Đã bao giờ bạn tự hỏi một điều gì đó, rồi suy nghĩ về nó một hồi. Lặng im, chỉ nghĩ một cách bản năng thôi rồi chợt nhận ra vài điều, bạn khẽ mỉm cười, hoặc nhếch mép cười, hoặc ủ rũ, hoặc…, hoặc…, hoặc…. rồi vươn vai đứng dậy và sống tiếp?
Đã bao giờ, bạn đọc những gì người khác viết, bạn nghe những gì người khác nói rồi chợt thấy rằng phảng phất đâu đó hình ảnh của mình?
Đã bao giờ bạn để ý rằng khi đi tất, mình thường đi tất trái trước. Nhưng khi xỏ giầy, lại đi giầy phải trước?
Hay đơn giản, là bạn đọc những câu hỏi trên, và vô tình tự ngoái đầu nhìn lại, và rồi bạn lại đặt ra một câu hỏi nữa?
Biển không mặn hơn vì có ta, nhưng ta lại đậm đà hơn vì có biển. Cuộc đời cũng vậy, con người ta sống có ích hơn vì chính xã hội mà chúng ta đang sống.
Đã bao giờ…?
Không, chắc chắn là đã từng, chắc chắn là bạn đã từng tự hỏi tại sao mình có mặt trên cõi đời này!?! Nhưng thắc mắc để làm gì, để bớt tò mò hay cố tìm ra một lý do để thấy mình bỗng dưng trở nên thật đặc biệt? Và rồi, để làm gì?
Dù bạn giàu có hay bần hàn, bạn có tin vào tiền kiếp hay duyên số hay không, tôi chắc rằng bạn luôn tin vào chính bạn, và tin rằng bạn là người mang một sứ mệnh nào đó đến với cuộc đời này. Một sứ mệnh với nhân loại, với đất nước, với dân tộc, với gia đình, bạn bè hay chính bản thân bạn, chẳng ai có thể gạt bỏ, phủ nhận nó đi được.
Tôi vẫn luôn thích thú với câu nói này: “Người ta thường rồ lên vì nhau trong những khoảng thời gian rất ngắn”.
Thế nào là ngắn? Một ngày chưa phải là dài, một năm chưa phải là dài, một đời cũng chẳng phải là dài. Nên thôi bạn ạ, đừng băn khoăn vì những thứ đâu đâu làm gì, tốn thời gian để nghĩ về cái “ngắn” mà làm gì?
Thực ra, những cái luẩn quẩn ấy đều do suy nghĩ vị kỷ mà ra cả, chăm chăm nghĩ cho mình thì sẽ vậy thôi, tốt nhất hãy là hạt muối hòa vào biển cả. Biển không mặn hơn vì có ta, nhưng ta lại đậm đà hơn vì có biển. Cuộc đời cũng vậy, con người ta sống có ích hơn vì chính xã hội mà chúng ta đang sống.
Đừng nghĩ nhà cao cửa rộng, ăn sung mặc sướng mà đã là hạnh phúc. Hãy thử một lần đến chợ đầu mối Long Biên, hay các nhà ga, bến tàu hoặc bất cứ khu lao động nào vào buổi đêm để quan sát. Ở đó, luôn hiện diện những hạnh phúc thực sự, những hạnh phúc được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thân thể và vô vàn các thứ khác nữa.
Ví dụ nhé!
Bạn có tiền, hôm nay ăn ở nhà hàng Long Đình, ngày mai bạn ăn ở Ashahi, ngày kia ăn ở một khách sạn năm sao nào đó, và cứ thế…
Bạn dần chán nản với những thứ hào nhoáng quanh mình, và vô hình chung sẽ có lúc bạn chán nản với chính bản thân mình. Đó là điều đương nhiên, nếu bạn sống không có mục đích. Còn gì nhạt nhẽo hơn suốt ngày lo nghĩ xem nên mặc gì, đeo gì, xịt gì…???
Những người phu khuân vác, những người làm thuê (mà chúng ta thường gọi là cửu vạn, là ôsin) lại có những câu chuyện riêng của họ. Không phải vì họ nghèo hèn, cũng không phải vì họ khổ mà những câu chuyện của họ đáng suy ngẫm hơn chuyện của những người giàu.
Chẳng có thước đo nào để phân biệt nhân cách con người qua đồng tiền cả. Xã hội nào, tầng lớp nào cũng có người thế này, kẻ thế nọ. Đơn giản, những câu chuyện làm ta cảm động là những câu chuyện có tình người.
Hai siêu xe triệu đô sẽ không nhường đường nhau đâu, nhưng hai người cửu vạn, hai người thồ hàng sẽ làm vậy, bởi họ không ganh đua nhau mà họ hiểu nhau. Thật lịch sự!
Một chiếc ô tô đâm gãy chân người ta, ông chủ xe cuống cuồng lo chạy chỗ này chỗ khác, bồi thường người bị nạn, rồi lo lót cửa quyền, mong là mình hết trách nhiệm. Một xóm nghèo có anh thợ hồ bị cảm, mọi người đôn đáo lo giúp đỡ. Người nấu cháo, người mua thuốc, người dọn dẹp nhà cửa, tất cả đều mong anh sớm khỏi bệnh. Thật ấm áp!
Một chàng trai nhân dịp gì đó mời bạn bè đi ăn chơi xả láng, để họ nhìn vào anh với ánh mắt ngưỡng mộ. Và rồi những ánh mắt ấy nuôi nấng sự kiêu mạn trong lòng anh, để một ngày kia, anh hất cẳng đá bay một bà lão ăn xin mù lòa, vẻ mặt vẫn đầy kiêu mạn.
Quả đúng là, nhiều người bây giờ thường có thói quen dùng những đồng tiền không phải của mình làm ra, mua sắm những thứ không phải thực sự cần thiết, để tạo ấn tượng với những người mà mình không thực sự yêu mến.
Và cũng hầu hết mọi người, thường có thói quen nghi ngờ khi thấy người khác hành động không giống mình, hay chí ít cũng là hành động không giống đám đông xung quanh mình.
Thực ra, chúng ta chẳng thể nói rằng cuộc đời này đẹp đẽ nếu chúng ta luôn sống trong nhung lụa. Hãy nhìn vào cái tối tăm, cái khắc nghiệt của cuộc đời. Nhìn vào sự xấu xa, tàn độc, ích kỷ của con người. Hãy nếm trải tất cả, hãy vượt qua tất cả.
Chia sẻ nhung lụa của mình cho những người đói rách, chia sẻ yêu thương của mình cho những người bất hạnh, chia sẻ bao dung của mình cho những người tội lỗi. Khi ấy, cuộc đời tự dưng đẹp.
Đã bao giờ, bạn thấy cuộc đời này tươi đẹp thực sự?
Tử Hà
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Hits: 6