Động vật dùng cho buổi ăn tối – Một câu chuyện nhân quả.
Tác giả: Ron Epstein. – Người dịch: Giác Đoan
Hầu như mỗi ngày, người phụ nữ Mỹ gốc Trung Quốc đó vội vã đi vào chùa San Francisco, lễ Phật, đặt thực phẩm cúng dường lên bàn thờ, đốt hương, lau chùi, dọn dẹp chùa cho sạch sẽ ngăn nắp rồi vội vã bước ra cửa.
Sau khi quan sát việc làm đều đặn này trong nhiều năm và bắt đầu quen biết bà chút ít, một ngày nọ tôi khen ngợi lòng mộ đạo chân thành của bà.
“Ôi, không phải đâu,” bà ấy đáp. “Ông không hiểu rồi. Vợ chồng tôi đang kinh doanh một cơ sở đáng sợ. Vị Tăng ở đây, người thầy tinh thần của tôi, bảo rằng chúng tôi nên bán cửa hàng đi nếu không sẽ gặp phải quả báo khủng khiếp. Nhưng dường như chúng tôi không thể giải nghệ được. Tôi chỉ cố tạo chút công đức để tự cứu lấy mình, mặc dù tôi biết như thế không đủ.”
Rồi tôi biết được vợ chồng bà có một quán ăn ngon ở phố Tàu nổi tiếng với món gia cầm nướng ngoài trời.
Họ phất lên nhờ một công thức chế biến thức ăn đặc biệt: giết những con vật này ngay trước giây phút đưa chúng vào lửa để tạo vị ngon bổ cho món thịt.
Ảnh minh họa – Internet
Chỉ vài tuần sau cuộc trò chuyện của chúng tôi, căn nhà khác thường của họ ở quận Marina đã bốc cháy suốt đêm. Việc lính cứu hỏa xâm nhập vào bên trong bị chậm lại do các ổ khóa cửa cái và các hàng chấn song cửa sổ được lắp đặt nhằm bảo vệ họ và tài sản.
Lính cứu hỏa tìm thấy họ ở phía sau nhà, bị nướng chín. Ngọn lửa giết người cách đây 13 năm, đối với các Phật tử, rõ ràng đã minh họa cho luật nhân quả được gọi là nghiệp.
Phật giáo, tôn giáo lớn nhất ở Trung Quốc, được xiển dương trong cộng đồng người Mỹ gốc Trung Quốc ở San Francisco. Giáo lý căn bản tràn đầy sinh khí của đạo được trân quí vì hệ thống đạo đức dựa trên quan hệ nhân quả giữa hành động của ta và sự kiện sau đó.
Mặc dù cố biện minh cho việc hành nghề mổ thịt động vật sống dựa trên những cơ sở văn hóa, các thương gia phố Tàu có liên quan đã đưa ra quan niệm một chiều. Trung Quốc có một truyền thống văn hóa Phật giáo, chính yếu nhưng không độc quyền, về quyền của loài vật.
Vì thế việc hành nghề giết mổ động vật sống cũng đáng ghê tởm đối với nhiều người Trung Quốc và người Mỹ gốc Trung Quốc. Thực tế là nhiều người đã đến gặp riêng tôi và nhờ công khai hóa những quan điểm của họ.
Vấn đề thiết yếu đang gây tranh cãi về mổ thịt động vật sống là làm sao ta có thể biện minh cho việc gây ra những đau đớn và thống khổ tột cùng như thế. Luận cứ truyền thống phương Tây cho rằng loài vật thật ra không đau khổ vì chúng không có linh hồn. Quan điểm này hoàn toàn mâu thuẫn đối với kinh nghiệm riêng của chúng ta với loài vật đến độ rất ít người thật sự tin vào điều đó.
Theo truyền thống Phật giáo Trung Quốc, thậm chí những mẫu sinh vật nguyên thủy cũng có sự sống, biết đau khổ và có khả năng giác ngộ trong tương lai. Nếu chúng ta gây đau khổ cho chúng và không tôn trọng quyền chúng được sống an lành cho đến lúc mãn phần, chúng ta sẽ phải gánh lấy quả báo.
Trí tuệ đa văn hóa rất cần cho sự hòa hợp trong cộng đồng chúng ta. Dù vậy, những đồ tể sát sinh phố Tàu cần thừa nhận rằng cơ sở chính yếu trong nền văn hóa truyền thống Trung Quốc chống lại việc hành nghề của họ.
Một hiền nhân Trung Quốc đã viết rằng: “Tất cả sinh vật – cả người lẫn thú – đều yêu thương sự sống và căm ghét cái chết. Tất cả đều khiếp sợ con dao của đồ tể sẽ thái mỏng và băm nhỏ họ. Thay vì độc ác và tầm thường, tại sao không ngừng sự giết chóc mà yêu chuộng sự sống?”
Nguồn: chuahoangphap.com
Hits: 57