Lịch sử Phật giáo Đại thừa

Nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa (kỳ 2)

PHKH – Tất cả những tác phẩm tiểu sử đều có một số loại sự kiện giống nhau. Đầu tiên là việc thọ ký (vyākaraṇa) của Đức Phật Dīpaṅkara (Nhiên Đăng) rằng Thích Ca Mâu Ni tương lai thực sự sẽ thành công trong việc tìm cầu Phật quả của mình.

Cave 10 In Ellora, India

Nguồn gốc của Phật giáo Đại thừa (kỳ 2)Những câu chuyện bắt đầu bằng việc ghi chép lại rằng Thích Ca Mâu Ni tương lai bấy giờ là một Bà-la-môn trẻ. Các bản văn có sự khác nhau về tên của Ngài, mà trong số đó những tên gọi được đưa ra là Sumati, Sumedha và Megha. Bất kể tên gọi là gì, những tiểu sử về sau tất cả bắt đầu với một vị Phật quá khứ tiên báo về việc chứng đắc giác ngộ cuối cùng của Thích Ca Mâu Ni tương lai. Những câu chuyện phía sau lời thọ ký cũng khác nhau. Theo một số phiên bản, việc thọ ký xảy ra khi Bà-la-môn trẻ dâng cúng năm bông hoa mà chàng đã mua từ một nữ nhân cho Đức Phật Dīpaṅkara. Theo những phiên bản khác, khi đang đứng xem Phật Dīpaṅkara tiến lại gần trong một đám rước, chàng thanh niên nhận thấy rằng có một vũng bùn nằm trên đường đi của Phật Dīpaṅkara. Chàng thanh niên bèn nhanh chóng xõa mái tóc dài của mình ra và trải nó qua vũng bùn để chân của Phật Dīpaṅkara không bị dơ bẩn. Phật Dīpaṅkara sau đó thọ ký rằng chàng thanh niên cuối cùng sẽ đạt được giác ngộ và Thích Ca Mâu Ni tương lai đáp lại bằng thệ nguyện rằng Ngài chắc chắn sẽ đạt được điều đó. Rõ ràng, những câu chuyện về việc thọ ký của Phật Dīpaṅkara này được lưu hành rộng rãi trong số những người viết tiểu sử Đức Phật. 

Những thọ ký về Phật quả là một yếu tố quan trọng trong tư tưởng Đại thừa. Việc thọ ký của Phật Dīpaṅkara về việc chứng đắc Phật quả của Thích Ca Mâu Ni được đề cập thường xuyên trong các kinh Đại thừa. Cuối cùng những câu hỏi được đặt ra liên quan đến những tu tập mà Phật Thích Ca Mâu Ni tương lai đã thực hiện trước khi Ngài nhận được lời thọ ký của Phật Dīpaṅkara. Tiểu sử của Đức Phật do đó được mở rộng thêm cho đến cuối cùng bao gồm những tu tập của Ngài trong ba đại kiếp. 

Theo những kinh sách này, sau khi nhận được lời thọ ký của Phật Dīpaṅkara, Đức Phật tương lai đã thực hành sáu ba-la-mật. Những người mà họ quá quan tâm đến những sự kiện và thực hành đưa đến giác ngộ, một cách tự nhiên, nghĩ rằng một vị Phật tương lai thực hiện những tu tập khác với những người mà họ khát khao trở thành một A-la-hán hay Bích Chi Phật. Những trình bày về sáu ba-la-mật được phát triển lần đầu bởi những người biên soạn tiểu sử của Đức Phật để mô tả những thực hành cụ thể của một vị Phật tương lai. Danh mục mười ba-la-mật trong phần giới thiệu (nidāna-kathā) của Jātaka Pāli có thể là một khai triển về sau sáu ba-la-mật. Theo Đại tỳ-bà-sa luận (T 27:892b-c), những học thuyết của cả bốn ba-la-mật và sáu ba-la-mật được những nhà tư tưởng Nhất thiết hữu bộ chủ trương, với học thuyết bốn ba-la-mật cuối cùng được tuyên bố là chính thống trong Nhất thiết hữu bộ. Những tác phẩm viết về tiểu sử của Đức Phật, không có ngoại lệ, tất cả đều liệt kê sáu ba-la-mật, và danh mục sáu ba-la-mật này được sáp nhập vào trong kinh sách Đại thừa. Những tác giả của các tiểu sử về Đức Phật như vậy đã nghĩ ra sáu ba-la-mật để miêu tả những thực hành mà chúng sẽ đưa đến Phật quả, những thực hành mà chúng khác biệt đáng kể với những thực hành mà những đệ tử Phật theo. 

Những nhà tư tưởng này cũng quan tâm đến mười giai đoạn tu tập mà qua đó một vị Bồ-tát bước lên con đường đi đến Phật quả của mình. Trong một số tác phẩm viết về tiểu sử, đoạn văn cố định sau xuất hiện: “Ngài đã đạt được mười giai đoạn (thập địa). Chỉ còn một đời nữa trước khi Ngài chứng đắc Phật quả. Ngài sắp đạt được toàn trí”. (Ví dụ, xem Quá khứ hiện tại nhân quả kinh,T3:623a). Mười giai đoạn được giải thích chi tiết chỉ ở trong Mahāvastu. Tuy nhiên, những tác phẩm tiểu sử khác thường có câu “Ngài đã đạt được mười giai đoạn”. Ngay cho dù những tác phẩm tiểu sử khác không có những giải thích chi tiết về mười giai đoạn, các tác giả của những tác phẩm tiểu sử rõ ràng biết về mười giai đoạn. Các tác giả như vậy nói chung tin rằng một vị Bồ-tát trải qua mười giai đoạn và cuối cùng đạt đến một vị trí mà từ đó vị ấy sẽ tái sanh và chứng đắc Phật quả trong đời sống tiếp theo. Những giáo thuyết về mười giai đoạn này về sau được sử dụng trong các kinh điển Đại thừa. Quan niệm rằng một vị Bồ-tát có thể đạt lấy một giai đoạn mà từ đó chỉ cần thêm một lần sinh nữa là vị ấy chứng đắc Phật quả (eka-jāti-pratibaddha) cũng được áp dụng đối với Di Lặc (Maitreya). Việc xác định rằng quan điểm này xuất hiện lần đầu nơi sự liên hệ với Thích Ca Mâu Ni hay với Di Lặc thật khó để chứng minh. 

Những điểm quan trọng khác liên quan đến những tác phẩm tiểu sử của Đức Phật có thể được đưa ra, nhưng thảo luận ở trên đã chứng minh những đặc điểm cụ thể của thể loại văn học Phật giáo này. Nhiều học thuyết được tìm thấy trong nguồn văn học này về sau xuất hiện trong các kinh sách Đại thừa. Ví dụ, câu chuyện về cách Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tương lai giáng trần từ cõi trời Tuṣta (Đâu Suất), mang lấy hình thức một con voi trắng, và nhập vào bào thai của hoàng hậu Maya có thể được phát triển bởi những nhà viết tiểu sử này, như là danh mục tám sự kiện then chốt trong cuộc đời của một vị Phật (giáng sanh từ cõi trời Tuṣita, nhập vào thai mẹ, đản sinh, xuất gia, hàng phục ma quân mà chúng tượng trưng cho các phiền não nhiễm ô, đạt giác ngộ, thuyết giảng, và nhập diệt). 

Có thể chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa những tác phẩm viết về tiểu sử Đức Phật và kinh sách Đại thừa. Tuy nhiên, không thể bỏ qua những khác nhau cơ bản giữa hai loại văn học. Những tác phẩm tiểu sử của Đức Phật nghiên cứu lai lịch của một cá nhân đã được công nhận là một vị Phật. Bồ-tát được thảo luận trong những tác phẩm tiểu sử này đã nhận được sự thọ ký (vyākaraṇa) về quả vị Phật sau cùng của Ngài và do đó đảm bảo việc tầm đạo của mình sẽ thành tựu. Trong những tác phẩm tiểu sử chẳng hạn như Mahāvastu, khả năng nhiều vị Phật xuất hiện trong thế giới cùng một lúc được thừa nhận. Do đó, nhiều vị Bồ-tát, mà tất cả họ được đảm bảo sẽ đạt được quả vị Phật sau cùng, phải có mặt. 

Ngược lại, Bồ-tát được miêu tả trong nhiều kinh sách Đại thừa chỉ là một người khát khao đạt được giác ngộ. Giác ngộ cuối cùng của vị ấy không được bảo đảm. Vị ấy không nhận được thọ ký rằng cuối cùng sẽ đạt được giác ngộ, và thậm chí vị ấy có thể thối thất việc tu tập của mình. Vị ấy là một phàm phu Bồ-tát. Tất nhiên, những Đại Bồ-tát (người không còn bị sa đọa và làm những điều xấu ác khác) chẳng hạn như Phổ Hiền (Samantabhadra), Văn Thù (Mañjuśrī), Quán Thế Âm (Valokiteśvara) và Di Lặc (Maitreya) cũng được đề cập trong kinh sách Đại thừa cùng với những vị hành giả vô danh và bình thường của Phật giáo Đại thừa mà họ tự xem mình là một vị Bồ-tát. Câu hỏi về điều gì đã khiến cho những hành giả Phật giáo bình thường xem họ là những vị Bồ-tát vẫn cần phải trả lời. Bởi vì rất nhiều tán dương dành cho Đức Phật trong những tác phẩm tiểu sử không giải thích sự phát triển này, cần phải tìm kiếm sự giải thích khác. Như vậy, mặc dù những tương đồng giữa những tác phẩm tiểu sử của Đức Phật và những kinh sách Đại thừa có mặt, những khác nhau cơ bản cũng có mặt. 

Jātaka và Avadāna 

Liên hệ mật thiết với những tác phẩm tiểu sử Đức Phật là những Jātaka (những câu chuyện về tiền thân của Đức Phật) và Avandāna (P. Apadāna, những câu chuyện giáo hóa liên quan đến Đức Phật). Sự thực, tiêu đề đầy đủ của Mahāvastu là Mahāvastu-avadāna. Sự khác nhau giữa thuật ngữ “Jātaka” và “Avadāna” khó phân biệt, phần nào bởi nghĩa của từ “avadāna” đã thay đổi qua một thời gian dài mà ở đó thể loại truyện được kể. Cả Jātaka và Avadāna được đề cập trong mười hai phần giáo của văn học Phật giáo, cho thấy rằng chúng được xem là những thể loại văn học có mặt sớm trong lịch sử Phật giáo. Trong các Nikāya có một số bản kinh, chẳng hạn như Mahāpadānasuttanta, kết hợp từ apadāna vào trong những tiêu đề của chúng. Trong ngữ cảnh mười hai phần giáo của những thể loại văn học Phật giáo, thuật ngữ “avdāna” thường có thể được giải thích là một câu chuyện ngụ ngôn.11 Khoảng sau khi những nội dung của các A-hàm đã được ấn định, các Avadāna mới được biên soạn độc lập. Apadāna Pāli, một tác phẩm thuộc Tiểu bộ kinh (Khuddhaka-nikāya), đại diện cho sự phát triển này. Về sau, nhiều câu chuyện Avadāna được biên soạn và thể loại văn học này thịnh hành. Tuy nhiên, nhiều chi tiết của quá trình biên soạn vẫn không rõ ràng. 

Ngày nay, nhiều tác phẩm được phân loại là Avadāna còn tồn tại. Nhiều trong số những bản văn này có niên đại khoảng đầu Công nguyên. Bên cạnh Mahāvastu, những tác phẩm bằng tiếng Sanskrit như Avadānaśataka (tham chiếu T 200), Divyāvadāna, và Sumāgadhāvadāna (tham chiếu T 128-129) và những tác phẩm khác đã được xuất bản. Ngoài ra, nhiều tác phẩm Avadāna về sau hiện vẫn còn, nhưng không được xuất bản.12 Những tác phẩm không được xuất bản này được biên soạn trong khoảng thời gian vài thế kỷ và chính yếu mang tính thần thoại. Chúng khác với nguồn văn học Avadāta sớm hơn ở phương diện này. 

Những câu chuyện Jātaka được liệt kể cả ở trong phân loại chín phần giáo và mười hai phần giáo của văn học Phật giáo, cho thấy rằng chúng được hình thành sớm như một thể loại văn học Phật giáo độc lập trong lịch sử Phật giáo. Những câu chuyện Jātaka nằm trong số những chủ đề được tìm thấy nơi những bức khắc chạm tại Bharhut, với mười hai câu chuyện như vậy được nhận diện ở trong những bản chữ khắc Bharhut.13 Như vậy, vào thế kỷ II tr.TL, một số câu chuyện đã được sáng tác. Vào những thế kỷ sau, thêm nhiều câu chuyện được hình thành. Những câu chuyện Jātaka được trình bày như những tiền thân của Đức Phật. Nhưng nguồn tài liệu cho các câu chuyện thường được lấy từ những câu chuyện dân gian và ngụ ngôn Ấn Độ. Nội dung thường gần với nội dung được tìm thấy trong văn học Avadāna. Jātaka tiếng Pāli, bao gồm 547 câu chuyện và được đặt tên theo thể loại mà nó tóm tắt. Một bản dịch năm tập (T 154) của tác phẩm này hiện có mặt. Ngoài ra, nhiều tác phẩm quan trọng bao gồm những câu chuyện Jātaka hiện vẫn còn, đó là Đại trang nghiêm luận kinh (Kalpanāmaṇḍitikā*, T 201), Avadānaśataka, Divyāvadāna, Phật ngũ bách đệ tử tự thuyết bổn khởi kinh (T 199), Bồ-tát bổn hạnh kinh (Bodhisattvapūrvacarya?, T 155), và Tăng-già la-sát sở tập kinh (T 194). Lục độ tập kinh (Ṣaṭpāramitāsaṅgraha?, T 152), và Bồ-tát bổn nguyện kinh (Boddhisattvāvadāna?, T 153) bao gồm những câu chuyện Jātaka được sửa lại để minh họa các chủ đề Đại thừa. Những câu chuyện Jātaka được trích trong Đại trí độ luận (Mahāprajñāpāramitopadeśa, T 1509) thể hiện những đặc điểm nổi bật của Đại thừa. Do đó, một số học giả cho rằng những câu chuyện Jātaka góp phần đáng kể cho sự phát triển tư tưởng Đại thừa. Tuy nhiên, Lục độ tập kinh (Ṣaṭpāramitāsaṅgraha?, T 152) bao gồm những phần được sáng tác sau các kinh Bát-nhã. Cần phải hết sức cẩn trọng trong việc xác định “những câu chuyện Jātaka Đại thừa” được sáng tác trước hay sau những bản kinh Đại thừa sơ kỳ. 

Vạch ra những khác biệt rạch ròi giữa những thể loại văn học tiểu sử viết về Đức Phật, chẳng hạn như các Jātaka và Avadāna, là rất khó khăn. Những tác giả của thể loại văn học này hẳn đã đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển sơ kỳ tư tưởng Đại thừa. Nó tiết lộ cho biết cách những người này sinh sống, những nơi họ sống, và họ có những liên hệ với hạng người nào. Những trả lời đối với những vấn đề này sẽ đóng góp rất lớn cho việc hiểu của chúng ta về sự xuất hiện của Phật giáo Đại thừa. Đáng tiếc, nguồn văn học hiện có không soi được ánh sáng vào những câu hỏi này để tìm câu trả lời. 

Một số trong những câu chuyện ngụ ngôn và ẩn dụ này được gọi là upama. Chúng được tìm thấy trong những tác phẩm chẳng hạn như kinh Bách dụ (T 209) và kinh Hiền ngu (Damamūkanidānasūtra, T 202). Từ thời Đức Phật, các Phật tử đã sử dụng những ngụ ngôn và ẩn dụ để giảng giải giáo pháp của họ. Những câu chuyện được những người Dārṣṭāntika (những người mà họ giảng giải Phật pháp bằng việc sử dụng những ngụ ngôn và ẩn dụ) sử dụng có thể thuộc về truyền thống này. Nhiều trong số các học thuyết được những người Dārṣṭāntika giảng dạy được trích dẫn hay giới triệu trong Đại tỳ-bà-sa luận (T 1545). Những người Dārṣṭāntika được cho là tiền thân của những người Kinh lượng bộ (Sautrāntika), nhưng giá trị của tuyên bố này vẫn còn phải bàn cãi.14 Một trong những người Dārṣṭāntika nổi tiếng nhất là Kumāralāta, tác giả của nhiều tác phẩm. Mặc dù ông được cho là một người cùng thời với Nāgārjuna, ông không được đề cập ở trong Mahāvibhāṣā. Thay vào đó, những bài thơ của ông được trích dẫn trong Thành thật luận (Tattvasiddhiśāstra?,T 1646,).15 Do đó, ông có thể sống khoảng giữa thời điểm biên soạn Mahāvibhāṣā và Tattvasiddhiśāstra. Một đoạn Sanskrit của một tác phẩm được cho là do ông viết, Kalpanāmaṇḍitikā, được phát hiện ở Trung Á. Tuy nhiên, một bản dịch tác phẩm này (T 201), mà nó gần với đoạn Sanskrit, được cho là của Aśvaghoṣa. Những học giả hiện đại vẫn không thống nhất về nguồn gốc tác giả của bản văn này.16 

Tín ngưỡng thờ pháp và Phật giáo Đại thừa 

Vai trò của tín ngưỡng phụng thờ tháp trong việc xuất hiện của Phật giáo Đại thừa không thể bỏ qua. Nó quan trọng trong nhiều bản kinh Đại thừa, bao gồm kinh Pháp hoa (Saddharmapuṇḍarīkasūtra, T 262) và kinh A Di Đà (Sukhāvatīvyūha, T 366).17 Ngoài ra, quan tâm của Đại thừa về một vị Phật cứu độ có thể bắt nguồn từ việc thờ phụng tại các ngôi tháp. Trong Phật giáo Nikāya, Đức Phật được nghĩ là một người thầy của Pháp (Dharma). Pháp mà Ngài thuyết giảng đặc biệt được nhấn mạnh, bởi vì nếu một người theo Pháp đó nó sẽ đưa vị ấy đến giải thoát. Bất kể Đức Phật được xem là một người siêu phàm thế nào, Ngài không được xem là một người có khả năng cứu rỗi. Thay vào đó, Ngài được tán thán bởi vì Ngài đã thực hiện rốt ráo những điều khó thực hiện. Phật giáo Nikāya tập trung vào Pháp hơn vào Phật và do đó nhấn mạnh chế độ tu sĩ và tuân giữ giới luật nghiêm khắc. Ngược lại, Phật giáo Đại thừa vốn liên quan đến người tại gia. Những giáo thuyết dành cho Bồ-tát tại gia đóng vai trò quan yếu trong những kinh Đại thừa cổ nhất. Chỉ về sau Phật giáo Đại thừa mới có xu hướng phát triển thành một tôn giáo mà ở đó chư Tăng giữ lấy những vị trí then chốt. 

Cư sĩ tại gia không thể nghiêm trì giới luật hay dành nhiều thời gian cho thiền tập và như vậy không thể đưa giáo pháp của Phật vào trong thực hành theo những phương cách truyền thống. Thay vì vậy, họ phải nương tựa vào lòng từ bi của Phật để tìm giải thoát cho mình. Trong khi Phật giáo của hàng xuất gia nhấn mạnh lời dạy của Đức Phật, Phật giáo tại gia nhấn mạnh vai trò của Phật trong việc giải thoát. Những giáo thuyết về năng lực cứu độ của Phật xuất hiện trong việc đáp ứng những nhu cầu tôn giáo của người cư sĩ. Niềm tin vào Phật A Di Đà và Phật A Súc phản ánh mong muốn của người tại gia phụ thuộc vào người khác lớn hơn mình. Nhu cầu này được phản ánh nơi lời dạy sau của Đức Phật Thích Ca trong kinh Pháp hoa (T 9:14c): “Ba cõi hoàn toàn bất an. Chúng giống như một căn nhà lửa, đầy khổ đau. Tuy nhiên cả ba cõi này là của ta và chúng sanh bên trong đó là con của ta”. 

Đối với Phật giáo tại gia, để phát triển về mặt giáo thuyết, các trung tâm là nơi cần thiết để các vị thầy gặp mặt đệ tử và qua đó truyền trao giáo pháp đến thế hệ tiếp theo. Nếu những tổ chức cư sĩ là thứ yếu so với những giáo đoàn Tăng, họ buộc phải thọ nhận và tuân theo những chỉ dẫn của chư Tăng. Trong những hoàn cảnh như vậy, bất kỳ sự phát triển độc lập nào về học thuyết của người cư sĩ sẽ là khó khăn. Như vậy, những trung tâm độc lập với sự kiểm soát của giới Tăng lữ hẳn đã có mặt, ở đó người ta có thể thực hành, phát triển giáo thuyết đề cao Đức Phật, và truyền trao những truyền thống này cho những thế hệ trẻ hơn. Những ngôi tháp đáp ứng như những trung tâm như vậy. 

Những ngôi tháp chủ yếu dành cho người cư sĩ tại gia. Theo kinh Đại bát Niết-bàn Pāli, khi Đức Phật sắp nhập diệt, Ngài bảo Tôn giả Ananda rằng chư Tăng Ni không phải lo việc phụng cúng xá-lợi của Ngài. Thay vì vậy họ nên “nỗ lực đạt lấy điều thiện cao nhất (P.sadattha)”. Vì đối với xá-lợi của Ngài, Đức Phật nói rằng “Các Bà-la-môn với tín tâm sâu và những gia chủ xứng đáng sẽ tôn kính xá-lợi (P. sarīra-pūjā) của Như Lai”.18 Sau khi Đức Phật diệt độ, những người Malla của xứ Kuśinagara (Câu-thi-na) đã cử hành tang lễ. Xá-lợi của Ngài sau đó được phân chia và những người tại gia đã dựng tám ngôi tháp để phụng thờ xá-lợi ấy. Như vậy ngay từ đầu, các bảo tháp được những cư sĩ bảo vệ, duy trì và tôn kính. Theo đoạn văn khác trong kinh Đại Bát niết-bàn, có bốn nơi được xem là thiêng liêng sau khi Đức Phật diệt độ. Những điện thờ và những tháp tưởng niệm (cetiya) được dựng lên tại tất cả bốn nơi này: nơi đản sinh của Ngài tại Lumbinī, nơi Ngài giác ngộ tại Buddhagayā, nơi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên tại Lộc Uyển, và nơi Ngài nhập diệt tại Kuśinagara. Những người hành hương sớm bắt đầu chiêm bái những nơi này. Như vậy, tín ngưỡng thờ tháp bắt đầu bởi những người tại gia và sau đó chính yếu được những cư sĩ tại gia truyền thừa và duy trì. Thậm chí ngày này, ở Miến Điện, những chùa tháp thường do những ủy ban Phật tử tại gia thuần thành quản lý; chư Tăng không thể tham gia vào việc quản lý những ngôi tháp ấy. 

Vua Aśoka đã cho xây dựng nhiều bảo tháp. Những hoạt động khảo cổ các phế tích của nhiều ngôi tháp cổ còn lại cho thấy rằng những phần cổ nhất của chúng có thể có niên đại vào thời Aśoka. Phần lõi của các bảo tháp tại Bhārhut, Sāñcī thuộc Trung Ấn, và tháp Dharmarājikā tại Taxila được xây vào khoảng đầu Công nguyên. Hầu hết tất cả những bản chữ khắc cổ được khai quật trong thời gian gần đây có một số liên hệ đến các ngôi tháp. Mặc dù những ngôi tháp do những cư sĩ xây dựng và duy trì, và mặc dù đa số những thí chủ là nam nữ cư sĩ, họ không phải là những người duy nhất cúng bái tại các ngôi tháp. Những bản chữ khắc trên trụ đá, rào chắn và hình chạm đầu mái tại Bhārhut và Sāñcī ghi chép tên của một số Tăng Ni đã cúng dường cho các bảo tháp. Bởi vì Tăng Ni có ít tài sản, việc hiến tặng tài sản của họ cho thấy đạo tâm thâm sâu của họ. 

Vào đầu Công nguyên, những ngôi tháp được xây dựng bên trong khuôn viên của các tịnh xá. Dọc theo những ngôi tháp này, các trú xứ dành cho chư Tăng được xây dựng, giúp cho họ tiện lợi trong việc dâng cúng các bảo tháp. Các tịnh xá có thể đã cho xây những ngôi tháp trên đất của họ để đáp ứng sự phổ biến ngày càng tăng tín ngưỡng thờ tháp bên ngoài các tịnh xá. Chứng cứ của sự thay đối thái độ này xuất hiện nơi một số nguồn tài liệu. Ví dụ, Vinaya của Theravāda không đề cập đến các ngôi tháp ngay cho dù những ngôi tháp đã được xây bên trong khuôn viên của các tịnh xá Theravāda trong nhiều thế kỷ. Rõ ràng, những Tăng sĩ Theravāda bắt đầu việc dâng cúng tại các bảo tháp chỉ sau khi Vinaya đã được biên soạn. Ngược lại, Vinaya của Nhất thiết hữu bộ và Đại chúng bộ (T 1435 và 1425) đề cập đến tượng Phật, cho thấy rằng việc biên soạn hai Vinaya này có thể được hoàn thành muộn hơn Vinaya Pāli. Như vậy, một số Vinaya được biên soạn sau khi các Tăng sĩ đã bắt đầu việc thờ phụng tại các bảo tháp, bao gồm những thảo luận về việc phụng thờ tháp. Vinaya của Nhất thiết hữu bộ và Đại chúng bộ nói rằng một sự phân biệt rạch ròi phải được duy trì giữa tài sản và đối tượng mà chúng thuộc về Tăng đoàn và những thứ thuộc về ngôi tháp (T 22:498a; 23:352b). Chúng không thể được sử dụng thay thế cho nhau. Nếu một Tăng sĩ sử dụng tài sản ngôi tháp để làm lợi ích Tăng đoàn, vị ấy bị buộc phạm tội pārājika(ba-la-di) vì ăn cắp. Theo Vinaya của Pháp tạng bộ và Hóa địa bộ (T 1421 và 1428), ngôi tháp tượng trưng cho “Đức Phật trong Tăng đoàn”.19 Mặc dù các bảo tháp có thể được xây bên trong tịnh xá, những đồ vật thuộc về Phật được tách biệt với những đồ vật thuộc về Tăng đoàn. Do đó các Vinaya, những bộ luật dành cho Tăng đoàn, cho biết rằng những bảo tháp độc lập với những giáo đoàn Tăng. 

Những nguồn chẳng hạn như Dị bộ tông luân luận (Samayabhedoparacanacakra) của Vasumitra cho rằng Pháp tạng bộ khuyến khích việc đóng góp cho các ngôi tháp bằng việc chủ trương rằng “cúng dường tháp tạo ra phước đức lớn” (T 49:17a). Ngược lại, những Tăng đoàn thuộc Đại chúng bộ chẳng hạn như Chế đa sơn bộ (Caitika), Tây sơn trụ bộ (Aparaśaila), Bắc sơn trụ bộ (Uttaraśaila), và Hóa địa bộ (Mahīśāsaka) khẳng định rằng “cúng dường tháp chỉ mang lại ít phước đức” (T 49: 16a). Ít nhất có bốn bản chữ khắc liên quan đến tông phái Caitika đã được tìm thấy tại Amarāvatī ở Nam Ấn. Những bản chữ khắc này có thể được nối kết với ngôi tháp lớn (mahācetiya) tại Amarāvatī, một địa danh quan trọng vào thế kỷ III và IV TL. Mặc dù Chế đa sơn bộ cho rằng phước đức có được bằng việc dâng cúng tại các ngôi tháp là rất nhỏ, các ngôi tháp lớn vẫn có liên hệ với tông phái này. 

Những nguồn tài liệu về sau, chẳng hạn như Đại tỳ-bà-sa luận (Mahāvibhāṣā, T 1545) và A-tỳ-đạt-ma-câu-xá (Abhdidharmakośa, T 1558), cũng cho rằng việc cúng dường cho Tăng đoàn tạo ra nhiều phước đức hơn cúng dường đến các ngôi tháp (T 27:678b). Như vậy, mặc dù tín ngưỡng thờ tháp được thực hiện bên trong Phật giáo Nikāya, những Tăng đoàn không phải lúc nào cũng cùng tồn tại hài hòa với tín ngưỡng thờ tháp. Các Phật tử thường không được khuyến khích cúng dường tại các ngôi tháp, cho thấy rằng tín ngưỡng thờ tháp được giới thiệu vào các Tăng đoàn sau khi các Tăng đoàn đã được thiết lập một thời gian, và rằng các Tăng sĩ không muốn thấy tín ngưỡng thờ tháp gia tăng ảnh hưởng. Ngoài những ngôi tháp bên trong các tịnh xá, có những ngôi tháp khác không có liên kết với bất kỳ tông phái Phật giáo Nikāya nào và chúng được cư sĩ quản lý. Sự phân chia này thể hiện rõ nơi nhiều bản chữ khắc mà chúng được những nhà khảo cổ học phát hiện trong thời gian gần đây. Phần lớn các bản chữ khắc liên quan đến tháp không đề cập đến tên một tông phái nào.20 

Những hoa, hương, cờ, phướn, ca vũ được sử dụng trong những buỗi lễ đi cùng với thờ cúng tháp. Ngay ở lễ tang Đức Phật, những người Malla của xứ Kuśinagara đã sử dụng ca vũ, hương hoa để tôn kính, cúng dường nhục thân của Đức Phật trước khi hỏa thiêu, như được mô tả chi tiết trong kinh Đại bát Niết-bàn (DN, tập 2, tr. 159). Việc sử dụng ca vũ trong một buổi lễ như vậy rõ ràng bị cấm đối với những người sống đời sống Tăng sĩ. Trong giới luật dành cho Sa-di, Tăng và Ni, việc sử dụng các hoạt động giải trí như vậy rõ ràng bị cấm. Ca vũ, kịch nghệ, kiến trúc và những loại hình nghệ thuật khác xung đột với những chuẩn mực của đời Tăng sĩ, mà nó nhằm đến việc vượt qua những trói buộc thế gian. Những loại hình nghệ thuật như vậy không thể phát triển mạnh trong những chùa viện Phật giáo được. Nhưng chúng đã phát triển quanh những ngôi tháp thờ và về sau sáp nhập vào trong Phật giáo Đại thừa, nơi chúng phát triển xa hơn. Truyền thống ca vũ này về sau được truyền đến Trung Quốc cùng với Phật giáo Đại thừa, và sau đó đến Nhật Bản như là gigaku. 

Việc thờ cúng tháp có một khía cạnh xã hội cũng như tôn giáo. Nó bắt đầu ngay sau khi Đức Phật diệt độ, và thông qua sự ủng hộ của những tín đồ, thờ cúng tháp dần bắt đầu hưng thịnh. Các ngôi tháp được dựng ở những nơi khác nhau, và những người cúng bái cũng như hành hương tụ họp ở đó. Để dựng một ngôi tháp, người ta phải hiến cúng đất. Bởi vì đất được hiến cúng vì mục đích tôn giáo, nó không thuộc sở hữu của bất kỳ cá nhân cụ thể nào. Ngoài ngôi tháp, nơi ở tạm cho người chiêm bái, giếng nước, hồ tắm cũng được kiến tạo ở khu đất đó. Những phương tiện này là tài sản của ngôi tháp. Một đường đi xung quanh ngôi tháp được kiến thiết để người hành hương có thể hành lễ khi họ nhiễu quanh ngôi tháp. Có một hàng rào với các cổng bao bọc xung quang khu vực này. Những khắc chạm trên rào chắn và cổng ngôi tháp minh họa những sự việc từ tiểu sử Đức Phật cũng như những thiện sự và việc làm vô ngã mà Ngài đã thực hiện trong những tiền kiếp. Những người mà họ chuyên giảng giải những câu chuyện Jatāka và tiểu sử của Đức Phật cho những người đến cúng bái, cũng như người sắp xếp nơi ở cho những người hành hương, có thể đã sống tại ngôi tháp. Một tổ chức tôn giáo bắt đầu thành hình.21 

Bởi vì những ngôi tháp có tài sản, người ta phải có mặt ở đó để quản lý nó. Vàng, bạc, hoa, hương và thực phẩm hẳn được những tín đồ và người hành hương hiến cúng. Mặc dù những thí vật ấy dâng cúng lên Đức Phật, thì rõ ràng rằng những người trông coi ngôi tháp nhận và sử dụng chúng. Những người này rất khác với những cư sĩ tại gia thông thường, nhưng họ cũng có thể không phải là một thành viên của Tăng đoàn xuất gia. Họ là những chuyên gia tôn giáo không phải cư sĩ cũng không phải tu sĩ. Khi những chuyên gia tôn giáo này giải thích lặp đi lặp lại những minh họa Jatāka và tiểu sử Đức Phật Thích Ca, họ tán dương những thực hành tu tập của Phật ở trong những kiếp quá khứ như việc thực hành của một vị Bồ-tát và ca ngợi sự vĩ đại và lòng từ bi sâu rộng của Ngài. Dần dần họ đã phát triển những học thuyết giải thích về năng lực cứu độ người khác của Đức Phật. Bằng cách này, họ đã cuốn hút nhiều tín đồ đến ngôi tháp hơn. 

Việc thờ cúng tại các ngôi tháp có thể đã đưa đến việc thiền quán tưởng Phật. Ngay cả ngày nay, chúng ta có thể thấy những người hành hương Tây Tạng tại Buddhagayā phủ phục đảnh lễ hàng trăm lần trước bảo tháp. Trước đó rất lâu, khi người ta thực hành lặp đi lặp lại những điều như vậy trong khi chí thành nhớ nghĩ đến Phật, họ có thể nhập vào một loại định (samādhi) mà ở đó Đức Phật xuất hiện trước mặt họ. Loại định này tương tự với pratyutpanna-samādhi (ban châu tam muội) được mô tả trong những bản kinh Đại thừa. Như vậy, những loại định Đại thừa mà ở đó Đức Phật được quán tưởng có thể có nguồn gốc ở nơi những trải nghiệm tôn giáo của những người thờ cúng Phật tại những ngôi tháp. Những trải nghiệm tôn giáo như vậy có thể đưa đến việc người ta khởi lên niềm tin rằng họ là những Bồ-tát. 

Kết luận, việc thiết lập những ngôi tháp và tích lũy tài sản xung quanh chúng đã khiến những nhóm chuyên gia tôn giáo sống gần những ngôi tháp. Những người này hình thành nên các tổ chức và bắt đầu phát triển những học thuyết liên quan đến năng lực cứu độ của Phật. Những đề cập trong nhiều bản kinh Đại thừa về việc thờ cúng tháp cho thấy rằng vai trò trọng tâm của những tổ chức này trong việc xuất hiện của Phật giáo Đại thừa. Trong một số bản kinh Đại thừa, một nhóm Bồ-tát (boddhisattvagaṇa) được đề cập tồn tại tách biệt với Tăng đoàn của các tông phái Nikāya (śrāvakasṅgha).22 Boddhisattvagaṇa có thể có nguồn gốc của nó nơi những nhóm người thực hành tại các ngôi tháp. Tuy nhiên, nguồn gốc của những người chủ trương văn học Bát-nhã phải được tìm kiếm ở những lĩnh vực khác. Hirakawa Akira
Nguyên Hiệp
dịch___________________
Nguồn: Hirakawa Akira, A History of Indian Buddhism: From Śākyamuni to Early Mahāyāna, University of Hawaii Press, pp. 256-274. 

(11) Về avadāna, xem Hirakawa, Ritsuzō no kenkyū, tr. 329-4-15. 
(12) Ogihara đã giải thích 79 bản Avadāna và những câu chuyện Jātaka tiếng Sanskrit, mà phần lớn chúng là những Avadāna (Ogihara Unrai bunshū, tr. 451f.). Về Sumāgadhāvadāna, xem Iwamoto, Bukkyo setsuwa kenkyū josetsu vàSumāgadāvadāna. Sumāgadāvadāna bao gồm bản văn và những nghiên cứu về nó. Để biết thêm về việc xuất bản những bản Avadāna, xem Yamada, Bongo Butten no shobunken, tr. 61-66. Được đưa vào rất trễ trong tác phẩm của Yamada là những công bố Avadānaśataka, Divyāvadāna của P. L. Vaidya, Jātakamālā của Aryaśūra, và Avadānakalpalatā của Kṣemendra. 
(13) Higata, Honshōkyōrui no shisōshiteki kenkyū, tr.22 
(14) Miyamoto, “Hiyūsha, Daitoku Hokku, Tōju, Yumanron no kenkyū”, tr.117-192. 
(15) Miyamoto, Daijō toshōjō, tr. 164 
(16) Yamada, Bongo Butten no shobunken, tr. 72. 
(17) Về mối liên hệ giữa Phật giáo Đại thừa và các ngôi tháp, xem Hirakawa, Shoki Daijō Bukkyō no kenkyū, tr. 549-601; Nakamura, “Gokuraku jōdo no kannen no Indogakuteki kaimei to Chibettoteki hen’yō,” tr. 131-153; và Fujita, Genshi jōdo shisō no kenkyū, tr. 250-253. 
(18) Hirakawa, Shoki Daijō Bukkyō no kenkyū, tr. 618-627. 
(19) Hirakawa, Genshi Bukkyō no kenkyū, tr. 355-360. 
(20) Về mối liên hệ giữa các ngôi tháp và Phật giáo Nikāya, xem Hirakawa, Shoh Daijō Bukkyō no kenkyū, tr. 603-657. 
(21) Về việc tổ chức quanh các ngôi tháp, xem sách đã dẫn, tr. 788-796. 
(22) Về Bodhisattvagaṇa, xem sách đã dẫn, tr. 797-811.

Tác giả bài viết: Hirakawa Akira Nguyên Hiệp dịch

Hits: 262

Trang: 1 2 3

Trả lời