ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
| Mục lục |
Chương 19: Thiền Quán Thêm về Khổ
(c) Thiền quán về ba loại khổ
(i) Khổ do thay đổi
(ii) Khổ do đau đớn
(iii) Khổ do duyên sinh
2’’ Suy ngẫm về các đau khổ cụ thể
(a) Cái khổ của con người (skt. manuṣya)
(b) Cái khổ của A-tu-la (skt. Asura)
(c) Suy ngẫm về cái khổ của chư thiên (skt. deva)
(i) Chư thiên của dục giới
(a’) Cái khổ của việc phải chết và bị giáng xuống các giới thấp
(1’) Cái khổ của chết
(2’) Cái khổ của việc phải giáng xuống các cảnh giới thấp
(b’) Cái khổ của âu lo
(c’) Cái khổ của việc bị cắt chém, đâm rạch, giết chết, và bị đuổi đi
(ii) Chư thiên của sắc giới và vô sắc giới
***************
(c) Thiền quán về ba loại khổ[1]
(i) Khổ của thay đổi [227]
Những cảm giác vui thú mà các chúng sinh kinh qua trong luân hồi cũng giống như sự vui thích cảm nhận được khi dội nước mát lên mụn hoặc nhọt đang sưng tấy: khi cảm giác tạm thời này qua đi, cái đau đớn tự quay trở lại. Điều này gọi là khổ do thay đổi và bao gồm không chỉ cảm thọ mà còn cả tâm vương và các tiến trình tâm (tâm sở)[2] tương tự với tâm vương đó,[3] cũng như các đối tượng cấu nhiễm, khi được nhận thức, gây nên cảm giác đó.
(ii) Khổ do đau đớn
Khi một cái mụn đau đớn viêm tấy lên tiếp xúc với một chất kích thích khó chịu chẳng hạn như nước muối, nó thật là đau đớn cực độ. Đây là cách quý vị nhận ra cảm giác đau đớn. Những cảm giác đau đớn như thế tạo thành cái khổ do đau đớn, bởi vì ngay khi chúng khởi lên thân và tâm liền bị hành hạ, như trong trường hợp đau thận. Cũng như đã giải thích ở trên, khổ của đau đớn không phải chỉ là cảm giác mà thôi.
(iii) Khổ do duyên sinh
Các cảm giác trung tính hữu lậu giống như mụn sưng tấy không tiếp xúc với chất xoa dịu hoặc chất kích thích khó chịu. Bởi vì những cảm giác này cùng hiện hữu với các khuynh hướng xáo trộn chức năng, chúng tạo thành khổ do duyên sinh mà, như giải thích ở trên, không phải chỉ bao gồm các cảm giác mà thôi. Ở chừng mực cái khổ do duyên sinh bị tác động bởi các nghiệp trước đó, cũng như là các phiền não, và đồng thời khổ này hiện hữu cùng với các hạt giống {chủng tử} sẽ phát sinh ra cái khổ và phiền não trong tương lai, nó cùng hiện hữu với các xu hướng xáo trộn chức năng dai dẳng.
Do đó, tham luyến gia tăng khi cảm giác vui thích khởi lên, và thù ghét gia tăng khi đau đớn khởi lên. Vô minh gia tăng khi quý vị hiểu lầm tấm thân – vốn là một phần của tình trạng xáo trộn chức năng không vui thú mà cũng không đau đớn – là trường tồn, trong khi thật ra nó là vô thường. Tham luyến sinh ra khổ đau chẳng hạn như việc tái sinh tương lai vào trong năm cảnh giới [các cảnh giới của chúng sinh ở địa ngục, của ngạ quỷ, súc sinh, con người, và chư thiên]; thù ghét mang lại khổ đau như sầu khổ trong đời này, cũng như khổ đau tương lai trong các cảnh giới khốn khổ; trong khi vô minh hoạt hóa theo phương thức nhằm duy trì sự khổ do hai cảm xúc kia [tham luyến và thù ghét] sinh ra. Do đó, tham luyến chấm dứt khi quý vị thấy các cảm giác vui thú là khổ đau. [228] Trong trường hợp cảm giác đau đớn, sự thù ghét chấm dứt khi quý vị xét thấy rằng bởi vì các uẩn [của thân và tâm] là một tập hợp của các nguyên nhân gây ra khổ đau, các cảm giác đau đớn từ chúng phát khởi ra chỉ như là đau đớn thể xác phát khởi ra vậy. Trong trường hợp các cảm giác trung tính, vô minh ngừng khi quý vị thấy bản chất của các cảm giác đó là vô thường, tiêu tán và hoại diệt. Bằng cách này, quý vị ngăn ngừa không cho ba loại cảm giác khởi lên thành tam độc {tức tham, sân, si}. Tôi đã giải thích những điểm này theo Quyết Định Yếu Luận và Du-già Hạnh Địa Luận {Các Tầng Bậc Hành Thiền}.
Giống như ai đó đang mang một gánh nặng không thể vui sướng được nếu vẫn còn phải mang gánh nặng này, quý vị cũng vậy, sẽ tiếp tục chịu khổ đau nếu quý vị vẫn còn mang gánh nặng của các uẩn tương ưng. Cho dù đôi khi quý vị không có cảm giác đau đớn, nhưng bởi vì các uẩn đã bám rễ chắc chắn vào các khuynh hướng xáo trộn của khổ đau và phiền não, khổ do duyên sinh vẫn hiện diện, và do đó vô vàn các khổ đau đang mấp mé ở tình trạng sắp xảy ra bằng vô số cách. Cho nên, vì khổ do duyên sinh thấm nhập mọi khổ đau và là gốc rễ của hai khổ đau kia, hãy thường thiền quán về nó để không còn bị nó mê hoặc nữa.
Hơn nữa, những cảm giác vui thú hiện thời của quý vị – nó làm cho tham luyến tăng trưởng – hầu hết chỉ xảy ra khi có sự dịu bớt của khổ đau (được giảm bớt/khuây khỏa); vui thú không hiện hữu một cách tự nhiên, không hiện hữu độc lập với việc loại bỏ khổ đau. Thí dụ, nếu quý vị bị đau khổ vì đi bộ quá nhiều, một trạng thái tâm khoan khoái khởi lên khi quý vị ngồi xuống. Khi đó, bởi vì tình trạng đau khổ cực độ đang phai mờ đi, vui thú có vẻ như đang từ từ phát khởi. Tuy nhiên ngồi không phải tự nhiên là điều vui thú, bởi vì nếu quý vị ngồi lâu quá, đau khổ lại khởi lên, giống như khi trước. Giả dụ rằng ngồi và các tư thế khác tự bản chất của chúng là nguyên nhân của vui thú thì cũng như khổ đau sẽ gia tăng tỉ lệ với mức độ dính mắc của quý vị với nguyên nhân của khổ đau, vui thú cũng sẽ gia tăng theo lượng thời gian quý vị đi, ngồi, nằm, ăn hoặc uống, đứng dưới ánh nắng hoặc trong bóng mát. Tuy nhiên, rõ ràng là nếu quý vị làm quá lâu bất kỳ điều nào kể trên, tất cả kết quả của việc làm đó tất cả chỉ là khổ đau. [229] Bởi vì, như Nhập Thai Kinh đề cập trong cùng nguồn cảm hứng: [4]
Này Nanda, các hoạt động thân thể như đi, ngồi, đứng, hoặc nằm, mỗi thứ như vậy đều phải được hiểu là đau khổ. Nếu thiền giả phân tích bản chất của các hoạt động thân thể này, họ sẽ thấy rằng khi họ đi cả ngày mà không nghỉ, ngồi xuống, hoặc nằm xuống, họ sẽ kinh nghiệm việc đi này chỉ thuần là đau khổ và sẽ có những cảm giác mãnh liệt, buốt nhói, không chịu nổi và không vui thú gì. Ý niệm đi là vui thú sẽ không khởi lên.
Sau khi bàn luận cùng một cách như vậy về ba hoạt động thể chất kia, lời kinh nói tiếp:
Tuy nhiên, này Nanda, bởi vì các hoạt động thể chất ngắt đoạn sự liên tục của khổ đau trong hoạt động này hoặc hoạt động kia, thì trong một số hoạt động thể chất khác, một cái khổ mới khác lại phát khởi; và với điều này họ tưởng là vui thú. Này Nanda, khi cảm giác vui thú hữu lậu này khởi lên, đó chỉ là khổ đau đang khởi lên; khi nó chấm dứt, chỉ có bản chất của khổ đau này chấm dứt mà thôi. Khi nó lại khởi lên nữa, đó chỉ là hoạt động tác hợp phát khởi; khi nó chấm dứt, đó chỉ là hoạt động tác hợp chấm dứt.
Cũng vậy, ngài Thánh Thiên trong Tứ Bách Kệ Tụng nói:[5]
Vui thú, khi gia tăng,
Được thấy thay đổi thành đau đớn;
Đau đớn, khi gia tăng,
Lại không biến thành vui thú tương tự trên.
2” Suy ngẫm về các khổ đau cụ thể
Trong sáu loại đau đớn cụ thể, trên đây tôi đã giải thích các loại đau khổ của ba cõi khổ não.
(a) Khổ đau của con người
Từ những điều được giải thích ở trên, quý vị nên hiểu rằng khổ đau của con người bao gồm cái đau đớn của đói khát, các cảm giác nóng lạnh khó chịu, và cái khổ đau trong việc tìm kiếm thức ăn thức uống[6] và bị mỏi mệt. Đó cũng là sinh, lão, bệnh, tử, v.v… – bảy loại mà tôi đã giải thích khi trước.[7] Hơn nữa, quý vị nên hiểu đau khổ của con người theo hai trích dẫn sau đây. Tư Lương Tập Luận (Saṃbhāra-Pankathā) của ngài Thế Thân nói:[8]
Rõ ràng là con người cũng có
Mọi khổ đau của các cõi khốn khổ –
Bị đau đớn hành hạ, họ giống như các chúng sinh ở địa ngục;
Bị tước đoạt mọi thứ, họ giống như những chúng sinh trong thế giới của Tử Thần [các ngạ quỷ]
Con người cũng có cái khổ của súc sinh [230]
Ở chỗ kẻ mạnh dùng sức
Làm thương tổn và áp bức người yếu –
Những khổ đau này như một dòng sông.
Có người bị khổ đau vì nghèo túng;
Với người khác, khổ đau phát sinh từ lòng bất mãn.
Cái khổ của lòng khao khát thật không thể chịu nổi.
Mọi người đều cãi cọ và có thể bị giết chết.
Trong Tứ Bách Kệ Tụng:[9]
Đối với kẻ có đặc quyền, đau đớn ở tinh thần;
Đối với người thường, đau đớn nơi thể chất.
Ngày qua ngày cả hai loại đau đớn
Đều làm khổ thế gian này.
(b) Khổ của A-tu-la
Trong Bằng Hữu Thư:[10]
Cũng vậy, các A-tu-la, do chính bản chất của họ, phải chịu cái khổ lớn ở trong tâm
Bởi họ thù ghét sự vinh quang của chư thiên.
Nên dù thông minh, họ không thấy sự thật
Bởi sự ngăn che trong tâm là điểm đặc thù của cõi tái sinh này.
Nói cách khác, họ bị hành hạ vì lòng ganh tị không thể chịu đựng nổi của mình đối với của cải của chư thiên. Vì lý do này, họ đánh nhau với chư thiên và phải chịu nhiều khổ đau, chẳng hạn như bị cắt đứt ngang mình và bị phanh thây. Họ thông minh, nhưng họ bị những ngăn che trong tâm, quả thành hình từ nghiệp trong quá khứ, khiến họ không thể nào nhìn thấy sự thật từ trong hoàn cảnh của mình. Diệu Pháp Chánh Niệm Hiện Tại {skt. Sad-dharmānusmṛty-upasthāna} nói họ là súc sinh, nhưng Du-già Hạnh Địa Luận đặt họ vào trong cõi của chư thiên.
(c) Suy ngẫm về cái khổ của chư thiên
Giải thích ở đây liên quan đến (1) chư thiên của dục giới và (2) chư thiên của sắc giới và vô sắc giới
(i) Chư thiên của dục giới
Những khổ đau của chư thiên ở dục giới được xem xét trong ba phần sau:
1. Cái khổ của việc phải chết và bị giáng xuống giới thấp
2. Cái khổ của âu lo
3. Cái khổ của việc bị cắt chém, đâm rạch, giết chết, và bị đuổi đi
(a’) Cái khổ của việc phải chết và rơi xuống chỗ thấp
(1’) Cái khổ của việc phải chết
Trong Bằng Hữu Thư:[11]
Mặc dù chư thiên hưởng những lạc thú lớn ở cõi trời,
Cái khổ của việc phải chết ở đó còn mạnh hơn như vậy.
Bậc trí giả hiểu điều này nên ngừng tạo tác
Lòng tham luyến các cõi trời rồi sẽ bị hủy diệt. [231]
Chư thiên hưởng thụ lạc thú qua việc thỏa mãn các ham muốn nhục dục, nhưng còn lớn hơn vậy nữa là cái khổ đau ghê gớm mà họ trải qua khi chết, khi nhận ra năm dấu hiệu chết, về điểm này luận văn trên nói:[12]
Thân thể họ chuyển thành màu xấu xí,
Nệm gối của họ không còn êm ái nữa,
Vòng hoa của họ héo úa, và y phục có mùi hôi;
Mồ hôi bất thường đổ khắp thân thể.
Năm dấu hiệu cho chư thiên ở cõi trời,
Báo trước họ sẽ chết và giã từ nơi đó,
Tương tự như các dấu hiệu
Báo trước cái chết của con người ở cõi thế gian.
(2’) Cái khổ của việc phải rơi xuống các cảnh giới thấp
Trong Bằng Hữu Thư:[13]
Họ phải giã từ thế giới thần tiên.
Nếu phước đức của họ cạn hết,
Khi đó, bất lực, họ sẽ thành
Súc sinh, ngạ quỷ, hoặc chúng sanh địa ngục.
(b’) Cái khổ của âu lo
Chư thiên có nhiều phước đức sẽ có những thứ được mong muốn nhất. Khi nhìn thấy họ, những thần có ít phước đức hơn cảm thấy lo âu và vì vậy mà phải trải qua nhiều khổ não và đau đớn.
(c’) Cái khổ của việc bị cắt chém, đâm rạch, giết chết, và bị đuổi đi
Khi chư thiên đánh nhau với A-tu-la, họ phải trải qua cái đau đớn của việc tay chân và các phần nhỏ ở rìa thân thể bị cắt đứt, bị phanh thây, và bị giết. Khi bị cắt đầu, họ chết, nhưng tay chân sẽ mọc lại sau khi bị cắt đứt hoặc bị đâm rạch, và họ sẽ tiếp tục sống. Về việc bị đuổi đi, khi có chiến trận, các thiên thần nhiều quyền năng sẽ đuổi các thiên thần yếu ra khỏi nhà. Hơn nữa, như Tư Lương Tập Luận của ngài Thế Thân nói:[14]
Chư thiên say sưa trong lạc thú nhục dục
Trong tâm không có hạnh phúc –
Họ bị một thứ lửa bên trong thiêu đốt
Lửa bốc cháy do nhiễm lây lạc thú nhục dục.
Làm sao có được hạnh phúc
Cho những người tâm thần phân tán?
Vì tâm họ không được kiểm soát [232]
Và không được tập trung dù chỉ trong chốc lát.
Từ bản chất vốn bối rối và loạn động.
Họ sẽ không bao giờ trầm tĩnh –
Như ngọn lửa có gỗ làm nhiên liệu
Lửa này cháy rực, có thêm gió trợ lực.
Và cũng vậy:
Họ giống như những người ốm yếu, khỏi bệnh
Chưa bao lâu, ăn uống không đúng cách và bị bệnh trở lại.
(ii) Chư thiên của sắc giới và vô sắc giới
Chư thiên ở cảnh giới cao nhất – sắc giới và vô sắc giới – mặc dù thoát khỏi các đau khổ này nhưng vẫn chết và mang theo các phiền não và ngăn che. Bởi vì họ không tự chủ được về chỗ ở trong tương lai, nên thậm chí họ phải khổ vì các khuynh hướng xáo trộn. Hơn nữa, như Tư Lương Tập Luận nói:[15]
Những kẻ ở sắc giới và vô sắc giới
Đã vượt qua cái khổ của đau đớn và của đổi thay.
Tự bản chất họ được hỷ lạc của định từ thiền;
Họ ở trong tình trạng không lay chuyển trong nhiều đại kiếp.
Nhưng ngay cả điều này chắc chắn không là giải thoát;
Sau khi đã trải xong điều này, họ sẽ lại giáng xuống.
Cho dù có vẻ như họ đã vượt qua
Sự hỗn loạn của các cảnh giới khốn khổ,
Tuy nhiên giống như chim bay vút lên trời,
Cho dù cố gắng chúng cũng không thể ở nơi đó mãi –
Giống như mũi tên được bắn đi bằng sức mạnh của một đứa trẻ,
Mũi tên cuối cùng sẽ lại rớt xuống.
Giống như đèn bơ đã cháy trong một thời gian dài
Đang tiêu tan từng giây từng phút,
Chúng đang bị vây khốn vì những thay đổi
Của cái khổ do duyên sinh.
Suy ngẫm như vậy về những cái khổ tổng quát và cụ thể của năm hoặc sáu loại chúng sinh. Rồi lúc quý vị thấy ghê tởm với dòng sinh tử luân hồi, quý vị sẽ thắc mắc về nguyên do của nó. Cái gì tạo ra sinh tử luân hồi?
Ghi chú
[1]BA499 Những tiêu đề cho phần này không được nêu rõ trong chánh văn, nhưng được trình bày theo mChan, do ‘Jam–bdyangs-bzhad-pa thêm vào.
[2]Tâm vương ở đây là ý thức (thức thứ sáu). Tâm sở là các trạng thái tâm (Luận Đại Thừa Trăm Pháp liệt kê tất cả 51 tâm sở), tùy theo tâm vương mà xuất hiện và giúp tâm vương tạo nghiệp.
[3]BA500 Trong bối cảnh các tâm sở, cụm từ “giống như tâm vương” muốn nói đến năm cách các tâm sở giống như tâm vương mà chúng đi kèm theo. Năm cách này, như được trình bày trong AK, là sự giống nhau của (1) cơ sở, (2) đối tượng quan sát (3) sắc thái (4) thời gian, và (5) thực thể có thực chất.
[4]BA501 Garbhāvakrānti-sūtra, P760:109.3.3-6. Dường như Tsongkhapa đã dùng một bản dịch khác cho đoạn này. Đoạn trích dẫn tiếp theo cũng thấy ở đây.
[5]BA502 Cś: 2.12; P5246:133.4.4-5.
[6]BA503 Chánh văn ở đây (LRCM: 299.17) ghi là tshol kro và đã được sửa lại thành tshol ‘gro (mChan: 444.01; A-kya: 139.02).
[7]BA504 Những hạng mục còn lại trong danh sách bảy hạng mục gồm ba rút từ trong danh sách tám hạng mục ở trên: cái khổ của việc phải gặp điều bất như ý, cái khổ của việc phải xa lìa điều toại ý, và cái khổ của việc tìm kiếm mà không được điều mình muốn. Hạng mục thứ tám trong danh sách, cái khổ của các uẩn bị sở hữu, là một là hạng mục tóm tắt được thêm vào nhưng không được đề cập khi liệt kê những cái khổ của con người.
[8]BA505 Saṃbhāra-parikathā, P5422: 233.2.8-233.3.3.
[9]BA506 Cś: 2.8; P5246:133.4.2 .
[10]BA507 Suhṛl-lekha: 102; P5682:237.4.6.
[11]BA508 Nt.: 98; P5682:237.4.2-3.
[12]BA509 Nt.: 99-100; P5682:237.4.3-5.
[13]BA510 Nt.: 101; P5682:237.4.5-6 .
[14]BA511 Saṃbhāra-parikathā, P5422:233.3.3-5, 233.3.6-7.
[15]BA512 Nt., P5422:233.3.7- 233.4.1.
Hits: 472