Tsongkhapa
ĐẠI LUẬN VỀ
GIAI TRÌNH CỦA ĐẠO GIÁC NGỘ
Tập 3
(Bồ-đề Đạo Thứ Đệ Đại Luận – Quyển Hạ)
Nhóm Dịch Thuật Lamrim Lotsawas
༄༅༎ བྱང་ཆུབ་ལམ་རིམ་ཆེན་མོ་། །།ཀ།།
རྗེ་ཙོང་ཁ་པ་བློ་བཟང་གྲགས་པ༎
Phần II TUỆ GIÁC
Chương 7: Tại Sao Trí Huệ là Cần Thiết
(ii) Cách tu tập trí huệ
–––––––\––––––-
(ii) Cách tu tập trí huệ
[564] Như ta đã giải thích,[1] các đặc điểm của định từ thiền là (1) không rời rạc – nghĩa là khi sự chú ý của ngươi được cố ý đặt lên một đối tượng thiền định duy nhất thì nó sẽ lưu giữ lại ở đó; (2) tính sáng rõ, có nghĩa là không có sự hôn trầm; và (3) lợi lạc, có nghĩa là sự hỷ lạc. Tuy nhiên, ngươi không nên thỏa mãn chỉ với điều này. Tốt hơn hãy phát triển trí huệ, vốn sẽ xác định một cách đúng đắn ý nghĩa của thực tại, ngươi phải nuôi dưỡng trí huệ. Nếu không thì vì việc chỉ tu tập định lực là điều mà các Phật tử có chung ngay cả với người ngoại đạo,[2] nên sự nuôi dưỡng đó – như là với các lộ trình phi Phật giáo – sẽ không thoát khỏi các hạt giống của phiền não. Do đó, nó {định từ thiền} sẽ không giúp ngươi thoát khỏi luân hồi. Như phần đầu Giai Trình Thiền của ngài Liên Hoa Giới đã dạy rằng:[3]
Sau khi ngươi đã bình ổn tâm như vậy lên một đối tượng của thiền, thì ngươi nên phân tích nó với trí huệ – đó là bình minh của tri thức vốn sẽ đoạn diệt những mầm mống của vô minh. Nếu ngươi không làm điều này thì ngươi sẽ không thể từ bỏ phiền não chỉ với định lực mà thôi, cũng giống như người ngoại đạo không thể làm được. Định Vương Kinh dạy rằng:[4]
Dẫu phàm phu dưỡng nuôi định lực
Họ vẫn không diệt trừ được ý niệm ngã-ta.[565]
Phiền não quay ra và quấy rầy họ
Như chúng đã làm đối với Udraka[5], người đã nuôi dưỡng định lực theo cách này.
Cụm từ “Dẫu phàm phu dưỡng nuôi định lực” có nghĩa là người phàm nuôi dưỡng một định lực có những tính năng như không rời rạc và sáng rõ, như đã giải thích ở trên. Dòng “Họ vẫn không diệt trừ được ý niệm về ngã” nghĩa là mặc dù nuôi dưỡng định lực đó, nhưng họ không thể loại bỏ được ý niệm về ngã. “Phiền não quay lại và quấy rầy họ” chỉ ra là phàm phu vẫn sẽ phát sinh phiền não vì họ đã không loại bỏ được ý niệm về ngã.
Loại thiền nào dẫn đến giải thoát? Như đã trích dẫn ở trên,[6] các câu kế tiếp [kệ trong Định Vương Kinh] dạy rằng:
Nếu qua phân tích ngươi nhận biết được vô ngã trong các pháp
Và nếu ngươi nuôi dưỡng sự phân tích đó trong thiền tập
Thì điều này sẽ dẫn đến quả, thành tựu Niết-bàn;
Chẳng có an lạc qua các phương tiện khác.
Dòng đầu tiên nêu rõ điều kiện – nếu sau khi ngươi đã phân định được rằng các pháp đều vô ngã thì ngươi sẽ phát triển được loại tuệ giác hiểu biết ý nghĩa của vô ngã. Dòng thứ hai, ”Và nếu ngươi nuôi dưỡng sự phân tích đó trong thiền tập” đề cập việc duy trì và nuôi dưỡng trong thiền tri kiến triết học về vô ngã mà ngươi đã có được. Dòng thứ ba “Thì điều này sẽ dẫn đến quả, thành tựu Niết-bàn” có nghĩa là đây là nhân của sự thành tựu mục tiêu – Niết-bàn hay giải thoát. Giải thoát được thành tựu thông qua việc nuôi dưỡng trí huệ đó. Ngươi có thể đạt giải thoát mà không cần trí huệ đó được không? Dòng thứ tư của đoạn kệ nói, “Chẳng có an lạc qua các phương tiện khác”, vốn có nghĩa là ngay cả nếu ngươi nuôi dưỡng theo lộ trình khác, thì ngươi sẽ chẳng đoạn diệt được đau khổ và phiền não nếu không có trí huệ đó.
Bộ kinh này dạy rất rõ ràng rằng chỉ có trí huệ về vô ngã mới cắt đứt được gốc rễ của luân hồi; ngài Liên Hoa Giới đã trích dẫn điều này trong phần thứ hai của Giai Trình Thiền[7] để phản bác các khẳng định của sư Ha-shang Trung Hoa. Do đó, ngươi phải có tri kiến chắc chắn về điều này. Bởi vì ngay cả các nhà hiền triết không theo Phật giáo cũng có các phẩm tính tốt – như định lực và trí siêu việt chẳng hạn – nhưng do không có tri kiến về vô ngã nên họ không thể vượt thoát luân hồi được. Theo cách này, Bồ-tát Tạng Kinh[8] trích dẫn trên, đã dạy rằng:[566]
Kẻ nào tự mãn với định lực không thôi, không thấu hiểu thực tại đã được giảng giải trong kinh điển, thì có thể phát triển một ý thức tự hào thái quá, lầm lẫn định lực đơn thuần với đạo pháp tu thiền trong ý nghĩa thâm sâu. Vì thế, một người như vậy sẽ không thể nào vượt thoát luân hồi. Với điều này trong tâm nên ta đã nói “Ai lắng nghe người khác sẽ được giải thoát khỏi lão và tử”.
Chính đức Phật đã giảng giải rõ ràng nội dung ý chỉ của ngài: “lắng nghe người khác” có nghĩa là nghe giảng giải về vô ngã từ người khác. Do đó, điều hiển nhiên là đức Phật đã nói về việc lắng nghe người khác để phản bác ý tưởng cho rằng ngươi có thể phát triển tri kiến vô ngã từ chính bản thân ngươi, mà không cần sự tu học và quán chiếu vốn đi kèm với việc lắng nghe một người hướng dẫn tâm linh thiện xảo bên ngoài giảng giải về ý nghĩa của vô ngã.
Một cách tổng quát, trong số tất cả các kinh điển của đấng Chiến Thắng, có một số bộ kinh giảng giải rõ ràng về thực tại, và thậm chí có những kinh điển tuy không giảng giải rõ ràng về thực tại nhưng lại gián tiếp chỉ đến thực tại. Bóng tối của vô minh thì không thể vượt qua cho đến khi tri thức về thực tại hé rạng, nhưng bóng tối chỉ tan biến khi tri thức đó phát khởi. Do đó, định từ thiền – sự nhất tâm – không tự nó trở thành trí huệ tối thượng thanh tịnh được mà nó cũng không thể vượt qua bóng tối vô minh. Như vậy, thật không nghi ngờ là ngươi phải cầu tìm trí huệ; ngươi nên nghĩ rằng: “Tôi sẽ truy tầm trí huệ phân định được ý nghĩa của vô ngã – thực tại. Giai Trình Thiền,[9] phần thứ hai của ngài Liên Hoa Giới dạy rằng:
Và rồi sau khi đã thành tựu định, ngươi nên nuôi dưỡng tuệ giác. Ngươi nên nghĩ rằng: “Tất cả những lời dạy của đấng Thế Tôn đã được ban ra trọn vẹn; dù trực tiếp hay gián tiếp, chúng đều làm sáng tỏ và chỉ đến thực tại. Nếu mình hiểu biết được thực tại, mình sẽ thoát khỏi tất cả những rối rắm của các quan điểm giáo điều, cũng giống như bóng tối bị bình minh xua tan. Chỉ với định từ thiền không thôi thì không thể dẫn đến trí huệ tối thượng thanh tịnh; mà bóng tối của sự ngăn che chướng ngại cũng sẽ không bị xua đi. Tuy nhiên, nếu ta dùng trí huệ để thiền một cách hoàn thiện lên thực tại, thì ta sẽ đạt đến trí huệ siêu việt thanh tịnh và hiểu biết thực tại. Chỉ thông qua trí huệ thì ta mới có thể thực sự loại bỏ các chướng ngại. [567] Do đó, ta sẽ lưu lại trong định và dùng tuệ giác để truy tầm thực tại. Ta sẽ không tự thỏa mãn với riêng định từ thiền”. Thực tại này là gì? Cuối cùng thì tất cả các pháp đều thiếu vắng hai loại ngã: vô ngã của nhân và vô ngã của pháp.
Trong tất cả các Ba-la-mật-đa, chính trí huệ Ba-la-mật-đa thấy biết được thực tại. Bởi vì ngươi không thể biết được nó qua phương tiện của sự ổn định thiền hay của các Ba-la-mật-đa khác, nên ngươi nên phát triển trí huệ mà không bị nhầm lẫn sự ổn định thiền đơn thuần với trí huệ Ba-la-mật-đa. Giải Thâm Mật Kinh[10] dạy rằng:
“Bạch Thế tôn, thông qua Ba-la-mật-đa nào mà chư Bồ-tát hiểu được sự thiếu vắng của tự tính[11] trong các pháp?”
“Này Quán Tự Tại, chư Bồ-tát phải nắm bắt được điều này thông qua Trí huệ Ba-la-mật-đa.”
Như đã trích dẫn ở phần trên, Đại Thừa Tín Dưỡng Kinh cũng nêu cùng một điểm: “Ta không nói rằng những người vốn có tín tâm trong Đại thừa của chư Bồ-tát là được giải thoát, trừ phi họ có trí huệ – bất kể họ có tu tập pháp môn Đại thừa nào đi chăng nữa”.[12]
[1]BA232 LRCM: 504,549.
Từ đây cho đến chương 12 (LRCM: 564-606.9) đã được dịch và xuất bản trước đây bởi Elizabeth S. Napper như là Duyên Khởi Và Tánh Không (Boston: Wisdom Publication, 1989). Bản văn gốc tiếng Tạng đã được dịch hoàn tất ở đây. Trong Duyên Khởi, Napper cung cấp các phân tích, các ghi chú, và các phụ lục rất hữu dụng và chi tiết cho người đọc được tham chiếu.
[2]BA233 “Ngoài Phật giáo” ở đây là một cách dịch thoáng từ thuật ngữ Tạng mu stegs pa (“người giữ các bờ”) vốn chuyển từ Tạng ngữ tīrthika (“ngang qua”)
[3]BA234 Bkl,Tucci 1986: 209-10; P5310:26.1.5-7.
[4]BA235 SR: 9.36, Vaidya 1961a: 49; D130: Da 27a7.
[5]BA236 Xem chú giải BA33 về Udraka (Uất-đà-la).
[6]BA237 Tsongkhapa chỉ cung cấp dòng đầu tiên của kệ này, được trích dẫn đầy đủ ở LRCM: 479-480. Xem lại chú thích BA32.
[7]BA238 Bk2, P5311: 31.4.5; cf. LRCM: 479-480.
[8]BA239 Tsongkhapa đang diễn giải trích dẫn trước đây trong Bodhisattva-piṭaka (LRCM: 480.3-9, note 34), bao gồm nội trong sự trích dẫn của Liên Hoa giới. (Bk2, P5311: 31.4.7-31.5.2).
[9]BA240 Bk2, P5311: 33.2.8-33.3.4.
[10]BA241 Sn, Lamotte 1935:9.26; P774: 22.5.4-5. Được trích từ Kamalasila, Bk2, P5311: 33.3.4-6.
[11]Từ nay về sau, trong bối cảnh về sự hiện hữu hay về tình trạng bản thể của các pháp (và các đặc tính của chúng) các thuật ngữ sau đây được dùng với nghĩa tương đương: tự tính, tồn tại cố hữu, tồn tại nền tảng, thiết yếu. Và trong các luận của các đại sư Trung Quán các thuật ngữ này cũng được dùng tương đương.
[12]BA242 Đoạn trích trong Mahāyānā-prasāda-prabhāvanā-sūtra {Đại Thừa Dưỡng Tín Kinh}. Được trích dẫn bên trên ở LRCM: 479-480 (xem chú thích BA 36). Tsongkhapa dường như sử dụng Liên Hoa Giới như là nguồn trong phần này, hơn là từ tự các kinh điển.
Hits: 584