Nhục kế của Đức Phật là gì?
Nhục là thịt, Kế là búi tóc. Nhục kế có nghĩa đen là cái búi tóc (bằng) thịt, còn được gọi là Phật đảnh (đỉnh đầu của Phật). Đảnh kế (búi tóc lên đỉnh đầu). Đây là các từ Hán dịch từ Usnisa (Sanskrit và Pali).
Đức Phật có để tóc hay không, tướng nhục kế là gì?
Đây là tướng tốt thứ 31 trong 32 tướng tốt và là vẻ đẹp thứ 66 trong 80 vẻ đẹp của Đức Phật, biểu hiện cho một vị Đại nhân (Mahapurusa), một vị vua vĩ đại, một vị Phật tương lai… mà nhà hiền triết kiêm tế sư Asita (A Tư Đà) đã kể ra khi được mời đến xem tướng cho Đức Phật lúc Ngài mới sinh ra được ba ngày.
Kinh điển Phật giáo thường nói rằng nhục kế của Đức Phật (và của Bồ-tát) là do tích tập công đức nhiều đời mà có, rằng do công đức ấy mà xương đỉnh đầu nhô lên và tự nhiên trở thành búi tóc. Chúng ta thường thấy nhiều tranh tượng về hình Đức Phật có bộ tóc xoăn, sát đầu, đỉnh đầu có khối thịt nhỏ nhô lên, đấy là nhục kế. Hình tượng này có lẽ được căn cứ vào Kinh Quán Phật Tam Muội Hải: “Xương đỉnh đầu của Như Lai tròn đầy như nắm tay, màu trắng; chỗ da mỏng thì màu hồng, chỗ da dày thì màu kim cương”.
Các nhà Phật học Tây phương đã tốn nhiều giấy mực để tranh cãi về ý nghĩa của nhục kế dựa theo các kinh luận Phật giáo. Phần mở đầu của bản sớ luận Kinh Bổn Sinh tên là Nidanakatha có kể rằng, Bồ-tát (sau này là Đức Phật Thích Ca) thấy đầu tóc của Ngài không thích hợp với một khất sĩ nên Ngài lấy dao mà tự cắt đi. Tóc còn lại dài khoảng hơn ba cm, xoáy về phía phải và cứ giữ như thế cho đến khi hết đời; râu của Ngài cũng như thế.
Kinh Mahapadana của Trường Bộ kể rằng, theo truyền thống của chư Phật, Phật Tỳ Bà Thi (Vipassi) đang ngồi trên xe bỗng trông thấy người trọc đầu (bhandu) mặc y vàng. Ngài (bấy giờ đang là Bồ-tát) bảo người đánh xe quay về, còn Ngài ở lại cạo bỏ râu tóc, xin y vàng và xa lìa gia đình, sống đời không nhà. Trong các kinh Nikaya, ta cũng thường thấy nhắc đến sự việc Đức Phật Thích Ca và chư Tỳ kheo đệ tử cạo bỏ râu tóc, sống đời không nhà. Như thế, các nhà Phật học phương Tây chỉ tranh cãi về sự việc Đức Phật cạo hết tóc hay Đức Phật còn tóc xoắn từng sợi trên đầu. Họ nêu các tượng điêu khắc xưa cổ trong đó Đức Phật được mô tả có tóc và không có tóc.
Chi tiết 32 tướng tốt của Đức Phật theo kinh điển Phật giáo
Như trên đã nói, nhục kế được dịch từ “Usnisa”, Usnisa nghĩa là chiếc khăn bịt đầu, hay khăn trùm đầu, hay chiếc mũ không vành. Usnisasirsa nghĩa là “có cái đầu giống như chiếc khăn bịt đầu”. Ngài Budhaghosa (Phật Âm) bảo rằng, có thể hiểu từ Usnisasira là vầng trán hoặc cái đầu rộng và đầy như có bịt khăn. Như vậy, chỗ thịt nhô lên trên đầu Đức Phật cũng không được xác định rõ. Chúng ta cũng thấy nhiều tranh tượng miêu tả Đức Phật đầu nhẵn bóng, không có nhục kế và nhiều tranh tượng Đức Phật có tóc xoăn, trên đầu có nhục kế.
Điều cần khẳng định là 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Đức Phật được nhìn qua khoa tướng mạo chỉ là tượng trưng, người thường không thấy được; ví dụ, tướng thứ năm, giữa các ngón tay và các ngón chân có màng nối; tướng thứ chín, hai tay dài quá gối; tướng thứ 13, thân và tay chân màu vàng ròng; tướng thứ 27, lưỡi lè ra dài quá trán…; huống chi nhục kế còn được gọi là Vô kiến đảnh tướng, tức là tướng đỉnh đầu của Đức Phật mà người thường không thể thấy được. Thế nhưng, một khi đã tin rằng tướng mạo của Đức Phật là trang nghiêm, tốt lành thì nhục kế của Ngài vẫn là ấn tượng thiêng liêng, là ý nghĩa cao đẹp đối với một Phật tử.
Trích “Vấn đáp Phật giáo”
Hits: 35