Chúng ta học gì được qua lòng từ bi của Đức Phật?
Lời Đức Phật dạy có giá trị rất lớn và vô tận. Chúng ta phải luôn nuôi dưỡng tâm từ cho chính mình và thế hệ mai sau. Bởi khi lòng từ bi còn có mặt trên cuộc đời này, đồng nghĩa với việc niềm an vui và hạnh phúc sẽ không bị mất đi.
Chúng ta phải có lòng từ, phải thương yêu chúng sinh, yêu bằng trái tim chứ không phải yêu bằng lời nói
Bởi thực hiện được lòng từ không phải là chuyện dễ dàng, phải vượt qua được những rào cản của lương tâm, của sự ích kỷ, nóng giận, si mê vốn có cũng như với những ý kiến trái chiều cho hành động thiện lành của mình.
Chúng ta phải hiểu rằng: Tu học không phải là tu với Phật mà là tu với chúng sinh.
– Người Phật tử học được lòng từ bi từ Phật giáo thì phải ứng dụng, trước hết là ngay gia đình của mình.
– Phải biết quan tâm, thương yêu, hiếu thảo với cha mẹ, làm được những điều tốt đẹp, ý nghĩa giữa cuộc đời, giữa người thân, chồng, vợ, con cái và những người xung quanh trong xã hội.
– Khi chúng ta làm được điều đó là chúng ta làm theo lời lòng từ Đức Phật dạy. Cho nên trong kinh Phật dạy “ Phụng sự chúng sanh chính là cúng dường Đức Phật”.
Hãy sống với lòng từ bi, thôi kết tội kẻ khác
Có ý kiến cho rằng: Làm từ thiện là việc dở hơi, thiệt thòi. Là Phật Tử chúng ta tuyệt đối không nên có ý nghĩ như thế. Nói vậy Đức Phật bỏ hết mọi thứ sao Ngài không thiệt thòi? Bill Gate bỏ hơn 30 tỷ đô la để vì các quỹ từ thiện trên thế giới sao không thiệt thòi? Cho nên ở đây chúng ta phải thấy được rằng, những người vĩ đại đa phần là những người có đạo đức và có trí tuệ; còn người ích kỷ vì quan niệm như vậy đa phần thực sự là ích kỷ, ác và dốt.
Phải có lòng bao dung
Một hành động bao dung cho người cũng là cách để gìn giữ phước báu và giữ đạo đức của một con người. Cho nên chúng ta đừng nghĩ thiệt thòi hay là phân bua phải trái hơn thiệt gì hết, cứ làm được điều gì đó cứ làm, cái gì không làm được thì thôi, để không làm tổn đi lòng từ bi của chúng ta.
Chẳng hạn như khi thấy một người giả tàn tật để ăn xin, nếu chúng ta không thích thì không bố thí cho họ, không nên vì thế mà chỉ trích, nói xấu, bơi móc bằng những lời lẽ khó nghe. Việc chúng ta không bố thí không có lỗi, nhưng càm ràm, nói xấu chính là tự gây nên tội.
Lòng từ bi có thể cảm hóa được tất cả
Không nên có thái độ khinh thường, coi rẻ người khác
Thời kỳ của Đức Phật, Người đã xóa được vách ngăn về giai cấp, xóa được vấn đề giàu bóc lột nghèo và hãm hại người nghèo hay những giai cấp cùng đinh trong xã hội. Vì vậy, người Phật tử cũng không được có thái độ coi thường bất kỳ ai thấp kém hơn mình về mọi mặt.
Đi ngang thấy một người làm việc bẩn, dơ, chúng ta không được bịt mũi í é và ọe uệ, thái độ đó là khinh người và kiêu ngạo sẽ làm mất đi một chút nào đó đạo đức trong việc cư xử với người.
Bởi sao vậy? Người ta cũng người, mình cũng người, sao người ta làm được, mình đi ngang qua, mình phải bịt mũi, mình la, mình ói, để mình chứng tỏ mình cao quý, người ta hèn kém à? Cuộc đời không ai hơn ai và đừng nghĩ nó luôn đứng yên một chỗ mãi mãi như thế!
Sức mạnh của lòng từ bi trong đạo Phật
Nuôi dạy lòng từ bi cho thế hệ trẻ
Con cái chính là tác phẩm của chúng ta tạo dựng lên. Một đứa trẻ có tình thương, biết chia sẻ và bao dung, chúng ta phải khuyến khích và tạo điều kiện để nuôi dưỡng điều đó. Giáo dục trẻ con có lòng từ không phải là chuyện đơn giản. Thay vì cho chúng chơi game bao lực, đọc những loại sách vở bất cập thì thay vào đó, hãy kể chúng nghe những câu chuyện về lòng yêu thương, giúp đỡ nhau, cho chúng thấy được giá trị của điều đó như thế nào?
Những câu chuyện cổ tích về Tấm Cám, về Thạch Sanh, Lý Thông về đạo lý con người, ăn khế trả vàng, rồi những câu chuyện giúp đời, đời cứu giúp,… tất cả những cái đó làm cho giới trẻ được in trí những đạo đức tốt và sau này lương tâm tốt có được nhờ những cái đó.
Cách giáo dục tốt và đúng hướng sẽ xóa bỏ đi sự vô cảm của trẻ sau này và góp phần giúp xã hội bớt đi tệ nạn.
Cho nên người đi trước phải có trách nhiệm trong vấn đề hướng dẫn giáo dục đạo đức trẻ thơ, lòng từ bi thương yêu là một điều mà cần phải giáo dục, ta không trực tiếp giáo dục thì nhờ sách vở giáo dục, chọn sách vở cho con em mình đọc.
Lòng từ bi trong tu tập của Đạo Phật
Lòng từ phải có trí tuệ
Đừng để lòng từ của mình bị lợi dụng. Nếu chúng ta không tu theo hạnh Bồ Tát tức là nguyện làm Ba La Mật, không phân bua gì thì cứ thế mà làm. Nhưng nếu chúng ta chỉ đủ sức dừng lại ở lòng từ, hãy biết cân nhắc nên hay không nên trước mỗi hành động của mình. Nên làm thì phải bằng cả một Bồ Đề Tâm làm, nếu không cứ dừng ngay đó mà không chỉ trích, càm ràm mọi thứ.
Phải luôn tự hào mình là Phật tử
Có nhiều người mắc cỡ, ngại ngùng khi xưng mình là Phật tử. Tại sao lại như vậy khi chúng ta là những người may mắn được dạy dỗ từ một đấng Giác Ngộ tuyệt vời như Đức Phật?
Phải hiểu rằng khi Liên hiệp quốc công nhận ngày Phật Đản trở thành ngày Quốc tế được tôn vinh toàn thế giới, chúng ta phải hiểu rằng, giá trị của Đạo Phật là muôn đời không đổi và người ta thấy giá trị thật sự của Đạo Phật quá tuyệt vời.
Ở đây người ta trưng dụng Đạo Phật là qua nghiên cứu kỹ càng, những nhà tri thức, những người hiểu biết, các nhà lãnh đạo, các tổ chức lớn trên thế giới phải hiểu và thừa nhận như vậy, người Phật tử, người con Phật chúng ta nên tự hào đi, điều đó không có gì đáng ngại cả.
Dựa vào bài giảng: Bài học về lòng từ bi – Thầy Thích Phước Tiến
Hits: 22