ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
| Mục lục |
Chương 11: Quy Y Tam Bảo
ii) Nương tựa vào những phương tiện mang đến hạnh phúc cho kiếp sống tiếp theo
a’ Điều phục tâm thức cho sự quy y tam bảo, cánh cửa thù thắng để đến với lời huấn thị
1’ Những nguyên nhân cho việc quy y
2’ Dựa vào đó, những đối tượng quý vị sẽ quy y
a” Nhận diện những đối tượng quý vị sẽ quy y
b” Những nguyên nhân vì sao các đối tượng này xứng đáng để quý vị quy y
3’ Con đường quý vị sẽ quy y
a” Quy y thông qua sự hiểu biết những phẩm hạnh tốt
1” Những phẩm hạnh tốt của đức Phật
(a) Những phẩm hạnh tốt của thân Phật
(b) Những phẩm hạnh tốt của khẩu Phật
(c) Những phẩm hạnh tốt của ý Phật
(i) Những phẩm hạnh tốt về tri thức
(ii) Những phẩm hạnh tốt về lòng từ bi
(d) Những phẩm hạnh tốt của những hành động giác ngộ
2” Những phẩm hạnh tốt của Pháp
3” Những phẩm hạnh tốt của Tăng đoàn
b’’ Quy y thông qua hiểu biết những sự thù thắng
1” Sự thù thắng dựa vào những tự tướng của tam bảo
2” Sự thù thắng dựa vào những hành động giác ngộ của tam bảo
3” Sự thù thắng dựa vào lòng thành kính
4” Sự thù thắng dựa vào việc thực tập
5” Sự thù thắng dựa vào sự hồi tưởng
6” Sự thù thắng dựa vào cách thức của ba ngôi báu làm tăng trưởng công đức
c” Quy y thông qua nguyện lực
d” Quy y bằng cách khước từ sự nương tựa vào những đối tượng khác
************************
ii) Nương tựa vào những phương tiện mang đến hạnh phúc cho kiếp sống tiếp theo.
Những phương tiện mang đến hạnh phúc cho kiếp sống tiếp theo được diễn giải trong hai phần:
- Rèn luyện cho sự quy y tam bảo, cánh cửa thù thắng để đến với giáo pháp (Chương 11-12)
- Phát triển niềm tin kiên cố về việc quy y là gốc rễ của tất cả sự hạnh phúc tạm thời và sự tốt đẹp chắc chắn (Chương 13-15)
a’ Rèn luyện cho sự quy y tam bảo, cánh cửa thù thắng để đến với giáo pháp
Việc quy y được diễn giải trong bốn phần:
- Những nguyên nhân cho việc quy y
- Dựa vào đó, những đối tượng quý vị sẽ quy y
- Con đường quý vị sẽ quy y
- Một khi quý vị quy y, các tầng bậc của những giới luật (Chương 12)
1’ Những nguyên nhân cho việc quy y
Một cách tổng quát có nhiều nguyên nhân cho việc quy y. Tuy nhiên, đối với những mục tiêu của quý vị thì nguyên cớ sau đây được áp dụng. Như đã giải thích trước đây, quý vị không thể duy trì kiếp sống này mãi – quý vị sẽ sớm chết đi – và sau khi chết, quý vị không thể kiểm soát được nơi mình sẽ tái sinh, bởi quý vị bị chính nghiệp lực của mình kiểm soát. Đề cập đến nghiệp, tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận nói:[1]
Như ánh chớp trong đám mây mù
Tức thì soi sáng bóng đêm đen [132]
Phật lực cũng hiếm khi xuất hiện
Những khoảnh khắc thông tuệ ít ỏi
Để nuôi dưỡng tu tập công đức
Nên nghiệp lành luôn luôn yếu ớt
Và tội ác mạnh mẽ vô cùng
Bởi nghiệp thiện thì yếu và nghiệp ác mạnh mẽ vượt trội, nếu quý vị quán chiếu về việc mình dễ dàng rơi vào những cảnh giới đau khổ như thế nào, quý vị sẽ cảm thấy nỗi sợ hãi và khiếp đảm bao trùm, và sẽ quyết tâm tìm một nơi nương tựa. Ngài Vực Long nói rằng:[2]
Lênh đênh trên đại dương không đáy
Của vòng xoay luân hồi sinh tử,
Bị quái vật biển cả tàn phá
Sự tham chấp và điều tương tự
Với ai tôi phải quy y hôm nay?
Tóm lại, những nguyên nhân dẫn đến việc quy y của quý vị gồm hai phần: nỗi sợ hãi về những cảnh giới đau khổ và những điều tương tự như vậy, và niềm vững tin rằng tam bảo có thể bảo vệ quý vị thoát khỏi những điều ấy. Vì vậy, quý vị cần phải nỗ lực nhận chân được hai nguyên nhân này, bởi nếu chúng đơn thuần là những lời lẽ suông thì sự quy y của quý vị cũng sẽ như thế, nhưng nếu chúng mạnh mẽ và vững bền thì sự quy y sẽ chuyển hóa tâm thức của quý vị.
2’ Dựa vào đó, những đối tượng quý vị sẽ quy y
a” Nhận diện những đối tượng quý vị sẽ quy y
Tác phẩm Nhất Bách Ngũ Thập Kệ Tụng (Śata-pañcāśataka-stotra) nói rằng:[3]
Người không một khiếm khuyết
Sẽ tồn tại vĩnh hằng
Người có mọi phẩm hạnh
Sẽ tồn tại luôn luôn
Nếu ngươi biết nhận thức,
Quy y người như thế
Tán thán tôn trọng Người
Làm theo lời Người dạy
Là hoàn toàn đúng đắn.
Vì vậy, nếu quý vị biết phân biệt đâu là nơi nương tựa và đâu không phải, thì quy y với Đức Thế Tôn, nơi nương tựa đích thực, là một việc hoàn toàn đúng đắn. Lời trích dẫn này cũng ứng dụng cho Pháp bảo và Tăng bảo. Như tác phẩm Tam Quy Y Hành Thất Thập Tụng(Triśaraṇa-ganmana-saptati) của ngài Nguyệt Xứng nói:[4]
Phật bảo, Pháp bảo, và Tăng bảo
Là nơi quy y cho những ai
Khát khao ước mong sự giải thoát.
b” Những nguyên nhân vì sao các đối tượng này xứng đáng để quý vị quy y [133]
Có bốn nguyên nhân vì sao Đức Phật xứng đáng là đối tượng để quy y. Đầu tiên, Ngài đã tự giác ngộ và đạt đến trạng thái tối thượng của sự vô úy [không sợ hãi]. Nếu không đạt được điều này thì Người đã không thể bảo vệ người khác thoát khỏi những nỗi lo sợ, như thể một người bị rơi xuống vực chẳng thể cứu được những kẻ cùng cảnh ngộ. Thứ hai, Người có tất cả những pháp phương tiện thiện xảo để huấn luyện các đệ tử. Nếu không, Người đã không thể hoàn thành viên mãn những nhu cầu của quý vị ngay cả nếu quý vị quy y Người. Thứ ba, Người có tấm lòng đại bi. Nếu không có điều này, Người đã không thể bảo vệ quý vị ngay cả nếu quý vị quy y Người. Thứ tư, Người luôn hoan hỷ bố thí, không bằng vật chất, mà là sự tu tập. Nếu không, Người chỉ giúp đỡ những kẻ trước đây đã giúp Người chứ không phải là nơi nương tựa cho tất cả chúng sinh.
Tóm lại, chỉ có một người thoát khỏi tất cả những sự sợ hãi, thiện xảo trong các pháp phương tiện để giải thoát người khác khỏi nỗi sợ, có tấm lòng đại bi vô tư dành cho tất cả chúng sinh, và hành động vì lợi lạc cho mọi chúng sinh mà không màng đến việc họ có đem lại lợi ích cho Người hay không. Bởi vì chỉ Đức Phật mới có những phẩm chất này, và một đấng tạo hóa hay tương tự không có được, nên chỉ Người là nơi nương tựa duy nhất. Vì vậy, giáo pháp và tăng đoàn những đệ tử của Người cũng xứng đáng là đối tượng để quy y.
Do đó, sau khi quý vị đã hiểu rõ những điều này, vốn được giảng giải trong tác phẩm Quyết Định Yếu Luận[5], hãy giao phó bản thân cho Tam Bảo với sự nhất tâm. Hãy phát triển điều vững chắc ấy từ sâu thẳm con tim, vì một khi quý vị làm được điều này thì chắc chắn quý vị sẽ được Tam Bảo hộ trì. Bởi lẽ có hai nguyên nhân để bảo vệ quý vị: một bên ngoài và một bên trong. Đấng Đạo sư đã nhận thức đầy đủ các yếu tố hoặc nguyên nhân bên ngoài, nhưng quý vị đau khổ bởi chưa phát triển được nhân tố nội tại, phó thác bản thân vào nơi nương tựa.
Vì vậy, hãy hiểu biết rằng Đức Phật, từ lòng đại bi của Người, đã cảm kích và trợ giúp quý vị ngay cả nếu quý vị không khẩn cầu sự giúp đỡ ấy; rằng Người không hề xao lãng với việc ấy; và rằng Người là nơi quy y tối thắng và triển vọng, an trụ như vị hộ pháp cho bản thân quý vị. [134] Nhận biết được điều này, hãy quy y Người. Tác phẩm Tán Tụng Vinh Danh Thế Tônnói rằng:[6]
Người tuyên thuyết rằng: “Ta là bạn
Của những ai không người bảo hộ”.
Bởi tấm lòng đại bi của Người,
An trụ ôm thế giới vào lòng.
Đấng Đạo sư, Người thật từ bi
Và quan tâm nỗ lực hành động
Với tình thương không chút giải đãi
Còn có ai làm được như Người?
Đấng hộ pháp cho cả chúng sinh
Vị thí chủ của khắp mọi người.
Những chúng sinh chìm trong bể khổ
Bởi không tìm che chở nơi Người.
Thậm chí Người có thể trợ giúp kẻ hèn mọn
Nếu họ tiếp nhận đúng đắn lời huấn thị.
Ngoài người ra,
Không ai biết lợi ích các giáo pháp.
Người thật sự chứng ngộ tất cả
Nhân tố hay sức mạnh bên ngoài.
Bởi không đạt năng lực nội tại
Kẻ phàm phu tiếp tục khổ đau.
3’ Con đường quý vị quy y[7]
Có bốn khía cạnh để quy y:
- Thông qua sự hiểu biết những phẩm hạnh tốt
- Thông qua hiểu biết những sự thù thắng
- Thông qua nguyện lực
- Bằng cách khước từ sự nương tựa vào những đối tượng khác
a” Quy y thông qua sự hiểu biết những phẩm hạnh tốt
Bởi việc quy y thông qua sự hiểu biết những phẩm hạnh tốt đòi hỏi quý vị nhớ lại những phẩm chất tốt của nơi nương tựa, nên có ba phần nhỏ trong chủ đề này:
- Những phẩm hạnh tốt của Phật
- Những phẩm hạnh tốt của Pháp
- Những phẩm hạnh tốt của Tăng
1” Những phẩm hạnh tốt của Phật
Điều này được lý giải trong bốn phần:
- Những phẩm hạnh tốt của thân Phật
- Những phẩm hạnh tốt của khẩu Phật
- Những phẩm hạnh tốt của ý Phật
- Những phẩm hạnh tốt của những hành động giác ngộ
(a) Những phẩm hạnh tốt của thân Phật
Điều này dẫn đến sự hồi tưởng về những dấu hiệu cát tường và những nét đẹp mẫu mực của đức Phật. Hãy hồi tưởng vì những điều này được giảng giải trong Tỉ Dụ Tán Thán (upamā-stava) [một phân đoạn của tác phẩm Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn]:[8]
Thân Người, tô điểm bởi tướng lành
Là vẻ đẹp, linh dược cho tuệ nhãn
Như trời thu không một áng mây
Được trang hoàng bởi các chòm sao.
Hỡi bậc thông thái tối thượng
Đẹp rạng ngời với áo choàng tín ngưỡng
Người tựa thể ngọn núi vàng
Với mây bình minh hay hoàng hôn bao phủ.
Đấng hộ pháp! Cả đến ánh trăng rằm
Không có mây cũng chẳng sao sánh được
Vầng hào quang tỏa sáng mặt Người
Vẫn không hề điểm trang bằng bảo ngọc
Nếu chú ong được thấy cả
Đóa sen trên gương mặt người
Lẫn nhành sen nở dưới vầng dương
Ong kinh ngạc: đâu là sen thật nhỉ?
Răng trắng trong,
Mặt sáng vàng
Như muôn ánh trăng thu thanh khiết
Rót vào giữa những ngọn núi vàng.
Ôi kính ngưỡng bàn tay phải Người
Trang điểm bởi ảnh bánh xe chuyển pháp
Tạo ra bao dấu hiệu an lành
Cho chúng sanh đang kinh hãi bởi luân hồi.
Hỡi đấng Mâu-ni, khi Người bước
Đà in lại dấu chân trên đất
Như những đóa hoa sen lộng lẫy
Đẹp làm sao tô điểm cho vườn sen?
(b) Những phẩm hạnh tốt của khẩu Phật
Hãy quán chiếu về phong thái tuyệt diệu của lời Phật thuyết. Ngay cả khi từng chúng sinh trong vũ trụ đặt từng câu hỏi khác nhau ở cùng thời điểm, Người lĩnh hội tất cả một cách thấu đáo ngay lập tức bằng trí tuệ của Người. Sau đó Người trả lời các câu hỏi chỉ với một từ duy nhất mà tất cả chúng sinh hiểu được với ngôn ngữ của chính họ. Trong Đế Thoại Giả Phẩm {thuộc Bồ-tát Hạnh Cảnh Biến Hiện Phương Tiện Cảnh Đại Thừa Kinh}:[9]
Như vầy: nếu đồng thời tất cả chúng sinh
Diễn đạt khác nhau để hỏi Người
Người hiểu chúng ngay trong khoảnh khắc,
Và thốt một lần đáp lời cho tất cả.
Cho nên hãy hiểu đấng Thế Tôn
Thấu rõ cách thuyết giảng
Người chuyển bánh xe pháp
Xua tan đau khổ của thiên và nhân giới.
Hơn thế nữa, hãy hồi tưởng lại lời dạy trong tác phẩm Nhất Bách Ngũ Thập Kệ Tụng:[10]
Gương mặt Người rạng rỡ;
Lắng nghe lời Người dạy
Như thấy được Cam lồ
Rót xuống từ cung trăng. [136]
Lời Người như cơn mưa
Lắng đọng bụi tham chấp
Như Ca-lưu-đa điểu[11]
Xua tan rắn hận thù.
Lần nữa và lần nữa, lời Người như ánh dương
Xua tan bóng tối vô minh.
Do san bằng núi cao tự ngã
Lời Người cũng tựa kim cương.
Bởi Người nhìn thấy sự thật, Lời Người không dẫn sai đường
Bởi không sai, lời Người luôn đúng đắn
Bởi cô đọng, lời Người thật dễ hiểu
Những lời Người thật viên mãn.
Thoạt tiên lời Người thu hút
Tâm thức của những người nghe
Nếu họ tư duy lời ấy
Dẹp tan chấp trước ảo vọng.
Lời Người xoa dịu kẻ cơ cực
Hộ trì cho những ai phóng túng,
Thuyết phục người từ bỏ hoan lạc
Lời Người phù hợp mọi nhu cầu.
Lời Người làm thiện tri thức hân hoan
Trưởng dưỡng tâm cho kẻ trung căn
Xua tan bóng đêm cho hạ cấp
Là linh dược cho cả mọi chúng sinh.
(c) Những phẩm hạnh tốt của tâm Phật
Những điều này được diễn giảng theo những phẩm hạnh tốt về tri thức và những phẩm hạnh tốt về lòng từ bi.
(i) Những phẩm hạnh tốt về tri thức
Với sự không chướng ngại, Như Lai trí bao trùm bản chất thật sự và tính phân hóa của tất cả hiện tượng, như thể chúng là Thiên Nhật quả[12] đặt trong lòng bàn tay Người. Vì vậy, tri kiến của đấng Thế Tôn thấu suốt mọi hiện tượng, trong khi tri thức giới hạn của những người khác không thể thông hiểu thấu đáo những đối tượng bao la cần được nhận biết. Quý vị nên quán chiếu tri thức này như được mô tả trong tác phẩm Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn:[13]
Chỉ trí tuệ siêu phàm của Người
Thông suốt mọi đối tượng của tri kiến;
Với tất cả chúng sinh trừ Người
Còn nhiều đối tượng chưa nhận biết.
Và tương tự,
Hỡi Thế Tôn, nguồn gốc rốt ráo
Của mọi hiện tượng xuyên thời gian
Đều nằm trong tâm thức của Người,
Như trái ambalan[14] trong lòng tay.
Như làn gió bay ngang bầu trời,
Tâm thức Người không trở ngại bởi
Sự vật riêng lẻ hay đa dạng
Hiện tượng chuyển động hay bất động.[137]
(ii) Những phẩm hạnh tốt về lòng từ bi
Tương tự như chúng sinh bị giới hạn bởi những phiền não không thể thoát, thì đấng Giác Ngộ giới hạn trong lòng đại bi vốn bởi đó khởi sinh liên tục như khi Người chứng kiến nỗi đau khổ của chúng sinh.[15] Quý vị nên quán chiếu điều này như được trình bày trong tác phẩm Nhất Bách Ngũ Thập Kệ Tụng:[16]
Phiền não trói buộc tất cả
Các chúng sanh này không ngoại lệ
Người giới hạn trong lòng từ bất diệt
Để giải thoát họ khỏi buồn đau.
Con nên tôn kính Người trước tiên,
Hay kính phục tấm lòng đại bi
Đã khiến Người lưu lại thật lâu
Trong vòng xoay sinh tử luân hồi
Mặc cho những khiếm khuyết của nó?
Tương tự, trong Đế Thoại Giả Phẩm:
Đấng Thế Tôn khởi lòng đại bi
Khi Người nhìn tâm thức chúng sinh
Bị bóng tối vô minh che mờ,
Bị giam ở tù ngục luân hồi.
Và tương tự như vậy:[17]
Bậc Điều ngự khởi lòng đại bi
Khi Người thấy tâm thức chúng sinh
Bị tràn ngập bởi tình tham luyến
Là những kẻ khát khao tột độ
Và luôn mong đối tượng cảm giác
Và ai rơi vào đại dương tham ái
Đấng Thành tựu Thập Lực khởi lòng đại bi
Tìm cách xua tan mọi đau khổ
Khi Người thấy chúng sinh phiền não
Bị tổn thương bởi bệnh tật khổ đau.
Lòng từ bi đấng Thế Tôn thường phát khởi;
Thật không thể không làm như vậy
Đức Phật không khiếm khuyết do bởi mối quan tâm
Với nhu cầu của toàn chúng sinh.
(d) Những phẩm hạnh tốt của những hành động giác ngộ
Những hoạt động giác ngộ của thân, khẩu và ý Phật đều là tự động và bất diệt, giúp ích cho tất cả chúng sinh. Nếu các đệ tử mở lòng với sự hướng dẫn của Người, đấng Thế Tôn sẽ chỉ cho họ thấy con đường nào là thù thắng, và dẫn dắt họ thoát khỏi sự rắc rối. [138] Vì vậy, những hoạt động của đức Phật chắc chắn là nhằm thực hiện tất cả những điều cần làm. Quý vị nên quán chiếu điều này như được trình bày trong tác phẩm Nhất Bách Ngũ Thập Kệ Tụng:[18]
Người giải thích sự hủy hoại của phiền não,
Nêu lên sự lừa dối của chướng ma,
Tuyên thuyết bản chất hãi hùng của luân hồi,
Và hướng dẫn con đường vô ngại.
Hỡi Đấng Từ Bi, việc ước mong giúp đỡ,
Người tiến hành vì lợi ích chúng sinh,
Liệu còn điều gì khác lợi lạc,
Người chưa thực hiện cho chúng con?
Và trong tác phẩm Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn:[19]
Liệu còn có vấn đề nào
Mà Người không thể dẫn dắt chúng sinh?
Liệu còn điều thù thắng nào
Mà Người không thể dành tặng thế gian?
Đoạn văn vừa rồi đã tóm lược phương thức quán chiếu về đức Phật. Nếu quý vị quán chiếu bằng nhiều cách, niềm tin của quý vị cũng sẽ khởi sinh theo nhiều cách khác nhau. Quý vị càng quán chiếu nhiều bao nhiêu thì niềm tin của quý vị càng mạnh mẽ và bền bỉ bấy nhiêu. Cùng một cách áp dụng tương tự như vậy đối với việc quán chiếu về những phẩm hạnh tốt của hai ngôi bảo còn lại {là Pháp Bảo và Tăng Bảo}.
Khi đã đạt sự chắc chắn bằng việc thiền quán theo phương thức này, quý vị sẽ hiểu rằng những kinh điển và luận giải chính là các hướng dẫn, hầu hết trong số đó huấn thị về những phẩm hạnh tốt của ba nơi nương tựa. Những người từ chối việc thiền quán phân tích như một sự tu tập, nghĩ rằng điều đó chỉ đơn thuần là khái niệm, tự tách biệt bản thân ra khỏi nhiều phương pháp tích lũy công đức và xua tan sự ngăn che. Vì vậy, hãy nhận thức rằng sự chối bỏ ấy chính là trở ngại lớn cho việc tận dụng tiềm năng vô hạn của một đời sống an lạc và đầy thuận duyên.
Càng thực tập những điều này nhiều, tâm thức quý vị sẽ ngày càng trở nên quen thuộc với chúng, và quý vị sẽ càng thực tập dễ dàng hơn với những điều ban đầu mình từng cho là khó khăn để học hỏi. Quý vị sẽ tăng trưởng tâm Bồ-đề và tư duy rằng: “Tôi cũng nên đạt được Phật quả, giống như vị Phật mà tôi tưởng nhớ”. Quý vị sẽ thấy các thị hiện của đức Phật cả ngày và đêm. [139] Dù có đau khổ lúc chết đến mức nào, thì quý vị cũng sẽ không đánh mất sự nhớ tưởng về đức Phật. Tác phẩm Định Vương kinh nói rằng:[20]
Ta chỉ dẫn các ngươi
Và nên nhận hiểu rằng:
Tâm thức con người sẽ tiếp thụ những điều
Ở mức độ mà họ quán chiếu chúng.
Vì vậy, hãy tưởng nhớ đấng Đạo sư Mâu-ni
Như đang có tư thế và trí tuệ tối thượng vô hạn của bậc điều ngự.
Nếu bản thân ngươi thường làm quen với nhớ tưởng này,
Tâm thức ngươi sẽ tiếp thụ điều ấy.
Ngươi sẽ khát khao trí tuệ siêu phàm của bậc thánh
Cho dù đang đứng, đi, ngồi hay đang tựa.
Bởi bản thân ngươi muốn thành bậc điều ngự tối thượng thế gian,
Ngươi sẽ luôn cầu nguyện ước mong giác ngộ.
Và tương tự như vậy:
Thường xuyên nguyện cầu đến chư Phật
Với thân khẩu ý trong niềm tin rõ ràng.
Tạo duyên cho dòng tâm thức theo phương cách này,
Ngươi sẽ luôn thấy vị Hộ trì Thế gian.
Nếu ngươi khổ do tiếp cận cái chết
Trong nỗi buồn phiền và trong bệnh tật
Niềm tưởng nhớ đức Phật sẽ không bị mất;
Sẽ không bị xóa bởi nỗi khổ của ngươi.
Bo-do-wa đã nói:
Nếu liên tục quán chiếu về những phẩm hạnh tốt của đức Phật, quý vị sẽ nhận được hỷ lạc tương xứng với sức mạnh của lòng tin và sự thanh tịnh trong tâm thức quý vị. Bởi đạt được sự chắc chắn về chúng, quý vị sẽ quy y một cách tự nguyện từ đáy lòng và điều phục bản thân theo giới luật quy y. Và rồi tất cả mọi điều quý vị thực hiện đều sẽ trở thành sự thực hành giáo pháp.
Người ta nói rằng chúng ta trân trọng tri thức của đức Phật thậm chí còn kém hơn những lời phán của một thầy bói trúng. Nếu một ông thầy bói đáng tin phán rằng: “Ta biết là năm nay ngươi sẽ không phải đối mặt với những rắc rối nào cả”, chúng ta sẽ thấy nhẹ nhõm. Nếu ông ấy nói: “Năm nay ngươi sẽ gặp phải nhiều vấn đề – hãy làm điều này, và không làm điều kia”, chúng ta sẽ nỗ lực làm theo lời khuyên này. Nếu chúng ta không làm, chúng ta sẽ nghĩ rằng: “Tôi đã không nghe theo lời ông ấy”, và cảm thấy lo lắng. Nhưng khi đức Phật dạy: “Các ngươi nên từ bỏ điều này; các ngươi nên tu tập điều này”, thì bản thân chúng ta có cam kết thực hiện những lời huấn thị này không? Chúng ta có lo âu nếu chúng ta chẳng làm theo hay không? [140] Hay chúng ta nói rằng: “Vâng, lời giáo huấn đã dạy như thế, nhưng hiện giờ trong những hoàn cảnh này, tôi không thể làm theo – thay vào đó tôi phải làm thế này”, và hoàn toàn từ bỏ lời dạy của đức Phật, cứ tiếp tục thẳng hướng làm theo ý chúng ta với sự bất chấp xem thường?
Nếu như không kiểm chứng tâm thức của mình, quý vị sẽ thấy hài lòng. Nếu quý vị không bị sự hời hợt dẫn lạc lối, thì hãy nhìn sâu vào tâm thức của mình và quán chiếu cẩn thận: “Tình trạng này thật là đáng khinh”.
Vì vậy, hãy liên tục quán chiếu về những phẩm hạnh tốt của đức Phật, và nỗ lực đạt đến sự chắc chắn từ sâu thẳm con tim của quý vị. Một khi đạt được điều này, quý vị tiến đến sự thực hành rất cốt lõi về quy y, bởi quý vị sẽ đạt được sự xác quyết đối với giáo pháp mà từ đó đức Phật đã khởi lên, và tăng đoàn đã thực hành theo giáo pháp. Không có điều này, thì không có tu tập quy y nào chuyển hóa được tâm thức của quý vị chứ chưa đề cập đến những lộ trình khác.
2” Những phẩm hạnh diệu hảo của Pháp
Một khi quý vị đã tôn kính đức Phật như nguyên nhân chính yếu của mình, tiếp đến quý vị nên tưởng nhớ đến Pháp bảo như sau: “Đức Phật có những phẩm hạnh tốt vô biên, tất cả đều sinh khởi từ việc thiền quán và giác ngộ cả những giáo pháp bằng lời nói lẫn những giáo pháp được đưa vào tu tập. Nghĩa là, Người đã thực chứng các đoạn diệt đích thực, bằng cách ấy loại trừ những sai lầm, và thiền quán trên những lộ trình đúng, bằng cách ấy tăng trưởng những phẩm hạnh tốt”. Tác phẩm Pháp Tập Kinh nói rằng:[21]
Các vị Phật Thế Tôn sở hữu vô lượng những phẩm hạnh tốt. Những phẩm hạnh này được sinh khởi từ giáo pháp, từ sự tu tập giáo pháp một cách thích hợp. Giáo pháp tạo ra và chi phối chúng. Chúng sinh khởi từ giáo pháp và ở trong nội hàm của giáo pháp. Chúng phụ thuộc vào giáo pháp, và giáo pháp sinh ra chúng.
3” Những phẩm hạnh tốt của Tăng đoàn
Vị thủ tọa trong Tăng đoàn là những bậc Tôn giả. Hãy tư duy về họ dưới ánh sáng chánh niệm của họ về những phẩm chất ưu việt của giáo pháp và sự thực tập giáo pháp một cách thích hợp của họ. Trong tác phẩm Pháp Tập Kinh:[22]
Hãy tư duy rằng: “Tăng đoàn giảng dạy giáo pháp, tu tập và quán chiếu chúng. Tăng đoàn là tầm ảnh hưởng của giáo pháp. Họ giữ gìn duy trì giáo pháp, giao phó bản thân cho giáo pháp, thờ phụng giáo pháp, và bản thân họ thực hành giáo pháp. [141] Họ lấy giáo pháp làm giới hành của họ, và là người thực hành giáo pháp thù thắng nhất. Họ vốn mang chân thật tánh và thanh tịnh. Họ được thiên phú phẩm hạnh từ bi và có tấm lòng đại bi. Họ luôn có được nơi cô tịch làm chốn hoạt động, luôn tiếp thụ lời huấn thị và luôn thực hành đức hạnh.
b” Quy y thông qua hiểu biết những đặc thù
Theo tác phẩm Quyết Định Yếu Luận,[23] quý vị sẽ quy y sau khi hiểu biết những đặc thù của ba ngôi báu.
1″ Đặc thù dựa vào những đặc tính danh định của Tam Bảo
Phật bảo mang đặc tánh danh định của sự giác ngộ trọn vẹn và toàn hảo. Pháp bảo mang đặc tính danh định là chúng được sinh khởi từ Phật bảo. Tăng bảo mang đặc tính danh định của việc thực hành đúng đắn nhờ các giáo huấn cá nhân.
2″ Đặc thù dựa vào những hoạt động giác ngộ của Tam Bảo
Hoạt động giác ngộ của đức Phật là ban cho những bài thuyết pháp. Hoạt động giác ngộ của giáo pháp tập trung vào việc nhổ tận gốc phiền não và đau khổ. Hoạt động giác ngộ của Tăng đoàn là việc thúc đẩy sự tinh tấn.
3″ Đặc thù dựa vào lòng thành kính
Quý vị nên cảm kích đức Phật như một vị đáng tôn kính và phụng sự. Quý vị nên cảm kích giáo pháp như là điều để giác ngộ. Quý vị nên cảm kích Tăng đoàn như là người quý vị nên kết giao bởi họ có những đức tính tương tự với bản thân quý vị.
4″ Đặc thù dựa vào việc thực tập
Quý vị nên tôn kính và phụng sự đức Phật. Quý vị cần trở nên quen thuộc với giáo pháp bằng cách áp dụng bản thân vào tu tập du-già. Quý vị nên nuôi dưỡng mối liên hệ với Tăng đoàn thông qua việc chia sẻ giáo pháp và vật dụng.
5″ Đặc thù dựa vào việc hồi tưởng
Quý vị nên nhớ tưởng đến những phẩm hạnh tốt của từng ngôi Tam Bảo bằng cách đọc tụng “Vì vậy, đức Thế Tôn…”[24]
6″ Đặc thù dựa vào cách thức của Tam bảo làm tăng trưởng công đức
Công đức vô thượng sẽ được tăng trưởng nhờ sự tác động của con người hay giáo pháp. Đức Phật và Tăng đoàn là điển hình cho điều đầu tiên. Quý vị cũng có thể tăng trưởng công đức dựa vào một người hay nhiều người. Tăng đoàn là điển hình cho điều sau bởi yêu cầu cần có {ít nhất} bốn vị tu sĩ. [142]
c” Quy y thông qua nguyện lực
Theo tác phẩm Luận giải Giới Luật Kinh của Pháp Hữu,[25] {skt. Dharmamitra} quy y thông qua nguyện lực mang ý nghĩa tán thành đức Phật là một vị đạo sư để quy y, giáo pháp – niết bàn – là nơi quy y thực thụ, và Tăng đoàn là những vị hỗ trợ quý vị trên con đường quy y.
d” Quy y bằng cách khước từ sự nương tựa vào những đối tượng khác
Quy y bằng cách khước từ sự nương tựa vào những đối tượng khác mang ý nghĩa là trước tiên hãy hiểu biết về các khác biệt trong giá trị giữa những vị đạo sư, những giáo pháp và những đệ tử Phật giáo với các đạo sư, giáo pháp và đệ tử không phải Phật giáo, để sau đó quý vị sẽ duy trì Tam Bảo là nơi nương tựa duy nhất, khước từ các đạo sư, giáo pháp và đệ tử không phù hợp với Tam Bảo. Sự khác biệt giữa những vị thầy Phật giáo và không phải Phật giáo, v.v, được diễn giải như sau.
Sự khác biệt của vị đạo sư: Đức Phật không có khiếm khuyết và mang những phẩm hạnh toàn hảo, nhưng những vị thầy của các tôn giáo khác thì ngược với điều này. Tác phẩm Thù Thắng Tán Dương của Diệu Tất Đạt Thánh {skt. Udbhaṭasiddhasvāmin} nói rằng:[26]
Từ bỏ những vị thầy khác,
Con nương tựa Người, hỡi đức Thế Tôn.
Nếu ai hỏi vì sao, đó là bởi
Người không khiếm khuyết, có muôn phẩm hạnh.
Và tương tự:
Càng quán chiếu thật nhiều
Vào những đạo khác, phi Phật giáo
Niềm tin của con càng dâng trào
Đặt vào đấng Hộ trì chúng sinh.
Tâm thức họ bị hủy hoại
Bởi sai lầm của những giáo lý
Do người không toàn trí đưa ra.
Những ai bị hủy hoại tâm thức
Không thể thấy được Người,
Vị đạo sư không khiếm khuyết.
Sự khác biệt của giáo pháp: Giáo pháp của đấng Điều ngự cho phép quý vị đạt đến mục tiêu hỷ lạc thông qua một lộ trình an lạc. Giáo pháp ấy ngăn chận dòng luân hồi, xóa tan những phiền não, không dẫn những ai ước mong giải thoát đi lạc lối, hoàn toàn đức hạnh và dẹp bỏ những khiếm khuyết. Những giáo pháp không thuộc Phật giáo thì ngược lại. Trong tác phẩm Thù Thắng Tán Dương:[27]
Lời Người dạy khiến chúng sinh
Đạt hỷ lạc trong vui sướng;
Vì vậy, hỡi vị Sư Tử Hống,
Kẻ thông minh tin cậy đạo Người. [143]
Và tương tự, trong tác phẩm Tán Tụng Vinh Danh Thế Tôn:[28]
Sự khác nhau giữa lời huấn thị
Của vị Anh hùng và kẻ khác:
Lời Người dạy cần được tiếp thu
Lời người khác phải nên từ bỏ;
Lời Người thanh tịnh, lời khác nhiễm ô.
Lời của Người hoàn toàn thực tiễn
Lời người khác sai đường lạc lối
Các ngươi cần thêm khác biệt nào
Giữa lời Người và lời kẻ khác?
Lời của Người đức hạnh thanh tịnh;
Lời khác chỉ tạo thêm chướng ngăn
Các ngươi cần thêm khác biệt nào
Giữa lời Người và lời kẻ khác?
Lời của Người thuần khiết thanh tịnh
Những lời khác vẩn đục nhiễm ô
Đấng Hộ trì, đó là sự khác,
Giữa lời Người và lời thế gian.
Qua lời trích dẫn này, quý vị cũng có thể hiểu biết được đặc thù của Tăng đoàn.
Ghi chú:
[1]BA307 BCA: 1.10; P5272: 245.1.5-245.2.1.
[2]BA308 Đây là tác phẩm Miśraka-stotra-nāma {Đan Tạp Kệ tụng}: 1; P2041; 87.5.2-3, của cả hai tác giả Mitraciṭa và Vực Long.
[3]BA309 Śata-pañcāśataka-stotra: 1.1-2; P2038: 53.5.4-5.
[4]BA310 Triśaraṇa-ganmana-saptati, P5478: 281.1.3.
[5]BA311 Vs, P5539:17.2.2-3.
[6]BA312 Varṇā-varṇe-bhagavato-buddhasya-stotre-śākya-stava, P2029:46.3.4-8. Bản Pali bao gồm phần đầu tiên của bài tán tụng, the Asakya-stava (Praise That Falls Short), trong tiêu đề. Tác giả là Maticitra theo bản Pali.
[7]BA313 Đoạn văn (134.11) đề cập rằng, “bốn phần phụ của chủ đề này được dạy trong [Viniścaya-] saṃgrahaṇi”, P5539:17.2.4.
[8]BA314 varṇārha-varṇa-stotra, P2029: 48.5.3-7.
[9]BA315 Salyaka-parivarta, P813: 261.5.5-7.
[10]BA316 Sata-pancasatka-nama-stotra: 3.72-78; P2038: 55.1.8-55.2.5.
[11]Đó là danh từ phiên âm từ tiếng Phạn garuḍa , nhắc lại là loài chim còn có tên phiên âm khác là Ca-lâu-la hay Đại Bàng Kim Sí Điểu, một loài chim thần thoại có mặt trong Ấn giáo và Phật giáo. Chim này được xem là kẻ thù của các loài rồng và rắn. Giống chim này tượng trưng cho nhiều biểu tượng trong Phật giáo như: (1) Chim thần thoại, (2) Một trong tứ linh vật tượng trưng của khí lực nội tại (garuḍa, rồng, sư tử, cọp), (3) vị chư thiên hộ pháp và (4) Bản tánh nguyên sơ. Garuda. Rigpa Shedra. Truy cập: 1/1/2012.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Garuda>.
[12]BA317 Tib. skyu ru ra; Skt. trái dhatri; Latin Emblica offinalis. {dhatri dịch nghĩa là một thần thái dương hay thần mặt trời}.
[13]BA318 varṇārha-varṇa-stotra, P2029: 43.5.4, 43.4.1-3.
[14]Trái ambalan là là một loại trái cây cùng họ với các giống xoài (mangifera) mọc ở vùng Đông Ấn màu vàng xanh, mùi thơm dịu. Paxton’s magazine of botany, and register of flowering plants, Volume 15. P42. William S. 1870.
[15]Ý tưởng ở đây là: chúng sinh bị giới hạn ở trong luân hồi do trói buộc của nghiệp lực, trong khi các bậc đã giác ngộ không bị trói buộc mà do lòng đại bi muốn giải thoát chúng sinh nên tự nguyện giới hạn mình vào luân hồi một cách liên tục.
[16]BA319 Śata-pañcāśataka-stotra: 13.138-139; P2038: 54.5.6-7.
[17]BA320 Salyaka-parivarta, P813: 263.2.1-2, 263.3.1-4.
[18]BA321 Śata-pañcāśataka-nāma-stotra, P2038,56.3.4-5.
[19]BA322 Varṇārha-varṇa-stotra, P2029:46.2.2.
[20]BA323 SR: 4.16-18,4.20-21; P795: 278.2.3-5,278.2.6-7.
[21]BA424 Ārya-dharma-saṃgīti-nāma-mahāyānā-sūtra, P904: 23.4.6-7. Bản Sankrit xuất hiện trong Vaidya 1960b: 171.
[22]BA325 Ibid., Vaidya 1960b: 172; P904: 24.2.1-3.
[23]BA326 Vs, P5539: 17.3.2-17.4.2.
[24]BA327 Đoạn này là khởi đầu tác phẩm Ārya-buddhamismṛti hay ‘Phngs pa sang rgyas rjes su dran pa (Nhớ tưởng đức Thế Tôn), P5433: 247.4.7. Tác phẩm bắt đầu với, “‘Di Itar bcom Idan ‘das de ni…”
[25]BA328 Vynaya-sūtra-tika, P5622, vols. 124-126.
[26]BA329 Viśeṣa-stava, P2001: 1.2.3-4,4.2.6-7.
[27]BA330 Ibid., P2001:4.2.8.
[28]BA331 Varṇārha-varṇa-stotra, P2029: 45.3.5-8.
Hits: 472