Hạnh phúc không chỉ là cảm xúc thõa mãn của bản thân mà nó phải gắn với niềm vui, hạnh phúc của người khác. Giá trị cao cả nhất của hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người khác.
Đối với mỗi người khi bắt đầu biết nhận thức về bản thân và tự chịu trách nhiệm với cuộc đời của mình là bắt đầu một cuộc hành trình tìm đến bến bờ hạnh phúc. Nhưng chúng ta thường cảm nhận về hạnh phúc từ người khác hơn là từ bản thân. Nhìn những người khác có cuộc sống sung sướng, nhiều nhu cầu vật chất và tinh thần được đáp ứng – ta cho rằng họ thật hạnh phúc; nhìn những người mình thân quen hay bất chợt gặp gỡ cười, nói, vui vẻ, hân hoan – ta nghĩ ngay họ đang hạnh phúc. Và khi ta đang ở trạng thái đối lập, khi ta thấy không được như họ thì ta nghĩ mình không hạnh phúc.
Trong khi đó hạnh phúc hay không hạnh phúc lại phụ thuộc vào cách nhìn của mỗi người đối với cuộc đời. Có thể xem cuộc đời như một cốc nước không đầy. Những người hạnh phúc luôn nhìn cuộc đời của mình như nhìn nửa đầy của cốc nước. Những người không hạnh phúc luôn tập trung vào những điều mình không bao giờ có được, chưa có được như nhìn vào nửa vơi của cốc nước. Họ luôn so sánh với những người khác và luôn than thân trách phận, luôn tiếc nuối, luôn thấy mình không may mắn hay luôn mong cầu mà không tự mình vươn lên.
Đa số chúng ta không cảm thấy hạnh phúc bởi chúng ta cho rằng mình chỉ có được hạnh phúc khi chúng ta đạt được và tận hưởng những thành quả của sự thành công. Nhưng nếu mọi người đều như vậy thì trên thế gian này không một ai có được hạnh phúc thực sự bởi nhu cầu của con người là vô hạn và luôn không thõa mãn với những gì mình đã có.
Vậy để có hạnh phúc, chúng ta thay đổi cách hiểu, cách nhìn về hạnh phúc và phải thực hiện ngược lại quá trình trên trong cuộc sống. Đó là chúng ta phải biết tận hưởng những niềm vui, hạnh phúc và hơn thế nữa là tạo ra những niềm vui, sự phấn chấn hứng khởi, sự hài lòng cho bản thân ngay trong từng giây phút hiện tại. Hạnh phúc là biết trân trọng những gì mình có. Điều đó sẽ góp phần tạo ra nguồn năng lượng cho cuộc sống và công việc thành công hơn.
Trong tâm trí mỗi người, câu ca dao “Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” luôn có sức lay động lớn. Bữa ăn ngon miệng đâu chỉ đến từ thức ăn ngon mà đến từ gia vị của cuộc sống, đến từ sự quan tâm, yêu thương nhau và biết trân trọng những gì dành cho nhau. Sự hài lòng của đôi vợ chồng trong những giây phút bên nhau đó xuất phát từ cảm xúc nội tâm nên hạnh phúc đến với họ thật nhất và ý vị.
Vì vậy, để có hạnh phúc quan trọng là bạn phải tạo ra được sự hài lòng trong nội tâm của chính bạn. Khi đó có thể đôi khi bạn không cười tươi, bạn không tự hào, hãnh diện hay tự hào nói về những thành công của chính mình nhưng bạn lại đang hạnh phúc.
Hạnh phúc là khi mình biết tự trọng, trước hết là biết nhận ra và hướng tới những giá trị chân thật và giản dị để giữ phẩm cách cao đẹp của một con người trong thế giới rộng lớn và đầy biến động. Những ai biết nâng niu, trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị đó và biết chia sẻ, quan tâm, mang đến niềm vui, điều tốt đẹp cho người khác – sẽ thấy hạnh phúc đến một cách tự nhiên. Hạnh phúc đến khi mình biết cho đi chứ không chỉ biết nhận về.
Lắng nghe hạnh phúc
Một trong những đức tính đáng quý của người khiêm tốn khi giao tiếp, quan hệ xã hội đó là họ thường ít nói về bản thân, ít thể hiện mình mà luôn lắng nghe người khác. Về điều này chắc sẽ có người đặt câu hỏi: Vậy sự khác nhau giữa người khiêm tốn và người bình thường biết lắng nghe là gì?
Nếu nói về người biết lắng nghe người khác, chắc ai cũng chỉ ra được rằng đó người có kỹ năng lắng nghe, có thói quen lắng nghe nhằm mở rộng hiểu biết, điều chỉnh bản thân, biết hợp tác hoặc quản lý, lãnh đạo để tiến hành công việc và quan hệ tốt hơn.
Người khiêm tốn không chỉ có thói quen lắng nghe như vậy. Việc lắng nghe ở người khiêm tốn đã thoát ra khỏi khái niệm kỹ năng lắng nghe, nghệ thuật lắng nghe hiệu quả – người khiêm tốn lắng nghe người khác không chỉ bằng sự tĩnh lặng của các giác quan, ngôn ngữ mà còn bằng cả sự lĩnh lặng của tâm hồn, bằng cả trái tim yêu thương biết cúi mình để nâng người khác lên và trân trọng họ cho dù mình là người giỏi hơn, hay cho dù mình đã hiểu thấu những điều người khác nói.
Người khiêm tốn lắng nghe người khác không chỉ với mục đích để nắm thông tin, kiến thức, để giao tiếp, ứng xử mà còn để thấu hiểu, đồng cảm với những suy nghĩ – tư duy, tâm tư, tình cảm vui buồn và các ước muốn của họ. Những điều trên nói lên rằng khi lắng nghe người khác, người khiêm tốn luôn giữ lòng mình hạnh phúc.
Hạnh phúc vì đã được nghe người khác nói – những thanh âm trong trẻo nhất trong ngôn ngữ của con người; hạnh phúc vì mình đã làm một việc tốt đẹp là nâng niu, trân trọng, đề cao người khác; hạnh phúc vì mình đã có cơ hội chia sẻ những cảm xúc, cảm nhận với người khác; hạnh phúc vì mình đã biết giữ mình, sống tích cực trong sự bon chen, ganh đua vẫn đang diễn ra.
Nếu bạn biết khiêm nhường lắng nghe người khác, bạn bè, người thân sẽ cảm mến bạn hơn, thích gần gũi và quan hệ giao tiếp với bạn hơn bởi họ nhận ra bạn là người đáng mến và biết đồng cảm, chia sẻ với họ. Đó là điều hạnh phúc không phải ai cũng có được và cảm nhận được.
Nhìn lại mình, dù lắng nghe nhưng đôi khi chúng ta lắng nghe người khác mà trong tâm vẫn có sự ích kỷ, muốn đề cao, hãnh điện về mình; trong tâm vẫn diễn ra sự phân tranh hơn thua hay đố kỵ nên chúng ta lắng nghe người khác một cách miễn cưỡng hoặc nghe với một vẻ mặt chăm chú tươi cười không tự nhiên, thậm chí giả tạo. Đó là những lúc chúng ta không khiêm tốn.
Đôi người vẫn cảm thấy vui sướng vì mình đã có cơ hội thể hiện mình – thể hiện hiểu biết, khả năng lẫn cảm xúc của mình trước người khác, có cơ hội đề cao mình và dẫn dụ, dẫn dắt người khác để họ tôn trọng, ngưỡng mộ mình. Nhưng liệu đó có phải là hạnh phúc tích cực, hạnh phúc bền vững không? Hạnh phúc không chỉ là cảm xúc thõa mãn của bản thân mà nó phải gắn với niềm vui, hạnh phúc của người khác. Giá trị cao cả nhất của hạnh phúc là mang lại hạnh phúc cho người khác.
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Hits: 5