ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 1 – (Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Thượng)
Tác giả: Tsongkhapa
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
| Mục lục |
Chương 15: Trau dồi Giới Hạnh
3’ Làm thế nào để trau dồi đức hạnh và lánh xa điều ác sau khi đã quán chiếu về nghiệp và nghiệp quả một cách tổng quát và chi tiết
a” Giải thích tổng quát
b” Đặc biệt là cách tịnh hóa qua bốn năng lực
1” Năng lực diệt trừ
2” Năng lực của việc áp dụng các biện pháp đối trị
3” Năng lực của việc xa lánh các lỗi lầm
4” Năng lực nền tảng
—————————————————
3’ Làm thế nào để trau dồi giới hạnh và lánh xa điều ác sau khi đã quán chiếu về nghiệp và nghiệp quả một cách tổng quát và chi tiết
a” Giải thích tổng quát
Nhập Bồ-đề Hành Luận:[1]
“Từ bất thiện hạnh mà có khổ đau;
Làm sao tôi có thể thật sự thoát khỏi việc này?”
Điều thích đáng là tất cả mọi lúc, ngày và đêm,
Tôi chỉ suy nghĩ về việc này thôi.
Và cũng nêu ra:
Vì đấng Mâu-ni nói rằng xác tín
Là cội rễ của mọi đức hạnh,
Và không ngừng thiền quán về quả kết trái
Là cội rễ của xác tín này.
Như thế, sau khi đã hiểu nghiệp thiện và nghiệp bất thiện cùng những kết quả của nó, đừng để cho đó chỉ là một hiểu biết suông mà phải thiền quán về điều này không ngừng nghỉ, bởi vì đây là một đề tài rất khó thấy và khó có được xác tín. Hơn nữa, Định Vương Kinh nói: [2]
Ví như trăng sao có rơi rụng
Và địa cầu cùng núi non và phố thị bị hủy diệt
Hoặc cõi trời có hoàn toàn biến đổi,
Ngài [Đức Phật] cũng không nói một lời hư dối.
Như thế, hãy xác tín những lời giảng dạy của đức Như Lai, và liên tục thiền quán về những giảng dạy đó. Nếu quý vị không có được niềm xác tín không giả tạo về tính chất chân thật trong lời giảng dạy của đức Phật thì với bất cứ giảng dạy nào của ngài, quý vị cũng sẽ không có niềm xác tín để làm cho đấng Điều Ngự hoan hỷ.
Một số người tự cho là họ đã đạt được một hiểu biết nào đó về tánh Không nhưng không có niềm tin chắc chắn về nghiệp và nghiệp quả và không biết giá trị của nó. Đây là một hiểu biết sai lầm về tánh Không. Bởi vì một khi quý vị hiểu tánh Không, quý vị sẽ thấy tánh Không là ý nghĩa của duyên khởi, và nó sẽ giúp quý vị tin chắc vào nghiệp và nghiệp quả.
Cũng kinh đó nói rằng:[3]
Như huyễn tưởng, bóng nước, ảo ảnh, và tia chớp[4].
Vạn pháp tựa bóng trăng [phản chiếu] trên nước.
Không phải chúng sinh – chết đi
Và tiếp tục đời kế – là con cái của Manu [người đầu tiên vào lúc khởi thủy một đại kiếp].
Tuy vậy nghiệp của ngươi không mất chi cả;
Điều thiện và bất thiện theo đó mà sinh ra quả;
Phép luận lý này có cơ sở; cho dù vi tế và khó thấy, [193]
Nó nằm trong phạm vi giảng dạy của Đấng Điều Ngự.
Cho nên hãy phát triển một hiểu biết nào đó về duyên khởi cùng với quan hệ nhân quả của hai loại nghiệp {thiện và bất thiện}, và hãy ngày đêm xét các hành động thân khẩu ý của quý vị. Bằng cách này, quý vị sẽ chấm dứt các kiếp tái sinh khốn khổ. Tuy nhiên, nếu lúc đầu quý vị chưa thông những phân loại về nhân và quả, chỉ hiểu một phần nhỏ về chiều sâu nhân quả và lại có một thái độ buông thả về các hành động của thân khẩu ý, quý vị sẽ mở cánh cửa dẫn vào các cảnh giới khốn khổ. Bởi vì, như Hải Long Vương Cầu Vấn nêu lên: [5]
Này Long Vương, chỉ một cách hành trì duy nhất của Bồ-tát cũng chính xác xua đi những kiếp tái sinh trong các ác đạo. Cách hành trì duy nhất đó là gì?
Đó là phân biện điều gì là thiện. Ngươi phải nghĩ: “Tôi có chân thật không? Ngày đêm tôi sử dụng thời gian ra sao?”
Khi những đạo sư thời trước của dòng truyền thừa này xét tâm mình như thế, các ngài nói:
Vào dịp tu tập nghiệp và nghiệp quả này, khi so sánh những hành động thân khẩu ý của mình với giáo pháp, những hành động này sẽ không tương hợp với giáo pháp. Về mặt này chúng ta đã thiếu sót. Do đó, chúng ta không hề được giải thoát. Chúng ta phải xem mình có tuân thủ hay không bằng cách so sánh mình với các luật về nghiệp và nghiệp quả. Khi đem giáo pháp ra để xét tâm mình, chúng ta trở thành khôn ngoan nếu chúng ta thành thật nhận ra rằng mình không tuân thủ hoặc hoàn toàn thiếu tuân thủ. Vô Vấn Tự Thuyết[6]
Về mặt này, những ai trẻ con và tự thấy biết
Trẻ con là khôn ngoan trong mặt này.
Khi chúng ta so sánh mình với giáo pháp, điều này có thể giống như khiêng một xác chết[7]– chúng ta đi ngược lại giáo pháp. Khi ngươi hy vọng làm người tốt nhất trong những người thánh thiện và những học giả được kính trọng, thì ngươi đang là người tệ nhất trong số những trẻ con. Trong Vô Vấn Tự Thuyết [8]
Những ai trẻ con mà lại tự coi mình
Là khôn ngoan – họ là những người được gọi là trẻ con.
Ít nhất, hãy hiểu những gì được giảng dạy về giáo pháp và theo đó mà xét mình.
Cũng thế, Bo-do-wa đã trích dẫn giảng dạy này rút ra từ Bổn Sanh Kinh, khẳng định rằng quý vị phải xét tâm mình. Như được nói trong Bổn Sanh Kinh: [9]
Từ trời xuống đất là khoảng đường dài.
Từ bờ xa xôi của đại dương tới rìa gần nhất cũng là một khoảng đường dài.
Từ núi non của phía đông tới núi non của phía tây là một khoảng đường dài hơn nữa.
Nhưng từ [con người] phàm phu tới giáo pháp cao cả còn dài hơn thế nữa. [194]
Bài kệ này nói rằng có một hố ngăn cách khổng lồ giữa quý vị, người phàm phu, và giáo pháp. Kệ này là một giảng dạy mà Śubhāsītā {Thuận Giới}, người Bà-la-môn mang quà tặng, giải thích cho hoàng tử Bồ-tát Candra {Nguyệt Vương} sau khi hoàng tử đã cúng cho ngài Śubhāsītā một ngàn đồng tiền vàng. Hơn nữa Dö-lung-pa nói:
Nếu có người biết cứu xét dòng tâm thức của mình và đã làm điều này, người đó sẽ mau chóng tìm được một thứ đã rời thật xa giáo pháp – như thả một cuộn chỉ lăn xuống con dốc đứng.
Hơn nữa, một khi đã quán chiếu như vậy, làm thế nào để quý vị xa lìa hành vi sai trái được diễn đạt trong Chương Người Thuyết Chân Lý:[10]
Này nhà Vua, đừng giết hại.
Mạng sống đều rất quý đối với mọi chúng sinh.
Do đó, họ muốn giữ mạng sống lâu dài.
Vậy đừng nghĩ đến chuyện giết hại, ngay cả ở chỗ sâu thẳm trong tâm.
Áp dụng thái độ kiềm chế này đối với mười nghiệp bất thiện cũng như với những hành động sai trái đã được giải thích trước đây. Làm như vậy mà không khởi lên ngay cả ý nghĩ về động lực thúc đẩy. Hãy huân tập thái độ này và thường xuyên sử dụng nó.
Nếu quý vị không loại bỏ hành vi sai trái bằng cách này, quý vị sẽ phải trải qua đau khổ. Cho dù quý vị có đi đâu chăng nữa, quý vị cũng không thoát khỏi khổ. Do đó, sẽ là việc làm thiếu suy xét nếu quý vị vướng vào các hành động có vẻ như mang lại hạnh phúc nhất thời nhưng có các hậu quả mà quý vị phải chịu đựng với nước mắt đầm đìa cả mặt. Trái lại, sẽ là việc làm sáng suốt khi quý vị thực hiện các hành động mang lại hạnh phúc và vui thú không lầm lỗi khi quả của nó chín mùi. Vô Vấn Tự Thuyết:[11]
Nếu ngươi sợ đau khổ
Chẳng thích thú khổ đau,
Đừng làm các hành vi tội lỗi
Ở chỗ đông người hoặc khi ở riêng mình.
Bất kể ngươi đã làm các hành động tội lỗi
Hoặc đang phạm phải các hành động này,
Ngươi sẽ không tránh được khổ đau
Cho dù ngươi cố gắng chạy trốn.
Cho dù ngươi ở đâu, không một nơi nào
Mà nghiệp lại không tạo ra,
Dù trên trời, dù dưới biển,
hoặc ngay cả ở trong núi non. [195]
Và lại nữa:
Những người trẻ con, có ít trí khôn,
Hành động như kẻ thù với chính mình;
Qua thái độ này, họ thực hiện các hành động tội lỗi
Quả của việc làm này sẽ thành mãnh liệt.
Ngươi được tốt lành không làm các hành động
Phát sinh khổ đau dầy vò,
Mà mỗi kết quả của nó ngươi đều phải chịu,
Khóc lóc, nước mắt đầm đìa cả mặt.
Ngươi được tốt lành làm các hành động
Không phát sinh khổ đau dầy vò,
Mà mỗi kết quả của nó ngươi đều được hưởng
Một cách hạnh phúc và tâm đầy vui thích.
Bởi vì ngươi ham muốn hạnh phúc
Ngươi đã phóng dật và đã tội lỗi;
Ngươi sẽ la khóc khi phải trải qua
Các hậu quả của những tội lỗi như vậy.
Và lại nữa:
Mặc dù tội lỗi sẽ không nhất thiết
Cắt xẻ ngươi lập tức như một vũ khí,
Các kiếp tái sinh do các hành vi tội lỗi
Sẽ rạch ròi trong kiếp sống tương lai.
Hành động tội lỗi sẽ mang lại
Trong các đời tương lai
Ở đó quả của chúng
Sẽ mạnh yếu khác nhau.
Giống như sét rỉ thoát ra từ sắt
Và ăn chính sắt đó,
Cũng vậy những kẻ hành động mà không xem xét
Phải tới các cõi khổ đau do chính những hành động của mình.
Kam-lung-ba (Kham-lung-ba) nói với ngài Pu-chung-wa: “Thầy chúng ta, Geshe Drom-dön-ba nói rằng chỉ có nghiệp và nghiệp quả là quan trọng, nhưng những học giả đương thời không coi đó là điều giá trị cần phải giải thích, lắng nghe, hoặc thiền quán. Tôi thắc mắc, có phải đó là hành trì duy nhất được kể là khó khăn không?” Ngài Pu-chung-wa trả lời: “Chính vậy”.
Geshe Drom-dön-ba nói: “ Này các đệ tử của ngài Trưởng Lão, quá nhiều tự phụ là điều không thích đáng; lý duyên khởi này vi tế”. Ngài Pu-chung-wa nói: “Về già ta đã chuyển sự chú ý tới Hiền Ngu Kinh”. Ngài Sha-ra-wa nói: “Đức Phật bảo bất kỳ lỗi lầm hoặc thiếu sót nào xảy ra đều không phải là do nơi chốn xấu hoặc là do việc xây cất nhà mới nhưng chỉ là do sự khởi sinh của một người như thế như thế đã làm một hành động như vậy như vậy”.
b” Đặc biệt là cách tịnh hóa qua bốn năng lực
Mặc dù quý vị hết sức cố gắng để không bị các hành vi sai trái làm cho cấu nhiễm, lỗi lầm vẫn có thể xảy ra do những điều như bất cẩn và quá nhiều phiền não. [196] Nếu điều này xảy ra, thật không thích hợp khi coi thường không quan tâm gì đến sự việc này, cho nên quý vị phải áp dụng biện pháp đối trị mà vị Thầy bi mẫn đã nói.
Bây giờ, về cách làm thế nào để đối trị các vi phạm, hãy làm như được giải thích trong khuôn khổ của ba giới luật. Tuy nhiên, quý vị phải đối trị tội lỗi bằng bốn năng lực. Tứ Pháp Giải Kinh (Catur-dharma-nirdeśa-sūtra) nói:[12]
Di-lặc, nếu các Bồ-Tát, các đại anh hùng, có được bốn điều giảng dạy này, họ sẽ vượt qua bất kỳ tội lỗi nào họ đã vi phạm và tích lũy. Bốn điều đó là gì? Đó là năng lực tiêu trừ; năng lực áp dụng các biện pháp đối trị; năng lực xa lìa lỗi lầm; và năng lực nền tảng.
Quý vị chắc chắn sẽ phải trải qua kết quả của nghiệp mà quý vị đã làm và tích lũy. Bởi vì bốn năng lực có thể tiêu diệt loại nghiệp này trước khi nó bắt đầu tác động, vậy thì điều tự nhiên là bốn năng lực này có thể tiêu diệt các nghiệp mà quả của nó vẫn còn bất định. Sau đây là bốn năng lực:
1” Năng lực tiêu trừ
Năng lực đầu tiên là lòng ăn năn sâu xa vì đã làm những hành động bất thiện từ thời vô thủy. Để cảm nhận được điều này, điều cần thiết là phải thiền quán về cách quý vị tạo ra ba hiệu lực của các hành vi – hậu quả, v.v… {tính chất, hậu quả và nguyên nhân}. Khi đem điều này ra thực hành, hãy làm theo hai phương pháp – sám hối tội lỗi theo Kim Quang Minh Kinh (Suvarṇa-prabhāsa-sūtra)[13]và sám hối bằng phương pháp ba mươi lăm Đức Phật.[14]
2” Năng lực áp dụng các biện pháp đối trị
Năng lực thứ hai có sáu phần:
1) “Nương tựa vào các kinh điển thậm thâm” bao gồm những hành động như nhận khẩu truyền các kinh như Bát Nhã Ba-la-mật, ghi nhớ ý nghĩa, và mang ra đọc.
2) “Chú tâm vào tánh Không” có nghĩa là hiểu thực tại trong đó không có bản ngã và thực tại này trong suốt ngời sáng, và có niềm xác tín rằng từ ban sơ tâm vốn thanh tịnh.
3) “Nương tựa vào tụng niệm” có nghĩa là đọc tụng, tùy theo nghi thức, những thể thức đặc biệt như một trăm mẫu tự [chân ngôn của Đức Kim Cang Tát-đỏa]. Đồng Tử Vấn Mật Điển nêu lên:[15]
Lửa từ những đám cháy lan rộng trong rừng mùa xuân
Hoành hành dữ dội, đốt cháy mọi lùm cây;
Cũng vậy, gió giới luật thổi bùng lửa tụng niệm
Và lửa đại kiên trì đốt sạch các tội lỗi.
Cũng như tia nắng mặt trời làm tuyết tan
Tuyết chảy ra trong ánh sáng chói không thể chịu nổi,
Cũng vậy tuyết tội lỗi tan biến
Khi bị tia mặt trời tụng niệm và giới luật chiếu soi.
Đốt một ngọn đèn bơ trong bóng tối
Hoàn toàn xua bóng tối đi;
Cũng vậy, bóng tối tội lỗi tích lũy cả ngàn đời
Nhanh chóng bị xua tan bằng ngọn đèn tụng niệm.
Hơn nữa, tụng niệm mãi cho tới khi quý vị thấy những dấu hiệu là quý vị đã rửa sạch tội lỗi. Pháp Môn Cổ Vũ (sKul byed kyi gzungs) nói rằng những dấu hiệu đó là chiêm bao thấy những thứ sau đây: mửa ra thức ăn ghê tởm; ăn những thứ như sữa chua và sữa; mửa ra; thấy mặt trời và mặt trăng; di chuyển trên không; lửa cháy chói lòa; chế ngự được trâu hoặc những người mặc quần áo đen; thấy tăng đoàn hoặc ni đoàn; thấy cây chảy ra chất giống như sữa; cỡi voi hoặc bò mộng; leo lên tòa sư tử; leo lên lâu đài hoặc leo lên núi; và nghe giáo pháp.
4) “Nương tựa vào hình tượng” có nghĩa là tạo hình tượng đức Phật một khi quý vị đã có niềm tin nơi ngài.
5) “Nương tựa vào sùng kính” có nghĩa là cúng dường nhiều thứ lên hình tượng đức Phật hoặc bảo tháp
6) “Nương tựa vào danh hiệu” có nghĩa là nghe đọc tụng và ghi nhớ danh hiệu các đức Phật và con cái của các đấng Đại Điều Ngự.
Sáu loại đối trị này chỉ là những đối trị được nói tới trong Bồ-tát Học Luận của ngài Tịch Thiên. Còn có nhiều loại đối trị khác nữa.
3” Năng lực quay đi với lỗi lầm
Năng lực thứ ba là thật sự kiềm chế mình không phạm mười nghiệp bất thiện. Trong Nhật Tạng Kinh, {Kinh Tạng về ánh mặt trời} Đức Phật nói sự kiềm chế này tiêu diệt mọi nghiệp, mọi phiền não, và mọi ngăn che đối với giáo pháp do thân, khẩu, ý tạo nên vì nghiệp giết hại và những nghiệp tương tự. Năng lực thứ ba diệt trừ những hành động xấu mà trước đây do chính mình làm, khiến người khác làm, hoặc vui khi thấy người khác làm. Sám hối mà thiếu thái độ hết lòng kiềm chế sẽ là những lời nói suông. Giới Kinh Luận Thích của ngài Pháp Tú giải thích rằng Đức Phật nghĩ tới sự kiện này khi trong kinh ngài nói: “Có sự kiềm chế sau này không?” Do đó, điều tối quan trọng là phải có thái độ kiềm chế mà trong đó quý vị có niềm tin vững chắc là sẽ không tái phạm hành động đó nữa. Hơn nữa sự phát triển thái độ này tùy thuộc vào năng lực thứ nhất.
4”Năng lực nền tảng
Năng lực thứ tư là quy y Tam Bảo và nuôi dưỡng tâm Bồ-đề. [198] Về điểm này, đấng Điều Ngự nói tổng quát về nhiều loại phương tiện mà nhờ đó người sơ cơ có thể tiêu trừ tội lỗi. Tuy nhiên, một đối trị đầy đủ đòi hỏi sự hiện diện của tất cả bốn năng lực.
Tội lỗi được tiêu trừ bằng một số cách. Một cách là các đau khổ nhỏ xuất hiện thay vì phải chịu những đau khổ lớn của kiếp tái sinh trong các cảnh giới khốn khổ. Một cách khác là, ngay cả khi quý vị phải sinh ra trong một cảnh giới khốn khổ, quý vị không phải chịu những khổ đau của cảnh giới đó. Một cách khác nữa là chỉ một cơn nhức đầu trong đời hiện tại cũng đủ tiêu trừ tội lỗi. Cũng vậy, những tội mà quả của nó quý vị phải chịu trong một thời gian dài có thể trở thành tội mà quý vị chỉ phải nhận quả trong một thời gian ngắn hoặc không phải nhận quả gì hết. Không có gì chắc chắn về cách thức tội được tiêu trừ bởi vì nó tùy thuộc vào người sám hối có nhiều sức mạnh hay ít sức mạnh, biện pháp đối trị có đủ bốn năng lực hay không, mãnh liệt hoặc không mãnh liệt, lâu dài hoặc ngắn ngủi, v.v…
Câu nói “ngay cả trong một trăm đại kiếp nghiệp cũng không mất đi” trong kinh và luật là nói về nghiệp mà quý vị chưa áp dụng cách đối trị gồm bốn năng lực. Tuy nhiên, nếu quý vị tịnh hóa bằng phương cách đối trị có bốn năng lực được đề cập ở trên, người ta nói rằng quý vị sẽ tiêu trừ được cả những nghiệp mà quý vị bắt buộc phải nhận lãnh. Hiện Quán Trang Nghiêm Chú Giải (Abhisamayalamkaraloka) của ngài Haribhadrā {Sư Tử Hiền} nêu lên:[16]
Như thế, với các phương cách đối trị mãnh liệt ngươi có thể hoàn toàn tiêu diệt các yếu tố không thuận lợi. Những yếu tố không thuận lợi này suy giảm khi ngươi làm chủ được nhóm các phương cách đối trị. Điều này, lấy thí dụ, cũng giống như vết ố trên vàng. Bởi vì tất cả những thứ chẳng hạn như các chướng ngại đối với giáo pháp nhất thiết là sẽ suy giảm như vừa được giải thích, ngươi sẽ hoàn toàn tiêu diệt những vi phạm xuất phát từ lòng kiêu ngạo.
Ngươi nên hiểu câu: “Bất kỳ nghiệp nào, dù cả một trăm đại kiếp…”, phải được bổ nghĩa bằng: “Nếu ngươi chưa tu tập nhóm phương cách đối trị”. Nếu không phải như vậy, câu nói này sẽ mâu thuẫn với suy luận và với nhiều kinh điển.
Ngươi cũng có thể hiểu lời diễn tả của Đức Phật: “nghiệp mà quả của nó ngươi chắc chắn sẽ nhận lãnh”, đi kèm theo câu bổ nghĩa là ngươi chưa tu tập nhóm phương cách đối trị. Nên hiểu rằng lời diễn tả của Đức Phật: “nghiệp mà quả của nó ngươi sẽ không chắc chắn nhận lãnh”, nói tới những quả chỉ đôi khi xảy ra mà thôi, ngay cả cho dù ngươi có thể đã không tu tập nhóm phương cách đối trị. [199]
Bằng cách thức này, sám hối, kiềm chế, v.v… làm suy yếu khả năng kết trái của nghiệp. Nghiệp như vậy sẽ không kết trái ngay cả khi tiếp xúc với các duyên khác. Cũng vậy, người ta nói rằng giận dữ và sự phát sinh tà kiến làm suy yếu khả năng sinh quả của các thiện căn. Luận Lý Tâm Yếu (Tarka-jvālā) của ngài Thanh Biện nói:[17]
Tà kiến và ác ý làm suy yếu các nghiệp lành. Các phương cách đối trị như từ bỏ, kiềm chế, và sám hối tội lỗi làm suy yếu các nghiệp xấu. Bất cứ khi nào có sự hiện diện của những thái độ này, chúng sẽ làm giảm tác dụng của các chủng tử do nghiệp thiện và bất thiện lưu lại, cho dù sự kết hợp các duyên để nghiệp có tác dụng đã đầy đủ. Như vậy quả từ đâu lại, và nó sẽ như thế nào? Bởi vì không có sự kết hợp các duyên để duy trì hiệu lực của các chủng tử do nghiệp lưu lại, thời gian để chủng tử được duy trì đã thay đổi. Vì nguyên cớ này, nghiệp đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Như người ta từng nói: “Hơn nữa, bằng cách giữ gìn giáo pháp cao cả ngươi sẽ trải nghiệm trong đời này quả của một tội mà hệ quả của nó ngươi chắc chắn sẽ phải nhận lãnh”. Và: “Hơn thế nữa, với cách đối trị này, nghiệp phải tái sinh trong các cảnh giới khốn khổ chuyển thành một cơn nhức đầu mà thôi”.
Thắc mắc: Nếu nghiệp mà đáng lẽ mang lại kiếp tái sinh trong một cảnh giới khốn khổ có thể được làm cho suy yếu và quả của nó trở thành một cơn nhức đầu mà thôi, làm sao như vậy lại có thể coi là hoàn toàn tiêu trừ?
Trả lời: Quả cực điểm của một nghiệp tội lỗi sẽ là việc phải trải qua đau khổ trong các cõi địa ngục. Thế nhưng với cách đối trị này, ngươi không phải trải qua dù chỉ một chút đau khổ nhỏ ở các cõi địa ngục. Tại sao việc này lại không thể coi là hoàn toàn tiêu trừ? Tuy nhiên, làm sao mà kết quả nhức đầu và những thứ tương tự lại có thể là thí dụ của nghiệp không mang lại quả?
Quý vị chưa tìm ra cách đối trị tiêu diệt được chủng tử của các phiền não. Tuy vậy, quý vị đã làm suy yếu nghiệp bằng một duyên tương phản. Hậu quả là, ngay cả các duyên khác có đến cùng nhau , nghiệp cũng không kết trái hoàn mãn. Quý vị có thể thấy rất nhiều trường hợp như thế qua cá nhân và quả bên trong chính mình và bên ngoài.
Do đó, dù cố gắng tích lũy nhiều phước đức, nhưng nếu quý vị không đề phòng các nguyên nhân tiêu hủy các nghiệp thiện chẳng hạn như giận dữ, nghiệp lành sẽ không sinh quả, như nói ở trên. Cho nên quý vị phải gắng sức đề phòng các nguyên nhân tiêu hủy nghiệp thiện và nỗ lực đối trị nghiệp bất thiện. [200]
Thắc mắc: Nếu quý vị có thể hoàn toàn tiêu trừ ngay cả những nghiệp rất sâu nặng, tại sao kinh lại nói: “Ngoại trừ những quả thành hình của những nghiệp khi trước”?
Trả lời: Không có sai lầm gì trong cách suy luận này. Đức Phật nói như vậy với chủ đích sau đây: khi quả thành hình như đui mù đang xảy ra, khó mà có thể dùng cách đối trị để tiêu trừ. Tuy nhiên, điều dễ dàng là ta có thể chặn đứng không cho quả phát khởi vào thời điểm nhân, nghĩa là vào lúc quả chưa xảy ra. Luận Lý Tâm Yếu nói:[18]
Thắc mắc: Nếu một tội chướng có thể hoàn toàn bị diệt trừ, tại sao Đức Phật dạy: “Ngoại trừ những quả thành hình của những nghiệp khi trước”?
Trả lời: Đức Phật dạy điều này trong khi đang nghĩ tới trường hợp các nghiệp đui mù, chột mắt, khập khiễng, què chân, câm, điếc, và các trường hợp tương tự khi không còn khả năng tiêu diệtquả của nghiệp đã thành hình.
Chủ đích dưới dạng một nhân sẽ đi tới chỗ kết thúc khi quý vị có một động lực khác. Điều này được minh chứng bằng trường hợp những người [đã phạm tội sát nhân nhưng sau đó ăn năn] như Vô Não, A-xà-thế, A-dục và Svaka, và những người đã giết cha mình.[19]
Thắc mắc: [Vào lúc chết] Vua A-xà-thế và những kẻ giết mẹ đã phát khởi các thái độ thiện lành. Tại sao họ phải tái sinh ở Địa Ngục Vô Gián? Có phải họ không tiêu trừ được nghiệp chăng?
Trả lời: Chúng ta được dạy rằng họ tái sinh ở những chỗ như Địa Ngục Vô Gián để họ phát triển niềm tin chắc chắn vào nghiệp và nghiệp quả của họ. Đó không phải là trường hợp họ không hoàn toàn tiêu trừ được nghiệp còn sót lại của họ. Giống như trái banh bằng lụa rơi xuống rồi nẩy lên lại, họ sinh ở địa ngục và rồi được giải thoát. Họ cũng không bị những vòng lửa của địa ngục, v.v… đụng chạm tới. Như thế, cả hai điều đã được chứng minh là quý vị có thể hoàn toàn tiêu diệt tội lỗi và nghiệp chắc chắn phải sinh quả.
Với một số người đặc biệt, tiêu diệt nghiệp không phải là điều chắc chắn có thể làm được. Đức Phật nói về điểm này trong Định Vương Kinh. Vua Śuradatta {Thánh Ban} giết chết Supuṣpacandra {Mộc Nguyệt} và hối hận về việc này.[20] [201] Nhà vua xây một bảo tháp và cúng dường rất nhiều phẩm vật. Mỗi ngày ông sám hối tội lỗi ba lần. Ông làm việc này trong 950 tỉ năm. Mặc dù ông giữ gìn giới luật đúng đắn như vậy, khi chết ông bị tái sinh vào Địa Ngục Vô Gián. Trong mười hoặc hai mươi đại kiếp ông phải trải qua vô lượng khổ đau – bị móc mắt, v.v…
Tuy thế, sám hối tội lỗi không phải là việc làm vô nghĩa. Vì nếu quý vị không sám hối tội lỗi, quý vị sẽ phải chịu khổ nhiều hơn, lâu hơn là nếu quý vị đã sám hối.
Qua sám hối và kiềm chế quý vị có thể thanh tẩy những tội lỗi không còn để lại một chút dư nghiệp nào nữa. Tuy nhiên, có một khác biệt rất lớn giữa thanh tịnh chưa bao giờ bị một lỗi lầm nào làm ô nhiễm với thanh tịnh đạt được qua việc sám hối lỗi lầm đó. Thí dụ, Bồ-tát Địa nói:[21]
Ngươi có thể sửa sai một vi phạm căn bản qua việc thọ giới Bồ-tát. Tuy nhiên, trong đời này ngươi không thể nào đạt tới địa vị Bồ-tát thứ nhất được.
Hơn nữa, Biến Nhiếp Nhất Thiết Nghiên Ma Kinh[22] nêu lên rằng mặc dù quý vị được rửa sạch tội lỗi, quý vị sẽ cần ít nhất mười đại kiếp mới đạt được địa vị nhẫn nhục [địa vị thứ hai trong bốn địa vị của con đường chuẩn bị].
Ngài Văn-thù-sư-lợi trẻ trung hỏi: “Bạch đức Thế Tôn, nếu có người, bị ảnh hưởng của bạn bè tội lỗi, làm điều như từ bỏ giáo pháp, bạch Thế Tôn, làm sao người này có thể được giải thoát khỏi nghiệp chướng đó trong đời này?”
Đức Thế Tôn trả lời: “Văn-thù-sư-lợi, nếu ngươi sám hối tội lỗi ba lần mỗi ngày trong bảy năm, ngươi sẽ xóa sạch tội. Sau đó ít nhất là trong mười đại kiếp ngươi mới đạt được địa vị nhẫn nhục”.
Do đó, hoàn toàn thanh tẩy có nghĩa là hoàn toàn tẩy sạch sự phát sinh của các nghiệp quả bất hạnh. Tuy nhiên, bởi vì quý vị đã kéo rất dài thời gian cần thiết để đạt những điều như tri kiến của đường đạo, hãy gắng sức ngay từ khởi đầu để không bị các lỗi lầm làm hoen ố. [202] Đức Phật nói vì lý do này bậc thánh không vướng vào, một cách có ý thức, ngay cả những tội lỗi hoặc những vi phạm vi tế nhất, ngay cả khi vì vậy mà bị mất mạng. Nếu cho rằng thanh tịnh đạt được qua sám hối tội lỗi cũng tương tự như trường hợp lỗi lầm chưa hề xảy ra thì cần gì phải hành động như vậy.
Đây cũng là điều hiển nhiên ở thế gian. Mặc dù tay, chân, v.v. bị thương có thể lành, nó sẽ khác với tay chân chưa hề bị thương bao giờ.
Qua nỗ lực như vậy, quý vị nên làm như Vô Vấn Tự Thuyết nói:[23]
Người có hành vi tội lỗi –
Đã phạm tội và không được phước đức,
Đã lìa xa giáo pháp và đạt điều trái ngược –
Sẽ sợ chết, như con thuyền mong manh tan vỡ trên sông lớn.
Người đã đạt được phước đức và không phạm tội,
Đã thực hành hệ thống giáo pháp của các đấng thiêng liêng,
Sẽ không bao giờ sợ chết,
Như con thuyền vững chắc qua sông.
Đừng hành động giống như người trong câu kệ thứ nhất nhưng làm bất kỳ điều gì có thể được để hành động giống như người trong câu kệ thứ hai.
Hơn nữa, chẳng có bao nhiêu ý nghĩa khi nói nhiều lời hữu lý mà lại hành động buông lung. Cho dù chỉ biết một chút ít, quý vị sẽ được nhiều lợi ích trong việc thực hành bất cứ giảng dạy nào quý vị biết bằng cách buông bỏ điều lầm lỗi và tu tập điều chân chính. Vô Vấn Tự Thuyết nói[24]
Người buông thả có thể nói dài dòng về điều gì là hợp lý,
Nhưng chẳng làm theo như vậy.
Như người chăn nuôi đếm gia súc của người khác,
Không đạt được phúc duyên của việc thực hành đức hạnh
Những ai thực hành giáo pháp theo đúng như lời dạy
Diệt trừ tham luyến, thù nghịch và vô minh
Đạt được phúc duyên của việc thực hành đức hạnh,
Cho dù họ có thể ít nói tới điều gì là hợp lý.
Do vui với những điều phù hợp lương tâm
Và sợ thói buông lung,
Các sư tự thoát khỏi các cảnh giới khốn khổ,
Như voi tự thoát ra khỏi bùn lầy.
Do vui với những điều phù hợp lương tâm
Và sợ thói buông lung,
Các sư rũ sạch mọi tội lỗi
Như gió làm rụng lá cây vậy.
Như thế, cái nhìn đúng đắn về duyên khởi và quan hệ nhân quả của hai loại nghiệp là nền tảng không thể thiếu được của các phép tu tập trong mọi thừa và là mục đích của mọi chúng sinh. Như Bằng Hữu Thư của ngài Long Thọ nói:[25]
Nếu ngươi thực sự muốn được vị thế cao (làm người hoặc một vị trời) và giải thoát,
Ngươi phải huân tập chánh kiến.[203]
Với tà kiến ngay cả người hành động tốt
Sẽ có những quả khủng khiếp trong mọi đời.
Do đó, sử dụng những điều đã được giải thích ở trên làm minh họa, ngươi nên đọc Diệu Pháp Chánh Niệm Hiện Tại, Hiền Ngu Kinh, Bách Nghiệp Kinh, Bồ-tát Bách Truyện (skt. Bodhisattvāvadāna-Kalpalarā), các mở đầu về giới luật,[26]và những kinh điển khác nữa để phát triển một xác tín mãnh liệt và bền vững. Hãy coi đây là mục tiêu có tầm quan trọng quyết định.
Ghi chú
[1]BA425 BCA: 2.63, 7.40; P5272: 246.5.8-247.1.1,254.1.1.
[2]BA426 SR: 14.9; P795:292.4.1-2.
[3]B427 Ibid:22.2cd-4ab;P795:302.3.6-7.
[4]Trong các kinh văn Hán-Việt thường thấy dịch câu này là Như mộng, huyễn, bào, ảnh. Như lộ diệc như điện. chỉ sự hư ngụy không thật sự thường tồn thấy đó nhưng tan biến hay thay đổi nhanh chóng của mọi vật.
[5]BA428 Sāgara-nāga-rāja-paripṛcchā, P820:114.1.4-5.
[6]BA429 Ud: 25.22ab; P992: 98.4.7.
[7]BA430 Cách dễ làm nhất để khiêng một xác chết là cột xác chết lại rồi vác trên lưng. Như thế chúng ta và xác chết sẽ quay mặt về phía khác nhau.
[8]BA431 Ud: 25.22cd; P992:98.4.7.
[9]BA432 Jm: 31.75; 5650: 58.3.8-58.4.1.
[10]BA433 Satyaka-parivarta, P813: 253.1.8-253.2.1.
[11]BA434 Ud: 9.3-5,9.13-16,9.18-20; P992: 92.5.6-8,93.1.4-6,93.1.7-93.2.1.
[12]BA435 Ārya-catur-dharma-nirdeśa-nāma-mahāyānā-sūtra {Tứ Pháp Giải Đại Thừa Kinh} được trích dẫn trong Vaidya 1960b: 89; P102: 224.3.3-6.
[13]BA436 Ārya-suvarṇa-prabhāsottama-sῡtrendra-rāja-nāma-mahāyānā-sūtra {Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh, tên khác là Ánh sáng Hoàng Kim, tuy nhiên chiếu theo tên Phạn ngữ cũng như đối chiếu với tên Hán thì chữ Hoàng không hiện diện trong tên Phạn này}, Bagchi 1967: 11-23; P176: 78.5-80.5.4.
[14]BA437 Xem Ārya-tri-skandha-nāma-mahāyānā-sūtra {Tam Uẩn Đại Thừa Kinh} (Kinh về Ba Tập Hợp [Kính Lễ, Sám Hối và Hồi Hướng]). Sám hối trước ba mươi lăm đức Phật là các đức Phật chúng ta trì tụng danh hiệu và sau đó trước các đức Phật này chúng ta đảnh lễ và tùy hỷ. {Xem về chi tiết danh tánh của 35 vị phật: Thirty-five buddhas of confession. Rigpa Shedra. Truy cập 15/06/2011.
<http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Thirty-five_buddhas_of_confession>}
[15]BA438 Subāhu-paripṛcchā-tantra, {Đồng Tử Vấn Mật Điển} P428: 41.5.5-7.
[16]BA439 Āryāṣṭa-sāhasrikā-prajñāpāramitā-vyākhyāna-abhisamayalaṃkārāloka-nāma {Bát Thiên Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận Hiện Quán Trang Nghiêm Tập}, P5189: 510.14-19.
[17]BA440 Madhyamika-hṛdaya-tarka-jvālā {Trung Đạo Tâm Yếu Luận}, P5256: 82.5.6-83.1.3.
[18]BA441 Ibid., P5256: 83.1.3-83.2.1.
[19]BA442 Vô-não (skt. Agulimāla) là một môn đồ Bà La Môn, người đã tu tập sai lầm bằng cách giết người và đeo chuỗi được xâu lại bằng những ngón tay của những người chết, và coi chuyện sát hại người là một hành động tín ngưỡng linh thiêng. Sau khi ông giết 99 người, người thứ 100 mà ông gặp là mẹ ông. Trong khi đang đuổi giết mẹ, thì Đức Phật xuất hiện, ông bèn buông tha mẹ mà đuổi theo Phật. Tuy nhiên, sau vài câu trao đổi với Phật, ông được Phật cảm hóa. Hối hận vì những tội lỗi của mình, ông bèn xin theo Phật. Với thiên nhãn thông, Phật nhìn thấy có thể hóa độ được vì những thiện nghiệp trong những đời trước của ông nên nhận lời. Sau khi gia nhập tăng đoàn và dụng công tu tập ông đã đắc quả A-la-hán. A-xà-thế (skt. Ajātashatru) là con vua xứ Ma-kiệt-đà (skt. Magadha). Theo truyền thuyết thì lúc mang thai A-xà-thế, mẹ ông thường đòi uống máu lấy từ đầu gối của chồng. Các nhà chiêm tinh đều tiên đoán sau nầy A-xà-thế sẽ giết vua cha. Thực đúng như vậy, A-xà-thế đã giết cha đoạt ngôi. Theo sử liệu Phật giáo, A-xà-thế đã bắt giam và bỏ đói cho vua cha chết trong ngục thất. Sau khi giết cha lên ngôi, A-xà-thế hối hận đến mức sinh ra bệnh nặng. Nhà vua đến gặp đức Phật và được Phật dạy cho kinh Đại Bát-niết-bàn để rửa sạch nghiệp chướng. Đạo Phật bắt đầu hưng thịnh vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch dưới sự bảo trợ của vua A-dục (skt. Aśoka), người trị vì xứ Ma-kiệt-đà. Trước khi theo Phật giáo, vua A-dục đánh chiếm các nước lân cận biến Ma-kiệt-đà thành một đất nước hùng mạnh với lãnh thổ bao trùm hầu hết miền Bắc Ấn Độ. Sau trận đánh với vương quốc Kalinga, vua A-dục rất hối hận nên đã từ bỏ chính sách xâm lược, thành lập một vương quốc cai trị bằng giáo pháp của đức Phật. Nhà vua đã khánh thành nhiều công trình công cộng nhằm tưởng nhớ đức Phật và phát triển các bảo tháp. Qua những chỉ dụ được khắc chạm lại trên các trụ đá rải rác khắp nơi trong vương quốc, chúng ta thấy được những quan điểm và sắc luật của nhà vua luôn cố gắng thực thi tư tưởng đạo Phật. Svaka là người đã giết chính mẹ mình.
[20]BA443 Đây là câu chuyện về vua Śūrradatta {Nhật Tất Đạt} trong SR (chương 35) (Vaidya 1961:239; P795: 14.1.4-14.2.8) Supuṣpacandra {Mỹ Hoa Nguyệt} là thầy dạy đạo của các bà hoàng hậu của nhà vua và là một vị Bồ-tát.
[21]BA444 Bbh, P5538: 171.1.2.
[22]BA445 Sarva-vaidalya-saṃgraha-sūtra {Nhất Thiết Quảng Phá Tập Kinh Hay Biến Nhất Thiết Ngiên Ma Kinh nghĩa là kinh về tất cả dòng chuyển}: 13; P893: 125.3.4-6. Được trích dẫn trong Vaidya 1960: 56.
[23]BA446 Ud: 28.39-40; P992: 100.5.8-101.1.2.
[24]BA447 Ibid.: 4.22-23, 4.27-28; P992: 91.3.2-6.
[25]BA448 Suhṛl-lekha: 47: P5682: 236.3.4.
[26]BA449 rTogs brjod rgya pa (nguyên nghĩa một trăm câu chuyện) là Bodhisattvāvadāna-Kalpalarā gồm 107 câu chuyện, và Dul ba lung gi rgyud gleng là những phần khác nhau làm lời nói đầu cho các giải thích về những qui tắc giới luật.
Hits: 472