SỞ TRI CHƯỚNG VÀ PHIỀN NÃO CHƯỚNG

SỞ TRI CHƯỚNG VÀ PHIỀN NÃO CHƯỚNG

SỞ TRI CHƯỚNG VÀ PHIỀN NÃO CHƯỚNG

1. Nghiệp chướng, con người ai cũng có. Vừa “khởi Tâm động Niệm” làđã tạo nghiệp và sanh chướng ngại. Chướng là gì? Là ngăn trở Bổn tánh của chúng ta. Trong bổn tánh chân thật của chúng ta, vốn nó tự đầy đủ vô lượng trí tuệ và đức năng khôn cùng. Nhưng vì sao tất cả những trí tuệ, đức năng thần thông đó, bây giờ không còn sử dụng được nữa? Vì do chướng ngại. Chướng ngại chia làm hai loại chính: sở tri chướng và phiền não chướng.

2. Tất cả do bộ óc nhận thức được gọi là sở tri chướng. Vì do cái biết của bộ óc là sở tri chướng làm chướng ngại, nên tự tánh không được hiện ra. Cứ cho bộ óc làm chủ thì ở trong tương đối, có lợi phải có hại; thường hại nhiều hơn lợi. Cho nên, Phật dạy phải quét sạch sở tri chướng thì chánh biến tri của Phật mới hiện ra.

3. Chướng ngại của kiến thức (sở tri chướng). “Sở tri” là những quan điểm, những cái thấy, những hiểu biết, những khái niệm thu thập được từ sự học hỏi, đọc sách…, nói chung là những kiến thức mình có được. Những kiến thức này rất cần thiết cho người tu học để đạt đến trí tuệ, chứ chính chúng không phải là trí tuệ.

4. Cứ khư khư ôm giữ lấy những kiến thức ấy và cho rằng chúng là hay nhất, chúng là chân lí; chúng ta thỏa mãn với chúng, tự thấy không cần phải học hỏi gì thêm nữa, tức là đã bị mắc kẹt vào chúng, không thể nào tiến bộ được nữa; đạo Phật gọi những kiến thức đó là “sở tri chướng” – tức là những kiến thức làm trở ngại cho tiến trình giác ngộ. Cái gì vừa biết được và liền cho đó là số một, thì lập tức con đường tiến thủ của mình bị chận lại, vì vậy, hành giả phải biết phá vỡ, vượt thoát những kiến thức đã có để có thể đi xa hơn nữa. Có như thế thì tuệ giác giác ngộ – mục tiêu sau cùng của hành giả – đến một lúc nào đó mới hiển lộ ra được.

5. Chướng ngại của phiền não (phiền não chướng). “Phiền não” là những hiện tượng tâm lí xấu, làm động cơ thúc đẩy con người gây ra vô vàn lầm lỗi về cả thân, miệng và ý. Phiền não có nhiều loại, có những loại thuộc về tình cảm, có những loại thuộc về trí thức.

6. Lòng tham dục, sự giận hờn, những tâm trạng như buồn phiền, lo lắng, ghen tức, kiêu mạn, khinh khi v.v…, là những loại phiền não thuộc về tình cảm; sự si mê, ngu muội, trì trệ, những cái thấy biết sai lầm, những tâm niệm cố chấp, bảo thủ, thành kiến, những tư tưởng ngông cuồng, tà vọng…, là những loại phiền não thuộc về trí thức; tất cả mọi thứ, chúng làm cho con người đau khổ triền miên, không có phút giây nào tỉnh thức để tu tập đạo giác ngộ, không thể nào tiến lên được địa vị giải thoát, cho nên chúng được gọi là “phiền não chướng”.

7. Phiền não chướng là tất cả tâm sở bất thiện. Mình ham thích cái gì đều là phiền não chướng; ham thích ăn ngon, mặc đồ đẹp, muốn thỏa mãn dục vọng của mình đều là phiền não chướng.

8. Hai thứ chướng ngại này, có khi trạng thể rất vi tế, khó nhận thấy; chúng lại luôn luôn liên kết với nhau, giúp đỡ cho nhau để bám sát theo chúng sinh, hoặc ở trạng thái phát hiện (nổi trên mặt ý thức), hoặc ở trạng thái tiềm ẩn (chủng tử nằm sâu trong tàng thức); trong khi đó chúng sinh cũng mù quáng đeo đuổi theo chúng như người ngủ say để tạo ra các nghiệp xấu, ngày càng chất chồng. Có thể gọi chúng (phiền não chướng và sở tri chướng) là “tùy miên”.

9. Ðối với sở tri chướng chúng ta chẳng nhũng tiếc rẻ không tiêu trừ nó, mà mỗi ngày còn tạo thêm nhiều hơn. Chúng ta thử nghĩ xem, có khi nào chúng ta không chấp trước? Trong kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng giống Như Lai, do vì vọng tưởng, chấp trước mà không thể chứng đắc”. Qua câu nói này Phật đã chỉ rõ tận gốc căn bệnh của chúng ta cũng giống như Bác sĩ trong nháy mắt đã tìm ra nguyên nhân gây ra bệnh tật:

10. “Vọng Tưởng” là gốc của Sở tri chướng. “Chấp trước” là gốc của Phiền não chướng. Cho nên việc tu học Phật pháp chẳng có gì khác, dù có vô lượng pháp môn, phương pháp, thủ đoạn khác nhau, chẳng qua là giúp chúng ta ÐOẠN VỌNG TƯỞNG, PHÁ CHẤP TRƯỚC, một khi đã phá sạch hai thứ chướng này sẽ KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT. Cho nên “Sám hối nghiệp chướng” trong việc tu học là “mấu chốt” quan trọng. Tất cả các pháp tu học đều vì sám hối nghiệp chướng.

(Chùa Ba Vang (2013). Hai Chướng Ngại (Nhị chướng). Phật học căn bản. Trực tuyến 10/5/2013. Xem ngày: 26/12/2017. http://chuabavang.com.vn/phat-hoc/hai-chuong-ngai-nhi-chuong.html)

Hits: 147

Trả lời