Ta là ai giữa cuộc đời này?


Thực ra sự hiểu biết Phật giáo của mình chỉ dừng ở mức đơn sơ thôi, còn nhiều câu hỏi, thắc mắc nữa nhưng nếu muốn trả lời được và hiểu thấu, chứng nghiệm Giáo lý thì cần có thêm thời gian và công sức.

Chúa nhật, đây là cách gọi của người Công giáo, hình như nó có ý nghĩa rằng, đây là ngày của Chúa, ngày để hướng về Chúa, về những điều cao thượng nên mọi người nghỉ làm và đến nhà thờ để cầu nguyện, để xưng tội, để nghe giảng Thánh kinh… nói chung là một hành động hướng thiện để cứu rỗi linh hồn người.

Người bên lương, tức là không theo tôn giáo nào, gọi là ngày Chủ nhật, có lẽ là ngày của chủ, ngày tự chủ được nghỉ làm và tự do hoạt động theo ý thích của cá nhân mình. Sau một tuần làm việc mệt mỏi, đa phần mọi người sẽ lựa chọn cho mình những kế hoạch nghỉ ngơi, thư giãn xả stress để chuẩn bị cho  tuần làm việc kế tiếp.

Người theo đạo Phật hình như là sẽ đi chùa, đi chùa cầu an, đi chùa nghe giảng Pháp, tập ngồi thiền cho tâm hồn được bình an thanh thản sau những ngày vất vả bon chen toan tính thiệt hơn.

Còn một loại nữa, người bên lương nhưng có biết tí ti về Phật giáo. Mình chưa có nhiều trải nghiệm, chưa có đủ đức tin vào tôn giáo, nhưng triết lý Phật giáo rất tinh tế và thông minh, chỉ cho mình thấy bản chất của cuộc đời, bản chất của con người, giúp mình nhận ra chân giá trị của cuộc đời này, tiêu trừ phiền muộn và đạt được bình an hạnh phúc.

Vì sao mình biết đến Phật giáo, vì sao mình có hứng thú với Kinh Phật và vì sao mình có thể nghe được, hiểu được triết lý Phật giáo? Như Phật nói, có lẽ mình cũng có duyên. Thuở nhỏ, mình đã thắc mắc và hỏi mama, mẹ là người sinh ra con, vậy thì ai là người sinh ra mẹ hả mẹ? Hmm, Bà ngoại, tất nhiên rồi, thế rồi ai sinh ra bà ngoại? Hmm, Cụ ngoại . Trên nữa là Kị ngoại  sinh ra Cụ ngoại,  rồi Tổ ngoại, Tiên ngoại  vv … Thế thì, ai là người đầu tiên hả mẹ? Ai là người đầu tiên có mặt trên đời này???

Tuổi học sinh, mình hài lòng với thuyết tiến hóa, và đồng ý rằng loài vượn tiến hóa thành con người. Tuổi học sinh, mình cũng chỉ dừng lại ở câu hỏi đó thôi, chưa biết hỏi “mình sinh ra để làm gì hả mẹ?” Rồi thời gian qua đi, mình lớn dần lên, học Phổ thông, học Đại học và đi làm.

Khi đi làm mình bắt đầu trưởng thành hơn, nhận ra được thời cuộc và thân phận con người trong xã hội này.

Cuộc sống đi làm mưu sinh gặp nhiều áp lực. Lúc này nhu cầu được trả lời câu hỏi thứ 2 ngày càng cấp thiết. Ta là ai đây, đến đây để làm gì? Và rồi sẽ đi về đâu?  Đây chính là cơ duyên đưa mình đến với triết lý Phật giáo. Cuộc đời là 1 vòng tuần hoàn. Ngay cả đất trời cũng phải có 4 mùa rồi lặp lại theo chu kỳ.

Mây sẽ hóa thành mưa, mưa xuống thành nước chảy ra sông, ra suối ra biển, thoát hơi ngưng tụ lại thành mây rồi lại mưa xuống. Thế thì mây từ đâu đến, rồi sẽ đi về đâu? Ta có thể nhìn thấy được. Hạt bắp gieo xuống đất mọc thành cây con, cây con lớn dần và ra hoa, ra hạt, hạt rơi xuống đất lại mọc thành cây. Vậy thì hạt bắp từ đâu đến đây, từ đâu mà có? Ta chưa nhìn thấy được.

Trừu tượng hơn, ta lấy hai hòn đá quẹt vào nhau, ngọn lửa phát ra, bắt vào que gỗ bốc cháy, cháy hết que gỗ ngọn lửa cũng mất đi. Ngọn lửa từ đâu đến, rồi nó đi về đâu?

Phật giáo giải thích như thế này, ngọn lửa không từ đâu đến, và cũng không mất đi, nó luôn ở đó trong không gian, và khi có đủ điều kiện thì nó biểu hiện lên và mắt ta nhìn thấy được, khi không còn đủ điều kiện thì nó không biểu hiện nữa và ta không nhìn thấy nó. Đó là thuộc tính không sinh không diệt, không đến không đi.

Hạt bắp, nếu không được gieo xuống đất, không được tưới nước sẽ không phát triển thành cây bắp, và nó sẽ tan ra hóa thành các hợp chất cấu thành lên nó. Đó là thuộc tính Vô ngã, tức là không có cái gì mà bản thân nó là hạt bắp cả, khi các hợp chất có điều kiện kết hợp với nhau thì nó tạo thành 1 hạt ta gọi là hạt bắp, khi các hợp chất đó không còn đủ điều kiện hợp lại thì sẽ không còn cái gọi là hạt bắp.

Các điều kiện để cho 1 đối tượng tạo thành và biểu hiện ta gọi đó là cơ duyên. Khi có đủ cơ duyên, hạt bắp được tạo thành, ngọn lửa được tạo thành. Khi hết cơ duyên, hạt bắp tan biến, ngọn lửa tan biến. Vậy thì từ hư không, từ đâu mà có các cơ duyên đây, hay có thể hỏi cách khác dễ hiểu hơn, từ hư không, làm sao mà có vũ trụ này đây? Điều này Phật giáo nói rằng, nó nằm ngoài khả năng tìm hiểu được và có thể hiểu được của con người.

Chúng ta chấp nhận như thế , không có cách nào để trả lời được điều này. Nếu như nói Thượng đế tạo ra tất cả, vậy ta có thể hỏi “từ hư không làm sao mà có Thượng đế được không?”. Cho nên sự tồn tại của vũ trụ này nằm ngoài khả năng hiểu biết của con người.

Thư giãn một chút và giờ ta bàn đến bản thân con người chúng ta.

Phật giáo nói rằng, bản thân con người hợp từ 5 uẩn, nhưng theo ý hiểu của mình, mình hiểu đơn giản hơn cho dễ hình dung, là gồm có 2 phần, thân (thân xác) và tâm (tâm thức).

Thân xác, giống như cây bắp vậy, được tạo thành từ các hợp chất, do cha mẹ sinh ra, ăn uống lớn lên tạo ra thân xác này, rồi khi mất đi, thân xác này lại tan ra. Tâm thức giống như ngọn lửa vậy, đang tồn tại trong không gian, và khi có đủ cơ duyên, thì nhập vào thân xác này, điều khiển thân xác này, khi hết cơ duyên thì lại không biểu hiện được nữa.

Vậy ta là ai đây, từ đâu đến đây? Ta là cái tâm thức kia đang ngự trị trong thân xác này, trước đó ta tồn tại ở 1 dạng vật chất khác, ở 1 thế giới khác mắt thường không nhìn thấy (còn gọi là kiếp trước, hiện giờ ta cũng chưa biết đó là dạng vật chất gì, thế giới gì). Rồi khi mất đi lại chuyển sang thế giới khác, cái này tuân theo thuyết nhân quả và luân hồi. Chỉ có người tu hành đến độ thần thông mới biết được kiếp trước kiếp sau họ là ai, người thường như ta thì không có khả năng đó.

Thực ra sự hiểu biết Phật giáo của mình chỉ dừng ở mức đơn sơ thôi, còn nhiều câu hỏi, thắc mắc nữa nhưng nếu muốn trả lời được và hiểu thấu, chứng nghiệm Giáo lý thì cần có thêm thời gian và công sức.

Thôi, có lẽ ta dừng ở đây, phân tích tìm hiểu như thế để thấy rằng, kiếp sống con người chỉ là 1 giai đoạn. Bản thân ta kiếp trước có thể là thần tiên trên trời quậy phá nghịch ngợm bị giáng xuống làm người , kiếp này sống tốt kiếp sau có thể lại được về trời, còn nếu giỏi nữa thì có thể thành Đạo quả, thoát vòng luân hồi, mãi mãi cực lạc an vui.

Đi từ xa rồi đến gần, giờ đến cuộc sống ở kiếp con người, trong thân xác này đây. Sinh ra là con người, mình đã tâm niệm, sống mà không có lý tưởng thì có khác nào đang tồn tại giống như động vật vậy. Nghĩ như thế  cũng không hẳn sai, nhưng thành ra tự làm khó mình. 

Thế hóa ra, mọi người bình thường chỉ sống, làm việc, lập gia đình lấy vợ lấy chồng, sinh con rồi làm lụng nuôi con, sau này già chết đi thì cũng không khác động vật sao? Họ không có lý tưởng gì đấy, nhưng khác động vật chứ, có 1 công việc để làm, có 1 gia đình biết yêu thương nhau, có 1 mục đích để hướng tới đó là tương lai của các con, như thế sao gọi là không khác gì động vật được? 

Cho nên, đó chỉ là suy nghĩ nông nổi mơ mộng của tuổi trẻ thôi, giờ mình điều chỉnh lại cho phù hợp hơn: Sinh ra là con người, có 1 công việc để làm, 1 gia đình để yêu thương thế là có hạnh phúc rồi, hơn hẳn động vật rồi, rồi nếu đã đảm bảo được cuộc sống cho tổ ấm bản thân rồi thì nên chăng có 1 lý tưởng cao hơn, lý tưởng này thực hiện đc thì tốt mà ko đc cũng ko sao . 

Vậy thôi, thực tế hơn và đơn giản hơn, dễ dàng hơn, dễ có hạnh phúc hơn. Mình cũng chỉ là 1 trong hàng tỉ người bình thường mà thôi. Đến đây để sống hạnh phúc, cố gắng làm sao cho cuộc sống được thoải mái, thanh thản, hạnh phúc, không làm gì có lỗi với ai, rồi thì còn đi sang thế giới khác nữa cơ mà , lo cho bản thân mình trước, lo cho gia đình mình trước. Có 1 công việc để làm, có 1 gia đình để yêu thương là quá đủ để có hạnh phúc rồi.

Phật giáo giúp mình rất nhiều, giúp mình tiêu trừ được phiền não, và sống thảnh thơi hơn. Khi công việc không được như mong muốn, tương lai trước mắt mình đã vẽ ra bỗng chốc tan biến, Phật giáo giúp mình cân bằng lại, giúp mình nhận ra, hiện tại dù sao vẫn còn có 1 việc để làm, hàng ngày vẫn đầy đủ nhu cầu thiết yếu, thân xác chẳng mệt nhọc gì, thế là hạnh phúc quá rồi, may mắn hơn nhiều người rồi, còn đòi hỏi gì nữa đây. 

Cho nên mình đang buồn rầu, đang lo lắng rồi cuộc đời sẽ như thế nào đây, mà bình tâm lại được ngay, bình tĩnh đi làm, ăn cơm, suy nghĩ, như hiện giờ là vẫn ổn, nếu muốn tốt hơn, mình có thể từ từ sẽ nghĩ ra được cách làm cho tốt hơn. Quan trọng là mình nhận ra mình vẫn ổn. Phật giáo giúp tâm hồn mình cảm nhận tinh tế hơn, biết trân trọng những gì mình đang có, biết cảm nhận được hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Rồi thì tâm lý sợ hãi nữa. Dù mình có tài giỏi đến đâu mình cũng không thể kiểm soát hết được mọi việc theo ý mình. Cuộc sống vốn dĩ vận động theo quy luật của nó, có những việc xảy ra theo ý mình và cũng có những việc không theo ý mình. Tâm lý sợ hãi, cảm giác bất an xảy đến khi có những việc mình không kiểm soát được, không lường trước được. Vậy làm thế nào để bớt sợ hãi, bớt cảm thấy bất an? 

Phật giáo chỉ cho mình thấy cuộc đời là vô thường, tức là cuộc đời không thường như vậy mãi. Chẳng có nỗi buồn nào là mãi mãi, chẳng có nỗi đau nào kéo dài mãi, mọi việc cuối cùng cũng qua đi, người phương tây gọi là “It will be OK”, rồi mọi việc cũng ổn thôi. 

Cuộc đời này tất yếu sẽ có những sóng gió xảy đến với ta, tất yếu sẽ có những tai nạn không thể nào phòng ngừa được. Cách tốt nhất có thể làm là vui vẻ chấp nhận, những việc xảy đến cho ta đều là những việc nên xảy ra và cần thiết xảy ra. Mỗi biến cố đều mang lại cho ta nhiều bài học đắt giá, giúp ta trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn.

Hay nhất là Phật giáo chỉ cho mình biết cách yêu thương đúng đắn. Đời sống con người mà, có gì ý nghĩa hơn tình yêu thương. Tình yêu nam nữ, tình yêu gia đình, tình thương đồng loại, tình yêu thương vạn vật xung quanh… nếu ta biết yêu thương đúng nghĩa, thật ko còn gì có thể hạnh phúc hơn. Mình rất thần tượng 1 thầy tu và thích thơ 4×5 của Thầy. Ví dụ thơ về tình thương:

Tình yêu thương rộng lớn       (1)
Luôn mang tới niềm vui
Cùng chia sớt nỗi khổ
Dìu nhau về thảnh thơi.

Hay là thơ về tình yêu nam nữ

Yêu như yêu lần đầu           (2)
Xin nâng đỡ đời nhau
Bằng con tim hiểu biết
Lo sợ gì thương đau
.  

Đúng thế, vừa có tình yêu thương, vừa có sự hiểu biết, chúng ta há còn lo sợ điều chi?

Nói chung, triết lý Phật giáo rất sâu sắc, tinh tế, thông minh giúp mình được mở mang đầu óc. Mình rất hâm mộ triết lý này nhưng mình sẽ không đi tu hoặc ít nhất là đến bây giờ chưa có ý định đi tu. Có thể do mình chưa đủ trải nghiệm, nên chưa đủ đức tin. Do vậy con đường sắp tới của mình vẫn là con đường đời, và có Đạo ở bên.

Nam Định, ngày chủ nhật bình yên!
Đỗ Duy Khánh –
Vườn hoa Phật giáo

 
(1), (2): Thơ của thầy Minh Niệm viết trong cuốn sách “Hiểu về trái tim”



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 11