Đường Mây Qua Xứ Tuyết – Lama Anagarika Govinda

9 – Văn hóa Tây Tạng

Đối với người Tây phương, kịch chỉ là một nghệ thuật trình diễn để giúp người coi giải trí, nhưng với người Tây Tạng nó còn mang một ẩn nghĩa với những năng lực bí mật được khai phóng qua các vai trò, âm thanh, màu sắc và những nghi thức đặc biệt.

Cũng như hầu hết các nghệ thuật Tây Tạng, kịch nghệ chịu ảnh hưởng tôn giáo rất nhiều. Đa số các vở kịch đều được trình diễn trong khuôn viên chùa chiền vào những ngày hội, ngày lễ lớn. Cũng như kịch nghệ Ai Cập và Hy Lạp, kịch nghệ Tây Tạng chú trọng nhiều về những vũ điệu, sự phối hợp giữa âm thanh và động tác của diễn viên.

Một điều quan trọng nổi bật là việc sử dụng các ấn quyết (Mudra) và thần chú (Mantra) để diễn tả một ẩn nghĩa hay kêu gọi những năng lực vô hình nào đó.

Hầu như vở kịch nào cũng đề cập đến những năng lực siêu nhiên, huyền bí với nhân vật tượng trưng cho hai phái chính tà, thiện ác. Đa số những nhân vật phe ác đều hóa trang thành ác qủy có hình thù hết sức ghê gớm, đeo mặt nạ hung dữ và nhân vật phe thiện trang phục quần áo đẹp đẽ với các võ khí như cung tên, gươm giáo. Cũng giống như kịch nghệ Hy Lạp thời cổ, đa số các vở kịch Tây Tạng được trình diễn ngay giữa công giữa đám đông và khán giả phải chen chúc nhau, nhiều khi phải đi theo diễn viên để theo dõi những vai trò. Đối với tôi thì thật khó mà phân biệt ai là diễn viên và ai là khán giả vì ngoài những vai trò đặc biệt đeo mặt nạ, hóa trang thành các hình thù ghê gớm, phần lớn các diễn viên khác đều ăn mặc như người thường và sau khi diễn xong vai trò, họ chen chúc lẫn lộn vào khán giả như một khách bàng quan. Sự cởi mở giữa người diễn xuất và người thưởng thức này có một ý nghĩa rất quan trọng và được nhấn mạnh như không hề có một biên giới ngăn cách giữa thực và ảo, thiện và ác, thiên nhiên và siêu nhiên, linh thiêng và những gì tầm thường.

Mở đầu vở kịch, những nhân vật phe ác bắt đầu xuất hiện. Từ khắp nơi những diễn viên mang mặt nạ, hóa trang như những quái vật hung ác ở đây nhảy ra múa may theo những điệu nhạc lạ lùng.

Hàng ngàn khán giả im lặng nín thở theo dõi những hình ảnh ma quái lởn vởn trước mặt. Một pho tượng đầu trâu mặt ngựa to lớn được dựng lên giữa sân, trên ngực pho tượng đeo một chiếc đầu lâu đầy máu. Các hung thần lôi kéo những dân lành đến trước pho tượng tế thần rồi uống máu, ăn thịt, xẻ thịt, phanh thây… Rất ít ai dám nhìn kỹ những cảnh tượng ghê gớm trông như thật này. Phải công nhận rằng người Tây Tạng đã biết phối hợp ánh sáng và âm thanh vô cùng khéo léo. Đèn đuốc đều tắt ngúm, chỉ còn những ngọn nến lờ mờ và qua làn khói hương mờ ảo, những hình ảnh ghê rợn diễn ra cùng với tiếng rên la, kêu khóc của nạn nhân đã tạo ngay một không khí ma quái đáng sợ. Âm nhạc chợt thay đổi và đèn đuốc được thắp lên sáng trưng, những nhân vật phe thiện ở đâu xuất hiện với cung tên, gươm giáo xua đuổi những hung thần. Cuộc chiến giữa hai phe chính tà bắt đầu qua những điệu nhạc lúc dồn dập khi hùng hồn.

Phần lớn các vở kịch dựng theo thần thoại Hy Lạp. Ai cập cũng có nội dung tương tự như vậy và kết thúc khi phe chính thắng phe tà, nhưng các vở kịch Tây Tạng lại không chấm dứt một cách giản dị như vậy. Sau khi chiến thắng phe tà, các nhân vật phe chính đã ca múa, uống rượu say sưa và trở nên kiêu căng tự phụ và họ bắt đầu thay đổi… Qua làng khói hương mờ ảo, những bộ quần áo đẹp dần dần biến thành xấu xí, những thân thể cường tráng bắt đầu trở thành những hình thù ghê gớm không khác những nhân vật phe ác khi xưa. Sau một hồi nhạc dồn dập, họ đã hoàn toàn lột xác trở thành các hung thần, ác qủy khi đeo những mặt nạ lấy được của phe này lên mặt và rồi họ lại tái diễn những gì mà phe ác đã làm: hành hạ dân chúng, giết người tế thần, reo rắc kinh hoàng khắp nơi…, và lại có những nhân vật thiện khác xuất hiện để chiến đấu với họ. Cứ thế chính biến thành tà và tà đổi thành chính xoay vần qua hàng khói hương nghi ngút và những âm thanh dồn dập lạ lùng.

Tôi nghĩ rằng người Tây Tạng đã thấu hiểu rất rõ ràng về quan niệm chính tà, thiện ác. Họ biết rằng bất cứ một giá trị nào cũng thay đổi theo thời gian vì tất cả đều chỉ là những ước lệ tương đối, những ảo ảnh. Thiện cũng như ác, tốt cũng như xấu và chính cũng như tà đều là hai bề mặt của một sự kiện tuy mâu thuẫn nhưng không hề rời nhau. Trong cái thế giới tương đối của vòng nhân quả này, chẳng có sự kiện gì hoàn toàn rõ rệt, muốn hiểu thấu nó thì phải vượt lên trên những tranh chấp nhị nguyên thiện ác thì mới đạt đến tuyệt đối giải thoát được.

Vở kịch tiếp diễn với chính đổi thành tà, thần thánh biến thành quái vật cho đến khi có sự xuất hiện của Padmasambhava, vị tổ đã truyền Mật tông vào Tây Tạng…

Một hồi tù và trầm hùng vang lên, những đèn đuốc đồng loạt thắp sáng và nhân vật thủ vai Padmasambhava xuất hiện. Qua ánh sáng, người ta thấy rõ các diễn viên thủ vai ác cũng có những y phục đẹp đẽ như phe thiện và những nhân vật thủ vai thiện cũng có những dấu vết xấu xa như phe ác. Những nhân vật nửa thiện nửa ác này nhẩy múa ca hát lẫn lộn trong khán giả cho đến khi người ta không còn phân biệt ai là diễn viên, ai là khán giả nữa.

Padmasambhava dạy cho người Tây Tạng biết rằng, ngày nào người ta còn bị ràng buộc trong cái tướng giả hữu của hiện tượng giới, bị lôi kéo vào vòng thị phi, thiện ác, với các quy luật cứng nhắc của nó thì họ không thể thoát ra khỏi vòng vô minh được vì tất cả mọi sự trên thế gian đều chằng chịt, liên đới với nhau. Trong thiện có ác, trong ác có thiện và người ta không thể tiêu diệt một thứ mà không đụng chạm đến phần kia vì tất cả đều là một. Vì bị màn vô minh che phủ, người ta thấy có thiện, có ác, có thiên thần và ác qủy, có lợi có hại, có xấu, có tốt và vì sự phân biệt tranh chấp này mà con người đã thù hận, hằn học, chém giết lẫn nhau, cứ thế tạo ra khỏi những sai lầm không bao giờ chấm dứt. Muốn giải thoát ra khỏi những sai lầm này, người ta phải biết vượt lên trên qua sự phát triển lòng từ bi, thương xót tất cả, gạt bỏ cái tâm phân biệt để đạt đến cái tâm vô phân biệt, không thấy có mình với người mà chỉ thấy tất cả đều là một.

Với những quyền năng diễn tả bằng thần chú và ấn quyết, diễn viên thủ vai Padmasambhava đi đến đâu thì những diễn viên thủ vai thiện, ác tự nhiên hòa nhập vào làm một và quay cuồng trong những vũ điệu để rồi người ta không còn phân biệt đó là hai người nữa. Sự hòa hợp này thường được diễn bằng tranh ảnh như sự hòa hợp giữa nam và nữ và điều này tạo ra rất nhiều hiểu lầm đối với những học giả người Âu. Vì chịu ảnh hưởng của một nền văn minh vật chất, đa số đã vội vã kết luận ngay rằng Mật tông chú trọng đến sự giao hợp nam nữ rồi đặt ra nhiều giả thuyết để giải thích Mật tông theo quan niệm bệnh hoạn riêng của họ. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc. Nếu họ chịu khó nghiên cứu kỹ phong tục tập quán xứ này thì họ sẽ thấy người Tây Tạng sống rất gần với thiên nhiên vốn không hề có những ẩm ức và dồn nén tình dục như người Âu Mỹ. Các hình ảnh chỉ là biểu tượng đề cập đến một ẩn nghĩa nào đó, người ta phải hiểu rõ phong hóa cũng như tôn giáo xứ này trước khi kết luận. Các hình ảnh nam nữ giao hợp phải được hiểu như một biểu tượng của sự hợp nhất được diễn tả qua tinh thần chất phác của người dân xứ này. Đa số người Tây Tạng sống trong các làng mạc cô lập, những bình nguyên rộng lớn, ít giao thiệp với các quốc gia khác nên họ nghĩ sao nói vậy. Tuy nhiên đằng sau sự chất phác hồn nhiên đó vẫn ẩn một triết lý sâu sắc truyền dạy bởi các vị đạo sư tu luyện trong dãy Tuyết Sơn, những người đã ít nhiều chứng đắc trên đường giải thoát.

Sau khi các diễn viên thủ vai thiện ác đã làm trọn vai trò thì chỉ còn bức tượng hung thần tượng trưng cho sự chết, sự hủy hoại ghê gớm đứng trơ trơ giữa sân. Đèn đuốc được tăt dần để tạo một không khí huyền hoặc giữa nhân vật Padmasambhava và vị thần này. Vị thiện ác, tốt xấu, thiên thần hay ác qủy đều chỉ là những hiện tượng của tâm và kẻ nào muốn chinh phục sự chết thì phải đối đầu với nó ngay giữa sự sống. Chỉ khi đó thần chết và tất cả những động lực ghê gớm nhất sẽ vén lên cái màn huyền bí tối thượng để kẻ chinh phục được nó nhìn thấy thực tướng của mọi sự. Nhân vật thủ vai Padmasambhava thong thả bước đến trước pho tượng hung thần và bắt đầu nghi thức hiến mình (self-sacrifice). Đây là nghi thức hiến mình duy nhất được đức Phật chấp nhận. Nó là sự hy sinh lớn lao để huỷ bỏ được bản ngã người ta mới có thể phá tan bức màn vô minh bao phủ quanh mình.

Trong một bầu không khí căng thẳng cực độ, nhân vật thủ vai Padmasambhava giơ tay kéo mạnh cái mặt nạ đầu trâu mặt ngựa đeo trên mặt vị hung thần ra. Trong làn khói hương mờ ảo, giữa những âm thanh trầm hùng, vị hung thần không phải ai xa lạ mà chính là Bồ Tát Quán Thế Âm, vị bồ tát được kính ngưỡng và tôn thờ nhiều nhất tại Tây Tạng.

Padmasambhava đã phương tiện thay thế tục lệ tế thần của các pháp sư Bon bằng sự tự hiến mình. Thay vì giết chết một sinh vật khác để hiến cho thần thì ông ta tự hy sinh chính mình, trút bỏ cái bản ngã ích kỷ tầm thường vẫn trôi nổi trong sinh tử luân hồi để tự giải thoát.

Vở kịch chấm dứt khi tất cả các diễn viên cùng nhau nhẩy múa rồi xếp thành hình những bông hoa sen, những biểu tượng Mandala, đa số khán giả cũng đều tham gia vào điệu vũ cuối cùng này. Dĩ nhiên các vở kịch có thể khác nhau ít nhiều về âm thanh, y phục hoặc vũ điệu nhưng phần lớn nội dung không khác nhau bao nhiêu. Hầu hết đều xoay vần quanh những thái cực và kết luận khi một nhân vật có khi là đạo sư Padmasambhava, có khi là đức Phật Thích Ca hoặc đức Quan Thế Âm Bồ Tát xuất hiện chỉ dẫn, soi rõ cho mọi người thấy rõ thực tánh của mọi vật.

Trong cuốn Tử Thư (Bardo Thodol – Tlbetian Book of the dead), Padmasambhava đã viết rất rõ ràng vấn đề thiện, ác, thị phi, các động lực siêu nhiên lành cũng như dữ đều ở trong tâm chúng ta vì tất cả đều do tâm tạo. muốn vượt qua nó, người ta phải biết cách vượt lên trên và Padmasambhava đã gọi là phải biết cách “chết”. Sự chết ở đây có nghĩa là diệt bỏ bản ngã vì khi còn bản ngã là còn thấy ta, mà còn thấy ta nghĩa là còn có sự phân biệt và rồi mọi tư tưởng, lời nói và hành động đều được làm vì cái bản ngã này. Biết cách “chết”. Biết cách “chết” là một hành động của bậc Bồ Tát vì người tu hạnh Bồ Tát biết diệt bỏ bản ngã của mình, không còn phân biệt kẻ lành, người dữ mà thương xót và cứu độ tất cả.

Đây là một điểm vô cùng quan trọng để phân biệt Mật tông Tây Tạng với những môn phái Mật tông khác của Ấn Độ giáo hay Bon Pa. Theo cuốn Tử Thư thì tất cả những phương pháp tu tập như niệm thần chú, tu quán định, luyện huyền thuật để đạt được các quyền năng thiêng liêng huyền bí, để được mọi người coi mình như bậc thần thánh, hay để đạt đến những cảnh giới khác để hưởng phước chỉ là những lối tu của kẻ ngoại đạo; lối tu để phát triển, gia tăng cái bản ngã của chính mình. Theo Padmasambhava thì tu định phải vô niệm, tu thiền phải vô cầu, tu mật phải vô ngã thì mới đạt được tinh hoa của Phật giáo. Tất cả những lối tu tương tự nhưng không vô niệm, vô cầu, vô ngã chỉ là lối tu ngoại đạo không thể giải thoát cho ai và nếu không phải là con đường giải thoát thì nó không thể coi là Phật giáo được. Người tu cần phải biết phân biệt thật rõ ràng các căn bản này để khỏi bị sa ngã vào những nẻo tà đạo hoặc gặp những nguy hiểm mà Padmasambhava đã nói rất rõ trong cuốn Tử Thư.

Sự chết từ trước đến nay vẫn là một ám ảnh lớn đối với loài người. Rất nhiều tôn giáo đã khổ công giải thích về nó nhưng không ở đâu người ta đề cập đến sự chết rõ rệt như tại Tây Tạng. Người dân xứ này nói đến sự chết như một điều hiển nhiên, cần thiết vì nhờ có sự chết người ta mới ý thức được sự sống. Do đó họ có vẻ như dửng dưng trước cái chết và khi có ai chết họ mang xác chết lên núi, mổ xẻ thành nhiều mảnh nhỏ và vứt cho chim ăn. Dĩ nhiên một người Âu sẽ không thể chịu được phong tục kỳ lạ dường như “man rợ” này, nhưng người Tây Tạng thản nhiên cho rằng xác chết chỉ là một “vật dụng” và khi không dùng được nữa, nó chẳng có một giá trị gì và chỉ đáng vứt cho chim kêu lên rỉa.

Nhà vạn vật học nổi tiếng Lecompte de Noui đã viết: “Chết là một phát minh tân kỳ nhất của thiên nhiên”. Theo ông, chết không phải một cái gì ngược lại sự sống nhưng là một cách đưa sự sống lên một bình diện cao hơn. Ông đã viết: “Đối với những sinh vật hạ đẳng, sự chết gần như không hề có vì chúng có thể sinh sôi nẩy nở qua sự trực phân: thân thể tự động tách ra thành hai và cứ thế sinh sôi mãi, nhưng cũng vì thế mà trải qua hàng triệu năm chúng vẫn như thế, không tiến thêm bước nào trên con đường tiến hóa. Đối với những sinh vật phát triển hơn, chết là một điều hiển nhiên vì cái thân thể hư hỏng hao mòn cần phải được thay thế bằng một thân thể khác mới mẻ, tốt đẹp hơn. Nhưng không phải chỉ có thay đổi thân thể, hình hài mà cái thân thể mới còn cần phản ảnh các kinh nghiệm đã học hỏi được để giúp sinh vật phát triển thêm nữa, do đó mới có sự tiến hóa từ loài này qua loài khác…”

Nấc thang tiến hóa không ngừng ở vật chất mà còn phát triển trên địa hạt tinh thần một cách tương tự. Từ các hành động phản xạ một cách vô thức các sinh vật hành động qua bản năng rồi phát triển ra sự học hỏi, thích ứng với môi trường chung quanh. Sự học hỏi sắp đặt các kinh nghiệm cấu tạo nên trí thông minh. Nhưng thông minh không phải là nấc tiến cuối cùng trên mức tiến hóa như nhiều người lầm tưởng. Từ đây sinh vật còn phải vượt lên nữa, từ vô thức đến ý thức và từ ý thức đến tình trạng ý thức tuyệt đối tất cả mọi hành động, lời nói đến tư tưởng của mình.

Khi kiểm soát được thân, khẩu, ý người ta sẽ ý thức được sự sống bao la mầu nhiệm và khi hiểu được sự sống thì sự chết chỉ là một hiện tượng tự nhiên, một trạng thái cần thiết không còn đáng sợ nữa.

Sự sợ hãi về cái chết bắt nguồn từ ý thức về bản ngã. Con người thường đồng hóa ý thức với thể xác, sự suy tưởng với sự hiện hữu nên họ đã coi cái chết như một biên giới, một lằn mực ngăn đôi giữa cái biết và cái không thể biết được, và vì không biết họ đâm ra sợ hãi. Đối với đa số cái thế giới bí mật bên kia của tử là một khoảng trống lớn, một cái gì mơ hồ, u uẩn mà người ta chỉ có thể cảm nhận nhưng không thể diễn tả. Dĩ nhiên muốn tìm hiểu thêm họ cần phải biết quán tưởng, biết ý thức nó qua sự phản quang tự kỷ, đi sâu vào tri giác nội tại và điều này có được giải thích rõ ràng trong cuốn Tử Thư.

Theo cuốn sách này thì thế giới bên kia có rất nhiều cảnh giới mà đa số con người chỉ có thể đến được sau khi chết hoặc khi họ “tạm thời chết”. Tình trạng chết tạm thời này có thể định nghĩa như một sự chết giả được tạo ra bởi những phương thuật đặc biệt như thôi miên, xuất vía, quán định hay việc sử dụng các nghi thức đặc biệt đưa người ta vào một trạng thái hôn mê (Lrance). Phương pháp sau cùng này có thể giải thích một cách khoa học như sự thức động các giác quan tiềm ẩn sâu xa trong tâm thức con người bởi các kích thích ngoại giới như âm thanh, màu sắc, hoặc dược chất.

Nền tôn giáo cổ của Tây Tạng gọi là Bon Pa đã nghiên cứu và thực hành những phương thuật này đến mức rất cao. Các pháp sư của họ đã biết cách sử dụng những động lực vô hình từ thế giới bên kia. Lịch sử Tây Tạng đã đề cập nhiều về những trận so tài giữa đại sư Padmasambhava và các pháp sư đạo Bon. Khi biết Padmasambhava qua Tây Tạng truyền bá Phật pháp, các pháp sư Bon Pa đã kêu gọi rất nhiều động lực vô hình để ám hại ông. Thay vì chống lại, tiêu diệt hay chinh phục chúng, Padmasambhava đã phương tiện cảm hóa và biến chúng thành những vị hộ pháp.

Theo sự hiểu biết của tôi thì đây là một hành động hết sức khôn ngoan. Nếu chính phục được những động lực này thì Padmasambhava cũng chẳng khác gì những pháp sư đạo Bon, trở nên một người có thể sai khiến, sử dụng các động lực vô hình. Dĩ nhiên đây là một điều trái với thiên nhiên cũng đều tạo hậu quả vì nó chịu sự chi phối của luật nhân quả. Ngược lại, ông đã cảm hóa những động lực này, giúp chúng một lối thoát. Ông đã phương tiện chỉ bảo cho các động lực này trở thành những vị hộ pháp giữ chùa, suốt ngày quanh quẩn nghe lời kinh tiếng kệ và rồi đến một thời gian nào đó tâm thức chúng sẽ sáng suốt biết ăn năn, sám hối và được giải thoát.

Padmasambhava đã đi khắp Tây Tạng, cảm hóa rất nhiều động lực vô hình nên về sau chùa chiền Tây Tạng nào cũng có những bức tượng các hung thần mặt mày vô cùng ghê gớm canh giữ. Đôi khi các động lực này được triệu về để hỏi một vấn đề gì đó và tục lệ Vấn Linh (Oracle) trở nên thông dụng sau này.

Theo sự nghiên cứu của tôi thì việc vấn linh có lẽ đã có từ xưa bởi các pháp sư Bon Pa và đã ăn sâu vào phong tục, tập quán Tây Tạng trước khi Phật giáo du nhập vào đây. Dĩ nhiên khi trước người ta vấn linh để làm gì còn là một nghi vấn nhưng về sau việc vấn linh chỉ để kiểm chứng những sự kiện quan trọng mà các vị trưởng lão không thể giải quyết được.

Theo các tài liệu cổ tìm được thì Padmasambhava đã cảm hóa được một động lực hết sức mạnh mẽ và động lực này hiện trú ngụ tại tu viện Nachung như một vị hộ pháp vô hình. Đời đức Lai Lạt Ma thứ năm có những việc không thể giải quyết được nên ngài đã phải đến Nachung triệu vị hộ pháp này về để hỏi. Sau khi giải quyết được mọi việc, ngài sắc phong cho vị hộ pháp vô hình tại Nachung chức Quốc Sư nên về sau mỗi khi có việc gì quan trọng, các vị trưởng lão lại phải nhờ đến vị quốc sư vô hình này.

Thật khó mà giải thích cho các độc giả Tây phương về những sự kiện mà họ không thể tin được nhưng chỉ khi nào người ta đến Tây Tạng, bước vào các tu viện, đứng trước các pho tượng hộ pháp thì họ mới ý thức cái quyền năng ghê gớm của các năng lực vô hình này. Theo sự hiểu biết của tôi thì những năng lực vô hình hiện diện trên một cõi giới khác có đường tiến hóa riêng nhưng chúng có thể bước vào cõi trần nếu được kêu gọi hoặc trong những hoàn cảnh địa dư đặc biệt nào đó. Các nền văn minh cổ đều ít nhiều đề cập đến về những năng lực này nhưng không tại đâu nó được nói đến một cách hết sức rõ ràng như tại Tây Tạng vì các tu sĩ xứ này đã biết cách thu phục và cảm hóa chúng.

Trước khi đi xa hơn, tôi thấy cần phải nhấn mạnh rằng vấn đề sử dụng quyền năng không hề được đề cập đến trong Phật giáo. Đối với tôn giáo này, quyền năng chỉ là một điều đến một cách tự nhiên khi người ta đạt đến một mức độ nào đó nhưng nó không bao giờ là mục đích của nếp sống tu hành. Phần lớn các tu sĩ Phật giáo cho rằng quyền năng chỉ là những chướng ngại trên đường giải thoát mà người tu cần phải thận trọng, nhưng nói thế không có nghĩa rằng họ không có thần thông. Mặc dù huyền thuật và các quyền năng không dính dáng gì đến Phật giáo nhưng các tu sĩ Phật giáo cũng không thể gạt bỏ những phong tục, tập quán và truyền thống sẵn có nơi đây. Thay vì phủ nhận hay tránh né nó thì các tu sĩ đã trực tiếp giáp mặt với nó; thay vì chống đối hay sử dụng các năng lực vô hình thì họ cảm hóa nó trong tinh thần từ bi, khoan dung của Phật giáo.

Phần lớn mọi người đều cho rằng hiện tượng siêu nhiên chỉ là những điều huyền hoặc, hoang đường, sản phẩm của óc tưởng tượng. Thời gian sống tại Tây Tạng đã cho tôi thấy rằng có những hiện tượng mà người ta không thể giải thích bằng lý luận khoa học thực nghiệm nhưng người ta vẫn phải chấp nhận nói vì nó hiện hữu.

Lần đầu tiên khi mới thăm tu viện Dungkar, tôi và Li Gotami đã chú ý đến một căn phòng nhỏ phía sau chánh điện với những bức tranh vẽ rất đẹp và một chiếc ghế to lớn như ngai vàng được chạm trổ vô cùng công phu. Tôi không biết căn phòng đó dành cho ai hay được sử dụng vào việc gì. Vị trụ trì tiếp khách tỏ ra ngần ngại không muốn giải thích và hấp tấp mời chúng tôi qua chỗ khác mặc dù Li Goatami rất muốn chụp vài tấm ảnh kỷ iệm. chúng tôi có cảm tưởng như vị này cố ý giấu diếm điều gì đó nên cũng không muốn hỏi thêm. Có thể vì chúng tôi là những người “đến từ bên ngoài” nên họ không tin cũng phải. Ảnh hưởng của quan niệm bế quan tỏa cảng đã ăn sâu vào đầu óc người dân xứ này, họ tin rằng đa số người nước ngoài, nhất là những người Tây phương đều là những kẻ chỉ biết trục lợi, chỉ mang những điều xấu xa vào quê hương của họ. Tục ngữ Tây Tạng có câu “ở đâu có người Tây phương, ở đó có chiến tranh’, nghĩ cho cùng thì câu này cũng không đến nỗi sai lắm. Lịch sử Tây Tạng cho thấy ngay lần đầu tiếp xúc với người Tây phương thì xứ Guge đã biến thành bình đại. ít lâu sau, khi không chịu giao thương với người ngoại quốc, quân đội Anh đã tấn công Tây Tạng, bắn phá tan hoang nhiều đô thị lớn để buộc chính quyền xứ này phải buôn bán với họ. Khi thấy xứ này nghèo qúa chẳng buôn bán gì được thì Anh lại rút ra sau cắt lấy một số tỉnh sát biên giới làm đất bảo hộ.

Cũng vì thế, chúng ta không đề cập thêm gì về căn phòng đó với Lobonia, vị trụ trì chùa Dungkar. Người Tây Tạng thường kín đáo, ít khi vồn vã với người lạ nhưng trường hợp của tôi là một ngoại lệ vì Lobonia cũng như tôi đều là học trò của Hòa thượng Tomo. Vì là huynh đệ đồng môn nên ông này đã tiếp đãi chúng toi hết sức đặc biệt. Tuy già yếu, di chuyển khó khăn nhưng ông vẫn nhất định thân hành đưa tôi đi thăm các danh lam thắng cảnh trong vùng. Quanh đó có rất nhiều tháp (chorten) và dĩ nhiên có cả tháp chứa nhục thân của Hòa thượng Tomo. Lobonia đã giải thích rành mạch cách kiến trúc những ngôi tháp cũng như những dòng chữ huyền bí ghi khắc trên đó.

Khi đó vào dịp cuối năm có ngày lễ lớn của người Tây Tạng gọi là “Mon Lam”, dân trong làng gần xa kéo nhau đến chùa rất đông. Dĩ nhiên chúng tôi cũng chen chúc trong đám người đó, tham dự những khóa lễ trong ngày. Vào khoảng xế trưa, không khí đột nhiên thay đổi, hình như ai cũng tỏ vẻ như trông đợi một cái gì. Đúng ngọ, một hồi trống rộn rã vang lên. Đám đông vội vã kéo nhau đứng cả dậy, rừng người bỗng nhiên chuyển động, ùn ùn kéo cả ra sau chùa. Tôi cũng bị làn sóng người lôi cuốn theo đến căn phòng nhỏ đằng sau chánh điện.

Trong làn khó hương nghi nút, tôi thấy rõ một người mặc quần áo lộng lẫy với những trang sức lạ lùng. Người này oai nghiêm ngồi trên chiếc ghế chạm trổ kê giữa phòng như một pho tượng và nếu không có đôi chân hơi nhúc nhích, người ta có thể tưởng rằng đó chỉ là một pho tượng sơn son thếp vàng.

Một hồi trống dồn dập vang lên thúc giục, rồi tiếng tù và, kèn đồng, cổng, chụp chõa, chuông, phách đồng loạt nổi lên một lượt. Tự nhiên người ngồi trên ngai bắt đầu rung lên bần bật như bị một sức mạnh vô hình nào đó cuốn hút. Thân thể của y rung động mãnh liệt theo điệu nhạc, khuôn mặt y nhăn nhúm lại như đang bị một bàn tay vô hình nà đó bóp méo. Tiếng nhạc càng dồn dập, thân thể y càng đảo qua đảo lại khiến chiếc ghế to lớn vững chắc như vậy cũng phải nghiêng bên này ngả bên kia. Hơn mười vị tăng to lớn bước đến giữ chặt cho người kia khỏi cử động nhưng vô hiệu, thân thể y vẫn run bắn lên như bị điện giật… Một vị Lạt Ma trưởng lão bước ra, trên tay cầm một tờ giấy mỏng có ghi những hàng chữ ngoằn ngoèo mà về sau tôi được biết đó là những câu hỏi. Dưới ánh nến mập mờ, người nọ càng lúc càng dẫy dụa như muốn vùng ra khỏi những cánh tay lực lưỡng đang đè chặt y xuống ghế. Vị trưởng lão giơ tấm giấy ra trước mặt y như hỏi y nhưng y không nhìn tấm giấy mà cứ tiếp tục lắc lư.

Tiếng trống càng ngày càng dôn dập… Bất chợt người nọ nhổm dậy hất tung những vị tăng đang giữ chặt lấy y rồi nhoài người đến trước cái giá binh khí gần đó. Chỉ một thoáng giây, y đã rút được một lưỡi kiếm dài múa lên vun vút. Cả một rừng người khiếp hãi nằm rạp cả xuống vì sợ y chém phải. Người nọ tung người chém đông chém tây, đỡ gạt lung tung như đang chiến đấu với một động lực vô hình nào đó. Ánh sáng của lưỡi kiếm loang loáng trong ánh nến chập chờn tạo ra một không khí lạ lùng, huyền hoặc. Thật khó có thể diễn tả được cảnh tượng này. Người nọ đi lại trong đám như chỗ không người, thanh kiếm sắc bén múa lên vun vút như vậy mà không chém trúng ai. Nhưng lúc lưỡi kiếm phóng xuống đầu một dân làng gần đó, hất lên một mảng tóc của người này hoặc xuyên qua giữa đám người đang sợ hãi ôm cứng lấy nhau nhưng không gây một thương tích nào. Tôi có cảm tưởng chỉ chệch tay một chút thì đã có cảnh máu chảy, đầu rơi rồi.

Có lẽ các vị tăng cũng nghĩ như vậy nên họ xông vào cố gắng ghìm y xuống ghế, nhưng dường như người nọ đang sở hữu một sức mạnh phi thường nên hết vị tăng này đến vị tăng kia bị y hất bổng lên không trung hư người ta ném một miếng giẻ rách. Sau một hồi múa may, có lẽ người kia cũng đã mệt, đường kiếm bắt đầu chậm dần và các tăng sĩ chồm đến ghìm chặt y xuống ghế, gỡ thanh kiếm ra khỏi bàn tay y. Đến khi đó y mới chịu ngồi im, mặt mày nhợt nhạt như người mất hồn nói ú ớ những gì không ai nghe rõ. Vị Lạt Ma trưởng lão đã chờ sẵn với giấy bút, ông ghé người xuống trước mặt y ghi chép từng câu nói cho đến khi y nằm yên thở hổn hển không nói thêm gì nữa.

Một bầu không khí nặng nề bao trùm lên căn phòng, mọi người đều im thin thít không ai thốt lên câu nào cho đến khi người nọ dần dần tỉnh lại giơ tay ra hiệu cho một vị tăng đem lại cho y ly trà nóng. Y vừa nhấp trà vừa thở dốc, mồ hôi toát ra đầm đìa…

Sau một lúc nghỉ ngơi, người nọ lại chồm dậy hất tung những vị tăng qua một bên rồi chụp một cây đại đao trên giá binh khí múa lên vùn vụt. Đám đông lại một phen kinh hãi nằm rạp xuống đất. Cứ thế trong khoảng một giờ đồng hồ, y lúc mê lúc tỉnh, khi thì thều thào vài câu cho vị trưởng lão ghi chép, lúc thì lại rút những binh khí lạ lùng múa may lung tung. Về sau tôi mới biết tùy theo binh khí sử dụng mà người ta có thể biết được những động lực vô hình nào đã nhập vào y. Có tất cả hơn sáu động lực khác nhau đã nhập vào y, mỗi lần như vậy giọng nói của y đều đổi khác, có lúc oai nghiêm khi lại thều thào, có lúc nói lanh lảnh khi lại tỏ ra trầm tĩnh.

Tôi đã nghe nói đến tục lệ vấn linh (Oracle) này từ trước nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến. Kết quả cuộc vấn linh ra sao vẫn còn là một câu hỏi. Liệu câu trả lời có ăn nhập gì đến câu hỏi hay không vẫn còn là một nghi vấn vì đều này không được tiết lộ cho tôi. Tôi tự hỏi tại sao cái thân thể mong manh yếu ớt của con người lại có thể trở nên mạnh bạo một cách kỳ lạ như vậy được? Làm sao một người gầy ốm lại có thể hất tung những người khác to lớn lực lưỡng hơn như người ta ném một miếng giẻ? Tôi không tin rằng người ta dàn cảnh những màn kịch như vậy vì mỗi khi bị nhập, cử chỉ của y đều đổi khác một cách rõ ràng, có khi y hung hãn như một mãnh hổ, có khi y lại uyển chuyển nhẹ nhàng như một vũ công trên sân khấu. Sau cùng tôi tự hỏi tại sao lại có người chấp nhận cho những năng lực vô hình mượn thể xác để làm những chuyện đó trừ khi họ tin rằng đó là một sự hy sinh cần thiết?

Vài hôm sau, tôi có dịp làm quen với người đó và đặt thẳng câu hỏi với y. Đó là một thanh niên còn trẻ khoảng ngoài hai mươi. Anh than rằng cơ thể đang mỏi nhừ bởi buổi vấn linh hôm trước. Tôi bèn đưa cho anh mấy viên Aspirin nhưng anh từ chối, viện lẽ phải kiêng cử các thực vật không do chính tay anh bào chế. Anh cho biết rằng anh chỉ ăn rễ cây và một ít rau cỏ đặc biệt vì bất cứ một thực vật gì khác cũng có thể tạo ra những hậu quả bất lợi.

– Nhưng tại sao thế? Anh sợ những hậu quả gì?

– Một thân thể thông tinh khiết sẽ trở thành miếng mồi ngon cho những động lực bất hảo nhập vào. Không bao giờ một năng lực thiêng liêng cao quý lại mượn một thể xác bất tịnh, do đó việc ăn uống hết sức quan trọng đối với những người như tôi.

– Anh có nhớ những câu hỏi hay câu trả lời không?

– Dĩ nhiên là không. Tôi không ý thức một điều gì hết mà chỉ biết khi hồi tỉnh thì thân thể mỏi nhừ và cần tĩnh dưỡng hàng tuần mới khỏi được.

– Nhưng tại sao anh trở nên một đồng tử (Chorje)? Phải chăng đó là năng khiếu bẩm sinh hay anh có những khả năng tương tự như những người lên đồng (Medium)?

– Không, tôi không phải là một loại đồng bóng. Tôi chẳng có năng khiếu hay khả năng gì như ông nói. Tôi chỉ là một kẻ thất học làm nghề chăn lừa cho những đoàn khách thương. Tôi sống giản dị, không tham vọng gì ngoài việc kiếm đủ tiền nuôi vợ con và dư chút đỉnh để lâu lâu uống thêm vài bát rượu Chang. Cách đây ít năm tôi mắc bệnh nặng mà các y sĩ đều bó tay. Sau một thời gian ốm liệt giường liệt chiếu, thân thể chỉ còn da bọc xương, tôi biết đã đến lúc phải từ giã cõi đời. Tôi yêu cầu vợ con đưa dén chùa làm lễ sám hối trước khi chết nhưng khi đi ngang qua pho tượng hộ pháp Chokyong, tôi bỗng lăn ra bất tỉnh và bị ngài nhập vào. Tôi không nhớ rõ chuyện gì đã xảy ra nhưng các Lạt Ma trong chùa cho biết tôi có thể sống thêm ít lâu nữa nếu chấp nhận trở nên một đồng tử cho vị hộ pháp này. Đây là một cơ hội hiếm có vì không mấy ai được vị hộ pháp này chọn. Dĩ nhiên tôi không muốn xa vợ con chút nào nhưng các Lạt Ma cho biết đằng nào tôi cũng như người chết rồi, mà khi chết dĩ nhiên tôi phải xa vợ con. Nếu chấp nhận trở nên một đồng tử không những tôi có thể sống thêm ítlâu mà vợ con tôi cũng được đền bù xứng đáng. Sau khi bàn bạc với vợ con, tôi đành nhận lời theo các Lạt Ma thực hành phương pháp thanh lọc thể xác. Từ khi tôi chấp nhận trở nên một đồng tử, bệnh tôi thuyên giảm ngay và từ đó tôi trở thành đồng tử của chùa Dungkar.

– Nhưng anh được huấn luyện như thế nào?

– Trở thành một đồng tử không phải dễ, tôi phải trải qua nhiều thử thách trước khi chính thức được chấp nhận. Để bảo đảm không có việc lừa bịp, tôi được đưa đến tu viện Nachung huấn luyện, trải qua một thời gian lâu mới được công nhận và đưa về nơi đây. Tôi tuân theo các luật lệ của đồng tử, nghĩa là tuyệt dục, ăn uống theo những thực phẩm được sửa soạn riêng,học hỏi những sách vở đặc biệt. Tôi là kẻ mù chữ, nhưng các Lạt Ma đã dậy bảo cho tôi biết đọc, viết và giúp đỡ tôi hiểu biết về bổn phận của mình.

– Anh phải làm những gì?

– Ngoài việc giữ cho thể xác thật thanh tịnh, tôi được phép sống ở sau chùa và làm công việc vặt như bổ củi, giã gạo, quét dọn và tham dự những khóa lễ thường nhật.

– Như vậy anh cũng là một tu sĩ?

– Không, tôi không phải là một tu sĩ mà chỉ là một người được phép cư trú trong chùa. Tôi tuân theo quy luật ở chùa nhưng không xuất gia, thọ giới vì tôi chịu sự chi phối của những luật lệ dành riêng cho các đồng tử.

Thật khó tưởng tượng một kẻ chăn lừa thất học lại có thể trở nên một người nho nhã, ăn nói lịch sự như vậy. Tôi đã kiểm chứng với dân làng và ai cũng xác nhận trước khi trở nên một đồng tử, anh này là một kẻ vũ phu, lỗ mãng. Sau khi tốt nghiệp tại Nachung, không còn ai nhận ra kẻ chăn lừa say rượu như ngày trước. Anh đã hoàn toàn lột xác trở nên một con người mới, một người tế nhị, nhậy cảm, lịch sự và sở hữu nhiều kiến thức lạ lùng.

Trong thời gian lưu trú tại Dungkar, tôi đã tìm hiểu rất kỹ về trường hợp này. Trong những dịp tiếp xúc, người thanh niên đồng tử đã tỏ ra vô cùng lịch sự, ăn nói cẩn thận, có đầu óc cởi mở, thành thật. Trước khi chúng tôi rời đây, anh đã chấp nhận lời yêu cầu để Li Gotami chụp một tấm ảnh anh mặc quần áo đồng tử ngồi trên ngai. Đây là một đặc ân vô cùng hiếm có mà từ trước đến nay không mấy ai được phép vì người Tây Tạng giữ gìn truyền thống huyền môn của họ rất kỹ, không mấy người được phép bén mảng đến những nơi hành lễ này chứ đừng nói đến việc ghi nhận vào phim ảnh.

Đố với người Tây phương, huyền thuật vẫn bị coi là một cấm điều. ít ai đề cập đến nó mà không bị chỉ trích và không mấy người diễn tả nó một cách vô tư, không thành kiến. Trái lại, người Tây Tạng coi huyền thuật như một khoa học, một phương pháp nghiên cứu các hiện tượng siêu nhiên hơn là một tin tưởng mù quáng. Người Tây phương quan niệm những hiện tượng không thể giải thích đều vô lý, không thể xảy ra hoặc chỉ là những mê tín dị đoan, không dám nói tới. Người Tây Tạng không hề phản biệt siêu nhiên và thiên nhiên mà chỉ coi tất cả như là những hiện tượng những đối tượng để nghiên cứu. Người Tây phương thường coi những người dễ thụ cảm như những kẻ mắc bệnh thần kinh, những người bất bình thường, nhưng người Tây Tạng không những chấp nhận họ, lại còn tìm cách giúp đỡ họ qua những chương trình huấn luyện đồng tử một cách chu đáo. Có lẽ vì được huấn luyện, những người này rất ý thức trường hợp và vai trò của mình. Họ không bao giờ tự xưng là “đấng này, vị nọ” hay có một tham vọng cá nhân nào mà chỉ khiêm tốn nói rằng họ được huấn luyện để cho một động lực nào đó “sử dụng” xác thân của họ mà thôi.

Đại sứ Anh tại Lhassa, Sir Hugh Richardson cũng đã viết trong một văn kiện ngoại giao rằng ông quen biết một nhà qúy tộc Tây Tạng, một người khoẻ mạnh thích cưỡi ngựa, bắn cung. Ông vô cùng ngạc nhiên khi được tin quý tộc này được sắc phong làm đồng tử cho vị “quốc sư vô hình” tại tu viện Nachung. Theo ông thì vị quý tộc này không hề tỏ ra “bất bình thường” hay có dấu hiệu như một người dễ thụ cảm mà là một người lực lưỡng, thích thể thao và thoải mái với đời sống hiện tại. Ông không rõ vì lý do nào mà vị quý tộc này được sắc phong nhưng ông phỏng vấn rằng các nhà chiêm tinh đã nghiên cứu hàng ngàn lá số tử vi và nói rằng vị quý tộc naỳ là người thích hợp nhất. Dĩ nhiên sau khi được chọn, nhà quý tộc đã từ bỏ đời sống bình thường, vợ con và tài sản và nhập thất tại Nachung. Sau một thời gian khá lâu, Sir Richarson gặp lại nhà quý tộc này và ông không thể nhận ra người bạn cũ. Ông này hoàn toàn thay đổi để trở thành một người hiền lành, khiêm tốn khác hẳn con người cuồng nhiệt như thuở trước. Điều gì xảy ra trong giai đoạn huấn luyện vẫn là một bí mật được giữ kín nhưng chắc chắn phải có ảnh hưởng của những năng lực huyền bí nào đó thì một người mới có thể thay đổi nhiều như vậy. Dĩ nhiên có người nghi ngờ và cho rằng đã có những sự dàn xếp nào đó để các đồng tử đóng kịch với mục đích bịp bợm. Tôi không tin như vậy vì qua sự tiếp xúc với họ, tôi thấy họ không phải là những kẻ khoe khoang khoác lác. Ngoài ra họ đều không được lợi lạc gì trong việc cho mượn thể xác này, đó là chưa kể việc họ phải sống khổ hạnh, gìn giữ những kỷ luật vô cùng khắt khe. Đã thế họ cũng không được người chung quanh đối xử đặc biệt hay kính trọng gì hơn. Người dân ở đây biết rằng các động lực vô hình chỉ nhập xác họ khi được triệu đến mà thôi, ngoài ra lúc đó họ chỉ là những người bình thường như trăm ngàn người khác nên không có gì để đòi phải được đối xử một cách đặc biệt hơn người.

Ngoài việc trả lời những câu hỏi của các vị trưởng lão, các động lực vô hình hình như còn ảnh hưởng đến thời tiết, khí hậu nên họ được triệu đến mỗi khi có những thiên tai như bão lụt, hạn hán hoặc mưa đá. Thật khó có thể chứng minh được sự liên hệ giữa các động lực vô hình và thời tiết nhưng người ta cũng không thể coi sự kiện này như một việc ngẫu nhiên được.

Bá tước Amaury de Riencourt đã ghi nhận trong một văn kiện ngoại giao rừng khi ông kinh lý qua Tây Tạng thì tời tiết nơi đây rất nóng và khô, suốt mấy tháng liền trời không mưa và lúa bắt đầu khô héo. Dân chúng trong làng đã cho mời vị hộ pháp tại tu viện Gadong đến để giúp họ cầu mưa. Là một người vừa đến Tây Tạng không có thành kiến gì về phong tục nơi đây nên bá tước De Reincourt đã quyết định đi theo buổi cầu mưa tại tu viện Galong và ông đã ghi nhận về người đồng tử như sau: “Khuôn mặt người nọ tự nhiên trở nên méo mó lạ lùng, mắt y lồi hẳn ra và hai gò má nổi lên như hai cục xương. Thân hình y cứ run lẩy bẩy và hình như có cái gì bất thường thì phải, mãi sau tôi mới nhận thấy lưng của y gù hẳn xuống, giọng nói của y khàn khàn như một ông lão và y lẩm bẩm đọc những bài thần chú bằng những âm thanh kỳ lạ. Một lúc sau trời đang nắng gắt bỗng dịu hẳn xuống, mây đen ở đâu xuất hiện giăng bủa khắp nơi rồi trời đổ mưa như thác kéo dài từ chiều hôm đó đến sáng hôm sau. Đồng lúa khô héo nay đã ngập lênh láng…

Tôi bỗng ý thức rằng đằng sau những điều mà người Tây phương gọi là “mê tín dị đoan” vẫn có một cái gì lạ lùng, không thể giải thích. Bức màn ngăn cách giữa thiên nhiên và siêu nhiên hình như được vén lên trong chốc lát để người ta thấy rõ rằng với một sự chuẩn bị cẩn thận, con người có thể phát huy được những năng lực vô cùng đặc biệt, ngoài sự tưởng tượng của họ”.

Như tôi đã nói trên, những sự kiện này hoàn toàn không dính dáng gì đến Phật giáo cả. Người Tây Tạng đã biết sử dụng nó từ những thời đại xa xưa như một năng lực thiên nhiên cũng như người Tây phương sử dụng điện lực ngày nay. Nếu người Tây phương đã coi điện lực như một kết quả tự nhiên của khoa học không dính dáng gì đến tôn giáo thì người Tây Tạng cũng coi việc vấn linh (Orache) hay cầu mưa như những kết quả tự nhiên của một khoa học huyền môn không dựa trên một tín hiệu điều tôn giáo nào. Một vị pháp sư hay phù thủy được coi như những người thực hành huyền thuật và có thể không dính dáng gì đến tôn giáo nào cũng như một khoa học gia Tây phương không nhất thiết phải là một tín đồ tôn giáo. Huyền thuật do đó không được coi như một điều cấm kỵ mà trái lại nó là một thứ khoa học về những hiện tượng siêu nhiên. Một người thực hành huyền thuật có thể sử dụng nó vào mục đích ích kỷ hay vị kỷ tùy theo quan niệm của người đó. Cũng vì thế có sự phân biệt giữa chính phái hay tà phái, bạch đạo hay hắc đạo mặc dù cả hai phái đều áp dụng những định luật, phương pháp không khác nhau bao nhiêu. Cũng giống như khoa học huyền học không xấu mà cũng không tốt, chỉ có người sử dụng nó xấu hay tốt mà thôi.

Hits: 452

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13