Phần Video do HT Pháp Tông thuyết giảng , phần content nguồn từ phatgiao.org.vn
Ý nghĩa và lợi ích của việc xuất gia gieo duyên
Xuất gia gieo duyên là một việc làm đem lại phước báu vô biên, là nhân lành khiến trí tuệ phát sanh diệt trừ phiền não, là hành động thiện lành này sẽ dẫn dắt những người con Phật được gặp Chánh Pháp để tiếp tục việc tu tập tiến đến đạt được quả vị vô sanh bất diệt trong những kiếp lai sinh.
>>Phật tử có thể đọc loạt bài về Đức Phật
Đời sống con người vẫn như một dòng sông tuôn chảy mông mênh, như con thuyền lênh đênh giữa biển mù khơi không biết hướng về. Hiện thân một cách mộng mị rồi trôi lăn trong triền sóng vô minh của sinh tử chưa từng phản tỉnh. May mắn thay, đức Phật xuất hiện vào đời như ngọn hải đăng định hướng cho con thuyền. Chấn pháp lôi, kích pháp cỗ, chuyển bánh xe Pháp, làm áng mây lành che mát mười phương. Soi sáng con người biết đâu nẻo chánh, đường tà, tỏ rõ bờ mê, bến giác. Trong lòng từ cứu độ chúng sinh, Phật Pháp đã cung ứng cho chúng ta rất nhiều pháp môn tu tập. Tùy bệnh cho thuốc, uyển chuyển độ đời. Cảm nhận được sự khát khao cầu học hạnh xả ly, xuất gia học đạo, mà duyên trần thì quá ư chằng chịt, không phải dễ gì một bước ra khỏi.
“Xuất gia gieo duyên” là cánh cửa phương tiện được mở ra để những ai mong cầu giải thoát trong hiện tại và tương lai. Truyền thống này được thực hiện trong các nước Phật Giáo Nam Truyền như Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia và một vài nước Phật Giáo Bắc Truyền như Đài Loan, Trung Quốc.
Xuất gia gieo duyên là gì?
“Xuất gia” là lìa khỏi gia đình thế tục để sống đời sống an lạc giải thoát của người tu sĩ. “Gieo duyên” vì chưa thực hiện được hoàn toàn đời sống xuất gia nên xin được kết duyên lành với chí nguyện xuất trần này.
Xuất gia gieo duyên là gieo những hạt giống, trồng những duyên lành xuất gia; là làm quen, tập sự, trải nghiệm đời sống xuất gia. Cụ thể, khi một người có chí nguyện xuất gia, để tự lượng sức, vị này phát tâm gieo duyên xuất gia tập sự một thời gian, sau đó mới chính thức xuất gia. Trường hợp khác, đa phần những người nhận thấy đời sống xuất gia thật đẹp nhưng chưa hội đủ duyên lành để dấn thân trọn đời nên chỉ gieo duyên vài ngày hay trong một khóa tu ngắn hạn. Một số nước, xuất gia gieo duyên còn là văn hóa truyền thống của dân tộc, xứ sở.
Xuất gia gieo duyên còn có một đặc điểm quan trọng là tuy thời gian xuất gia không dài (một ngày đêm cho đến nhiều hơn) nhưng người xuất gia phải tuân thủ đúng theo các phép tắc, chuẩn mực, và cả sự tu học giống như những vị xuất gia thực thụ. Khi hết thời hạn, người xuất gia gieo duyên phải xả giới, trả y và trở về đời sống cư sĩ như bình thường. Nói dễ hiểu, người đủ duyên thì phát tâm xuất gia trọn đời. Người chưa đủ duyên thì chỉ xuất gia trong một thời gian ngắn thôi, gieo duyên là chính. Trong khi còn làm người xuất gia (dù gieo duyên hay trọn đời) thì bổn phận và trách nhiệm tu học của họ đều giống nhau.
Ý nghĩa, lợi ích của việc xuất gia gieo duyên
Xuất gia gieo duyên có một ý nghĩa sâu sắc. Những người có duyên lành xuất gia gieo duyên đó là những vị ấy tự chọn lựa cho mình một hướng đi tươi sáng khi thực hành sự buông bỏ vật chất và tinh thần thuộc về thế gian pháp để vững tiến trên con đường Bát Chánh nhằm giải thoát khỏi khổ đau trong sinh tử luân hồi. Và họ thật sự đang gieo duyên với Niết-bàn bất diệt khi những thiện nghiệp công đức cùng với sự vun bồi cả phước báu hữu lậu lẫn vô lậu ngày càng được tăng trưởng qua sự tu tập.
Những người phát tâm trở thành những vị sư hay những vị tu nữ gieo duyên với cuộc đời phạm hạnh trong những khoảng thời gian nhất định tùy theo sự phát tâm của từng người phù hợp điều kiện cụ thể của từng cá nhân. Đây thật sự là một việc làm đem lại phước báu vô biên, là nhân lành khiến trí tuệ phát sanh diệt trừ phiền não và hành động thiện lành này sẽ dẫn dắt những người con Phật được gặp Chánh Pháp để tiếp tục việc tu tập cho đến ngày tiến đến đạt được quả vị vô sanh bất diệt trong những kiếp lai sinh. Trong thời gian phát tâm như vậy, các nhà sư và tu nữ ấy họ sống trong môi trường tu tập đó là sự thực tập thiền định và thiền quán, nghe pháp, tụng kinh, giữ gìn giới luật. Tất cả những hành động thiện lành như vậy đem lại rất nhiều phước báu.
Những công đức này chắc chắn sẽ đem lại sự an vui cho các vị ấy ngay trong hiện tại và ở đời vị lai khi thiện nghiệp hội đủ nhân duyên cho quả. Sau đó, mãn một khóa tu gieo duyên như vậy, họ trở về cuộc sống đời thường tuy nhiên những hồi ức đẹp khi được gia nhập vào tăng đoàn vẫn luôn hiện hữu trong tâm và đây sẽ là động lực thúc đẩy cho các vị ấy vững tin, hộ trì cũng như hành theo Pháp Bảo để đạt đến chân hạnh phúc.
Lâm Linh (TH)
Hits: 107