Chiến dịch diệt chim sẻ ở Trung Quốc – Câu chuyện Nhân quả có thật

Diệt chủng chim, thiên nhiên đã trả thù Trung Quốc thế nào?

Ngày 12/2/1958, lãnh tụ Mao Trạch Đông đã ký một sắc lệnh lịch sử về việc diệt tất cả chuột, ruồi, muỗi và chim sẻ trong cả nước Trung Quốc.

Nhân dịp này, báo “Argumenty I Fakty” (Luận chứng và Sự kiện-Nga) đã cho đăng bài báo với tiêu đề như trên, xin giới thiệu lại với bạn đọc.

“Ý tưởng khỏi động chiến dịch diệt chim sẻ quy mô lớn- một chiến dịch về sau này trở thành một phần của chương trình chính trị “Đại nhảy vọt” được trình bày lần đầu tiên vào ngày 18/2/1957 tại đại hội ĐCS Trung Quốc.

Ảnh youtube.com

Người đưa ra ý tưởng này không hiểu sao lại là nhà sinh vật học Zhou Jian, khi đó đang giữ chức thứ trưởng Bộ giáo dục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ông này khẳng định rằng việc diệt hàng loạt chim sẻ và chuột sẽ làm cho nền nông nghiệp nước này phát triển chưa từng thấy.

Ông cũng đưa lập luận rằng người Trung Quốc không thể đấu tranh có hiệu quả chống nạn đói bởi vì họ đã bị bọn chim sẻ háu đói ăn tranh mất ngay trên các cánh đồng.

Zhou Jian thuyết phục các đại biểu dự đại hội là chính Fridrich Đại đế cũng đã từng tiến hành một chiến dịch tương tự và kết quả thu được là rất đáng khích lệ.

Cũng không mất quá nhiều thời gian và công sức để thuyết phục Mao Trạch Đông. Lãnh tụ sinh ra và sống quãng đời tuổi thơ tại nông thôn và đã tận mắt chứng kiến cuộc chiến bất tận của những người nông dân với những kẻ “phá hoại” này.

Ông đã ký sắc lệnh với tâm trạng rất vui vẻ, và sau đó không lâu tất cả người Trung Quốc trên toàn đất nước với khẩu hiệu “Chủ tịch Mao vĩ đại muôn năm” đã đổ xô đi tiêu diệt những động vật nhỏ được liệt kê trong sắc lệnh của lãnh tụ. Công việc diệt ruồi, muỗi và chuột trong thời gian đầu diễn ra không được thuận lợi lắm.

Bọn chuột, vốn có khả năng tồn tại trong bất kỳ điều kiện nào, kể cả trong mùa đông hạt nhân, hoàn toàn không muốn bị diệt chủng hoàn toàn.

Còn ruồi và muỗi thì có vẻ như không nhận thức được là đang có một cuộc chiến tranh được khởi động chống lại chúng. “Đối tượng tác chiến chủ yếu” lúc này được xác định là lũ chim sẻ.

Thời gian đầu, người ta thử đầu độc và đặt bẫy lũ chim. Nhưng các phương pháp này tỏ ra kém hiệu quả. Khi đó, nảy sinh sáng kiến “trừng trị” chúng bằng cách làm cho chúng kiệt sức. Khi trông thấy chim, bất kỳ một người Trung Quốc nào cũng đều tìm mọi cách “dọa” chúng, bắt chúng phải bay trên không càng lâu càng tốt.

Người già, học sinh, trẻ em, đàn ông, đàn bà từ sáng tinh mơ đến tối mịt vẫy khăn, gõ chảo, la hét, huýt sáo để buộc lũ chim phát cuồng phải bay hết từ chỗ người Trung Quốc này đến chỗ người Trung Quốc khác.

Phương pháp này thật thần diệu. Như đã biết, chim sẻ không thể bay trên trời được quá 15 phút.

Sau khi bị kiệt sức, chúng rơi xuống đất, và sau đó chúng bị đánh chết và dồn lại thành từng đống lớn. Cũng dễ hiểu, về nguyên tắc, nạn nhân không chỉ là chim sẻ, mà còn là các loại chim nhỏ khác.

Để khuyến khích những người dân Trung Quốc vốn đã thừa nhiệt tình, báo chí liên tục đăng các ảnh chụp những đống xác chim cao hàng mấy mét.

Một “thực tiễn” nữa thường được áp dụng là cho học sinh phổ thông nghỉ học, phát súng cao su cho chúng và điều di bắn bất kỳ loại chim nào và… đi phá các tổ chim. Những học sinh “đạt thành tích xuất sắc trong sự nghiệp “ này được tặng bằng khen và tuyên dương.

Ảnh: youtube.com

Chỉ trong vòng 3 ngày đầu chiến dịch, riêng tại Bắc Kinh và Thượng Hải đã có gần 1 triệu con chim “bị tiêu diệt”. Còn sau gần một năm tiến hành chiến dịch, đã có tới 2 tỷ con chim sẻ và các chim nhỏ khác “thiệt mạng”.

Người Trung Quốc hoan hỉ mừng chiến thắng. Đến thời điểm đó, không còn ai nhắc đến chuột, ruồi, muỗi nữa. Dân chúng phủi tay bỏ qua những kẻ thù này, bởi vì đấu tranh chống chúng quá khó. Đi diệt chim sẻ vui hơn nhiều.

Đặc biệt là không có một nhân vật nào lên tiếng phản đối chiến dịch, kể cả những người trong giới khoa học, các nhà sinh vật học . Thực ra cũng dễ hiểu: không ai dám muốn mình bị coi là chống lại “chủ trương lớn..”.

Đến cuối năm 1958, tại Trung Quốc gần như không còn con chim nào. Các phát ngôn viên kênh truyền hình hăng say kể về điều này như kể về một thành tựu phi thường của đất nước. Người Trung Quốc nghẹt thở vì tự hào. Không một ai đặt ra nghi vấn về tính đúng đắn của những hành động của cấp trên và của chính mình.

Cuộc sống và cái chết không có bầy chim sẻ

Năm 1959, tại “Trung Quốc không còn những cánh chim” có một mùa bội thu chưa từng thấy. Thậm chí cả những người bi quan (nếu như có những người như vậy vào thời điểm đó) cũng buộc phải thừa nhận là chiến dịch chống chim sẻ đã mang lại những thành quả tích cực.

Tất nhiên, mọi người cũng đều nhận thấy là xuất hiện rất nhiều sâu bướm, cào cào, châu chấu, rệp và nhiều loại côn trùng có hại khác, nhưng nếu tính tới sản lượng lương thực thu được, thì hiện tượng trên chỉ là những phiền toái không đáng kể. Người Trung Quốc chỉ ngộ hết những thiệt hại sau đó một năm nữa.

Năm 1960, con trùng có hại đối với sản xuất nông nghiệp sinh sôi nảy nở đông đến mức có thể chứng kiến cảnh chúng đang ăn sạch một loại nông sản nào đó ngay trước mắt.

Người Trung Quốc hoảng sợ thực sự. Đến lúc đó thì rất nhiều trường phổ thông và nhà máy được nghỉ học và nghỉ làm – nhưng là để đi bắt sâu bướm. Nhưng tất cả các biện pháp đó đều tuyệt đối vô ích.

Những loại côn trùng sinh sôi nảy nở mà không bị kiểm soát bằng con đường tự nhiên (chính các loài chim nhỏ trước kia thực hiện chức năng này- kiểm soát tốc độ “gia tăng dân số” của chúng) đã gia tăng số lượng với một tốc độ khủng khiếp.

Chúng nhanh chóng chén sạch mùa màng và bắt đầu sang hủy diệt các cánh rừng. Cào cào, châu chấu và sâu bướm thì mở tiệc, trong nước bắt đầu nạn đói. Trên màn hình TV, các phát thanh viên động viên người dân Trung Quốc rằng đây chỉ là những khó khăn tạm thời và mọi việc sẽ nhanh chóng ổn thỏa.

Nhưng những lời hứa không làm ai no bụng. Nạn đói thật khủng khiếp- dân chúng chết hàng loạt. Người dân phải ăn cả da thuộc, cả sâu bướm…. Cả nước rơi vào tình trạng hoảng loạn. Theo những số liệu khiêm tốn nhất thì đã có gần 30 triệu người Trung Quốc chết vì nạn đói.

Khi đó giới lãnh đạo nước này cuối cùng cũng đã hiểu ra là mọi điều tệ hại bắt đầu từ chiến dịch diệt chim sẻ. Trung Quốc cầu cứu sự hỗ trợ của Liên Xô và Canada- đề nghị các nước này khẩn cấp gửi chim đến Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Liên Xô và Canada, dĩ nhiên là sửng sốt trước yêu cầu này, nhưng đã ngay lập tức có phản hồi tích cực.

Hai nước trên đã gửi đến Trung Quốc rất nhiều toa tàu chở chim sẻ. Và bây giờ đến lượt lũ chim “nhập cư” mở tiệc- trên thế giới không có nơi đâu có nhiều thức ăn cho chim- tức các loài côn trùng như ở Trung Quốc. Và từ đó đến giờ, người Trung Quốc có một thái độ cực kỳ e dè đối với chim sẻ.

Lê Hùng – Nguyễn Hoàng (dịch) – Báo Đất Việt

Chiến dịch diệt chim sẻ ở Trung Quốc

Khi Trung Quốc bắt đầu kế hoạch “Đại nhảy vọt” vào năm 1958, chiến dịch diệt chim sẻ, muỗi, chuột, ruồi là một phần trong đó. Sở dĩ chim sẻ bị liệt vào danh sách này là do người nông dân cho rằng chúng ăn thóc gạo, gây thiệt hại cho mùa màng.

Người dân tích cực hướng ứng kế hoạch này rất tích cực. Bằng cách đập cửa, nồi niêu để chim sẻ sợ hãi và bay đi, thậm chí, độc ác hơn là đập bể trứng, giết chim non, những người nông dân Trung Quốc lúc bấy giờ vui mừng khi nghĩ rằng từ đây sẽ chẳng còn một kẻ phá hoại nào nữa.

Một hình ảnh về chiến dịch diệt chim sẻ. (Ảnh: Internet)

Vụ lúa sau tốt hơn hẳn, người nông dân được khen thưởng. Nhưng rồi, họ đã bỏ sót mất một điều hết sức cơ bản nhưng quan trọng, rằng khi không có thiên địch là chim sẻ, châu chấu tha hồ tung hoành, phá hoại mùa màng còn khủng khiếp hơn! Châu chấu sinh sôi nảy nở với tốc độ nhanh chóng và ngày càng phá hoại đồng lúa khủng khiếp hơn.

Người dân tích cực hướng ứng kế hoạch này. (Ảnh: Internet)

Mãi đến năm 1960, các cơ quan chức năng Trung Quốc mới thực sự nhận ra sai lầm và cho dừng chiến dịch, nhưng tất cả đã quá muộn. Chiến dịch sai lầm, gây  mất cân bằng sinh thái này đã gây ra nạn đói lớn ở Trung Quốc với 30 triệu người chết đói.

Người dân chết đói nằm khắp các ngõ ngách ở vùng quê

Người dân đói đến mức cái gì cũng ăn.

Mặc dù các vụ mùa thu hoạch bị giảm sút, nhưng các quan chức địa phương, dưới áp lực của Trung ương và để làm vui lòng Mao Trạch Đông, đã báo cáo rằng vụ mùa thu hoạch cao kỷ lục nhờ các sáng kiến mới của Mao, không những vậy, họ còn tranh với nhau thổi phồng kết quả báo cáo.

Các số liệu này được dùng để tính số lượng lúa gạo mà nhà nước sẽ thu của người dân để cung cấp cho thành thị và để xuất khẩu. 

Việc khác biệt giữa báo cáo và thực tế khiến cho nhiều nông dân không còn gì để nuôi sống mình và gia đình, từ đó một số nơi, nạn đói bắt đầu.

Tuy nhiên trong năm 1958 – 1960, Trung Quốc vẫn tiếp tục là nước xuất khẩu lúa gạo đáng kể mặc dù nạn đói đang lan rộng, chỉ vì Mao Trạch Đông muốn giữ thể diện và thuyết phục thế giới bên ngoài về sự thành công những kế hoạch của ông.

Thực tế sau khi nạn đói lan rộng, nhằm giữ thể diện, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện chính sách cứu đói nhưng chỉ thực hiện ở những thành phố, còn ở nông thôn thì mặc kệ. Ở các vùng nông thôn, chính quyền cho quân đội bao vây và lệnh binh lính bắn chết bất kì ai chạy khỏi vùng có nạn đói, đây là chính sách “Thí tốt giữ xe” mục đích là giữ hình ảnh của Trung Quốc với quốc tế.

Cho đến ngày nay, lập trường của chính phủ Trung Quốc vẫn là cố gắng che giấu, điều đó được phản ánh qua tên gọi nạn đói trên là “Ba năm thiên tai”, Bắc Kinh biện bạch rằng nạn đói phần lớn là do một loạt các thiên tai.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bên ngoài Trung Quốc nhìn chung đồng ý rằng các thay đổi về chính sách và các thể chế hàng loạt đi theo cuộc Đại nhảy vọt là nhân tố chính dẫn đến nạn đói lớn.

Kể từ thập niên 1980, đã có sự thừa nhận chính thức lớn hơn của Trung Quốc về tầm quan trọng của các sai lầm chính sách trong việc gây ra tai họa trên, công nhận 35% là do thiên tai và 65% là xuất phát từ sự quản lý sai lầm.

Hits: 34