ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
| Mục lục |
Chương 23: Nắm Chắc Bản Chất của Con Đường Dẫn Tới Giải Thoát
d) Nắm chắc bản chất của con đường đưa tới giải thoát
i) Loại cuộc sống qua đó quý vị có thể làm ngưng luân hồi
ii) Loại lộ trình quý vị phải tu tập để làm ngưng luân hồi
a’ Sự chắc chắn của việc liệt kê ba tu tập
1’ Các giai đoạn điều phục tâm
2’ Các kết quả
3’ Những đối tượng mà chúng tiêu trừ
b’ Việc quyết định thứ tự của ba tu tập
*************
Hãy tự thúc giục mình và thiền quán về những khiếm khuyết của luân hồi. Như Śri Jagan-mitrānanda {Dịch nghĩa: Tôn giả Sinh Bằng Hỷ} nói:[1]
Mặc dù chúng ta đã chìm vào giữa luân hồi,
Một đại dương khổ đau không đáy mà cũng chẳng bến bờ, [262]
Nhưng chúng ta không chán ngán, chẳng sợ hãi; chúng ta hoan hỷ và hứng thú.
Điều chi xảy đến trong tâm trí ta?
Mặc dù chúng ta đã vào đám cháy không ngừng thiêu đốt
Với vấn đề, với nghèo khổ, với nỗi khó trong việc tìm thức ăn và chỗ ở,
Với nỗ lực nuôi thân và cuối cùng mất mát cũng như chia lìa, bệnh tật, và già nua,
Chúng ta khoác lác về hạnh phúc của mình.
Điều này xem chừng như là khùng điên.
Và:
Hỡi ôi, thế nhân có mắt nhưng lại mù;
Mặc dù ngươi nhìn thấy điều rõ ràng hiển nhiên,
Nhưng ngươi chẳng nghĩ chi về điều đó cả.
Phải chăng tâm trí ngươi đã chai cứng rồi không?
Do đó, như Thất Xử Nữ Khai Trí Truyện (Sapta-kumārikāvadāna) của ngài Guhyadatta {Mật Thí} viết:[2]
Ta nhìn các pháp thế gian như hình ảnh chập chờn của ánh trăng trong nước.
Ta xem tham ái như bóng dáng cuộn tròn và mang phùng lớn của đám hổ mang giận dữ.
Ta thấy bao chúng sinh bốc cháy với những ngọn lửa khổ đau.
Do đó Ta đến những bãi thiêu người, hỡi Đại Vương, lòng hoan hỷ trong quyết tâm giải thoát.
Như thế, khi quý vị thấy rằng luân hồi – gồm môi trường và chúng sinh – giống như bóng trăng trên nước bị gió khuấy động – vô thường, tan hoại và không đứng yên ngay cả trong giây lát; rằng các đối tượng của giác quan – giống như bóng dáng của thân rắn độc – chẳng có giá trị bao nhiêu mà hiểm nguy xiết đỗi; và rằng năm loại chúng sinh bị thiêu đốt trong lửa cháy hừng hực của ba thứ khổ đau; rồi quý vị phát khởi một khuynh hướng giống như con trẻ phương bắc hoàn toàn xa lìa tham luyến luân hồi. Khi điều này xảy ra quyết tâm giải thoát sẽ phát sinh – một khao khát lấy giải thoát làm nỗi hân hoan.
Cách nói “con trẻ phương bắc” cần được hiểu như sau: phương bắc hiếm có bột lúa mạch rang, và do đó người ta ăn một ít củ cải. Có lần một vài đứa trẻ ở đây đói bụng và muốn được ăn bột lúa mạch rang, đã xin mẹ chúng thức ăn. Bởi vì không có bột lúa mạch rang, bà đưa cho chúng củ cải tươi, nhưng chúng không chịu ăn. Rồi bà đưa cho chúng củ cải khô, nhưng chúng cũng không muốn, nên bà lại đưa cho chúng củ cải đã nấu chín. Nhưng chúng cũng từ chối luôn. Cuối cùng bà đưa cho chúng củ cải đông lạnh đã nấu chín, thấy vậy chúng quay đi với cảm giác buồn nôn cùng cực, than rằng: “Tất cả chỉ là củ cải!” [263] Cũng vậy, với bất cứ hạnh phúc thế gian nào nhìn thấy, nghe thấy, hoặc nhớ tới; giống như các đạo sư Kadampa đã nói, quý vị phải phát khởi một cảm xúc tượng tự, nghĩ rằng: “Đây là thế gian”, “Đây là thế gian”, “Mọi thứ chỉ là khổ đau”, và: “Tôi không muốn liên quan gì đến thế gian cả”.
Bằng cách này, qua việc trầm tư về những trôi lăn trước đây từ vô thủy của mình trong luân hồi, quý vị trở nên tỉnh ngộ và chán ghết luân hồi; và qua việc trầm tư về sự bắt buộc phải tiếp tục trôi lăn vô kỳ hạn ở đây, quý vị phát sinh ra mối sợ hãi và lo âu. Với một quyết tâm không phải chỉ là lời nói suông, quý vị phải, như Bằng Hữu Thư của ngài Long Thọ nói, ngừng tái sinh trong luân hồi, cội rễ của mọi tai hại:[3]
Luân hồi như thế đó; sinh ra –
Cho dẫu trong cõi trời, cõi người hay địa ngục,
Cõi ngạ quỷ hoặc súc sanh – chẳng phải là điều cát tường.
Hãy hiểu rằng sinh là chỗ chứa của nhiều tai hại.
Hơn nữa, quý vị phải loại trừ cả hai nguyên nhân của tình trạng phải sinh ra trong luân hồi: nghiệp và phiền não. Tuy nhiên, giữa hai nguyên nhân này, nếu quý vị không có phiền não thì cho dù có bao nhiêu nghiệp chăng nữa, quý vị cũng sẽ không phải sinh ra. Do đó quý vị phải tiêu diệt phiền não bằng cách tu tập đạo pháp viên mãn và không có sai lầm, bởi vì, một khi mang phiền não, thậm chí nếu quý vị có thể tận diệt những nghiệp đã tích lũy từ trước, thì quý vị liền tức khắc tích lũy các nghiệp mới.
Nắm chắc bản chất của đạo pháp dẫn tới giải thoát có hai phần:
1. Loại đời sống qua đó quý vị làm ngưng luân hồi
2. Loại lộ trình quý vị tu tập để làm ngưng luân hồi
i) Loại đời sống qua đó quý vị làm ngưng luân hồi
Trong Bằng Hữu Thư:[4]
Tái sinh với tà kiến và không có giáo pháp của đấng Điều Ngự,
Hoặc làm súc sanh, ngạ quỷ, chúng sinh nơi địa ngục,
Làm người ở chốn biên địa không nền văn minh hay ở nơi thiếu vắng Pháp Phật[5]
Làm người ngu dại và câm ngọng, hoặc làm chư thiên thọ mạng lâu dài
Là bị khổ não bởi một trong tám sai sót[6], các điều kiện khiến không có thanh nhàn.
Sau khi ngươi được thanh nhàn, tức là thoát khỏi các kiếp tái sinh kể trên,
Hãy nỗ lực để chấm dứt tái sinh.
Không thể nào chấm dứt được tái sinh trong luân hồi nếu quý vị không có thời giờ. Cho nên một khi có được đời sống thanh nhàn và thuận duyên, quý vị phải chấm dứt tái sinh. [264] Tôi đã giải thích điều này. Đại hành giả du-già Chang-chup-rin-chen nói:
Bây giờ là lúc chúng ta làm sao để mình khác biệt với các loài gia súc.
Cũng vậy, Bo-da-wa nói:
Bao lâu trong quá khứ chúng ta đã lang thang trong luân hồi mà luân hồi đã không tự nó dừng lại. Xét như vậy, bây giờ luân hồi vẫn sẽ không tự nó dừng lại. Do đó, chúng ta phải dừng nó lại, và lúc để làm như vậy là ngày hôm nay, khi chúng ta có được thanh nhàn và thuận duyên.
Với những ai đã có được một đời sống nhàn nhã và thuận duyên, sống tại gia hiện diện nhiều trở ngại cho việc thực hành tôn giáo và có nhiều điều bất lợi. Dẫu sao, đời sống của người từ bỏ thế tục, trái ngược với đời sống tại gia, là đời sống tốt nhất cho việc chấm dứt luân hồi. Do đó, người trí nên vui thích một đời sống như vậy.
Liên tục quán chiếu về các khuyết điểm của người sống tại gia và những đức tính của người từ bỏ thế tục {xuất gia} sẽ khiến cho những ai đã xuất gia có được một thái độ kiên định, trong khi khiến cho những người chưa xuất gia phát triển được những khuynh hướng tốt [để trở thành người xuất gia và tương tự như vậy] và rồi hành động theo những khuynh hướng tốt này. Tôi sẽ giải thích việc này như thế nào.
Người sống tại gia, nếu họ giàu có, phải chịu khổ trong nỗ lực bảo vệ những của cải đó, và, nếu nghèo túng, phải chịu khổ vì sự kiệt sức vốn gây ra bởi việc tìm kiếm của cải. Như vậy họ sống một cuộc đời rối loạn không có gì vui thú, nhưng họ lại tưởng tượng cuộc sống của họ đầy vui thú. Quý vị hãy hiểu rằng quan niệm sai lầm này là kết quả của nghiệp xấu. Trong Bổn Sanh Kinh:[7]
Đừng bao giờ coi đó là vui thú
Đời sống gia đình, giống như ngục tù,
Dẫu giàu sang hay nghèo khó bần hàn,
Kẻ tại gia phải chịu nhiều thống khổ.
Người phiền não vì giữ gìn của cải,
Kẻ kiệt lực do phải kiếm tiền tài.
Dẫu giàu sang hay nghèo khó bần hàn,
Họ như thế không bao giờ phúc hạnh.
Mơ hồ, vui thú kiếp sống tại gia
Chỉ là kết quả của bao tội lỗi.
Cho nên giữ nhiều của cải và vẫn không hài lòng đi tìm kiếm thêm không phải là việc làm của người xuất gia. Nếu đây là việc làm của người xuất gia thì họ cũng chẳng khác gì người tại gia.
Hơn nữa, bởi vì lối sống tại gia có nhiều điều trái ngược với tôn giáo, nên khó mà thực hành tôn giáo tại gia. Cũng kinh văn này nói:[8]
Nếu ngươi làm công việc tại gia, [265]
Nói sai sự thật là điều không tránh được,
Và trừng phạt người làm điều sai trái
Đó cũng là điều không tránh được.
Nếu thực hành tôn giáo, người tại gia chạy theo khổ đau;
Nếu chăm lo nếp sống gia đình, sao có thể thực hành tôn giáo được?
Hoạt động tôn giáo vốn an lành;
Các mục tiêu tại gia tìm ra qua tàn nhẫn.
Do đó, vì nhược điểm trái nghịch với tôn giáo,
Ai mong tự giúp mình, lại muốn sống tại gia?
Và lại nữa:
Gia đình là ổ các rắn độc chẳng hạn như
Kiêu ngạo, tự cao và mê lầm.
Nó hủy diệt sự an tĩnh và phúc lạc,
Và là nơi nhiều đau khổ khó kham.
Ai muốn sống ở nơi tựa ổ rắn?
Không ngừng trầm tư về những thiếu sót của việc sống tại gia, và ước vọng đời sống của người xuất gia. Về điểm này, người xuất gia bằng lòng với của bố thí, với áo tu đơn sơ và bình bát khất thực. Ở nơi cô tịch, họ tiêu trừ phiền não và ước nguyện trở thành đối tượng tôn kính của người khác. Như được trình bày trong Thất Xử Nữ Khai Trí Truyện[9] của ngài Guhyadatta {Mật Thí}:
Thế bao giờ ta sẽ đến
Để cạo bỏ tóc và râu,
Mặc trang phục đã vất bỏ
Và tìm kiếm nơi cô tịch?
Nhìn phía trước không quá tầm của cái ách bò,
Khi nào chúng ta sẽ, không còn ai chê trách,
Hai tay bưng bình bát gốm,
Và, từ nhà này sang nhà khác, nhận khất thực?
Không màng lợi lộc vật chất hoặc tôn thờ,
Dọn sạch những đầm lầy đầy bụi gai của các khổ đau ,
Khi nào chúng ta sẽ trở thành
Người thọ lãnh cúng dường của dân phố thị?
Người xuất gia bằng lòng với đồ ăn thức uống đạm bạc, với trang phục nặng sương muối vì ngủ trên giường cỏ mà không có mái che. Họ ước muốn ngủ ở chỗ của mình trên cỏ mềm dưới một cội cây, được nuôi dưỡng bằng hạnh phúc và niềm vui của giáo pháp. Như được đề cập trong Thất Xử Nữ Khai Trí Truyện:[10]
Khi nào tôi sẽ chẳng tham luyến thân mình,
Tỉnh dậy trên một mán cỏ,
Trang phục nặng sương muối,
Và chỉ dùng món ăn thức uống xoàng xĩnh? [266]
Khi nào tôi sẽ đắp cỏ mềm –
Có màu xanh giống như con vẹt –
Nằm xuống dưới một cội cây
Với bữa tiệc của những phúc lạc trên đời?
Ngài Bo-da-wa nói:
Ngay cái đêm sau khi tuyết rơi trên mái nhà, tôi thấy hạnh phúc bởi vì một điều gì đó tựa thế này đã xảy ra trong Thất Xử Nữ Khai Trí Truyện. Tôi không muốn gì hơn là được thực hành như vậy.
Người xuất gia ước muốn được sống trên đồng cỏ hoặc bên bờ một dòng sông, trầm tư về sự tương tự giữa thân thể và đời sống mình với sự khởi sinh và hoại diệt của các con sóng vỗ. Họ ước muốn vượt qua nỗi ám ảnh của mình về những lạc thú của luân hồi, và trầm tư về thế giới sống động và bất động như là trò ảo ảnh của nhà ảo thuật. Như được nói trong Thất Xử Nữ Khai Trí Truyện:[11]
Khi tạm trú bên bờ sông hay trên đồng cỏ,
Ta rồi thì sẽ thấy đi thấy lại
Đợt sóng khơi lên rồi chìm xuống
Và sinh giới này có giống nhau không?
Khi nào ta sẽ tự mình trừ được
Tri kiến về các hoại uẩn kia–
Mẹ của tất cả mọi tà kiến –
Và hết khát khao vui thú của luân hồi?
Khi nào chúng ta sẽ thấy biết
Thế giới sinh động và bất động
Tựa chiêm bao, ảo giác, huyễn thuật, mây bay,
Hay như thành phố của Càn-thát-bà?
Tất cả những người này sống đời xuất gia, đồng thời ước vọng đạt tới những thành tựu cao cả này. Như ngài Chay-ga-wa nói:
Nếu có ai sống như một hiền giả trong Thung lũng của các Nhà tu Khổ hạnh, thì căn bản người cha đã dạy dỗ con mình một cách tốt lành.
Ngài Sha-ra-wa nói:
Khi người tại gia rất bận bịu, thì các ngươi, những vị tăng, nên ăn mặc đẹp đẽ và đến viếng thăm họ. Khi đó họ sẽ nghĩ: “Đời sống của người xuất gia thật là kỳ thú!” Điều này sẽ tạo ra trong họ một khuynh hướng tiềm ẩn cho đời tương lai để trở thành người xuất gia.
Cũng vậy trong Cư Sĩ Ugra Vấn Kinh {Tên dịch nghĩa là cư sĩ Hùng Mãnh} nói[12] rằng bậc Bồ-tát sống tại gia nên ước nguyện như thế này: [267]
Bồ-tát tại gia nên nghĩ: “Khi nào ta sẽ bỏ đời sống tại gia, một nguồn gốc của khổ đau, và sống đời của người xuất gia? Khi nào ta sẽ an nghỉ nơi các hành động của tăng đoàn, hành động thanh tẩy và nuôi dưỡng thệ nguyện, hành động cắt bỏ những giới hạn, và hành động tôn kính?” Bằng cách này họ nên hoan hỷ với ý nghĩ trở thành người xuất gia.
Đoạn văn này nói rằng chủ yếu là những Bồ-tát đó nên ước nguyện được thọ cụ túc giới.
Hơn nữa, Trang nghiêm Đại thừa Kinh nói:[13]
Loại người xuất gia
Có vô biên công hạnh.
Cho nên, bậc Bồ-tát giữ giới nguyện
Siêu phàm hơn Bồ-tát tại gia.
Như vậy, đời sống của người xuất gia được ca ngợi vì đạt được tự do tức là sự giải thoát khỏi luân hồi. Thêm vào đó, quý vị được dạy rằng đó là cuộc sống tốt nhất ngay cả cho việc thành tựu toàn trí bằng con đường của ba-la-mật-đa thừa và Chân ngôn thừa[14]. Hơn nữa, trong ba loại giới nguyện, giới nguyện của người xuất gia chính là giới nguyện giải thoát cá nhân {Biệt giải thoát giới}. Do đó, quý vị nên tôn trọng giới nguyện giải thoát cá nhân, gốc rễ của giáo pháp.
ii) Loại đường đạo quý vị tu tập để làm ngừng luân hồi
Giải thích này có ba phần:
1. Sự chắc chắn của việc liệt kê ba tu tập {tam vô lậu học}
2. Việc quyết định thứ tự của ba tu tập
3. Bản chất của ba tu tập (Chương 24)
Tu tập đạo pháp là sự tu tập quý báu gồm ba phần. Trong Bằng Hữu Thư:[15]
Ví như đầu hoặc quần áo ngươi đột nhiên bén lửa,
Ngươi vẫn nên bỏ chuyện dập lửa ra khỏi tâm tư
Mà nỗ lực đoạn trừ sinh tử –
Không mục tiêu nào cao hơn như vậy.
Qua giới, định và huệ,
Đạt tới niết-bàn, một trạng thái không cấu nhiễm, an bình và giới hạnh:
Không già, không chết, không bao giờ cạn kiệt;
Giải thoát khỏi đất, nước, gió, lửa, lẫn vầng dương với ánh trăng.
a’ Sự chắc chắn của việc liệt kê ba tu tập
Điều này được giải thích dưới ba khía cạnh: (1) các giai đoạn điều phục tâm (2) những kết quả của các giai đoạn điều phục này, và (3) các đối tượng mà nó diệt trừ.
1’ Các giai đoạn điều phục tâm
Tam vô lậu học đem lại sự hoàn tất cho tất cả các phận sự của thiền giả như sau. Tu tập giới khiến cho tâm phân tán hết phân tán. [268] Tu tập định – hoặc tu tâm – làm cân bằng một tâm vốn không quân bình. Tu tập huệ giải phóng tâm vốn chưa được giải thoát.
2’ Kết quả của tam vô lậu học[16]
Kết quả của tu giới không bị suy thoái là hai loại tái sinh hạnh phúc ở cõi dục [làm người hoặc làm trời]. Kết quả của tu giới bị suy thoái là tái sinh trong các cõi khổ não. Kết quả của tu tâm là hai loại tái sinh hạnh phúc ở những cõi cao hơn [cõi sắc giới hoặc vô sắc giới của các vị trời]. Kết quả của việc tu huệ là giải thoát. Tóm lại, kết quả của ba tu tập là hai mục tiêu: vị thế cao [làm người hoặc làm một vị trời] và sự tốt lành chắc chắn [giải thoát hoặc toàn trí]. Bởi vì mục tiêu đầu gồm hai phần – tái sinh hạnh phúc trong các cảnh giới cao [của các vị trời] hoặc tái sinh hạnh phúc trong các cảnh giới thấp hơn [tức là cõi dục] – các tu tập để thành tựu các mục tiêu này gồm ba phần. Hai điều chắc chắn đầu tiên của liệt kê được đề cập trong Du-già Hạnh Địa Luận.
3’ Các đối tượng mà tam vô lậu học loại trừ
Chư vị thầy tổ xưa khẳng định rằng, về các đối tượng mà nó loại trừ – các phiền não – các tu tập gồm ba phần, tùy theo chúng diệt trừ phiền não bằng cách (1) làm suy yếu các phiền não (2) ngăn chận các hình thức thị hiện của chúng, hoặc (3) tiêu trừ chủng tử của chúng.
b’ Việc quyết định thứ tự của Tam vô lậu học
Thứ tự của tam vô lậu học được trình bày trong một đoạn văn rút từ Phạm Thiên Vấn Kinh(Brahmā-paripṛcchā-sūtra) được trích dẫn trong Du-già Hạnh Địa Luận:[17]
Giới là gốc rễ rất vững chắc;
Định là niềm vui nơi trạng thái định của tâm;
Nơi huệ, tri kiến của bậc thánh và của kẻ tội đồ
Được theo đó thủ đắc hay bỏ rớt.
Trong số những tu tập này, giới là gốc rễ bởi vì hai tu tập kia từ đó mà sinh ra. Định, rèn luyện thứ hai trong tam vô lậu học, tùy thuộc vào giới và mang lại hỷ lạc trong việc đặt tâm vào trạng thái cân bằng thiền. Tuệ, điều thứ ba của tam vô lậu học, phụ thuộc vào sự cân bằng thiền và xa lìa tri kiến của kẻ tội đồ trong khi thủ đắc tri kiến của bậc thánh để thấy đúng thực tại.
Ghi chú
[1]BA553 Candra-rāja-lekha, {Nguyệt Vương Thư} PS689: 251.3.1-2,251.4.3-4.
[2]BA554 Sapta-kumārikāvadāna, {tức là Truyện khai trí về bảy trinh nữ} P5419: 228.5.5-7.
[3]BA555 Suhṛl-lekha: 103; P5682: 237.4.7.
[4]BA556 Nt.: 63-64; P5682: 236.5.2-5.
[5]Trong bản Anh ngữ chỉ ghi là nơi biên địa thiếu văn minh nhưng theo cùng bài kệ do ngài Sopa trình bày thì có ghi rõ là cả nơi không có Phật Pháp. Steps on the Path to Enlightenment. P375. Lhundup Sopa. Vol2. Wisdom. 2005
[6]Tám sai sót hay khuyết điểm khiến người tu tập không tin tưởng hay tu tập theo chánh pháp được bao gồm: (1) kiêu mạn, (2) chấp ngã, (3) thiếu kiên nhẫn, (4) tham chấp, (5) các nhiều hoạt động không thiện đức, (6) lười biếng, (7) sân hận và (8) thiếu tinh tấn, không thấy lỗi mình. Eight Faults. Kyabgon Phakchok Rinpoche. Guru Rinpoche day. Oct 2011.
[7]BA557 Jm: 18.10-12; P5650: 29.3.5-7.
[8]BA558 Nt.: 18.13-15,18.20; P5650: 29.3.8-29.4.2,29.4.7-8.
[9]BA559 Sapta-kumārikāvadāna, P5419: 231.4.7-231.5.2.
[10]BA560 Nt., P5419: 231.5.2-3.
[11]BA561 Nt., P5419: 231.5.4-6.
[12]BA562 Gṛha-paty-ugra-paripṛcchā-sūtra, {Cư Sĩ Hung Mãnh Cầu Vấn Kinh} P760: 265.4.6-8.
[13]BA563 MSA: 20.5; P5521:18.3.4-5.
[14]Ba-la-mật-đa thừa ám chỉ Hiển thừa còn Chân ngôn thừa ám chỉ Mật thừa.
[15]BA564 Suhṛl-lekha: 104; P5682: 237.4.7-237.5.1.
[16]Tam Vô Lậu Học là thuật ngữ chỉ toàn bộ các thực hành tu tập về giới, định và tuệ.
[17]BA565 Yogā-caryā-bhūmi (Sa’i dngos gzhi) P5536:309.3.3-4; cf. Ārya-brahmā-paripṛcchā-nāma-mahāyāna-sūtra, {Phạm Thiên Vấn Đại Thừa Kinh} P825.
Hits: 472