[ĐẠI LUẬN VỀ GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ] Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ

Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎

Phần I: Định Từ thiền[1]



Chương 1: Định Và Tuệ

2” Cách rèn luyện hai Ba-la-mật sau cùng một cách cụ thể

(a) Những lợi ích của việc nuôi dưỡng định và tuệ

(b) Làm thế nào định và tuệ bao gồm tất cả mọi trạng huống của sự tập trung thiền

(c) Bản chất của định và tuệ

(d) Lý do phải nuôi dưỡng cả hai

(e) Làm thế nào để đạt một cách chắc chắn về thứ tự của chúng

––––––––––\––––––––––

Các đại sư cao quý đều có {tâm} đại từ bi; Con cúi đầu đảnh lễ dưới chân các ngài. [468]

2” Cách rèn luyện hai Ba-la-mật sau cùng[2] một cách cụ thể

Rèn luyện hai Ba-la-mật sau cùng, một cách cụ thể, là cách để nuôi dưỡng định từ thiền[3] và tuệ, vì định và tuệ được bao hàm một cách tương ứng trong các ba-la-mật về sự ổn định hóa trong thiền và trong trí huệ. Mục này có sáu phần:

  1. Các lợi ích của việc nuôi dưỡng định và tuệ
  1. Chỉ ra rằng cả hai định và tuệ bao gồm tất cả mọi trạng huống của sự tập trung thiền
  2. Bản chất của định và tuệ
  3. Lý do phải nuôi dưỡng cả hai
  4. Làm thế nào để đạt một cách chắc chắn về thứ tự của chúng
  5. Làm thế nào để luyện tập cho mỗi kỹ năng (chương 2-26)

(a) Những lợi ích của việc nuôi dưỡng định và tuệ

Tất cả các phẩm chất tốt đẹp thế tục và xuất thế của Đại thừa và Tiểu thừa đều là kết quả của định và tuệ. Kinh Giải Thâm Mật có ghi[4]:

Này Di-lặc, ngươi nên biết rằng tất cả những phẩm hạnh thế tục và xuất thế bất luận là của các Thanh Văn, Bồ-tát, hay Như Lai đều là kết quả của định và tuệ.

Vấn: Có hay không các phẩm hạnh diệu hảo của định và tuệ trong dòng tâm thức của các hành giả đã thành tựu chúng thông qua thiền? [469] Tại sao lại có thể xảy ra việc tất cả các phẩm hạnh diệu hảo là kết quả từ cả hai?

Đáp: Như sẽ được giảng giải, định và tuệ thực tế là những phẩm hạnh diệu hảo trong dòng tâm thức của những ai đạt được chúng từ thiền, cho nên tất cả các phẩm hạnh diệu hảo của Đại thừa và Tiểu thừa thì không phải đều là kết quả do bởi chúng {định và tuệ}. Tuy vậy, sự tập trung mà ít nhất có tính nhất tâm lên một đối tượng thiện đức được xem là định; những chánh kiến phân biệt được một đối tượng là ước lệ hay tối hậu được xem là trí huệ. Đây là điều mà kinh văn có ý chỉ ra trong việc dạy rằng tất cả những phẩm hạnh của Tam thừa[5] là kết quả từ định và tuệ, cho nên không có sự mâu thuẫn.

Với cùng một hàm ý, Đại Thừa Dưỡng Tín Kinh (Mahāyānā-prasāda-prabhāvanā-sūtra) nêu[6]:

Này đứa con của truyền thừa thiện hảo, danh mục này là thông điệp cho ngươi rằng tín tâm trong Đại thừa của các Bồ-tát – và thật ra, tất cả các pháp do Đại thừa – đều đến từ việc quán chiếu đúng về các thực tính và ý nghĩa {tức là quán} với một tâm thức không phân tán {tức là chỉ}.

Tâm thức không phân tán là sự nhất tâm về tinh thần, tức là định lực tánh, trong khi sự quán chiếu đúng về các thực tính và ý nghĩa là trí huệ phân biệt, tức là tuệ giác tánh. Do đó, quý vị phải thành tựu được tất cả phẩm hạnh của nhị thừa thông qua (1) duy trì sự phân tích {hay quán chiếu} với trí huệ phân biệt {trí bát-nhã} và (2) nhất tâm tập trung lên đối tượng của thiền. Quý vị không thành tựu được chúng qua thực hành phiến diện của riêng thiền quán hoặc thiền chỉ.

Cũng thế, Kinh Giải Thâm Mật nêu[7]:

Khi ai kia đã phát triển Tuệ

Và định, thì họ thoát khỏi

Ràng buộc của các xu hướng sai lạc

Và của sự lệ thuộc vào các biểu tướng

Ở đây, “các xu hướng sai lạc” là các thiên hướng nội tại tiềm ẩn trong dòng tâm thức của quý vị mà có thể sinh ra sự tăng trưởng các cấp độ của những nhận thức sai lạc; “biểu tướng” là các luyến chấp đang xảy ra tới các đối tượng sai lạc, mà nó nuôi dưỡng các thiên hướng nội tại đó. Trong Bát Nhã Ba-la-mật-đa Luận của ngài Ratnakāraśānti[8] [470] dạy rằng tuệ giác xóa tan được điều trước {các xu hướng sai lạc} trong khi định lực xóa bỏ được điều còn lại {các biểu tướng}[9].

Những điều này là các lợi ích thuộc về “định” và “tuệ”, nhưng ngay cả khi các thuật ngữ không được dùng đến, thì vẫn có các mệnh đề về các lợi ích của sự bình ổn thiền và trí huệ. Hãy nhận thức rằng các mệnh đề này mô tả các lợi ích của định và tuệ.

(b) Làm thế nào định và tuệ bao gồm tất cả mọi trạng huống của sự tập trung thiền

Những cành, lá, hoa và trái của một cây là không có giới hạn, nhưng điểm thiết yếu là ở chỗ chúng đều có cùng một gốc. Như ví dụ này, định và tuệ là nền tảng tối thắng ở chỗ chúng gồm thâu tất cả điều mà đức Phật nói về các trạng thái vô hạn của sự tập trung từ thiền trong Đại thừa và Tiểu thừa. Kinh Giải Thâm Mật nhận định[10]:

Hãy biết rằng định và tuệ bao gồm tất cả các khía cạnh của các trạng thái tập trung do thiền mà Thế Tôn đã thuyết với các Thanh Văn, Bồ-tát, và Như Lai

Do vậy, vì những ai dự định đạt được định lực từ thiền không thể lĩnh hội hết vô lượng các sắc tướng phân biệt, họ nên biết rõ và luôn dựa trên những kỹ năng để duy trì định và tuệ, tổng hợp của tất cả các sự tập trung. Trong phần thứ ba Giai Trình Thiền của ngài Liên Hoa Giới[11] có thuyết[12]:

Mặc dù Thế Tôn tại đó đã thuyết về các sự tập trung khác biệt nhau của Bồ-tát là bất khả tư lường, thì định và tuệ bao trùm tất cả chúng. Vậy nên chúng ta chỉ thuyết bàn về đạo pháp hợp nhất định và tuệ.

Và, như tuyên thuyết trong Giai Trình Thiền phần thứ nhì của Liên Hoa Giới nêu rõ[13]:

Vì cả hai bao gồm tất cả các trạng thái của thiền tập trung, tất cả các thiền giả chắc chắn trong mọi lúc đều nên dựa vào định và tuệ. [471]

(c) Bản chất của định và tuệ

Khi đề cập bản chất của định, Kinh Giải Thâm Mật nêu[14]:

Trong khi an trú tại nơi tĩnh mịch và hướng sự chú ý của mình vào nội tâm, ngươi chỉ chú mục đến các đề tài mà ngươi đã quán chiếu một cách cẩn thận. Sự chú tâm tinh thần của ngươi được tiến hành qua việc chú tâm liên tục vào bên trong. Trạng thái của tâm do ngươi thực hành điều trên, thường xuyên lưu giữ theo cách này và ở trong trạng thái mà cả tinh thần lẫn thể chất đều khởi lên sự nhu hoạt[Khinh an –nhưng nghĩa này không hợp theo nghĩa Anh ngữ — theio LĐ thì chữ Nhu Hoạt là chính xác!!!] được gọi là “định”.

Điều này có nghĩa là quý vị chọn một đối tượng thích hợp nào đó làm đối tượng của thiền, chẳng hạn như ngũ uẩn, mà đã được xác định là một đề mục trong Thập Nhị Bộ Kinh[15]. Với một sự toàn tâm[16] và tỉnh giác không phân tán, hành giả tập trung sự chú tâm vào đối tượng và giữ nguyên chú tâm đó liên tục, sao cho tâm thức của quý vị trở nên tự ổn định tương hợp với đối tượng của thiền. Khi quý vị tạo được hạnh phúc và hỷ lạc của sự nhu hoạt về thể chất và tinh thần, thì trạng thái tập trung thiền của hành giả trở nên định. Điều này chỉ xảy đến thông qua việc duy trì sự chú ý vào nội tâm của quý vị, không phân tán khỏi đối tượng của thiền; điều đó không tùy thuộc vào việc hiểu biết thực chất của sự việc.

Như bản chất của tuệ giác, đoạn kinh trên nêu ra[17]:

Sau khi ngươi đã đạt được nhu hoạt[18] về tinh thần và thể chất, hãy giữ trạng thái đó và loại bỏ các yếu tố tinh thần khác. Sau đó, thiền giả chú trọng vào bên trong và với trí phân biệt vào hình ảnh tinh thần mà đó vốn là nội hàm của sự tập trung thiền lên các chủ đề ngươi đã quán chiếu đến. Với sự liên hệ tới các hình ảnh vốn là nội hàm của sự tập trung như thế, sự phân biệt bất kì về ý nghĩa của các chủ đề đó, hay là sự phân biệt hoàn toàn, sự khảo sát xuyên suốt, sự quán chiếu xuyên suốt, sự trì nhẫn, sự mong ước, sự phân biệt về các chi tiết, quan điểm, hay ý tưởng được gọi là “tuệ giác”. Do đó Bồ-tát thiện xảo trong tuệ giác. [472]

Được kể lại rằng nhà sư Trung Hoa Ha-shang (Hva-shang), sau khi đọc thấy lời giải thích rất rõ ràng và không chối cãi được trong kinh này rằng tuệ giác là trí huệ phân biệt, đã la lên: “Ta không biết làm thế nào mà cái này có thể là một bộ kinh!” và đá nó đi. Ông ta làm thế vì tuyên thuyết của kinh đã không phù hợp với luận điểm của ông ta rằng bởi vì tất cả các định danh {niệm} về mọi thứ sẽ dính líu đến sự nắm bắt các biểu tướng, quý vị nên loại trừ với trí huệ phân biệt và thiền lên ý nghĩa sâu sắc này bằng cách không đem bất kì điều gì vào trong tâm thức. {Ông ta cho rằng} Cách tiếp cận thế này có rất nhiều bám chấp[19].

Trong đoạn kinh đó, “sự phân biệt” nghĩa là việc nhận ra tính phân hóa của các hiện tượng {hay các pháp} thế tục; “sự phân biệt hoàn toàn” nghĩa là việc nhận ra bản chất [tối hậu] thật sự của nó. Thánh giả Vô Trước giải thích rằng “sự khảo sát xuyên suốt” là khi ý niệm tại chỗ của trí huệ nắm bắt {thấu hiểu} một biểu tướng; “sự quán chiếu xuyên suốt” là sự thẩm tra đúng đắn. “Sự khảo sát” nghĩa là khảo sát thô thiển; “quán chiếu” nghĩa là phân tích chi tiết. Sự nắm bắt về một biểu tướng ở đây không phải là một khái niệm của thực hữu, mà đúng hơn là sự phân biệt chính xác các chi tiết về một đối tượng. Theo đó, có cả sự khảo sát và sự phân tích về bản chất thực tại lẫn sự phân hóa của các pháp.

Ứng với Kinh Giải Thâm MậtKinh Bảo Vân (Ratna-megha-sūtra) cũng nêu rõ:

Định là sự chú ý nhất tâm; tuệ là sự phân biệt đúng đắn[20].

Cũng thế, Bồ-tát Di-lặc có dạy trong Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận (mahāyāna-sūtralaṅkāra-kārikā[21]:

Biết như lộ trình của định.

Là việc viết gọn tên của một hiện tượng[22];

Hiểu như lộ trình của tuệ

Là sự quán chiếu lên các ý nghĩa của nó

[23],

Dựa trên một vững chãi chân thật

Qua việc hướng chú ý của ngươi vào tâm mình

Và qua sự phân biệt các pháp,

Hiện hữu định từ thiền và tuệ

Điều này khẳng định rằng sự bền vững của tâm trên cơ sở tập trung chân chính là định và trí huệ phân biệt các pháp là tuệ giác. [473] Vì các lời chú giải này có cùng hiệu lực như những gì các kinh trên đề cập, sẽ không thích đáng nếu giải thích các đoạn kinh trên theo một ý nghĩa khác.

Trong Bồ-tát Địa Luận, ngài Vô Trước cũng có dạy[24]:

Với tâm thức của hành giả hướng đến đối tượng của thiền một cách xác định mà đơn thuần không biểu tả sự vật hay ý nghĩa của nó, một nhận thức chăm chú không có tất cả các diễn tưởng[25] và không có tất cả sự phân tán tinh thần nào khỏi đối tượng bất kì của thiền. Sau đó “trạng thái định từ thiền”[26] tồn tại[27] kể từ thời điểm mà sự tập trung tư tưởng nội tại được bền vững hóa và dồn chú ý vào một biểu tướng và giữ lâu cho đến khi nó vẫn còn duy trì một dòng đơn nhất, kéo dài và bảo lưu sự tập trung. Tuệ giác là gì? Ngươi đem vào tâm các biểu tướng của chính các pháp mà ngươi đang quán chiếu, áp dụng cùng một cách chú tâm mà được ngươi dùng để nuôi dưỡng định. “Tuệ giác” là bất kỳ điều gì kể từ thời điểm của hoặc sự phân biệt, hoặc sự phân biệt hoàn toàn, hoặc sự phân biệt hoàn toàn về các pháp, và cho đến khi nào thiện xảo và trí huệ còn vận hành cùng khắp.

Mệnh đề này tương ứng với các trích dẫn bên trên. Nó cung cấp một chú giải với cùng một hiệu quả như kinh điển và luận văn của Thánh Giả {tức là ngài Vô Trước}, nên nó chứng thực điều chắc chắn về sự nhận diện đã đề cập của định và tuệ. Phần thứ hai Giai Trình Thiền cũng có nêu[28]:

Sau khi đã dập tắt được sự phân tán vào các đối tượng bên ngoài, ngươi ngưng nghỉ vào trong tâm hỷ lạc và nhu hoạt vốn được đặt lên một đối tượng nội tại của thiền một cách tự nhiên và liên tục. Điều này được gọi là định từ thiền. Trong khi ngươi lưu lại trong định, sự phân tích {hay quán chiếu} bất kỳ về chính đối tượng đó gọi là tuệ giác.

Trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Luận, ngài Bảo Sinh Tịnh {Ratnakāraśānti} cũng có dạy[29]:

Về điều đó, đối tượng của định trong thiền là một hình ảnh không rời rạc của điều gì đó vốn thuộc về một trường hợp phân hóa của các hiện tượng hay của một điều gì đó vốn biểu thị bản chất thật sự. [474] Đối tượng của tuệ trong thiền là một hình ảnh rời rạc của điều nào đó vốn là một trường hợp về sự phân hóa của các pháp hay điều nào đó vốn biểu thị bản chất thật sự.

Điều này khẳng định rằng định từ thiền là sự ổn định không rời rạc lên một điều gì đó trong số các phân hóa hay bản chất thật của các pháp; và tuệ giác là sự quán chiếu {phân tích} về một trong hai điều đó. Đây cũng là ý nghĩa chủ định của đoạn kệ trong Đại Thừa Trang Nghiêm Luận Tụng[30]:

“Bạch Thế Tôn, bao nhiêu đối tượng mà [trạng thái] định có?”

Phật thuyết: “Một, cụ thể là một ảnh không rời rạc”.

“Bao nhiêu đối tượng mà trạng thái tuệ có?”

“Chỉ một, một hình ảnh rời rạc”.

“Có bao nhiêu đối tượng của cả hai?”

“Hai, cụ thể là các giới hạn của sự tồn tại và sự thành tựu mục đích của ngươi”

Vi Diệu Pháp Tập Luận (Abhidharma-samuccaya) của Vô Trước khẳng định rằng “các giới hạn của sự tồn tại” là cả sự phân hóa lẫn bản chất thật sự của các pháp[31], vậy nên định và tuệ đều dùng được cả những pháp tối hậu lẫn ước lệ làm các đối tượng cho thiền, như đã được ngài Bảo Sinh Tịnh giải thích như trên. Do đó, định từ thiền và trí huệ là không phân biệt trong nội dung về các đối tượng tương ứng của chúng trong thiền, vì có định từ thiền nhận biết tính Không và có trí huệ không nhận biết tính Không. Trong định từ thiền (zhi gnas), tâm thức quý vị chuyển hướng lặng lẽ (zhi) đến các đối tượng bên ngoài, và sau đó dừng trụ (gnas) lại lên một đối tượng bên trong của thiền; tuệ giác (lhag mthong) là tối cao (lhag pa); nghĩa là đặc trưng, thấy biết (mthong).

Một số cho rằng một tâm thức dừng nghỉ trong một trạng thái không rời rạc thiếu cường độ mạnh là định, trong khi một tâm thức như thế cùng với cường độ mạnh mẽ là tuệ. Điều này không đúng vì nó mâu thuẫn với các định nghĩa về định và tuệ được thiết lập nhiều chi tiết trong các nguồn như là trong các ngôn từ của đấng Chiến Thắng, các giáo pháp của Đấng Nhiếp Chánh[32], các luận của Vô Trước và Giai Trình Thiền của Liên Hoa Giới. Các kinh luận này nói rằng định từ thiền là sự chú tâm tập trung một điểm vào một đối tượng của thiền, trong khi tuệ giác là trí huệ phân biệt một cách đúng đắn về ý nghĩa của một đối tượng của tri kiến. [475] Cụ thể, sự hiện hữu hay không của cường độ sáng tỏ của tâm thức trong một ý thức phi định danh[33] cho thấy khả năng của sự tập trung có bị hôn trầm hay không[34]; hoàn toàn không đúng khi cho rằng đó là sự khác nhau giữa định và tuệ. Lý do là vì trong tất cả các sự tập trung tinh thần của định từ thiền, quý vị nhất thiết phải dẹp sạch hôn trầm, và là vì mọi sự tập trung tinh thần miễn khỏi hôn trầm là các trạng thái sáng rõ không thay đổi của tâm[35].

Do đó, hãy nhận định sự tập trung tinh thần và trí huệ mà chúng hướng tới bản chất thật theo cách mà tâm thức của quý vị có nhận biết được đối tượng của tâm mình thuộc về một trong nhị Không[36] hay không. Chớ nên nhận định chúng theo cách mà tâm thức quý vị dừng nghỉ trong một trạng thái không rời rạc, rõ ràng, và hỷ lạc, bởi vì có vô số các trạng thái tập trung tinh thần với hỷ lạc, rõ ràng và không rời rạc nhưng lại chưa định hướng tâm của quý vị đến thực tại của các đối tượng, tức là một sự thiếu vắng bản ngã của các trạng thái đó. Ngay cả khi không có việc tìm kiếm tri kiến để nhận biết cách thức mà sự vật hiện hữu, thì tâm thức hoàn toàn không rời rạc bất kỳ vẫn có thể đủ để tạo ra sự hỷ lạc và rõ ràng. Ngay cả khi không có hiểu biết về tính Không thông qua việc xác lập nhận thức về nó, thì không có gì ngăn cản quý vị phát triển sự tập trung tinh thần không rời rạc. Nếu giữ được tâm thức theo cách đó trong thời gian lâu dài thì quý vị khiến cho các khí lực trở nên khả dụng. Một khi điều này xảy ra, thì không gì ngăn được việc sinh khởi của hỷ lạc, vì đó là bản chất của một năng lực khả dụng như thế để tạo ra sự vui sướng và hỷ lạc về tinh thần và thể chất. Một khi hỷ lạc đã sinh khởi, thì sẽ xuất hiện sự rõ ràng của tinh thần trong các cảm giác về niềm vui sướng và hỷ lạc. Vì lý do này, đã có nhiều nguồn kinh luận quyền năng chứng minh rằng tất cả những tập trung tinh thần có tính hỷ lạc, rõ ràng, và không rời rạc đều thấy biết thực tại. Do đó, tuy hỷ lạc, rõ ràng, và không rời rạc hiện hữu trong các lần tập trung tinh thần vốn thấy biết tính Không, thì vẫn thường xảy ra các sự tập trung tinh thần mà không trực tiếp hướng vào tính Không, cho nên quý vị phải phân biệt được hai trạng thái này.

(d) Lý do phải nuôi dưỡng cả hai

Tại sao là thiếu sót khi chỉ nuôi dưỡng riêng từng phẩm chất định hay tuệ? Tại sao cần thiết để nuôi dưỡng cả hai? Ta sẽ giải thích. [476]

Khi quý vị đốt một ngọn đèn dầu để ngắm một bức tranh vào giữa đêm, quý vị sẽ thấy các miêu tả [trong tranh] rất rõ ràng nếu ngọn đèn rất sáng và không bị chập chờn bởi gió. Nếu đèn không sáng, hay sáng tỏ nhưng lại bị lung linh trong gió thì quý vị sẽ không thấy các hình ảnh rõ ràng. Cũng thế, khi truy tầm ý nghĩa sâu sắc, quý vị sẽ thấy rõ thực tại nếu quý vị có đủ trí huệ để nhận thức một cách không sai sót ý nghĩa của thực tại và một sự chú tâm không dịch chuyển lưu giữ trên đối tượng của thiền bao lâu tùy ý quý vị. Dù sao, nếu quý vị không có trí huệ để thấy biết cách thức mà sự vật hiện hữu – ngay cả khi quý vị có một sự tập trung tinh thần không gián đoạn mà trong đó tâm thức quý vị ổn định và không phân tán sang các đối tượng khác – thì quý vị vẫn thiếu đi đôi mắt để thấy thực tại. Do vậy, sẽ không thể biết sự vật hiện hữu thế nào bất kể quý vị phát triển định lực của mình đến đâu. Và ngay cả khi có một tầm nhìn hiểu biết về thực tại – tức là vô ngã – nếu quý vị thiếu một sự tập trung vững chắc có thể lưu giữ một cách nhất tâm lên đối tượng của nó, thì cũng không thể nào thấy được rõ ràng ý nghĩa về cách thức mà sự vật hiện hữu bởi vì quý vị sẽ bị quấy nhiễu bởi các khí lực của tư tưởng rời rạc dao động không khống chế được. Đây là lý do quý vị cần cả định và tuệ. Trong phần thứ hai Giai Trình Thiền, Liên Hoa Giới có dạy[37]:

Với tuệ giác trần trụi thiếu định, tâm thức thiền giả bị phân tán bởi các đối tượng như ngọn đèn dầu trước gió, nó sẽ không thể vững bền. Vì lý do này, những gì trí huệ siêu việt thấy được sẽ không rõ ràng. Như thế, hãy nương dựa vào cả hai một cách ngang nhau. Do đó, Kinh Đại Bát Niết-bàn (Mahā-parinirvāṇa-sūtra) có dạy:

Thanh Văn không thấy truyền thừa của các Như Lai vì sự tập trung tư tưởng của họ lớn hơn trí huệ của họ; các Bồ-tát thấy nó, nhưng không rõ, vì trí huệ của họ lớn hơn sự tập trung của họ. Các Như Lai thấu suốt mọi vật vì họ có định và tuệ ngang bằng. [477]

Với định lực, tâm thức của các ngươi – như ngọn đèn ở nơi không gió – sẽ không xao động bởi các ngọn gió của tư tưởng rời rạc. Với tuệ giác, những thứ khác không thể làm chệch hướng ngươi vì ngươi đã loại trừ những vướng mắc vô hạn của các tà kiến. Như trong Kinh Nguyệt Đăng[38] (Candrapradīpa-sūtra) có dạy:

Năng lực của định từ thiền làm cho tâm thức của các ngươi vững bền; tuệ giác làm cho nó giống như một ngọn núi.

Vậy nên dấu hiệu của định từ thiền là sự chú tâm của quý vị lưu lại đúng ở nơi nó đặt lên mà không có sự phân tán khỏi đối tượng của thiền. Dấu hiệu của tuệ giác là việc quý vị thấy biết thực tại về vô ngã và loại trừ các tà kiến như là quan điểm về ngã; tâm thức quý vị như một ngọn núi không bị rung động bởi các đối lập. Do đó, quý vị nên phân biệt hai dấu hiệu này.

Trước khi đạt được trạng thái định do thiền, quý vị có thể dùng đến trí huệ phân biệt để phân tích ý nghĩa của vô ngã, nhưng tâm thức quý vị thì lại cực kỳ không bền vững, như ngọn đèn trước gió, nên khái niệm của quý vị về vô ngã thật không rõ ràng. Mặt khác, nếu quý vị quán chiếu khi đã thành tựu được định, quý vị sẽ tránh được các sai sót do sự không bền vững quá mức, cho nên khái niệm của quý vị về vô ngã sẽ rõ ràng. Do vậy, trạng thái tinh thần của tuệ giác có một phẩm chất về sự bền vững được dẫn xuất từ định từ thiền với đặc tính không rời rạc và có một phẩm chất của việc thấy biết cách thức sự vật hiện hữu, điều vốn không dẫn xuất từ định từ thiền. Chẳng hạn, khả năng của một ngọn đèn để chiếu sáng các hình tướng dẫn xuất từ bấc {tim đèn dầu} và các thời điểm liền trước đó của ngọn lửa; nó không dẫn xuất từ các thứ như là bóng đèn {hay cái chụp đèn} che chắn cho nó khỏi gió thổi. Mặc dù thế, độ bền vững về ngọn lửa ổn định của ngọn đèn lại dẫn xuất từ chụp đèn này. Do đó nếu quý vị tiến hành quán chiếu với một trí huệ giữ trong cân bằng về thiền của trạng thái định – tức là trạng thái không bị quấy nhiễu bởi hôn trầm hay trạo cử – thì quý vị sẽ hiểu được ý nghĩa của thực tại. Hãy nhớ trong tâm mình khẳng định từ Kinh Kết Tập Pháp (Dharma-saṃgīti-Sūtra[39]:

Khi tâm thức ngươi trong trạng thái cân bằng thiền, ngươi sẽ hiểu thực tại như nó là.

Trong phần thứ nhất của Giai Trình Thiền, Liên Hoa Giới có nêu[40]: [478]

Vì tâm ngươi lưu chuyển như một dòng sông, nó không ngừng nghỉ nếu không có một nền tảng về định từ thiền; một tâm thức mà không ở trong sự cân bằng thiền không thể hiểu thực tại như nó là. Cũng vậy, Như Lai thuyết: “Với sự cân bằng thiền, ngươi tri kiến thực tại như nó là”.

Khi thành tựu trạng thái định, quý vị không chỉ ngừng sự sai sót của việc dịch chuyển trong ý thức trí huệ vốn quán chiếu lên vô ngã một cách đúng đắn, mà quý vị còn ngừng cả sai sót của việc phân tán khỏi đối tượng thiền mỗi khi dùng đến trí huệ phân biệt để tiến hành thiền quán lên các chủ đề như là vô thường, nghiệp và các hậu quả của nó, những sai sót của luân hồi, từ ái, bi mẫn, hay luyện tập về tâm giác ngộ. Bất kể đối tượng của thiền là gì, quý vị tiến hành thiền không bị phân tán, nên công đức mà quý vị nuôi dưỡng sẽ mạnh mẽ hơn nhiều. Mặt khác, khi chưa đạt trạng thái định, quý vị làm suy giảm các đức hạnh của mình do sự phân tán thường xuyên vào các đối tượng khác. Như trong tác phẩm Nhập Bồ-đề Hành Luận (Bodhicaryāvatāra), ngài Tịch Thiên có nêu[41]:

Kẻ tâm thức mình bị phân tán

Sống giữa nanh vuốt của vô vàn khổ đau.

[42]:

Đấng Chánh Biến Tri đã dạy rằng

Kẻ nguyện cầu, kẻ khổ hạnh và tương tự –

Ngay cả ai đã rèn luyện lâu ngày

Là chưa làm được gì nếu với một tâm phân tán.

Do đó, mục tiêu của việc thành tựu tập trung tư tưởng mà trong đó tâm thức quý vị đặt bền vững không rời rạc lên một đối tượng duy nhất mà không phân tán là để có sự khả dụng về tinh thần – tức là khả năng định hướng hoàn toàn theo ý muốn sự chú tâm của quý vị vào các đối tượng công đức của thiền. Nếu quý vị tập trung sự chú tâm lên một đối tượng thiền duy nhất, quý vị có thể lưu giữ ở đó, nhưng nếu quý vị thả lỏng nó, nó sẽ tiếp diễn như ý muốn đến các đối tượng công đức vô lượng như là nước đổ vào các dòng kênh tưới tiêu êm ả. [479] Do đó, sau khi quý vị đã đạt được trạng thái định từ thiền, quý vị phải duy trì trong các đối tượng và động thái thiền mà chúng ngưng được các sai sót vô hạn và đem lại các công đức vô lượng, như là thức trí huệ tập trung vào bản chất thật sự và sự phân hóa của các hiện tượng, bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, tín tâm, và sự tan biến các ảo ảnh của luân hồi. Hãy nhận ra rằng việc giữ bền tâm thức quý vị liên tục bằng cách gắn chặt nó vào một đối tượng thiền duy nhất sẽ không đem lại các lợi ích to tát nào trong việc thực hành công đức, nếu làm điều này mà không có nhận thức sâu sắc về mục tiêu của việc thành tựu trạng thái định.

Do vậy, nếu quý vị bác bỏ thiền quán với trí huệ phân biệt trong cả phương diện hành vi Ba-la-mật-đa lẫn trong phương diện quan điểm về Ba-la-mật-đa, thì việc nuôi dưỡng sự tập trung nhất tâm của quý vị sẽ rất yếu. Kỹ năng để tạo ra sự chắc chắn mạnh mẽ và lâu bền về ý nghĩa của vô ngã là sự quán chiếu được duy trì liên tục với trí huệ phân biệt. Thiếu một tuệ giác như thế lên bản chất thật sự, thì bất kể quý vị đã nuôi dưỡng định trong bao lâu, quý vị chỉ có thể ngăn sự hiển lộ của các đau khổ; quý vị không thể đào tận gốc rễ các hạt giống của chúng. Do vậy, không chỉ nuôi dưỡng định mà quý vị cũng cần nuôi dưỡng tuệ giác vì như Liên Hoa Giới có đề cập trong phần thứ nhì trong Giai Trình Thiền[43]:

Việc chỉ nuôi dưỡng định riêng lẻ không giúp thoát khỏi các ngăn che của một hành giả; nó chỉ ngăn chặn các khổ đau trong một thời gian. Trừ khi có được ngọn đèn trí huệ, quý vị không thể tiêu hủy các xu hướng tiềm tàng. Vì lý do này mà Trang Nghiêm Luận nêu[44]:

Ổn định thiền ngăn chặn các đau khổ; trí huệ tiêu hủy các xu hướng tiềm tàng.

Cũng thế, Chánh Định Vương Kinh[45] (samādhirāja-sūtra) nêu[46]:

Mặc dù các phàm phu nuôi dưỡng tập trung tinh thần

Họ không phá hủy được quan niệm về ngã.

Những phiền não của họ trở lại gây rối họ,

Uất-đà-la, như họ đã nuôi dưỡng tập trung tinh thần theo cách này[47].

Nếu ngươi phân biệt một cách có suy lý về sự thiếu vắng của ngã trong các pháp

Và nếu ngươi nuôi dưỡng quán chiếu này trong thiền

Thì sẽ tạo quả, đạt đến Niết-bàn; [480]

Không có an lạc nào qua các phương tiện bất kì nào khác.

Bồ-tát Tạng Kinh (Bodhisattva-piṭāka) cũng có nêu[48]:

Những ai chưa tu học nội dung Bồ-tát Tạng Kinh, chưa tu học giới luật chánh pháp, và những ai suy diễn ý tưởng về một sự đầy đủ chỉ từ trong tập trung tinh thần sẽ té ngã bởi niềm kiêu hãnh của họ trở thành một ý tưởng tự thổi phồng về chính mình. Họ sẽ không thoát khỏi sinh , lão, bệnh, tử, đau xót, than khóc, phiền não, bất hạnh, và rối loạn; họ sẽ không thoát khỏi sáu giới của luân hồi[49]; họ sẽ không thoát khỏi hợp uẩn của đau khổ. Với điều này trong tâm, Như Lai thuyết. “Tu học từ những người khác điều gì thích đáng, ngươi sẽ thoát khỏi lão và tử”.

Như vậy, những ai tìm kiếm trí huệ siêu việt thuần khiết viên mãn từ đó mọi ngăn trở đều bị xóa tan đều nên nuôi dưỡng trí huệ trong lúc vẫn lưu giữ ở trạng thái định. Về điểm này, Bảo Tích Kinh Bộ (Ratna-kūṭa-grantha) dạy rằng[50]:

Trì giới, ngươi sẽ đạt được tập trung tinh thần;

Thành tựu được tập trung tinh thần, ngươi nuôi dưỡng trí huệ;

Với trí huệ ngươi thành tựu trí huệ siêu việt thuần khiết;

Khi trí huệ siêu việt của ngươi thuần khiết, thì việc giữ giới của ngươi là toàn hảo {tức là trì giới Ba-la-mật-đa}

Và Kinh Đại Thừa Dưỡng Tín dạy rằng[51]:

Thiện Nam Tử, nếu ngươi không có trí huệ, ta sẽ không nói rằng người có tín tâm nơi Đại thừa của các bậc Bồ-tát, mà ta cũng không nói rằng ngươi biết bản chất thật sự nơi Đại thừa.

(e) Làm thế nào để có sự tin chắc về thứ tự của chúng

Trong Nhập Bồ-đề Hành Luận, Tịch Thiên dạy[52]:

Tuệ giác hiện hữu từ định

Tiêu hủy các khổ đau.

Thấy biết được điều này,

Hãy tìm định từ đầu.

Theo khẳng định này, trước tiên ngươi thành tựu định từ thiền và tiếp sau nuôi dưỡng trí huệ trên cơ sở đó. [481]

Vấn: Trong phần thứ nhất Giai Trình Thiền[53], Ngài Liên Hoa Giới nói: “đối tượng thiền của nó thì không xác định”, nghĩa là đối tượng thiền của định từ thiền là không xác định. Như đã giải thích trên, đối tượng thiền của định từ thiền có thể là tự chính thực tại hay một hiện tượng thông thường hiện hữu trong thực tại. Nếu trước tiên ngài hiểu biết ý nghĩa của vô ngã, sau đó thiền trong khi tập trung vào điều này, thì điều đó cũng đủ để đồng thời sinh ra cả trạng thái định của một tâm thức không phân tán và trí huệ tập trung vào tính Không. Tại sao lại nói rằng trước tiên phải tìm kiếm trạng thái định rồi mới nuôi dưỡng tuệ giác?

Đáp: Cách thức mà trong đó định đi trước tuệ là như sau. Quý vị không cần có sẵn định để tuần tự phát triển một hiểu biết về quan điểm thấy biết rằng ngã không hiện hữu, vì chúng ta đều thấy được rằng ngay cả những ai chưa đạt định cũng có thể phát triển quan điểm này. Quý vị cũng không cần có định từ trước để trải nghiệm sự chuyển hóa tinh thần trong việc chú trọng đến quan điểm này bởi vì không có gì ngăn cản sự chuyển hóa tinh thần mang tới từ việc tu tập về quán chiếu thuần thục bằng trí huệ phân biệt, ngay cả khi không có mặt trạng thái định. Nếu quý vị cho rằng sự vắng mặt của định ngăn trở sự chuyển hóa tinh thần; trong việc chú trọng đến quan điểm này, thì cũng chính lập luận này buộc quý vị kết luận một cách cực kỳ vô lý rằng trạng thái định là đòi hỏi phải có ngay cả cho việc trải nghiệm về sự chuyển hóa tinh thần khi thiền về tính vô thường, về các sai sót của luân hồi hay về tâm giác ngộ.

Vậy thì tại sao định lực cần thiết cho tuệ giác? Theo Kinh giải Thâm Mật[54], thì chừng nào việc tu tập về sự phân biệt và sự phân biệt đặc biệt cùng với trí huệ phân biệt không thể khởi tạo được sự nhu hoạt về tinh thần và thể chất thì nó cấu thành một loại chú tâm vốn tiếp cận đến tuệ giác; một khi nó khởi tạo nhu hoạt thì nó trở thành tuệ giác. Do vậy, nếu quý vị chưa đạt tới định, thì bất kể quý vị thiền quán bao nhiêu với trí huệ phân biệt, kết cuộc quý vị sẽ không thể khởi tạo được niềm khoái cảm và hỷ lạc của sự nhu hoạt tinh thần và thể chất. Một khi quý vị có được định từ thiền, thì ngay cả thiền quán về trí huệ phân biệt sẽ đạt đến nhu hoạt tột độ. [482] Do đó, trí huệ đòi hỏi trạng thái định từ thiền như là một nguyên nhân. Điều này sẽ được giải thích như sau.

Trí huệ phân biệt trở thành tuệ giác khi mà nó có thể khởi tạo sự nhu hoạt thông qua năng lực của phân tích, dù là không có sự chú tâm lên một đối tượng đơn nhất. Vậy nên việc khởi tạo sự nhu hoạt qua việc đặt chú tâm của quý vị lên một đối tượng duy nhất của thiền – ngay cả khi đối tượng đó là tính Không – thì không khác chi hơn là một cách để thành tựu định; riêng điều đó {trí huệ phân biệt} không thôi thì không thể xem như là tuệ giác. Tại sao vậy? Nếu quý vị khởi tìm kiếm một hiểu biết về vô ngã trước, tức là việc phân tích ý nghĩa của nó lặp lại nhiều lần, thì sẽ không thể nào thành tựu được định trên cơ sở phân tích này bởi vì quý vị chưa hề đạt tới trạng thái định trước đó. Nếu quý vị tiến hành thiền định mà không có quán, quý vị sẽ thành tựu định trên cơ sở đó. Dù sao đi nữa, vì không có cách nào để duy trì tuệ giác ngoại trừ qua việc duy trì định, nên quý vị phải tìm kiếm tuệ giác sau. Do vậy, điều này không rơi ra ngoài dạng thức mà trong đó, tìm kiếm định trước, rồi quý vị dựa trên đó nuôi dưỡng tuệ giác.

Theo đó, cách thức mà tuệ giác phát triển là sự thiền quán phân biệt tạo ra nhu hoạt. Nếu điều này không như thế, thì sẽ không có lý do nào để tìm kiếm định trước và tiếp sau nuôi dưỡng tuệ giác dựa trên đó. Việc thất bại tiến hành thiền theo các trình tự này thì không mấy thích đáng vì Giải Thâm Mật Kinh[55] khẳng định trong đoạn đã trích dẫn bên trên rằng quý vị nuôi dưỡng tuệ giác trên cơ sở đã đạt được định. Cũng thế, thứ tự của thiền định và trí huệ trong lục độ Ba-la-mật-đa – mà trong đó dạy rằng “phẩm tính sau phát triển dựa trên phẩm tính trước đó” – cũng như là dãy thứ tự trong việc rèn luyện trí huệ bậc cao hơn dựa trên việc rèn luyện tập trung tư tưởng cao hơn là tương hợp với dãy thứ tự trong đó quý vị nuôi dưỡng định trước và rồi nuôi dưỡng tuệ giác. Trong Bồ-tát Địa (đã trích trước đây)[56] và Thanh Văn Địa (Śrāvaka- bhūmi) của ngài Vô Trước cho thấy tuệ giác được nuôi dưỡng trên cơ sở của định từ thiền. [483] Cũng thế, trong các tác phẩm “Trung Đạo Tâm Luận” của Thanh Biện, “Nhập Bồ-đề Hành Luận” của Tịch Thiên, và ba phần trong “Giai Trình Thiền” của Liên Hoa Giới[57], “Bảo Tích Tịnh” { Ratnakaraśānti} của Tuệ Xứng {jñāna-kīrti} , tất cả đều khẳng định rằng quý vị nuôi dưỡng tuệ giác sau khi đã tìm kiếm được định lực trước đó. Một số đại sư Ấn-độ cho rằng không cần tìm định riêng rẻ, quý vị khởi tạo tuệ giác ngay từ khi bắt đầu thông qua quán chiếu bởi trí huệ phân biệt. Vì quan điểm này mâu thuẫn với các kinh luận của những bậc đi tiên phong, nên kẻ khôn ngoan sẽ thấy rằng nó là điều không tin tưởng được.

Đây là thứ tự khi quý vị vừa mới phát triển định và tuệ lần đầu; sau này thì không xác định thứ tự như thế nữa, quý vị có thể nuôi dưỡng định sau việc phát triển tuệ giác trước đó.

Vấn: Trong Vi Diệu Pháp Tập Luận[58] ngài Vô Trước có dạy: “một số thành tựu tuệ giác, nhưng lại không đạt được định; họ phấn đấu để đạt định từ trên cơ sở của tuệ giác”. Ngài giải thích điều này như thế nào?

Đáp: Điều này có nghĩa là họ chưa thành tựu định của trình độ an định thiền đầu tiên {hay trình độ bình ổn thiền đầu tiên}, hay các trình độ cao hơn; điều đó không loại trừ việc họ đã đạt tới định mà được bao hàm trong việc truy cập đến trình độ bình ổn thiền đầu tiên[59]. Cũng thế, một khi quý vị có tri kiến nhận thức về Tứ Diệu Đế, quý vị có thể thiết lập trên cơ sở đó định lực về trình độ bình ổn thiền đầu tiên thật sự và những bình ổn thiền cao hơn. Ngài Vô Trước có dạy trong Du-già Sư Địa Luận (Yogācāra-bhūmi)[60]:

Ngoài ra, ngươi có thể biết một cách chính xác thực tại về các chân lý này từ Khổ cho đến Đạo, mà chưa thành tựu được trình độ bình ổn thiền đầu tiên, v.v… Vừa lúc tri kiến về các chân lý này xảy đến, ngươi bình ổn tâm mình và không phân tích các pháp. Trên cơ sở trí huệ cao hơn này, ngươi mưu cầu tu tập các trạng thái cao hơn của ý thức.

Nói chung, nhằm lợi ích cho việc hiểu biết toàn diện các thuật ngữ, có chín trạng thái tinh thần[61] được gọi là định từ thiền và bốn lớp quán chiếu[62] được gọi là tuệ giác. Dù sao, quý vị phải áp dụng các thuật ngữ “định thật sự” và “tuệ giác thật sự” – như sẽ được giải thích – sau khi phát khởi nhu hoạt.


[1]Nhắc lại, Định từ thiền là thuật ngữ được dùng để chỉ khả năng hay trạng thái định có được từ việc huân tập thiền, tương ứng với thuật ngữ thiền định. Tuy nhiên, vì nguyên bản dùng thuật ngữ “meditatative serenity” với danh từ chính là serenity và tính từ bổ nghĩa của nó là meditative nhấn mạnh định lực có được từ thiền.

[2]BA1 Đề mục 2”. Đặc biệt cách thức rèn luyện hai Ba-la-mật-đa cuối là phần thứ hai của hai đề mục con thuộc về RLCM 3) với tựa là Tu luyện cho người có căn cơ cao trong giai trình của đạo (LRCM:283). Hai đề mục con (LRCM:364) c” Tiến trình tu học Lục độ Ba-la-mật-đa bao gồm cả 1″ Cách thức rèn luyện bồ-đề tâm một cách tổng quát và 2″ đặc biệt, cách thức rèn luyện hai Ba-la-mật cuối cùng.

[3]Nhắc lại, ở đây thuật ngữ định từ thiền dùng để chỉ định lực thành tựu từ việc tu tập thiền. Ở đây có thể hiểu định từ thiền chính là thiền định Ba-la-mật-đa và tuệ là trí huệ Ba-la-mật-đa.

[4]BA2 saṃdhinirmocana nāma-mahāyānā-sūtra (Sn), Lamotte 1935: 111; P774:17.3.3-4.

[5]Theo Rigpa Wiki thì có hai cách hiểu về Tam thừa. Trong khuôn khổ nguyên thủy thì Tam thừa bao gồm Thanh Văn thừa (śrāvakayāna), Độc Giác thừa (pratyekabuddhayāna) và Bồ-tát thừa (bodhisattvayāna). Cách hiểu thứ hai theo khuôn khổ của Kim Cang thừa thì Tam thừa bao gồm Tiểu thừa (Hīnayāna) , Đại thừa (Mahāyāna) và Kim Cang thừa (Vajrayāna). Three yanas. Rigpa shedra. Truy cập: 14/01/2012.

 <http://www.rigpawiki.org/index.php?title=Three_yanas>.

[6]BA3 Ārya-mahāyānā-prasāda-prabhāvana-Namā-sutra P812:239.4.4-5

[7]BA4 Sn, Lamotte 1935:111; P774: 6.2.6-7

[8]Tên dịch nghĩa của ngài Ratnakāraśānti là Bảo Sinh Tịnh. Ngài là một đệ tử của đại sư Nāropā và là sư phụ của Atiśa sống trong thế kỉ thứ 10. (John J Makransky Buddha Hood Embodied State University of New York Press (July 1997) P269)

[9]BA5 Prajñā-pāramitopadesa (Bát-nhã Ba-la-mật-đa Hành), P5579:246.2.8-3.1

[10]BA6 Sn, Lamotte 1935:110; P774: 17.2.8-3.1

[11]Liên Hoa Giới (sa. Kamalaśīla) (fl. 713-763) một đại luận sư của truyền thừa Nālandā tháp tùng với ngài Tịch Hộ (sa. śāntarakṣita) (thế kỉ thứ 8) đến Tây Tạng hoằng đạo. Ngài là người đã chiến thắng trong một cuộc tranh luận kéo dài trong hai năm với một thiền sư Trung Hoa là Moheyan (和尚摩訶衍) theo chủ trương trực tiếp giác ngộ trong khi Liên Hoa Giới cho rằng tiến trình giác ngộ theo mật điển Nālandā thì phải là theo trình tự.

[12]BA7 Bhāvanākrama (Quảng Thích Bồ-đề Tâm Luận) Phần thứ ba (Bk3), Tucci 1971:1; D3917:ki 55B6-56A1

[13]BA8 Bhāvanākrama (Quảng Thích Bồ-đề Tâm Luận) Phần thứ hai (Bk2), P531:31.3.8

[14]BA9 Sn, Lamotte 1935:89; P774:13.4.5-7

[15](BA10)Thập Nhị Bộ Kinh là mười hai bộ kinh, là một cách phân loại kinh điển như sau:

  1. Kinh (經, sa. sūtra) hoặc Khế kinh (契經), chỉ những bài kinh chính Phật thuyết;
  2. Trùng tụng (重頌, sa. geya) hoặc Ứng tụng (應頌), một dạng kệ tụng mà trong đó nhiều câu được lặp đi lặp lại;
  3. Thụ ký (受記, sa. vyākaraṇa), chỉ những lời do Phật tiên đoán, chứng nhận cho các vị bồ-tát, đệ tử mai sau thành Phật và những việc sẽ xảy ra…;
  4. Kệ-đà (偈陀, sa. gāthā), hay kệ, cũng được gọi là Ký chú (記註), những bài thơ ca không thuật lại văn trường hàng;
  5. Tự thuyết ([無問] 自說, sa. udāna) hoặc Tán thán kinh (讚歎經), chỉ những bài kinh mà Phật tự thuyết, không phải đợi người thỉnh cầu mới trình bày;
  6. Nhân duyên (因緣, sa. nidāna) hay Quảng thuyết (廣說), chỉ những bài kinh nói về nhân duyên khi Phật thuyết pháp và người nghe pháp…;
  7. Thí dụ (譬喻, sa. avadana) hoặc Diễn thuyết giải ngộ kinh (演說解悟經), chỉ những loại kinh mà trong đó Phật sử dụng những thí dụ, ẩn dụ để người nghe dễ hiểu hơn;
  8. Như thị pháp hiện (如是法現, sa. itivṛttaka) hoặc Bản sự kinh (本事經), chỉ những bài kinh nói về sự tu nhân chứng quả của các vị đệ tử trong quá khứ, vị lai;
  9. Bản sinh kinh (本生經, sa. jātaka), hay chuyện tiền thân đức Phật, truyện tái sanh của Bồ Tát, Túc sanh truyện, những kinh nói về đời trước của đức Phật khi còn là Bồ Tát.

10.Phương quảng (方廣), Phương đẳng (方等, sa. vaipulya) thuộc loại kinh điển đại thừa là phần kinh có nghĩa lý sâu xa bí mật.

11.Hi pháp (希法, sa. adbhutadharma) hoặc Vị tằng hữu (未曾有), kinh nói về thần lực chư Phật và thánh đệ tử, cảnh giới kì diệu, hi hữu.

12.Luận nghị (論議, sa. upadeśa), cũng được gọi là Cận sự thỉnh vấn kinh (近事請問經), chỉ những bài kinh có tính cách vấn đáp với lí luận cho rõ lí tà, chính. 

[16]Thuật ngữ tương đương với toàn tâm mà bộ sách này vẫn dùng là chánh niệm.

[17]BA11 Sn, Lamotte 1935: 89; P774: 13.4.7-13.5.2

[18]Nhắc lại, trạng thái nhu hoạt hay còn gọi là khinh an là trạng thái mà thân và tâm trở nên hoạt dụng. Xem chi tiết trong chú thích Tập 2 chương 14 c’. Ngoài ra, trong kinh điển Nguyên Thủy Những Vết Chân Voi (pal. Culahatthipadopamasuttam) bài kinh số 27 cũng có mô tả trạng thái hoạt dụng này như là: “Khi sự chú tâm đạt được thể dạng tập trung cao độ trên đây và trở nên hoàn toàn tinh khiết, không còn mang một tì vết nào, không còn một mảy may ô nhiễm nhỏ nhoi nào, thì sự chú tâm ấy cũng sẽ trở nên mềm dẻo, dễ sử dụng, bền vững, không biến động …” Những Vết Chân Voi. Christian Maes. Hoang Phong Dịch. Truy cập: 03/16/2012.

 <http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-73_4-15594_5-50_6-3_17-141_14-1_15-1/>

[19]BA12 Xem tiểu sử chi tiết trong Ruegg 1989 cho dữ liệu về những người được xem là đệ tử của Ha-shang (Hava-shang) đã tham gia trong cuộc tranh luận bSam-yas

[20] BA13 Ārya-ratna-megha-nāma-mahāyāna-sūtra (Bảo Vân Đại Thừa kinh), D231: Wa92b1

[21]BA14 Mahāyānasūtralaṅkāra (Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm Luận) (MSA): 14.8; P5521:10.1.6-7.

[22]BA15 Ba-so-chos-kyi-rgyal-mtshan (mChan: 10.6) dạy rằng “việc viết gọn tên của một hiện tượng”, chẳng hạn, việc rút ngắn từ “Tất cả các hiện tượng kết hợp đều vô thường” thành “vô thường” và bình ổn sự chú ý của các ngươi trên đó.

[23]BA16 MSA: 18.66; P5521: 10.5.1.

[24]BA17Bodhisattva-bhūmi {Bồ-tát Địa} (Bbh), Wogihara 1936:1.109; Dutt 1966: 77.5-12; P5538:150.4.1-5.

[25]Nhắc lại thuật ngữ Anh là elaboration. Đây là một loại tiến trình định danh của tâm nhằm thêm thắt, mở rộng, diễn giải hay chi tiết hóa một cảm nhận sau khi các thức thụ cảm nhận thông tin từ đối tượng bên ngoài vốn còn hoàn toàn khách quan không nhị nguyên, diễn tưởng có thể đúng hoặc sai nhưng do thiếu sự suy lý chặt chẽ hay thiếu dữ kiện làm chứng cứ nên hầu hết các diễn tưởng đều là sai lạc vô căn cứ. Một số tài liệu dịch là vọng tưởng nhưng nghĩa của từ Hán-việt vọng sẽ không đủ ý.

[26]Từ đây trở về sau trong chương này trạng thái định có được từ việc thiền sẽ được gọi là Định từ thiền còn hành vi rèn luyện tập trung tư tưởng vững bền lên một đối tượng và sau đó có thể hay không quán xét đến bản chất của đối tượng đang tập trung được gọi ngắn gọn là thiền. Việc tu tập thiền trong đó cố gắng lưu giữ không thay đổi (hình ảnh hay trạng thái của) đối tượng đang được tập trung gọi là thiền định, trong khi động thái thiền nhưng có dùng đến trí phán xét phân tích đối tượng được gọi là thiền quán.

[27]Trong tập 3 chúng tôi xem hai khái niệm “tồn tại” và “hiện hữu” có nghĩa tương đương và được xem là như nhau cũng như vậy các thuật ngữ như “tự tính”, “tồn tại một cách nội tại”, “có bản tính thiết yếu”, “có bản chất nền tảng” hay đôi khi “tự tồn” và “thật hữu” là các thuật ngữ gần như tương đương và trong nhiều trường hợp được dùng tùy theo ngữ cảnh cho thuận mạch văn trừ trường hợp phải phân biệt rõ chúng.

[28]BA18 Bk2, P5311: 32.4.8-33.1.2.

[29]BA19 Prajñā-pāramitopadesa {Bát-nhã Ba-la-mật-đa Hành} P5579: 246.2.8-246.3.1.

[30]BA20 Sn, Lamotte 1935: 88; P774:13.3.7-13.4.1.

[31]BA21 Giải thích về “các giới hạn của sự tồn tại” và “thành tựu mục đích của ngươi” xem tiếp sau (LRCM:491), về bốn loại đối tượng đề cập trên đây được bàn thảo chi tiết hơn.

[32]BA22 Đấng Nhiếp Chánh chính là Di-lặc hay Maitreyanātha. Ngài là tác giả của 5 bài luận quan trọng trong truyền thống Tây Tạng là:

1. Đại Thừa Tối Thượng Luận (sa. mahāyānottaratantra)

2. Pháp Pháp Tính Phân Biệt Luận (sa. dharmadharmatāvibaṅga)

3. Trung Biên Phân Biệt Luận (sa. madhyāntavibhāga-śāstra)

4. Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (sa. abhisamayālaṅkāra)

5. Đại Thừa Kinh Trang Nghiêm luận (sa. mahāyānasūtralaṅkāra

[33]Phi định danh hay vô niệm tức là trạng thái tâm thức không khởi lên các suy diễn hay diễn giải hệ quả từ một nhận thức ban sơ hay không dựa vào các cảm xúc để mở rộng nhận thức và cũng không có sự so sánh phân biệt hay khái niệm về đối tượng của tâm. Kinh Kim Cang có dạy:

“Chư bồ-tát-ma-ha-tát ưng như thị sinh tịnh tâm

Bất ưng trụ sắc sinh tâm

Bất ưng trụ hương, vị, xúc, pháp sinh tâm

Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”.

[34]Đây là thuật ngữ thông dụng trong thiền học. Hôn trầm là trạng thái mà tâm thức không còn thấy rõ ràng hay sắc nét vào đối tượng của thiền. Ngược với tạng thái hôn trầm là trạng thái trạo cử, tức là hành giả bị rơi vào trạng thái quá kích động hay hăng hái khiến cho hành giả dễ bị phân tán liên tưởng ra khỏi đối tượng của thiền. Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikāya) bài số 4 Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm (Bhayabherava Sutta) có dạy qua về hai khái niệm này. Trung Bộ Kinh. Bài số 4 Kinh Sợ Hãi và Khiếp Đảm. Thích Chơn Thiện. Truy cập 22/06/2009.

 <http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-trungbo/trung-gg-004.htm. 2003>.

[35]BA23 Về “sáng rõ” (dwangs cha) và sáng mạnh mẽ (gsal cha’i ngar), xem LRCM: 516.

[36]BA24 Nhị Không là sự thiếu vắng của một ngã tồn tại tự tính của người {nhân vô ngã} và cả của các hiện tượng không phải người {pháp vô ngã}.

[37]BA25 Bk2, P5311:31.5.7-32.1.4. Kinh Đại Bát Niết-bàn (‘Phags pa yongs su mya ngan las ‘das pa chen po’i mdo) (D119: Ta 148a6-bl) được dịch từ tiếng Trung Hoa {tên tiếng Hoa là 大般涅槃經} . Kinh Nguyệt Đăng Tam-muội (Candrapradīpa-sūtra) là một tên khác của Kinh Chánh Định Vương (Samādhi-rāja sūtra) với tên đầy đủ là Sarva-dharma-svabhava-samatd-vipancita-samādhi-rāja sūtra (SR). SR: 7.10ab, Vaidya 1961a: 36.21-22; P795: 281.2.1.

[38]Kinh Nguyệt Đăng còn có tên khác là Kinh Nguyệt Đăng Tam Muội hay Chánh Định Vương Kinh.

[39]BA26 Ārya-dharma-saṃgīti-nāma-mahāyāna-sūtra (Kinh Thắng Pháp Kết Tập Đại thừa) D238: Zha 52a6, được trích trong phần thứ nhất của[39] Bhāvanākrama (Quảng Thích Bồ-đề Tâm Luận) (Bkl), Tucci 1986:181.11.

[40]BA27 Bkl, Tucci 1986: 205; P5310: 25.1.8-25.2.1.

[41]BA28 Kinh Bồ-tát Hạnh (Bodhisattva-caryāvatāra) (BCA), P5272: 254.4.5.

[42]BA29 Ibid., P5272: 248.5.4.

[43]BA30 Bk2, P5311: 31.4.2-31.5.5.

[44]BA31 Sn, Lamotte 1935:132; P774: 21.1.3.

[45]Kinh này còn có một tên gọi khác là Nguyệt Đăng Tam Muội Kinh.

[46]BA32 SR, Vaidya 1961a: 49; D127: Da 27a7-bl; trích dẫn tại Bk3,Tucci 1971:18. Thuật ngữ “phàm phu” được dùng hơi khác hơn bài kệ trích ở LRCM: 564-565.

[47](BA33) Người này có lẽ là Uất-đà-la, một trong hai vị thầy đầu tiên dạy đức Phật Thích-ca-mâu-ni về thiền. Theo kinh Trung A Hàm Phẩm Bo-đa-lợi – “Kinh La-ma” thì Uất-đà-la (skt. Udraka Rāmaputra; tib. Lhag dpyod) thì người này dạy đức Phật thiền đến mức “phi tưởng, phi phi tưởng xứ” một trạng thái không còn kinh nghiệm về một khái niệm bất kỳ (vô niệm) thuộc về trạng thái cao nhất trong tứ thiền nhưng vẩn chưa vượt qua khỏi luân hồi. Đức Phật đã đạt được cấp độ này và Uất-đà-la đã xin tôn vinh đức Phật như tôn sư nhưng Ngài đã từ chối và rời bỏ đi nơi khác. Đến khi đạt quả Chánh đẳng Chánh giác, đức Phật nghĩ đến việc hóa độ cho Uất-đà-la thì được biết người này vừa mất độ hai tuần. Kinh Trung A Hàm. Tuệ Sĩ. WEBBuddhaSasana. Truy cập: tháng 6, 28, 2009.

 <http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-ahamtrung/trungaham_idx.htm>.

[48]BA34 ārya-bodhisattva-pitaka-nāma-mahāyāna-sūtra, chương 12 về ratnakūṭa (Bảo tích) Pagel 1995:344; D56: Ga 161b3-5

[49]Tức là các sinh giới thiên (trời), nhân (người), a-tu-la (thần), súc sinh (loài vật hữu tình khác người), ngạ quỷ, và địa ngục.

[50]BA35 Tên đầy đủ của bộ kinh gồm 49 quyển này (Pagel 1995: appendix III) là Ārya-mahā-ratna-kūṭa-dharma-paryāya-śatasāhasrika-grantha, P8112:239.4.2

[51]BA36 ārya-mahāyāna-prāsāda-prabhāvanā-nāma-mahāyāna-sūtra, P812:239.4.2

[52]BA37 BCA: 8.4; P5272: 254.4.7-8.

[53]BA38 Bkl, Tucci 1986: 207; P5310:25.4.2.

[54]BA39 Đây là diễn giải từ Sn, Lamotte 1935:90; P774:13.5.2-5, trích dẫn từ LRCM: 537,798.

[55]BA40 Sn, P774:13.4.5-13.5.2, trích dẫn ở LRCM: 471,537.

[56]BA41 LRCM: 473.

[57]BA42 Ye-shes-grags-pa (jñāna-kīrti) (Tuệ Xứng) là tác giả của Pha rol tu phyin pa’i theg pa’i bsgom pa’i rim pa’i man ngag (Các giai tầng Bát-nhã Ba-la-mật-đa thừa của Thiền). Tựa đề Phạn ngữ được kết cấu lại thành Prajñā-pāramitā-bhāvanā-kramopadeśa

[58]BA43. Abhidharma-samuccaya (AS), Pradhan 1975:75.21, theo Wayman 1978; P5550: 263.3.3.

[59]BA44 Định từ thiền được chia ra thành mức truy cập (nyer bsdogs, samantaka) và mức thật sự (dhgos gzhi, maula) thành tựu; chỉ có định lực ở giai đoạn thật sự mới được xem là một thành tựu hoàn toàn.

[60]BA45 Yogā-caryā-bhūmi (Sa’idngosgzhi), P5536:283.4.2-3. Tựa đề Sa’idngosgzhi được diễn dịch một cách không sát nghĩa thành Du-già Sư Địa Luận (Yogā-caryā-bhūmi) để ứng theo cách dùng của Suzuki 1955-61. ICang-skya-rol-ba’i-do-rje’s Grub pa’i mtha’i rnam par bzhag pa gsal bar bshad pa thub bstan Ihun po’i mdzes rgyan (Varanasi: Pleasure of Elegant Sayings Press, 1970), p. 155 nhận định rằng Sa’idngosgzhi là một tập hợp của bốn luận đề: (1) Đa Địa {địa ở đây với nghĩa là “cấp độ” hay “tầng mức”} (Bahu-bhūmikā, Sa mang po pa); (2) Thanh Văn Địa (Śrāvaka-bhūmi[Śbh], Nyan sa]; (3) Bồ-tát Địa; và (4) Địa Thứ Đệ {luận bàn về sự tuần tự của các địa –ND} (Bhūmi-krama, Sa’i go rim). Điều này được hỗ trợ trong trang 226-316 của thư mục bsTan ‘gyur tin po che srid zhi’i rgyan gciggi dkar chag rin chen mdzes pa’i phra tshom của gSer bris bstan ‘gyur (Sichuan: Krung go’i mtho rim nang bstan slob gling gi bod brgyud nang bstan zhib ‘jug khang, 1989). Đa Địa có cùng nghĩa với mô tả của Suzuki (1955-1961) “Các Địa Trong Du-già Hành Tông” (P5536). Địa Thứ Đệ có thể tìm được trong phần cuối của Bồ-tát Địa (P5538: 230.2.4-231.1.7). Tsongkhapa xác định hai luận số 2 và 3 bởi tên của các luận đó, và do đó sử dụng tên Sa’idngosgzhi cho luận số 1 và 4, có thể là vì luận số 2 và 3 là các tựa đề đã nổi tiếng. Tsongkhapa cũng dùng các thuật ngữ như sa sde (“Luận Về Các Địa”) (LRCM: 523.6 v.v.) và sa sde Inga (Ngũ Luận Địa) (LRCM: 488.5 v.v.), bao gồm Sa’idngosgzhi. Xem chú thích 58 dưới đây cho LRCM: 488.5.

[61] BA46 BA46 LRCM 529-532.

[62] BA47 Các lớp đặc tính quán chiếu của tuệ giác được đề cập trên (LRCM: 471-475) và được bàn thảo chi tiết trong phần sau (LRCM: 769ff).

Hits: 584

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28