Đạo Phật nước Việt Nam chúng ta ngày nay có hai pháp môn tu chính là Thiền Tông và Tịnh Độ Tông. Hai pháp môn Thiền và Tịnh cùng xuất phát trong hệ kinh tạng Đại Thừa, nói có hai pháp môn nhưng cùng cứu cánh cùng đi đến thành quả là hết khổ đau sanh già bệnh chết cho chính mình và cho mọi người.
Phải thành thật mà nói rằng cho dù Thiền Tông hay Tịnh Độ cũng không xuất phát từ người Việt Nam mà ta chỉ du nhập từ Trung Hoa do các vị tổ đem sang truyền bá. Có thể hỏi rằng tại sao lại đưa vấn đề đó lên làm gì, vì cho dù các vị tổ Trung Hoa có truyền cho chúng ta cũng là Đạo Phật có gì khác đâu mà phải thắc mắc phân biệt tuy nhiên nếu xét sâu xa cho cùng thì không phải đơn giản như vậy.
Theo lịch sử truyền thừa thì Đạo Phật du nhập vào Trung Hoa rất sớm, khoảng thế kỷ thứ ba hay thứ hai trước tây lịch. Tuy nhiên phải gần một ngàn năm sau người Trung Hoa mới chọn được cho chính dân tộc họ pháp môn thực hành tu tập đúng với truyền thống văn hóa và đặc tính nhân cách bản địa. Thật không dễ dàng để chọn một vài pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn mà cái khó hơn nữa là những pháp môn đó không có hơn kém mà sự khác nhau chỉ là căn cơ. Vì vậy phương pháp hay nhất mà không còn cách nào là để thời gian thử thách và loại trừ dần cho đến khi những gì cần loại trừ tự loại trừ và cái tồn tại tự nổi lên.
Gần một ngàn năm vật lộn cùng một rừng kinh điển với tám vạn bốn ngàn pháp môn, và sau cùng người Trung Hoa cũng chọn được cho dân tộc họ hai pháp môn mà đến bây giờ vẫn còn tồn tại và phát triển sang nước lân cận xung quanh đó là Thiền Tông Đông Độ và Tịnh Độ Tông. Thật ra người Việt chúng ta nhận và học Phật pháp không may mắn được chọn lựa cho mình pháp môn thích hợp về đặc tính căn cơ bản địa như người Trung Hoa mà chúng ta chỉ nhận và làm theo những gì các vị tổ Trung Hoa truyền lại. Theo lịch sử Phật học thì Đạo Phật phát triển mạnh nhất là vào đời Đường nhưng vào thời điểm đó vùng đất chúng ta vẫn còn bị đô hộ hai nữa nó chưa phát triển và quá xa xôi nên những vị Tổ sáng giá đầy đủ năng lực thì không tìm đến.
Chúng ta không được may mắn như người Nhật Bản học trực tiếp với các vị tổ Trung Hoa ngay trên đất Trung Hoa để được học tận gốc hiểu tận ngọn. Tuy nhiên cũng giống như trường hợp Trung Hoa, những vị tổ Nhật Bản chọn lọc kỹ càng những tinh hoa nào thích hợp với đặc tính văn hóa của dân tộc họ để truyền bá, nhờ thoát thai hoán cốt nên Đạo Phật của Nhật Bản có một phong cách riêng mặc dù nguồn gốc phát xuất từ Trung Hoa.
Đạo Phật tuy cùng một nguồn gốc nhưng tính đặc thù của mỗi dân tộc mỗi khác nhau , nên muốn hoằng dương Phật pháp cho một dân tộc hay đất nước nào mà có nền văn hóa phong tục riêng biệt thì nhất định phải là người bản địa mới làm được. Vì chính người bản địa mới hiểu được người của mình vì vậy mới có tám mươi bốn vạn pháp môn nếu không đức Thế tôn thuyết tám mươi bốn vạn pháp môn để làm gì.
Như trên đã nói Thiền Tông hay Tịnh Độ Tông chúng ta đang tu tập hiện thời là nhờ các vị Tổ Trung Hoa sang truyền bá, xuyên xuốt hơn cả ngàn năm cho đến tận bây giờ cũng không có gì chuyển biến. Sự truyền thừa nghi thức trước sau như một rập khuôn như đổ nước từ bình này sang bình khác hay giống như y sao bản chính. Các vị tiền nhân của chúng ta tu học theo Thiền tông lâu dài nhưng không có đột phá gì mới mẻ, có chăng như tổ Trúc lâm Yên tử Trần Nhân Tông.
Tuy nhiên sự giác ngộ của ngài không vượt qua được trình độ các vị tổ Trung Hoa, vì vậy chúng ta đọc giáo pháp của ngài để lại so sánh với các vị tổ Trung Hoa thì cũng không có gì khác biệt. Trong khi Thiền tông Trung Hoa phát huy vô cùng phong phú thì vị Tổ của chúng ta lại khá khiêm nhường, hai nữa nó không cởi được lớp áo của các vị Tổ Trung Hoa để làm nên tính chất đặc thù riêng biệt của dân tộc Việt, cũng như người Trung Hoa không chấp nhận Bồ Đề Đạt Ma vậy.
Thiền Tông Đông Độ sáng lập bởi ngài Lục Tổ Huệ Năng theo cuốn Pháp bảo đàn kinh thì những gì ngài thuyết giảng hoàn toàn phù hợp với kinh điển. Nhưng khoảng một trăm năm sau thì nó thay đổi gần như hoàn toàn, các vị Tổ sau này không còn thuyết giảng nhiều về kinh điển thay vào đó là những công án câu thoại đầu mà chúng ta được biết đến ngày nay qua những quyển sách Thiền luận bày bán khắp mọi nơi. Những câu công án hay thoại đầu thật ra chỉ có một số ít nói lên sự huyền diệu sâu xa, còn hầu hết công năng chính của nó là ngăn chặn tri kiến hay nó tạo nên một nghi tình trong tâm vị Thiền giả. Nhờ vậy tâm tư của vị Thiền giả không còn chạy lung tung và thành quả tạm thời đạt được là cảnh giới vạn pháp quy nhất hay còn gọi là nhất tâm.
Nhưng nguyên nhân nào các vị Tổ sáng tác ra câu công án hay thoại đầu, như chúng ta biết không phải ai cũng có thể tìm gặp một Thiền sư đắc đạo để ấn chứng cho công phu tu tập của mình mà hầu hết các vị Thiền tăng đó đều có công phu thâm hậu và làu thông tam tạng kinh điển, vì vậy Phật pháp của các vị đó hoàn toàn thông suốt. Tuy nhiên dù là như vậy cũng phải đi qua mấy cửa nữa mới có được cơ hội gặp vị Thiền sư. Xin đơn cử lên một câu công án đầu tiên của Lục Tổ Huệ Năng ra cho ngài Nam Nhạc trong Pháp Bảo Đàn Kinh.
Ngài Nam Nhạc tu hành lâu năm ở núi Nam Nhạc làu thông Kinh, Luật, Luận nghe danh tiếng của Lục Tổ nên ngài muốn tìm đến để ấn chứng công phu tu học của mình. Đến lượt ngài vào gặp Lục Tổ, khi vị xướng danh đọc tên “Đại Đức Nam Nhạc đến” và ngài chỉnh lại tăng bào bước vào để gặp Lục Tổ, có thể là ngài chưa kịp làm lễ, bao nhiêu nghi vấn, bao nhiêu câu đối đáp chuẩn bị sẵn trong tâm tư ngài chưa kịp buông ra, thì đã bị Lục Tổ chặn lại hết bằng một tiếng sét là câu hỏi “Ai đến? và cái gì đến?”
Tại sao Lục Tổ không thảo luận Phật pháp với ngài Nam Nhạc mà hỏi một câu không đâu vào đâu chẳng liên quan gì tới tam tạng kinh điển hết. Thật ra thì Lục Tổ biết lắm nếu luận về Phật pháp có thể ngài không thông thạo bằng ngài Nam Nhạc, nhưng đâu phải thông thạo tam tạng kinh điển mà giác ngộ đâu. Nhờ chính câu hỏi đó mà ngài Nam Nhạc phải sáu năm miệt mài khám phá, và sau cùng ngài cũng ngộ ra câu trả lời là “nói cái gì thì không trúng“. “Ai đến và cái gì đến” là công án đầu tiên mở đầu cho Thiền công án sau này.
Nói rằng những câu công án hay thoại đầu là do thiên tài sáng tác của các vị tổ Thiền tông Trung Hoa, hoàn toàn Trung Hoa, đọc lên ta thấy nó không còn dây mơ rễ má nào với kinh điển. Có nhiều vị học giả Trung Hoa còn tự hào là dân tộc Trung Hoa mở ra một mối đạo riêng cho chính dân tộc họ, và gọi đó là Thiền Tông Đông Độ để so sánh với Thiền Tây Thiên của kinh điển, đại khái như Tổ sư Thiền với Như Lai Thiền.
Nói rằng những câu công án, thoại đầu nó vượt ra ngoài kinh điển người tu không cần kinh sách chỉ cần tập trung vào câu thoại đầu cũng được giác ngộ, đó là điều không tưởng không bao giờ xảy ra.
Thật ra những câu công án nó cũng hoàn toàn nằm trong kinh điển ta thấy khác là do các vị tổ vận dụng phương tiện cho thích ứng mà thôi. Để thấy những câu công án nó cũng liên quan tới kinh điển thì chúng ta hãy điểm lại quyển kinh Kim cang, là kinh mở nguồn ra đạo Thiền Đông Độ. Câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm – Đừng trụ tâm vào bất cứ nơi nào” là tinh hoa cốt tủy trong kinh Kim cang.
Nhưng vì sao đức Thế tôn Như lai nói lên câu kinh đó để trả lời câu thỉnh hỏi của ngài Tu Bồ Đề? Thật ra thính chúng trong thời gian đó hoàn toàn là các vị Thánh Thanh Văn từ Tu-đà-hoàn cho đến A-la-hán. Trong thính chúng đó không có vị nào là không có sở đắc mà có sở đắc là có trụ. Vì vậy Thế tôn mới dạy các vị đó rằng “Muốn cầu vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác thì đừng trụ bất cứ vào cái sở đắc nào hết“. Còn câu công án của các vị Thiền sư cũng không ngoài phương pháp trụ và xả. Như trên đã nói các vị Thiền tăng trước khi đi tìm gặp Thiền sư để cầu ấn chứng sở học của mình thì không có vị nào không làu thông Tam Tạng Kinh Điển, cũng do nơi thuộc quá nhiều kinh điển nên bị kinh chuyển không biết đặt cái tâm mình vào đâu và câu công án là phương thuốc thần diệu để trị cái bệnh tán loạn tâm.
Đức Thế Tôn thuyết tám vạn bốn ngàn pháp môn để độ chúng sanh mà tất cả các pháp môn đều lấy tâm làm gốc, vì khổ đau hay giải thoát thì cũng không ngoài Tâm. Trụ Tâm hay xả Tâm đều là phương tiện ứng dụng, nên vận dụng như thế nào cũng không ra ngoài kinh, vì Kinh chính là Tâm hay tất cả thế gian pháp đều là Phật Pháp vậy. Thiền Tông Đông Độ phát huy rực rỡ trên toàn đất nước Trung Hoa một thời gian dài khoảng bốn trăm năm. Rồi sau đó không có nhân tài vượt bậc tiếp nối , nên dần dần tinh túy cạn nguồn, vì vậy những tắc công án hay thoại đầu sau này không còn mang tính chất bất ngờ mà nó do các vị Tổ suy nghĩ đưa ra nên chỉ có hình thức tượng trưng mà thôi.
Mọi sự mọi việc trên thế gian hễ có thành thì có hoại Thiền công án cũng vậy, không ra ngoài luật vô thường, không có gì tồn tại mãi mãi. Nó xuất hiện trong khoảng thời gian nhất định nào đó để đáp ứng nhu cầu của chúng sanh trong khoảng thời gian đó xong rồi nó trở về nơi nó đi ra. Và theo luật vô thường một phương pháp mới sẽ xuất hiện cho đúng với với tâm thức của chúng sanh ngay vào thời đại đó. Đạo là vì chúng sanh và chúng sanh cũng chính là Đạo vậy. Như trên đã nói dù Thiền Tông hay Tịnh Độ Tông thì chúng ta cũng du nhập từ các vị Tổ Trung Hoa . Trong khi các vị thức giả Trung Hoa phải mất gần cả ngàn năm mới chọn được cho dân tộc họ một vài pháp môn thích hợp, còn chúng ta thì có được cơ may chọn lựa được như họ không?
Hãy so sánh Đạo Phật của đất nước chúng ta và Đạo Phật đất nước Nhật Bản, cả hai cùng xuất phát từ Trung Hoa nhưng người Nhật Bản có cơ may hơn chúng ta là họ sang tận nơi học tận gốc biết tận ngọn. Tuy nhiên khi về lại nước thì họ không truyền bá tất cả những gì mà họ học được từ Trung Hoa. Những vị Tổ Nhật Bản biết chọn lựa tinh hoa nào thích hợp với dân tộc họ mà truyền bá, cũng giống như người Trung Hoa không nhận hết tất cả những gì từ Ấn Độ vì Đạo Phật của xứ họ có phong thái đặc thù riêng biệt mặc dù cùng nguồn gốc.
Còn Đạo Phật đất nước chúng ta thì sao? Ta có chọn lọc được gì không trong tám vạn bốn ngàn pháp môn mà đức Thế Tôn Như Lai để lại. Hay chúng ta nhận tất cả những gì của Đạo Phật Trung Hoa từ cái hay cho đến những hủ tục những mê tín dị đoan của một thành phần dân tộc họ? Giữa dân tộc Việt Nam và dân tộc Trung Hoa xét trên tính đặc thù có phải hoàn toàn giống nhau không?
Nếu cho rằng hoàn toàn giống nhau thì thì giờ đây hoàn toàn không có cái tên Việt Nam nữa. Nhưng giờ đây vẫn còn cái tên Việt Nam thì chứng tỏ rằng giữa văn hóa Việt Nam và Trung Hoa có những đặc tính hoàn toàn khác nhau. Đã khác nhau thì hãy tìm sự cá biệt của chúng ta mà phát huy vì Đức Như lai Thế tôn để lại tám vạn bốn ngàn pháp môn mà đâu cần phải núp vào cái bóng của người khác hàng ngàn năm rồi vậy.
Cho rằng thời xưa chúng ta không đủ tài liệu kinh điển của Phật nên sự chọn lựa có phần giới hạn, còn bây giờ thì sao? Tài liệu kinh điển đã đủ thời gian cũng đã đủ dài, vậy chúng ta có làm được như người Trung Hoa người Nhật Bản hay không? Hay chúng ta muôn đời chỉ biết đi phía sau người núp theo cái bóng của người vậy. Nói rằng chỉ cần hai pháp môn Thiền và Tịnh cũng đủ cho Việt Nam rồi đâu cần pháp môn khác nữa? Nói như vậy thì chúng ta tự hỏi có phải đức Như lai Thế tôn có sự lầm lẫn chăng? Thuyết làm gì đến tám vạn bốn ngàn pháp môn trong khi chỉ cần hai pháp môn Thiền và Tịnh là đủ, nhưng đức Như lai Thế Tôn Chánh Đẳng Chánh Giác thì không có sự lầm lẫn.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Hits: 3