Lợi ích của 13 Pháp tu khổ hạnh đầu đà

Nguồn : https://chuabavang.com/loi-ich-cua-13-phap-tu-kho-hanh-dau-da-d740.html

Theo lịch tu học thường kỳ, ngày 29/8/2019 (nhằm ngày 29/7/Kỷ Hợi), toàn thể chư Tăng Ni, Phật tử chùa Ba Vàng được Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh giảng bài số 177 – Kinh Mi Tiên Vấn Đáp với tựa đề “Đầu đà khổ hạnh có ích lợi gì không?” Qua lời giảng của Sư Phụ, đại chúng đã được hiểu thêm về tượng đài chí nguyện cao cả của những người tu sĩ áo vàng chân chính.

Đại Tăng chùa Ba Vàng

Nguồn gốc Pháp hạnh đầu đà (Pháp tu khổ hạnh) trong đạo Phật

Khi Thái Tử Tất Đạt Đa (người sau này trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni) khi đi qua bốn cửa thành, thấy rõ bốn sự thật của cuộc đời, Ngài đã phát tâm dũng mãnh, dứt bỏ tất cả để xuất gia, tầm sư học đạo với mục đích cứu khổ muôn loài. Ngài đã thực tập tất cả các pháp tu khổ hạnh theo quan điểm tu tập lúc bấy giờ. Cuối cùng, Ngài giác ngộ ra rằng: “Khổ hạnh cực đoan không đem lại lợi ích gì. Đó là hành thân hoại thể, không mang lại sự giác ngộ, giải thoát nơi tâm. Để đạt được thành tựu trên con đường cầu đạo Vô thượng Bồ đề, phải là con đường trung đạo, không khổ hạnh thái quá mà cũng chẳng hưởng thụ thái quá”. Từ đó, Đức Phật đã hướng dẫn Tăng đoàn thực hành 13 hạnh đầu đà: “1. Mặc y phấn tảo – 2. Chỉ mặc 3 y – 3. Phải khất thực để sống – 4. Khất thực theo thứ lớp – 5. Ngồi ăn 1 lần – 6. Ăn bằng bình bát – 7. Không để dành đồ ăn – 8. Sống ở trong rừng – 9. Ở dưới gốc cây – 10. Ở ngoài trời – 11. Ở nghĩa địa – 12. Nghỉ ở đâu cũng được – 13. Không nằm ngủ”. Ai thực hành được 13 hạnh này thì Đức Phật khen ngợi, tán thán vì những lợi ích chân thực của nó. Con đường tu tập của những hành giả muốn thành tựu rốt ráo không thể không thực hành các pháp khổ hạnh này.

Tăng đoàn chùa Ba Vàng trì bình khất thực

Lợi ích khi thực hành khổ hạnh đầu đà?

“Vui trong tham dục, vui ấy khổ
Khổ trong tu hành, khổ ấy vui”

Một người tại gia tuy có thọ hưởng nhưng không đắm say dục lạc mà tinh tấn thực hành tuần tự, thứ lớp các pháp thì mới có sự chứng đắc được. Thứ tự đó là: đức tin, trì giới, nghe pháp, bố thí, thiền định, thiền tuệ. Đó thực sự là những pháp không dễ làm. Bởi người đời mấy ai sống trong dục lạc mà không đắm say, ô nhiễm? Trong Kinh Mi Tiên Vấn Đáp có đoạn: “…Tại gia tu hành chân chính cũng đạt đạo, đạt đạo rất nhiều là khác. Nhưng một vị Sa môn, một Tỳ kheo thọ 13 Pháp Đầu Đà là đã gần kề bên Niết bàn, lại còn lợi ích cho chúng sinh không kể xiết nữa…”
Bởi người hành giả khi thực hành các hạnh đầu đà này sẽ đạt được những đức tính cao thượng, siêu việt.

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập thiền định trong rừng

Đó là hạnh kiểm thuần khiết; thực hành hoàn thiện hạnh kiểm; bảo vệ thân khẩu; tâm trong sạch; bám chặt được sự tinh tấn; dứt trừ lo sợ; dứt trừ ngã kiến; dứt trừ kết oán; trú vững trong tâm từ; nhận lãnh vật thực sao cũng được; có tâm thương tưởng, bình đẳng và tôn trọng tất cả mọi người; biết tiết độ trong vật thực; hằng tỉnh thức; không lưu luyến chỗ ở; trú chỗ nào cũng an lạc; người ghét điều ác; mến thích nơi thanh vắng; không dễ duôi, buông xuôi. Hơn nữa, để thực hành được các hạnh này phải đủ đức tính từ đức tin, tâm tàm quý, người mạnh khỏe, có trí tuệ,… mới xứng đáng để thọ trì 13 pháp này. “Chính sự lợi ích cho chúng sinh, nêu gương cho chúng sinh thì một trăm cư sĩ đạt đạo, ngàn cư sĩ đạt đạo cũng không bằng một Tỳ kheo hành mười ba pháp đầu đà đắc đạo”.

Sự cao quý của Pháp hạnh đầu đà

“…Pháp đầu đà là nơi nương tựa, sinh trưởng của mọi thiện pháp. Pháp này rửa sạch trần cấu, ác uế, thiêu hủy phiền não. Nó thổi quạt đi tất cả khí vị trần gian, dù thanh hay trược, dù thơm hay thối. Nó ví như thuốc đối trị tất cả tâm bệnh của con người, cho mọi người nếm thưởng nước cam lồ bất tử. Là ruộng phước cho chư Thiên và loài người, thành tựu ba cõi người, Trời và Niết bàn như ý nguyện. Pháp đầu đà cũng là chỗ nương tựa, thoát khỏi mọi sợ hãi về sanh, già, bệnh, chết,…”

Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh trong buổi giảng Pháp

Người cư sĩ mà đắc được đạo quả là do nhiều kiếp họ đã thực hành hạnh đầu đà nên trong tâm họ ít nhiều đã thành tựu những phẩm chất cao đẹp. Vì vậy, chỉ nhờ nghe và thực hành pháp mà họ thành tựu đạo quả. Người tại gia hay xuất gia khi đã thọ pháp đầu đà thì họ kiểm tâm rất dễ. Bởi tâm họ rất trong sạch, ít ham muốn, vắng lặng nên dễ nhận ra và điều phục tâm mình. Thành tựu pháp khổ hạnh đầu đà là thành tựu nhân cách và những trạng thái tâm cao thượng.

Phật tử chăm chú lắng nghe những lời Pháp thoại của Sư Phụ

Những ai có thể thực hành pháp này?

Qua lời giảng của Sư Phụ, đại chúng nhận thức rõ lợi ích, đức tính, công năng của 13 pháp đầu đà rất cao thượng và phong phú. Người có tâm ganh tị, giả dối, tham muốn thấp hèn, chỉ nghĩ đến miệng và bụng, ham lợi lộc, cầu danh, ham vinh dự không thể đủ đức tính để thực hành các pháp này. Đây là những người thiếu phước, thấp kém, nghiệp chướng nặng nề nên không thể thọ được. Thành tựu được hạnh đầu đà không phải dễ, bởi muốn tiến tu và chứng đắc thì phải là người có đầy đủ phước duyên. Muốn thành Thánh, thành Phật cũng đều phải đi qua con đường tu tập hạnh đầu đà này. Ví như Ngài Đại Ca Diếp thời Đức Phật còn tại thế hay Phật Hoàng Trần Nhân Tông được tôn xưng là Hương Vân Đại Đầu Đà đã rất tinh tấn và thành tựu các pháp này. Đây là sự cần thiết, quan trọng cho những ai chân thật thực hành pháp. Đó là khổ hạnh nhưng không khổ hạnh cực đoan, giúp hành giả biết thiểu dục, tri túc trong tu tập.

Chư Tăng Chùa Ba Vàng đang ứng dụng lời Phật dạy trong tu tập cầu đạo giải thoát

Theo sự chỉ dạy của Sư Phụ, chư Tăng chùa Ba Vàng đang ngày đêm miên mật tu tập theo pháp khổ hạnh đầu đà. Từ đó, cầu Thánh quả làm lợi ích cho Nhân Thiên. Chư Tăng quyết chí tu tập, khổ luyện, rèn sửa nghiêm thân tâm để chiến thắng cám dỗ, dục vọng; để đạt được tự tại của an vui, giải thoát. Bóng huỳnh y giải thoát, chân trần thong dong, tay ôm bình bát khất thực nuôi thân, ngủ trong rừng dưới gốc cây với hạnh thiểu dục tri túc.

Chư Tăng chùa Ba Vàng tu tập cầu đạo giải thoát

Như lời Sư Phụ chỉ dạy, việc giữ gìn mạng mạch Phật pháp là sứ mạng của chư Tăng. Tăng chúng hưng thịnh hoặc thoái trào thì Phật pháp cũng theo đó mà được tuyên dương hay lụi bại. Chùa to lớn mà không có sự tu tập của chư Tăng thì chúng sinh không được mấy lợi ích. Do vậy, chân thật tu tập trước để độ mình, sau độ chúng sinh. Đó cũng chính là cách duy nhất để giữ gìn, tuyên dương, làm cho Chính pháp được trường tồn, còn mãi trên thế gian. Phải thực hành Pháp của Phật mới thấy điều đó thực sự quý giá. Cổ nhân đã coi danh lợi như giẻ rách, vinh hoa phú quý cũng là đồ bỏ đi. Cho nên phải noi gương các Ngài thực hành các điều cao quý đó. Theo Sư Phụ Thích Trúc Thái Minh, ai cũng đều phải có chí nguyện bền vững, có tâm đạo trường viễn và chịu đựng được gian khổ để đạt thành tựu trên con đường cầu đạo giác ngộ, giải thoát.

Trí Giác Hiếu

Hits: 256