Buông xuống tự tại


Có nhiều lý do từ bên ngoài và bên trong tâm hồn, đã tạo cho bạn khổ đau không ít. Chẳng hạn, bạn phải sống với một người mà bạn không thích. Bạn phải nghe những điều mà bạn thật sự không muốn nghe. Bạn bị vu oan một cách cay nghiệt.

 

An lạc và hạnh phúc là điểm mơ của cuộc đời mà con người ai cũng mong mỏi để đạt tới. Những nhà xã hội, chính trị, tôn giáo… tất cả mọi cố gắng của họ cũng không ngoài mục đích mang lại sự bình an và hạnh phúc cho cuộc đời.

Hoặc sự vượt biên hoặc sự miệt mài trong các trường đại học hoặc phải làm hai hay ba việc trong một tuần của bạn cũng không ngoài ý muốn trên.

Tất cả mọi cố gắng của bạn để làm sao mình có được danh phận và đồng tiền. Vì hai sự kiện này rất cần thiết trong một đời sống có an lạc và hạnh phúc. Những cao sang vật chất đóng phần rất quan trọng cho một đời sống ổn định.

Để từ đó, bạn cảm thấy mình bớt âu lo và sợ hãi hơn. Do vậy, bạn cần phải kiên trì học hành, vươn lên trong cuộc sống và nỗ lực làm việc. Mọi suy nghĩ tiêu cực và oán ghét cuộc đời thường dễ đưa bạn đến sự hủy diệt sự sống và chẳng giúp gì nhiều cho bạn có được một tâm hồn an lạc và hạnh phúc.

Bạn đang chăm chỉ học hành và làm việc. Đời sống bạn tạm ổn về mặt kinh tế, nhưng bạn vẫn thường thấy mình có nhiều khổ đau và phiền muộn.

Đành rằng vật chất, bằng cấp, kiến thức và danh phận đã giúp bạn có thật nhiều hạnh phúc nhưng có nhiều thứ khác bạn thiếu lưu ý đã tạo những phiền muộn cho bạn không ít.

Như một căn nhà cao sang, bạn trang trí nhiều bức tranh đẹp và những tiện nghi nhưng cùng một lúc bạn lại mang vào nhiều rác rến và gai gốc. Chính những gai gốc này đã làm cho bạn mất đi thật nhiều sự trang nhã và cao sang của căn nhà.

Nếu bạn biết học hỏi và thận trọng hơn để ngăn ngừa những phiền muộn có thể xảy ra bất cứ lúc nào chung quanh bạn như rác rến kia thì quả thật bạn là người sung sướng nhất thế gian này.

Có bao giờ bạn tự suy nghĩ đến những sự việc nào mà nó làm tiêu hủy an lạc và hạnh phúc mà bạn đang vun xới không?

Ngoài những điều trên bạn đang miệt mài, còn cách nào bạn có thể xây dựng một đời sống với nhiều an lạc và hạnh phúc? Đây là hai câu hỏi thật là quan trọng giúp cho bạn thực hiện một đời sống bình an và ý nghĩa.

Có nhiều lý do từ bên ngoài và bên trong tâm hồn, đã tạo cho bạn khổ đau không ít. Chẳng hạn, bạn phải sống với một người mà bạn không thích. Bạn phải nghe những điều mà bạn thật sự không muốn nghe. Bạn bị vu oan một cách cay nghiệt.

Bạn giận giữ một ai lâu ngày trong lòng. Bạn ray rứt, ăn năn một lầm lẫn. Bạn ích kỷ và rất thờ ơ trước sự đau khổ của người khác… Tất cả những sự việc này như là những ngọn lửa cao hực cháy trong lòng bạn.

Vậy thì làm sao mà bạn có được an lạc và hạnh phúc cho dù bạn đang có thừa đời sống vật chất. Những thứ này không khác gì những con vi trùng ung thư đang tiêu hủy những hồng cầu của bạn.

Bạn phải tìm thấy những nguyên nhân đưa đến sự phiền muộn một cách thường trực thì bạn mới có thể chuyển đổi được sự khổ đau. Cũng từ đó, bạn mới tìm ra phương pháp nào để đối trị nó được. Bạn muốn thật sự có an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống, thực hành pháp buông xả là một bí quyết giúp bạn có nhiều niềm vui cho chính bạn và những người chung quanh.

Hạnh Buông Xả là gì?

Buông xả là buông bỏ. Bạn buông bỏ mọi phiền muộn từ bên ngoài và chính bên trong tâm bạn. Bạn buông bỏ sự ích kỷ và nhỏ mọn. Bạn rủ bỏ nó như rủ bỏ một chiếc áo rách và nhớp nhúa lâu ngày. Tất cả chúng là những mùi tanh đang bám vào người bạn.

Bạn phải chiêm nghiệm chúng một cách sáng suốt và thẳng thắn xác định rằng, phiền muộn là khí độc đang bao trùm lấy bạn, bạn phải dứt khoát buông bỏ.

Buông bỏ được thì an lạc đến. Bạn lưu ý cho rằng khổ đau và an lạc là hai mặt trái và phải của một bàn tay. Chúng luôn luôn đi theo dạng tỷ lệ nghịch với nhau. Khi bạn có nhiều an lạc thì khổ đau ít xuất hiện và ngược lại.

Như một ly nước, nếu bạn cho nhiều màu xanh thì màu trắng mất. Làm thế nào bạn có thể tập hạnh buông xả trong đời sống hàng ngày.

1. Hãy tập buông xả với chính bạn trước:

Ta là nơi nương tựa của chính ta. Đức Phật thường hay khuyên chúng ta như vậy. Bạn phải trở về chiêm nghiệm và thực tập nơi chính con người bạn. Chính bạn đã tạo cho bạn phiền muộn không ít. Bạn phải tập buông bỏ những khổ đau trong tâm hồn do chính bạn gây ra.

Bạn thực tập hạnh buông xả tức là bạn đang thực tập hạnh từ bi—thương yêu. Bạn phải ý thức một cách sáng suốt rằng chính bản thân bạn cũng là một sinh mạng như bao nhiêu sinh mạng khác. Hãy tập thương yêu ngay từ chính bạn. Hãy tập thương yêu để buông xả, trong ấy những vấn đề mà bạn thường gây ra như sau:

a. Sự ân hận dai dẳng:

Trong những sinh hoạt thường ngày, bạn thường làm những điều phiền muộn đến những người chung quanh một cách vô tình hay cố ý.

Nhưng sau đó bạn cảm thấy ăn hận vô cùng. Nhận biết lầm lỗi chính mình là cửa ngõ đầu tiên cho mọi thánh thiện trong cuộc sống. Không biết mình làm điều sai thì làm sao có thể sửa đổi được.

Hành động sám hối của bạn chỉ có thể xảy ra khi nào bạn thật sự đón nhận lầm lỗi của mình một cách tha thiết. Nhưng sau khi ăn năn xong thì bạn cần phải buông xả ý niệm ray rứt triền miên trong thời gian qua đó.

Vì, nếu bạn cứ tiếp tục ôm giữ sự ân hận ấy thì chẳng mang lại cho bạn một chút an lạc nào cả. Như một chiếc áo đã giặt sạch, bạn không nên vô tình giày vò nó để tạo nên những nhàu nát đáng tiếc.

Bạn lưu ý cho rằng, buông xả tâm lý ân hận dai dẳng không có nghĩa là đồng lõa với mọi sự dễ dãi. Bạn phải thật thận trọng để quan sát những hoạt động của tâm lý bạn trong chiều hướng này. Một khi ý niệm dễ dãi để cho một lầm lỗi trôi qua thì bạn không thật sự có nhiều ân hận. Đã không có nhiều ân hận thì làm gì có sự buông xả.

Đây là một sự dễ dãi và bạn lại khởi đầu cho một ác nghiệp mới chồng lên ác nghiệp cũ. Như, làm cho một người khác đau khổ vì lời nói thiếu từ tâm của bạn. Bạn biết nó sai và bạn hời hợt dễ dãi bảo rằng, thôi thì hãy quên chuyện ấy đi.

Buông xả sự ân hận dai dẳng ở đây không nằm trong ý đó. Vì rằng, bạn không có chút mảy may gì ray rứt việc lầm lỗi của bạn. Hai tiếng buông xả chỉ được phát xuất bằng tất cả lòng tha thiết thành khẩn và ăn năn chính bạn.

Một đêm thật khuya, sau khi hoàn tất mọi công việc đèn sách hoặc những chuyện khác, bạn ngồi yên lặng trên giường hay nơi phòng khách với tư thế trang nghiêm, nếu được bức tranh đức Phật thì tốt.

Thế giới lúc này thật tĩnh lặng và chỉ còn lại bạn và đức Phật thôi. Bạn trình bày với Phật về sự việc lầm lẫn của bạn và nó đã mang lại cho bạn thật nhiều ân hận và khổ đau trong tâm hồn. Bạn thành khẩn sám hối.

Bạn tha thiết đọc câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Hồng hay niệm bất cứ một danh hiệu Phật nào để cầu xin Phật lực làm tiêu trừ tội lỗi của bạn vừa qua. Nếu bạn thật sự ăn năn thì nước mắt bạn sẽ dâng trào hoặc một cảm giác lành mạnh chạy khắp trên thân hình của bạn.

Bạn cúi đầu đảnh lễ đức Thế Tôn và cũng chính trong lúc ấy bạn quyết liệt rủ bỏ tâm lý ân hận đã bám chặt trong lòng bạn trong suốt thời gian qua. Sự an lạc và hạnh phúc đang đến với bạn.

b. Buông xả lòng ích kỷ:

Sự ích kỷ sẽ làm cho tâm hồn bạn nghèo nàn và cô lập với thế giới chung quanh. Chia xẻ sự khổ đau của những người chung quanh sẽ giúp cho đời bạn có nhiều niềm vui hơn và được nhiều người kính trọng hơn. Khó có ai mà ghét bạn một khi bạn tỏ ra rất cảm thông với họ.

Như trong trường học, bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi một thầy giáo thông cảm được bạn là người Á châu và ngôn ngữ bạn không phải là tiếng Mỹ. Bạn học cởi mở cõi lòng bạn. Sống vì người khác và cho người khác cũng có nghĩa là sống cho chính mình.

Phật Thích Ca vì thương yêu mọi người, Ngài đi truyền đạo từ thôn quê đến phố thị suốt năm mươi năm dưới nắng trời của xứ Ấn Độ. Thánh Gandhi dù bị hạ sát, nhưng ông chắc rất an vui trong sự nghiệp hy sinh cho đất nước của ông.

Người Mỹ càng ngày càng tham gia vào các công tác xã hội từ thiện. Việc làm ấy đã làm cho cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn. Năm 93, chỉ trong một đêm quyên góp thôi mà tổ chức cứu giúp các em bé tật nguyền ở Mỹ đã quyên hơn năm trăm triệu Mỹ kim. Muốn buông xả lòng ích kỷ, bạn cần phải tập sống đời hy sinh và thương yêu.

c. Buông xả sự nóng giận:

Nóng giận là điều mà con người ai cũng đầy ắp cả. Cả nhà tâm lý học xã hội học Mead và phân tâm học Freud nghĩ rằng sự nóng giận của con người là do học lấy từ hoàn cảnh chung quanh mà phát triển. Điều ấy không hoàn toàn đúng lắm.

Vì một đứa bé sinh ra vài ngày, chúng ta vẫn thấy nó có dấu hiệu nóng giận rồi. Sự nóng giận đã theo ta từ nhiều đời nhiều kiếp, chứ không phải mới ngày hôm nay. Nóng giận đã làm sụp đổ đến sự liên hệ giữa các quốc gia, tổ chức, bạn bè, gia đình và ngay cả trong tình yêu nữa. Bạn có nhiều nóng giận tức bạn gây nhiều oán thù và chắc chắn bạn sẽ có nhiều khổ đau.

Sự nóng giận của cựu Tổng Thống Bush trước thân nhân của những chiến binh mất tích tại Việt Nam đã làm giảm thiện cảm rất nhiều quần chúng Mỹ đối với ông. Sự nóng giận khởi lên thì bạn khó có thể kiềm chế được những lời nói hòa nhã và bạo hành thường xảy ra.

Mỗi khi bạn biết mình sắp nóng giận bạn lập đi lập lại câu “tôi đang nóng giận” và bạn hít thật sâu vào trước khi thở ra. Và đó là một trong những cách bạn thực tập buông xả nóng giận trong lúc nóng giận.Bạn vẫn có thể thực tập nó trong những lúc mình không nóng giận.

Như khi dùng bữa ăn chiều không vừa ý, bạn hỏi lòng bạn có bực dọc nhiều lắm không. Khi người yêu của bạn trễ hẹn vào chiều thứ sáu cuối tuần, trong lúc đang chờ đợi, bạn tập hỏi tôi có giận nhiều không. Mỗi sự lập lại như vậy của bạn là giúp bạn khả năng quán sát và kiểm soát tâm mình.

Nó sẽ tạo một năng lực làm suy yếu sự bộc phát của nóng giận một khi bạn gặp việc. Khả năng rủ bỏ sự nóng giận, không mang lại một hạnh phúc và thanh cao tuyệt vời trong đời sống bạn lắm sao.

d. Buông xả sự kiêu ngạo:

Sự kiêu ngạo sẽ làm cho mọi người ghét bạn và xa lánh bạn. Nó không giúp ích một chút nào trong đời sống an lạc và hạnh phúc của bạn.

Decarte bảo rằng, trong một phiên họp có nhiều thành phần trí thức khác nhau và mỗi người phát biểu mỗi kiểu, không có nghĩa là người này hơn người kia mà là mỗi người hướng dẫn một ý thức khác nhau. Trong cộng đồng xã hội, mỗi người có một trách nhiệm và đóng góp riêng cho sự tồn vinh của nó.

Ý nghĩ độc tôn là một ý nghĩ rất ngây thơ và khờ khạo. “Tôi gặp bất cứ người nào họ cũng hơn tôi mặt này hay mặt khác,” đây là một câu nói đầy từ ái của danh nhân phương tây mà bạn cần phải suy gẫm. Một nhà tu khó có thể xuất sắc về chính trị và ngược lại nhà chính trị đâu thể nào am tường một đời sống nội tâm và triết lý tôn giáo.

Ai hơn ai. Sự kiêu ngạo phát xuất từ sự miệt thị người khác. Đời người thì ngắn ngủi, kiến thức chúng ta thật là hạn chế, tài năng cũng chỉ rất giới hạn trong một lãnh vực nào đó thôi. Chúng ta rất dốt nhiều thứ.

Vậy thì có đáng kiêu ngạo để gây thương đau cho chính ta và những người chung quanh ta.

2. Buông xả phiền muộn từ người khác mang đến:

Trên kia là bạn học buông xả những điều bất an do chính bạn gây ra. Không chỉ vậy, bạn cũng cần sự buông xả những phiền muộn từ người khác mang đến cho bạn. Nếu bạn đã tập tha thứ cho chính mình thì bạn cũng dễ dàng tha thứ cho người khác.

Điều này không khó lắm đâu. Người khác mang đến cho bạn phiền muộn, nếu bạn khôn ngoan, bạn không nắm lấy nó lâu và nó sẽ đi qua rất lẹ. Ngược lại, sự bất an và phiền muộn càng lúc càng gia tăng thêm. Một kẻ không nhà lang thang trên đường phố bỗng dưng mắng nhiếc bạn vào một sáng thứ bảy trong shopping.

Bạn căm hờn ông ta. Bạn tìm cách trả thù. Nếu bạn không bận tâm lời của một kẻ khốn mạt như thế thì bạn thấy lòng mình thư thái hơn.

Trong đời sống gia đình, giữa cha mẹ, anh chị em, bạn thường gặp nhiều xung đột phiền toái. Bạn cứ giữ mãi trong lòng từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động mà người khác làm phật lòng bạn.

Thân bạn nhỏ quá mà bạn muốn vác nhiều hòn đá phiền muộn như vậy thì làm sao bạn có thể sống được. Hơn nữa, bạn thấy chung quanh bạn toàn là kẻ thù không thôi mặc dù họ là những người rất thân yêu bạn.

Điều ấy làm tiêu hủy một hoàn cảnh đẹp và thiêng liêng nhất trong đời bạn. Đức Phật khuyên bạn, mọi phiền muộn người khác mang đến bạn, như họ mang đến cho bạn một món quà, nếu bạn không nhận lấy thì gói quà ấy ắt về họ.

Hãy trả lại mọi bất an cho những ai đã mang đến bạn. Lòng bạn sẽ trong vắt và thơ mộng như bầu trời xanh.

Tóm lại, bạn đang ao ước có được một đời sống thật an lạc và hạnh phúc. Bạn đang nỗ lực ở trường và ở sở. Bạn đang tập tha thứ chính mình.

Bạn đang mở lòng để chia xẻ sự sống với những người chung quanh. Bạn buông xả mọi chuyện không vừa lòng mà người khác mang lại cho bạn. Bạn đang thật sự có an lạc và hạnh phúc.
 

Theo Thích Minh Dung

 



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 3