Đường Mây Qua Xứ Tuyết – Lama Anagarika Govinda

3 – Kỳ duyên nơi xứ tuyết

Để có thể hiểu được những diễn tiến xảy ra trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải quay trở lại, đi tìm nguyên nhân của những lý do đã khiến đời sống của chúng ta như thế.

Đôi khi chỉ một cái nhìn, một cử chử, hay một câu nói cũng có thể thay đổi hẳn cuộc đời chúng ta.

Cuộc đời của tôi đã bước vào một khúc quanh quan trọng bởi một biến cố dường như vô tình… Tôi là một tu sĩ Phật giáo trụ trì một ngôi chùa nhỏ gần Kandy, Tích Lan. Trên đường tham dự đại hội Phật giáo thế giới nhóm họp tại Darjeeling tôi đã gặp một trận bão tuyết nên phải tạm trú trong một ngôi chùa dưới chân rặng Tuyết Sơn vì tuyết đã phủ kín con đường giữa Nepal và Tây Tạng.

Đối với một người vừa chân ướt chân ráo đến thành phố xa lạ này thì trận bão tuyết quả là một điều bất hạnh. Vì không ý thức cái lạnh cắt da, cắt thịt của một miền nằm trên độ cao vài ngàn thước nên tôi chỉ mang theo một tấm áo cà sa mong manh, chỉ đủ che thân chứ không thể ngăn nổi cái lạnh. Tôi ngồi run rẩy thầm nghĩ tại sao mới hôm trước còn thoải mái thiền định dưới ánh nắng ấm áp xứ Tích Lan mà hôm nay lại phải co ro trong cái lạnh kinh hồn của Tây Tạng như thế này?

Từ trước đến nay Tây Tạng không hề gợi cho tôi một hình ảnh gì tốt đẹp. Đối với tôi, xứ này chỉ là một miền man di mọi rợ, không có một cái gì đáng thăm viếng. Đời sống của tôi đã gắn liền vào nếp sống thanh bạch trong ngôi chùa nhỏ bé nằm giữa Kandy và Nuwara-Elisa. Tôi không có một lý do gì lại qua Tây Tạng nếu không có “duyên” với xứ này.

Năm đó, tôi nhận được thiệp mời của Hội Phật giáo Thế giới nhóm họp tại Darjeeling. Trong thiệp, ông chủ tịch đã kèm theo một lá thư riêng mời tôi diễn thuyết về một đề tài do chính tôi lựa chọn. Sau một lúc do dự, tôi quyết định nhận lời vì nghĩ rằng đây là một dịp may hiếm có để một tăng sĩ như tôi có dịp mang giáo pháp nguyên thủy của đức Phật ra giảng dạy cho những tăng sĩ không được diễm phúc học hỏi những chân lý ấy. Lạt Ma giáo hay Phật giáo Tây Tạng đối với tôi chỉ là một biến thái của Phật giáo, một đứa con hoang đã thay đổi giáo pháp cao quý của đức Thế Tôn thành một hình thức mê tín dị đoan, thờ cúng ma qủy gì đó.

Truyền thống Phật giáo thường được chia làm Nam Tông và Bắc Tong (hoặc Đại Thừa và Tiểu Thừa). Đối với các tăng sĩ Nam Tông như tôi thì nhóm Bắc Tông, trải qua bao nhiêu thế kỷ đã “cởi mở” nhiều quá nên không còn “nguyên thủy” nữa và đã đến lúc họ cần phải trở về nguồn gốc.

Bởi lý do đó nên tôi đã thu xếp tham dự kỳ đại hội. Và giờ đây, tôi ngồi co ro giữa những hình vẽ lạ lùng, những biểu tượng huyền bí trong một tu viện Lạt Ma giáo chờ đợi cơn bão tan. Vì ngôn ngữ bất đồng, không thể nói chuyện với ai nên tôi chỉ đành ngồi bó gối, im lặng chờ đợi và chờ đợi…

Lúc đầu vị Lạt Ma trụ trì mời tôi tạm trú trong căn phòng riêng của ông ta tại hậu liêu những tôi không thể ngủ trong căn phòng quá chật hẹp với chiếc lò sưởi đốt bằng phân khô này. Tôi không chịu được mùi khói nồng nặc, cũng như các hương liệu mà ông ta bỏ vào lò sưởi nên sau một đêm mất ngủ tôi đã xin phép được ngủ trên chánh điện là nơi không khí thoáng đãng hơn…

Chánh điện là một căn phòng khá lớn với những hàng cột gỗ sơn son, thếp vàng. Chính giữa là một pho tượng đức Di Lặc to lớn cao gần đến trần nhà, ngoài ra còn có hàng trăm pho tượng Bồ Tát bầy dọc hai bên. Bốn vách tường đều có vẻ những bức tranh nổi mà dưới quan niệm của một tu sĩ Nam Tông như tôi thì nó không thể chấp nhận được tại một chánh điện trang nghiêm như vậy. Tôi không hiểu tại sao người ta lại có thể vẽ những vị Phật trang nghiêm bên cạnh những hình ma qủy nhe nanh múa vuốt. Các vị Bồ Tát hào quang chói lọi đứng cạnh những quái vật như giao long, thuồng luồng bay lượn lung tung. Rải rác đó đây là những hình ảnh nam nữ giao hợp và những đám mây ngũ sắc có những bí hiệu lạ lùng.

Trong hoàn cảnh ngôn ngữ bất đồng, không thể nói chuyện cũng như hỏi ai, tôi chỉ biết yên lặng chờ đợi cho cơn bão tan đi nhưng suốt mấy ngày nó vẫn không tan mà còn tăng thêm phần dữ đội. Gió lạnh gầm rú bên ngoài và tuyết càng ngày càng rơi nhiều, phủ kín mặt đất.

Chỗ tôi nằm là một góc khuất trong chánh điện, ẩn sau một cột trụ lớn. Từ đây tôi vẫn có thể nhìn thấy pho tượng đức Di Lặc lung linh mờ ảo dưới ánh sáng lập loè của những ngọn đèn dầu.

Mặc dù chánh điện thoáng đãng hơn hậu liêu rất nhiều những vì lạ chỗ nên tôi vẫn không thể ngủ được. Tôi nằm yên cố dỗ giấc ngủ và đang trằn trọc thì một tiếng động nhẹ vang lên làm tôi giựt thót cả mình. Một cảm giác lạ lùng khiến tôi ngồi bật dậy, hình như có một sự thay đổi kỳ lạ nào diễn ra ngoài chánh điện. Tôi có cảm tưởng như những pho tượng đang sống dậy, mỉm cười rạng rỡ và không gian vang vang một cái gì rộn ràng những trang nghiêm. Tôi nhắm mắt lại cố gắng thuyết phục mình rằng đó chỉ là một giấc mơ nhưng hình như có sự hiện diện của một cái gì làm tôi phải mở choàng mắt ra.

Tôi nhìn thấy một bóng người đang đứng trước bàn thờ, hai tay chắp vào nhau một cách cung kính rồi lễ xuống nhẹ nhàng… Sau đó bóng người thong thả quay qua những pho tượng Bồ Tát kế bên và tiếp tục nghi thức đảnh lễ… Việc một người giữa khuya bước vào chánh điện lễ Phật không làm cho tôi ngạc nhiên nhưng tôi có cảm tưởng như dưới mỗi cái lạy, cả chánh điện như bừng sáng lên một cái gì. Phải chăng các pho tượng đều cảm ứng trước tấm lòng thành của người này nên họ đều trở nên rạng rỡ? Mỗi khi bóng đen cúi rạp người xuống đất thì tôi thấy rung động, tôi chưa thấy ai có thể lễ một cách thành kính như vậy, mỗi cử chỉ của người đó như toát ra một cái gì sống động, khác hẳn với các hành động máy móc, giả tạo mà tôi thường thấy ở một số tu sĩ.

Bóng đen tiếp tục đi từ pho tượng này đến pho tượng khác một cách thành kính, trang nghiêm. Dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dàu tôi nhận ra đó là vị sư già lao công vẫn thường lo công việc quét dọn, lau chùi trong tu viện.

Theo chỗ tôi biết thì đa số các tu sĩ trong tu viện đều được gửi đi học tại các đại học Phật giáo hoặc được huấn luyện cẩn thận trừ vị sư già này vốn là người mù chữ, vô học nên trọn đời chỉ ở dưới bếp làm những công việc tầm thường như giã gạo, xay lúa và quét dọn. Không ai chú ý đến ông ta và ông ta cũng chỉ lặng lẽ làm tròn bổn phận một cách khiêm tốn, vô cùng khiêm tốn.

Tại sao một tu sĩ không theo khóa lễ thông thường mà lại hành lễ vào lúc đêm khuya như thế này? Tôi yên lặng theo dõi và mặ dù bên ngoài trời rất lạnh mà mồ hôi của tôi toát ra như tắm. Tôi nhận thấy mỗi bước đi, mỗi cái vòng tay cung kính lễ xuống của vị này đều bao hàm một cái gì vừa trang nghiêm vừa sống động, có một uy lực vô song mà một tu sĩ hơn nửa đời người hành lễ như tôi cũng chưa bao giờ được kinh nghiệm như vậy. Một người giỏi tất nhận biết một người giỏi hơn và tôi phải nói rằng từ trước đến nay tôi chưa thấy ai thành kính lễ Phật giáo được như vậy.

Ít hôm sau khi trời bắt đầu quang đãng, trục giao thông được tái lập những tôi không muốn trở về Tích Lan nữa. Hình như có một mãnh lực nào xui khiến tôi ở lại để khám phá những sự kiện lạ lùng mà tôi đã chứng kiến này. Tôi linh tính rằng cuộc đời của tôi sắp bước vào một giai đoạn mới, một cái gì sẽ làm thay đổi cuộc đời tôi hoàn toàn.

Tôi không ngờ rằng chính vì ngôn ngữ bất đồng mà tôi thường yên lặng và khi giữ yên lặng tôi quan sát được nhiều hơn. Khi những âm thanh ồn ào, những danh từ hào nhoáng của ngôn ngữ chấm dứt, người ta có thể cảm thông với hoàn cảnh chung quanh một cách rõ rệt, chính xác hơn.

Tôi được biết tên của vị sư già là Kachenia, ông ta sống trong một căn phòng nhỏ ăn thông vào chánh điện. Mặc dù đã lớn tuổi những ông ta không bao giờ ngồi yên, từ buổi sớm tinh sương người ta đã thấy ông lão qùy mọp dưới đất với tấm vải dày lau sàn chánh điện. Khi các vị sư sãi bắt đầu tệ tựu để làm lễ buổi sáng thì sàn chánh điện đã được lau sạch như gương và Kachenia bắt đầu việc châm dầu vào những ngọn đèn, hàng trăm ngọn rải rác khắp nơi trong chánh điện. Ông ta biết đích xác ngọn đèn nào sắp hết dầu phải châm thêm và từ tốn làm vì tuổi già nhưng tôi không bao giờ thấy ông đánh đổ một giọt dầu nào xuống sàn. Mỗi cử động của ông đều bao hàm một sự ý thức và chính xác tuyệt diệu.

Sau khi đã sửa soạn chánh điện cho tươm tất buổi lễ, ông lẳng lặng vác cây chổi ra sân. Từ cửa sổ trên chánh điện, tôi yên lặng quan sát ông lão làm việc, mỗi nhát chổi, mỗi cánh tay đưa ra đều tượng trưng cho một cái gì sống động, một ý thức rõ rệt về việc làm của mình.

Tôi thấy ông đào lên một tảng đất sét, trịnh trọng hòa với nước rồi nhào nặn thành những pho tượng Phật nhỏ. Mỗi cử chỉ của ông đều được kèm theo một câu thần chú. Ông đắp một lò nung nhỏ, cẩn thận đặt những pho tượng vào đó cho đến khi nó cứng rắn. Ông thong thả lấy ra từng pho tượng và cắm cúi vẽ vào đó những chi tiết, mỗi nét chấm phá đều cẩn thận kèm theo một câu thần chú. Bàn tay tài hoa của ông đã biến miếng đất sét vô tri giác thành những pho tượng sống động trông như thật. Tôi không thể ngờ một việc thủ công tầm thường được làm bởi ông cũng đã biến thành một nghi thức tôn giáo được làm bởi ông cũng đã biến thành một nghi thức tôn giáo thiêng liêng, tôn trọng.

Điều Kachenia đã dạy cho tôi một cách khiêm tốn này, tôi không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Tôi chỉ biết quan sát từng cử chỉ, từng hành động của vị sư già một cách vô cùng ngưỡng mộ.

Ít lâu sau, một vị đại tăng xứ Sri Lanka như tôi lại thấy mình lẽo đẽo đi theo vị sư lao công làm những công việc tầm thường nhất, khiêm tốn nhất. Chính sự chân thành, giản dị và khiêm tốn của Kachenia đã dọn đường cho tôi gặp những vị thầy Tây Tạng sau này và cho đến nay tôi luôn luôn coi Kachenia như vị thầy đầu tiên, người đã khai ngộ cho tôi để bước vào thế giới rộng rãi bao la của Phật giáo Đại Thừa…

Kachenla đối đãi với tôi như một người con. Ông dạy tôi tiếng Tây Tạng bằng cách chỉ vào những đồ vật và phát âm thật rõ ràng, sau đó ông bắt tôi đọc lại cho đến khi thật thuần thục. Mỗi sáng, ông thường mang cho tôi một thau nước nóng để rửa mặt, đây là một tiện nghi đặc biệt mà ông không bao giờ sử dụng và các sư sãi khác trong tu việc cũng không hề được hưởng. Dù sao tôi cũng là khách quý của tu viện, một người đến từ miền nam, chưa quen với khí hậu lạnh của dãy Tuyết Sơn.

Sáng nào tôi cũng uống trà với Kachenia. Trong căn phòng bé nhỏ của ông lúc nào cũng có một bình trà nóng ủ trong một bọc trấu. Trà Tây Tạng khác hẳn với các loại trà mà tôi đã dùng qua, nó có vị mặn vì được trộn với bơ và muối. Lúc đầu tôi thấy rất khó uống những về sau đã quen với loại trà này, tôi không thể uống lại các loại trà khác nhạt nhẽo và vô vị.

Trước khi uống, Kachenia thường lấy một dúm đậu rắc lên bàn tay rồi đọc thần chú. Sau đó ông khẽ rắc nhẹ nó lên đám than hồng bằng một cử chỉ vô cùng thành kính. Đó là một nghi thức (Mudra) quan trọng của Phật giáo Tây Tạng, ý thức từng hành vi của mình khi ăn, uống, làm việc. Đây là một phương pháp vô cùng giản dị nhằm kiểm soát thân, khẩu, ý mà về sau tôi đã áp dụng. Với Nam Tông thì Thiền là ngồi xếp bằng trong một tư thế nhất định, thở hít theo một nhịp điệu, định tâm theo dõi từng hơi thở. Với Bắc Tông thì tất cả hành vi, cử chỉ cũng đều là Thiền hết vì Thiền là sống và ý thức sự sống trong từng hơi thở, từng nhịp điệu, từng giây, từng phút. Nhờ quan sát Kachenia, tôi mới nhận thức rằng không có một cử chỉ nào của ông là dư thừa hay máy móc, tất cả chỉ là biểu lộ một trạng thái siêu việt của nội tâm, một trạng thái tự nhiên như đi đứng, nằm ngồi, thở hít. Một sự phối hợp vô cùng tự nhiên của thân, khẩu và ý…

Mỗi tối sau khi đã làm xong phận sự, Kachenia mang một cây đèn dầu nhỏ đến chỗ tôi ngồi và bắt đầu dạy tôi đọc các lời cầu nguyện, thần chú bằng tiếng Tây Tạng. Tôi chăm chỉ ghi chép các phiên âm vào một cuốn sổ nhỏ. Kachenia tỏ ra kiên nhẫn đặc biệt, ông sửa từng cách phát âm, từng chỗ phải nhấn mạnh và thỉng thoảng chỉ lên các pho tượng như ngụ ý cho tôi biết lời cầu nguyện đó sẽ được chư Phật, chư Bồ Tát chứng giám cho.

Dĩ nhiên tôi không hiểu một chút gì về ý nghiã những câu thần chú và điều này tạo cho tôi một sự lúng túng rõ rệt. Là một tu sĩ Nam Tông, tôi được huấn luyện vô cùng cẩn thận về các văn tự trong kinh điển. Trước khi đọc, một tu sĩ phải hiểu nghĩa từng câu kinh, từng danh từ một cách rốt ráo chứ không phải chỉ phát âm mà không hiểu gì hết nhưng hình như Kachenia lại chủ trương phá chấp mọi hình thức văn tự. Ông thản nhiên dạy tôi những câu thần chú mặc dù biết rằng tôi không hiểu một chút gì. Sau một thời gian, tôi cảm thấy như có một sự thay đổi rõ rệt trong nội tâm, hình như mỗi lần phát âm những câu thần chú này, tôi ý thức trong người như tràn ngập một thứ tình thương bao la từ Kachenia chuyển qua khiến tôi thấy bình an lạ lùng, một trạng thái mà ngôn ngữ không thể nào diễn tả được. Đó là lần đầu tiên tôi kinh nghiệm được sức mạnh của các câu thần chú (Mantra) và những âm thanh huyền diệu xuất phát từ trái tim của một bậc tu chứng. Những âm thanh này không thể lấy tai mà nghe, trí óc mà phán đoán mà chỉ có thể kinh nghiệm được bằng trái tim cùng rung động một nhịp với nhịp điệu cao thượng của một trái tim cao cả khác.

Sau này khi thông thạo văn tự và ngôn ngữ Tây Tạng, hiểu được mật nghĩa của các câu thần chú, tôi mới thấy rằng cái kinh nghiệm lúc đầu vẫn quan trọng hơn tất cả những lời giải thích bằng văn tự, danh từ của trí thức vốn luôn luôn bị giới hạn.

Dưới sự hướng dẫn của Kachenia, tôi bắt đầu ý thức những sự kiện nhỏ nhặt mà trước đó tôi không bao giờ chú ý đến. Từng bước đi, từng nhịp thở, từng cử chỉ của tôi dần dần được đặt dưới sự kiểm soát của ý thức chứ không còn tự động, vô ý thức như trước nữa. Tôi tập cách lật từng trang giấy trong cuốn kinh một cách thành kính, sau khi tụng kinh phải gói những cuốn kinh dày vào trong bao lụa một cách trật tự, ý thức. Ngay như cuốn sổ tay của tôi ghi chép những câu thần chú cũng phải ngay hàng, thẳng lối chứ không thể viết bừa bãi như thói quen ngày trước. Dù cho có viết sai, tờ giấy nháp cũng không được ném vào thùng rác hay vứt xuống đất, lấy chân dẫm lên. Kachenia dạy tôi cách mang những tờ giấy này để vào một chiếc hộp để về sau mang đốt, ông coi tất cả mọi vật, ngay một tờ giấy nháp, cũng đều có tính chất thiêng liêng với những công dụng của nó.

Tôi tập cách đi bộ chung quanh tu viện, luôn luôn thuận theo chiều quay của trái đất quanh mặt trời. Một cử chỉ để người đi ý thức sự điều hòa, trật tự của vũ trụ và không bao giờ làm cái gì đi ngược lại với thiên nhiên. Ngay khi muốn băng qua một mảnh sân hẹp để qua dẫy nhà phía bên kia, tôi cũng phải xoay qua bên phải và đi vòng theo một lộ trình nhất định chứ không phải muốn đi thế nào thì đi. Từng bước đi, từng hơi thở, từng cử chỉ phải nhất nhất tuân theo một nhịp điệu nhất định và đặt dưới sự kiểm soát của ý thức. Mỗi khi đi ngang qua cửa tu viện, nơi có để nhiều quả chuông quay (Prayer wheels) có khắc câu thần chú “Om Mani Padme Hum” thì tôi khẽ lấy tay đẩy nhẹ, tâm niệm câu thần chú mà Kachenia đã dạy tôi…

Nhiều người Âu đã viết rằng người Tây Tạng sử dụng quả chuông quay

Đánh bạo đi về hướng đó, băng qua một con đường mòn nhỏ, tôi thấy một gian nhà nằm quay mặt về phía sau núi và tiếng cồng lạ lùng phát ra từ trong đó, tôi còn nghe tiếng niệm chú trầm trầm của một vị sư vọng ra. Phải mất nhiều ngày tôi mới dám đánh bạo đến gõ cửa gian nhà thờ này và xin phép vào trong. Nhận ra tôi là khách quý của vị thầy trụ trì, vị sư đánh cồng đã mở cửa cho tôi vào mặc dù gian nhà này không cho phép ai bén mảng lại gần.

Tôi hiểu ngay lý do tại sao gian nhà này lại được xây cất phía sau chùa và không ai dám lãi vãng gần. Chính giữa gian phòng là một bức tượng hết sức ghê gớm của một vị hung thần tượng trưng cho sự hủy hoại, tàn phá… Khuôn mặt vị thần được che lại bằng một miếng lụa vì rất ai có can đảm nhìn thẳng vào mặt vị này mà về nhà không mất ngủ. Tôi được giải thích rằng vị thần này chỉ ghê gớm đối với những ai còn bám víu vào thế giới này hay các hình thức thường trụ của bản ngã. Sức mạnh của vị thần này có thể được sử dụng như một động lực giải phóng con người, nếu người đó ý thức được tính chất vô thường của thế gian và vô ngã của chính mình.

Người ta có thể coi đó là một vị hung thần hay một biểu tượng của sự giải phóng tùy tâm trạng và trình độ mỗi người. Biểu tượng này trông ghê gớm đối với những người chưa hiểu biết, chưa được chuẩn bị đón nhận chân lý, do đó khuôn mặt của vị thần được che lại và chỉ những người đã được chuẩn bị đặc biệt mới được phép bước chân vào đây và vén tấm màn này lên. Người Tây Tạng gọi vị này là “Cho Kyong Gon Po” (Kẻ bảo vệ luật pháp), luật pháp đây là những định luật vũ trụ như luân hồi, nhân quả, vô thường, v.v… Luật vũ trụ chỉ lợi ích cho những ai hiểu biết và chấp nhận nó những hết sức ghê gớm đối với những ai chống đối nó.

Ngoài căn phòng để bức tượng Cho Kyong Gon Po, tu viện này còn chứa dựng một sự bí mật lạ lùng khác nữa. Đó là một căn nhà vuông vức được dựng trên một cây cột nằm chơ vơ trên đỉnh đồi, căn nhà không có cửa sổ nên không ai có thể nhìn vào trong được. Cửa vào gian nhà đó được đóng chặt và niêm phong cẩn thận.

Khi được hỏi về căn phòng lạ lùng này, Kachenia cho biết đó là am thất của một vị Đại Lạt Ma đang tu nhập thất, Kachenia nói bằng một giọng thành kính gần như tôn sùng khếin trí tò mò của tôi lại gia tăng hơn nữa. Tôi đâm ra thắc mắc không biết sự huyền bí của không khí nơi đây có liên quan gì đến vị tu sĩ tu nhập thất kia không? Hơn nữa, một người mà tôi hết sức kính phục như Kachenia lại tỏ ra khâm phục vị này thì chắc vị đó phải là một nhân vật vô cùng đặc biệt. Vì một lý do nào đó, tôi ngỏ ý với Kachenia rằng tôi muốn gặp vị này, muốn học hỏi với vị này nếu vị Đại Lạt Ma này chấp thuận.

Kachenia tỏ ra vô cùng sốt sắng và hứa sẽ chuyển lời của tôi đến vị Đại Lạt Ma đó khi thuận tiện.

Vài tuần lễ lặng lẽ trôi qua, tôi không rõ Kachenia đã chuyển lời thỉnh cầu của tôi cho vị Đại Lạt Ma chưa? Hôm đó, vừa đi thiền hành về phòng tôi thấy một quả xoài khá lớn đặt trên bàn. Xoài là thứ trái cây mà tôi thích nhất nhưng nó chỉ mọc ở xứ nóng như xứ Tích Lan chứ đâu thể mọc ở Tây Tạng! Ngoài ra lúc này đâu đã đến mùa xoài? Tôi ngạc nhiên cầm quả xoài lên và thấy rằng không những nó rất tươi mà còn vừa vặn chín tới. Trong lúc tôi vừa ngạc nhiên vừa thích thú thì Kachenia bước vào, nét mặt rạng rỡ. Ông ta cho biết đó là quà của vị Đại Lạt Ma dành riêng cho tôi vì ngài biết tôi rất thích xoài, ngoài ra ngài đã chấp nhận lời thỉnh cầu xin được thụ giáo của tôi.

Kachenia sung sướng ra mặt, ông ta chia sẻ niềm vui với tôi như chính ông được diễm phúc đó. Ít khi nào tôi thấy ông vui như vậy. Căn phòng nhỏ của tôi dường như rạng rỡ hẳn lên dưới nụ cười tươi tỉnh của vị lão tăng này. Tôi biết rằng cuộc đời của tôi đã bắt đầu thay đổi kể từ đây…

Danh từ “Guru” thường được dịch là vị “Thày” (Teacher) những chữ này không được chính xác. Có lẽ ngôn ngữ Tây phương không có danh từ nào tương đương với chữ “Thày” (Gugu) của Đông phương. Vị thày theo Tây phương chỉ là người có kiến thức và truyền dạy kiến thức đó cho các họ trò. Học trò học được nhiều hay ít và sử dụng kiến thức đó vào việc gì ông thày không cần biết. Một vị thầy Đông phương không những chia sẻ những kiến thức với học trò mà còn chịu trách nhiệm về điều mình dạy dỗ và luôn luôn theo dõi học trò bằng một thứ tình thầy trò mà người Tây phương không thể hiểu. Người thầy Đông phương vừa là thầy vừa là cha mẹ, vừa dạy dỗ vừa lo lắng và chăm sóc học trò như mẹ hiền trông nom con thơ.

Cũng như thế, danh từ “chela” thường được dịch là học trò (Pupil) những người học trò theo đúng nghĩa không phải chỉ cắp sách đến trường, học hỏi các kiến thức với một vị thầy mà còn là một người có đời sống đã được ràng buộc vào đời sống của vị thầy. Sự liên hệ thày trò được nố liền bởi một cây cầu tâm thức vô cùng đặc biệt. Nhờ những câu thần chú (Mantra) mà học trò có thể liên lạc với vị thầy bất cứ tại đâu và lúc nào. Cũng vì những lý do đặc biệt này, một vị thầy luôn luôn lựa chọn học trò rất kỹ qua những thử thách đặc biệt để xem học trò có xứng đáng nhận lãnh những kiến thức này không? Phần lớn những thử thách (initiate) được diễn ra vô cùng thâm thúy và tế nhị. Nó không phải là một kỳ thi, một cuộc khảo sát mà đôi khi chỉ là những câu nói, những lời đề nghị. Tùy theo câu trả lời hoặc hành động của học trò mà vị thày biết được đã đến lúc học trò đủ sức học hỏi hay còn phải chờ thêm một thời gian nữa.

Kachenia cho biết đã đến lúc vị Đại Lạt Ma, sau một thời gian nhập thất sẽ rời am thất ra ngoài. Vị Đại Lạt Ma này không phải ai khác mà chính là vị Hòa thượng làng Tomo, vị Lạt Ma lừng danh khắp Tây Tạng. Dĩ nhiên lúc dó tôi không biết gì về ngài và cái tên Tomo Geshe Rinpoche không gây cho tôi một ấn tượng gì mấy, tôi chỉ lờ mờ hiểu rằng đó là một vị Lạt Ma tu hành công phu và đáng kính mà thôi.

Sáng hôm đó, một bầu không khí khác lạ đã diễn ra trong tu viện. Tự nhiên số tăng sĩ bỗng trở nên đông đảo hơn ngày thường. Tôi không hiểu các tăng sĩ từ đâu đến vì tôi không hề nhìn thấy họ trong tu viện này. Có thể họ ở gần hoặc vẫn tĩnh tu trong các mật thất trên núi. Ngay cả những vị tăng sĩ mà tôi quen biết cũng thay đổi trang phục vô cùng tề chỉnh. Họ yên lặng kéo nhau đến chánh điện, nét mặt người nào cũng lộ vẻ rạng rỡ như chờ đợi một điều gì. Mùi nhang trầm xông lên thơm ngào ngạt, đèn nến được thắp khắp nơi sáng trưng.

Một tiếng chuông ngân dài rồi cánh cửa chính bỗng mở rộng, hai hàng Lạt Ma trưởng lão thong thả bước vào, chính giữa là một vị Lạt Ma đã già những nét mặt vô cùng hiền từ, khoác một chiếc áo vàng được vá lại bằng hàng trăm mảnh vải nhỏ: Hòa thượng Tomo.

Lạt Ma Tomo bước đến trước pho tượng đức Di Lặc, hai tay chắp lại giơ cao lên trên trán bằng một cử chỉ trang nghiêm, thành kính rồi cúi rạp người xuống đảnh lễ. Một tiếng chuông thong thả ngân lên. Ngài đi một vòng quanh các pho tượng Bồ Tát và tiếp tục nghi thức đảnh lễ cho đến khi đi hết một vòng chánh điện rồi mới bước lên chiếc bục gỗ thấp gần đó, ra hiệu cho các tăng sĩ cùng ngồi xuống. Một sự tĩnh lặng bao trùm lên khắp chánh điện, hầu như ai cũng cảm thấy một sự bình an tràn ngập trong lòng, một niềm phúc lạc vô biên không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự kinh nghiệm được ý nghĩa của sự bình an.

Vị Lạt Ma trụ trì thong thả đứng lên ra hiệu và khóa lễ bắt đầu với những nhạc khí cùng trổĩ lên một lượt…

Đối với người Tây phương, âm nhạc chỉ được sử dụng như một hình thức diễn tả tình cảm con người. Đối với người Tây Tạng, âm nhạc lại đóng vai trò quan trọng hơn vì tính chất thiêng liêng của nó.

Tôi không phải là một nhà nhạc học, dĩ nhiên kiến thức của tôi về âm nhạc không có gì đáng kể những tôi đã đọc một vài tài liệu của người Tây phương viết về âm nhạc Tây Tạng và thấy rằng những tác giả đó đã có những sai lầm đáng tiếc.

Đa số đều nhận xét âm nhạc của Tây Tạng dưới quan niệm của người Âu nên cho rằng âm nhạc Tây Tạng thiếu tổ chức, không theo các âm luật thông thường. Dĩ nhiên âm nhạc Tây Tạng không được phân chia theo luật lệ của người Âu những điều này không có nghĩa nó thiếu tổ chức. Trái lại, nó được sắp đặt theo những luật lệ riêng biệt mà một người Âu thiếu kiến thức về tôn giáo không thể hiểu được.

Đời sống người Tây Tạng gắn liền với tôn giáo, xã hội Tây Tạng xây dựng trên nền tảng tôn giáo từ mấy ngàn năm nay nên âm nhạc của xứ này cũng phát xuất từ tôn giáo. Tuy nhiên đối tượng của âm nhạc Tây Tạng không phải để ca tụng một đấng tối cao nào đó hay kêu gọi lòng sùng tín là sự diễn tả những âm thanh một cách trung thực như nó là (asis). Âm nhạc Tây Tạng không hề được sử dụng vào bất cứ mục đích nào có tính cách cá nhân mà nhằm vào một đối tượng có tính cách rộng rãi, bao quát hơn nhiều. Do đó nó không diễn tả niềm vui, nỗi buồn như ta thường thấy ở các loại âm nhạc khắp thế giới mà chỉ lập đi lập lại những âm thanh rời rạc trong một giới hạn nào đó. Cũng vì thế nó cần phải có sự hòa hợp của nhiều loại nhạc khí khác nhau để tạo thành bản nhạc và đây là một điểm đặc biệt, ít người để ý đến. Nhạc khí Tây Tạng không hề được sử dụng để độc tấu mà luôn luôn hợp tấu. Vì những lý do nào đó, âm nhạc Tây Tạng thường chú trọng đến các rung động sâu xa (deepest vibrations) nên đa số nhạc khí là loại cồng, chuông, trống, tù-và và kèn nhiều hơn các loại đàn dây (strings).

Người ta không thể hiểu âm nhạc Tây Tạng nếu không biết đến Thần Chú (Mantra) vì bài nhạc nào cũng được sắp đặt làm sao để có những âm thanh rung động thật trầm, thật sâu như tiếng phát âm của những câu thần chú. Sự sắp đặt về âm thanh của âm nhạc Tây Tạng dường như phản ảnh một lý thuyết rằng âm thanh là một sức mạnh hết sức nhiệm mầu. Nếu một âm thanh phát ra đúng cách có thể phá vỡ một cái ly thủy tinh thì sự phối hợp âm thanh bằng những tiết điệu đặc biệt có thể tạo ra các quyền năng siêu hình, huyền bí, ảnh hưởng đến các cõi giới xa xăm nào đó.

Căn bản của dàn hòa tấu nào cũng gồm có một cặp tù-và (Radongs) dài khoảng 4 thước, phát ra những âm thah vừa trầm, vừa ngân nga như tiếng sóng biển. Hai nhạc công thay phiên nhau thổi làm sao để âm thanh trầm này không bao giờ dứt và bất cứ bản nhạc nào cũng khởi đầu và chấm dứt bằng âm thanh của cặp tù-và này.

Đối với các tăng sĩ xuất than từ Tích Lan như tôi thì việc sử dụng nhiều nhạc khí trong các khóa lễ quả là một điều lạ lùng. Tôi chỉ quen nghe tiếng chông và mõ thôi nên lúc đầu hơi khó chịu vì tiếng kèn, tiếng tù-và, tiếng trống, những về sau tôi thấy đây là một đặc điểm hết sức tinh tế có thể trợ giúp cho buổi lễ thêm phần long trọng và hướng dẫn tinh thần người hành lễ vượt lên một bình diện cao hơn.

Quan niệm Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada) cho rằng âm nhạc chỉ là một thứ để tiêu khiển, giải trí nên đời sống tôn giáo không cho phép các tu sĩ nghe nhạc hay mang âm nhạc vào tôn giáo. Có lẽ vì vậy nên cuộc sống tu hành được coi là khổ hạnh, tình cảm được kiềm chế, kiến thức về sách vở, từ chương được đề cao hơn kinh nghiệm tâm linh. Sự bảo thủ này đã đưa Phật giáo nguyên thủy vào một lối sống chật hẹp, gò bó không phóng khoáng thoải mái như Phật giáo Đại Thừa.

Tôi không thể diễn tả nỗi vui mừng của mình khi đứng trước mặt vị Lạt Ma nổi tiếng của Tây Tạng, người có khả năng mang lại bình an cho tất cả mọi người.

Cuộc gặp gỡ chúng ta diễn ra trong căn phòng nhỏ của ngài. Như tất cả những căn phòng khác tại tu viện này, căn phòng được bày biện hết sức giản dị với một chiếc ghế rộng dùng để thiền định. Đa số các vị Lạt Ma cao cấp đều sử dụng một chiếc ghế tương tự để ngồi thiền, gần như không bao giờ họ nằm nên không phòng nào có giường ngủ cả. Họ ngồi đó trong tư thế liên hoa giờ này qua giờ khác, đắm mình trong trạng thái thiền định khi không tiếp xúc với ai. Chiếc ghế của Hòa thượng Tomo có khắc một bánh xe Phật và một đám mây ngũ sắc, nét khắc sắc sảo trông rất linh động. Tất cả những đồ đạc khác trong nhà đều có tính cách tôn giáo: một lư hương, một cái chuông và một cây tích trượng (seeptre) bằng đồng v.v… Hòa thượng Tomo không sở hữu bất cứ vật gì. Khi di chuyển từ chùa này qua chùa khác, ngài chỉ mang theo một ít vật dụng tối thiểu. Đối với ngài, một hang đá đơn sơ cũng không khác gì một dinh thự nguy nga, một căn phòng đầy đủ tiện nghi lộng lẫy không hơn gì một căn phòng trơ trụi với một chiếc ghế mộc mạc. Tất cả những đồ vật người ta cúng dường cho ngài đều được mang ra phân phát đều cho các tăng sĩ hoặc xung vào qũy của chùa. Tuy đi khắp nơi, trú ngụ nhiều chỗ những tôi không bao giờ thấy ngài mang theo bất cứ một vật gì nhận lãnh của tín đồ. Ngài tu theo hạnh Đầu Đà (Anagarika) chủ trương tuyệt sở hữu và ít khi lưu lại nơi nào lâu dài.

Hôm đó tôi đã qùy trước mặt ngài lãm lễ ra mắt và ngài đã đặt bàn tay lên trán tôi trong cử chỉ ban ân huệ. Toàn thân tôi như chìm trong niềm phúc lạc tuyệt vời, tất cả những câu hỏi, lời nói tôi định thốt ra bỗng tiêu tan hết vì tôi đã nhận được câu trả lời, không bằng ngôn ngữ nhưng bằng một sự giao cảm thần bí. Tôi lặng người trong sự bình an mà ngôn ngữ không thể nào diễn tả trong một thời gian rất lâu.

Hòa thượng Tomo ngồi yên trên chiếc ghế bằng gỗ, tôi không thể đoán ngài bao nhiêu tuổi. Có lẽ khoảng ngoài sáu mươi. Ngài có một khuôn mặt tròn lúc nào cũng lộ vẻ tươi cười khiến mọi người cảm thấy yên tâm, thoải mái trước sự hiện diện của một người như vậy.

Một điều lạ cũng cần được nêu ra, Hòa thượng Tomo không thích ai chụp ảnh ngài. Tất cả những người công khai hoặc lén lút chụp ảnh ngài đều thẩy rằng tấm ảnh họ chụp hoặc trắng tinh như chưa hề chụp, hoặc chỉ thấy những đồ đạc chung quanh nhưng không bao giờ thấy ngài. Ngài không thích sự tôn sùng cá nhân và không muốn trở nên một đối tượng cho những việc này.

Hôm đó, sau khi làm lễ nhập môn cho tôi xong, ngài đã nói ngay;

– Nếu con muốn làm thầy của con thì con đừng nhìn cái thân thể vô thường, nay còn mai mất này như vị thầy của con. Chúng ta đều là những kẻ bất toàn, thay vì nhìn vào những điểm bất toàn này, con hãy nhìn thẳng vào Phật tính vốn hoàn hảo và hiện diện trong tất cả các chúng sinh. Thay vì chấp nhận những điều ta chỉ dạy cho con như điều đó đến từ ta thì con phải coi đó là những chân lý vẫn hằng có trong vũ trụ, mà đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ được và giảng giải trong giáo pháp của ngài. Ta chỉ là một kẻ tuân theo những giáo pháp đó mà đi, theo ngọn đuốc mà đức Phật Thích ca đã soi đường khi con qùy lạy trước mặt ta mà hãy nghĩ đến đức Phật Thích Ca, người đã khai ngộ cho tất cả chúng sinh vì chỉ có ngài là người duy nhất được hưởng tất cả mọi sự tôn kính đó. Đừng nhìn vào ngón tay chỉ mặt trăng mà quên đi luồng ánh sáng tuyệt vời phát xuất từ mặt trăng. Đừng trông cậy vào ta như người sẽ đưa con đến chân lý mà hãy trông cậy vào chính con, trông cậy vào cái Phật tính luôn luôn tiềm tàng sẵn nơi con để hướng dẫn con trên con đường về bến Giác. Đừng nhìn vào thân thể này, bộ áo này hay những điều ta nói như một sự thật tuyệt đối mà hãy chứng nghiệm nó nghi ngờ nó, xét đoán nó cho đến khi không còn nghi ngờ hay thắc mắc nào. Đừng vì qúa cung kính hay lễ phép mà không dám đặt câu hỏi vì như vậy là con đã mất đi một cơ hội để tiến gần hơn đến sự thật.

– Điều quan trọng nhất mà con phải biết là tất cả mọi chúng sinh đều có khả năng thành Phật, đều có sẵn Phật tính trong mình, chỉ vì mê lầm không nhận rõ tính chất cao quý thiêng liêng nơi mình mà chúng sinh mới bị mê đắm vào vòng đau khổ.

Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính nên tất cả chúng sinh đều tuyệt đối bình đẳng, không có gì sai khác. Nếu con tự cho rằng mình cao cả hơn kẻ khác và có thái độ khinh bỉ với họ thì con không thể nào tiến xa trên đường giải thoát. Con phải biết rằng lý do chúng ta sống trong cái thế giới bất toàn này vì chúng ta còn bất hoàn và tất cả mọi sự xẩy ra đều chịu sự chi phối của luật Nhân Quả. Bằng thái độ sống chân chính, con có thể vượt qua các khó khăn trở ngại, thay thế những sự kiện bất toàn bằng những điều toàn vẹn và nhờ thế không những con trở nên vẹn toàn hơn mà còn biến thế giới này thành tốt đẹp hơn nữa.

Biết tôi là một tăng sĩ đã dành nửa đời người nghiên cứu giáo lý và kinh điển Phật giáo, Hòa thượng Tomo không đề cập đến các giáo điều mà đi thẳng vào việc thực hành thiền định mà ngài cho rằng quan trọng hơn các lý thuyết.

Theo ngài thì trước khi bước chân vào con đường tu thiền, một người phải trau dồi thân khẩu ý cho thật trong sạch. Chỉ khi nào giữ vững được thân khẩu ý thì mới nên bước chân vào con đường tu thiền. Bước đầu của việc tu thiền là làm nẩy nở lòng từ bi nơi mình vì đó là điều kiện quan trọng nhất. Thiếu điều kiện này thì việc tu thiền không những sẽ không mang lại kết quả gì mà còn rất nguy hiểm về sau vì chỉ có từ bi mới giúp ta vượt qua các trở ngại gây nên bởi các tình cảm ích kỷ và các giới hạn chật hẹp của tri thức. Để đạt đến thái độ này, người tu thiền phải coi tất cả mọi chúng sinh như người thân trong gia đình vì không một sinh vật nào trong vũ trụ này mà không có sự liên hệ với nhau trải qua vô lượng, vô số kiếp sống luân hồi. Ngoài ra người tu thiền còn phải ý thức thật rõ rệt từng giây từng phút mình đang sống, từ cử chỉ từng lời nói tất cả đều phải được hướng dẫn rõ rệt bằng nội tâm chứ không thể sống một cách máy móc, vô ý thức. Ngài nhấn mạnh rằng thiền định là một lối sống chứ không phải là một phương pháp để thực hành trong những lúc rảnh rỗi, những khi không có việc gì để làm. Đây là một điểm hết sức quan trọng của Đại Thừa vì Thiền chính là sống, sống đúng, sống thật với ý nghĩa của sự sống. Tiểu Thừa và các môn phái Yoga của Ấn Độ thường tách rời thiền định (meditation) ra khỏi cuộc sống và biến nó thành một phương pháp (technique) hơn là một lối sống.

Vì không phải là một kỹ thuật, phương pháp, người ta không thể học hỏi nó qua sách vở mà phải có sự hướng dẫn trực tiếp của một vị thầy. Do đó thiền định còn là kinh nghiệm tâm linh giữa thầy và học trò mà trong đó người học trò cố gắng đặt tâm thức của mình hòa hợp vào tâm thức của vị thầy.

Để đạt điều này, người tu thiền phải luôn luôn nghĩ đến đức Phật như ngài đang hiện diện trong y chứ không phải bên ngoài. Bất cứ sự mong cầu một quyền lực nào bên ngoài cũng đều là những vọng niệm cần phải loại trừ vì không một uy lực nào bên ngoài có thể giúp chúng ta, ngay chính sự mong cầu một điều gì dù là sự bình an, niềm lạc phúc cũng đã là một vọng niệm rồi. Chỉ khi nào người tu thiền ý thức rõ rệt rằng đức Phật ngự trị ở bên trong thì họ mới có thể hiểu trọn ý nghĩa câu thần chú linh thiêng “Om Mani Padme Hum”. Chỉ khi lòng từ bi hoàn toàn khai mở như một bông sen (Padme) vươn lên khỏi vũng bùn và bắt đầu khai hoa thì hương thơm của Trí tuệ (Mani) mới bắt tỏa ra khắp nơi và mọi hành động: Thân, Khẩu và Ý (Om) mới thật sự phản ảnh trọn vẹn đúng cái ý nghĩa cao đẹp nhất của sự sống (Hum).

Khi lòng từ bi phát triển trọn vẹn, người tu thiền không còn ao ước sự giải thoát cho chính mình nữa mà thấy mình và chúng sinh không hề sai khác, mình với tất cả chúng sinh chỉ là một và khi chúng sinh còn vướng mắc trong vòng đau khổ thì làm sao mình có thể giải thoát được?

Khi trí tuệ đã phát triển trọn vẹn thì làm sao mình có thể lầm lạc, có thể hành động trái với luật thiên nhiên, trái với chân lý được? Khi mọi vật đều sáng tỏ, không còn vô minh, tất cả mọi sự thật đều phơi bày rõ ràng thì đâu còn êm đắm, đâu còn khổ đâu. Khi từ bi và trí tuệ đều phát triển trọn vẹn thì không còn sự phân biệt nữa. Từ bi cũng là trí tuệ mà trí tuệ cũng là từ bi và người tu đã chứng đắc, đã đi vào con đường Trung Đạo, thấy rõ bản thể chân như của sự vật: Tất cả đều là một, hình tướng tuy khác nhưng thể tánh chỉ có một. Đó là ý nghĩa câu kinh “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”.

Điều may mắn nhất cho tôi là trước khi được Hòa thượng Tomo dạy dỗ, tôi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng bởi Kachenia. Ngoài ra tôi còn quen một vị Lạt Ma gốc Mông Cổ tên là Thubden Serab vốn thông thạo cả Anh ngữ lẫn Tạng ngữ.

Thubden là một Lạt Ma trưởng lão đã tu học ở Lhassa hơn hai mươi năm, được phong làm Hòa thượng (Goshe) và đại diện cho Giáo hoc Tây Tạng tại Trung Hoa. Tại đây ông đã giúp học giả Von Stael holsen trong công trình khảo cứu Phật giáo nên có cơ hội học hỏi thêm về Anh ngữ.

Vì Thubden muốn học Pali nên tôi đề nghị ngay một sự trao đổi: ông ta dạy tôi tiếng Tây Tạng và tôi giúp ông về Pali.

Nhờ Thubden làm thông ngôn, tôi có thể nói chuyện dễ dàng hơn với Hòa thượng Tomo nhưng về sau tôi mới biết rằng ngài không cần ai thông dịch cả. Ngài có thể đọc rõ tư tưởng của tôi như mở một cuốn sách và ngài cũng không cần phải sử dụng ngôn ngữ để giải thích một điều gì vì khi tôi thiền định, ngài có thể gieo vào tâm tôi những tư tưởng tốt lành nhờ thế tôi có thể chứng nghiệm được những điều ngài muốn nói.

Khi Hòa Thượng Tomo chấp nhận tôi làm đệ tử và truyền cho tôi câu thần chú đầu tiên thì tôi bỗng ý thức rằng từ trước đến nay nếp sống tu hành của mình vẫn còn một thiếu sót rất lớn: kinh nghiệm tâm linh. Đây là một kinh nghiệm không thể diễn tả bằng ngôn ngữ, không thể suy xét bằng lý luận, không thể nghĩ bằng triết lý những là một kinh nghiệm trực tiếp, một bằng chứng hùng hồn cho người đi trên đường Đạo biết rằng điều mà họ đang theo đuổi không phải chỉ là một giải thuyết xa vời, một ý tưởng trừu tượng những là một điều mà người ta có thể đạt được, kinh nghiệm được.

Nhiều người đã hỏi tôi nếu đã kinh nghiệm được thì tại sao lại không thể diễn tả? Theo sự hiểu biết của tôi thì chuyển động của tâm thức cũng như sự chuyển động của ánh sáng, tất cả những gì nắm bắt láy nó đều chỉ là ảo vọng vô ích vì cái ý tưởng nắm giữ một vật hằng chuyển chỉ là một quan niệm điên rồ.

Sự tĩnh lặng của tâm hồn không có nghĩa là sự bất động của tâm thức hay ngăn giữ nó đứng yên nhưng là một trạng thái mà tâm thức thực sự tự do không bám víu, ràng buộc hay vướng mắc vào đâu cả. Điều này có thể tạm giải thích như một nốt nhạc tự nó không có ý nghĩa gì mà chỉ khi có sự hiện diện của những nốt nhạc khác vì âm nhạc là sự tương quan của nốt nhạc với nhau. Sự tương quan này có tính cách tự do, không thể nắm giữ được mà chỉ có thể cảm nhận được qua những âm điệu du dương trầm bổng. Nếu phân tích âm điệu này thành từng phần nhỏ, ta chỉ còn những nốt nhạc rời rạc vô hồn không có ý nghĩa gì hết. Ngay trong giây phút mà chúng ta bắt đầu phân tích, sắp đặt thành hệ thống các kinh nghiệm tâm linh thì chúng ta bóp chết sự sống động mầu nhiệm của chúng rồi.

Đối với những vị thầy mà tôi được biết, Tomo Geshe Rinpoche đương nhiên là vị thầy quan trọng nhất. Một sự liên quan mật thiết đã nối liền tâm thức tôi với ngài ngay trong buổi lễ nhập môn. Lúc đó tôi không biết gì nhiều về ngài nên đã tránh được những chủ quan mà người khác thường gặp phải khi tiếp xúc với một bậc tu hành như vậy. Nhờ quan sát với một tinh thần vô tư tuyệt đối mà tôi nhận thấy ngài sở hữu rất nhiều quyền năng (Siddhi) chỉ có ở những bậc tu chứng. Dĩ nhiên không bao giờ ngài khoe khoang điều này nhưng nhiều sự kiện xảy ra một cách tự nhiên đã xác nhận điều nhận xét của tôi.

Hôm đó, chúng tôi quây quần bên ngoài để nghe nói về các kinh nghiệm khi thiền định. Thubden Sherab vì đã tu cao nên có nhiều câu hỏi mà tôi không hiểu gì hết. Tôi ngồi nghe nhưng tâm hồn cứ vẩn vơ những chuyện đâu đâu.

Tôi nghĩ rằng có hợp ắt có tan, có gặp gỡ thì cũng có ngày tạm biệt, một ngày nào đó Hòa thượng Tomo sẽ rời nơi đây để vân du nơi nào đó. Biết bao giờ tôi mới có dịp được ngồi bên ngài, để được che chở trong luồng từ điện an tĩnh toát ra từ ngài như thế này? Mặc dù Tomo Rinpoche đã dạy rằng thời gian và không gian chỉ là những gì tương đối, giữa tôi và ngài nối liền bởi một cây cầu tâm thức thì dù xa xôi vạn dặm mà ngài vẫn như ở bên cạnh, vẫn chăm lo săn sóc được cho tôi. Lúc đó tôi chưa có đủ tin tưởng nên chỉ ao ước có một cái gì rõ rệt hơn như một là bùa hộ mệnh, một pho tượng Phật nhỏ đeo trước ngực để che chở khi cần thiết.

Tôi còn đang mải miết suy nghĩ thì Hòa thượng Tomo đã ngừng câu chuyện với Sherab, quay về phía tôi tuyên bố:

– Trước khi rời nơi đây, ta sẽ cho con một pho tượng Phật nhỏ để con biết rằng lúc nào ta cũng để ý và săn sóc đến con.

Tôi bàng hoàng đến nỗi không thốt ra được một lời nào. Điều tôi không dám nói nhưng đã nghĩ đến thì cũng như nói ra rồi và Hòa thượng Tomo có thể đọc rõ tư tưởng của tôi như một cuốn sách. Dù đang chú tâm chỉ dẫn cho Thubden Sherab nhưng ngài vẫn theo dõi được từng tư tưởng các đệ tử, nghe được các ao ước thầm kín của họ. Đây là một quyền năng mà kinh điển Tây Tạng gọi là “thiên lý nhĩ” (divine ear), nghe được mọi điều cầu xin của thế gian.

Hòa thượng Tomo tu theo hạnh Đầu Đà (Anagarika) ít khi ở đâu lâu dài mà thưởng di chuyển khắp nơi để thuyết pháp, độ sanh. Thỉng thoảng ngài dừng chân tại một nơi nào đó để nhập thất, tĩnh dưỡng ít lâu lại tiếp tục công việc hoằng pháp. Lần này ngài đã lưu lại tu viện Yi Gah Cho-li này hơn một năm để nhập thất nhưng đến lúc ngài phải lên đường….

Giờ phút cuối, khi tôi qùy trước mặt ngài làm lễ tạm biệt thì ngài rút trong túi ra một pho tượng Phật nhỏ và nói rằng trong suốt thời gian qua, lúc nào ngài cũng cầm pho tượng này trong tay khi thiền định cho đến lúc trao nó cho tôi.

Vừa đón lấy pho tượng, tôi đã cảm thấy ngay một luồng từ điện mãnh liệt như sóng biển cuồn cuộn từ pho tượng chuyển qua khiến tôi thấy mình chìm đắm trong một biển tình thương rộng lớn. Tôi cúi rạp người xuống nước mắt ràn rụa không sao thốt nên lời. Từ đó tôi biết rằng, dù xa cách muôn trùng, ngài không bao giờ xa tôi và dù ở bất cứ nơi đâu ngài cũng thường xuyên để ý và săn sóc đến tôi.

Hits: 484

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13