thể cải thiện trong vòng một tháng. Trong một tháng, bạn có thể cảm nhận sự khác biệt về trí thông minh của mình, vì lúc đó trí tuệ của bạn thực sự mở rộng: Ký ức kiên cố được thông biện, Khẩu diễn tám vạn Diệu Pháp, biết rõ chân nghĩa của vạn Pháp, tiêu trừ ngu muội và các quả báo, nghiệp chướng của Ngữ nghiệp.

 Bổn tôn Văn Thù Bồ tát (Nguồn: phapduyen.com)

*Phần dẫn nhập trích dẫn từ Nghi quỹ tu trì giản lược từ Đức Pháp Vương Gyawang Drukpa (Trung tâm Drukpa Việt Nam chuyển dịch, biên tập và phát hành)

QUY Y VÀ PHÁT BỒ ĐỀ TÂM

Lúc này, bạn hãy quán tưởng bên phải mình là chúng  sinh nam, bên trái là chúng sinh nữm đăng trước mặt là kẻ thù, đằng sau là vô lượng chúng sinh đạo luân hồi. Bạn và chúng sinh trong sáu đạo luân hồi cùng phát Bồ đề tâm đạt được giác ngộ vì lợi ích tất cả chúng  sinh và cùng hướng lên Đức Bản tôn Văn Thù chí thành cầu nguyện

SANGGYE  CHHOETANG TSHOGKYI CHHOGNAM LA

JANGCHHUB BARTU DAGNI KYABSU CHHI

DAGGI JINSOG GYIPEI SOENAM KYI

DrOLA PHENCHHIR SANGGYE DrUBPAR SHOG

Đệ tử xin phát nguyện,

Quy y Phật, Pháp, Tăng,

Đến khi thành chính giác,

Công đức lợi quẩn sinh,

Trước ba ngôi Tam Bảo

Phật đạo nguyện tu hành

(3 lần)

TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Động cơ Bồ đề tâm này là sự truyền cảm để phát triển tuệ giác và tình yêu vô bờ hướng về sáu đạo khổ não chúng sinh.

Từ đáy sâu trong tim mình, bạn hãy an trụ trong Tứ Vô Lượng Tâm. Đó là tình yêu thương vô bờ, long từ bi vô bờ, sự hỉ lạc vô bờ, tâm bình đẳng vô bờ, mạnh mẽ hướng tới vô lượng chúng sinh cầu nguyện cho họ nhanh chóng được giải thoát giác ngộ.

SEMCHEN DETANG DENGYUR CHIG

DUGNGEL GYUTANG DrELGYUR CHIG

DEWA TAMTANG MIDrEL SHOG

CHHAGDANG DrELWEI TANGNYOM SHOG

Nguyện chúng sinh đắc nhân an lạc,

Sống yên vui từng chớp sát na.

Nguyên chúng sinh muôn khổ lìa xa,

Thoát vòng tục lụy phiền hà thế gian.

Nguyện chúng sinh dứt khổ hân hoan,

Vô lượng hỷ lạc, từ quang sang ngời.

Nguyện chúng sinh an trụ không dời,

Trong bình đẳng xả muôn đời vô ưu.

(3 lần)

CÚNG DÀNG MẠN ĐÀ LA

Quán tưởng toàn bộ vũ trụ thu nhỏ trong không gian trước mặt bạn chuyển thành cảnh giới Tịnh độ, hoàn hảo, an bình và hạnh phúc. Nền của cõi Tịnh độ bằng vàng ròng, trung tâm là núi Tu Di với bốn châu lục, một mặt trời và một mặt trăng, vô số của cải, châu báu diệu kỳ của cõi Trời, Người tràn ngập khắp vũ trụ từ chân pháp giới cho tới đỉnh của cõi Trời Sắc Cứu Kinh Thiên, nền cõi Tịnh độ được điểm xuyến bằng những hồ nước thanh tịnh thơm mát tám công đức, những hàng cây như ý diệu kỳ, cùng vô số những cung điện đá quý, hương trầm lan tỏa khắp không gian, ánh sang lung linh tỏa ra từ cảnh giới Tịnh độ và châu báu dưới long nền đất vàng. Giữa khung cảnh nhiệm màu đó là vô số chúng sinh trẻ trung, thanh tú, được trang sức bằng ngọc báu và y phục vi diệu trong pháp giới rộng lớn vô biên. Bạn hãy cúng dàng toàn bộ cảnh giới Mandala này lên Thượng sư và mười phương chư Phật, Tam Căn Bản, chư Daka, Dakini. Hãy tin rằng tất cả các Ngài đều hoan hỷ thụ nhận sự cúng dàng của bạn với tình yêu thương và sự trân trọng nhất.

SAZHI POEKYI JUKSHING METOK TRAM

RIRAB LINGZHI NYIDE GYENPA DI

SANGGYE ZHINGTU MIGTE BULWA YI

DrOKUN NAMDAG ZHINGTU CHOEPAR SHOG

GURU IHDAM RATNA MANDALA KAMNIR YATA YAMI

Tịnh thủy hương hoa khắp mọi miền

Tu Di, Nhật Nguyệt, Tứ châu biên

Cõi này quán tưởng thành Tịnh Độ

Chúng sinh an lạc cứu kính thiên

PHẦN CHÍNH HẠHH

(Hành giả chưa thụ nhận quán đỉnh không được quán tự thân là Bản tôn mà tụng tiếp phần trì tụng chân ngôn Trí tuệ Văn Thù)

RANGNYID JETSUN GONPO JAMPE JANG

SERDOG ZHELCHIG CHHAGNYI RELPOE DZIN

THUGKAR DHILA NGAGTHrEND KORWA LE

OEKYI TrODUE LHANGAG CHHOEKUR TA

Quáng tưởng bản thân mình là Bản tôn Văn Thù.

Thân Ngài sắc vàng kim, một mặt hai tay, cầm kiếm báu, kinh điển.

Quán tưởng chủng tử DHI tại luân xa tim, chuỗi chân ngôn vây quanh.

Phóng vô lượng hào quang rồi tan vào Pháp than.

(Thiền đinh càng lâu càng tốt)

CHÂN NGÔN VĂN THÙ

OM AH RA PA TSA NA DHI

(Trì tụng chân ngôn nhiều lần theo số lẻ hoặc 108 x lần)

HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC

GEWA DIYI KHA NYAM SEMCHEN KUN

DIGTANG DrIBPEI TSHOGKUN JANGGYUR NE

SAMPEI TONKUN YIZHIN DrUBGYUR NÉ

DORJE CHHANGKI GOPHANG NYURTHOB SHOG

KYEWAR TAMPEI CHHOELA NENTEN GYI

JANGCHHUB CHHENPOE SALA MACHHIN PAR

BARCHHED DUEZHI YULLE GYELWA TANG

NYAMTOG GONGTU PHELWEI TrASHI SHOG

Bấy lâu công đức tu trì

Nay xin hồi hướng hết về chúng sinh.

Tiêu tan chương nghiệp tội tình

Để muôn ý nguyện đạt thành đời nay

Kim Cương Trì quả chứng ngay

Tu hành chính pháp gắng noi đời đời

Dẹp tan ma chướng bốn loài

Bồ Đề Vô Thượng sau rồi chứng tri

Cuối cùng đỉnh lễ cầu kỳ

Cát tường, tăng trưởng tức thì chứng tu. (3 lần)

Ý NGHĨA VÀ LỢI LẠC KHI TRÌ TỤNG CHÂN NGÔN CỦA VĂN THÙ BỒ TÁT

Chân ngôn trong Mật Tông Kim Cang Thừa nói chung là một chuỗi âm thanh đầy năng lực, những âm thanh này chứa đựng hàng loạt sóng âm ba và năng lượng. Khi trì tụng, chân ngôn không chỉ giúp tiêu trừ bệnh tật, phiền não, nghiệp chướng mà còn mang năng lực kết nối, hợp nhất tâm chúng ta với những tầng tâm thức cao hơn. Chân ngôn hay minh chú chính là chìa khóa trực tiếp giúp hiển lộ vũ trụ pháp giới bên ngoài và bên trong, là công cụ nhanh chóng, nhẹ nhàng, hiệu quả để tiếp cận năng lượng linh thiêng từ các chiều tâm thức cao hơn. Công lực của chân ngôn phụ thuộc vào trạng thái thiền định và nội chứng của bạn, và đặc biệt, vào sự hướng đạo chỉ dẫn từ một bậc Thượng sự hay bậc Giác ngộ.

Chân ngôn hay minh chú là sự kế hợp của các chữ chủng tử linh thiêng phát ra những năng lượng tâm linh tích cực, một chân ngôn hay còn gọi là một Mantra không phải lời cầu nguyện mà là bản chất sâu kín của thực tại nên đôi khi chúng ta trì tụng như là tán tụng. Về cách thức, nói chung, người mới trì tụng chân ngôn đầu tiên nên trì tụng để nghe rõ âm thanh mình trì tụng để sóng âm của chân ngôn phát ra lan tỏa sâu hơn vào tim và cuối cùng chúng ta có thể an trụng trong sự an tình, để siêu thanh bên trong tự nhậm vẫn hoạt động.

Vì vậy, khi kết hợp trì tụng chân ngôn và dùng hình tướng của Ngài như là một đối tượng quán tưởng là một trong những phương pháp hành trì tu tập hiệu quả nhất nhằm đạt đến tuệ giác. Vì vô minh, ái dục đã đưa chúng ta lặn hụp trong vòng sinh tử luân hồi, chịu chồng muôn nỗi khổ đau. Chúng ta hãy thức tỉnh để quay về với trí tuệ sẵn có của mình và dùng thanh gươm trí tuệ chặt đứt lưới tham ái để vượt ra khỏi bể khổ thâm sâu. 



Nguồn : Source link

Hits: 2203

Trả lời