Phật dạy: Nên nói cái gì và im lặng thế nào?
“Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi hội họp tại rạp tròn có cây Kareri và câu chuyện sau đây được khởi lên:
Này chư hiền, ai biết nghề gì? Ai học tập nghề gì? Nghề gì là tối thượng? Ở đây, một số người nói như sau: Huấn luyện voi là nghề tối thượng. Một số người khác nói: Huấn luyện ngựa là nghề tối thượng; Làm xe là nghề tối thượng; Nghề bắn cung là nghề tối thượng; Nghề đao kiếm là nghề tối thượng; Nghề tính toán là nghề tối thượng; Nghề viết bài là nghề tối thượng; Nghề làm thơ là nghề tối thượng; Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự nhiên là nghề tối thượng; Nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng… Câu chuyện giữa các Tỷ kheo chưa được nói xong thì Thế Tôn đến, nói với các Tỷ kheo:
– Này các Tỷ kheo, các Thầy ngồi ở đây nói câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa các Thầy chưa được nói xong?
Sau khi nghe các Tỷ kheo trình bày nội dung câu chuyện, Thế Tôn dạy:
– Này các Tỷ kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khi các Thầy nói lên câu chuyện như vậy. Khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, này các Tỷ kheo, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh!”.
(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 3, phẩm Nanda, Nxb TP.HCM ấn hành, 1999, tr.171)
Lời bàn:
Trong cuộc sống tu tập hàng ngày, ngoài thời gian dụng công tọa thiền, tụng kinh, bái sám, chúng ta thường quan tâm đến các vấn đề khác như: Phật sự, thời sự, xã hội, an ninh… Tu học trong thời đại hiện nay, quan tâm, thảo luận để nhận định về các tình hình, diễn biến của xã hội là điều cần thiết. Song, điều khẩn thiết hơn cả đối với người xuất gia là hoằng pháp và điều phục chuyển hóa tâm để được an tịnh, giải thoát.
Thuyết pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người tu. Tuyên thuyết giáo pháp giải thoát và giác ngộ của Thế Tôn, ngoài việc dạy người còn có tác dụng tự răn nhắc chính mình thực hành giáo pháp. Mặt khác, sự thảo luận về giáo nghĩa Phật pháp giữa các Tỷ kheo với nhau hay cùng với chư vị cư sĩ sẽ giúp hội chúng hiểu biết sâu sắc hơn về những điều thâm áo của giáo pháp.
Khi không nói pháp thì nên an trú thân tâm trong chánh niệm, thực hành sự im lặng của bậc Thánh. Đôi khi sự im lặng lại là một pháp thoại vô cùng hùng tráng, có sức thuyết phục lớn về thực hành uy nghi, niệm thân hành và khả năng định lực mạnh mẽ. Thế Tôn khuyến cáo người tu không nên nói chuyện tạp vì sa đà vào các vấn đề bên ngoài, dễ dàng dẫn đến hý luận và phóng dật, một trong những tác nhân cơ bản ảnh hưởng đến sự an trú và điều phục tâm.
Nói năng như pháp và im lặng như pháp là một biểu hiện của chánh niệm cao độ, định lực vững vàng. Đây cũng là cơ sở, nền tảng quan trọng để thăng hoa tâm linh, thành tựu giải thoát.
Quảng Tánh
Hits: 47