[ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ] Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Chương 16: Phủ Định Không Đủ

(2) Bác bỏ một sự nhận diện bị giới hạn thái quá của đối tượng bị phủ định.

––––––––––\––––––––––

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­(2) Bác bỏ một sự nhận diện bị giới hạn thái quá của đối tượng bị phủ định.

Phản biện: Đối tượng bị phủ định là một tự tính có ba thuộc tính: (1) các nhân và duyên không đem lại sự tồn tại cho nó, (2) điều kiện của nó không thể chuyển hóa được, và (3) nó được thừa nhận không phụ thuộc vào hiện tượng nào khác. Vì tác phẩm Căn Bản Trung Quán Luận của Long Thọ nói:[1]

Thật không hợp lý khi một bản chất

Được sinh khởi từ những nhân và duyên.

Nếu nó sinh khởi từ những nhân và duyên

Thì một bản chất sẽ là điều gì đó được tạo thành.

Làm sao có thể thích đáng

Cho một bản chất là điều gì đó được tạo thành?

Một bản chất thì không thể thêu dệt [2] thành

Và không phụ thuộc vào điều khác.

Đáp: Nói chung, nếu ai đó khẳng định rằng các pháp bên ngoài và bên trong – ví dụ như, các mầm non – có “tự tính” theo ý nghĩa này, thì các nhà Trung Quán thật sự phải bác bỏ điều đó. Tuy nhiên, ở đây, việc nhận diện đối tượng bị phủ định nghĩa là nhận diện đối tượng nền tảng của sự phủ định. Khi các ngươi bác bỏ đối tượng nền tảng của sự phủ định, thì quan điểm Trung Quán – tức là tri kiến rằng các hiện tượng thiếu vắng tự tính – phát triển trong dòng tâm thức của các ngươi. [644]

Những ngụy biện phát sinh nếu chúng ta đi theo dòng diễn giải của người đối lập này. Vì những người ủng hộ các bộ phái Phật giáo không thuộc Trung Quán đã xác lập rằng các hiện tượng cấu hợp được sinh khởi bởi các nhân duyên và có thể chuyển hóa, nên chúng ta không cần phải giải thích với họ về sự vắng mặt tự tính. Họ lẽ ra cũng nên nhận thấy rằng các pháp thiếu vắng tự tính. Vậy thì làm sao điều này có thể là đối tượng bị phủ nhận duy chỉ bởi Trung Quán?

Nhiều tác phẩm Trung Quán viện dẫn những luận điểm như: Nếu các pháp tồn tại một cách nền tảng, thì chúng không thể phụ thuộc vào các nhân duyên, chúng sẽ phải không thể chuyển hóa được, và v.v… Tuy nhiên, những tuyên thuyết này chỉ ra các sai lạc sẽ bị đưa đến nếu các pháp tồn tại một cách nền tảng; chúng lại không nhận diện được đối tượng của sự phủ định trong các nội hàm của chúng.

Trường hợp nếu như điều gì đó tồn tại một cách tối hậu, tồn tại trong thực tại, hay tồn tại thật sự, thì nó không thể phụ thuộc vào các nhân và duyên, và v.v…; tuy nhiên, đó không phải là những gì mà sự tồn tại tối hậu mang ý nghĩa. Ví dụ như, mặc dù một cái ấm kéo theo trạng tính vô thường, nhưng sự vô thường không phải là ý nghĩa thích hợp của cái ấm; đúng hơn các ngươi phải nói rằng nó có nghĩa là một “vật dạng bầu tròn có khả năng thực hiện chức năng giữ nước trong đó”.

Tương tự như vậy, nếu điều gì tồn tại một cách tối hậu, v.v…, nó sẽ phải là một pháp không có thành phần; tuy nhiên, ở đây trong Trung Quán chúng ta không đề xuất “pháp không có thành phần” là đối tượng căn bản của sự phủ định. Vì các pháp không có thành phần đơn thuần được gán đặt từ tầm nhìn đặc trưng của những người ủng hộ các tôn chỉ triết lý, nên những ý niệm như vậy không là nguyên nhân căn bản trói buộc những chúng sinh trong luân hồi. Hơn nữa, ngay cả nếu các ngươi xác định rằng các pháp không có thành phần ấy thiếu vắng tự tính và rồi thiền lên điều đó, thì việc này sẽ không hề chống lại được quan niệm vô minh vốn vận hành từ vô thủy. Do đó, ngay cả hiểu biết tối ưu và trực tiếp về điều đó sẽ không {giúp} vượt qua được những phiền não bẩm sinh.

Vì vậy, khi tiến hành những xác định triết học, hãy làm thao tác chính của các ngươi là xác định rằng một đối tượng được quan niệm bởi vô minh bẩm sinh thì không tồn tại. Dựa vào điều đó, hãy bác bỏ các đối tượng do những quan điểm sai lạc nắm bắt. [645] Nếu các ngươi không hiểu điều này, và thất bại trong việc nhổ tận gốc quan điểm của vô minh bẩm sinh, thì khi các ngươi bác bỏ một tự ngã cá nhân, các ngươi sẽ chỉ bác bỏ một tự ngã vốn vĩnh cửu, đơn nhất và độc lập. Khi các ngươi bác bỏ một tự ngã khách quan, các ngươi sẽ chỉ bác bỏ những pháp được gán đặt bởi những người ủng hộ các tôn chỉ triết lý – chẳng hạn như các đối tượng là những hạt tử không có thành phần, và các khoảnh khắc không có thành phần của kinh nghiệm, hay một nền móng tự nhiên (pradhāna) với ba guṇa (“các cơ chế”) được khẳng định bởi các nhà Số Luận[3]. Điều này hoàn toàn không thích đáng. Nếu các ngươi suy nghĩ khác đi, thì khi tiến hành những xác định triết học, các ngươi sẽ không xác lập được điều gì vượt hơn sự vô ngã nông cạn này. Vì những xác quyết triết học được tạo ra nhằm những mục tiêu về thiền, nên khi thiền các ngươi chỉ sẽ phải thiền về điều này. Do đó, ngay cả nếu các ngươi thực thi một đặc tính vô ngã như thế trong thiền và hoàn thành việc tu dưỡng của các ngươi về nó, thì sẽ không mang đến kết quả gì từ nó. Sẽ cực kỳ vô lý khi khẳng định rằng các ngươi có thể vượt qua những phiền não bẩm sinh bằng việc thấy biết sự không tồn tại của hai tự ngã vốn được gán đặt bởi những quan điểm sai lạc nắm bắt.[4] Tác phẩm Nhập Trung Quán Luận của Nguyệt Xứng nói rằng:[5]

Khi hiểu biết vô ngã, một số người loại trừ được một tự ngã vĩnh cửu,

Nhưng chúng tôi không xem điều này là cơ sở của ý niệm về “tôi”.

Do đó thật ngạc nhiên khi khẳng định rằng hiểu biết về vô ngã này

Xóa bỏ và nhổ tận gốc rễ quan điểm về tự ngã.

Ngoài ra, Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng nói:[6]

Hãy làm sáng tỏ điểm này, tức sự không liên quan của những điều như thế đối với các phiền não bẩm sinh, bằng một ví dụ:

Ai đó thấy con rắn sống trên bức tường ngôi nhà của mình.

Để làm dịu nỗi lo, một ai đó nói rằng: “Chẳng có voi ở đây”.

Chao ôi, thật tức cười cho những người khác

Khi nghĩ rằng lời kia sẽ xua tan nỗi sợ con rắn.

Nguyệt Xứng nói đến nhân vô ngã, nhưng điều này tương tự đối với sự pháp vô ngã; ngài đã có thể thêm vào:

Khi thấy biết vô ngã, một số người loại trừ được một quan điểm nắm bắt về tự ngã,

Nhưng chúng tôi không xem điều này là cơ sở của vô minh.

Do đó thật ngạc nhiên khi khẳng định rằng hiểu biết vô ngã này

Xóa bỏ và nhổ tận gốc rễ vô minh. [646]

Vấn: Trong tuyên thuyết của Long Thọ trình bày ở trên,[7] ngài nói rằng những đặc điểm xác định của một “bản chất” không phải được thêu dệt và không phụ thuộc vào điều gì khác. Có phải ngài đang nói theo giả thuyết hay đang nói theo một bản chất như thế có tồn tại?

Đáp: Đức Phật thừa nhận một “bản chất”, bằng cách nói rằng: “Đây là thực tại của các pháp”.[8] Điều đó không hề thêu dệt và không phụ thuộc vào điều gì khác. Tác phẩm Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng xác lập rằng nó tồn tại, bằng cách trích dẫn một nguồn kinh điển:[9]

Liệu có một bản chất mang những đặc tính như thế theo như đại sư Long Thọ khẳng định hay không? Vâng, đó là “thực tại” của điều mà đức Thế Tôn đã tuyên thuyết rộng rãi, ngài nói rằng: “Cho dù Như Lai có xuất hiện hay không, thì thực tại của các pháp vẫn lưu lại đó”.[10] “Thực tại” này là gì? Đó là bản chất của các pháp chẳng hạn như những con mắt này. Và, bản chất của chúng là gì? Đó là điều mà trong chúng vốn không có thứ gì được thêu dệt hay phụ thuộc vào điều nào khác; đó là sự nhận diện của chúng như được biết bởi tri kiến thoát ngoài sự hư hoại của vô minh. Điều đó tồn tại hay không? Nếu nó không tồn tại, thì các vị bồ-tát sẽ tu tập con đường của những Ba-la-mật nhằm mục đích gì? Vì sao các vị bồ-tát sẽ trải qua hàng trăm sự gian khổ để hiểu biết thực tại?

Vấn: Thế trước đây Ngài không tranh luận rằng tất cả các hiện tượng thiếu vắng tự tính sao?

Đáp: Thậm chí các hiện tượng vốn không là những lập kiến tinh thần nội tại cũng thiếu vắng ngay cả một hạt tử của bản chất nền tảng hay tự tính. Chẳng lẽ chúng tôi chưa đưa ra câu trả lời này vài lần rồi sao? Do đó, có gì cần thiết để đề cập đến những hiện tượng khác về một bản chất như thế? Ngay cả thực tại, là sự thật tối hậu, cũng không hề có tự tính. Vì tác phẩm Minh Cú Luận của Nguyệt Xứng nói rằng:[11]

“Bản chất cuối cùng” là thực thể nền tảng không thêu dệt vốn không tránh khỏi hiện diện trong lửa ở quá khứ, hiện tại, và tương lai; [647] nó không phải là việc xảy ra sau này của điều gì vốn không có mặt ở đó trước đó; nó không phụ thuộc vào các nhân và duyên như sức nóng của nước, hay ở đây và ở kia, hay dài và ngắn. Liệu lửa có một bản chất như thế không? Nó không có bản chất ấy một cách nền tảng và cũng không thiếu vắng điều đó một cách nền tảng. Tuy nhiên, để tránh gây hoang mang cho những người nghe, ta cụ thể hóa nó và nói rằng: “Nó tồn tại một cách thường tục”.

Vì vậy Nguyệt Xứng bác bỏ quan điểm rằng bản chất này tồn tại một cách nền tảng; ngài nói rằng nó tồn tại một cách thường tục.

Phản biện: Ngài {Nguyệt Xứng} không khẳng định nó tồn tại, bởi ngài nói rằng ngài cụ thể hóa nó nhằm tránh gây hoang mang cho các thính giả.

Đáp: Điều đó không hợp lý. Ngài cũng đề cập đến các hiện tượng khác, đã gán đặt chúng với lý do tương tự ấy. Do vậy nếu bản chất cuối cùng không tồn tại, thì những hiện tượng khác đó cũng sẽ không tồn tại. Như trích dẫn từ trước, Nguyệt Xứng chứng minh rằng bản chất cuối cùng tồn tại, bằng cách lập luận rằng nếu nó không tồn tại, thì điều sẽ theo sau một cách vô lý là đạo đức thanh tịnh trở nên vô nghĩa. Vả lại, tác phẩm Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng nói rằng:[12]

Không chỉ đại sư Long Thọ khẳng định bản chất này, mà những người khác cũng có thể được làm khiến cho chấp nhận điều đó. Vì vậy ngài thừa nhận bản chất này như được xác lập cho cả hai bên trong cuộc tranh luận.

Nếu điều đó khác đi, thì các ngươi sẽ phải cho rằng trong Trung Quán, không thể đạt được giải thoát. Điều này là vì (1) Nguyệt Xứng nói rằng đạt đến Niết-bàn nghĩa là cảm nhận được Niết-bàn, và ngài nói rằng Niết-bàn được xem là một sự diệt độ thật và những sự diệt độ thật là những chân lý tối hậu; và (2) những chân lý tối hậu sẽ không tồn tại. Trong tác phẩm Lục Thập Tụng Như Lý Luận Thích của ngài, Nguyệt Xứng bỏ công sức chứng minh rằng khi các ngươi đạt đến Niết-bàn, thì các ngươi phải cảm nhận được chân lý tối hậu của sự diệt độ. [648]

Theo đó, các pháp cấu hợp chẳng hạn như những con mắt không phải là những bản chất trong ý nghĩa của trạng thái tồn tại một cách nền tảng, mà chúng cũng không phải là những bản chất khi thực tại được thừa nhận như là bản chất cuối cùng. Vì vậy chúng không thuộc loại bản chất nào. Các chân lý tối hậu là những bản chất khi thực tại được thừa nhận là bản chất cuối cùng, nhưng điều xác lập chúng như là những bản chất như thế chính là việc chúng không được thêu dệt và không phụ thuộc vào điều gì khác. Chúng không hề tồn tại như những bản chất theo ý nghĩa đang tồn tại một cách nền tảng. Do vậy, chúng chỉ đơn thuần tồn tại một cách thường tục.

“Được thêu dệt” nghĩa là “được sinh khởi” theo ý nghĩa một việc mới xảy ra của điều gì đó vốn không tồn tại trước đây; “phụ thuộc vào điều gì khác” nghĩa là phụ thuộc vào các nhân và duyên.

Vì các sắc tướng và v.v… không thuộc loại bản chất nào, nên khi các ngươi đề cập việc tu dưỡng đạo pháp để quán sát bản chất cuối cùng, thì “bản chất” có ý nghĩa của thực tại. Do đó, Nguyệt Xứng nói rằng đạo đức thanh tịnh không vô nghĩa. Hơn nữa, ngài giải thích việc ngài hoàn toàn thiếu vắng một khẳng định rằng các hiện tượng mang một bản chất trong ý nghĩa về sự tồn tại nền tảng không mâu thuẫn với khẳng định bổ sung của ngài về một bản chất cuối cùng.[13] Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng nói rằng:[14]

Phản biện: Chao ôi, hoàn toàn sai lầm rồi! Ngài không hề khẳng định các pháp thật, mà còn tiện thể khẳng định một bản chất vốn không được thêu dệt và không phụ thuộc vào điều gì khác. Ngài đang nói những điều trái ngược rành rành.

Đáp: Khi nói điều này, các ngươi bỏ lỡ một điểm trong Căn Bản Trung Quán Luận. Đây là ý nghĩa của nó: Nếu những con mắt và tương tự – các duyên khởi vốn hiển nhiên trước mặt những chúng sinh ngây ngô thông thường – là bản chất của chính chúng, thì đạo đức thanh tịnh sẽ vô nghĩa bởi vì ngay cả những thức không chính xác cũng có thể hiểu biết bản chất đó. Vì chúng không phải là bản chất của chính mình, nên đạo đức thanh tịnh nhằm quán sát bản chất có một mục tiêu. Hơn nữa, ta nói rằng bản chất này, khi được so sánh với các Tục Đế, là không thêu dệt và không phụ thuộc vào điều gì khác. [649] Chỉ điều gì mà các chúng sinh ngây ngô thông thường không nhận thấy thì mới thích hợp là bản chất. Do đó, điều tối hậu không phải là một pháp hay một phi pháp; bởi bản chất, nên chúng đơn giản là sự an lành.

Ở đây “pháp” và “phi pháp” đề cập đến sự tồn tại nền tảng và sự hoàn toàn không tồn tại, như giải thích bên trên trong phần thuyết về nhị nguyên.[15]

Giờ đây khi các ngươi là một chúng sinh thông thường xác định rằng các hiện tượng thiếu vắng ngay cả một hạt tử của bản chất nền tảng hay tự tính, thì các ngươi nhận thấy rằng tính Không – tính Không của tự tính – là một thuộc tính của các hiện tượng, chẳng hạn như sắc tướng, vốn đóng vai trò là những nền móng của tính Không. Do vậy, không có gì mâu thuẫn khi cả những nền móng và thuộc tính là các đối tượng của một tâm thức đơn nhất. Vì các ngươi không ngưng sự trình hiện nhị nguyên, nên tính Không là một danh định hơn là một sự thật tối hậu thực sự.

Bằng cách tập cho bản thân các ngươi quen với quan điểm ấy vốn hiểu biết sự vắng mặt của tự tính, các ngươi sẽ hiểu biết nó thông qua việc cảm nhận nó. Đối với một thức như vậy, tất cả những trình hiện sai lạc đều ngừng lại. Sự trình hiện sai lạc ở đây nghĩa là sự trình hiện của tồn tại tự tính ở nơi vốn không có sự tồn tại tự tính. Do đó, vì thức trực tiếp cảm nhận rằng thực tại không cảm nhận được những nền móng chẳng hạn như các sắc tướng, nên cả thực tại và những nền móng của nó đều không tồn tại từ tầm nhìn của tâm thức đó. Vì vậy, tính Không và các sắc tướng, v.v… phải được thừa nhận như là thực tại và những nền móng từ tầm nhìn của tâm thức khác nào đó, một tâm thức thường tục.

Do sự việc này như thế, nên một chân lý tối hậu {Chân Đế} được thừa nhận, cùng với việc ngưng nghỉ của tất cả các diễn tưởng về sự tồn tại nền tảng, ở nơi cũng có sự dừng lại hoàn toàn tất cả các diễn tưởng về những trình hiện sai lạc, là những trình hiện về tồn tại tự tính ở nơi vốn không có {sự tồn tại tự tính này}. Do đó, trong khi chúng tôi khẳng định một bản chất cuối cùng, thì làm sao chúng tôi có thể bị buộc phải chấp nhận một bản chất tồn tại một cách nền tảng được? Tác phẩm Minh Cú Luận của Nguyệt Xứng nói rằng:[16]

Bị dẫn dắt bởi sự hư hoại của vô minh, những chúng sinh thông thường cảm nhận một khía cạnh nào đó trong các pháp. Vì những thánh giả được giải thoát khỏi sự hư hoại của vô minh không thấy khía cạnh sai sót ấy, nên có điều gì khác đóng vai trò là đối tượng của họ. Chính thực thể ấy được thừa nhận là bản chất cuối cùng của các pháp đó.

Ngoài ra:[17] [650]

Việc thiếu vắng sự sinh khởi tồn tại một cách tự tính của các pháp không phải là bất cứ điều gì. Do vậy, vì đây chỉ là một phi pháp, nên nó không có nền tảng. Do đó, nó không phải là tự tính của các pháp.

Một số người [Tây Tạng] không thừa nhận chân lý tối hậu là sự loại trừ hoàn toàn các diễn tưởng về những đối tượng của sự phủ nhận, ví dụ như hai bản ngã. Thay vì vậy họ cho rằng, vì đối tượng của một tâm thức vốn hiểu biết không sai lạc về cách thức các pháp tồn tại, nên điều tối hậu trình hiện tồn tại dưới sức mạnh của chính nó – như những pháp chẳng hạn màu xanh và vàng trình hiện trước một tâm thức thông thường. Xác quyết rằng nó tồn tại theo cách ấy chính là cái nhìn hiểu biết thâm diệu. Họ cũng khẳng định rằng có một lỗi sơ suất liên quan đến chánh kiến để đánh giá các hiện tượng bên ngoài và bên trong – những cơ sở liên quan đến việc chúng sinh bám chấp vào hai tự ngã – là thiếu vắng sự tồn tại tự tính.

Những xác quyết này đứng ngoài nội hàm của tất cả kinh điển, Tiểu Thừa và Đại Thừa. Họ chấp nhận là cần ngừng quan điểm về tự ngã, căn nguyên trói buộc mọi chúng sinh trong luân hồi. Sau đó họ khẳng định rằng các ngươi đừng dừng quan điểm về tự ngã qua việc hiểu ra rằng không có sự tồn tại tự tính trong những nền móng mà nó nắm bắt như là một tự ngã; mà đúng hơn là, các ngươi hãy dừng nó qua việc hiểu biết một số hiện tượng khác không liên quan như là thật hữu. Điều này chẳng khác chi với viễn cảnh như sau: Giả sử không có rắn ở phía đông, nhưng ai đó nghĩ rằng có rắn và cảm thấy khiếp sợ. Các ngươi nói với người đang đau khổ đó rằng: “Ngươi không thể dừng ý niệm của ngươi về việc có một con rắn bằng suy nghĩ: ‘Không hề có rắn ở phía đông đâu’. Mà đúng hơn ngươi nên nghĩ rằng: ‘Có một cái cây ở phía tây’. Điều đó sẽ ngăn chận ý niệm của ngươi rằng có một con rắn và sẽ kết thúc nỗi đau khổ của ngươi”.

Do vậy, các ngươi vốn ước mong điều tốt đẹp cho bản thân thì nên tránh xa những tà kiến như thế. Các ngươi nên thực hiện phương tiện để nhổ tận gốc cách thức mà vô minh nắm bắt các pháp, vô minh này là căn nguyên của tất cả những điều trói buộc các ngươi và làm các ngươi suy yếu trong luân hồi. Về phương tiện này, những tác phẩm của người cha, thánh giả Long Thọ, và đứa con tinh thần của ngài là Thánh Thiên đã trình bày rõ ràng trong những tạng luận quảng đại xây dựng nên tri kiến thâm diệu và chắc chắn của những kinh điển liễu nghĩa và trình bày làm thế nào để ý nghĩa của những kinh điển này không thể bị diễn giải khác đi.[18] [651] Bằng cách nương tựa vào những tác phẩm này của Long Thọ và Thánh Thiên, hãy băng qua bờ bên kia của đại dương luân hồi.Để tránh sự lầm lạc khi tiếp cận quan điểm của Trung Quán, thì việc bác bỏ những ý niệm sai lầm về đối tượng của sự phủ định là điều cốt yếu nhất. Vì lý do đó, ta đã trình bày một giải thích mở rộng. 


[1]BA400 MMK: 15.1-2, de Jong 1977:19; P5224: 6.3.1-2.

[2]Từ thuật ngữ “not fabricated”. Ở đây chỉ đặc tính không phóng tưởng, không diễn tưởng, không giả tạo bịa đặt, là loại đặc tính không sinh không diệt.

[3]Trường phái Số Luận (skt. Sāṃkhya) một trong 6 trường phái triết học chính cổ Ấn-độ. Đây là trường phái tin tưởng nhị nguyên và vô thần. Chủ thuyết Số Luận xem vũ trụ gồm hai thực thể: vật chất (skt. Prakriti – là nguyên nhân cho sự hiển thị của thế giới vật chất) và ý thức (skt. Puruṣa – tự ngã siêu việt, thanh tịnh, độc lập, tuyệt đối, bất khả nghĩ bàn). Vì prakirti là nguyên lý đầu tiên của vũ trụ nên được gọi là pradhāna. Đây là nguyên lý vô thức không thông tuệ (thuần vật chất). Nó bao gồm 3 tính năng nền tảng gọi là các guṇa (sự phân chia, phân loại cơ chế): (1) Sattva (mịn, nhẹ, thanh cao, phúc lạc), (2) Rajas (vận động, hành vi, hứng khởi, đau khổ) và (3) Tamas (thô lậu, nặng nề, ngăn trở). Samkhya. Wikipedia. Truy cập 07/24/2012.

 <http://en.wikipedia.org/wiki/Samkhya>

[4]BA401 “Hai tự ngã” là tự ngã về nhân ngã hay pháp ngã.

[5]BA402 MAV: 6.140, La Vallee Poussin 1970b: 264.2-5; P5262:104.3.4-5.

[6]BA403 MAVbh ở MAV: 6.141, La Valine Poussin 1970b: 264.9-14; P5263: 145.3.8-145.4.1. MAV: 6.141 được tìm thấy trong Subhasita-samgraha (“Hùng Biện Tập Luận”) doCecil Bendall biên tập (1903 và 1904) và Wayman trích dẫn (1978:464 n. 183).

[7] LRCM: 643.

[8]BA405 ‘Jam-dbyangs-bzhad-pa (mChan: 394.4) tuyên thuyết rằng điều này được tìm thấy trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Kinh. Nó được tìm thấy trong Dasa-bhumika-sutra (Thập Địa Kinh)(Wayman 1978: 464 n. 186).

[9]BA406 MAVbh, La Valine Poussin 1970b: 305.19-306.12; P5263:151.2.3-7.

[10]BA407 Wayman 1978: 464 n. 185 nói điều này trong Thập Địa Kinh.

[11]BA408 PPs: 263.5-264.4, ở MMK: 15.2; P5260: 42.5.6-43.1.1.

[12]BA409 MAVbh ở MAV: 182, La Vallee Poussin 1970b: 308.6-9; P5263:151.4.1-2.

[13]BA410 ‘Jam-dbyangs-bzhad-pa {mChan: 400.1) chú giải glo bur (“bổ sung”) với tha snyad du (“một cách thường tục”).

[14]BA411 MAVbh, La Vallee Poussin 1970b: 307.9-308.5; P5263:151.3.4-151.4.1.

[15]BA412 LRCM: 594-596.

[16]BA413 PPs: 265.3-4, ở MMK: 15.2; P5260:43.1.6-7.

[17]BA414 P5260:43.1.8-43.2.1.

[18]BA415 Trong “những tạng luận” của Trung Quán (dbu ma rigs tshogs)xem ghi chú 248 ở trên đến LRCM: 570.

Hits: 584

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28