Sơ lược nguồn gốc lịch sử Phật giáo Việt Nam từ thời kỳ du nhập đến nay

Một trong những tôn giáo du nhập vào Việt Nam sớm nhất là Phật giáo. Khác với nhiều tư tưởng cho rằng Phật giáo Việt Nam truyền trực tiếp từ Trung Quốc, nhưng nhiều nguồn sử liệu cho thấy Phật giáo Việt Nam truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào những năm đầu Công nguyên, rồi sau đó mới truyền qua Trung Quốc chứ không phải Phật giáo từ Trung Quốc truyền qua Việt Nam.1

Căn cứ theo các di tích lịch sử đình chùa xưa và sử liệu để lại đời Hậu Hán, sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử, Đại Tạng Kinh…cho ta thấy Phật giáo Việt Nam được du nhập từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch và hình thành từ thế kỷ thứ I, đầu kỷ nguyên Tây lịch. Phật giáo được truyền thẳng từ Ấn Độ sang Giao Chỉ. Lúc này, ngoài hai trung tâm Phật giáo Lạc Dương, Bành Thành ở Trung Hoa, cũng đã hình thành trung tâm Phật giáo Liên Lâu (Luy Lâu) tại Giao Chỉ “một chiếc nôi của Phật giáo”. Cho đến nay, trung tâm Phật giáo Luy Lâu vẫn là đề tài nóng khá lôi cuốn đối với người tìm hiểu Phật giáo Việt Nam.

Theo Việt Nam Phật giáo sử luận2: “Đạo Phật được truyền vào Việt Nam khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch.”

I. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ thời kỳ đầu công nguyên

1. Địa lý

Theo như nhiều sách sử để lại, năm 273 vua Asoka lên ngôi ở Ấn Độ, ông đã cử nhiều phái đoàn ra nước ngoài truyền đạo đến các nước phương Tây, phương Đông cũng như các nước Đông Nam Á.

Một vấn đề cần được nhắc đến đầu tiên là trước khi Phật giáo du nhập nước ta, tại đây đã có một nền văn hóa phong phú. Căn bản của nền văn hóa này xây dựng trên cơ sở của nền văn minh nông nghiệp với các thành tựu rực rỡ, mà cụ thể là ngoài những chứng tích của các nền văn minh còn lại, như vào thời Hai Bà Trưng, tại nước ta đã có bộ Việt luật, trong đó hơn 10 điều khác với Hán luật3, những dấu tích về ngôn ngữ Việt qua bài Việt ca còn sót lại trong thư tịch cổ Trung Quốc4, có hệ thống lịch pháp riêng, hoàn toàn khác với lịch pháp phương Bắc5, những tín ngưỡng đặc thù cổ xưa còn lưu lại trong tín ngưỡng Phật điện đến tận ngày nay và đặc biệt là nền văn hóa này có sức mạnh tiếp thu và đã chủ động bản địa hóa Phật giáo, một yếu tố văn hóa nước ngoài, để phù hợp với nó; và hơn thế nữa, biến nó trở thành một trong những vũ khí sắc bén và uy vũ đối kháng âm mưu đồng hóa và nô dịch về văn hóa của phương Bắc ngay từ những ngày đầu.

2. Quá trình du nhập và phát triển

Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta ở những bước căn bản đầu tiên thật ra không phải xuất phát từ Trung Hoa, mà chính là được truyền vào trực tiếp từ Ấn Độ. Dựa trên những chứng liệu lịch sử đáng tin cậy, một số nhà nghiên cứu chuyên sâu, có uy tín về Phật giáo đã khẳng định điều này6.

Những tài liệu và hiện vật mà khảo cổ học Việt Nam phát hiện được đã chứng minh rằng, người Văn Lang, Âu Lạc thời xưa có nền văn hóa phát triển phong phú, rực rỡ, “biểu hiện bằng các món dụng cụ, trang sức, trống đồng, thạp đồng, mũi tên đồng, thành quách,… mà người Việt Nam hiện nay rất tự hào”7. Tuy nhiên, năm 179 trước Công nguyên (TCN), Âu Lạc rơi vào ách đô hộ của nhà Triệu, mở đầu một thời kỳ đen tối kéo dài hơn một nghìn năm đầy đau thương tủi nhục trong lịch sử nước ta, thường gọi là thời kỳ Bắc thuộc8. Sau khi chiếm được nước ta, Triệu Đà chia Âu Lạc thành hai quận là Giao Chỉ, Cửu Chân và sát nhập vào nước Nam Việt.

Đạo Phật xuất hiện ở Việt Nam từ xa xưa trong các truyền thuyết và truyện cổ tích. Lĩnh Nam Chích Quái (viết vào thời Trần và hiệu chỉnh thời Lê) có chép truyện Chử Đồng Tử và Man Nương, trong đó Chử Đồng Tử, sống vào thời Hùng Vương được một vị tăng là Ngưỡng Quang truyền phép. Những vị học Phật được ghi chép đầu tiên ở Giao Chỉ phải kể đến Mâu Tử và Khương Tăng Hội.

Tại Luy Lâu (Bắc Ninh), Mâu Tử gặp được đạo Phật ở đây và chuyên tâm học Phật. Nhiều năm sau, ông viết Lý Hoặc Luận (lý giải những điều còn nghi hoặc về đạo Phật), dùng tư tưởng của mình để đối đáp với những người cho rằng ông bỏ đạo của thánh hiền (Khổng giáo, Lão giáo) để học thứ đạo của man di. Lý Hoặc Luận được xem là trước tác đầu tiên bằng chữ Hán về Phật giáo, vậy chính Mâu Tử là người học Phật ở Giao Chỉ.

3. Phật giáo vào Việt Nam thời kỳ đầu Công nguyên

Trong những năm đầu Công nguyên, Việt Nam đang ở thời kỳ Bắc thuộc9, về tôn giáo tầng lớp trên của xã hội bắt đầu chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo, tầng lớp dưới có quan niệm về ông trời, gây phúc họa cho con người và quan niệm đa thần giáo trong tín ngưỡng dân gian.

Trong thời kỳ này còn có các tín ngưỡng bản địa của cư dân nông nghiệp lúa nước, cộng với sự tồn tại của Nho giáo, đạo Lão được Trung Quốc truyền vào, tuy nhiên các tín ngưỡng, tôn giáo đó còn có nhiều mặt khiếm khuyết đối với đời sống tâm linh cộng đồng và đạo Phật đã bổ sung vào chỗ thiếu hụt ấy. Vì vậy đạo Phật ở Việt Nam được giao thoa bởi các tín ngưỡng bản địa, cũng như ảnh hưởng bởi đạo Lão ở Việt Nam.

Năm 111 TCN, nhà Hán thôn tính Nam Việt và biến Âu Lạc thành đất đai của nhà Hán. Âu Lạc bị chia thành ba quận thuộc bộ Giao Chỉ là: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam. Để nô dịch nhân dân ta về tư tưởng, ngay từ thời Tây Hán, Nho giáo đã được chính quyền đô hộ truyền bá vào nước ta.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào thời kỳ đầu Công nguyên, hai viên thái thú quận Giao Chỉ và Cửu Chân là Tích Quang và Nhâm Diên đã tích cực “dựng học hiệu” để dạy lễ nghĩa, tức mở trường dạy Nho học và truyền bá phong tục Hán tộc. Nho giáo vào Việt Nam chính thức từ đây và “Phong tục văn minh của đất Lĩnh Nam bắt đầu từ hai thái thú ấy”10. Đến thời Sĩ Nhiếp, một người gốc Hán làm thái thú Giao Chỉ thì việc học Nho ở nước ta đã tương đối phổ biến. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Sĩ Nhiếp là người có tài kinh bang tế thế, tài năng và đức độ của ông vượt xa các thủ lĩnh chính trị của nước Hán đương thời. Hơn nữa, Sĩ Nhiếp còn là người rất thông hiểu kinh sách và tích cực truyền bá Nho giáo và Đạo giáo vào Việt Nam. Vì thế, các nhà Nho Việt Nam đời sau rất kính trọng Sĩ Nhiếp, tôn là “Sĩ vương” và xem Sĩ Nhiếp là ông Tổ của nền học vấn phương Nam – “Nam giao học tổ”. Miền đất Giao Châu dưới quyền cai trị của ông là một xã hội ổn định và thịnh vượng. Vua Hán Hiến Đế thời đó đã phải ngợi khen: “Giao Châu là đất văn hiến, sông núi hun đúc, trân bảo rất nhiều, văn vật khả quan, nhân tài kiệt xuất”11. Do vậy, ở Trung Quốc từ đời Hán đến đời Đường khi xảy ra loạn lạc nhiều người từ miền Nam Trung Quốc tìm cách di cư sang Giao Châu. Nhiều sĩ phu người Hán đến nương náu nơi đây đều được Sĩ Nhiếp khuyến khích mở trường dạy Nho học. Sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét: “Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?12. Góp sức vào việc truyền bá đạo Nho còn có cả những danh nho Trung Quốc do đối lập về chính trị mà bị triều đình đày đi biệt xứ ngoài biên ải, như Ngu Phiên bị đày sang Giao Châu mở trường “dạy học không biết mỏi, môn đệ thường có đến vài trăm”13. Tại các trung tâm châu trị, quận trị như Luy Lâu, Long Biên, Tư Phố, Cư Phong… đều có các trường để truyền bá Nho giáo và Hán học. Theo học các trường này không chỉ có con em của những người Hán cai trị và những người Hán di cư mà còn có cả con em của những người giàu có, của một số hào mục địa phương có hợp tác với chính quyền đô hộ. Trong số họ, có một số người Giao Chỉ, Cửu Chân học giỏi, đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan ở Trung Quốc, như Trương Trọng, Lý Tiến, Lý Cầm, Bốc Long…14. Thậm chí, nhiều người Giao Châu du học tận kinh đô Trường An của nhà Đường. Hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục là người Cửu Chân đỗ tiến sĩ ở Trường An và được bổ nhiệm làm quan ở triều đình.

Vậy trên lãnh thổ của nhà Hậu Hán, sau đó đã tồn tại ba trung tâm Phật giáo là Luy Lâu, Lạc Dương và Bành Thành. Sử liệu cổ của Trung Hoa cũng không ghi nhận được rõ ràng sự hình thành của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành, chỉ có Luy Lâu thuộc Giao Chỉ là được xác định rõ ràng và sớm nhất và còn là bàn đạp cho việc hình thành hai trung tâm kia.

Từ nửa sau thế kỷ thứ hai, Luy Lâu đã tồn tại như một trung tâm Phật giáo quan trọng và phồn thịnh. Điều này cho thấy việc du nhập Phật giáo vào Giao Châu là rất sớm, có lẽ từ đầu Công nguyên.

Theo Thiền Uyển Tập Anh15, một bộ sách quan trọng về các vấn đề lịch sử, tư tưởng, văn học của Phật giáo Việt Nam nói riêng và của dân tộc nói chung, thì Phật giáo được truyền vào nước ta trực tiếp từ Ấn Độ, trước cả Trung Quốc.

Những vị cao tăng đầu tiên ở Giao Chỉ được nhắc đến trong sử sách từ cuối thế kỷ II trở đi, nhưng nhiều bằng chứng cho thấy Phật giáo đã được truyền bá sang đây nhiều năm trước từ những nhà sư Ấn Độ. Sự phát triển của Phật giáo ở Giao Chỉ bắt đầu từ sớm và mạnh mẽ, tạo nên một sự ảnh hưởng văn hóa lớn đối với người dân bản địa sau này. Thực tế, vào thời Mâu Tử, Luy Lâu là một trong ba trung tâm Phật giáo lớn nhất Trung Quốc. Hai nơi còn lại là Lạc Dương và Bành Thành. Lạc Dương nổi lên là trung tâm Phật giáo trong thời Hán Minh Đế (58-75) khi ông cho một đoàn đi Ấn Độ thỉnh kinh Phật đem truyền bá vào Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng trung tâm Lạc Dương xuất phát từ trung tâm Bành Thành và trung tâm Bành Thành chịu ảnh hưởng từ Luy Lâu.

Trước đó, Phật giáo đã xuất hiện ở Trung Quốc từ trước Công nguyên nhưng vẫn còn rời rạc và nhỏ lẻ, đến thời Hán Minh Đế mới được cắm rễ thực sự. Nhiều học giả cho rằng đạo Phật trước thời Hán Minh Đế và cả sau này truyền bá sang Trung Quốc bằng đường biển, điều đó khiến cho việc Luy Lâu được tiếp xúc với Phật giáo Ấn Độ sớm hơn là điều dễ hiểu. Mâu Tử học Phật ở Luy Lâu càng chứng tỏ Luy Lâu phải có hệ thống Phật giáo phát triển từ trước đó. Trong Lý Hoặc Luận, Mâu Tử đã miêu tả về thói hư tật xấu của tăng đoàn Giao Chỉ, trong thời gian đó nhà Hán vẫn chưa có tăng đoàn và suốt thời Hán vẫn chưa cho phép người Trung Quốc chính thức xuất gia Quy y Tam bảo. Mặc dù chưa có ghi chép chính thức về những người đầu tiên mang Phật giáo vào Việt Nam, nhưng sự xuất hiện của các tăng sĩ Ấn Độ vẫn được đề cập đến, trong đó nổi bật là Ma Ha Kỳ Vực và Khâu Đà La đến Giao Chỉ trong khoảng 169-189 và Chi Cương Lương ở đây dịch kinh vào các năm 255-256. Một trong những vị tăng gốc Giao Chỉ nổi tiếng đầu tiên là Khương Tăng Hội, người vẫn còn đang tranh cãi liệu có phải là tổ của Thiền tông Việt Nam hay không. Khương Tăng Hội có cha mẹ là người nước Khương Cư (Uzbekistan), đến Giao Chỉ buôn bán và sinh ra ông ở đây. Ông lớn lên và xuất gia ở Giao Chỉ, đến năm 247, thì đến kinh đô Kiến Nghiệp của Ngô và truyền đạo ở đây. Khương Tăng Hội có nhiều trước tác và bản dịch về Phật giáo nổi tiếng và có giá trị đến sau này.

Căn cứ vào các tài liệu như Hậu Hán Thư trong đó có câu chuyện Sở Vương Anh theo Phật giáo, sách Lý Hoặc Luận của Mâu Tử viết tại Việt Nam vào hạ bán thế kỷ thứ hai, kinh Tứ Thập Nhị Chương và một số tài liệu khác, cho ta thấy rằng trong đời Hậu Hán (thế kỷ thứ nhất và thứ hai) ngoài hai trung tâm Phật giáo ở Trung Hoa, còn có một trung tâm Phật giáo rất quan trọng khác ở Giao Chỉ (tức Việt Nam), lúc bấy giờ đang nội thuộc Trung Quốc.

II. Nguồn gốc Trung tâm Luy Lâu

Trong lịch sử hình thành Phật giáo Việt Nam nói riêng và Phật giáo châu Á nói chung, Luy Lâu được coi là trung tâm Phật giáo xuất hiện sớm nhất trong ba trung tâm Phật giáo thời kỳ khởi thuỷ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, sớm hơn cả hai trung tâm Phật giáo khác là Trung tâm Phật giáo Lạc Dương và Bành Thành của người láng giềng Trung Quốc.

Khi đó, ở Luy Lâu có tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, mây, mưa, sấm ,chớp. Phật giáo Ấn Độ vào Việt Nam tìm cách hoà hợp với tín ngưỡng này, nên mới sinh ra truyền thuyết về Man Nương, là nguồn gốc để có hệ thống tín ngưỡng Tứ Pháp cho đến tận bây giờ… Gắn với truyền thuyết Man Nương ở vùng Dâu (Thuận Thành – Bắc Ninh), nghệ thuật và lễ hội Tứ Pháp hiện vẫn thịnh hành, tuy những lễ cầu đảo hô phong hoán vũ không còn nữa.

Nhưng phải đến thế kỷ XIII-XIV mới có di tích còn để lại đến nay. Trung tâm Luy Lâu, Phật giáo Việt Nam được xem là một trong những trung tâm Phật giáo lớn và hình thành sớm nhất tại vùng Viễn Ðông.

III. Trung tâm Luy Lâu thành lập sớm hơn trung tâm Lạc Dương và Bành Thành

Nhìn vào bản đồ nước Trung Hoa của nhà Hán đã cho chúng ta thấy rõ có hai con sông Dương Tử (Yangtze) và Hoàng Hà (Huang He, Yellow river). Tại đây có một trung tâm Phật giáo gọi là trung tâm Lạc Dương (Luoyang), ngày nay thuộc tỉnh Hà Nam bên Trung Quốc và một trung tâm khác là Bành Thành (Pengcheng), thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay. Tại Việt Nam thì có một trung tâm tên là Luy Lâu, tọa lạc tại phía Đông Bắc Hà Nội, ngày nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam.

Vào thời điểm đó Luy Lâu là một trung tâm Phật giáo phồn thịnh, hơn hai trung tâm Bành Thành và Lạc Dương. Lý do là ở các trung tâm Lạc Dương và Bành Thành lúc đó chỉ có vài thầy và họ toàn là người Ấn Độ. Trong khi đó thì ở Luy Lâu của chúng ta có hàng trăm thầy người Giao Châu (Giao Chỉ).

Các học giả nghiên cứu ba trung tâm Phật giáo đời Hán đều đồng ývới nhau rằng chỉ có trung tâm Luy Lâu là chúng ta biết được nguồn gốc thành lập, còn hai trung tâm kia thì không ai quyết chắc được, không ai đồng ý được với nhau là nhờ đâu mà các trung tâm đó được tạo lập. Có những chi tiết trong Hậu Hán thư và cũng có những chi tiết trong sách Ngô chí chứng tỏ rằng trung tâm Lạc Dương là do trung tâm Bành Thành mà được tạo dựng.

Theo sự nghiên cứu của các học giả Trung Hoa như Hồ Thích16 thì con đường từ Luy Lâu đến Bành Thành có thể đi bằng đường thủy mà cũng có thể đi bằng đường bộ. Ông nói rằng có những vị tăng sĩ khởi hành từ Giao Châu đi tới Quảng Tây (tức Vũ Tây), rồi từ Quảng Tây đi tới Quảng Đông. Sau đó họ vượt đường núi để đến miền hạ lưu châu thổ sông Dương Tử, tức là đến Bành Thành.

Hậu Hán thư cũng có đoạn nhắc đến những chuyến đi này: “Quận Nhật Nam đem phẩm vật cống hiến Hán Đế bằng đường biển. Khương Tăng Hội là một vị tu sĩ dòng dõi người Khương Cư, sinh trưởng trên đất Giao Châu vào đầu thế kỷ thứ Ba, đã đi từ Giao Châu đến hạ lưu sông Dương Tử để truyền đạo”. Như vậy thì con đường mà Hồ Thích nói đến trên đây chính là con đường mà Thiền sư Khương Tăng Hội đã đi để vào nước Ngô dạy đạo.

Vậy trong ba trung tâm Phật giáo đời Hán vừa kể, trung tâm nào được thành lập sớm nhất? Hiện giờ chưa có câu trả lời dứt khoát. Nhưng đứng về nguồn gốc, chỉ có trung tâm Luy Lâu tại Giao Chỉ là ta biết chắc chắn do đâu mà được thành lập. Nguồn gốc của hai trung tâm Lạc Dương và Bành Thành vẫn còn rất mờ. Có nhiều dữ kiện khiến cho chúng ta nghĩ trung tâm Luy Lâu được thành lập sớm nhất và trung tâm này đã làm bàn đạp cho sự thành lập các trung tâm Bành Thành và Lạc Dương ở Trung Hoa.

IV. Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử

Đạo Phật truyền bá vào Việt Nam, đến nay đã trên 2000 năm và đã nhanh chóng thích nghi với lối sống của người Việt. Những quan điểm trong giáo lý, giáo luật,…của Phật giáo gần với đời sống tâm linh của người Việt, với những nét văn hoá Việt.

Trong khoảng thời gian dài đó, do sự thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị xã hội của đất nước, đạo Phật cũng trải qua một số bước phát triển và hình thành nên một số giai đoạn tương đối rõ rệt.

• Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc

Trong quá trình phát triển, Phật giáo Việt Nam từ việc chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ đã chuyển sang chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc.

Từ thế kỷ VI đến thế kỷ X, Phật giáo Việt Nam tiếp nhận thêm những đoàn truyền giáo của Trung Quốc. Không bao lâu Phật giáo Bắc phương đã chiếm ưu thế và thay vị trí của Phật giáo Nam phương vốn có từ trước. Đồng thời sự ảnh hưởng đó còn được thể hiện qua việc ba tông phái chính của Trung Hoa cũng được truyền vào Việt Nam đó là Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông và qua một số tập tục như: tập tục đốt vàng mã, tập tục coi ngày giờ, tập tục cúng sao hạn, xin xăm, bói quẻ,… Vì thế Phật giáo Mật tông đã bao trùm mọi tín ngưỡng bình dân trong lòng nó tại Ấn Độ cũng như ở Giao Châu lúc bấy giờ. Riêng ở Giao Châu nước ta, khuynh hướng này rất phù hợp với tín ngưỡng dân gian thờ phúc thần, nhiên thần, thờ Mẫu, tín ngưỡng vật linh… đồng thời phù hợp với phong tục của người Việt nên nó trở thành một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt Thiền môn 17.

• Thứ hai, Phật giáo Việt Nam phát triển theo khuynh hướng Thiền.

Trong hoàn cảnh văn hoá giao lưu phức tạp, Phật giáo Việt Nam ở thời kỳ này phát triển theo khuynh hướng Thiền.

Theo Nguyễn Lang trong “Việt Nam Phật giáo sử luận” cho rằng Thiền học Việt Nam khởi đầu bởi Khương Tăng Hội vào đầu thế kỷ III. Các nhà nghiên cứu khẳng định rằng Thiền ở Việt Nam trở thành tông phái bắt đầu từ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Năm 580, Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Giao Châu trú tại chùa Pháp Vân giảng dạy Phật pháp và lập ra dòng Thiền đầu tiên ở chùa Dâu. Từ đó dòng Thiền bắt đầu phát triển ở nước ta.

Sang đến thế kỷ thứ IX, Phật giáo Việt Nam còn có thêm một mối giao lưu khác là Thiền tông Trung Quốc truyền sang với dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Thiền phái này mang đậm dấu ấn Thiền học Trung Hoa với tư tưởng chân lý ở ngay trong lòng mình, Phậttại tâm. Chân lýđó giúp con người có thể tu chứng trực tiếp, chứ không cần nắm bắt qua ngôn ngữ, văn tự. Thiền phái Vô Ngôn Thông chủ trương bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật.

Tóm lại, Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần đã phát triển trên cơ sở của ba mối giao lưu – tiếp biến bởi có 3 nguồn du nhập:

– Phật giáo Đại thừa với khuynh hướng Thiền học từ Nam Ấn trực tiếp truyền sang bằng đường biển từ cuối thế kỷ thứ I trước Công nguyên hoặc những năm đầu sau Công nguyên với kinh văn hệ Bát nhã;

– Thiền tông Ấn Độ truyền sang Trung Quốc rồi đến Việt Nam với vai trò của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào thế kỷ thứ VI với tư tưởng vô trụ, siêu việt hữu – vô;

– Thiền tông Trung Quốc truyền vào Việt Nam với vai trò của ngài Vô Ngôn Thông vào thế kỷ thứ IX với pháp môn Đốn ngộ và tư tưởng Phật tại tâm.

• Thứ ba, với đặc điểm phần lớn người Việt Nam không biết chữ để nghiên cứu kinh điển Phật giáo cho nên Phật giáo Đại Thừa phát triển và chiếm ưu thế.

Điều này được thể hiện rõ khi ta xem xét những quan điểm trong sách “Lý Hoặc Luận” của Mâu Tử và trong các kinh mà Khương Tăng Hội đã dịch. “Trong bài tựa kinh “An ban thủ ý” Tăng Hội có viết: “An ban là đại thừa của chư Phật để tế độ chúng sinh… Ngoài ra ông còn dịch kinh “Tiểu phẩm bát nhã” (Bát thiên tụng bát nhã) là kinh điển căn bản và xuất hiện sớm nhất trong văn hệ Bát Nhã thuộc khuynh hướng Đại thừa”.

 Thứ tư, Phật giáo khi truyền vào Việt Nam đã được tiếp xúc ngay với tín ngưỡng bản địa.

• Thứ năm, Phật giáo bước đầu đã có sự hỗn dung với Nho giáo và Đạo giáo

• Thứ sáu, Phật giáo đã tích cực đồng hành cùng dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống xâm lăng và đồng hoá.

• Thứ bảy, Phật giáo trong thế kỷ XXI.

Đứng trước thách thức và cơ hội của sự hội nhập toàn cầu, Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng cần làm gì trước sự nhận định vượt thời gian của nhà bác học lỗi lạc người Đức ở thế kỷ XX: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một Tôn giáo toàn cầu, vượt trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn thiên nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi phương diện trong cái nhất thể đầy ý nghĩa. Chỉ có đạo Phật đáp ứng đủ các điều kiện ấy.” Hay câu nhận định riêng về Phật giáo Việt Nam: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông”. Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ làm gì với tinh thần thể nhập tùy duyên mà bất biến… để hóa giải cho việc phát triển nhưng thiếu tính bền vững, ở nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế và văn hóa… nhằm đáp ứng cho bước phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước ở thế kỷ XXI.

Để phát huy vai trò nhập thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, khẩu hiệu hiện đại hóa đất nước ở thế kỷ XXI hoàn toàn thích hợp với phương châm “Tri-túc-hành” trong đạo Phật, là biết dùng các phương thức sử dụng tài năng để soi xét, tìm hiểu. Dùng lý trí để phán đoán sự vật mà không để tình cảm xen lẫn vào. Một trong bốn điểm của “Tứ nhiếp pháp” là người xuất gia hay tại gia làm tất cả mọi công việc hoằng pháp xét thấy có lợi cho bản thân và tập thể. Giai đoan đổi mới và hội nhập hiện nay là cơ hội tuyệt vời để áp dụng khái niệm “Tri hành hợp nhất” của Phật giáo. Bởi từ ngàn xưa Phật giáo có vai trò rất quan trọng đối với các sách lược nhằm “trị quốc, an dân bình thiên hạ” thông qua tinh thần “Bi-Trí-Dũng”. Nên được là một người tu sĩ Phật giáo Việt Nam là điều vinh dự lớn khi được kế thừa truyền thống quí giá của dân tộc.

V. KẾT LUẬN

Việc Phật giáo du nhập vào Việt Nam cho thấy Việt Nam có vị trí thuận lợi, là nơi giao thoa giữa nền văn minh Ấn Độ và Trung Hoa. Việc Phật giáo được truyền trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam ở thời kỳ sơ khởi, được xác định qua các dữ kiện lịch sử của các nhân vật ở lại Việt Nam hoằng hóa, thì Phật giáo được truyền theo trục từ Ấn sang Hoa và ngược lại từ Hoa sang Ấn, mà Việt Nam thì ở chính giữa. Do đó người Việt Nam thời bấy giờ chắc chắn đã thu nhập tư tưởng Phật giáo của cả hai con đường vận chuyển tư tưởng nói trên.

Khi đạo Phật truyền vào làng xã, hòa vào văn hóa Việt Nam, thì làng xã không chỉ là một cộng đồng quần cư, một đơn vị hành chính mà còn là một cộng đồng tôn giáo. Chùa làng là điểm cố kết nhân tâm, là nơi khuyên bảo người dân sống theo đạo lý Phật giáo. Phật giáo đã góp phần làm phong phú thêm văn hóa làng Việt. Hàng nghìn năm, dân ta có lúc mất nước nhưng không mất làng. Văn hóa làng – trong đó chứa nhiều “hàm lượng” văn hóa Phật giáo – vẫn tồn tại. Gắn bó với văn hóa làng, gắn bó với dân tộc Việt, đối phó với những chính sách hà khắc của ngoại xâm, các thiền sư Việt Nam đã hun đúc ý thức về một nền độc lập dân tộc. Phật giáo đã tạo nên tầng lớp trí thức tiêu biểu, với tinh thần nhập thế, gánh vác trách nhiệm trước dân tộc trong thời kỳ đầu gian nan xây nền độc lập (thế kỷ X) và họ đã hoàn thành sứ mệnh đó.

Trong Bảy giai đoạn phát triển của Phật giáo đã trình bày trên phản ánh được điều đó. Năm giai đoạn này được xây dựng cơ bản trên hai nền tảng tư tưởng, một là nền tư tưởng Phật giáo quyền năng và hai là tư tưởng tức tâm tức Phật. Hai nền tảng Phật giáo này hòa quyện với nhau, thấm sâu vào đời sống tâm linh của con người Việt Nam. Và nó gắn liền với sự phát triển của lịch sử dân tộc, lấy sứ mệnh của dân tộc làm sứ mệnh của mình. Ðó là tính nhất quán của lịch sử Phật giáo Việt Nam, được biểu hiện qua những bước chuyển mình, đáp ứng yêu cầu của từng chặng đường lịch sử cụ thể, vì lợi ích chung của dân tộc.

Tác giả: Thượng tọa Thích Thiện Hạnh – Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tại Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Phật học – Số tháng 11/2018


CHÚ THÍCH:
1. Theo sách “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, quyển I, của Nguyễn Lang, 1994.
2. Tác giả Nguyễn Lang – Nhà xuất bản Văn học Hà Nội – 1979
3. Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb.Thuận Hóa, 1999, trang 36.
4. Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb.Thuận Hóa, 1999, trang 38-45.
5. Lê Mạnh Thát. Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 1, Nxb.Thuận Hóa, 1999, trang 61-70.
6. Theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, in lần thứ 3, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1992
7. Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám. Sđd., t.1, tr.57.
8. Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. Đại cương lịch sử Việt Nam, t.1. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 60.
9. Xem: Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. Đại cương lịch sử Việt Nam, t.1. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr. 60.
9. Đại Việt sử ký toàn thư, t.1. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.155.
10. Trần Văn Giàu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nxb TP. Hồ Chí Minh, 1993, tr.87.
11. Đại Việt sử ký toàn thư. Sđd., t.1, tr.164.
12. Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám. Sđd., t.1, tr.61.
13. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.1. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, tr.81.
14. Tác phẩm bằng chữ Hán, trước đây thường được xem là khuyết danh, nhưng theo học giả Lê Mạnh Thát thì có thể là do Thiền sư Kim Sơn soạn, niên soạn là năm Đinh Sửu Khai Hựu (1337). Tham khảo Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh của Lê Mạnh Thát, Nxb. TPHCM, 1999.
15. Hồ Thích Luận Học Cận Trước, Thượng Hải, 1935
16. Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn, trang 138 139.
17. Từ tâm linh đến vấn nạn kinh tế, Nguyễn Văn Hóa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Đăng Thục (1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập 2, NXB thành phố Hồ Chí Minh.
2. PGS.TS. Nguyễn Hùng Hậu (2002 – chủ biên), Đại cương lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam tập 1, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
3. Việt Nam Phật Giáo Sử lược, TS Thích Nhất Hạnh.
4. Trường A Hàm – trg 327. Kinh Chuyển luân Thánh vương tu hành.
5. Ðại-việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên.
6. Trần Văn Giàu. Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993.
7. Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. Đại cương lịch sử Việt Nam, t.1. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
8. Nguyễn Tài Thư (chủ biên). Lịch sử tư tưởng Việt Nam, t.1. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
9. Nguyễn Thế Long. Nho học ở Việt Nam – giáo dục và thi cử. Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1995
10. Phan Đại Doãn (chủ biên). Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
11. Nguyễn Hùng Hậu (2003), Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Nguyễn Duy Hinh (1999), Tư tưởng Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
13. Nguyễn Lang (2008), Việt Nam Phật giáo sử luận, t.1,2,3, Nxb Văn học, Hà Nội.
14. Phan Ngọc Liên (2006), Giáo dục và thi cử Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
15. Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (1967), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
16. Trần Nghĩa (1991), “Lý hoặc Luận, bông hoa đầu mùa của Phật giáo Luy Lâu”, Tạp chí Hán Nôm, số 1.
17. Trần Nghĩa (2000), Sưu tầm và khảo luận tác phẩm chữ Hán của người Việt trước thế kỷ X, Nxb Thế giới, Hà Nội.
18. Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.
19. Hà Văn Tấn (2002), Khảo cổ học Việt Nam: Khảo cổ học lịch sử Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
20. LêTắc (1961), An Nam chí lược,Viện Đại học Huế, Huế.
21. Lê Mạnh Thát (1999), Nghiên cứu về Thiền Uyển Tập Anh, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.
22. Lê Mạnh Thát (2003), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh. 23.Thích Thanh Từ (1973), Thiền sư Việt Nam, Tu viện Chơn Không, Sài Gòn.
24. Viện Triết học (2002), Lịch sử tư tưởng Việt Nam – Văn tuyển: tư tưởng Việt Nam từ đầu công nguyên đến cuối thời Lý, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
25. Viện Triết học (1986), Mấy vấn đề về Phật giáo và lịch sử tư tưởng Việt Nam, Hà Nội.

Hits: 99