Bản Chất Đời Sống
Đi tìm nguyên lý cuộc sống qua bản chất như thật của nó, dịch giả đã cùng chúng ta đi vào một khung trời Pháp thể tuy nó không mới mẻ đối với chư Phật và chư Thánh Tăng nhưng đối với hạng phàm nhơn thì quả thật là một khám phá độc đáo, tân kỳ.
PHẬT GIÁO NGUYÊN THUỶ THERAVĀDA
BẢN CHẤT ĐỜI SỐNG
VEN. VINITA THERA
GIÁO LÝ THỰC TẾ
SIRI BUDDHASUKH
MÙA MÃN HẠ 2517-1973
LỜI CẢM TẠ
Người dịch thành kính tri ân Đại Đức Hộ Giác đã ủng hộ tinh thần lẫn vật chất; Đ.Đ Giác Minh, Đ.Đ Nhật Quang, Sư Chánh Đạo đã nâng đỡ và khích lệ tôi ra tập kinh này; với sự cổ động trợ giúp của Đ.Đ Thiện Quang, sư Chánh Lý, gia đình cô Tư Khánh Huy, cô Tư Đại Tân, cô Nga, và cô Nguyệt cùng toàn thể chư thiện tín phát tâm thí Pháp. Nguyện cầu Tam Bảo hộ trì chư liệt vị được toại nguyện trên đường giác Đạo.
LỜI GIỚI THIỆU
Thật là một nguồn vui đạo vị được dịch giả nhờ tôi giới thiệu quyển BẢN CHẤT ĐỜI SỐNG và GIÁO LÝ THỰC TẾ này.
Đi tìm nguyên lý cuộc sống qua bản chất như thật của nó, dịch giả đã cùng chúng ta đi vào một khung trời Pháp thể tuy nó không mới mẻ đối với chư Phật và chư Thánh Tăng nhưng đối với hạng phàm nhơn thì quả thật là một khám phá độc đáo, tân kỳ.
Dựa trên bản thể thuần chất của cuộc đời, dịch giả đã giúp chúng ta dấn thân vào rừng chính Pháp và từ trong ấy tự mình định một hướng đi có tính cách rộng mở để mọi người cùng có dịp nhìn về chân trời giác ngộ ngát hương hoa.
Sống là khổ thì bản chất của đời sống cũng là khổ. Khổ sanh ra khổ thì kết cuộc là nước mắt. Đức Phật dạy, hãy nhìn thẳng vào thực tướng của cuộc đời, chấp nhận tất cả trạng huống trái ngang và nghiệt ngã của cuộc đời. Vì chỉ có hiền nhân, giác giả mới đủ can đảm, thừa sáng suốt chấp nhận một định lý bất khả ly. Chấp nhận là thái độ lạc quan, còn trốn tránh là bi quan.
Đừng nhìn đạo Phật phiến diện qua một vài tri kiến mà hãy nhập cuộc với tất cả tư duy chơn chánh và thấy biết chơn chánh. Sự kiện này sẽ giúp chúng ta có cơ hội giải phóng tự thân và khơi nguồn cho dòng suối đạo quả tập thể. Đối với chủ quan ngộ nhận thì đạo Phật là tiêu cực, chán đời, từ chối mọi sinh thú. Đối với khách quan chân nhận thì Đạo Phật là tích cực, lạc quan, chỉ từ chối những sinh thú truỵ lạc.
Chỉ có Đạo Phật mới tôn trọng tuyệt đối mọi giá trị con người. Tiên, Hiền, Thánh, Phật đều là những con người. Con người mới biết rõ tâm lý, khát vọng của con người. Chính nhờ sự hiểu biết trung thực đó, mà Đức Phật suốt cuộc đời lúc nào cũng phục vụ đích thực cho hạnh phúc con người. Ngài chưa hề chỉ dạy những gì có tính cách huyễn hoặc, trừu tượng trên khả năng hiểu biết của con người. Trái lại, những giáo lý của Ngài đều lấy con người làm đối tượng và khả năng giác ngộ tất hữu của con người là cứu cánh.
Trên đường đi tìm hương hoa chơn lý, khách hồng trần hãy xem đây là một đoá hoa dại đợi chờ ở ven rừng Chính Pháp. Chỉ cầu mong quí vị tạm dừng chân thưởng ngoạn trong phút giây để rồi cùng nhau tiếp tục hành trình trong tinh thần Đại Hùng Lực, Đại Từ Bi và Đại Bát Nhã.
Thượng toạ THÍCH HỘ GIÁC
LỜI NÓI ĐẦU
Trong tập kinh nhỏ bé này gồm có hai phần. Phần đầu do vị Đại Đức ở Mã Lai viết, phần thứ hai do vị Đại Đức ở Tích Lan viết. Cả hai đều hướng về hạnh phúc của con người, tuy là hai đường lối có phần khác nhau. Phần đầu đề cập về những sự việc thường xảy ra trong đời sống hằng ngày mà chúng ta cần phải tranh đấu, gồm cả ngoại cảnh lẫn nội tâm. Trong khi bên ngoài do tiền tài danh vọng làm đảo điên tâm thần của chúng ta, thì bên trong lại bị những mãnh lực vô thường chi phối, tiêu diệt ta bằng sự già, đau, chết trong từng giờ, từng phút không ngừng nghỉ, mà ta chưa tìm ra lối thoát. Ôi thôi cả đời người là biển khổ trầm luân, nên chúng ta mong cầu đến hạnh phúc. Nếu chịu khó bỏ chút thì giờ bình tâm suy niệm về thái độ của Phật giáo trong việc mưu cầu hạnh phúc cho đời người, chắc chúng ta sẽ hưởng được phần nào an vui hạnh phúc. Điều cần nhớ là hạnh phúc hay khổ đau đều do chính tự ta gây ra, vì mỗi khi ta biết rõ mình đang khổ đau thì khổ đau sẽ không còn nữa. Vậy ngoại cảnh không quan trọng bằng nội tâm mà chúng ta cần kiểm soát và biết rõ nó từng lúc một, thì hạnh phúc sẽ xuất hiện trong ta. Phần thứ hai đề cập đến đức tính siêu việt của Đạo Phật đối với đời sống thực tế rất cần thiết cho con người để đạt đến giai đoạn cao siêu trong mức tiến trình của tâm. Khi chưa đạt đến chơn hạnh phúc, chúng ta có thể tiến đạt ở hai giai đoạn thấp hơn, hoặc hạnh phúc trong cõi thế gian này hoặc trong cõi trời cao hơn, bằng cách trau dồi và thể hiện lòng từ, bi, hỷ đến tất cả chúng sanh trong cuộc sống bình dị của chính mình. Ngoài ra chúng ta còn phải tự tạo cho mình cơ hội để thực hiện đôi chút thanh tịnh và hạnh phúc bằng tâm nguyện cúng dường trước Phật đài là biểu tượng của nội tâm. Tuy là những pháp tầm thường song cũng là thiện duyên hầu giúp chúng ta vứt bỏ mọi thế tình, diệt trừ mọi ngã chấp. Tuỳ sự nhận thức của mỗi người về mục đích tối hậu của đạo Phật là khước từ và giải thoát thế gian này để tiến vào Niết Bàn hạnh phúc tuyệt đối. Nhưng chúng ta đừng quên tiến từ giai đoạn thấp đến giai đoạn cao hơn mà phần sau đây sẽ trình bày cho chúng ta thấy rõ mục đích cao siêu của Phật giáo, nhưng không bác bỏ giai đoạn thấp hơn về tiến trình của con người.
Giờ đây chúng ta hãy cùng nhau tự mỗi người thắp cho mình một ngọn đuốc Tuệ để tiến sâu vào rừng Pháp Bảo hầu khám phá cửa chân hạnh phúc là Niết Bàn đang chờ đón chúng ta…
Mùa An Cư 2517
Sam. SATIBALA
————
BẢN CHẤT ĐỜI SỐNG
VEN. VINITA THERAMÙA
MÃN HẠ 2517-1973
Trên thế gian này có tám yếu tố mà mỗi người trong chúng ta, chẳng trừ một ai, đều chắc phải gặp trong đời mình, đó là lợi và bất lợi, danh và ô danh, khen và khiển trách, vui và khổ đau. Chẳng một ai có thể thoát khỏi những điều ấy. Trong khi những kẻ tầm thường như chúng ta đang bị đảo lộn, quay cuồng bởi tám yếu tố đó, thì những bậc Đại giác như chư Phật và chư Thánh A La Hán chẳng một mảy may nào bị chi phối cả. Chính lòng tham lam đã lôi cuốn những kẻ tầm thường, họ hay cầu mong điều lợi lộc, danh vọng, khen ngợi và vui sướng; thì trái lại cũng vì tính ganh tị mà sinh lòng uất ức khi gặp phải những gì bất lợi, ô danh, nhục mạ, và khổ đau đến với họ. Có những người phấn khởi trong những lần thành công, thì cũng có những kẻ ngã lòng trong những lúc thất bại. Nhưng đối với chư Phật cũng như các bậc A La Hán, các Ngài đã không những thoát khỏi lòng tham lam lẫn tính oán tị, mà còn lìa cả lợi lộc thường tình, cũng như đoạn tuyệt những bất hạnh, rủi ro.
LẠC QUAN VÀ BI QUAN
Đối với những kẻ tầm thường, hoặc là họ có khuynh hướng lạc quan hoặc có khuynh hướng bi quan. Người lạc quan cũng giống như đứa trẻ đầy lòng tham lam, lúc nào cũng đòi hỏi và thoả mãn; còn kẻ bi quan chẳng khác nào như đứa trẻ chất chứa đầy oán tị, lúc nào cũng uất ức và bất mãn. Người lạc quan nhìn mọi khía cạnh của cuộc đời toàn tươi đẹp. Họ hân hoan trước những vẻ đẹp của thiên nhiên – trước ánh bình minh rực rỡ, những buổi hoàng hôn xẩm tía, những ánh dương quang của những buổi trời chiều chói lọi, những tiếng hót vang của muôn ngàn dã điểu… – tất cả đều khuấy động lòng người một niềm vui khôn tả. Nhận muông thú làm bạn, và con người, trước mặt họ, là những vị thiên thần khả kính.
Còn kẻ bi quan nhìn những hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Họ thấy nhân loại đang tiếp tục chiến đấu bên cạnh các nước láng giềng; những mãnh thú đang cấu xé, giết hại đồng loại nhỏ bé hơn; muôn loài dã điểu tranh nhau giành tổ ấm. Họ thấy những khu rừng trong lửa đỏ; những núi non đang chuyển động giữa lòng địa chấn; những nước sông tràn ngập đê bờ, biến thành những trận cuồng lưu tàn khốc… Đối với kẻ bi quan, họ coi thế gian này như đang xáo trộn một cách mãnh liệt, ghê tởm.
Sự khác biệt giữa những người lạc quan và bi quan đã được trình bày rõ ràng, ở một trong những câu tục ngữ của dân tộc Đức: Có một cái chai chứa một số lượng rượu, nó không đầy mà cũng chẳng rỗng. Đối với người lạc quan nhìn vào kêu lên rằng: “chai rượu này đầy tới nữa chai à!”; nhưng đối với kẻ bi quan nhìn vào than rằng: “chai rượu này sao rỗng hết nữa chai vậy?”
TRÍ NHÂN
Người trí tuệ nhận biết sâu xa hơn, là chẳng có người bi quan hay kẻ lạc quan nào đúng cả. Chỉ những người nào mà thoát khỏi lòng tham lam và oán tị, người ấy mới thấy rõ chơn tướng của sự vật. Sự thật chính nó chẳng đẹp mà cũng chẳng xấu, đó là lời của chư Phật. Cái được gọi là đẹp và xấu ấy, tuỳ theo cách nhìn của mỗi chúng ta vào sự vật. Chính chúng ta đã gán cho nó những cái nhãn hiệu “cái này đẹp và cái kia xấu”, nhưng thực ra cái đẹp đối với kẻ này lại có thể là cái xấu đối với kẻ khác.
Cuộc đời này cứ vây hãm chúng ta bằng nhiều nỗi đau đớn, xảy đến bất ngờ, chí đến những bậc thiện trí nhất trong chúng ta, cũng không thể nhất thời giúp chúng ta thoát được những đau đớn, xảy đến bất ngờ, chí đến những bậc thiện trí nhất trong chúng ta, cũng không thể nhất thời giúp chúng ta thoát được những đau đớn và kích động ấy. Đức Phật ví thế gian này như dẫy đầy những nỗi thất vọng, chán nản. Mọi vật xảy ra không theo ý ta muốn. Hiển nhiên là thế, nên chúng ta cần phải tự trau dồi để đương đầu với mọi hoàn cảnh một cách dũng cảm. Chúng ta không thể nào thay đổi được hoàn cảnh, nhưng điều chắc chắn chúng ta có thể tự thay đổi lấy chính mình. Nếu mọi vật trên thế gian này là hiển nhiên, thì chẳng có gì thay đổi, mà phải quy phục theo nó, theo cái sự vật hiển nhiên của nó, hay nói một cách khác, mà phải miễn cưỡng duy trì cái khổ não này mãi sao. Điều này có nghĩa là chúng ta không phải cúi đầu để nhận chịu mọi bất hạnh đưa đến. Hẳn không thể được. Vì đó chỉ là định mệnh. Khi có một cơ hội nào đó mà có thể thay đổi được hoàn cảnh theo ý muốn của mình, thì chúng ta cứ thử và trắc nghiệm. Nhưng một khi ý thức được rằng, chúng ta đang gặp phải một sự việc như thế, mà không thể nào hành động khác được, thì chúng ta cứ tự nhiên, đừng phải lo lắng gì cả. Một thi sĩ hiện đại đã để lại một bài thơ đáng suy ngẫm và ông viết:
Thế gian bịnh hoạn vô vàn
Có thang thuốc trị muôn ngàn cũng không
Có rồi tự đó ra công
Bằng như chẳng có đừng trông mong gì.
Có nhiều người giữ được tâm trí bình thản, vì mọi việc đưa đến đều tốt đẹp. Nhưng khi thất vọng, chán nản đến với họ do những cái thất bại kinh doanh, những nỗi ốm đau tật nguyền, sự ra đi của quyến thuộc (chết), thì họ mất cả quân bình tâm trí đồng thời có thể đưa đến tự sát.
Chúng ta có được phấn khởi hay bị ngã lòng cũng chỉ vì sự mê lầm mà ra. Bậc trí tuệ có thể tự chế ngự những phản động của chính mình trong những lần thành công. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải ưu sầu, rũ rượi, không dám mỉm hay cười trước sự thành công của mình. Thật ra và hơn nữa, người Phật tử chơn thật là người phải có tính tình vui vẻ và trẻ trung. Mỗi khi cần phải được chế ngự trong những lúc thành công, thì cũng phải có lúc cần suy nghĩ kỹ trong những phút giây phiền não vậy. Nghĩa là gặp những khi phiền muộn ta phải nghĩ rằng, ta chẳng phải là người duy nhất vướng phải nỗi sầu này, mà còn có biết bao người khác cũng gặp phải tình trạng như thế. Có thể nói rằng không việc gì làm chúng ta phải sầu não được, nếu mỗi khi biết so sánh nó với sầu não của kẻ khác, đó là vấn đề mà kẻ khác ở cùng địa vị như chúng ta, cũng không thể nào giải quyết được. Tuy nhiên điều này cũng làm cho chúng ta cảm thấy bớt nỗi lo âu, vì đã có những người bạn đồng cảnh khổ.
Thiếu chi sách vở kể những câu chuyện về những người giàu có, quyền thế, rồi ra họ cũng đi đến chỗ không còn gì nữa. Như câu chuyện của một nhà triệu phú, tại thành Vương Xá (Rajagaha), với gia tài trị giá 160 triệu. Nhưng sau bị khánh kiệt và cuối cùng phải xin ăn ngoài đường phố. Lại nữa, thời bấy giờ đức vua A Dục (Asoka), người trị vì xứ Ấn Độ, chiếm được nhiều lãnh thổ rộng lớn hơn Ấn Độ ngày nay. Nhưng cái chết của ông cũng thật sầu thảm, lúc ra đi ông chỉ còn lại duy nhất một quả Myrobalan gọi là tài sản quí báu nhất của đời ông.
NHỮNG BÀI HỌC CAO QUÍ
Đến đây ta không phải ngược dòng lịch sử để định rõ trường hợp xảy ra, mà các bạn hãy nhìn vào câu chuyện dưới đây của một nhân vật nổi tiếng, sống tại Mỹ quốc, cách đây không lâu, là người giàu có nhất thế giới, lợi tức thường nhật của ông trên một triệu đô la. Chẳng có cái gì làm ông hớn hở vui mừng bằng những lúc ký nhận văn kiện khế ước về thương mại. Mỗi khi có được một mối lợi to lớn, ông sung sướng đến không thể tự chủ được những cử chỉ múa may quay cuồng trong phòng của ông; nhưng cũng có lúc bị ngã bịnh, khi gặp phải mất cả vốn. Ông không bao giờ chịu đóng bảo hiểm cho hàng hoá mình, vì ông sợ phải mất tiền. Một hôm ông đưa con tàu chở hàng hoá, với một số lượng rất đáng kể, đến một hải cảng xa xôi. Con tàu gặp phải bão. Khi hay tin ông hoảng hốt cho gọi ngay viên phụ tá đến, bảo hắn phải đi đóng bảo hiểm ngay cho kịp thời, với số tiền bảo hiểm này ông chỉ mất 150 đô la thôi. Nhưng khi trở về đến văn phòng, ông gặp viên phụ tá của mình trong tình trạng bực tức đến phát điên, vì vừa ngay đó một cú điện tín đánh về cho biết hàng hoá đã được đem lên bờ một cách an toàn, qua cơn bão. Càng về sau này bịnh ông càng nặng thêm, vì người ta đã phí mất của ông 150 đô la tiền bảo hiểm. Thật vậy, ông bịnh đến nỗi không thể trở về nhà cũng như nằm nghỉ yên được.
Bây giờ các bạn hãy nghĩ xem người đàn ông giàu có nhất thế giới, với lợi tức mỗi ngày hơn một triệu, mà đã khiến cho ông phải lâm bịnh vì 150 đô la. Tình trạng sức khoẻ của ông ngày càng trở nên trầm trọng. Tất cả danh y tại Hoa Kỳ được vời đến săn sóc, nhưng đều vô hiệu quả. Tuy ông mất ăn nhưng nhờ được nuôi sống bằng sữa người. Điều kỳ lạ là tóc ông đã phủ dài xuống, cả những lông mi cũng vậy. Sau đó những vị danh y ấy khuyên ông bằng những lời chân thành và cảm động, để ông có thể tự suy nghĩ chọn cho mình – hoặc vì mạng sống hoặc vì tiền. – Rồi cuối cùng khi nhận lời chữa trị, những vị danh y đó đã khuyên ông hãy tạm ngừng nghỉ hoạt động: một là đừng bao giờ lo lắng, ưu phiền; hai là tạm nghĩ ngơi để dưỡng sức, ông đã lắng nghe từng chi tiết trước khi nhận lời. Từ khi chấm dứt nỗi lo lắng về tiền bạc, ông cảm thấy khoẻ hơn nhiều. Bấy giờ ông đã được 53 tuổi, vừa thoát khỏi tử thần thất vọng và mất lúc 98 tuổi. Đó là trường hợp của nhà triệu phú liều mạng chỉ vì ông không biết cách tự chế ngự mình trong những lúc được lợi hay mất lợi.
Bây giờ chúng ta hãy theo dõi Đức Phật, xem Ngài đã cư xử thế nào ở những hoàn cảnh tương tự. Tuy Đức Phật đã có những vị đại thí chủ thuộc hàng trưởng giả như Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika), bà Visākhā và những đại thí chủ thuộc hàng vua chúa như vua Tần Bà Sa (Bimbisāra) và vua Ba Tư Nặc (Pasenadi Kosala), nhưng Ngài cũng gặp phải những trường hợp bị đói khát. Một hôm, Ngài vào một ngôi làng, tên Pañcasala, để khất thực và ngày hôm ấy Ngài chẳng được một hạt cơm nào cả. Điều đó cho biết rằng, Ma Vương đã cố ý hãm hại Ngài, bèn chiếm hữu những ngôi làng và ngăn cản sự để bát, cúng dường vật thực đến Ngài. Trên đường về tịnh xá với bình bát trống rỗng trên tay, Ma Vương xuất hiện trước mặt Phật, vờ lo lắng buồn rầu than rằng: “Thật thảm thay, Đấng Chí Tôn, hôm nay Ngài không có chi để độ sao” – “Ngươi đã lầm rồi, hôm nay Như Lai có thể sống no lòng được nhờ sự an vui hạnh phúc” – Đức Phật đáp. Nếu có người lấy cắp vật thực đi, chúng ta không thể giữ được thái độ như thế sao? Thật khó, sở dĩ chúng ta có được an vui hạnh phúc là vì chúng ta còn có được no lòng.
Sau đây một trường hợp khác, Đức Phật Ngài phải nghỉ lại một đêm giá lạnh, trong một khu rừng mặt đất cằn cỗi. Ngài trải chiếc y trên mặt đất rồi nằm nghỉ. Sáng hôm sau, thình lình có một hoàng tử qua đường ấy, vừa trông thấy Đức Phật chàng vội bước đến và bạch hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn đêm qua Ngài nghỉ có yên giấc không?” – “Phải” – Đức Phật đáp: “Như Lai nghỉ được an nhàn, vì Như Lai là một trong những người ở thế gian này nghỉ được an nhàn và thư thái nhất”.
Từ hai đoạn truyện ngắn trên cho chúng ta nhận thấy rằng, những hoàn cảnh không tạo cho con người an vui hay khổ não, mà chỉ là phương tiện để giúp con người tự phản ứng trước mọi hoàn cảnh để xác nhận trong lòng mình những cảm giác vui sướng hay khổ đau.
DANH VÀ Ô DANH
Những lời tán dương Đức Phật có thể nói trải khắp từ từng địa ngục thấp nhất đến cõi thiên đàng cao nhất. Cả những vị giáo chủ ngoại tông cũng đã đề cập nhiều đến Ngài. Nhưng đồng thời cũng có những kẻ tuyên truyền nhục mạ Ngài. Những đạo sĩ loã thể công khai tố cáo Ngài, với những ác ngữ mà họ dùng như sát nhân, khuyến rủ, cám dỗ đều được gán hẳn cho Ngài. Đối với Đức Phật, Ngài không bị kích thích bởi danh, và cũng chẳng bị thất vọng vì ô danh, trong khi vị đệ tử hầu cận của Ngài, Đại Đức Ananda, người chưa đạt được quả A La Hán, còn trong vòng phiền não, khi nghe thấy những lời vu khống của kẻ ngoại đạo đưa ra, người không thể nhẫn nại được, liền bạch xin Đức Phật.
ĀNANDA : Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài cho chúng đệ tử được phép rời khỏi ngôi làng này.
ĐỨC PHẬT : Này Ānanda, tại sao ngươi nói thế? Vì lý gì?
ĀNANDA : Bạch Đức Thế Tôn, những tên đạo sĩ lõa thể này đã phao tin thất thiệt chống lại chúng ta và dân chúng dường như tin lời họ lắm.
ĐỨC PHẬT : Phải rồi, Ānanda này, tỷ như chúng ta có rời khỏi làng này để đến một làng khác, nếu dân chúng làng đó cũng ngược đãi, mắng nhiếc chúng ta nữa, thì ngươi sẽ làm sao?
ĀNANDA : Bấy giờ, bạch Đức Thế Tôn, chúng đệ tử lại qua làng khác.
ĐỨC PHẬT : Này Ānanda, nếu chúng ta phải làm vừa ý của kẻ ác, sẽ không còn nơi nào duy nhất trên thế gian này cho chúng ta sống.
“Ta chẳng khác nào như thớt voi giữa bãi chiến trường, dù bị bao nhiêu lằn tên từ mọi hướng xuyên tới voi vẫn cũng xông lên hứng chịu. Cũng như thế ấy, ta phải nhẫn nại chịu đựng mọi ngược đãi mắng nhiếc. Tại sao? Vì phần đông con người đều độc ác”.
Những bậc vĩ nhân cũng như những người vô tội thường hay bị phê bình và chỉ trích, đó là chuyện thường tình xảy ra trên thế gian này; rồi đến những danh nhân cũng bị người đời làm hoen ố tên tuổi, làm nhục nhã thanh danh; cả những đại triết gia, những vị giáo chủ cao thâm, kể từ khởi thuỷ lịch sử, cũng là những nạn nhân của họ, có khi còn là nạn nhân của tử thần nữa. Như chuyện dân chúng của thành Athens, đố kỵ và ghen ghét triết gia Socrates, đã âm mưu tố cáo chống lại ông, rồi đem ông ra kết án tử hình. Chúa Jésus đã bị xử hình thập tự giá, do tên cận vệ thân tín nhất mà ông yêu như chính mình. Những cuộc bạo động đã được áp dụng để chống lại Thánh Gandhi – người hùng vô địch của bất bạo động – và cuối cùng ông bị bắn chết. Đức Phật Ngài không thuộc vào một trong những trường hợp đặc biệt này. Trong đời Ngài đã bị mưu hại nhiều lần, bởi một trong những hàng đệ tử của Ngài, đó là Đề Bà Đạt Ta ( Devadatta), người anh vợ của Ngài, nhưng Ngài là bậc Toàn Giác nên không thể bị hại chết.
Không một người nào có thể thoát khỏi những lời khiển trách nhục mạ. Từ những kẻ câm lặng còn bị quở trách, đến những hạn nói nhiều cũng chẳng khỏi lời chỉ trích, cả những người nói ít cũng không tránh được những tiếng thị phi. Chẳng còn một ai trên thế gian này không bị trách mắng. Đức Phật thuyết:
Ví như tản đá rắn kia
Dù cho gió bão chẳng lìa chẳng lay.
Khác nào chê dở khen hay,
Đối hàng Đại Trí nào lay tấm lòng.
HẠNH PHÚC VÀ KHỔ ĐAU
Đức Phật dạy rằng không thể có chơn hạnh phúc trong thế gian đang biến đổi. Chúng ta chỉ cần tìm quanh mình, chắc sẽ nhận thấy được chơn lý này. Vì nhà nào là nhà chưa hề có người thân hay kẻ sơ chết ? Ai sẽ là người thực sự thoát khỏi khổ đau và khổ già? Hiện tại đây cũng có một số người thoát khỏi được một vài nỗi đau đớn của thể xác và tinh thần. Nhưng than ôi! Rồi đây định luật vô thường sẽ chi phối chúng ta một cách ác nghiệt. Một ngày kia, tất cả những người trai trẻ sẽ trở nên già yếu, người lành mạnh trở thành tật bịnh, kẻ mạnh khoẻ rồi cũng tới kỳ suy nhược, vẻ đẹp kia sẽ trả về cho tàn tạ, rồi mạng sống này sẽ tiến dần vào cõi chết. Chẳng một vật nào ngay cả những vương quyền, trí khôn hay tài sản cũng không thể ngăn trở được luật vô thường chi phối. Chí đến đấng Toàn Giác với nhục thể của Ngài được tô điểm bằng 32 dấu hiệu của bậc Đại Giác, Ngài đã vượt hẳn các bậc Đại Danh, Đại Trí là những kẻ chưa được giác ngộ hoàn toàn, đầy đủ và trọn vẹn, thế mà Ngài còn phải chịu sự già, đau và chết; thì những hạng người yếu đuối, suy nhược như chúng ta có cần phải đề cập đến không?
Trên đời này, chúng ta đã từng gặp bao nhiêu tham vọng của biết bao hạng người, họ đã thực hiện từng việc nhỏ để đạt đến thành công. Ta còn thấy có nhiều kẻ quyền thế, các nhà lãnh tụ có toàn quyền sinh sát đều bị chết một cách thảm khốc. Những con người như Hitler và Mussolini mà những lời nói của họ có ảnh hưởng đến thế giới, cũng chết chẳng khác nào như một con vật, thi hài của họ bị vùi dập vào trong cát bụi. Uy quyền và lạc thú của thế gian là vậy đó.
Bây giờ chúng ta nên tỏ thái độ như thế nào khi đang sống trong thế giới biến đổi này ? Khóc ư ? Chẳng ích lợi gì, càng làm tệ hại hơn. Khước từ hay bỏ mặc cũng chẳng phải là đường lối tốt đẹp lắm. Khi hiểu được thực thể của vạn vật, chúng ta hãy giáp mặt với cuộc đời một cách dũng cảm. Hãy ghi nhớ lời Đức Phật đã khuyên ông Nakulapita, khi ông mang cái thân già suy nhược và bịnh hoạn này đến viếng Đức Phật, thì được Ngài chỉ dạy rằng: “Dù xác thân của người đã bị bạc nhược như thế, nhưng tinh thần của người hãy còn minh mẫn. Vậy người hãy tự mình trau dồi lấy”.
“Mặc dù cơ thể bị suy nhược, nhưng ta cần phải biết cách trau dồi sức khoẻ tâm linh như thế nào?” Đức Phật dạy tiếp. Một hôm, có một vị Trời đến chỗ Phật ngự, bạch hỏi rằng
“Bạch Đức Thế Tôn, xin Ngài cho biết làm thế nào mà các vị sa môn sống trong rừng cũng như những vị thọ thực ngày chỉ một bữa lại được nhiều hạnh phúc vậy?”
Đức Phật dạy
“Các người đừng ăn năn, hối hận về những việc làm trong quá khứ và cũng đừng mong ước rằng, sau đó, những việc ấy sẽ không xảy đến ta. Nhưng những gì trong hiện tại các người hãy tự nhận biết, khi đó các người sẽ hạnh phúc.”
Sau đây là phương pháp cho những ai muốn tìm đến chơn hạnh phúc. Đừng ăn năn về việc làm trong quá khứ hoặc lo lắng tới việc xảy ra trong tương lai. Hãy sống hạnh phúc trong hiện tại.
Người ta có thể phát điên lên được, không phải vì vấn đề của ngày hôm nay mà chính là những nỗi cay đắng và mối lo âu về những việc đã xảy ra ở hôm qua hoặc sẽ xảy đến ở ngày mai. Hiện tại mới chính là lúc để người ta tự khắc kỷ.
Hôm qua chỉ là một giấc mơ,
Ngày mai chỉ là một ảo tưởng,
Hôm nay mới thật đáng sống,
đáng tạo cho mỗi hôm qua này một giấc mơ hạnh phúc,
và mỗi ngày mai tới một ảo tưởng thiên đàng.
Người bình thường cho rằng hạnh phúc là do ở ngoại vật như tài sản, địa vị, vợ, con, bạn bè và nhân loại. Khi họ mất hoặc thấy những người này đang thất vọng, thì cái hạnh phúc của họ cũng bị mai một. Sự kiện hiển nhiên là ngoại vật chỉ giúp ta được đôi chút hạnh phúc, vì sự vô thường là thực thể của nó, nên cuối cùng chúng chỉ đem đến cho ta sự bất hạnh.
Chơn hạnh phúc không phải ở thể xác. Người có thân thể khoẻ mạnh, tuy nhờ ở thiên tính mà có được hạnh phúc về thể xác nhưng thường gặp phải bất bình hay bất hạnh, vì sức mạnh thể xác không thể bảo đảm được hạnh phúc. Trái lại có khi thể xác bị suy yếu, người ta vẫn có thể có được hạnh phúc. Chơn hạnh phúc không phải là một chủ hữu, vì nếu bạn chiếm hữu mọi vật trên thế gian này chắc hẳn mối bất hạnh cũng mang đến cho bạn chẳng kém gì. Không thể nào tìm thấy được một hạnh phúc hoàn toàn, vì muốn thế bạn cần phải đạt đến mục đích đối tượng và dĩ nhiên là hạnh phúc không còn nữa. Cũng như khi bạn có được danh vọng, may mắn và thành công, tất nhiên bạn sẽ mất hẳn thiên tính của hạnh phúc.
PHẠM VI CỦA HẠNH PHÚC
Hạnh phúc là một trạng thái của tâm linh. Nó không phải là cái xảy ra, mà chính là cái phản động của chúng ta đối với cái xảy ra ấy, nó minh định được trình độ của hạnh phúc và khổ não.
Hoàn cảnh có năng lực phá tan được sự bình tâm, chỉ vì chúng ta để phó mặt cho nó chủ động. Những biến cố chỉ là những sự kiện thuộc phạm vi ngoại giới; còn sự hạnh phúc thuộc lãnh vực của nội tâm. Hạnh phúc không phải là cái xảy ra bên ngoài mà chính là cái phản động nó ngấm ngầm dự trù từ bên trong ta.
Ở mặt khác, mục đích của con người biến đổi luôn, nhưng về phương diện này, mục đích toàn thể nhân loại chỉ là một – Tìm về hạnh phúc. Hãy nhìn và xem nơi chúng ta ở, xem loại thế giới mà chúng ta đang sống. Đó là thế giới mà trong đó bạn sẽ thấy có những con người giống hệt bạn về mọi khía cạnh. Cũng như chính bạn, họ muốn thể nhập với cuộc sống bằng đôi chút khổ đau, bất hạnh và sầu thảm, và bằng khả năng của chính họ. Theo bạn nghĩ thế nào? Còn họ sẽ an định việc này ra sao? Đối với đồng loại cũng như với chính bạn thì thế gian này có lắm điều mà bạn không thích. Bạn không thể lúc nào cũng tránh được hầu hết mọi việc xảy ra. Nhưng có một số việc bạn có thể tránh được theo ý muốn. Còn số khác quả thật bạn cần phải cố gắng lắm mới tránh được nó. Đến đây bạn có thể tự nguyện rằng, quyết định sẽ không làm những điều phiền phức, khó khăn, đau khổ và buồn rầu cho kẻ khác bằng mọi hành vi của bạn.
Đức Phật, Ngài đã khuyên rằng, vì ơn huệ, lợi ích và hạnh phúc của chính bạn, ít ra bạn cũng nên chấp nhận để tránh khỏi những điều sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống các chất say. Do hành động này, với tấm lòng thành thật này và quyết tâm cố gắng giữ lời nguyện, bạn sẽ tránh tạo thêm nhiều nỗi đau khổ nữa còn đầy dẫy trên thế gian này. Trong khi giữ được năm giới này thật là một ơn huệ và lợi ích cho chính bạn, đồng thời nó cũng là khởi nguyên của bước đường dẫn đến Niết Bàn – một trạng thái cao nhất của hạnh phúc.
———————-
GIÁO LÝ THỰC TẾ
(SIRI BUDDHASUKH)
MÙA MÃN HẠ 2517 – 1973
ĐỨC TÍNH SIÊU VIỆT
Siêu việt tính là đức tính chủ yếu của Phật giáo. Hằng ngày chúng ta thành tâm suy niệm về trí tuệ siêu việt của Đức Phật, là giác ngộ hoàn toàn và không chịu một ảnh hưởng nào của sự vật cả. Ngoài ra chúng ta cần lưu tâm về đức tính tinh khiết của Ngài, là tuyệt đối, là vượt hẳn mọi phạm vi ô trược (kilesa) và tình trường (āsava) của người đời. Lại nữa chúng ta còn phải suy tư về lòng Từ vô lượng, vô biên của Ngài bao trùm khắp vạn hữu, không giới hạn giai cấp, tín điều, quốc gia và con người. Trên thực tế chúng ta có thể nghĩ tưởng đến Ngài bằng vô vàn phương cách khác nhau, nhưng tất cả những cách ấy có thể tóm tắt bằng ba đức tính cao thượng đã được đề cập ở trên, đó là khái luận về đức tính của Phật và hiển nhiên nó phải là phản ảnh của con người và đồng đặc tính với siêu việt tính.
Thế vì lẽ gì, Trí Đức đã có thể gọi là đầy đủ và trọn vẹn hay theo thuật ngữ Phật giáo và Siêu Thế (lokuttara), mà không vượt hẳn tình trạng thế tục?
Còn đối với Tịnh Đức đã có thể gọi là tuyệt đối mà cũng không vượt khỏi được phạm vi dục tình và ô trược sao ?
Và cuối cùng, Bi Đức hay lòng từ đã có thể gọi là vô biên hay bao la (appamañña) vì sao mà không vượt qua chướng ngại là ngã mạn và thành kiến được dựa trên giai cấp, tín điều, quốc gia, chủng tộc và con người ?
SIÊU VIỆT TÍNH KHÔNG CÓ NGHĨA LÀ LÃNH ĐẠM
Nhưng thật đáng buồn cho nhiều người, ngay cả một số Phật tử đã hiểu lầm về đặc tính siêu việt này và do đó giải thích sai lệch, gây thiệt hại cho mức tiến bộ của chính họ trên đường giác ngộ. Họ thường xem đức tính siêu việt như thể đáng được chấp nhận và thái độ câm lặng, lãnh đạm thuộc giai đoạn thấp hơn của mức tiến trình. Do đó, bằng cách khinh thường thái quá, họ coi bất cứ vấn đề nào cũng cần phải vượt qua ở giai đoạn cao nhất của mức tiến trình. Những sự kiện sau đây chỉ cho thấy khuynh hướng thực hành trong Đạo Phật, sẽ giúp ta làm sáng tỏ thái độ sâu xa của Phật giáo như đặc tính của siêu việt.
– Ba nấc tiến trình
Hiển nhiên vì tình trạng bất diệt và bất động của Niết Bàn, mục đích tối hậu của đạo Phật là khước từ mọi lạc thú và khoái lạc nhất thời của thế gian. Nhưng Đức Phật đã biết rằng, những chúng sanh có thức tánh có biết bao trình độ khác nhau, họ dùng những cảnh trạng xung quanh cũng như khả năng tâm linh của họ để nhận chân và thấu đạt giáo lý của Ngài. Vì vậy Ngài đã thiết định hai nấc tiến trình khác mặc dù thuộc về giai đoạn thấp hơn, nghĩa là tiến trình có thể đạt được ngay trong kiếp hiện tại (diṭṭhadhammikattha), hoàn toàn thuộc thế giới loài người và tiến trình khác có thể đạt được ở một hay trong nhiều kiếp vị lai (samparāyikattha), thuộc phạm vi ngoài thế giới loài người (vô hình). Tuy nhiên cả hai nấc tiến trình này đều thuộc về thế gian pháp (lokiya), còn tái sanh và là những giai đoạn sơ cấp và trung cấp của phần đông nhân loại; trong khi mục đích của tiến trình thứ ba thuộc về Siêu Thế (lokuttara), không còn sanh tử luân hồi nữa, được giới hạn cho những lớp người khoẻ mạnh về tâm, trí và ý chí. Với ba nấc tiến trình hay còn gọi là ba nấc thực hành này đã hoàn toàn được xác định và phân biệt rõ ràng; điều này hiển nhiên cho chúng ta thấy rằng đạo Phật không ép buộc sống đời sống khước từ đối với bất cứ những ai chưa đủ thành thực để chấp nhận con đường tiến đến tự trau dồi.
– Thân và Tâm
Đạo Phật là một hệ thống của hành động đối với sự phát triển của tâm linh, nó được nhấn mạnh về tâm trí hơn về thân xác. Nhưng không có nghĩa thân xác là phải hoàn toàn được bỏ đi. Bằng cách săn sóc và gìn giữ riêng về nó, không phải là để dung túng những khát vọng nhục thể, cũng chẳng phải bỏ hẳn nhu cầu vật chất hoàn toàn tự nhiên của nó, nhờ vậy người ta mới có thể mong đạt được cái trưởng thành thật sự của tâm linh. Điều này chính là mức quân bình hay theo thuật ngữ Phật giáo là Trung Đạo. Vậy chúng ta có thể kết luận rằng đạo Phật không bỏ hẳn việc săn sóc và gìn giữ riêng cho thân xác.
Chú tâm gìn giữ cẩn thận thân xác là một đường lối duy nhất để giúp ta quyết định khước từ khi bàn đến một trong hai thái cực. Hai thái cực này là lợi dưỡng và khổ hạnh đã được Đức Phật đề cập đến trong bài Pháp đầu tiên của Ngài, và sau đó Ngài thường thuyết giảng về những sai lầm của hai thái cực bằng cách thực hành Trung Đạo có chú trọng đến việc bảo tồn thân xác một cách chơn chánh. Khi ý thức rõ ràng là thân xác bắt buộc phải được cấu tạo bởi nhiều yếu tố khác nhau, chẳng khác nào tập hợp các phần tử của cơ thể thì hiển nhiên chẳng sớm thì chầy nó cũng bị tan rã.
Thay vì cố gắng như chim đà điểu, không quan tâm đến sự kiện già, chết và tan rã của thân xác, truyền thống Phật giáo nhấn mạnh rằng ta cần phải biết rõ về những sự kiện hiển nhiên này, nhưng phải dùng trí tuệ sáng suốt để quan sát thấu triệt cái thực tướng của chúng.
Vậy khi đến một trình độ nào đó, tâm trí được tách rời và giảm dần tính cách tự hợp của nó với thân xác. Bấy giờ thân xác có thể được xem như ‘một lợi khí của giáo lý’. Nó sẽ trở thành một vật quý giá vô ngần và nhờ đó người ta có thể thực hành được giáo lý, hầu đem lại lợi ích cho chính mình và kẻ khác. Nhưng đầu tiên người ta không thể nào chấp nhận nó theo đường lối này, mà trái lại họ chấp nhận một cách nguy hiểm do tánh tự phụ và quan niệm sai lầm về ‘thân của tôi’.
– Lối sống cần kiệm
Mục đích của Phật giáo vượt hẳn mục đích của các nhà kinh tế học. Thật vậy trong khi kinh tế học làm giàu và thoả mãn những khát vọng của con người, thì Phật Giáo biện minh cho mục đích cao cả của mình, một đời sống bình dị, một nhu cầu tối thiểu và thuyết giảng phương pháp dập tắt và loại trừ những khát vọng. Nhưng trong nấc đầu của mức tiến trình thuộc hoàn toàn thế tục, Phật giáo cũng nhấn mạnh về việc làm giàu do sự cần mẫn và bảo vệ tài sản đã kiếm được phải nhờ ở cần kiệm. Điều này chứng tỏ Đức Phật đã biết, tiền bạc đối với những vấn đề của thế gian cần thiết biết bao, và vì thế việc kiếm tiền cũng như bảo vệ của cải quan trọng biết chừng nào; chẳng có vấn đề nào ngoài vấn đề cần kiệm cho đời sống, vì bất cứ những ai đến nay, không thể nào hoàn toàn không màng đến thế tục. Vậy quá rõ ràng là đạo Phật không phủ nhận vấn đề cần kiệm cho đời sống.
Điều này có thể được nhận thấy qua nhiều đời và những kỷ cương của các nhà thống trị Phật giáo lớn mạnh như hoàng đế A Dục (Asoka), xứ Ấn Độ và gần đây hơn quốc vương Thái Lan Monkut. Dĩ nhiên những vị này muốn cho dân chúng mình được an vui, hạnh phúc, nên đã hướng dẫn bằng cách chỉ dạy cho họ chú tâm thực hành lòng Từ Bi và Hỷ (mettā karunā muditā) vào đời sống hằng ngày.
Quan niệm ngày nay về trạng thái hạnh phúc là không cần đến tài sản vật chất, nhiều tiền bạc cấp dưỡng đã được gởi đến cho những người già yếu, nghèo khổ và bịnh tật vẫn còn là một ý niệm quan liêu rỗng tuếch, trừ khi nào quan niệm nhân từ đó được thể hiện bằng tâm từ … Nhưng tiếc thay điều này không được luôn luôn như vậy đâu, và vì thế người ta đã tìm ra nhiều việc từ thiện cần phải làm, họ đặt ra quyền ưu tiên cho việc làm từ thiện đó được thể hiện ở mỗi cá nhân, mà mục đích họ muốn đem lại sự an vui, hạnh phúc đến những người mà họ cần giúp đỡ.
– Lòng thành trong vật cúng dường
Đạo Phật vượt hẳn những ý niệm bám bíu vào những phương pháp thờ phượng được bày đặt ra, như lối lý tưởng hoá tình yêu Đức Phật và ngưỡng mộ Ngài. Chúng ta biết được ý tưởng này là do thái độ của Đức Phật đã biểu lộ qua suốt cuộc đời Ngài, và nhất là ở những lời dạy của chính Ngài ngay trước khi Ngài viên tịch, đã đưa đến kết quả là đem áp dụng giáo lý của Ngài vào việc làm và đời sống hằng ngày của chúng ta, đó là cách biểu lộ thờ phượng cao đẹp nhất mà hàng Phật tử có thể hy vọng cúng dường được đến Ngài. Nhưng không có nghĩa là cách tôn thờ bằng những tràng hoa và vật cúng dường cần phải được ngăn cấm. Vì đó là giá trị riêng của mỗi cách tôn thờ mà nó sẽ ngăn được hàng Phật tử khỏi ca tụng người này mà cũng chẳng chỉ trích kẻ khác. Vậy phương pháp của Đạo Phật có thể vượt hẳn, nhưng không cấm chỉ, lối tôn thờ được thể hiện bằng những tràng hoa và vật cúng dường.
Vào thời kỳ nào, còn thể hiện những cách cúng dường theo những cổ lệ này, thì còn có những Phật tử nhân cơ hội đó để thụ hưởng đôi phút tâm thần thanh tịnh. Như lúc đang thắp những ngọn đèn họ có thể định tâm suy tưởng đến Đức Phật, họ cũng có thể hưởng được những ý vị cao siêu của giáo pháp bằng những thiện hạnh của họ; và mỗi khi thắp nén hương nguyện cầu họ cũng suy tưởng đến những phẩm hạnh cao đẹp khác; rồi đến những tràng hoa cũng làm cho họ hồi tưởng những đức tính mỹ miều và quang minh của các bậc xuất gia cao thượng.
Ngoài vật cúng dường, theo truyền thống, cách tôn thờ còn được biểu lộ bằng ba lạy và chắp tay. Đây là những thái độ để tỏ lòng thành kính được nhận thấy có trong nhiều tôn giáo. Theo Phật Giáo, người ta mới hiểu rõ ràng cách tôn thờ này đã được quy định là nhờ ở thái độ tôn kính mà việc chú tâm theo dõi được dễ dàng đồng thời nâng đỡ niềm tin thêm vững chắc, duy trì đức tính khiêm tốn, và gia tăng lòng nhân từ của mỗi cá nhân khi biết thực hành nó; chẳng những thế còn đem lại phần lợi ích tinh thần cho chính họ. (Dĩ nhiên, người ta không có gì để thể hiện ngoài lòng tôn thờ “ảnh hưởng”). Ở phần này đã được viết ra rất nhiều bằng những bài kệ và bài kinh được các hàng Phật tử ngày nay tụng niệm. Những bài này thường được viết bằng Phạn Ngữ (Pāli), và nói lên ân đức của Tam Bảo cũng như để biểu lộ lòng mộ đạo và biết ơn các hàng đệ tử, đồng thời cũng để nhắc nhở cho họ ghi nhớ mãi những ý nghĩa của bài ấy.
– Hai trình độ dẫn đến chơn lý
Hơn nữa, chơn lý tối thượng của đạo Phật (Paramatthasacca) vượt hẳn phạm vi thuộc giả định thế gian (lokasammuti). Xác định thế gian (lokapaññatti) và biểu tượng thế gian (lokavohāra), tuy nhiên, đạo Phật cũng không bao giờ phủ nhận giá trị và chơn lý biểu hiện cho thế gian đó, trên bình diện riêng của nó. Đức Phật Ngài đã trình bày Pháp Vô Ngã (Anattā), một trạng thái duy nhất của Đạo Phật, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, Ngài cũng như bao người khác vẫn dùng đến danh từ Ngã (Attā), nó không có nghĩa gì về triết lý mà chỉ là sự việc thường hành. Đức Phật ví xác thân này như thể kết hợp bởi năm Uẩn (khandha) và những cái gọi là “cha”, “mẹ”, “tôi”, “của tôi”, và “con người hay vật” đều trống rỗng, nhưng Ngài không bác cái giá trị tương đối của những danh định như thế, trong phạm vi chơn lý ước định (sammutisacca), của nó. Do đó mới có sự khác biệt nhau về tư tưởng bảo thủ và tư tưởng bất hợp giữa triết thuyết Phật giáo và các giáo lý khác thuộc hư vô chủ nghĩa: Họ hoàn toàn phủ nhận chơn lý tương đối mang ý nghĩa tương đối của những danh từ này, trên bình diện tương đối của chúng. Lại một lần nữa, điều không thể ngờ được rằng, đạo Phật vượt hẳn, không phủ nhận, chơn lý tương đối hoặc giả định (sammuti sacca) trên bình diện riêng của nó, mặt khác cũng không xem chơn lý tương đối đó như một thực thể duy nhất và cũng chẳng coi đó là một duy vật hoàn toàn.
HAI TRÌNH ĐỘ VỀ KHẢ NĂNG
Với những sự kiện vừa được nêu trên đây cho ta quyết chắc rằng, đặc tính siêu việt trong đạo Phật không bao giờ có ý lãnh đạm hay coi thường giai đoạn thấp hơn của mức tiến trình và cũng không thể không nhận thức được con người có muốn đạt đến giai đoạn cao hơn và mục đích tối hậu của nó không, vì mỗi sự vật đều có giá trị riêng, ở mỗi địa vị riêng của nó, nên đối với người có trí tuệ, họ biết lượng định vai trò của sự vật một cách chính xác, không phải đánh giá nó quá cao hay xem thường nó quá đỗi. Dĩ nhiên nấc thang đầu tiên bao giờ cũng thấp hơn nấc thang sau, nhưng giá trị của nó được xem như một phương tiện, nhờ đó giúp cho người ta đạt đến nấc thang thứ hai, điều là không phải họ không biết nhờ ở phương tiện của nấc thang thứ nhất mà tiến. Còn đối với kẻ thiểu trí bao giờ cũng nghĩ tưởng và xem thường nấc thang đầu tiên của họ, dù đã đạt đến nấc thang thứ hai hay những nấc thang cao hơn. Do đó cái tuyệt diệu (kusala) trong đạo Phật là biết nhận thức về hai trình độ sau đây: Vaṭṭagāmī (người đang hành trình trong vòng luân hồi) và Vivaṭṭagāmī (người thoát ly vòng sanh tử). Để dễ dàng cho việc so sánh, đối với trình độ đầu (vaṭṭagāmī) người hành trình được đưa đến cảnh giới cao hơn, có nhiều diễm phúc hơn đối với thế giới loài người và có thể gọi hoàn thiện thế gian (lokakusala): còn trình độ sau khó khăn hơn, tiến dẫn con người vượt qua vòng luân hồi và có thể gọi tuyệt hảo siêu thế (lokuttara kusala). Đối với cảnh giới thuộc trình độ đầu, không có sự ngăn cản hay cấm đoán người nào, trên phương diện đi tìm uy thế và quyền lực cho mình hoặc cho tổ quốc mình hay cho cả hai, mà chỉ quy định rằng, con người nên sử dụng phương tiện nhất tri của mình là Chánh Pháp (Dhamma) trên bình diện của cuộc sống nhiều hơn.
Giáo lý Phật giáo đã dạy rằng, tiền nghiệp của con người sẽ đưa đến kết quả y hệt mà chúng ta đang thọ nhận trong hiện tại, gọi là quả của nghiệp (phala, vipāka). Thiện hạnh (kusala) sẽ đưa đến quả vui, trong khi khổ đau sẽ theo sau những ai hành động ngược lại Chánh Pháp (dhamma). Người xuất gia hay người tại gia mà sống theo phẩm hạnh của bậc xuất gia, tự nhiên sẽ không còn bị xung đột hay tương tranh với thế nhân nữa. Nhất là, trước những tình cảnh của cuộc đời như thế, đối với những người thuộc trình độ sau mỗi khi họ đắn đo về những hành động trái ngược lại với Trí Tuệ (paññā) và lòng Bi Mẫn (karunā) là những tiêu chuẩn cao đẹp của Đạo Phật, thì họ nhớ ngay đến nghiệp và quả của nó mà tránh khỏi một cách dễ dàng. Hiển nhiên đối với hàng Phật tử có sự hiểu biết sâu xa, hành trì đúng mực giới luật của Đức Phật, sẽ tránh được tội sát hại sanh linh, do đó cũng tránh được hiểm hoạ chiến tranh và lúc nào cũng có thể thực hiện giới luật một cách tốt đẹp. Bất luận mọi ý định nào để tham gia vào cuộc chiến đấu bằng võ khí mà người ta có thể thực hiện được, như trong việc bảo vệ quê hương chống lại kẻ xâm lăng, đều là những nhiệm vụ của chính họ; nghĩa là họ đã phải bị gánh vác trách nhiệm của những hành vi bất thiện (như sát sanh) thì không thể nào tránh khỏi phạm tội lỗi.
Để tóm lại, những sự kiện dưới đây sẽ giúp cho các hàng Phật tử cũng như những người chưa theo đạo nào ghi nhớ về những đức tính siêu việt trong đạo Phật không bao giờ có ý lãnh đạm hay bỏ hẳn tất cả những điều gì cho là chỉ phải được vượt qua ở giai đoạn cao nhất mà thôi vì:
1. Đạo Phật vượt hẳn, nhưng không bác bỏ đời sống của thế nhân.
2. Đạo Phật vượt hẳn, nhưng không lãnh đạm việc săn sóc và gìn giữ riêng cho thân xác
3. Đạo Phật vượt hẳn, nhưng không phải không biết đến lối sống cầu kiệm của con người
4. Đạo Phật vượt hẳn, nhưng không cấm chế lối thờ cúng tràng hoa hay vật cúng dường
5. Đạo Phật vượt hẳn, nhưng không phủ nhận chơn lý giả định hay ước định.
6. Đạo Phật vượt hẳn, nhưng không chỉ trích tình yêu và sự hy sinh phục vụ bảo vệ quê hương của chính họ.
Ven. Vinita Thera
Nguồn: phatgiaonguyenthuy.com
Hits: 58