12 – Đường đến Poo
Theo tài liệu địa dư thì Poo nằm trên ranh giới giữa hai nước Ấn Tạng, một nửa làng thuộc Tây Tạng và nửa bên kia thuộc Ấn Độ nhưng đa số dân làng đều là người Tây Tạng, mặc dù chính quyền Ấn Độ có đặt một trạm bưu điện tại đây. Từ Poo, chúng tôi còn phải đi thêm khoảng ba tuần lễ nữa mới đến Sila, một đô thị nằm trên trục giao thông chính của xứ Ấn.
Trong thời gian ghé qua Poo, chúng tôi làm quen với Namgyang, một vị tộc trưởng có thế lực trong làng. Chúng tôi quen ông này trong một trường hợp khá hãn hữu. Lúc đó, số tiền mang theo đã cạn sạch, chúng tôi không thể trả lương hay mua thực phẩm cho đám phu được nữa. Tôi yêu cầu họ theo tôi đến Sila, tại đây tôi có thể đánh điện về Tích Lan yêu cầu tu viện chuyển tiền lên, nhưng nhóm người phu Tây Tạng nhất định không chịu. Không phải họ không tin chúng tôi nhưng vì họ đều là những người quen sống trên độ cao, thân thể họ thích hợp với thời tiết, khí hậu của rặng Tuyết Sơn. Khi xuống miền thấp, thân thể họ không thích ứng được với sự thay đổi đột ngột này. Nếu không cẩn thận, họ có thể hộc máu ra chết bất ngờ, do đó những người phu chỉ chịu đi đến Poo là chặng chót mà thôi. Cuộc bàn cãi, mặc cả của chúng tôi chưa đi đến đâu thì một ông lão tóc bạc phơ ở đâu bước đến. Sau khi cung kính vái vái chào tôi, ông thong thả bày tỏ ý kiến: “Tôi vô tình nghe được rằng ngài đang thiếu tiền bạc, tôi sẵn sàng giúp đỡ để ngài có thẻ trả chi phí cho nhóm người này. Tôi hiểu lý do chính đáng của họ, tôi sống tại đây nên rất biết chuyện này. Không một người miền thượng du nào dám mạo hiểm đi xuống đồng bằng xứ Ấn. Xin phép ngài cho tôi trả giùm số tiền này và khi nào muốn trả lại tôi, ngài cứ việc gửi qua bưu điện. Cứ ba tháng người phu trạm lại ghé đây đưa thư một lần. Tôi vẫn thường gửi ông ta tiền để mua giùm các sản phẩm xứ Ấn”.
Namgyang mời tôi ghé qua nhà để gia đình ông có thể đãi chúng tôi một bữa cơm. Trong nhà Namgyang có một phòng thờ rộng rãi. Ngoài các pho tượng Phật, Bồ Tát, ông còn để một pho tượng Padmasambhava, vị tổ Mật tông, tại một nơi rất trang nghiêm. Đối với đa số dân Tây Tạng, Padmasambhava chính là đức Phật Thích Ca đá hóa thân lại để truyền bá Phật giáo nơi đây. Lòng kính ngưỡng của dân Tây Tạng đối với vị tổ này hết sức đặc biêt. Đối với họ, ngài luôn luôn hiện diện khắp nơi để che chở, chữa bệnh và mang lại các điều lành cho họ. Bất cứ một điều gì tốt đẹp cũng đều do Padmasambhava làm. Một hôm sau cơn bão tuyết, cảnh vật chung quanh vô cùng yên tĩnh bỗng có tiếng chim hót ở đâu vang lại. Namgyang lắng nghe rồi kêu lên: “Chính ngài đó, ngài đã trở lại và báo cho chúng ta biết rằng ngày mai sẽ là một ngày đẹp trời”. Truyền thuyết về Padmasambhava thường được truyền tụng khắp nơi, nhưng không tại đâu nó được nói đến thường xuyên như tại các làng mạc nhỏ bé, hẻo lánh trong rặng Tuyết Sơn. Người ta nói một cách hùng hồn về vị tổ này như ngài vẫn còn sống, đang đi thuyết pháp độ sanh. Họ nói đến ngài với sự tin tưởng vững chắc rằng một ngày nào đó ngài sẽ xuất hiện tại đây, đi vào làng thuyết pháp, chữa bệnh, chỉ bảo cho mọi người tu hành, làm lành lánh dữ.
Tôi được một nhà truyền giáo người Âu kể rằng ông đã đến những làng mạc Tây Tạng thuyết giảng cho dân chúng nơi đây về lòng bác ái, hy sinh cao cả của đức Christ, đã chịu tội thay cho nhân loại, đã phục sinh sau khi bị đóng đinh trên thập giá, đã chữa bệnh cho mọi người, làm kẻ điếc được nghe, kẻ mù được sáng. Vừa nghe đến đây dân làng đồng thanh kêu lên: “Đúng rồi, vậy là ngài đấy, ngài đã trở lại”. Tò mò vị giáo sư hỏi lại: “Nhưng “ngài” đây là ai vậy?” Mọi người đồng thanh trả lời: “Còn ai vào đây nữa? Padmasambhava chứ ai!”
Đối với người Tây Tạng, Padmasambhava và đức Christ không có gì khác và chính là một người. Vị giáo sĩ đã giảng giải đủ mọi thứ nhưng không sao thuyết phục được họ. không phải vì họ không tin những điều ông giảng giải nhưng họ không thấy có sự khác biệt gì giữa giáo lý của đức Phật Thích Ca được thể hiện qua những lời giảng dạy của Padmasambhava. Sau cùng nhà truyền giáo đành bỏ về Ấn Độ.
Người Tây Tạng là một dân tộc đặc biệt rất nhạy cảm với những hiện tượng siêu linh. Chúng tôi đã nghe kể nhiều câu chuyện mà thoạt nghe một người Âu sẽ bác bỏ hay kết luận ngay rằng đó là những chuyện huyền hoặc, mê tín dị đoan. Họ nói đến việc tiếp xúc với người chết như một sự việc thông thường, như một người Âu sử dụng điện thoại hoặc nói chuyện với người ở xa. Họ nói đến những cảnh giới bên kia cửa tử như một nơi chốn địa dư nào đó, hiển thiên cũng giống như một người Âu đi du lịch qua xứ nào đó rồi về lại,về những điều đã được tiên tri, những câu sấm ký, những lý luận dựa trên niên lịch thiên văn cổ truyền một cách rõ rệt có đầu đuôi mạch lạc như một người Âu nói về những chuyện khoa học giả tưởng.
Trong khi đàm đạo, Namgyang kể cho chúng tôi nghe về những “vị thần” cư ngụ ở đầu làng trên một cổ thụ. Đó là một cây thông thuộc giống cedar rất lớn, thân to bằng sáu người ôm. Trên độ cao khoảng 9000 bộ của làng Poo này, rất ít cây cỏ nào có thể sống được, việc cổ thụ sừng sững ở đầu làng là một hình ảnh lạ lùng, hiếm có. Namgyang cho biết dân chúng trong làng phải đi rất xa để đốn củi, đa số mọi nhà đều dùng phân khô để đốt. Tuy thế, không ai dám đụng đến gốc cổ thụ kia vì đó là nơi các “ngài” cư ngụ. Ông ta nói bằng một giọng kính cẩn, pha chút sợ hãi. Chúng tôi nửa tin nửa ngờ nhưng không muốn hỏi thêm vì chất vấn một người trưởng tộc đầy uy tín như Namgyang có thể là điều bất kính. Dù sao câu hỏi vẫn lẩn quẩn trong trí chúng tôi, cho đến một hôm…
Sáng hôm đó Namgyang cho chúng tôi biết rằng hôm qua ông nằm mộng thấy một cầu vồng rực sáng nơi căn lều chúng tôi. theo ông thì chúng tôi sẽ gặp một quý nhân trong ngày hôm đó. Dĩ nhiên tôi không tin gì về những lời tiên đoán vu vơ này nhưng lạ lùng thay, khi vừa trở về lều thì chúng tôi nhìn thấy một vị Lạt Ma quần áo cũ kỹ, từ xa chống gậy đi tới. Chúng tôi bật lên tiếng reo mừng vì nhận ra ngài không phải ai xa lạ mà chính là Lạt Ma Phiyang, người chúng tôi quen biết tại Tsaparang.
Thật khó có thể diễn tả được cảm giác sung sướng của chúng tôi khi gặp Lạt Ma Phiyang. Không biết ngài có đoán trước rằng sẽ gặp lại chúng tôi hay không nhưng chắc chắn ngài đọc rõ được ý tưởng thầm kín của tôi. Vừa chào hỏi xã giao xong, ngài nói luôn:
– Các ông vẫn muốn có dịp học hỏi thêm về Mật tông với tôi phải không? Được lắm, nếu có thể giúp được điều gì thì tôi xin sẵn sàng.
Ngài mỉm cười quay qua bên tôi:
– Vì ông bạn đã được thụ giáo với những vị thầy nổi tiếng của phái Kargyupa và Gelugpa rồi nên tôi sẽ chỉ dẫn cho bạn thêm về truyền thống của phái Nyingmapa.
Tại sao Lạt Ma Phiyang lại biết như thế? Từ trước đến nay ngài không bao giờ hỏi tôi đã tu học với ai kia mà! Tôi chưa kịp lên tiếng bày tỏ sự thắc mắc này thì ngài đã thản nhiên ngồi ngay xuống đất, ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống bên cạnh và bắt đầu giảng giải cho chúng tôi về những tinh tuý của phái Nyingmapa (Cổ mật) vận được truyền dạy tại tu viện Sakya:
– Đức Phật, trên cương vị con người đã dạy cho con người phương pháp làm thế nào để trở thành một con người trọn vẹn. Nguyên lý chính của nó là sự phát triển của tri thức và trí tuệ, chủ đích là sự kiện toàn nhân cách con người. Chúng sinh vì thiếu ý thức nên cứ chìm đắm mãi trong vòng sinh tử luân hồi cho đến khi nào họ biết cách thể hiện được đời sống lý tưởng, nghĩa là không gây ra những điều kiện thọ sinh, đạt đến sự tự do toàn vẹn, không còn lệ thuộc vào một nhân duyên gì nữa thì họ sẽ đạt được trạng thái Niết Bàn. Niết Bàn chính là sự diệt vong của thể xác con người và tận diệt mọi điều kiện sinh tử…
Từ đó mỗi ngày chúng tôi đều đến lều của Lạt Ma Phiyang học hỏi về giáo lý khẩu truyền của phái Nyingmapa, nhờ thế chúng tôi hiểu biết thêm những điều mà vị tổ Mật tông Padmasambhava đã truyền dạy. Đa số các học giả người Âu thường chỉ dựa trên các tài liệu sách vở giới hạn, đã hiểu lầm vè Phật giáo Tây Tạng. Nhiều người đã tưởng học được k hóa Mật tại Tây Tạng với những môn phái Mật tông của Ấn giáo. Đây là một ngộ nhận hết sức lớn lao và đáng tiếc. Mật tông của Phật giáo hoàn toàn khác hẳn Mật tông của Ấn giáo. Tuy cả hai đều sử dụng những phương tiện giống nhau như thần chú, phương pháp luyện luồng hỏa hầu (Kundalini) nhưng mục đích và cứu cánh thì hoàn toàn khác hẳn nhau. Một bên chủ trương khai mở trí tuệ để hoàn toàn giải thoát khỏi luân hồi trong khi một bên chỉ chú trọng đến việc phát triển những quyền năng nội tại để đạt đến trạng thái tuyệt đối (Brahman). Một bên tìm cách quên mình (vô ngã) và một bên tìm cách phát triển bản ngã của chính mình (hữu ngã). Vì phạm vi giới hạn của cuốn sách này nên tôi không thể đi sâu vào chi tiết nhưng tôi đã chú giải rất kỹ điều này trong cuốn Foundations of Tibetian Mysticism.
Lạt Ma Phiyang là vị thầy Tây Tạng cuối cùng của chúng tôi trong chuyến du hành qua xứ tuyết. Chính nhờ ngài mà chúng tôi ý thức và kinh nghiệm được sự toàn vẹn của truyền thống Mật tông. Người ta có thể phân chia ra nhiều môn phái, nhiều chủ trương, lý thuyết khác nhau như các bậc học giả người Âu đã làm nhưng họ không thể hiểu được sự toàn vẹn nối tiếp của truyền thống Mật tông vốn xây dựng trên sự truyền khẩu giữa thầy trò, chứ không xây dựng trên những hình tướng bên ngoài. Các bậc tổ Mật tông như Atisha, Tsong Khappa, Milarepa. Marpa không hề phân biệt tông phái. Họ không hề chỉ trích các truyền thống khác mà luôn luôn dạy dỗ học trò phải cố gắng đạt đến trạng thái tâm vô phân biệt, không còn tìm thấy sự biệt giữa mình và thế gian, giữa mình và ngoại giới, giữa truyền thống và chủ trương khác vì tất cả các Pháp đều là Phật Pháp.
Sự hiện diện của Lạt Ma Phiyang tại Poo được đồn đại khắp làng. Gần như lúc nào cũng có người kéo đến làm lễ, xin được cúng dường và sau cùng Namgyang đại diện cho dân làng xin ngài làm lễ ban phép lành cho cả làng (Tsewang).
Để chuẩn bị cho nghi lễ này, Lạt Ma Phiyang đã phải tĩnh tu ít hôm. Dĩ nhiên chúng tôi tiếc đã mất đi chút thời giờ quý báu học hỏi thêm với ngài nhưng chúng tôi cũng vui vẻ phụ giúp dân làng trang hoàng và thiết lập một đàn tràng trên mảnh sân trước nhà Namgyang.
Đến giờ hành lễ, Lạt Ma Phiyang oai nghiêm xuất hiện trong bộ y phục đặc biệt dành riêng cho các nghi lễ. Không ai có thể nhận ra vị Lạt Ma già trong bộ quần áo rách mướp khi trước nữa. Tiếng chuông trống đồng loạt nổi lên, âm thanh của những bài thần chú vang rền. Lạt Ma Phiyang khởi sự các nghi thức một cách trang nghiêm, kính cẩn.
Đã từ lâu chúng tôi nhận thức sự quan trọng của các nghi thức hành lễ. Việc thực hành những nghi thức này phải phát xuất từ nội tâm, từ sự tha thiết của người chủ lễ, từ sự chân thành của những người tham dự thì mới được cảm ứng. Người ta không thể hành lễ một cách cẩu thả, hành động như những cái máy mà mong đạt được kết quả gì. Bất cứ nghi lễ nào cũng đòi hỏi một sự chí tâm chí thành, kính cẩn trang nghiêm vì nghi lễ là sự nối liền tâm thức những người hành lễ với những động lực thiêng liêng. Chỉ có đức tin và lòng chân thành mới có thể đem lại sự cảm ứng. Tôi xin lấy một thí dụ khoa học cho dễ hiểu: Những động lực thiên nhiên có thể ví như luồng điện, đức tin là dây dẫn điện và lòng chân thành chính là một cái bóng đèn. Muốn có ánh sáng thì phải có điện, có dây điện và có bóng đèn. Thiếu một trong ba thứ đó thì không thể có ánh sáng được. Tôi đã chứng kiến những phẩm vật được dâng cúng và các tín đồ vừa hành lễ vừa nói chuyện ồn ào, không chú tâm gì đến việc họ đang làm. Dĩ nhiên hoạt cảnh không khác gì một cái chợ đó chắc chắn không thể đem lại kết quả gì hết.
Lạt Ma Phiyang mang ra một bát đựng những dược liệu bào chế bằng rễ cây tán nhỏ như bột. Ngài châm một cây nhang rồi thong thả đặt vào bát đựng dược liệu đó. Dược liệu bắt lửa bùng cháy. Lạt Ma Phiyang vén tay áo bốc những dược liệu đó ném xuống đám đông trước mặt. Những tàn lửa loang loáng như liếm cả vào mọi người, dĩ nhiên nó không gây thương tổn cho một ai. Đây là một nghi thức tẩy sạch phiền não qua việc sử dụng lửa (Fire Purification) rất thông dụng tại Tây Tạng, không khác gì việc sử dụng nước thánh của những tôn giáo khác.
Chung quanh việc đàn tràng là những bó đuốc được sắp đặt theo vị trí nhất định, ngoài ra còn có những hình vẽ bằng vôi bột rải trên mặt đất với những đường nét kỷ hà lạ lùng, nhưng rồi nhận ra rằng đó là những ký hiệu của năm vị cổ Phật (Dhyani Buddha). Tại bốn góc đàn tràng là bốn lá cờ trắng có vẽ hình lưỡi Tầm sét (Vajra) và nhiều tờ giấy trên có kẻ những bài thần chú có công hiệu diệt tà ma, trừ yêu quái. Lạt Ma Phiyang giơ tay bắt ấn quyết, miệng lâm râm đọc thần chú, thong thả đi quanh đàn tràng một cách chậm rãi như người đang múa. Đây là một nghi thức hết sức khó khăn vì nó đòi hỏi người thực hành phải đặt hết tâm trí vào từng cử chỉ, từng bước đi. Dĩ nhiên nghi thức qũy nhất định (Mudras), tiến mấy bước, lùi mấy bước, quay qua bên phải, bên trái một cách nhịp nhàng… Mặc dù tuổi đã cao, bộ y phục với những trang sức rất nặng nề nhưng ngài vẫn thực hành một cách thuần thục, giọng đọc thần chú của ngài vẫn rõ rệt, cử chỉ của ngài vẫn đều đặn oai nghiêm…
Buổi lễ diễn ra một cách trang nhiêm như vậy thì bỗng có sự ồn ào náo loạn ở phía sau. Đám đông dường như bị xáo trộn bởi một cái gì rồi một người cao lớn, khuôn mặt dữ dằn xô đẩy mọi người để xông lên đàng trước. Tôi thấy cặp mắt người này trợn ngược lên như mất hồn. Đám đông xì xầm: “ngài đã về đấy, các ngài đã về đấy!”. Tôi biết ngay người nọ đang bị một động lực vô hình nào đó nhập vào.
Người nọ nhẩy ngay vào giữa đàng tràng trợn mắt nhìn Lạt Ma Phiyang nhưng ông này thản nhiên vừa trì tụng thần chú vừa tiếp tục nghi thức như không hề hay biết sự hiện diện của người nọ. Đám đông sợ hãi kêu rú lên vì nếu y làm xáo trộn nghi lễ ban phép lành như vậy thì không biết tai họa gì có thể xảy đến cho dân làng đây? Chúng tôi cũng lúng túng không biết phải xử trí như thế nào…
Lạt Ma Phiyang vẫn bắt ấn quyết, miệng đọc chú tiếp tục cử hành nghi lễ, bất chấp người nọ hầm hầm đứng trước mặt ông. Y cũng giơ tay làm cử chỉ như đang bắt ấn quyết, miệng y gầm gừ như một con thú, lưỡi y thè dài ra trông ghê rợn. Bất cứ Lạt Ma Phiyang làm gì, người nọ cũng bắt chước làm y hệt để chế nhạo ông này khiến đám đông sợ hãi nín thở không ai dám kêu lên một tiếng. Sau cùng, y nhặt những mảnh vải rách, những miếng giấy dưới đất đi vào Lạt Ma Phiyang nhưng ngài thản nhiên nhận lấy rồi thả vào đống lửa đang cháy giữa sân. Người nọ hét lớn tiếng rồi lùi lại, dường như động lực vô hình nào đó nhập vào y đã thoát ra ngoài. Y lảo đảo như người say rượu rồi nhảy vọt đến bên một ngọn tháp gần đó đập mạnh đâu vào bia đá. Máu trên đầu y phun ra xối xả nhưng dường như y không đứng được nữa mà cứ tiếp tục đập đầu vào bia đá lia lịa. Khi đó, có một vài thanh niên can đảm trong làng vội nhảy ngay đến đè chặt y xuống, không cho y đập đầu như vậy nữa. Một tình trạng náo loạn khác chợt diễn ra trong đám đông. Một người đàn bà, có lẽ là vợ của y ở đâu xông ôm chặt lấy y khóc miết.
Cũng may lúc đó chuông trống chợt dừng lại, buổi lễ đã chấm dứt và Lạt Ma Phiyang nghiêm trang chắp tay đọc bài chú nguyện để kết thúc. Lúc đó chúng tôi mới thở dài nhẹ nhõm. Nhưng sự việc không kết thúc dễ dàng như vậy vì người nọ chợt ngồi nhổm dậy, hất tung những thanh niên đang đè y xuống. Y gầm lên một tiếng, nhảy đến giá binh khí gần đó rút ra một thanh gươm nhọn đâm luôn vào mặt mình. Nhiều tiếng rú lên sợ hãi nhưng người nọ vẫn không ngừng tay. Điều lạ lùng là tuy vậy nhưng mặt y không hề chảy máu. Bất chấp thanh gươm nhọn xuyên qua gò má, y rút thêm một lưỡi giáo dài cắm xuống đất, đầu nhọn chĩa ngược lên trên rồi tung mình nhảy lên, chìa cổ đâm mạnh vào ngọn giáo. Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng ghê gớm hãi hùng như vậy… Lạ thay, thân hình y bỗng cứng đơ như một khúc gỗ nằm chênh vênh trên ngọn giáo nhọn hoắt mà vẫn không sao. Toàn thể đám đông nằm rạp xuống đất như qúa sợ hãi, nhiều người bật lên khóc rấm rứt. Đến lúc đó, dường như đã phô trương được quyền năng của mình, động lực vô hình kia mới bắt đầu lên tiếng qua gã thanh niên đang nằm lơ lửng trên ngọn giáo nhọn kia.
Cho đến nay, chúng tôi vẫn không thể hiểu tại sao một người có thể nói được khi mà má bị xuyên qua bởi một lưỡi gươm nhọn và cổ họng thì lún sâu trên ngọn giáo nhọn hoắt. Bằng một giọng trầm, động lực nọ cho biết đây là nơi y vẫn cư ngụ từ bao lâu nay, tại sao Lạt Ma Phiyang dám đến làm lễ và thế lại không dâng cúng gì cho y hết. Lạt Ma Phiyang bình tĩnh bước đến trước gã thanh niên nọ. Bằng một giọng thản nhiên, ngài bất đầu hỏi lý lịch của động lực kia, cư ngụ tại đây bao lâu và hành lễ có mục đích cầu nguyện, mang lại những điều tốt lành cho tất cả mọi chúng sinh và dĩ nhiên nếu ngài biết y hiện diện tại đây thì ngài sẽ mời y cùng hành lễ chung. “Vị thần” nọ dường như nguôi giận, y nhảy xuống đất, đứng nghiêm chỉnh nghe Lạt Ma Phiyang nói và sau cùng chấp nhận lời giải thích này.
Hiện tượng xảy ra tại đây khiến tôi tin chắc rằng vẫn có những động lực vô hình hiện diện khắp nơi. Dù gọi là thần thánh ma quỷ hay bất cứ danh từ gì chăng nữa, người ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của nó được. Tôi ý thức rằng Tây Tạng với vị trí đặc biệt và với sự phát triển của đạo Bon, đã là một nơi mà các động lực vô hình hoạt động mạnh hơn bao giờ hết. Cho đến lúc đó tôi mới hiểu lý do tại một tăng sĩ nổi tiếng như Santarakrista đã không thành trong việc truyền bá Phật giáo tại đây mà phải nhờ đến một tu sĩ Mật tông là Padmasambhava. Một người chỉ chú trọng vào từ chương lý thuyết, chỉ có thể thuyết giảng qua những lý luận thì không thể đối phó với những động lực huyền bí, những thử thách vượt ra ngoài lý luận thông thường. Phải là một người có định lực kiên cố vững chắc như kim cương, có lòng bác ái bao la như biển cả, có kinh nghiệm tâm linh thực sự qua công phu tu hành trì giới, hợp thêm với sức gia trì của chư Phật qua các phương tiện chiêu cảm như ấn quyết, đàn tràng và thần chú thì mới có thể vượt qua được những thử thách lớn lao để hoàn tất sứ mạng cao cả. Sứ mạng càng lớn chừng nào thì người tu hành lại càng chịu nhiều thử thách chừng đó và chỉ có vượt qua nổi những thử thách này thì họ mới xứng đáng nhận lãnh trọng trách giao phó. Giáo lý Mật tông cũng nói rõ, tùy theo hạnh nguyện của người tu, tùy theo phẩm cách cá nhân mà họ bị thử thách vì bất cứ đã phát nguyện tu hành đều sẽ bị thử thách. Một người thiếu tài năng đức độ, thiếu công phu tu hành trì giới chắc chắn không vượt qua được những thử thách thông thường; nhưng một người mà công phu tu hành trì giới đã đến mức tinh tấn cũng sẽ gặp những thử thách khó khăn lớn lao hơn. Hạnh nguyện càng lớn, sự thử thách càng vĩ đại và sự thử thách càng lớn chừng nào thì kết quả mới càng xứng đáng chừng nấy. Đêm cuối cùng trước khi thành chánh quả, thái tử Tất Đạt Đa đã trải qua bao thử thách với Ma Vương trước khi hàng phục được chúa tể loài ma và đắc quả vị Phật.
Nói tóm lại, người ta không thể phủ nhận những hiện tượng siêu hình một cách dễ dàng như khoa học vẫn thường làm, vì phủ nhận là từ chối một thử thách, một cơ hội. Theo sự hiểu biết và kinh nghiệm của tôi, những động lực vô hình là những động lực thực sự hiện hữu chứ không phải những lý thuyết vu vơ, là những sức mạnh thiên nhiên cứ không phải những tin tưởng mơ hồ. Trước sau gì khoa tâm lý học cũng phải chấp nhận những hiện tượng tâm lý như thần giao cách cảm, thôi miên, lên đồng nhập cốt, vấn linh, chữa bệnh bằng đức tin v.v… như những đối tượng để nghiên cứu dù chưa thể chứng minh hay đặt ra những lý thuyết để giải thích. Chỉ có sự chấp nhận mới có thể giải quyết một việc: chỉ có lòng khoan dung độ lượng, thương xót chúng sinh, bất kỳ là chúng sinh vô hình hay hữu hình, thì người tu mới có thể cảm hóa và giúp đỡ họ quay về nẻo chính. Nhờ biết chấp nhận mà Padmasambhava đã thành công trong việc truyền bá Phật giáo tại Tây Tạng, bất chấp sự phá hoại của các pháp sư đạo Bon.
Sau buổi lễ, chúng tôi đặt câu hỏi về người thanh niên kia với Namgyang. Việc một người bị những động lực nào đó nhập vào không phải là điều xa lạ vì chúng tôi đã chứng kiến nghi thức vấn linh (Oracle) nhưng người được linh nhập đều đã được chuẩn bị từ trước. Hiện tượng một người tự nhiên bị nhập này dĩ nhiên khác hẳn. Tôi muốn biết vì sao người này bị nhập và nếu vậy thì có những điểm tương đồng gì giữa người được chuẩn bị và không chuẩn bị hay không?
Namgyang cho biết anh này chỉ là một người thợ rèn, đã có vợ con và sống một cuộc đời bình thường như mọi người khác. Ông còn cho biết thêm rằng làng nào cũng có những vị thần giữ làng và bao giờ những vị này cũng chọn lấy một người trong làng để nhập vào khi cần thiết. Vì lý do đặc biệt nào đó, đa số những người bị nhập đều là thợ rèn, hoặc những người làm nghề có liên quan đến kim loại và lửa. Đây là một chi tiết đặc biệt ít ai chú ý đến. Tại sao những người này lại dễ dàng bị những động lực vô hình nhập vào? Phải chăng những nguyên nhân này bắt nguồn từ thời đại hồng hoang khi con người bắt đầu sử dụng kim loại, biết các rút lấy kim loại từ những tảng đá và rồi luyện nó bằng lửa? Phải chăng lúc đó chỉ những thầy phù thủy, những vị pháp sư của bộ lạc mới biết đến nghệ thuật luyện kim? Lịch sử Âu châu thường đề cập nhiều về những anh hùng xuất thân từ giai cấp thợ rèn, tuy nhiên khi người ta thần thoại hóa câu chuyện thì những chi tiết về giai cấp không còn được chú trọng đến nữa. Sự tích vua Arthur rút thanh kiếm thiêng cắm sâu trong tảng đá muốn nói lên một điều gì đây? Huyền thoại về vua Arthur đã đề cập đến pháp sư Merlin với những phép tắc thần thông, chỉ đá hóa vàng, kêu gọi những động lực vô hình giúp vua Arthur dựng nước. Theo tôi thì đây không phải là một chuyện thần thoại thông thường mà còn có nhiều ý nghĩa huyền bí khác nữa nếu người ta biết chú ý đến những chi tiết đặc biệt.
Theo sự hiểu biết của tôi, việc sử dụng những động lực huyền bí hoặc những động lực nào nhập vào là những truyền thống, phong tục không liên quan gì đến tôn giáo nhưng bắt nguồn từ những thời đại xa xưa. Từ khi con người còn ăn lông ở lỗ, sống trong các bộ lạc, họ đã biết đến những động lực siêu nhiên này. Dĩ nhiên về sau việc thực hành có thể được đồng hóa hoặc núp bóng dưới danh nghĩa tôn giáo. Tôi đã được chứng kiến một phong tục đặc biệt của bộ lạc Aissaouas tại Bắc Phi như sau: Phần lớn thanh niên trong bộ lạc này đều làm nghề rèn, họ đúc rất nhiều đồ vật kim loại để trao đổi với những bộ lạc khác lấy thực phẩm, đồ dùng. Hàng tuần, trai tráng trong bộ lạc này thường kéo nhau vào một đền thờ Hồ giáo (Mosque), tại đây họ nhảy múa theo những nhịp điệu đặc biệt cho đến khi họ bị những động lực nào đó nhập vào. Họ có thể đi trên lửa, lăn trên miếng chai, đâm những vũ khí nhọn hoắt vào thân thể, chân tay mà vẫn không hề hấn gì. Cái quyền năng được họ gọi là Allah hay bất cứ một danh từ gì chăng nữa cũng không quan trọng, nhưng điều đáng nói ở đây là sự hoàn toàn quên mình, loại bỏ ý thức cá nhân của mình để hòa nhập trong một trạng thái đặc biệt, một trạng thái mà họ gọi là “say sưa với đấng Allah”. Trong nhịp trống dồn dập, tất cả các thanh niên tự động xếp thành hai hàng dài đối diện với nhau, họ bắt đầu gọi tên Allah rồi nhún nhẩy như điên cuồng. Họ cởi bỏ y phục, hoàn toàn trần truồng lăn trên những đám than hồng và những miếng chai. Vị pháp sư (Inmam) làm chủ buổi lễ đưa ra những cái xiên nhọn hoắt, và đoàn người cứ thế lần lượt đến trước mặt ông để ông ta đâm những cái xiên nhọn vào thân thể. Đôi lúc mệt qúa đâm không nổi nữa ông phải lấy một cái búa lớn nện những chiếc xiên nhọn này vào thân thể tín đồ.
Đây là một cảnh tượng vô cùng ghê rợn, ai đã chứng kiến thì không thể quên được. Điều lạ nhất là tôi không thấy ai chảy máu hay rên la đau đớn. Tôi được kể rằng nếu kẻ nào có máu cháy ra thì sự tin tưởng vào đấng thần linh của y chưa đủ mạnh, y chưa tuyệt đối trao trọn tất cả cho đấng Allah. Đối với những người như vậy, vị giáo sĩ đưa ra những chiếc roi da dài có đóng đinh để họ cứ thế tự quất vào mình, tự hành hạ thân xác mình. Họ làm như vậy cho đến khi mệt qúa lăn ra đất, thiếp đi không còn biết gì nữa. Khi đó vị giáo sĩ sẽ đến bên từng người lẩm bẩm đọc những câu gì vào tai họ khiến họ tỉnh dậy, họ thản nhiên rút những xiên nhọn trên thân thể ra rồi mặc quần áo vào làm như không hề có chuyện gì xảy ra cả. Tại sao thân thể của họ không để lại một vết sẹo nào? Tại sao người ta có thể tự hành hạ thân xác trong một nơi chốn thờ phượng trang nghiêm như thế? Tôi được vị giáo sĩ giải thích rằng chỉ có sự khiêm tốn trước đấng Allah mới là đáng kể, vì càng hạ thấp mình xuống bao nhiêu thì sự vinh quang của đấng Allah mới càng vẻ vang bấy nhiêu.
Tuy không đồng ý với quan niệm này nhưng dĩ nhiên tôi cũng không thể chỉ trích hay phản đối những phương pháp đó vì đức tin và phong tục mỗi nơi một khác. Tôi tin rằng bất cứ một điều gì nếu đi đến chỗ quá trớn cũng đều có hại, dù nó là sự khiêm tốn trước một quyền năng cao cả nào đó. Sự tự hành hạ thân xác cũng không lạ đối với phong tục Âu châu thời Trung cổ. Nhiều giáo sĩ vẫn thường sử dụng roi da, kìm kẹp để tự hành hạ thân xác vì họ tin rằng cái thân xác xấu xa này có quá nhiều ham muốn, không thể kiểm soát được nên họ phải hành hạ nó, bắt ép nó vào kỷ luật.
Phật giáo không chấp nhận những phương pháp như vậy vì đức Phật đã trải qua nhiều năm tu khổ hạnh và tiết rằng việc hành hạ thân xác để khép nó vào kỷ luật như vậy thật không có lợi ích gì. Ngài đã tìm ra con đường Trung Đạo để tránh cho nhân loại khỏi sa vào các cực đoan vì chỉ có Trung Đạo mới đưa con người đến chỗ kiện toàn nhân cách, phát triển trí tuệ, ý thức rõ rệt các định luật vũ trụ như luân hồi, nhân quả v.v… Mỗi cá nhân đều có trách nhiêm về chính hành động của mình, gây nhân nào thì gặt quả nấy và chỉ có trở nên một con người toàn vẹn, không còn gây nhân nữa thì mới có thể giải thoát khỏi luân hồi, đạt đến cứu cánh Niết Bàn.
Mùa xuân đến một cách nhẹ nhàng, tuyết đã tan gần hết và đường đèo đã mở rộng. Nhiều đoàn khách thương bắt đầu khởi hành để xuống đồng bằng xứ Ấn. chúng tôi từ giã Lạt Ma Phiyang để lên đường. Tôi qùy xuống bên ngài để làm nghi thức từ giã nhưng ngài đã gạt đi và ngâm tặng tôi một bài thơ bằng tiếng Tây Tạng, đại ý khuyên tôi hãy kiên tâm bền chí cho việc tu hành. Sherab cũng bịn rịn từ biệt chúng tôi, người thanh niên này không cầm được nước mắt lúc chia tay. Anh bỏ ra nhiều ngày để khắc câu thần chú “Om Mani Padme Hum” trên một phiến đá rồi cung kính xếp nó lên một ngọn tháp bên đường. Đây là một phong tục Tây Tạng khi người ta tập hạnh nguyện hay mong ước một điều gì. Sherab cho biết anh ao ước sẽ có dịp gặp lại chúng tôi ở một kiếp sống trong tương lai.
Chúng tôi trở về thế giới bên ngoài mà không ý thức rằng Tây Tạng đang trải qua một biến cố lớn. Không bao giờ chúng tôi ngờ rằng một quốc gia hiền hòa nhỏ bé với truyền thống tâm linh cao cả như vậy lại có thể bị xâm lăng đô hộ. Dưới gông cùm và xiếng xích đỏ, tôi không hy vọng có thể trở lại viếng thăm xứ Tuyết nhưng nhưng tôi hy vọng những điều chúng tôi đã học hỏi, sưu tầm để truyền bá ra thế giới bên ngoài sẽ nhắc nhở cho nhân loại biết rằng họ cần thức tỉnh, cố gắng tu hành để được giải thoát, để không phụ lòng mong mỏi của đấng thế tôn vì thương xót chúng sinh mà chuyển pháp luân, dạy dỗ cho nhân loại một con đường sáng, một con đường thoát khổ. Đó là lý do tôi viết cuốn sách này…
Hits: 484