Những câu chuyện khó tin về hiện tượng ‘đầu thai’ – Phần 5

Không thể coi đó là hiện tượng mê tín dị đoan mà chỉ nên xem đó là một hiện tượng khó lý giải mà khoa học chưa thể với tới được.

Kỳ cuối : Sự việc đầu thai không phải hiếm,
và khoa học mới chỉ dừng lại ở bước ghi nhận

Trong những ngày đi sưu tầm tài liệu thực hiện loạt bài này. Phóng viên còn được chứng kiến rất nhiều trường hợp đầu thai tương tự khác. Cho đến hiện tại, họ vẫn nhớ về những câu chuyện ở tiền kíếp. Những nhân chứng trực tiếp chứng kiến thì luôn khẳng định câu chuyện là có thật.

Con ghét chị ấy vì chị xúi con trèo cây làm con ngã chết

Sau trường hợp Nguyễn Phú Quyết Tiến, thời gian trước câu chuyện đầu thai của Bùi Thị Hồng Thắm ở xóm Cọi cũng được người dân ở Lạc Sơn bàn tán xôn xao, khi bản thân hiện tại là con gái mà lại nhận kiếp trước là …con trai của một gia đình cùng xóm.

Anh Hà Văn Tuốt (bố của Dược) đang ngồi kể lại sự việc

Thắm sinh năm 91, mọi chuyện chỉ bắt đầu vào năm cô bé được 3 tuổi, bi bô biết nói. Hôm đó là ngày hội làng, đang chơi đùa với lũ trẻ trong sân nhà kho, bỗng dưng Thắm chỉ vào một người vừa đi ngang qua trước mặt: “mẹ cháu kia kìa”. Bà nội Thắm nhận ra ngay đó là bà Nguyễn Thị Nghe ở đầu xóm Cọi. Lúc đó, nghĩ cháu mới có 3 tuổi có thể nhận nhầm nên bà nội bỏ qua. Thế nhưng, đến tối Thắm lại nằng nặc đòi được về nhà. Chị Bùi Thị Toàn (mẹ Thắm) nghĩ trẻ con chưa hình dung được đâu là nhà nên cố diễn giải, cô bé vẫn không chịu. Chị bế con sang nhà bà nội kế bên nhưng Thắm vẫn lắc đầu quầy quậy. Chị Toàn tức quá mắng cho 1 trận, sợ mẹ nên cô bé không dám đòi nữa.

Lên 5 tuổi, chị Toàn đèo con gái đi chơi nhà một người bạn trên huyện, lúc về đến đầu xóm, Thắm lại chỉ tay vào nhà bà Nghe và bảo với mẹ là nhà của mình. Chiều con, chị dừng lại thì ngay tức khắc cô bé nhảy xuống chạy ào vào nhà. Bà Nghe đang rửa rau cạnh giếng cũng ngẩn tò te không hiểu việc gì. Thấy cô bé cứ chui xuống dưới gầm cầu thang tìm kiếm, bà gạn hỏi thì Thắm trả lời rằng kiếp trước con là Ly, có dấu 200 đồng trong hốc cầu thang, nay phải lấy lại. Nói đoạn cô bé rút ra tờ tiền được dấu kín ra trong sự sững sờ của 2 người đàn bà.

Chị Toàn cũng thật thà kể lại tất cả những biểu hiện của Thắm từ lúc bắt đầu biết nói. Bà Nghe kinh ngạc khi những sự việc đó trùng khớp hoàn toàn với người con trai xấu số đã mất năm 1991 tên là Bùi Văn Ly. Năm ấy, Ly cùng với người chị gái song sinh của mình trèo lên cây ổi dại bên bờ sông Bưởi hái quả, bị trượt chân rơi xuống sông, đập đầu vào một tảng đá và mất ngay sau đó, trước ngày chị Toàn sinh ra Thắm 1 tuần. Ngồi nói chuyện được một lúc thì con gái bà Nghe về, dù chưa hề gặp mặt nhau nhưng cô bé Thắm tự dưng biểu lộ thái độ không thích ra mặt, cứ bám chặt lấy mẹ rồi đòi về. Thắm bảo vì chị Hương (tên cô con gái bà Nghe-PV) xúi con trèo lên hái ổi nên mới bị ngã chết, đâm ra cô bé ghét.

Bà Nghe nhớ con ngồi khóc lóc. Tin câu chuyện của Thắm là sự thật, mấy ngày sau bà cùng gia đình qua nhà chị Toàn xin được nhận cháu làm con nuôi. Chị Toàn cũng thoải mái cho con đi lại giữa hai gia đình, vì nhà bà Nghe rất nghèo, chị không sợ mang tiếng thấy người sang bắt quàng làm họ.

Từ đó trở về sau, Thắm còn có thêm một cái tên nữa mà mọi người trong xóm thường hay gọi, đó là Ma Ly. Cô bé vẫn ở cùng với chị Toàn, nhưng tình cảm giữa hai gia đình trở nên rất sâu đậm, coi nhau như anh em. Cho đến hiện tại, Thắm đã lập gia đình, và cùng với chồng tách ra ở riêng trên thị trấn Vụ Bản. Cứ vào 2 ngày cuối tuần, vợ chồng Thắm lại đưa cháu về xóm Cọi chơi, mỗi ngày vợ chồng ở với một người mẹ của mình.

Trao đổi với phóng viên, xóm trưởng xóm Cọi cho biết, ngoài trường hợp của Bùi Lạc Bình (trường hợp Nguyễn Phú Quyết Tiến ở kỳ trước) và Bùi thị Hồng Thắm, xóm Cọi còn ghi nhận thêm một trường hợp nữa là Bùi Thị Thu, con  gái cô giáo tiểu học ở điểm trường xóm Quách Thị Đức.

 Người Mường quan niệm những đứa bé dưới 12 tuổi bị chết bất đắc kỳ tử, và sau đó đi đầu thai thì thường có khả năng nhớ và kể lại sự việc trước khi chết, và sau đó sẽ lại trở về trạng thái bình thường, quên hết chuyện cũ. Thế nhưng, mọi người đều khẳng định những trường hợp xảy ra ở xóm Cọi, đến bây giờ họ vẫn còn nhớ những gì đã xảy ra trong quá khứ, không một ai phủ nhận.

Trường hợp đầu thai đầu tiên được phát hiện đã cách đây 20 năm

Đó là câu chuyện đầu thai trong gia đình anh Hà Văn Tuốt và chị Hà Thị Tuỗn ở Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình. Anh chị cưới nhau năm 1990 và trong năm đó sinh ra cậu con trai duy nhất đặt tên là Hà Văn Dược. Theo ghi nhận của những nhân chứng chứng kiến sự việc, thời điểm đó thì khái niệm “đầu thai” vẫn là một điều gì đó rất lạ lẫm. Cho nên vào năm 1993, khi Dược được 3 tuổi, mới biết nói đã nằng nặng đòi về với bố mẹ tiền kiếp, sự việc đã gây xôn xao ầm ỹ đầu làng cuối xóm.

Hà Văn Dược trong ngày cưới của mình

Chuyện bắt đầu từ lúc anh Tuốt đưa con đi học mẫu giáo, mỗi lần đi qua nhà một người tên Vi Văn Xiêm ở đầu xóm thì cậu bé cứ nằng nặc đòi vào nhà và bảo đó là nhà của con. Mấy lần như vậy, anh cáu tiết phát vào mông 1 trận, nhưng Dược lại lăn đùng ra ốm và đòi bố đưa đến “nhà bố Xiêm”. Anh chị đánh liều đưa con đến thì Dược ngay tức khắc khỏi bệnh, lại bi bô kể chuyện tiền kiếp của mình, khẳng định kiếp trước mình sinh năm 1982, và bị bạo bệnh chết lúc 5 tháng tuổi.

Vợ chồng ông Xiêm sững sờ bởi những điều bí mật sâu kín đó chỉ ông bà mới biết. Để “chắc ăn” hơn, ông Xiêm ngay tức khắc kêu gọi họ hàng, bạn bè hàng xóm đến chật ních cả nhà, ai cũng hỏi chuyện cậu bé. Giữa vòng vây của mọi người, đến lượt ai cũng há hốc mồm khi Xiêm kể gọi tên rành rọt từng người thân trong gia đình, cả cô, gì, chú, bác…kể cả lúc cậu bé bị bệnh mất, đã có những ai ở bên cạnh mình.

Ông Xiêm khóc lóc xác nhận đó là sự thật, và xin anh Tuốt được nhận Dược làm con nuôi. Lúc đó anh Tuốt cũng đang sững sờ trước những chuyện vừa mới xảy ra ngay trước mắt, không hiểu việc gì. Vì gia đình anh neo người, nên anh chấp nhận Dược ở lại với mình, và cứ cuối tuần lại đưa con lên ở với ông Xiêm.

Hà Văn Dược hiện đã lấy vợ và tách ra sinh sống riêng ở xã Tòng Đậu, cách Chiềng Châu 10km, anh theo nghê của bố đẻ mình làm nghề dựng nhà sàn và các công trình dân dụng khác. Dược vẫn tự nhận mình là người “đầu thai”, và luôn nhớ rõ những câu chuyện tiền kiếp của mình. Mỗi lúc có việc, cả 2 gia đình đều tập trung tề tựu đông đủ, chờ đón đứa con chung trở về.

Cơ quan chức năng và giới khoa học nói gì?

Và cũng bởi trong sau này xã cũng có nhiều trường hợp khác xảy ra nữa nên mọi người xem đó là chuyện…bình thường, những câu chuyện kỳ lạ khó giải thích cũng dần trôi vào quên lãng, vì dù nó có gây xôn xao dư luận thì cũng không ảnh hưởng xấu đến đời sống, phong tục tập quán. Mọi người đều khẳng định không có một trường hợp nào xảy ra có mang tính vật chất hay đánh đổi.

Những người chứng kiến sự việc ở xóm Cọi đều khẳng định câu chuyện là có thật

TS.Vũ Thế Khanh, tổng giám đốc Liên Hiệp Khoa học Công nghệ – Tin học Ứng Dụng (UIA) khẳng định, những chuyện đầu thai ở Hòa Bình đã từng xảy ra ở nhiều nơi khác, không phải là cá biệt. Bản thân ông cũng đã gặp phải những trường hợp tương tự như thế, ở Lương Sơn Hòa Bình, Cà Mau, Bạc Liêu…Không thể coi đó là hiện tượng mê tín dị đoan mà chỉ nên xem đó là một hiện tượng khó lý giải mà khoa học chưa thể với tới được.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu khoa học cụ thể nào để đưa ra được lý giải cho những sự việc trên. Điều quan trọng là mọi người không để những câu chuyện kỳ lạ này làm ảnh hưởng, tin tưởng mê muội không cần biết đúng sai. Đó chính là nguyên nhân sinh ra những chuyện lừa đảo, mị dân của những kẻ có ý đồ xấu.

Trên thực tế, những câu chuyện đầu thai vẫn cứ tồn tại bất chấp chúng ta có tin hay không, kể cả Việt Nam hay thế giới, và đó vẫn đang là một bức màn bí ẩn.

Nguồn: Phụ Nữ News

Hits: 9