Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Chương 22: Phân Tích về Một Cỗ Xe Ngựa
(3″) Làm thế nào để sử dụng thủ tục đó để tạo ra chánh kiến trong dòng-tâm thức của các ngươi
(a)) Làm thế nào để xác định rằng không có tự ngã trong con người {nhân vô ngã}
(1)) Thật sự xác định rằng tự ngã thiếu tự tính
(a’)) Cho ví dụ
(1′)) Chỉ ra rằng cỗ xe tồn tại một cách gán định, mà không có tự tính
(2′)) Loại bỏ các phản đối về vô ngã
(3′)) Làm thế nào để xác lập cỗ xe dưới nhiều tên gọi khác nhau
(4′)) Lợi thế mà các ngươi tìm thấy quan điểm một cách nhanh chóng bằng cách sử dụng ví dụ này.
–––––––\––––––
(3) Làm thế nào để sử dụng thủ tục đó để tạo ra chánh kiến trong dòng tâm thức của các ngươi
Phần thứ ba này mô tả làm thế nào để phát triển tầm nhìn triết lý đúng trong dòng tâm thức của các ngươi bằng cách sử dụng một thủ tục Cụ Duyên. Phần này có ba tiêu đề:
1. Làm thế nào để xác định nhân vô ngã [tức là không có tự bản tánh nền tảng của người] (Chương 22-24)
2. Làm thế nào để xác định pháp vô ngã [không có tự ngã trong các hiện tượng] (Chương 24)
3. Làm thế nào để loại bỏ các ngăn che phiền não và nhận thức bằng cách trở nên quen thuộc với những quan điểm đó (chương 24)
(a)) Làm thế nào để xác định rằng không có tự ngã ở người
Phần này có ba phần:
1. Thật sự xác định rằng tự ngã [nghĩa là, người] tồn tại tự tính (Chương 22-23)
2. Việc dạy những gì tự ngã sở hữu cũng từ đó được xác lập như là việc thiếu vắng tự tính (Chương 23)
3. Làm thế nào để áp dụng những dòng lý luận đó cho các hiện tượng khác nữa (Chương 24)
(1)) Thật sự xác định rằng tự ngã thiếu vắng tự tính
Ở đây có hai phần:
1. Đưa ra ví dụ [720]
2. Chỉ ra những gì nó minh họa (Chương 23)
(a‘)) Đưa ra ví dụ
Một bản kinh trích dẫn trong Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng cho biết:[1]
“Tự ngã” vốn là một tâm ma.
Các ngươi đang có một tà kiến.
Những hợp uẩn vốn chỉ là Không;
Nên chẳng có chúng sinh trong ấy.
Như ai nói về một cỗ xe
Phụ thuộc vào bộ phận của nó,
Nên, ta dùng ước lệ: “chúng sinh”
Trong phụ thuộc vào nơi các uẩn.
Lấy ví dụ sự quy gán {định danh} của một cỗ xe trong mối phụ thuộc vào các bộ phận của nó, chẳng hạn như các bánh xe của nó, đức Phật khẳng định là tự ngã hay chúng sinh cũng là quy gán trong sự phụ thuộc vào các uẩn. Vì vậy, đầu tiên ta sẽ giải thích ví dụ về cỗ xe. Lời giải thích của ví dụ này có bốn phần
1. Cho thấy cỗ xe tồn tại một cách quy gán, mà không có tự tính
2. Loại bỏ các phản đối về điều {thiếu tự tính} đó
3. Làm thế nào để xác lập cỗ xe này dưới nhiều tên gọi khác nhau
4. Những lợi thế mà các ngươi tìm thấy quan điểm này nhanh chóng bằng cách sử dụng ví dụ này
(1′)) Chỉ ra rằng cỗ xe tồn tại một cách quy gán, mà không có tự tính
Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng cho biết:[2]
Một cỗ xe không được khẳng định là {1} khác với các bộ phận của nó, cũng{2}không phải không khác. Nó {cỗ xe} {3} không sở hữu chúng. Nó {4} không phụ thuộc vào các bộ phận và {5} các bộ phận không phụ thuộc vào nó. Nó {6} không phải chỉ là tập hợp của các bộ phận, cũng {7} không phải là hình dạng của chúng. Nó là như thế.
Do đó, ngài nói rằng cũng giống như cỗ xe chỉ là một sự quy gán vì nó không tồn tại theo một trong bảy cách này – là một với các bộ phận của nó, khác nhau với các bộ phận của nó v.v… – nên điều đó cũng {áp dụng} cho tự ngã và các uẩn. Nếu cỗ xe đã có một tự tính hay bản chất nền tảng, thì không nghi ngờ gì là nó sẽ được xác lập bởi kiến thức lý luận vốn phân tích xem nó có tồn tại tự tính qua một cách bất kỳ trong bảy cách {nêu trên}. Tuy nhiên, vì nó không được xác lập bởi kiến thức như vậy qua một cách bất kỳ trong bảy cách, nên nó không tồn tại một cách tự tính.
{1} Các bộ phận của một cỗ xe là những trục bánh, các bánh xe, các đinh ốc, v.v… Cỗ xe một cách bản chất không phải là một với những bộ phận đó. [721] Nếu nó là một, thì sẽ có những sai lầm như sau: cũng giống như các bộ phận là số nhiều, do đó, cỗ xe cũng sẽ là nhiều; cũng giống như cỗ xe là đơn nhất, vì vậy các bộ phận cũng sẽ là đơn nhất; tác nhân và đối tượng sẽ là một.
{2} Cũng không phải cỗ xe một cách bản chất tách biệt với các bộ phận của nó bởi vì nếu điều đó xảy ra nó sẽ được nhìn thấy một cách tách biệt, riêng rẽ khỏi các bộ phận, giống như ấm đựng và vải vóc {là tách biệt}, nhưng điều đó không phải. Ngoài ra, sẽ không có lý do để quy gán cỗ xe trong mối quan hệ đến các bộ phận đó.
{4}{5} Hai trong số các lập thuyết liên quan đến việc nhìn nhận một cỗ xe và các bộ phận của nó như là cơ sở và vật phụ thuộc. Một cỗ xe không phải là cơ sở cho các bộ phận của nó, giống như một cái bát chứa sữa chua, cũng không phải nó yên nghỉ trong các bộ phận của nó, như Đề-bà-đạt-đa {skt. Devadatta} trong một mái lều, bởi vì các mối quan hệ như vậy chỉ có thể được chứng minh nếu một cỗ xe và các bộ phận của nó đã được tách biệt một cách nền tảng, nhưng chúng không như thế. Ở đây chúng tôi không bác bỏ sự tồn tại tương hỗ đơn thuần; chúng tôi bác bỏ một cơ sở và vật phụ thuộc vốn tồn tại bằng tự tính. Ngay cả hai ví dụ vừa đề cập nói đến các tình huống trong đó phía bên kia chấp nhận rằng có những cơ sở đặc tính tự tính và những sự phụ thuộc. Tất cả các trường hợp tương tự nên được hiểu theo cách này.
{3} Khả năng sở hữu cũng không đứng vững. Nếu các ngươi cho rằng cỗ xe sở hữu các bộ phận của nó như là Đề-bà-đạt-đa sở hữu các con bò – nghĩa là, như là các đối tượng khác hơn chính Đề-bà-đạt-đa – thì, như là những con bò và Đề-bà-đạt-đa được thấy một cách tách biệt, thì tương tự như vậy, một cỗ xe và các bộ phận của nó phải được nhìn thấy một cách riêng biệt, nhưng chúng không thế. Vì vậy, không có sự sở hữu như vậy. Cũng là bất hợp lý khi một cỗ xe nên sở hữu các bộ phận của nó giống như cách Đề-bà-đạt-đa sở hữu tai của ông ta bởi vì hiện giờ chúng tôi đang bác bỏ sự khác biệt tự tính. Đối với các pháp tồn tại một cách tự tính, thì loại sở hữu này sẽ dính dáng đến sự duy nhất tự tính, và chúng tôi đã bác bỏ điều đó. Một lần nữa, chúng tôi không bác bỏ sự tồn tại thường tục về việc đơn thuần có một lỗ tai của Đề-bà-đạt-đa, và cùng điều này cũng áp dụng cho một cỗ xe. [722] Vì thế chúng tôi bác bỏ sự sở hữu bản chất {sở hữu tự tính} đặc trưng.
{6}{7} Đối với hai lập thuyết còn lại, Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng nói:[3]
Nếu chỉ đơn thuần tập hợp những bộ phận đã là một cỗ xe,
Thì, cỗ xe sẽ tồn tại ngay cả khi các bộ phận của nó nằm rời thành từng chi tiết.
Không có toàn bộ, các bộ phận không tồn tại.
Do đó chỉ có hình dạng cũng không thể là cỗ xe.
Một số người xem xét đơn thuần tập hợp của các bộ phận hoặc hình dạng đặc biệt của các bộ phận là cỗ xe. Thật không biện hộ được cho việc cỗ xe chỉ là tập hợp các bộ phận của nó. Có hai điểm được thực hiện ở đây: (1) Nó là trái với lý lẽ. Một cỗ xe sẽ tồn tại ngay cả trong một tập hợp đầy đủ các bộ phận tách rời – bánh xe và v.v… nằm thành từng miếng – vì tập hợp đơn thuần của các bộ phận là một cỗ xe. (2) Nó trái ngược với khẳng định của họ. Các nhà Bản Chất Luận Phật giáo khẳng định rằng không có những toàn thể, mà chỉ có các nhóm của các bộ phận. Nếu điều này là như vậy, thì ngay cả các bộ phận sẽ không tồn tại bởi vì cái nào có các bộ phận, tức là các toàn thể, sẽ không tồn tại. Do đó, vì ngay cả đơn thuần các nhóm của các bộ phận sẽ không tồn tại, nên tập hợp của các bộ phận không thể là một cỗ xe.
Những khẳng định của đại sư Nguyệt Xứng khiến không còn cần thiết để thêm các đặc tính vào sự phản bác về việc cỗ xe chỉ là tập hợp của các bộ phận của nó. Điều này là do tập hợp là cơ sở của sự quy gán cho cỗ xe. Cho nên, ngài nói rằng vì tập hợp của các uẩn là cơ sở để mà tự ngã được quy gán, nên nó không thể là tự ngã.[4]
Phản biện: Tôi không cho rằng tập hợp đơn thuần của các bộ phận là cỗ xe; mà đúng hơn, tôi thừa nhận cỗ xe với hình dạng riêng biệt của các bộ phận khi chúng được lắp ráp.
Đáp: Khi nói điều này, ngươi có mâu thuẫn với các xác nhận của riêng mình. Như đã giải thích ở trên, vì ngươi khẳng định rằng những gì có các bộ phận không tồn tại, thì các bộ phận cũng sẽ không tồn tại. Vì vậy, thật là bất hợp lý khi thừa nhận hình dạng đơn thuần của các phần như là cỗ xe. Từ “cũng” trong câu kệ vừa trích dẫn có nghĩa là với chỉ tập hợp đơn thuần đó, thì không thể là cỗ xe.
Hơn nữa, nếu các ngươi nói rằng một hình dạng như thế là một cỗ xe, thì phải chăng hình dạng của các bộ phận riêng lẻ là cỗ xe hay hình dạng của tập hợp là cỗ xe? [723] Nếu là hình dạng các bộ phận riêng lẻ, thì phải chăng nó có một hình dạng không khác với hình dạng của các bộ phận trước khi chúng được lắp ráp? Hoặc là phải chăng nó có hình dạng không giống như hình dạng của chúng trước khi lắp ráp? Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng chỉ ra một sai lầm ở lập thuyết đầu tiên:[5]
Nếu ngươi bảo hình dạng mà mỗi bộ phận đã có,
Là những gì chúng ta thấy như một cỗ xe,
Thì giống như không có cỗ xe khi các bộ phận chưa lắp ráp,
Nên, thật cũng thế khi chúng đã được lắp ráp.
Ngoài ra, các hình dạng của các bánh xe và v.v… không có các tính năng sau khi lắp ráp, không giống như những hình dạng mà chúng đã có trước khi lắp ráp. Vì vậy, cũng giống như không có cỗ xe khi các bộ phận là tách biệt, không có cỗ xe khi chúng được lắp ráp.
Giả sử rằng cỗ xe có hình dạng nào khác tách ra khỏi hình dạng của các bánh xe và v.v… trước khi lắp ráp – mà nó xuất hiện sau đó, khi chúng được lắp ráp, và không giống như hình dạng của những bộ phận trước đó. Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng khẳng định sai lầm này:[6]
Nếu giờ cỗ xe tự nó tại đây,
Đã có một hình dáng khác về các bánh và v.v…
Thì đó phải là một bằng chứng, nhưng điều đó không xảy ra
Do đó, hình dạng đơn thuần không là một cỗ xe.
Nếu có điều gì đó khác, tính năng nào đó không tương tự, giữa hình dạng của các trục xe, bánh xe và v.v… trước khi lắp ráp và hình dạng của chúng sau khi lắp ráp, thì điều này sẽ phải là một bằng chứng. Tuy nhiên, bất kể ngươi nhìn thấy thế nào nhưng ngươi không quan sát thấy như vậy. Do đó, thật là không hợp lý khi một hình dạng nào đó của các bộ phận sau khi lắp ráp không giống như hình dạng của các bộ phận trước đó để lắp thành cỗ xe này.
Phản biện: Tôi không cho rằng các hình dạng cá thể của các bộ phận riêng lẻ là một cỗ xe; tôi xem hình dạng chung của tập hợp các bộ phận là một cỗ xe.
Đáp: Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng khẳng định sự sai lầm này:[7]
Theo các ngươi, các tập hợp không hề tồn tại,
Nên, hình dạng không thể là hình dạng của tập hợp các bộ phận.
Làm thế nào các ngươi có thể nhìn thấy một cỗ xe
Trong hình dạng của một điều gì đó không hề tồn tại?
Điều này có nghĩa rằng thật bất hợp lý để hình dạng của một tập hợp là một cỗ xe, bởi vì các tập hợp không tồn tại một cách bản chất, nên thật là bất khả biện hộ khi gán đặt hình dạng vào một tập hợp. [724] Vì, những nhà Bản Chất Luận các ngươi cho rằng tất cả các hiện tượng tồn tại một cách gán đặt có các cơ sở tồn tại một cách thực chất của sự gán đặt. Một tập hợp các bộ phận không có tự tính hay bản chất nền tảng – nó thiếu thật chất. Nếu nó đã tồn tại một cách tự tính, thì nó sẽ có thể hoặc là một với nhau hoặc là khác nhau với các bộ phận bao gồm trong tập hợp. Cho dù các ngươi khẳng định thế nào, thì chúng tôi đều có thể bác bỏ các ngươi như đã giải thích ở trên trong trường hợp của cỗ xe.[8]
Trong hệ thống riêng của chúng tôi, chúng tôi không khẳng định rằng các cơ sở của sự quy gán của các hiện tượng vốn tồn tại một cách danh định là tồn tại một cách thật chất. Hình dạng của tập hợp những bộ phận này là cơ sở mà cỗ xe được quy gán vào đó. Tuy nhiên, vì cỗ xe là một hiện tượng tồn tại một cách quy gán vốn được quy gán cho hình dạng đó, nên chúng tôi không xem hình dạng đơn thuần của tập hợp là cỗ xe. Vì vậy, trong việc bác bỏ lập thuyết cho rằng hình dạng của tập hợp {các bộ phận} là cỗ xe, chúng tôi không phải thêm thắt bất kỳ đặc tính nào như là “tối hậu” vào những điều chúng tôi đang bác bỏ.
Phản biện: Không có lý do nào khiến chúng ta không thể quy gán cỗ xe lên một hình dạng vốn thiếu vắng sự tồn tại thật sự và {hình dạng đó} vốn phụ thuộc vào một tập hợp mà thiếu sự thật hữu.
Đáp: Trong trường hợp đó, các ngươi phải đồng ý rằng không có lý do nào để không chấp nhận việc sinh khởi của tất cả các hậu quả thiếu vắng sự thật hữu – gồm các nhân tố cấu hợp, các chồi non, và v.v… – trong sự phụ thuộc vào các nguyên nhân vốn thiếu vắng sự tồn tại thật sự – gồm ý thức vô minh, các hạt giống, và v.v… Như Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng khẳng định:[9]
Vì đây là những gì các ngươi khẳng định,
Các ngươi cũng nên hiểu rằng tất cả các hậu quả đó
Vốn có các bản chất không thật được sinh khởi
Trong sự phụ thuộc vào các nguyên nhân không thật.
Ví dụ này về cỗ xe cũng ngăn cản việc thừa nhận sự kết hợp đơn thuần của tám loại hạt tử – bao gồm sắc, v.v… – để cấu hợp nên như những cái ấm.[10] Nó cũng bác bỏ sự quy gán của các ấm và v.v… trong sự phụ thuộc vào tám loại hạt tử tồn tại một cách bản chất; và nó bác bỏ đề xuất rằng các ấm và v.v… được đặt trong các hình dạng khác biệt của các sắc tướng tồn tại một cách bản chất và v.v… Tại sao? Vì sắc tướng và v.v… không được sinh khởi một cách tự tính, nên chúng không có bản chất cố hữu, và do đó thật là không khả biện để chúng tồn tại một cách thật chất. [725] Theo đó, Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng khẳng định:[11]
Do đó, không hợp lý khi cho rằng một sự thấy biết về một cái ấm
Phát khởi trong mối quan hệ với một cấu hình cụ thể của sắc tướng.
Vì chúng không được sinh khởi, nên sắc tướng và v.v… cũng không tồn tại.
Vì vậy, thật là bất hợp lý để một cái ấm có hình dạng của một tập hợp các sắc tướng.
Nghi ngại: Giống như một cỗ xe, nếu cái ấm không phải là hình dạng của sự kết hợp các bộ phận của nó, thì điều này sẽ hàm ý rằng đặc tính xác định của một cái ấm không phải là bụng tròn và v.v…, vì những đặc tính này cấu thành một hình dạng.
Đáp: Chúng tôi cho rằng vật gì là bụng tròn, cổ dài, và v.v… sẽ là một cái ấm, nhưng chúng tôi không chấp nhận rằng hình dạng bụng tròn là một cái ấm, nếu không, chúng tôi sẽ phải đồng ý rằng các bụng và các cổ cũng là các ấm.
(2′)) Loại bỏ các phản đối về vô ngã
Phản biện của nhà Bản Chất Luận: Khi Ngài sử dụng lý lẽ để phân tích câu hỏi về tự tính, qua việc tìm kiếm cỗ xe trong bảy cách vừa giải thích, và Ngài không tìm thấy nó, nên buộc cỗ xe không tồn tại. Tuy nhiên, nếu điều này đã như thế, thì các định danh thường tục của cỗ xe {cũng} sẽ không được tạo ra trên thế gian. Điều này không biện hộ được; hãy chứng kiến các biểu thị chẳng hạn như “Tìm một cỗ xe”, “Mua một cỗ xe”, và “Làm một cỗ xe”. Vì vậy, những thứ như những cỗ xe có tồn tại.
Đáp: Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng cho thấy sai lầm này chỉ xảy đến với các ngươi, những nhà Bản Chất Luận, mà không phải với chúng tôi.
Trước tiên, nếu đã {xảy ra} như các ngươi nói, thì những ước lệ thế gian như “Tìm một cỗ xe” không thể tồn tại. Vì, khi các ngươi thừa nhận các pháp như tồn tại, thì các ngươi sử dụng phân tích lý luận nhằm tìm kiếm để xem liệu chúng có bản chất cố hữu không; nhưng khi được tìm kiếm bằng cách lập luận như vậy, thì cỗ xe không tìm thấy được trong bất kỳ cách nào của bảy cách. Vì các ngươi không đưa ra phương pháp nào khác để xác lập các pháp, nên cỗ xe sẽ không tồn tại. [726] Dường như ngày nay, một số người tuyên bố ủng hộ ý nghĩa của Trung Quán trình bày một luận điểm được thực hiện bởi những người ủng hộ sự tồn tại thật sự như là hệ thống Trung Quán: “Khi lập luận tìm kiếm để xem liệu một cỗ xe có bản chất cố hữu không và thất bại trong việc tìm thấy một cỗ xe, thì một cỗ xe không tồn tại”. Một sai sót không thể phủ nhận của các khẳng định như vậy là chúng khiến cho không thể đưa ra bất cứ một trình bày nào về các hiện tượng thường tục.
Đoạn văn sau đây từ Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng cho thấy lập thuyết của chúng tôi không có vấn đề này:[12]
Cỗ xe này không được xác lập trong bảy cách,
Cho cả thực tại lẫn cho thế gian này.
Tuy nhiên, chẳng phân tích, chỉ dành cho thế gian,
Thì nó là quy gán phụ thuộc vào các bộ phận của mình.
Ý nghĩa của điều này là như sau: Khi lý lẽ tìm kiếm để xem liệu cỗ xe có tồn tại một cách tự tính không, thì nó không tìm thấy được từ bất kỳ cách nào trong bảy cách. Điều này đúng trong khuôn khổ của toàn bộ Nhị Đế {ước lệ và tối hậu}. Nhưng khi lý lẽ thất bại trong việc tìm thấy nó trong bảy cách thức ấy, liệu rằng điều này có bác bỏ cỗ xe? Làm thế nào có thể như thế? Lý luận, vốn phân tích liệu các pháp có tồn tại tự tính hay không, thì không xác lập sự khẳng định của cỗ xe; thay vào đó, hãy để phân tích lý luận sang một bên, nó được xác lập bởi một ý thức đơn thuần, không khiếm khuyết, thường tục, không siêu việt – nghĩa là, ý thức thế gian. Do đó, cách thức một cỗ xe được thừa nhận là nó được xác lập như tồn tại một cách quy gán; nó được quy gán trong sự phụ thuộc vào các bộ phận của nó.
Phản biện: Khi một thiền giả phân tích theo cách này, thì lý lẽ không tìm thấy một cỗ xe; do đó, cỗ xe không tồn tại nền tảng hoặc về tự tính. Tuy nhiên, các bộ phận của nó có tồn tại tự tính.
Đáp: Các ngươi đang tìm kiếm các sợi chỉ trong đống tro tàn của vải đốt, điều đó là buồn cười. Nếu toàn bộ không tồn tại, thì các bộ phận cũng không. Như Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng nói:[13]
Khi cỗ xe chính nó không tồn tại,
Thì cả toàn bộ lẫn các bộ phận của nó cũng không tồn tại.
Như vậy, nếu toàn bộ không tồn tại, các bộ phận cũng không tồn tại.
Nghi ngại: Điều này là không thể biện hộ bởi vì khi cỗ xe bị phá hủy, thì tập hợp của các bộ phận – bánh xe và v.v… – vẫn còn hiển nhiên. [727]
Đáp: Không, vì chỉ những ai đã từng thấy cỗ xe trước đó sẽ nghĩ: “Những bánh xe này và v.v… là của một cỗ xe”. Những người khác sẽ không nghĩ như vậy. Khi cỗ xe bị phá hủy, các bánh xe và v.v… không có mối liên hệ đến cỗ xe và do đó chúng không phải là các bộ phận của cỗ xe. Vì vậy, không phải là toàn thể cỗ xe mà cũng không phải là các bộ phận của cỗ xe tồn tại vào thời điểm đó. Vào thời điểm đó, trong mối quan hệ về cỗ xe, thì không phải là toàn bộ mà cũng không phải là các bộ phận tồn tại. Tuy nhiên, các bánh xe, v.v… là các toàn thể trong mối quan hệ với các thành phần riêng của chúng và các thành phần này là các bộ phận của chúng. Do đó, các ngươi không thể thừa nhận các bộ phận mà không có một toàn thể. Hơn nữa, các ngươi nên sử dụng ví dụ về cỗ xe để hiểu rằng các bộ phận không tồn tại nếu không có các toàn thể. Như Nhập Trung Luận của Nguyệt Xứng nói:[14]
Khi cỗ xe bị đốt cháy, các bộ phận của nó không tồn tại.
Như trong ví dụ này, khi ngọn lửa của tâm phân tích đốt cháy các toàn thể, các bộ phận cũng không tồn tại.
(3′)) Làm thế nào để xác lập các cỗ xe dưới nhiều tên gọi khác nhau.
Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng khẳng định:[15]
Lập thuyết của chúng tôi xác lập rất rõ ràng sự định danh thường tục của một cỗ xe trong khuôn khổ của điều gì quen thuộc với thế gian; hơn thế nữa, các ngươi cũng nên khẳng định các tên khác nhau bất kỳ của cỗ xe trong bối cảnh quen thuộc với thế gian, mà không phân tích. Vì thế:
Cùng một cỗ xe đó được biết đến như một toàn thể, như một cấu hợp, và như một tác nhân.
Chúng sinh được xác lập như là các sở hữu chủ của năm uẩn.
Liên quan đến các bộ phận và các thành phần như là các bánh xe, một cỗ xe được xác lập như là sự tham chiếu về các quy ước “toàn bộ” và “cấu thành”. Tương tự như vậy, nó được định danh dưới tên quy ước là “tác nhân” với sự tham chiếu đến hoạt động của nó về các bánh xe chiếm hữu, v.v… và với danh định quy ước là “sở hữu chủ” trong mối liên hệ đến các bộ phận được chiếm hữu {bị sở hữu}. [728]
Một số Phật tử cho rằng chỉ có các nhóm của các thành phần và các bộ phận tồn tại, và rằng vì việc không có gì khác với điều đó là hiển nhiên, nên các toàn thể và những cấu hợp không tồn tại.[16] Tương tự vậy, họ cho rằng chỉ có các hành vi tồn tại, nhưng các tác nhân thì không, và rằng vì việc không có gì khác với sự chiếm hữu là hiển nhiên, nên sự chiếm hữu tồn tại nhưng sở hữu chủ thì không. Về mặt các quy ước của thế gian, thì các lập thuyết này là không chính xác, bởi vì, khi chúng đã chính xác, thì ngay cả các bộ phận và v.v… sẽ không tồn tại. Với điểm đó trong tâm trí, Nguyệt Xứng nói: “Đừng phá hủy các quy ước quen thuộc với thế gian”.[17]
Vì vậy, những gì chúng tôi chủ trương không vi phạm nguyên tắc của Nhị Đế: Một cách tối hậu, thì các toàn thể và v.v… không tồn tại, mà cả các bộ phận và v.v… cũng không; một cách thường tục, thì các bộ phận và v.v… tồn tại, nên các toàn thể và v.v… cũng thế.
(4′)) Những lợi điểm mà các ngươi tìm thấy một cách nhanh chóng bằng cách sử dụng ví dụ này
Nhập Trung Luận Thích của Nguyệt Xứng cho biết:[18]
Các ước lệ thế gian này không tồn tại khi được phân tích theo cách đó, nhưng chỉ tồn tại thông qua việc được xem là điều đương nhiên, mà không phải chịu sự khảo sát tường tận. Vì thế, khi thiền giả phân tích các thường tục thế gian qua chính tiến trình này, họ sẽ rất nhanh chóng thấu hiểu chiều sâu của thực tại. Như thế nào?
“Điều gì không tồn tại trong bảy cách – thì làm sao nó có thể tồn tại?”
Tư duy như vậy, các thiền giả không tìm thấy sự tồn tại của cỗ xe.
Và qua đó, cũng dễ dàng đi vào thực tại.
Do vậy, các ngươi cũng nên khẳng định việc xác lập cỗ xe theo cách đó.
Điều này có nghĩa rằng thông qua một phân tích như vậy về cỗ xe mà các ngươi nhanh chóng thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhất của thực tại – rằng không có tự tính. Như vậy, rõ ràng đây là một điểm rất trọng yếu. [729] Các thiền giả, theo cách này, phân tích cách thức tồn tại của các pháp sẽ phát triển một sự chắc chắn, bằng cách tư duy rằng: “Nếu cỗ xe này tồn tại một cách tự tính, thì khi ta tìm kiếm với lập luận vốn tìm để thấy xem liệu nó tồn tại tự tính hay không, qua cách bất kỳ của bảy cách – cùng một, hay khác nhau, và v.v…, ta chắc chắn sẽ tìm thấy nó từ một trong bảy cách đó. Tuy nhiên, ta không tìm thấy nó trong bất kỳ cách nào của bảy cách. Thật rõ ràng rằng, mặc cho việc không tìm ra nó, ta không thể phủ nhận quy ước về cỗ xe; tuy nhiên, cỗ xeđược quy gán chỉ do cách con mắt của tâm thức bị sai lạc bởi các màng che mờ của vô minh. Nó không phải là tồn tại tự tính”. Các thiền giả như thế cũng sẽ dễ dàng bước vào thực tại.
Từ “cũng” trong cụm từ của Nguyệt Xứng “cũng dễ dàng đi vào thực tại” cho thấy rằng phân tích này không phương hại đến các ước lệ.
Như là một hệ thống cho việc phác họa các lựa chọn thay thế trong phản bác về sự tồn tại tự tính của cỗ xe, sự thẩm tra về bảy phương cách này làm rõ các khả năng và làm tường minh một cách to tát các luận điểm bác bỏ. Vì vậy, thật dễ dàng để nhận ra rằng một cỗ xe thiếu sự tồn tại tự tính bằng cách sử dụng phân tích này.
Tóm lại, có ba lợi thế để trình bày đề tài này như được giải thích ở trên, bắt đầu với cỗ xe: (1) lợi thế về việc thật dễ dàng để bác bỏ quan điểm thường hằng vốn gán đặt thêm sự tồn tại tự tính lên các pháp, (2) lợi thế về việc thật dễ dàng để bác bỏ quan điểm hư vô cho rằng phụ thuộc duyên khởi là không có hiệu lực trong sự thiếu vắng tự tính, và (3) tiến trình thẩm tra của các thiền giả, trong đó xác lập hai lợi thế đầu tiên bằng cách thực hiện phân tích chỉ trong cách như thế. Để chi tiết hóa ba điều này:
(1) Khi các ngươi sử dụng một phương pháp rất cô đọng về việc bác bỏ tự tính, thì việc đơn thuần bác bỏ giống nhau và khác nhau trở nên thật khó hiểu; nó càng trở nên khó khăn khi có quá nhiều lựa chọn thay thế. Vì vậy, phân tích bảy cách là khá thích hợp.
(2) Trong đó, các ngươi bác bỏ một đối tượng của phép phủ định với một tiêu chí thêm vào trong suốt bác bỏ ban đầu, các ngươi bác bỏ sự tồn tại tự tính mà không làm tổn hại đến sự tồn tại thường tục của các hành vi và các tác nhân.
(3) Sau khi các ngươi đã phát triển sự chắc chắn rằng nhân tố bị biện dẫn – sự tồn tại tự tính – không mở rộng vượt quá yếu tố biện dẫn – bảy cách thức, như là cùng một và khác nhau – thì các ngươi chỉ ra rằng mỗi một trong bảy cách đó đều đi đến mâu thuẫn. Khi các ngươi xác định rằng mỗi một trong bảy cách là mâu thuẫn, điều này phủ định yếu tố biện dẫn, theo đó yếu tố bị biện dẫn cũng bị phủ nhận. [730] Sau khi các ngươi đã làm điều này một lần, thì các ngươi lặp lại phát triển sự chắc chắn quả quyết rằng không có tự tính. Sau đó, khi các ngươi thấy rằng các ngươi không thể phủ nhận ước lệ về cỗ xe mặc dù không có tự tính, thì các ngươi nghĩ rằng, “Ồ, thật là ngạc nhiên biết bao khi các nhà ảo thuật về nghiệp và những phiền não gợi lên những ảo tưởng này, chẳng hạn như các cỗ xe! Mỗi điều phát khởi, mà không có sự nhầm lẫn thậm chí nhỏ nhất, từ chính tự các nhân và duyên của nó; mỗi điều trong chúng đều không có đến một chút dấu vết nhỏ nhất nào của sự tồn tại tự tính hoặc nền tảng”. Các ngươi sẽ chắc chắn rằng duyên khởi nghĩa là các pháp không được sinh khởi một cách không có tự tính. Như Tứ Bách Luận Thích của Nguyệt Xứng cho biết:[19]
Những cái ấm và v.v… không tồn tại theo phân tích năm lớp như là liệu rằng chúng giống hay khác với các nguyên nhân của chúng. Tuy nhiên, thông qua các sự quy gán phụ thuộc, chúng có thể làm những việc như chứa đựng hoặc múc mật ong, hoặc nước, hoặc sữa. Điều này có tuyệt vời không chứ?
Và:
Điều gì thiếu vắng tự tính – và lại là hiển nhiên – thì [sẽ vẫn] là trống rỗng về tự tính, như là vòng tròn của vòng lửa xoay tít.
[1]BA557 MAVbh ở MAV: 6.135, La Valine Poussin 1970b: 257-58; P5263: 144.4.4-5. ‘Jam-dbyangs-bzhad-pa (mchan: 5946) thêm vào rằng Thanh Biện cũng tụng kinh phi Đại thừa này.
[2]BA558 MAV: 6.151, La Vallee Poussin 1970b: 271-72; D3861: Ha 211b4-5.
[3]BA559 MAV: 6.152, La Vallee Poussin 1970b: 272; D3861: Ha 211b5.
[4]BA560 Cf. MAV: 6.135cd (La Vallee Poussin 1970b: 258), bảo rằng tự ngã được quy gán trong sự phụ thuộc vào các uẩn. Do đó, sự tập hợp đơn thuần của các uẩn thì không phải là tự ngã, và MAV: 6.138-139 (La Vallee Poussin 1970b: 262), nói “Vì bậc Thánh giả dạy rằng tự ngã phụ thuộc vào sáu thành tố … và sáu cơ sở … nên tự ngã không là một trong các thứ này hoặc một cách cá thể hoặc một cách tập hợp.
[5]BA561 MAV: 6.153, La Vallee Poussinl970b: 273; D386I: Ha 211b6.
[6]BA562 MAV: 6.154, La Valine Poussin 1970b: 274; D3861: Ha 211b6-7.
[7]BA563 MAV: 6.155, La Valtee Poussin 1970b: 274; D3861: Ha 211b7.
[8]BA564 LRCM: 720.
[9]BA565 MAV: 6.156, La Vallee Poussin 1970b: 275; D3861: Ha 211b7-212al.
[10]BA566 Các nhà Tỳ-bà-sa bộ {Vaibhāṣika} cho rằng các đối tượng thô của thế giới vật chất được cấu trúc một cách tối hậu bởi các hạt tử cực kỳ vi tế vốn “không có thành phần một cách định hướng” ở mức mà chúng không có mặt phía tây hay phía đông, mặt trên hay mặt dưới và v.v… Tuy nhiên, các hạt tử này không phải không có thành phần một cách tối hậu, vì trong chúng là một hợp uẩn bao gồm ít nhất tám chất liệu: đất, nước, lửa, gió, sắc, hương, vị và xúc
[11]BA567 MAV: 6.157, La Vallee Poussin 1970b: 275-76; D3861: Ha 212al-2.
[12]BA568 MAV: 6.158, La Valtee Poussin 1970b: 277; D3861: Ha 212a2-3.
[13]BA569 MAV: 6.161ab, La Vallee Poussin 1970b: 280; D3861: Ha 212a4.
[14]BA570 MAV: 6.161cd, La Vallee Poussin 1970b: 280; D3861: Ha 212a4-5.
[15]BA571 MAVbh ở MAV: 6.159a-c, La Valtee Poussin 1970b: 278; P5263:147.3.1-2.
[16]BA572 LRCM:722.
[17]BA573 MAV: 6.159d, La Valtee Poussin 1970b: 278; D3861: Ha 212a3.
[18]BA574 MAVbh ở MAV: 6.160, La Vallee Poussin 1970b: 279; P5263:147.3.8-147.4.2.
[19]BA575 Cśt, P5266: 264.1.3-5,265.3.2.
Hits: 584