Câu chuyện này được đăng trên báo Công An nhân dân https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/Su-tro-ve-ky-la-cua-mot-co-gai-sau-gan-1500-ngay-mat-tich-i19505/ và được HT Thích Giác Hạnh giảng trong khá nhiều bài giảng , liên quan đến tâm linh.. Trên mạng có ít nhất 2 người được biết đến tên Lê Thị Thanh Huyền ( vụ TMV Cát Tường) và vụ này
Liên quan đến những câu chuyện tâm linh đời thường , bạn có thể xem ở các bài giảng của thầy Thích Giác Hạnh ..HT có thể nhìn thấy thứ mà người thường không thấy
Năm 2000, Lâm Thị Thanh Huyền sang Australia du học theo diện học bổng, thế nhưng liên tiếp những tai ương đã khiến cô mất trí nhớ và phiêu bạt khắp nơi. Gia đình đau đớn bởi tưởng đã mất con, thế nhưng thật kỳ lạ, 4 năm sau Huyền đã tìm được bố mẹ nhờ một sự trùng hợp ngẫu nhiên…
Lâm Thị Thanh Huyền là con gái út của ông Lâm Văn Bảng, người đã lập bảo tàng nhà tù Phú Quốc ngay tại gia đình ở thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Tây. Ông Bảng kể, trong số mấy người con của ông, cô út Lâm Thị Thanh Huyền là người thông minh nhất. Hồi tuổi mới lên ba, chưa ai dạy chữ, thế mà nghe các anh, các chị học thuộc lòng chỉ một hai lần là Huyền đã đọc lại vanh vách những bài học của anh chị mình. Ông quyết tâm dồn tất cả mọi thứ cho cô những mong con mình phát huy được hết khả năng thiên phú.
Sự kỳ vọng của ông và mọi người trong gia đình đã không uổng phí, Huyền năm nào cũng là một học sinh xuất sắc được thầy cô và bạn bè mến yêu, nể phục. Tốt nghiệp cấp III năm 1997, Huyền trúng tuyển vào Trường Đại học Giao thông vận tải với số điểm cao chót vót. Học hết năm thứ nhất ở Trường Đại học Giao thông vận tải, thấy mình không hợp, cô quyết định chuyển trường.Huyền thi đậu Khoa Toán tin của Đại học Quốc gia Hà Nội mà chẳng khó khăn gì. Sự tự hào của gia đình ông Bảng được nhân lên gấp bội khi đang là sinh viên năm thứ 2, Huyền được nhà trường cử đi du học nước ngoài.
Sách quý tặng con trước lúc đi xa
Trước ngày sang Australia học, ông Bảng đã ngồi suốt tối dặn dò con gái yêu những điều cần thiết khi một mình ở nơi xứ lạ. Ông Bảng tặng con một cuốn sách đã được gói ghém rất cẩn thận. Đó là cuốn Nhân Quả, ông mua từ năm 1995 và thuộc lòng từng câu chữ. Bởi là sách quý nên ông tỉ mẩn bọc bằng mấy lớp bìa, ngoài cùng là lớp giấy nilon phẳng phiu, sáng bóng.
Đưa cuốn sách ấy cho con, ông rưng rưng bảo: “Ba chẳng có quà gì cho con trước lúc đi xa cả, chỉ có cuốn sách này thôi. Đây là cuốn sách mà ba thích nhất, sang đó, cứ khi nào khó khăn nhất, con hãy đọc nó, nó sẽ chỉ cho con cách vượt qua khó khăn ấy con ạ!”. Nhận cuốn sách từ tay người cha già cả đời lam lũ, Huyền cũng nước mắt nghẹn ngào.
Ông Bảng có thói quen hễ mua được cuốn sách nào việc đầu tiên ông ghi ngay tên, địa chỉ của mình lên đó. Cuốn Nhân Quả cũng vậy, tên ông, số điện thoại gia đình, ông đã nắn nót ghi ngay gáy trước. Thế nhưng, chẳng hiểu tại sao, khác với những cuốn sách khác, cuốn sách ấy ông lại ghi tên mình theo kiểu viết không có dấu (Bảng thành Bang) và chỉ ghi mỗi số điện thoại nhà mình chứ không ghi địa chỉ rõ ràng.
Tai ương nối tiếp tai ương
Huyền sang Australia học, cô vẫn đều đặn viết thư về cho gia đình. Cuốn sách người cha ở quê tặng, cô cất cẩn thận trong hòm và thỉnh thoảng vẫn lấy ra đọc mỗi khi buồn, mỗi khi “gặp khó khăn” như lời cha cô dặn trước lúc xa nhà. Cạnh nơi Huyền ở có một bà người Pháp bởi không có con nên thấy Huyền hiền lành thì đem lòng quý mến. Bà nhận Huyền làm con nuôi và hai người thường xuyên qua lại chăm sóc nhau như ruột thịt.
Học được gần một năm thì tai họa ập xuống. Huyền bị ốm nặng. Mấy ngày liền nằm liệt giường bởi những cơn sốt ly bì hành hạ. Lâu không thấy cô con nuôi ngoan hiền ghé qua, bà mẹ nuôi người Pháp đã tất tưởi đến thăm. Thấy Huyền sốt cao, bà vội vàng gọi bác sỹ và lập tức đưa Huyền nhập viện. Tại viện, các bác sỹ đã chẩn đoán, Huyền bị viêm não đã biến chứng, nếu không đưa sang một bệnh viện tốt nhất của Mỹ thì tính mạng cô sẽ vô cùng nguy hiểm.
Vậy là, từ viện, Huyền đã được bà mẹ nuôi vội vàng làm thủ tục để cấp tốc sang Mỹ chạy chữa. Đến Mỹ, phẫu thuật xong và sau gần một tháng điều trị, bệnh tình của Huyền đã có dấu hiệu thuyên giảm. Sốt ruột vì việc học, dù sức khỏe vẫn chưa phục hồi hoàn toàn nhưng hai mẹ con vẫn cập rập làm thủ tục để quay lại Australia.
Họa vô đơn chí, chiều ấy, trên đường sân bay, một tai họa kinh hoàng khác đã ập xuống, chiếc taxi chở hai mẹ con đã va vào xe tải, nát bươm. Lần tai nạn ấy đã khiến mẹ nuôi Huyền thiệt mạng ngay tại chỗ, còn Huyền thì bất tỉnh nhân sự và được mọi người đưa trở lại bệnh viện. Nằm miên man suốt mấy ngày trời, khi tỉnh dậy, Huyền ú ớ khi không còn nhận ra chính mình nữa. Cô đã mất trí hoàn toàn. Cô không biết mình là ai, không biết tại sao lại ở nơi này…
Sau tai nạn kinh hoàng trên, mọi đồ đạc của Huyền đã bị mất hết, kể cả giấy tờ tùy thân. Ra viện, không biết đi đâu về đâu, Huyền đành ở lại Mỹ và kiếm sống bằng nghề rửa vỏ chai, lọ trong một nhà hàng ở New York.
Trong cuốn sách Nhân Quả mà cha cô tặng, có nhắc nhiều đến chuyện ở hiền gặp lành. Và điều ấy đã đúng với Huyền. Thấy Huyền chăm chỉ lại ở trong một cảnh ngộ rất đỗi bi thương, một phụ nữ lái buôn người Trung Quốc đã đón Huyền lên tàu chở hàng của bà, nhận Huyền làm con nuôi và Huyền giúp bà những việc vặt hàng ngày.
Lúc này, Huyền vẫn không nhớ một chút gì về quá khứ của mình. Cô chỉ thấy văng vẳng trong đầu mình mấy câu “Việt Nam, Hồ Chí Minh” mà cô không biết đã nghe từ đâu. Tiếng Trung Quốc cô không biết, vậy nên khi bà lái buôn người Hoa ra hiệu hỏi quê quán, cô đã nói với bà câu ấy. Biết chắc Huyền là người Việt Nam, bà mẹ nuôi hứa sẽ đưa Huyền về quê cũ khi có chuyến hàng ngược về đại lục.
Hơn 2 tháng sau, trên chuyến tàu chở toàn đồ điện tử ấy, tạm biệt nước Mỹ phồn hoa, Huyền lênh đênh trở về Trung Quốc. Đến nơi, nghỉ ngơi vài ngày, Huyền được bà mẹ nuôi cho người đưa đến tận Lạng Sơn. Từ đây, Huyền tìm về Hà Nội, bởi nghĩ ở đó dễ kiếm sống và cơ hội tìm được người nhà sẽ lớn hơn nhiều.
Ở Australia, sau khi thấy Huyền đi chữa bệnh rồi mãi không quay lại trường, tưởng cô đã về nước, bạn bè của cô đã gom tất cả đồ đạc trong đó có cuốn Nhân Quả và gửi về Việt Nam. Thế nhưng, địa chỉ họ gửi không rõ ràng nên những thứ đồ đó không đến được tay người nhận.
(Còn nữa)Đào Thanh Tuy
Hits: 24