Tứ trọng ân trong đạo Phật là gì?

Khái niệm được sử dụng nhiều ở kinh điển Đại thừa

https://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/chi-tiet-tu-trong-an-4089/

Ân nghĩa là một truyền thống luân lý đạo đức được truyền từ ngàn xưa đến nay. Bất cứ dân tộc nào, đất nước nào cũng đều lấy ân nghĩa làm trọng yếu. Cho nên tục ngữ có câu: “Ăn trái nhớ kẻ trồng cây”, “Uống nước nhớ nguồn”. Nhớ ơn và đền đáp công ơn đó là một quy luật đạo đức và cũng là hạnh nguyện lớn nhất của người con Phật. Do vậy, những lời dạy của Đức Phật rất gần gũi với nếp sống tình cảm của mỗi gia đình người Việt, là tình thương bao la đối với mọi người và cả cỏ cây, quê hương đất nước. Đức Phật đã đi vào lòng người vì giáo lý của Ngài thấm nhuần tính nhân bản. Ngài không dạy những gì cao siêu xa xôi mà chỉ cho ta nhìn thẳng vào thực tại. Ngài dạy cho ta về bốn ân quan trọng và cao quý thức tỉnh người con Phật phải nhớ đến bổn phận của mình. Bốn ân ấy được coi là những đạo lý quan trọng của con người. Đó chính là nền tảng đạo đức căn bản của con người. 

Vậy bốn ân đó là gì? Đó là: Ân Cha Mẹ, Ân Sư Trưởng, Ân Thí Chủ, Ân Đất Nước.

* ÂN CHA MẸ

Mỗi con người chúng ta có mặt trên cõi đời này đều có một quê hương để thương, để nhớ, một nơi chôn nhau cắt rốn. Gắn liền với hình ảnh quê hương là hai đấng sanh thành. Tấm lòng yêu thương của cha và mẹ đối với con thơ được các nhà văn, nhà thơ ví như là biển cả. Đó là một thứ tình cảm thiêng liêng và cao quý nhất: Tình mẫu tử và tình phụ tử. Tình cảm ấy đã ăn sâu vào tâm khảm của mỗi người. Do đó đã là con người trong cõi đời này thì không ai không mang ơn cha mẹ. Cho nên sách có câu:

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì con

Nên người hiếu nghĩa vuông tròn

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao”.

Công ơn đó nói đến bao giờ mới hết và không thể lấy gì đo lường được. Chúng ta từ khi còn là giọt máu trong bào thai cho đến khi được sanh ra, lớn lên và trưởng thành như ngày hôm nay đều nhờ công ơn cha mẹ. Cha mẹ đã trãi qua biết bao gian lao cực khổ nuôi nấng ta đến ngày khôn lớn. Có thể nói tất cả văn chương, ngôn ngữ trên thế gian cũng không làm sao diễn đạt trọn vẹn công ơn trời biển đó. Làm sao quên được những buổi trưa hè nằm nghe văng vẵng đâu đây tiếng hát ru con của mẹ hiền:

“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh dài mẹ thức đủ năm canh”.

Sự sống của chúng ta là do cha mẹ ban tặng. Vì thế mỗi chúng ta dù là một đấng vĩ nhân đi chăng nữa thì vẫn mang nặng món nợ tình cảm đó nếu nhịp tim còn đập, hơi thở còn ra vào. Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật đã giảng giải cho chúng ta hiểu công ơn của cha mẹ ví như biển rộng mênh mong bằng một sự so sánh đầy ý nghĩa. “Nầy các thầy Tỳ Kheo, sữa mẹ mà các ông uống trong suốt quá trình luân hồi nhiều hơn nước trong bốn biển”. Do đó công ơn cha mẹ như trời cao lồng lộng, biển rộng không cùng mà bổn phận làm con phải ghi nhớ không quên:

“Ơn cha nghĩa mẹ cao dầy

Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ

Nuôi con khó nhọc đến giờ

Trưởng thành con phải hiếu thờ song thân”.

Để đền đáp công ơn sanh thành dưỡng dục đó bổn phận làm con phải hết lòng hiếu kính cha mẹ, cung phụng cho cha mẹ các món ăn ngon vật lạ, ấp lạnh quạt nồng, những lúc cha mẹ đau yếu tận tâm phụng sự cha mẹ, luôn mong muốn cho cha mẹ được sống hạnh phúc. Chúng ta là những người con Phật thì chẳng những đền đáp công ơn cha mẹ bằng vật chất mà ta còn có bổn phận gầy dựng đức tin cho cha mẹ, chỉ dẫn con đường giải thoát, khuyên cha mẹ siêng làm các hạnh lành, tránh xa những nghiệp ác, tạo điều kiện cho cha mẹ bố thí cúng dường diệt trừ tâm tham, sân, si, dần dần gạt bỏ mọi khổ đau. Chỉ có như thế mới mong phần nào báo đền được công ơn cha mẹ, mới thật sự đem lại an lạc cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai.

* ÂN SƯ TRƯỞNG

Bậc cổ đức có dạy:

“Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

Trong Quy Sơn cũng có nói: “Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả sư trưởng”. Chủ ý của câu này là thân ta có được nhờ ơn cha mẹ và chúng ta có được ngày hôm nay là nhờ ân thầy. Không ai trong chúng ta có thể tự mình không học mà hiểu biết, nên nói ân thầy rất lớn. Có hai dạng thầy: thầy thế gian, thầy xuất thế gian

  • Thầy thế gian: Từ lúc ta mới bắt đầu bước những bước đầu tiên chập chững vào đời thì thầy thế gian là người dạy dỗ cho ta, truyền trao những kiến thức của mình với mong muốn duy nhất là sau này ta trở thành người công dân hữu ích cho gia đình, xã hội và nước nhà. Không nề hà khó nhọc vất vả, thức khuya dậy sớm chấm bài và soạn bài, tìm ra những phương pháp dạy học tối ưu nhất, dạy cho ta kiến thức, đạo đức làm người. Tuy không sanh thành dưỡng dục chúng ta, thầy vẫn hết lòng yêu thương, chỉ dẫn cho ta từng điều hay lẽ phải, từng chuẩn mực đạo đức xã hội của thế gian. Cho nên nói ân đức của bậc thầy thế gian rất sâu nặng.
  • Thầy xuất thế gian: Cũng vậy từ lúc bước vào chùa cho đến lúc mặc áo cà sa, giới phẩm được đuộm nhuần nơi thân đều nhờ ở nơi thầy. Thầy là người chỉ dạy cho ta những phương pháp tu hành cho đúng chân lý, là người mớm sữa chánh pháp cho ta, công ơn ấy cao sâu như trời biển. Nên có bài hát ca ngợi công ơn thầy như sau: “Thầy là con thuyền thanh lương đưa chúng con đến bờ thơm hương”. Câu hát trên đã hàm sâu ơn đức của thầy.

Thầy xuất thế gian dạy cho ta biết thế nào là chánh pháp, người ở đời không biết lễ nghĩa thì cuộc sống không có ý nghĩa gì nữa, không biết được chánh pháp thì không khác gì người mù đi trong đêm tối không có ngày ra. Vì thế:

“Biển pháp mênh mông sức thiền khó dò

Đường trần nhiều nỗi quanh co bước phàm tình dễ lạc”.

Ân nghĩa của thầy xuất thế gian không chỉ hạn hẹp ở ơn bổn sư của mình mà còn bao hàm đến tất cả các vị thầy đã có công dạy dỗ dìu dắt ta trên con đường học đạo. Quý ngài chỉ có một mong muốn duy nhất là đem hết tâm huyết dạy dỗ chúng ta hầu trong tương lai chúng ta có đủ khả năng tiếp nối những bậc tiền bối hoằng truyền và hưng thịnh mạng mạch Phật Pháp .

“Thầy trải lòng từ ấp ủ con

Tình sâu như biển, nghĩa dường non

Lời khuyên thấm não mưa từng giọt

Ngọc kết châu tràng đậm nét son”.

* ÂN THÍ CHỦ

 Những vật chất mà chúng ta cần dùng hằng ngày không phải tự chúng ta có được. Cơm ngày ba bữa, y phục bốn mùa, thuốc thang giường chõng… Nói chung các thứ ăn mặc ngủ nghỉ và các vật dụng hằng ngày mà chúng ta có là do các thí chủ đem đến cúng dường. Hằng ngày trong cuộc sống dù giàu sang hay nghèo khó họ đều phải làm việc cực nhọc để đánh đổi đồng tiền bằng mồ hôi nước mắt. Vì tín tâm với ngôi Tam Bảo nên họ mới tiết kiệm chi tiêu để đem tịnh tài tịnh vật đến cúng dường ngôi Tam Bảo. Xin ví dụ thêm một hình ảnh rất cụ thể trong ba tháng An Cư Kiết Hạ: quý Phật tử sắp xếp công việc gia đình đi đến chùa để làm công quả cho chúng ta có thời gian tu học. Cho nên có câu: “Của một đồng, công một lượng”. Chúng ta cũng biết rằng để có hạt cơm mình ăn hằng ngày người nông dân phải lao động vất vả, trải qua biết bao nắng mưa sương gió khổ nhọc, nên Cổ Đức có câu:

“Một bữa cháo, một bữa rau cũng phải nghĩ đến chỗ không dễ. Đây nên biết một vật thực của người thí chủ đều nặng như núi Tu Di”.

Nếu chúng ta không tu hành và không hiểu được ân nghĩa này thì khó mong kiếp này đền trả công ơn sâu nặng đó. Tuy nhiên đền trả ơn tín thí không phải là mời họ ăn một bữa cơm chay hay là lo lắng các việc trong gia đình họ mà bổn phận của người tu chúng ta là làm sao cho thí chủ hiểu được chánh pháp, đúng như pháp mà tu hành. Ta phải hướng dẫn họ làm các việc thiện và cầm đuốc soi đường cho họ đi, làm ruộng phước tối thắng để cho họ gieo trồng mầm an lạc.

* ÂN ĐẤT NƯỚC

Nhà thơ Tế Hanh đã diễn tả tình quê hương đất nước qua những câu thơ:

“Quê hương tôi có con sông xanh biết

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống dòng sông lấp lánh”.

Nói đến đất nước thì ai cũng biết đó là nơi chôn nhau cắt rốn. Tổ tiên ta đã dầy công khai phá mới có được ngày hôm nay. Các bậc tiền nhân đã đổ biết bao xương máu để bảo vệ từng ngọn rau tấc đất. Dù có bỏ thân nơi rừng thiêng nước độc họ cũng tự lực tự cường chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Chúng ta có được ngày hôm nay, được sống an lành trong một đất nước thanh bình hạnh phúc là nhờ công ơn của những người đi trước. Phải nhìn thấy mảnh đất mà chúng ta đang sống đã thấm không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt và xương máu của tổ tiên. Do đó chúng ta nên hết lòng yêu thương quê hương đất nước. Chén cơm mà chúng ta ăn là do công lao của những người lao động làm ra và mảnh đất mà chúng ta ở là nhờ công lao của bao chiến sĩ giữ gìn. Có một bài hát ca ngợi tình yêu quê hương đất nước rằng:

“Quê hương mỗi người chỉ một

Như là chỉ một mẹ thôi

Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”.

Do đó, nếu chúng ta quên lãng quá khứ, quên lãng công ơn, những hy sinh cống hiến lớn lao của tổ tiên thì ví như cây mọc mà không đâm rễ sâu vào lòng đất càng ngày càng khô héo úa tàn. Những người xuất gia tuy không trực tiếp sản xuất tạo ra các sản phẩm vật chất, nhưng vẫn đóng góp cho xã hội, đã hòa mình vào xã hội, làm các công tác từ thiện, giáo dục cho cộng đồng xã hội; cho nên chúng ta tu không phải tiêu cực như một số người thường nghĩ. Chính chúng ta là những người tích cực hơn hết, chúng ta không mỏi mệt làm những việc tốt như ủy lạo các bệnh nhân nghèo, thăm các trại dưỡng lão, chăm sóc trẻ em nghèo thất học… Chúng ta cũng kêu gọi mọi người đóng góp để đắp cầu bồi lộ, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt tùy vào khả năng của mình, hầu xoa dịu bớt đi những nổi đau trong cuộc sống. Điều đó thể hiện phương châm “tốt đạo đẹp đời”. Hơn nữa, đạo Phật là đạo Từ Bi Trí Tuệ, nên Phật giáo luôn mang đậm tính văn hóa truyền thống dân tộc không bao giờ rời xa xã hội. Nhà nước dùng pháp luật để giữ gìn an ninh trật tự, người Phật tử cũng siêng năng trì giới, bỏ ác làm lành, làm lợi ích cho đời. Chúng ta không chỉ dùng khẩu giáo mà còn dùng cả thân giáo để khuyên bảo mọi người nên sống trong tình yêu thương, gạt bỏ mọi tham, sân, si, ngã chấp để làm tốt bổn phận của mình đối với gia đình, xã hội và xứng đáng là người công dân tốt, làm cho đất nước ngày càng tốt đẹp. Đây là những việc làm tưởng chừng như bình thường song nó thể hiện một cách trung thực về đạo lý đền ơn đáp nghĩa theo đúng tinh thần Phật giáo nên:

“Đời không đạo là đời vô vị

Đạo không đời biết dựa vào đâu

Đạo đời hai nẽo quyện nhau

Chung lưng đối mặt trước sau vẹn toàn”.

Như vậy, khi đã hiểu được bốn ơn Phật dạy chúng ta thấy đạo Phật được xây dựng trên hai đặc tính cơ bản là Từ Bi và Trí Tuệ. Lòng từ bi bắt nguồn từ trong tình thương của người đời, trong mối quan hệ nghĩa nặng tình sâu của con người đối với cha mẹ anh em, rộng hơn nữa là đối với xã hội và đến với mọi mảnh đời khổ đau bất hạnh. Từ những tình thương trong sáng đó ta càng hiểu sâu hơn lời Phật dạy: “Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Chúng ta phải chuyên tâm tu tập, vun bồi trí tuệ để có đạo lực độ mình độ người. Từ đó mỗi việc làm của chúng ta thể hiện một tinh thần bao dung rộng lượng, biết ơn và kính trọng Tam Bảo sâu sắc, tha thiết tưởng nhớ công ơn của tổ tiên, hết lòng hiếu kính cha mẹ, biết ơn những vị anh hùng đã có công gìn giữ đất nước.

Tóm lại, bổn phận của người tu chúng ta là phải ghi nhớ và đền trả Tứ Trọng Ân. Muốn thế, trước tiên phải trang bị cho mình kiến thức, lấy trí tuệ làm nền tảng vượt qua biển sanh tử, dùng trí tuệ để soi sáng tư duy và hành động của chính mình. Như thế, chúng ta sẽ có một cuộc sống hòa hợp với chánh pháp của Như Lai, dẹp bỏ đi những ích kỷ hẹp hòi, dũng mãnh tinh tấn trên mọi lĩnh vực tu tập và hành thiện để xứng đáng là người đệ tử Phật, luôn sống trong chánh niệm tỉnh giác thực hiện hoài bảo cao cả mà chúng ta mang nặng: “Hoằng pháp lợi sanh”, đem đạo vào đời, làm lợi ích cho mình và cho người ví như hoa sen mọc giữa bùn nhơ, đứng thẳng giữa cuộc đời ô trược mà tỏa hương thơm ngát. Đó là chúng ta đã đền trả bốn ân một cách thiết thực đúng như lời Đức Phật đã chỉ dạy.

 Huệ Từ

Hits: 85

Trả lời