Tuyển tập 100 Câu hỏi Phật pháp – Tỳ kheo Thích Phước Thái ( tổng cộng 2 tập 200 câu hỏi)

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 1) – CÂU 51 – 60

100 CÂU HỎI PHẬT PHÁP (TẬP 1)

Tỳ kheo THÍCH PHƯỚC THÁI

51. Làm lành chết bất đắc kỳ tử có được siêu không?

Hỏi: Hiện đời nầy, con vâng theo lời Phật dạy làm lành lánh dữ, như làm phước, niệm Phật v.v.. nhưng một hôm nào đó, con bị tai nạn chết bất ngờ, như khi đang tắm biển bị sóng thần cuốn mất. Như vậy, thì thần thức của con sẽ đi về đâu? Có được về cõi Cực lạc không?

Đáp: Luận về nghiệp báo, trong kinh Phật dạy có nhiều loại nghiệp. Trong số những loại nghiệp đó, thì có 2 loại nghiệp báo mà người Phật tử thường nghe nói đến nhiều nhứt. Đó là: “Tích lũy nghiệp và Cận tử nghiệp”. Về Tích lũy nghiệp, tích lũy nó có nghĩa là cất chứa chồng chất thêm lên, còn nghiệp là hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen, Phật giáo gọi đó là nghiệp. Như vậy, hiện đời, nếu Phật tử thường tạo những nghiệp lành, như đi chùa, tụng kinh, niệm Phật, lạy Phật, bố thí, cúng dường v.v… thì những nghiệp lành nầy càng ngày càng nhiều, nó được cất chứa vào trong kho A Lại Da Thức hay Tàng thức. Chắc chắn là không bao giờ mất. Trái lại, tạo nghiệp ác cũng như thế. Đó gọi là Tích lũy nghiệp.

Còn Cận tử nghiệp thì sao? Cận là gần, tử là chết, nghĩa là cái nghiệp gần với cái chết. Trong khi sắp chết, trong tâm ta khởi lên nghiệp lành hoặc nghiệp dữ, thì lúc đó ta tắt thở, tất nhiên là ta sẽ đi theo cái nghiệp mà mình khởi lên trong khi sắp tắt thở. Cái nghiệp khởi lên rất mạnh.

Thí dụ như người nào đó làm cho ta phải bực mình, nổi sân hận lên, hoặc ta nhớ lại một hình ảnh nào đó quá sâu đậm, như thương hoặc ghét người nào hoặc là món đồ nào, liền khi đó ta tắt thở, thì thần thức sẽ theo cái nghiệp thức nầy mà thọ sanh vào cảnh đó. Đó là đi theo Cận tử nghiệp ác. Ngược lại, khi gần chết, bỗng có người niệm Phật làm ta nhớ đến Phật, hoặc giả hằng ngày ta thường xuyên niệm Phật, tuy lúc đó không có người niệm Phật, nhưng nhờ cái thói quen niệm Phật hằng ngày, nên lúc sắp chết ta trực nhớ đến Phật, ngay lúc đó tắt thở, thì chắc chắn là ta sẽ đi theo Phật. Đó là Cận tử nghiệp lành. 

Như vậy, nếu hằng ngày ta tu tạo những điều lành, mà lúc sắp chết ta khởi nghiệp dữ, hoặc lưu luyến thương tiếc điều gì, khi nhắm mắt, phải theo Cận tử nghiệp dữ mà thọ báo. Tuy nhiên, trong lúc thọ báo của Cận tử nghiệp, thì cái Tích lũy nghiệp thiện ác kia không bao giờ mất. Khi trả hết Cận tử nghiệp, tùy thời gian lâu mau không nhứt định, thì ta trở lại thụ hưởng cái Tích lũy nghiệp mà hiện đời ta đã gây tạo. Nếu là nghiệp lành, thì ta hưởng cảnh lành, như làm người được có địa vị cao trong xã hội. Hay giàu sang tột bực v.v… Ngược lại, thì chiêu cảm trả quả ác .

Tóm lại, Phật tử đừng có lo sợ, khi hiện đời mình làm lành, tu tạo nhiều phước đức, bất thần bị tai nạn chết, gọi là: “chết bất đắc kỳ tử”, thì thần thức không biết đi đâu. Nghĩa là sớm hay muộn gì, nó cũng đi theo con đường mà mình đã chọn khi còn mạnh khỏe. Điều quan trọng là trong khi còn mạnh khỏe, ta nên cố gắng tu tạo nhiều nghiệp lành, để sau khi nhắm mắt ta thác sanh về cảnh lành. Như cây ngã, thì sẽ ngã theo chiều mà nó đã nghiêng sẵn. Điều quan trọng là hằng ngày ta nên cố tạo cho mình có một chiều nghiêng sẵn về những điều lành cho thật mạnh, thì khi nhắm mắt ta sẽ ngã theo chiều nghiêng điều lành đó.

52. Khi chấp tác nhổ cỏ làm chết những con vật nhỏ có tội không?

Hỏi: Khi chúng con thọ giới Bát quan trai, trong 8 giới, thì giới không sát sanh lại đứng đầu. Tuy nhiên, khi chấp tác, chúng con làm vệ sinh hay tảo địa… chúng con quét đi rất nhiều con vật nhỏ, nhứt là kiến, nhện, cuốn chiếu v.v… Chúng con cố gắng tránh mà cũng không khỏi. Như vậy, xin hỏi: đối với giới sát và luật nhân quả chúng con có phạm tội và có phải trả quả báo hay không?

Đáp: Căn cứ vào giới bất sát cũng như luật nhân quả, thì việc làm của Phật tử đương nhiên là đã phạm và phải trả quả. Tuy nhiên, vấn đề nặng nhẹ có khác. Nếu luận về tội, thì dù cố ý hay vô tình, thì cũng giết những sinh vật khác, dù là sinh vật rất nhỏ nhít như con kiến, con trùng v.v… Đã có giết, tất nhiên là đã thành tội. Song có điều, ta cũng cần nên hiểu thêm, giới sát sanh mà Phật cấm, chủ yếu là Phật cấm giết người. Vì mạng sống của con người quý giá hơn hết. Rồi từ đó cứ hạ thấp dần xuống, như trâu, bò, ngựa, chó v.v… những sinh vật mà chúng nó có ân nghĩa với loài người chúng ta, thì Phật dạy người phật tử nên mở rộng lòng thương không nên cố ý giết hại chúng nó.

Đối với những loài sinh vật nhỏ hơn, ta cố giữ được chừng nào, thì tốt chừng ấy. Luận cho cùng, thì thử hỏi trong đời có mấy ai giữ trọn vẹn giới bất sát sanh nầy. Vì bảo vệ mạng sống, khi bịnh chúng ta uống thuốc cũng đã giết chết biết bao vi trùng trong cơ thể chúng ta. Cho nên, Phật khuyên loài người nên tôn trọng sinh mạng trên hết là loài người, chỉ cần cả nhơn loại biết yêu thương và tôn trọng mạng sống con người lẫn nhau, không nên ra tay sát hại nhau, giữ được ngần ấy, thì lo gì thế giới không hòa bình. Nhưng ngặt gì nhơn loại không giữ được cái giới không giết người nầy, nên nhơn loại luôn luôn sống trong khổ đau. Giết người là mạng sống lớn mà con người còn không giữ được, thì nói chi đến những loài sinh vật nhỏ nhít khác.

Đối với người Phật tử, Phật cấm chúng ta chẳng những không được giết người mà còn phải thương yêu tất cả muôn loài vạn vật khác. Đó là thể hiện lòng từ bi. Nhứt là tránh được quả báo oán thù.

Tóm lại, qua hành động sát hại sinh vật của Phật tử như trong câu hỏi của Phật tử nêu ra, theo tôi, thì y cứ luật nhân quả hễ có gây nhân dù là rất nhỏ, cũng đều có quả, không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, trong nhân quả đó, nó còn có nhiều yếu tố phụ thuộc khác của cái nhân trong khi gây tạo, do đó, mà kết quả có nặng nhẹ sai khác nhau.

Trường hợp của Phật tử, thật ra, không phải tự ý Phật tử đi tìm nó để giết hại. Việc làm của Phật tử là do quý thầy và đại chúng công cử, sai bảo, chớ không phải Phật tử tự ý đứng ra làm việc đó. Nên, nếu có tội là tội chung, chớ không phải chỉ riêng một mình Phật tử lãnh chịu. Thứ hai, là chủ tâm của Phật tử làm là quét dọn chung quanh sân chùa cho được sạch sẽ, chớ Phật tử đâu có chủ tâm tìm chúng để giết.

Như vậy, chúng bị chết, chẳng qua đó cũng là cái nghiệp quả của chúng mà thôi. Chả lẽ vì sợ chúng chết, rồi mặc cho cỏ rác mọc um tùm và tràn ngập cả sân chùa, cứ để vậy mà chịu sao? Nếu thế, thì tại sao có bài kệ được đề cao việc quét dọn sân chùa:

Thường tảo già lam địa

Thời thời phước huệ sanh

Tuy vô nhơn khách chí

Diệc hữu Thánh nhơn hành.

Nghĩa là:

Thường quét đất sân chùa

Phước huệ luôn luôn sanh trưởng

Tuy không du khách đến viếng

Cũng có Thánh nhơn đi qua.

Như vậy, Phật tử cũng đừng lo sợ, nếu có tội là tội chung chớ không phải một mình Phật tử. Vì Phật tử làm là do đại chúng sai bảo vậy.

53. Tạo tội như núi cả …?

Hỏi: Trong phần nghi thức tụng kinh Pháp Hoa, có bài kệ khen ngợi kinh, trong đó có 2 câu:

Dù cho tạo tội hơn núi cả

Chẳng nhọc Diệu Pháp vài ba hàng”.

Xin hỏi: Có phải người dù tạo tội to như núi Tu Di đi nữa, chỉ cần tụng vài hàng trong kinh Pháp Hoa, thì tất cả tội chướng đều tiêu tan hết phải không?

Đáp: Xin chớ hiểu lầm ý của bài kệ nói. Không có chuyện ngược đời như vậy được. Nếu như thế, thì tu hành chi cho mệt sức. Trong khi sống, cứ tha hồ tạo tội, đến khi bệnh nặng chỉ cần tụng vài ba hàng kinh Pháp Hoa là xong ngay, bao nhiêu tội chướng chất chồng đều tiêu tan hết. Nếu hiểu như thế, thì chắc là cả thế gian nầy đại loạn mất. Cuộc sống sẽ trở thành hỗn độn, không còn ai biết lo sợ nhân quả báo ứng gì cả.

Ý của hai câu đó, theo chỗ chúng tôi hiểu là như vầy: Đây là bài khen ngợi kinh, mà chủ yếu của kinh Pháp Hoa là Phật dạy không ngoài bốn chữ: “Khai, Thị, Ngộ, Nhập”. Bốn chữ nầy nhằm một mục đích chính mà Phật muốn chỉ bày cho tất cả chúng sanh nhận ra và sống được với cái “Thể tánh thanh tịnh sáng suốt” mà mỗi người đều sẵn có, trong kinh gọi là: “Phật tri kiến”. Nếu người nào nhận ra và sống đúng trọn vẹn với thể tánh thanh tịnh bản nhiên sáng suốt nầy, thì dù cho bao nhiêu tội lỗi đã có cũng đều tiêu tan hết. Lý do tại sao? Bởi vì tội tánh vốn không.

Trong Chứng Đạo Ca Ngài Vĩnh Gia Huyền Giác nói: “Chứng Thật tướng vô nhơn pháp, sát na diệt khước A tỳ nghiệp”. Hay “Vô minh thật tánh tức Phật tánh, ảo hóa không thân, tức Pháp thân. Pháp thân giác liễu Vô Nhứt Vật….” Khi chứng Thật tướng, tức là “Tướng Không” của muôn pháp, thì nhơn và pháp sẽ không còn. Thật tướng là tên khác của Tri kiến Phật. Khi chưa chứng được Thật tướng hay chưa chứng thật Tri kiến Phật, thì nhơn ngã bỉ thử, tức là mọi vọng chấp đều có đủ. Nhưng khi chứng ngộ rồi, thì mọi thứ đều tan biến hết. Vì vô minh nó không có thật thể. Dụ như bóng tối nó không có thật thể cố định. Như trong một căn phòng, ban đêm tối đen như mực, bỗng có ánh sáng chiếu vào, tất nhiên bóng tối kia không còn, nó tan biến một cách rất nhanh chóng. Dù bóng tối đó trải qua hằng mấy trăm năm cũng thế.

Tại sao nó tan biến nhanh như vậy? Tại vì nó không có thật thể cố định. Như vậy, bóng tối là dụ cho vô minh hay tội lỗi, vì tội lỗi có ra là gốc từ vô minh, mà gốc không có thì làm gì cái ngọn có? Như vậy, hai câu kệ trên ý nói: Khi chúng ta nhận được cái Diệu Pháp, (tức tên khác của Phật tri kiến), và sống trọn vẹn với cái Diệu Pháp đó, thì không cần phải nhọc công tụng đọc, dù chỉ là vài hàng thôi, thì bao nhiêu tội lỗi cũng không còn. Ngược lại, dù chúng ta khổ công tụng không biết bao nhiêu bộ, trải qua không biết bao nhiêu lần, rốt lại tội lỗi vẫn còn nguyên vẹn. Lý do tại sao vậy? Tại vì chúng ta tụng đọc suông trên văn tự chữ nghĩa, hay tụng cho có phước. Thế thôi! Chúng ta không nhận được ý kinh Phật dạy.

Tụng hết năm nầy đến năm khác, nhìn lại, phiền não tham, sân, si vẫn không tiêu mòn chút nào. Thử hỏi tụng đọc như vậy, thì làm sao tiêu tội cho được?! Muốn hết tội, phải thấy Tánh (Diệu Pháp) và phải hằng sống với cái Tánh thể đó, thì tội gì cũng không còn. Như mặt trời hiển hiện chiếu sáng, thì tất cả mây mù đều tan biến hết. Điều quan trọng là làm sao cho mặt trời Trí Huệ hiển hiện…Chính đó mới là điều quan trọng.

54. Có phải vì bệnh làm phiền trong chúng…?

Hỏi: Mỗi lần nhập chúng tu học, vì cơ thể già nua yếu đuối, nên dễ sanh bệnh. Cứ mỗi lần bệnh làm phiền đến những người khác phải quan tâm lo lắng. Vậy xin hỏi: Như vậy, con có mắc cái tội làm động chúng không? Và con có mất công đức tu học không?

Đáp: Bệnh là một trong bốn nỗi khổ lớn của con người: sanh, già, bệnh, chết. Đã là quy luật chung thì không ai tránh khỏi. Tuy nhiên, bệnh trạng nặng nhẹ, còn tùy thuộc vào nghiệp lực của mỗi người mà có nặng nhẹ khác nhau.

Trường hợp của Phật tử, không có gì là mang tội làm động chúng cả. Tội động chúng là khi nào tới giờ ngủ nghỉ mà Phật tử không chịu nằm yên để ngủ, hoặc vì ngủ không được, nên Phật tử đi đứng gây tiếng động làm ồn những người khác không ngủ được, như thế, thì Phật tử mang tội làm động chúng. Vì trong thời gian tu học, mọi người rất cần đến sức khỏe để hành trì giữ đúng theo thời khóa, mà Phật tử không tôn trọng giờ giấc ngủ nghỉ của những người khác, như vậy, Phật tử vừa phạm nội quy mà cũng vừa làm động chúng nữa. Đây là điều mà mọi người dự tu trong những khóa tu ngắn hay dài hạn do chùa tổ chức, cần nên chú ý để tránh những lỗi lầm nầy. Còn trường hợp của Phật tử có khác. Vì bệnh là ngoài ý muốn của Phật tử.

Vả lại, trong tinh thần sống chung hòa hợp của một tập thể, thì cần phải thể hiện tinh thần tương trợ cho nhau, nhứt là trong khi có một người nào đó đau yếu bệnh hoạn. Nên việc những người khác giúp cho Phật tử, đó là chuyện bình thường và rất tốt, không có gì là động chúng cả. Như vậy, hai trường hợp khác nhau rất xa. Phật tử yên tâm không có gì là mang tội. Phật tử cũng không có mất công đức tu học. Tuy nhiên, như trên chúng tôi có nói, bệnh là nghiệp quả của mỗi người, nhứt là trong khi tu học mà Phật tử lại bị bệnh, như vậy, thì nghiệp của mình hơi nặng. Phật tử nên thành tâm sám hối cho tiêu bớt nghiệp. Nếu trong khi bệnh, nhưng mọi thời khóa tu học, Phật tử vẫn giữ đều đặn, thì không có gì là mất công đức.

Ngược lại, nếu Phật tử vì bệnh mà không theo đúng thời khóa cùng với đại chúng, thì đương nhiên, Phật tử sẽ bị thua thiệt hơn người ta. Nhưng, nếu trong lúc bệnh nằm trong phòng không đi tụng niệm được, mà Phật tử vẫn cố gắng nhiếp tâm niệm Phật, được như thế, thì không có gì phải mất công đức cả. Mất công đức là khi nào, Phật tử khỏe mạnh, mà tìm cách lẩn trốn thời khóa không đi tụng niệm cùng với đại chúng, đó mới là mất công đức. Chẳng những thế, mà còn mang thêm tội thọ dụng của Đàn na thí chủ nữa. Vì những người nầy, họ bỏ công sức ra lo nấu nướng cho mình ăn mà mình không lo tu và thêm cái tội sống không hòa chúng. Trường hợp nầy, khi tu học cùng với đại chúng, thì không nên có. Ngoài ra, Phật tử yên tâm không sao cả. Không ai chấp nhứt những người thật sự bệnh hoạn như Phật tử đâu.

55. Ý nghĩa câu tình dữ vô tình…?

Hỏi: Trong bài phục nguyện cũng như trong bài sám có câu: tình dữ vô tình giai cộng thành Phật đạo. Hoặc tình dữ vô tình đồng viên chủng trí. Xin hỏi: ý nghĩa của hai câu nầy như thế nào?

Đáp: Muốn hiểu ý nghĩa của hai câu nầy, trước hết, chúng ta cần hiểu ý nghĩa của những từ ngữ: “Phật đạo và Chủng trí”. Phật đạo ở đây không có nghĩa là chỉ cho Phật quả. Mà ta có thể hiểu là chỉ cho Tánh giác. Còn danh từ “chủng trí” cũng là tên khác của Tánh giác mà thôi. Bởi trong kinh có nói đến 3 loại trí: 1. Nhứt thiết trí là trí của hàng Thanh Văn. 2. Đạo chủng trí là trí của Bồ tát. 3. Nhứt thiết chủng trí là trí của Phật. Như vậy, chủng trí nói cho đủ là “Nhứt thiết chủng trí”, tức cái trí biết tất cả chủng loại. Còn tình, nói đủ là hữu tình, tức chỉ cho những loài có tri giác tình thức phân biệt. Còn vô tình là những loài không có tri giác. Mà những loài không có tri giác, thì làm sao biết tu hành thành Phật được.

Cho nên, nếu chúng ta hiểu hai chữ Phật đạo là Phật quả, thì không làm sao giải nghĩa được hai câu trên. Còn nếu chúng ta hiểu Phật đạo hay chủng trí ở nơi cái Tánh thể, thì mới giải thích được. Lý do tại sao? Bởi vì tất cả các loài hữu tình hay vô tình đều có chung một Tánh thể. Vạn vật đồng nhứt thể. Dụ như muôn ngàn lượn sóng to nhỏ có khác nhau, nhưng tất cả đều từ nước mà có. Sóng tuy có khác mà nước thì chỉ có một. Nước là thể mà sóng là tướng và dụng của nước vậy.

Tánh thể nầy là tánh thanh tịnh bản nhiên của muôn vật. Ở nơi loài hữu tình, thì gọi nó là Phật tánh; ở nơi loài vô tình, thì gọi nó là Pháp tánh. Như vậy, giữa Phật tánh và Pháp tánh, danh từ tuy khác, nhưng Thể không hai. Tuy nhiên, nếu ta nói một cũng không đúng. Tại sao? Vì tánh thể nầy khi tác dụng ở nơi loài hữu tình, tiêu biểu như loài người, thì gọi đó là trí huệ và dùng trí huệ nầy nhận ra được tánh thể của muôn loài, thì gọi đó là pháp tánh. Người nào nhận ra và sống trọn vẹn với cái tánh thể đó, thì gọi người đó là Phật hay bậc Đại giác. Như vậy là hai mà không hai, (trong kinh thường gọi là Pháp môn bất nhị), vì giác ngộ việc đó nên thành phật thì Phật cũng không ngoài Pháp tánh. Nói chung, hữu tình và vô tình đều có chung một bản thể sáng suốt thanh tịnh, nên nói là đồng thành Phật đạo hay đồng viên chủng trí cũng thế.

56. Kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc khác nhau thế nào?

Hỏi: Kiến hoặc, tư hoặc và trần sa hoặc, ba thứ hoặc nầy giống nhau và khác nhau như thế nào?

Đáp: Ba thứ nầy có điểm giống nhau và cũng có những điểm khác nhau. Giống nhau ở chỗ, ba thứ nầy đều là vô minh phiền não, đều có tác dụng làm cho chúng sanh mãi bị trầm luân trong sanh tử. Tuy nhiên, chúng cũng có những điểm khác nhau. Trước hết xin nói sự khác biệt giữa kiến hoặc và tư hoặc, rồi sau mới nói đến khác biệt với trần sa hoặc.

Kiến hoặc là gì? Kiến hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Lý. Chúng gồm có 5 thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ. Còn tư hoặc là những thứ mê lầm thuộc về Sự. Chúng cũng gồm có 5 thứ: tham, sân, si, mạn, nghi. Gọi chung 10 thứ nầy là 10 thứ căn bản phiền não. Vì chúng là cội gốc gây ra bao nhiêu sự khổ đau mà con người luôn luôn hứng chịu. Mười thứ nầy, tuy cũng là gốc phiền não, nhưng cường độ sâu, cạn, hay mạnh, yếu của chúng có khác nhau. Nhà Duy thức chia chúng ra làm hai loại:“ngũ độn sử và ngũ lợi sử”. 

Đối với 5 món: tham, sân, si, mạn, nghi, hành tướng của chúng rất sâu và mạnh, nên gọi chúng là độn (chậm lụt và khó trừ). Ngược lại, 5 thứ kia: thân kiến, biên kiến… thì hành tướng của chúng yếu hơn, nên gọi là lợi sử. Sử có nghĩa là sai khiến, chúng sai khiến người ta phải làm theo mệnh lệnh của chúng. Đối với 5 thứ trước, hành giả phải tu đến địa vị “Tu đạo” mới trừ được. Còn 5 món sau, vì tánh cách mê lý cạn cợt, nên hành giả tu hành đến địa vị “Kiến đạo” (thấy rõ chân lý và tin chắc lý nhân quả) thì trừ được chúng.

Nói chung, hai thứ nầy, khác nhau về cường độ mạnh yếu và hành tướng chậm lụt cũng như nhạy bén có sai khác. Và khi đoạn trừ, cũng có sự khác nhau ở địa vị tu chứng. Đó là đại khái sự khác nhau giữa Kiến, Tư hoặc là như thế.

Còn đối với trần sa hoặc thì có khác. Bởi trần sa hoặc không phải là thứ phiền não của các vị A la hán. Vì những vị A la hán đã đoạn hết kiến, Tư hoặc, nhưng các ngài bị chướng ngại ở nơi hoặc lậu (phiền não) của chúng sanh. Nghĩa là các ngài thấy phiền não của chúng sanh nhiều như là cát bụi (trần sa). Do đó, các ngài không dám ra độ sanh như các vị Bồ tát. Như vậy, sự khác biệt giữa kiến, Tư hoặc và trần sa hoặc là như thế.

57. Thọ Tam quy không sanh về cảnh giới ác…?

Hỏi: Trong kinh nói: quy y Phật bất đọa địa ngục, quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ, quy y Tăng bất đọa bàng sanh. Người Phật tử sau khi quy y, không còn đọa vào các loài nầy nữa, tức không đọa vào Tam đồ, tất nhiên sẽ sanh vào cảnh giới an vui. Như thế, thì tại sao người Phật tử sau khi chết lại thỉnh chư Tăng Ni tụng kinh cầu siêu? Như vậy có chống trái hay không?

Đáp: Thật ra không có gì là chống trái. Trong kinh nói về Tam quy y ở trên, không có nghĩa là ám chỉ cho con người sau khi chết mới không bị sa đọa. Nếu chúng ta hiểu như thế, mới là chống trái lại với ý kinh. Kinh nói rất rõ. Muốn hiểu được nghĩa lý trên, chúng ta cần phải hiểu rõ về ý nghĩa của từng câu một.

Tại sao quy y Phật không đọa vào địa ngục? Quy y có nghĩa là trở về nương tựa, còn Phật nghĩa là giác ngộ, sáng suốt. Như vậy quy y Phật, nghĩa là trở về nương tựa với một bậc giác ngộ sáng suốt. Qua câu nầy, nếu chúng ta chỉ hiểu đơn sơ ở phần sự tướng bề ngoài, thì không đúng. Bởi vì, hiện tại có lắm người sau khi quy y Tam Bảo rồi, họ tạo nghiệp bất thiện như cướp của, giết người v.v… Họ lại bị bắt nhốt trong lao ngục. Như thế, thì ta thử hỏi tại sao họ đã quy y Tam Bảo rồi mà họ còn phải bị đọa như vậy? Đó có phải là vì họ chỉ quy y suông, chớ họ không có gìn giữ giới cấm hay thật sự trở về với Phật.

Một người, sau khi quy y Tam Bảo, chỉ cần biết nương theo Tam Bảo thế gian, rồi cố gắng làm lành theo những lời Phật dạy, thì làm gì có xảy ra cảnh tù tội giam cầm. Đó là nói quy y theo nghĩa cạn cợt hình tướng mà còn được lợi ích như thế, hà tất gì quy y ở nơi phần lý tánh. Cho nên, người phật tử khi quy y phải biết quy y có hai phần: “Sự quy y và Lý quy y”.

Ý nghĩa trong kinh nói về Tam quy ở trên, không phải nói về Sự quy y mà nói về Lý quy y. Lý quy y là sao? Lý là lý thể, tức chỉ cho phần tánh giác sáng suốt của mỗi người sẵn có. Mỗi người chỉ cần trở về nương tựa (đấy là một cách nói theo ngôn ngữ) với tánh giác sáng suốt, thì làm gì có rơi vào địa ngục. Bởi địa ngục là nơi tối tăm (nghĩa đen) nghĩa bóng là chỉ cho tâm hồn của chúng ta bị phiền não cấu nhiễm nổi lên làm bức bách khó chịu. Đó là trạng thái bị rơi vào địa ngục. Hễ có tối tăm, thì không có sáng suốt, hay ngược lại cũng thế.

Còn ngạ quỷ là loài quỷ đói, do nhân bỏn xẻn mà có ra cái quả đau khổ đó. Nếu một người đã thật sự trở về nương tựa với chánh pháp, với tánh thể bình đẳng, trải rộng lòng từ bi thương yêu muôn loài, không có tâm keo kiết bỏn xẻn, luôn giúp đỡ cho mọi người thoát khổ được vui. Người có tâm như thế, thì làm gì đọa vào loài quỷ đói.

Còn súc sanh cũng thế, một tâm hồn si mê u tối, sống không có luân thường đạo đức, không phân biệt phải trái, tốt xấu, hành động càn bướng, đó là nếp sống của loài súc sanh. Ngược lại, người có tâm hồn sáng suốt thanh tịnh, sống theo chân lý, không chút tà tâm sái quấy, thì làm gì đọa vào súc sanh hay bàng sanh.

Nói tóm lại, người Phật tử đã thật sự quy y Tam bảo cả Sự lẫn Lý, đúng theo ý nghĩa quy y, thì bảo đảm người đó hiện đời sẽ không đọa vào tam đồ ác đạo như đã nói ở trên. Đã thế, thì sau khi họ chết, có cầu siêu hay không, không thành vấn đề. Vì hiện đời họ đã siêu rồi, tức họ đã vượt qua cảnh giới khổ đau rồi. Nhân đã như thế, thì quả cũng phải như thế. Không thể quả trái ngược lại nhân. Cho nên việc cầu siêu đó, chẳng qua làm theo lệ thường tình mà thôi. Như vậy, có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Hiểu như vậy, thì không có gì là chống trái cả.

58. Tụng Kinh cầu siêu có thật sự siêu hay không?

Hỏi: Việc tụng kinh cầu siêu cho người chết có thật sự siêu hay không?

Đáp: Vấn đề nầy, thú thật chúng tôi không thể nào trả lời một cách quả quyết dứt khoát được. Bởi không thấy, không biết, thì làm sao dám nói quả quyết. Tuy nhiên, theo chỗ học hiểu của chúng tôi, thì người Phật tử hay không phải Phật tử, tốt hơn hết là mình nên cầu siêu cho chính mình lúc còn sống.

Cầu siêu lúc còn sống là sao? Bởi vì hai chữ cầu siêu, nó có nghĩa là mong mỏi vượt qua mọi khổ đau. Nhưng nếu chúng ta chỉ cầu siêu suông bằng cách nói như thế, thì ngàn đời cũng không thể nào vượt qua khỏi khổ đau được. Muốn vượt qua khỏi khổ đau, thì chúng ta cần phải tu. Nghĩa là chúng ta cần phải làm lành lánh dữ. Điều gì xấu ác, không lợi cho bản thân và tha nhân, thì chúng ta quyết định không làm. Như người Phật tử, sau khi quy y thọ ngũ giới rồi, quyết tâm gìn giữ không phạm, được thế, thì hiện đời đã siêu rồi, còn nói gì đến đời sau. Ngược lại, điều xấu ác luôn làm, thì làm sao tránh khỏi quả báo khổ đau.

Có người vì quá tham lam, sân hận, gây ra thảm cảnh cướp của giết người. Có người vì nghiện ngập cờ bạc, rượu chè say sưa, hút xách, không kiềm chế được tánh xấu, nên đã gây ra nhiều tội phạm, bị pháp luật trừng trị hình phạt tương xứng theo nhân mà họ đã gây tạo, như bị đánh đập tra khảo tù đày v.v…

Như thế, thì làm sao chúng ta có thể cầu cho người đó siêu được? Không thể người nầy ăn, người khác lại no, hay người nầy học, người kia biết chữ. Làm gì có chuyện ngược đời như thế. Như vậy là phản với luật nhân quả. Cũng thế, khi một người tạo tội đã bị giam cầm hình phạt, thì ta không thể tối ngày cầu nguyện nói rằng: Xin cho người đó hết tội! xin cho người đó hết tội! 

Thử hỏi cầu nguyện như thế người đó có hết tội hay không? Hay là chính do người đó phải cải hối ăn năn qua những hành động mình đã làm và phải thể hiện những hành động cụ thể cho người có trách nhiệm trông coi mình, biết mình có thật tâm cải thiện. Chừng đó, người ta mới xét đến mà ân xá hoặc tha cho.

Còn những lời cầu nguyện van xin kia, chỉ có tánh cách giúp cho tội nhân kia cảm động mà hồi tâm cải ác tùng thiện, cải tà quy chánh, chuyển đổi ở nơi tâm thức và hành động. Chớ nó không có một thần lực nào cứu vớt người đó khỏi tội được. Như vậy, việc cầu siêu chỉ là một trợ duyên thôi. Tất cả đều tùy thuộc vào đương sự. Khổ vui chính do người đó tự quyết định lấy.

Hiểu theo ý nghĩa cầu siêu như thế, thì người Phật tử không còn ỷ lại vào chư Tăng, Ni tụng kinh cầu siêu nữa. Bởi thực tế, thì chư Tăng Ni cũng phải cầu siêu cho chính họ. Và khi tụng thì tụng theo xưa bày nay làm, chớ thật sự không có một vị Tăng Ni nào dám quả quyết là siêu hay không siêu. Vì có thấy biết đâu mà dám nói càn. Thực tế là như thế.

Tóm lại, tự mỗi người phải lo tu, đừng bao giờ ỷ lại vào bất cứ ai kể cả Phật, Bồ tát, vì các Ngài cũng không thể cứu vớt chúng ta, bằng thần lực hay đưa tay cứu khổ. Các Ngài chỉ cứu khổ cho chúng sanh bằng cách chỉ dạy qua những lời được kết tập trong kinh điển. Nếu chúng ta y cứ vào đó mà hành trì, thì đó là chính ta tự cứu lấy ta vậy. Và như thế mới là thượng sách và mới đúng với ý nghĩa cầu siêu. Bằng ngược lại, thì chúng ta sẽ chuốc khổ dài dài đi mãi trong vòng luân hồi khổ đau bất tận. Kính mong mọi người nên tự xét lấy!

59. Giản biệt giữa tu phước và tu huệ?

Hỏi: Xin giản biệt giữa tu phước và tu huệ khác nhau như thế nào?

Đáp: Tu phước và tu huệ khác nhau trên ý niệm và trên kết quả. Thế nào khác nhau trên ý niệm? Như chúng ta thấy một người nghèo khổ, động lòng từ bi, chúng ta tìm cách giúp đỡ cho họ. Từ đó, chúng ta bố thí cho họ tiền bạc, của cải v.v… để cho họ được no cơm ấm áo. Đó là chúng ta khởi niệm tu phước.

Còn khởi niệm tu huệ là sao? Khi chúng ta khởi nghĩ đi đến chùa để học hỏi nghe giáo lý Phật dạy, liền đó chúng ta đi ngay. Và khi đến chùa, chúng ta vào lớp học để nghe quý thầy giảng dạy. Trong khi nghe, chúng ta chăm chú nghe từng lời nói của vị giảng sư rồi chúng ta suy nghĩ thật chính chắn qua từng lời nói, sau đó, chúng ta đem ra ứng dụng thật hành để được lợi lạc cho bản thân ta.

Như vậy, giữa hai ý niệm khác nhau, một đàng là chúng ta khởi niệm muốn giúp đỡ người khác để chúng ta được có phước. Ngược lại, đằng nầy, chúng ta khởi nghĩ học hỏi chánh pháp để trau dồi trí năng của chúng ta, ngày thêm được sáng suốt hơn. Như vậy, rõ ràng có sự khác biệt ở nơi cái nhân của Ý Niệm. Và khi kết quả cũng có khác nhau. Kết quả của sự bố thí, cúng dường, thì chúng ta hưởng được phước báo giàu sang, an vui. Ngược lại, kết quả của sự trau dồi học hỏi qua 3 phương pháp: “Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ”, kết quả, chúng ta sẽ được trí huệ sáng suốt.

Như thế, tu phước, thì xuất phát từ lòng từ bi, vì có thương người, thương vật nên chúng ta mới thi ân giúp đỡ. Còn tu huệ, thì xuất phát từ lý trí, biện biệt được lẽ chánh tà chân ngụy. Trong kinh Phật dạy, người Phật tử cần phải gia công tu tập cả hai: “Phước trí lưỡng toàn mới phương tác Phật”. Chúng ta không nên chỉ tu nghiêng một bên. Nếu chỉ đặt nặng một bên, thì chẳng những không đạt được kết quả tốt đẹp lợi lạc, mà còn gây ra nhiều tai hại nữa. Nếu chỉ có từ bi mà không có trí huệ đi kèm, thì từ bi đó dễ trở thành mù quáng. Ngược lại, chỉ có biết tu huệ không thôi, thì đó là trí huệ khô, chẳng làm lợi lạc cho ai. Vì vậy, người Phật tử cần phải tu hết cả hai vậy.

60. Vô thường có phải là chủ thuyết bi quan không?

Hỏi: Vô thường có phải là chủ thuyết bi quan không?

Đáp: Vô thường không phải là chủ thuyết bi quan, mà trái lại, nó là chủ thuyết lạc quan. Lý do tại sao? Bởi vì, mọi vật trên đời nầy, nhờ vô thường nên chúng luôn luôn đổi mới. Như dòng nước trôi chảy không bao giờ đứng yên một chỗ. Nhờ có sự thay đổi đó, mà xã hội luôn luôn tiến bộ. Nếu mọi vật đứng yên một chỗ, thì cuộc đời nầy vô cùng buồn tẻ, và có lẽ, cũng không còn ai tha thiết muốn sống.

Như chúng ta trồng một cây kiểng, nếu cây kiểng đó, tự nó không có sự biến chuyển thay đổi, thì làm gì nó trở nên tươi đẹp. Dù chúng ta có ra công chăm sóc tới đâu đi nữa, thì nó cũng không bao giờ thay đổi. Cũng như dòng nước trong xanh tươi mát kia, sở dĩ nó được trong xanh như thế, là vì nhờ nó luôn luôn trôi chảy không dừng, nó cuốn phăng đi những thứ rác rến, nhơ nhớp, không bị tù hảm thành dơ bẩn. Một thí dụ khác, như khi chúng ta dùng thực phẩm hằng ngày, nếu không vô thường, thì thực phẩm kia làm sao tiêu hóa. Nếu không tiêu hóa, vật nào nguyên vẹn vật đó, thì làm sao chúng ta có thể sống được?

Tóm lại, sự đời nhờ vô thường mà cuộc sống luôn luôn đổi mới, thú vị, yêu đời. Hiểu như thế, thì chúng ta nên khéo lợi dụng sự vô thường đó mà luôn luôn đổi mới thân tâm của chúng ta theo chiều hướng tốt đẹp để làm thăng hoa trong cuộc sống. Đó là một thái độ khôn ngoan và luôn luôn lạc quan, yêu đời vui sống. Như vậy, theo lý vô thường, tự nó sẽ đào thải tất cả những gì lỗi thời không phù hợp thích nghi với nền văn minh tiến bộ của nhơn loại mỗi ngày mỗi đổi mới. 

Hits: 351

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11