Một số đặc điểm hoằng pháp của Ðức Phật

Một số đặc điểm hoằng pháp của Ðức Phật

Trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Đức Phật không chuyển bánh xe pháp bằng quyền năng phép thuật, mà Ngài dùng trí tuệ giác ngộ và những phương pháp Phật pháp.

Đặc điểm hoằng pháp của Ðức Phật

Cuộc đời phạm hạnh của Đức Phật vốn là một sự vĩ đại: Ngài thị hiện Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo, chuyển bánh xe pháp đã mang lại nhiều giá trị cho con người về sự an lạc, giải thoát, hòa bình, tự do, bình đẳng, … Để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo, nhập Niết bàn làm ngày lễ Vesak – lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc(1). Trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Đức Phật không chuyển bánh xe pháp bằng quyền năng phép thuật, mà Ngài dùng trí tuệ giác ngộ và những phương pháp Phật pháp. Nghiên cứu cho thấy, sự nghiệp hoằng pháp độ sinh của Đức Phật có sáu đặc điểm cơ bản dưới đây:

Thứ nhất, Đức Phật dấn thân vào cuộc đời hoằng pháp cứu độ chúng sinh

Hạnh nguyện lớn nhất của Đức Phật thị hiện ra đời chính là cứu độ chúng sinh: “Đức Phật ra đời là vì một nhân duyên lớn duy nhất là khai thị chúng sinh ngộ nhập tri kiến Phật”(2), Đức Phật đã nhiều lần khẳng định: “Một cách chân chính về Ta sẽ nói như sau: Là vị hữu tình không có si ám, sinh ra ở đời vì hạnh phúc cho muôn loài, vì an lạc cho muôn loài, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người”. Vì vậy, cuộc đời phạm hạnh của đức Phật xuất hiện trên thế gian này chỉ có hai mục đích chính: tự độ và độ tha. Sau khi thành đạo Đức Phật không nhập Niết Bàn ngay, mà trên đôi chân trần suốt 49 năm, Ngài đi khắp các nẻo đường bắc Ấn Độ thực hiện sứ mệnh hoằng pháp, dấn thân vào cuộc đời cứu độ chúng sinh. Minh chứng điều này, kinh Đại Điển Tôn dẫn: “Này chư Thiện hữu ở Tam thập tam thiên các vị nghĩ thế nào? Như Lai dấn thân vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc vì an lạc cho loài Trời và loài Người”(3).

Cuộc đời phạm hạnh của Đức Phật vốn là một sự vĩ đại.

Tăng ni trẻ chuẩn bị cho con đường hoằng pháp trong tương lai

Thứ hai, Đức Phật dùng chính sự thực hành phạm hạnh của bản thân để giáo hóa chúng sinh (Hoằng pháp bằng thân giáo)

Đức Phật không chỉ dùng trí tuệ giác ngộ giáo hóa độ sinh mà Ngài còn dùng chính cuộc đời phạm hạnh của mình giáo hóa. Ngài Ưu Đà Di nói năm pháp tu tập thân giáo của Đức Phật, năm pháp gồm: “Sa-môn Cù-đàm tri túc về thô y, lại khen ngợi tri túc về thô y; Sa-môn Cù-đàm tri túc về ăn uống đạm bạc, lại khen ngợi về tri túc đạm bạc; Sa-môn Cù-đàm ăn ít, lại khen ngợi sự ăn ít; Sa-môn Cù-đàm tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ, lại khen ngợi tri túc về chỗ nghỉ ngơi và giường chõng thô sơ; Sa-môn Cù-đàm tĩnh tọa và ngợi khen tĩnh tọa”(4). Tuy nhiên, năm pháp này, chưa phải là sự rốt ráo về thân giáo. Cũng trong kinh này Đức Phật nói 5 pháp rốt ráo của thân giáo Như Lai: “Những gì là năm? Này Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do giới vô thượng, khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn có giới, đại giới, lời nói đúng theo việc làm, việc làm đúng theo lời nói”(5). Điều này nói lên: Đức Phật tri hành hợp nhất – lời nói luôn đi đôi với việc làm, nghĩa là tất cả những gì Đức Phật dạy đệ tử, thì Ngài cũng tự mình thực hành những lời dạy đó. Vì vậy việc làm, hành động của Đức Phật là bài học thân giáo, là tấm gương, là khuôn mẫu để các đệ tử noi theo.

Thứ ba, Đức Phật nói pháp có nhân duyên

Giáo lý căn bản của Đạo Phật là duyên khởi. Đức Phật giác ngộ giáo lý duyên khởi, nên khi nói pháp, Ngài đều căn cứ vào nhân, vào duyên để nói. Nói pháp có nhân duyên nghĩa là nói pháp có căn cứ, không phải vô căn cứ, nói pháp phù hợp với nhân duyên: “Lại nữa, Ưu-đà-di, Ta có đệ tử do vô thượng tri kiến, khen ngợi Ta rằng, ‘Thế Tôn biết khắp chứ không phải không biết; thấy khắp chứ không phải không thấy. Ngài nói pháp cho đệ tử có nhân chứ không phải không nhân, có duyên chớ không phải không duyên, có thể (giải) đáp chứ không phải không thể (giải) đáp, có thể xả ly chứ không phải không thể xả ly”(6).

Từ quan điểm nói pháp có nhân duyên, trong kinh Thiện Pháp, Đức Phật khuyên các vị Tỳ kheo phạm hạnh, muốn tu tập và hoằng dương Phật pháp cần thành tựu bảy pháp: “Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các vị tỷ khiêu rằng: Nếu có Tỷ khiêu thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là biết pháp, biết nghĩa, biết thời, biết tiết độ, biết mình, biết chúng hội và biết sự hơn kém của người”(7). Bảy phương pháp Đức Phật dạy thể hiện trí tuệ vượt thời đại trong công tác hoằng pháp, giáo dục giảng dạy, vừa mang tính chất nguyên tắc, định hướng, vừa là công cụ, kỹ năng, thái độ cần thiết mà mỗi sứ giả Như Lai cần phải hội đủ.

Trong sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh, Đức Phật không chuyển bánh xe pháp bằng quyền năng phép thuật, mà Ngài dùng trí tuệ giác ngộ và những phương pháp Phật pháp.

Người trụ trì với công tác hoằng pháp

Thứ tư, Đức Phật xây dựng Tăng đoàn hòa hợp, thanh tịnh

Phật pháp có được sương minh hay không phụ thuộc vào sự hòa hợp, thanh tịnh của Tăng đoàn. Khi Tăng đoàn hòa hợp thanh tịnh, không những khiến Phật pháp được hưng long mà còn khiến trời người được lợi lạc: “Một pháp xuất hiện ở đời khiến cho trời người an lạc, trời người được lợi. Một pháp đó là: Làm cho chúng Tăng hòa hợp, thì sau khi thân hoại mệnh chung sẽ sinh vào cõi Thiện, trên cõi trời, hoặc trong cõi người”(8). Vì thế, Đức Phật luôn hướng dẫn Tăng đoàn thực hành đời sống hòa hợp thanh tịnh, Ngài thường khuyên các vị tỳ kheo: “Không nghe từ người kia nói lại người này để phá hoại người kia. Chia rẽ thì làm cho hòa hợp, đã hòa hợp thì làm cho hoan hỷ. Không kết bè đảng, không vui theo bè đảng, không ca ngợi việc kết bè đảng” (9). Ngay cả khi Đức Phật không còn tại thế, Ngài vẫn di huấn Tăng đoàn phải hòa hợp thanh tịnh: “Này A-nan, như vậy sau khi Ta khuất bóng, các con sống cộng đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng đồng nhất trong một tâm, cùng đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp như nước với sữa, sống an lạc như lúc Ta còn tại thế” (10).

Thứ năm, Đức Phật thuyết pháp thiết thực với hiện tại, phù hợp, giải quyết được những vấn đề cuộc sống

Đức Phật thuyết pháp, chuyển bánh xe pháp, không ngoài mục đích giúp con người hết khổ được vui, giải quyết những vấn đề của cuộc sống, Ngài nói: “Mục đích mà Ta thuyết giảng Chánh pháp là đưa người thực hành đến chỗ tận diệt khổ đau” (11). Vì vậy, Đức Phật nói pháp lấy con người làm trung tâm, thiết thực trong hiện tại, giải quyết được vấn đề cuộc sống: “Chánh pháp được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, luôn luôn hướng thượng, chỉ người có trí tự mình giác hiểu. Một vị giảng sư thuyết pháp hướng thượng như vậy, một vị Ðạo sư đầy đủ đức tánh như vậy, chúng ta thật khó tìm thấy được trong quá khứ cũng như trong hiện tại, trừ Thế Tôn” (12). Điều này không có nghĩa Đức Phật coi thường quá khứ và tương lai. Giáo lý Đức Phật thiết thực và chú trọng hiện tại, vì hiện tại có thể giải quyết được nghiệp của quá khứ và có thể mang lại kết quả tốt trong tương lai.

Thứ sáu, Đức Phật bình đẳng trong giáo pháp và quan điểm, tư tưởng

Đức Phật luôn khẳng định tất cả chúng sanh đều có Phật tính. Ngài là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Trên tinh thần bình đẳng đó Đức Phật chỉ ra sự tác hại của việc phân chia đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ bấy giờ. Ngài tuyên ngôn về tinh thần bình đẳng, về quyền con người. Trong giáo Pháp, Ngài luôn dạy “đến để mà thấy” – nghĩa là mục đích cao nhất của mọi người đến với Đạo Phật là để giác ngộ. Đức Phật không ép buộc, không bắt mọi người phải tin Phật. Ngài đề cao niềm tin, nhưng niềm tin được xếp thứ hai sau trí tuệ: “Này các Tỷ-kheo, đối với ai mà lòng tin đối với Như Lai được an lập, căn cứ, an trú trên những dữ kiện, những văn cú, những văn tự như vậy, này các Tỷ-kheo, lòng tin như vậy được gọi là có dữ kiện đầy đủ, căn cứ trên (chánh) kiến, vững chắc, không thể bị phá hoại bởi một Sa-môn, Bà-la-môn” (13). Như vậy, lòng tin Như Lai cần được xác lập có căn cứ trên chính kiến (cái nhìn trí tuệ chân chính). Điều đó có nghĩa, mọi người chỉ tin Phật khi có chính kiến, có căn cứ, … chứ không phải cứ cái gì được gọi là kinh Phật, điều gì Tăng nói đều tin. Quan điểm này cũng thể hiện tinh thần tự do, bình đẳng về quan điểm tư tưởng của Đức Phật.

Giáo lý căn bản của Đạo Phật là duyên khởi. Đức Phật giác ngộ giáo lý duyên khởi, nên khi nói pháp, Ngài đều căn cứ vào nhân, vào duyên để nói.
Giáo lý căn bản của Đạo Phật là duyên khởi. Đức Phật giác ngộ giáo lý duyên khởi, nên khi nói pháp, Ngài đều căn cứ vào nhân, vào duyên để nói.

Hoằng pháp cho người trẻ

Chú thích:

(1) Resolution passed by the general assembly: 54/115. International recognition of Vesak day at United Nations headquarters and other United Nations offices, 1999.

(2) Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo năm 2000, tr.4.

(3) Hòa thượng Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 1, ‘Kinh Sợ Hãi Khiếp Đảm’, Viện NCPHVN ấn hành, 1992, tr.53.

(4) Hòa thượng Minh Châu dịch, “Kinh Trường Bộ”, ‘Kinh Đại điển tôn, Viện NCPHVN ấn hành, 1992, tr.53.

(5) Hòa thượng Tuệ Sĩ, Kinh Trung A Hàm, kinh Tiễn Mao 207, Nxb Văn hóa Phương Đông năm 1992, tr.832-833.

(6) Hòa thượng Tuệ Sĩ, Kinh Trung A Hàm, kinh Tiễn Mao 207, Nxb Văn hóa Phương Đông năm 1992, tr.835

(7) Hòa thượng Tuệ Sĩ, Kinh Trung A Hàm, kinh Tiễn Mao 207, Nxb Văn hóa Phương Đông năm 1992, tr.835.

(8) Thượng tọa Thích Hạnh Bình, Những vấn đề cốt lõi trong kinh Trung A Hàm, Nxb Hồng Đức năm 2018, tr.99.

(9) Thích Phước Sơn dịch, Luật Ma Ha Tăng Kỳ quyển 11, Nxb Tôn Giáo năm 2008.

(10) Hòa thượng Tuệ Sĩ, Kinh Trung A Hàm, Kinh Tượng Tích Dụ, Nxb Văn Hóa Phương Đông năm 1992, tr.259-260.

(11) Hòa thượng Tuệ Sĩ, Kinh Trung A Hàm, Kinh Châu Na, Nxb Văn Hóa Phương Đông, năm 1992, tr.715-716.

(12) Hòa thượng Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh Tập 3, Kinh Ba Lê, tr.7.

(13) Hòa thượng Thích Minh Châu, Trường Bộ Kinh, Đại Điển Tôn, tr.228.

ÐÐ. Thích Chánh Thuần

Hits: 21