Tổng quan về quán đỉnh ( Kim Cương Thừa 2 phần )

Bài viết copy từ giacngo.vn

Phần I

I.Phần I

Quán đỉnh là một đặc trưng  của Phật giáo Kim Cương  thừa, tức nghi thức bắt   buộc tham dự việc phát nguyện, phụng sự và thực hành nghi quỹ (sadhana) theo một đức Bản tôn hay một vị Bồ tát nào đó.

Nói cách khác, quán đỉnh là nghi thức mà một bậc thầy tu chứng thành tựu một pháp môn nào đấy trao truyền trực tiếp cho các đệ tử pháp môn đó, bao gồm mô tả, giảng nghĩa, quán tưởng, thứ lớp tu tập cùng với các nghi lễ cúng dường và thần chú tương ứng. Mặc dù vậy, quán đỉnh còn mang ý nghĩa nhiều hơn những gì cấu thành nên nó; nó là sự trao truyền nguồn ân phúc và năng lực gia trì của cả một dòng truyền thừa.

Quán đỉnh ban sự gia trì và trao quyền thể nhập thực hành một nghi quỹ Tantra. Nghi thức quán đỉnh có thể ngắn hoặc dài, đơn giản hay phức tạp. Nó bao gồm (1) wang tức là phần quán đỉnh thánh hóa người đệ tử thành vị hóa thần Bản tôn, (2) lung tức là phần khẩu truyền – tụng đọc một bài kinh văn (đôi khi có thể là tụng bản cô đọng hoặc tụng nhanh đầy đủ cả bài kinh), và (3) tri là những phần giảng dạy hướng dẫn cách tu tập thực hành. Trong những trường hợp đặc biệt, chỉ cần một nghi lễ rút gọn kết nối người đệ tử với nghi quỹ thực hành đi kèm cùng trì tụng thần chú liên quan là đủ.

tongquan-1.gif

Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh đời thứ IX

Hầu hết các pháp tu trì tụng thần chú và quán tưởng của Kim Cương thừa đòi hỏi hành giả phải được thụ nhận quán đỉnh, được trao quyền và được hướng đạo từ một bậc thầy phẩm hạnh trước khi bắt đầu tu tập thực hành một nghi quỹ nào đó. 

Tuy nhiên, một số pháp tu do Đức Phật Thích Ca truyền cho đại chúng không phải tuân theo quy định này. Tất cả các pháp môn trong Kinh thừa chắc chắn đều đã chứa đầy ân đức gia trì của Đức Phật rồi nên bất kỳ ai mong muốn đều có thể thực hành theo, trong đó bao gồm cả các pháp tu của Bồ tát Quan Âm và của Phật mẫu Tara Xanh (Lục độ mẫu). Mặc dù vậy bạn luôn được khuyến khích thụ quán đỉnh Kim Cương thừa của Quan Âm và Lục độ mẫu bất kể khi nào có cơ duyên. Dù pháp môn này có thể được tu tập thọ trì ngay lập tức nhờ phúc đức gia trì của Đức Thế Tôn nhưng khi bạn được thọ nhận quán đỉnh Quan Âm, sự tu tập và năng lực kết nối bạn với căn bản thượng sư (tsaway lama) của  mình và Bản tôn Quan Âm càng được tăng trưởng hơn.  

Lễ quán đỉnh truyền pháp đầy đủ trong đạo Phật thường được chia làm bốn phần: Quán đỉnh bình/Quán đỉnh bí mật/Quán đỉnh trí tuệ/Quán đỉnh khẩu, âm, ngữ hay quán đỉnh như thị (Quán đỉnh thứ tư).

Nếu hỏi về sự khác biệt giữa Kinh thừa và Mật thừa thì xin trả lời đó chính là nghi thức quán đỉnh. Bất kỳ pháp tu nào đòi hỏi phải được thụ nhận quán đỉnh thì chúng ta gọi đó là pháp tu theo Kim Cương thừa. Nếu pháp tu nào không đòi hỏi phải thụ nhận quán đỉnh thì pháp tu đó thuộc về hệ thống Kinh thừa. 

Tâm thức phàm phu của chúng ta không được thành thục và chín muồi. Vì thế, nó cần phải được thuần thục bằng quán đỉnh. Theo tiếng Tây Tạng, cam lồ được dùng để chỉ một chất liệu có thể chuyển hóa các độc tố thành ngon ngọt. Nó còn được gọi là thứ mật ngọt thanh tịnh hay nước vô ưu. Cho nên sự liên hệ này giống như sự chuyển hóa trong thuật luyện kim vậy. 

Trong thuật luyện kim, các hợp kim được tinh lọc và chuyển hóa thành vàng. Tâm thức của chúng ta giống như hợp kim được chuyển hóa thành vàng nhờ vào lễ truyền pháp quán đỉnh. Trong khi dòng suối cam lồ được quán đỉnh ban phúc lên chúng ta trong buổi lễ, chúng ta thiền định và quán tưởng mình chuyển hóa, thể nhập và an trụ trong trạng thái của Bản tôn hóa thần, nhờ đó tịnh hóa hết thảy ám chướng và tà niệm. Chúng ta hiển lộ tâm tính của mình đồng như tâm của Bản tôn hóa thần không khác. Toàn bộ sắc thân của chúng ta được chuyển hóa thành Mandala của  Bản tôn. 

Thông qua bốn quán đỉnh, chúng ta tịnh hóa bốn ám chướng (thân, khẩu, ý, khí vi tế). Nhờ tịnh hóa bốn ám chướng, hành giả gieo trồng hạt giống thành tựu tứ thân (Hóa thân, Báo thân, Pháp thân, Thể tính thân) trong tương lai. Các thứ lớp này là những yếu tố căn bản của Tantra, gốc rễ của hệ thống Kim Cương thừa. Nếu chúng ta không đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh này, chúng ta không có quyền thực hành tu tập Kim Cương thừa. Vì thế chúng ta cần phải biết trân quý cơ hội hy hữu khi được đón nhận quán đỉnh. 

Thiền định về quán đỉnh đầu tiên, tức là quán đỉnh bình, chúng ta tịnh hóa các ám chướng của thân. Chúng ta chuyển hóa bản thân phàm phu thường tình bằng xương, bằng thịt vốn là nguồn gốc của phiền não khổ đau này thành Bản tôn hóa thần. Bằng cách thể nhập vào trạng thái của hóa thần, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Hóa thân Phật. 

Quán đỉnh bí mật, chúng ta tịnh hóa những ám chướng gây ra bởi khẩu nghiệp. Tất cả những khẩu nghiệp bất thiện và những lời vô nghĩa không biết dừng nghỉ của chúng ta được chuyển hóa thành khẩu giác ngộ của Đức Phật. Bằng cách tịnh hóa các ác nghiệp ám chướng thuộc về khẩu, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Báo thân Phật. 

Nhờ quán đỉnh trí tuệ, chúng ta tịnh hóa tất cả ác nghiệp ám chướng thuộc về ý. Tất cả si mê ám chướng (trần sa hoặc) của chúng ta được chuyển hóa thành bản chất trí tuệ và tự tính tâm của chúng ta hiển lộ vô biên không giới hạn. Bằng cách tịnh hóa ý nghiệp, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Pháp thân Phật.  

Quán đỉnh thứ tư (còn được gọi là quán đỉnh ngữ tôn quý), song thông thường được gọi là quán đỉnh ‘thứ tư’. Nhờ được thọ nhận quán đỉnh thứ tư này, chúng ta tịnh hóa các ám chướng vi tế (vô minh hoặc) để thành tựu quả vị giác ngộ. Những ám chướng vi tế của phân biệt nhị nguyên được chuyển hóa thành sự tỉnh thức nguyên thủy-trí tuệ bản lai. Bằng cách tịnh hóa các ám chướng vi tế, chúng ta gieo trồng hạt giống thành tựu Thể tính thân siêu việt.

Thực sự sẽ rất thâm sâu và nhiệm màu nếu hành giả có thể bắt đầu con đường hành trì Kim Cương thừa dựa trên sự hiểu biết minh xác về Tantra. Một số đạo sư Tây Tạng trong quá khứ từng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các giáo pháp Kim Cương thừa bằng sự biểu trưng của linh kim cương và chày kim cương. Người Tây Tạng cho rằng nếu hành giả biết sử dụng những pháp khí này đồng thời hiểu được tầm quan trọng của nó và hiểu biết đầy đủ về đạo lộ Kim Cương thừa thì khi rung linh (chuông), nó sẽ mang ý nghĩa và sự biểu đạt thâm sâu vi diệu. Nếu không, việc rung chuông đơn thuần thực sự không chứa đựng một chút ý nghĩa nào”.

Quán đỉnh mới chỉ là sự khởi đầu nhập môn. Để được lợi ích dài lâu, tiếp theo sau đó phải là sự tu tập hành trì đúng cách dưới sự hướng đạo của bậc thầy Kim Cương thừa giác ngộ.

Các pháp tu Tantra được phân chia theo hệ thống thứ lớp trong đó quán đỉnh là một yếu tố quan trọng không thể thiếu, vì vậy một lễ truyền pháp quán đỉnh – hay wang có thể thuộc về bất kỳ một Tantra nào. (Số lượng và loại Tantra phụ thuộc vào hệ phái Phật giáo cụ thể). Những quán đỉnh phổ biến nhất là của những hóa thần bản tôn như Quan Âm tứ thủ, Lục độ mẫu và A Di Đà.

Bất kỳ giáo pháp nào liên quan đến quán đỉnh đều đòi hỏi đi kèm với phát nguyện thực hành tu tập. Những yêu cầu để được thụ quán đỉnh:

(1) Phát tâm bao gồm:

– Phát tâm nguyện thụ nhận ân đức gia trì.

– Phát tâm thực hành những giáo pháp tương ứng trong tương lai. 

– Phát tâm tức thời thực hành giáo pháp được truyền thụ.

(2) Để lễ truyền pháp quán đỉnh hiệu nghiệm, cần hội đủ ba nhân duyên điều kiện sau:

– Động cơ của người thầy phải thanh tịnh dựa trên cơ sở tình yêu thương và lòng bi mẫn. Người thầy cũng phải đã từng đón nhận lễ truyền pháp quán đỉnh và bản thân có kinh nghiệm tu chứng.

– Người đệ tử phải có tín tâm không chút nghi báng về sự hợp thức của buổi lễ và phẩm hạnh của đạo sư. Người thầy phải được hiểu là hiện thân của Đức Phật, bậc đạo sư của chính ngài. Những phẩm chất cá nhân thường nhật của người thầy không quan trọng bằng vai trò là Kim cương Thượng sư của ngài.

– Những pháp khí biểu tượng trong buổi lễ như tranh ảnh, hình tượng, bình quán đỉnh, và những phẩm vật cúng dường được chuẩn bị đầy đủ.

Một pháp tu là chân thực khi nó hội tụ đầy đủ các phương diện sau của sự truyền pháp:

– Bắt nguồn từ một dòng truyền thừa không gián đoạn.

– Sự truyền pháp bao gồm nghi lễ quán đỉnh.

– Khẩu truyền phần kinh văn của nghi quỹ.

– Giảng nghĩa kinh văn và các hình ảnh biểu tượng.

– Truyền trao năng lượng tâm linh vốn là đặc trưng và hiện hữu sẵn có trong các bản tôn/pháp tu.(Còn tiếp)Khamtrul Rinpoche Jigme Pema Nyinjadh đời thứ IX Vô Úy dịch

Hits: 75

Trang: 1 2