Biến đổi khí hậu môi trường từ góc nhìn đạo Phật


Nhìn vào lịch sử nhân loại, chúng ta thấy chưa bao giờ nhu cầu làm sạch môi trường sống lại khẩn thiết và cấp bách như hiện nay. Bởi hành tinh này đang bị con người làm ô nhiễm đến nguy cơ báo động. Và nói theo góc nhìn của đạo Phật, thì đây là nguy cơ báo động rốt ráo (tức vượt mức cho phép)

Phải chăng từ nguy cơ này, mà trung tuần (12/12) năm 2015, lần đầu tiên lãnh đạo của 195 quốc gia trên thế giới tham gia cuộc họp Thượng Đỉnh về vấn đề Biến đổi khí hậu môi trường tại thủ đô Pa ris Pháp để cùng nhau bàn về vấn đề này, nhằm ngăn ngừa thảm họa do biến đổi khí hậu môi trường gây ra.

Thưc tế chúng ta thấy, trong những thập niên gần đây, con người phải đối diện với một sự thật thảm khốc chưa từng có về biến đổi khí hậu môi trường, bởi hành tinh đang nóng lên, cuộc sống bị đe dọa và mất mát. Hệ sinh thái bị hủy hoại. Cấp độ biến đổi khí hậu cực đoan ngày càng gia tăng. Đây là nguy cơ nhãn tiền ảnh hưởng đến đời sống của mỗi con người cũng như muôn loài trên trái đất.

Một thực tại

Trước sự tàn phá khủng khiếp của biến đổi khí hậu môi trường, các nhà khoa học đang tập trung nghiên cứu để tìm ra các giải pháp đối phó với những thảm họa thiên nhiên reo rắc nỗi tuyệt vọng và sợ hãi về tương lai, khi con người chìm trong nối đau buồn và hoảng loạn.

Cùng với các nhà khoa học tìm giải pháp khống chế sự biến đổi khí hậu nêu trên, chúng ta hãy bình tâm suy ngẫm và nhìn lại: cách đây 25 thế kỷ trong Huyền ký của đức Phật đã tiên niệm và cảnh báo về biến đổi này ở thời kỳ Mạt pháp (tức xa pháp) thời mà chúng ta đang sống đây.

Vậy Đức Phật tiên niệm cảnh báo điều gì?

Với Chánh biến tri (trí tuệ Chân như) do Thanh tịnh thiền đem lại, đức Phật thấu tỏ Tam thiên Đại thiên thế giới và cho rằng: “Đến thời kỳ Mạt Thượng pháp, văn minh khoa học con người rất cao. Vật chất ở thế giới này rất dồi dào phong phú, con người sa vào hưởng thụ vật chất, cạnh tranh hơn thua, nên con người hung dữ, bởi tánh cố hữu (tham, sân, si) mà họ chế ra những khí cụ giết người hàng loạt để sát hại lẫn nhau.”(*)

Qua Huyền ký của đức Phật, để tránh sự hiểu lầm, chúng ta không nên cho đây là (sấm ký theo cách hiểu của dân gian). Bởi đọc lịch sử đức Phật chúng ta thấy, khi Ngài trả lời câu hỏi của ngoại đạo Bà la Môn hỏi về danh xưng Đức Phật, Ngài trả lời như sau: “Ta không phải là Thần, không phải là người, Ta chỉ là Phật! (theo Phạn ngữ Bồ-đề (Bodhi) tức là Phật, Phật-đà, bậc Giác ngộ chân như).

Cùng với Huyền ký nêu trên của đức Phật, những nhà Hiền triết và những nhà khoa học Hiện đại chân chính ngày nay cũng cho rằng: “Khoa học phát triển mà không có lương tâm, cũng đồng nghĩa với sát hại”.

Trở lại vấn đề biến đổi khí hậu môi trường, chúng ta thấy hiện nay các nhà khoa học đã vào cuộc, những cơ quan tổ chức xã hội và Nghiệp đoàn các quốc gia trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp tích cực, cũng như đầu tư nhân lực, vật lực để khắc phục sự biến đổi khí hậu môi trường đó là, trồng cây xanh tái tạo môi trường, giảm thiểu khí phát thải ô nhiễm, xử lý việc hoàn nguyên môi trường đất và nước. Các tổ chức Chính trị, Nhà nước, Nghiệp đoàn cùng chung tay hành động cho việc khắc phục thảm họa môt trường. Đầu tư nguồn ngân sách khắc phục kịp thời thảm họa cho các vùng nạn. Tuy nhiên, theo số liệu đánh giá về thực trạng khắc phục biến đổi khí hậu môi trường ở một số quốc gia cho thấy: việc làm này chưa đáp ứng được thực tế yêu cầu do thảm họa gây nên, đấy là chưa kể đến giải pháp đón đầu để ngăn ngừa thảm họa xấu về biến đổi khi hậu trong tương lai. Theo đánh giá chung của các nhà khoa học và tổ chức cộng đồng các nước trên thế giới về vấn đề khắc phục biến đổi khí hậu môi trường cho thấy: những thập niên gần đây, tuy đã đầu tư tài chính và bỏ công sức, vật lực cho việc khắc phục biến đổi khí hậu môi trường, nhưng đây vẫn chỉ là giải pháp lo phần ngọn”.

Vậy “phần gốc” là gì?

Bài viết: “5 hành động thực tiễn Phật giáo đối diện với sự thật về biến đổi khí hậu” của nữ Tiến sĩ Willa B.Miller, hiện đang là giảng viên bộ môn Phật học tại trường Đại học Harvrd, Hoa Kỳ, đăng tải trên (phatgiao.org.vn – 14/4/ 2018) cho thấy vai trò của Giáo dục Phật giáo trong việc làm thay đổi nhận thức về Biến đổi khí hậu môi trường hiện nay là rất quan yếu, nếu chúng ta nhận thức được tinh thần Duy thức luận của Phật giáo: Đó là tự lực và tha lực giữa con người và thiên nhiên sẽ có hiệu ứng tương tác tích cực vào việc làm thay đổi môi trường xấu, ác hiện nay.

Với góc nhìn Phật giáo, Tiến sĩ Willa B.Miller khi nhìn nhận về vấn đề biến đổi khí hậu môi trường và cho rằng: “Có người xem biến đổi khí hậu như một vấn đề sinh thái, có người xem nó như một vấn đề kinh tế, một số người nhận định nó là một vấn đề xã hội. Nhưng chúng ta cần biết điều mà con người đang làm lên trái đất là một hành động có lỗi. Khi hiểu theo nghĩa này, thì biến đổi khí hậu là một vấn đề đạo đức.

Đúng ! Biến đổi khí hậu, nên hiểu theo phạm trù đạo đức. Người viết bài này, cho đây là một nhận định và đánh giá tâm huyết của Tiến sĩ Willa B.Miller. Bởi trên thực tế với cái nhìn hời hợt theo duy lý thì biến đổi khí hậu là do: sản xuất kỹ thuật công nhiệp mà các giá trị của nó bắt nguồn từ một đặc điểm công nghiệp phát triển quá nóng. Do đó, biến đổi khí hậu không còn là vấn đề bình thương nữa, mà là một vấn nạn!

Tại sao vậy ?

Vì dục vọng và khát ái của con người không biết đủ, bởi (tham, sân, si) gây nên. Điều này đức Phật dạy: “Thiểu dục tri túc” , theo nguyên nghĩa là ít ham muốn, tức biết đủ thì không khổ. Vậy thế nào là đủ ? Đức Phật dạy, để biết được cái đủ trong cái thừa, thì con người cần phải có chính trí (Trí nhất như) mới thấy đươc cái chân thường trong cái vô thường của vòng tương tục. Vậy, thiểu dục tri túc, theo giáo lý đạo Phật, pháp này thuộc lĩnh vực Đạo đức, lối sống, là quá trình thực nghiệm sâu xa của đức Phật. Cho nên, thiểu dục tri túc là nhằm đến suy nghĩ bên trong, chứ không dựa vào hính thức vật chất bên ngoài.

Thỏa mãn ham muốn cũng là một dạng của hạnh phúc, nhưng chóng tàn và khó đạt đến. Vì không phải lúc nào ta cũng đạt được những ham muốn. Vả lại, ham muốn này đạt được, sẽ nảy sinh ham muốn khác. Đó là thực tế căn bản tạo điều kiện cho sự bất mãn và mắc lỗi lầm…

Biến đổi khí hậu môi trường là phạm trù Đạo đức.

Chúng ta đang đề cập về vấn đề biến đổi khí hâu môi trường. Điều này, ai cũng cho rằng đây là vần đề thuộc phạm vi Vật chất, nhưng ta xét đến câu đức Phật dạy: “Thiểu dục tri túc” hay câu “Người biết đủ thì bớt khổ” lại thuộc về phạm trù tinh thần – đạo đức. Nếu nói văn vẻ khoa học theo thời đại @ thì đây là ‘phạm trù mềm’. Và nếu ai đã đọc Duy thức luận Phật giáo, thì dễ dàng hiểu được nội dung của câu tâm pháp:

Nguồn gốc của Phật pháp là tâm,
Nguồn gốc của vũ trụ cũng là tâm.

Người am hiểu chút chút Phật pháp đều biết cái nguồn gốc đó chính là tâm của mình chứ chẳng phải tâm ai khác.

Theo thực tế mà nói, Phật giáo là giáo dục, truyền dạy Tâm Pháp dẫn đến giác ngộ cuối cùng, nhưng hiện nay nhiều người hiểu lầm, bởi chưa hiểu sâu giáo lý đạo Phật. Nói giáo dục Phật giáo là bao gồm cả Vũ trụ vạn vật, chẳng có một sự vật nào thiếu sót gọi là vạn pháp duy tâm. Vì nguồn gốc của vạn sự, vạn vật là tâm linh, nên Phật Thích Ca nói, tất cả duy tâm tạo.

Vậy tâm là thế nào? Tâm là một danh từ ai cũng nói được, nhưng tâm là gì thì ít người biết.

Và câu kinh bất hủ của Nhà Phật “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” nếu là phật tử câu kinh này ai cũng thuộc lòng, nhưng để hiểu rốt ráo lại là chuyện khác. Song, đối với các nhà khoa học, thì câu kinh trên đã làm cho họ thao thúc, và đến nay thì thật sự đã làm cho các nhà khoa học bất ngờ và ngac nhiên, bởi giới khoa học hàng đầu thế giới, nhờ câu kinh này mà họ thấy và khẳng định được qua thí nghiệm “hai khe hở” trong nghiên cứu Vật lý lượng tử “hat và sóng”. Bởi sóng nếu không có tác động của Thức (tức người nhìn vào) thì sóng chỉ là sóng. Nhưng có tâm thức con người (trộm nhìn) thì sóng trở thành vật chất. Vậy câu kinh “Tam giới duy tâm vạn pháp duy thức” đã làm đảo lộn Ngành Vật lý lượng tử, vốn trước kia giới khoa học vẫn cho vật chất là tồn tại khách quan. Vậy là câu kinh Hoa nghiêm ra đời cách đây trên 25 thế kỷ, bỗng trở thành bất khả tư nghị đối với cả nhân loại.

Thế mới biết, phạm trù tinh thần ai cũng ngỡ như không tham gia trực tiếp vào sự thay đổi vật chất, nhưng đến nay qua thí nghiệm trên cho chúng ta thấy: biến đổi khí hậu môi trường làm sao lại có thể nằm ngoài sự tương tác của Thức (tức tinh thần của con người được).

Theo Tiến sĩ Willa B.Miller: “Những hành động tâm linh không phải là những lựa chọn thay thế cho những hành động nhạy bén, trí tuệ. Đó là những nguyên tắc bổ sung cho giáo dục và hoạt động. Nguồn lực tinh thần có thể giúp chúng ta đi từ sự liều lĩnh đến việc thực hiện các hoạt động bền vững. Làm sao chúng ta có thể nổi giận với lòng bi mẫn?

Thực hành tâm linh có thể không đưa ra các giải pháp khí hậu cụ thể, nhưng nó sẽ giúp chúng ta thay đổi ý thức. Thực tiễn giáo lý đạo Phật có thể lý giải mối tương quan giữa con người với sự sợ hãi, đau buồn và tuyệt vọng. Đức Phật dạy: Hành động đạo đức là những hành động phát sinh từ sự cam kết không làm tổn hại chúng sinh, luôn dịu dàng và đơn giản. Phật giáo và các truyền thống tôn giáo khác từ lâu đã xác định tình yêu thương và tâm từ bi là động lực thúc đẩy hành động hiệu quả và bền vững. Nếu chúng ta mở rộng vòng tay với đất liền, thì nước, tài nguyên thiên nhiên, và động vật sẽ không bị tổn hại, chúng sẽ yên bình và phản ánh sự thay đổi tích cực”.

Vạn vật đồng nhất thể.

Nếu ví trái đất là một cơ thể sống như con người: đất đai khoáng chất là xương thịt, xăng dầu là dòng máu nuôi cơ thể, và những cánh rừng kia là những lá phổi của con người. Thì tại sao chúng ta lại khai thác cạn kiệt cái cơ thể ấy. Trái đất lâm bệnh có nghĩa là chúng ta lâm bệnh. Bởi thiên địa vạn vật đồng nhất thể. Đây là một khái niệm đã có từ lâu trong Đạo học và Triết học của phương Đông và phương Tây. Ở phương Đông ta thấy có Lão Tử trong Đạo đức kinh nói: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, Tam sinh vạn vật, tức là nói Đạo là nguồn gốc của vạn vật, như vậy, vạn vật xuất phát từ một thể đồng nhất là Đạo.

Còn theo nhà bác học lỗi lạc người Áo Ernst Mach cũng nêu ra nguyên lý: “Bất kể vật chất nào trong vũ trụ cũng phải gắn kết chặt chẽ với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ ; không tồn tại bất kỳ một cá thể độc lập nào; sự phân chia vật chất thành những thành phần đối lập loại trừ nhau là sai lầm, giả tạo, bởi toàn vũ trụ là Một!”.

Với quan điểm này, trong bài viết: “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” của tác giả Truyền Bình trên trang (phatgiao.org.vn 28/4/20180) cũng cho rằng: “Toàn bộ vũ trụ có thể quy về lượng tử, đó là một thể đồng nhất mà các nhà khoa học nhìn nhận. Nhưng đối với Phật giáo, lượng tử chưa phải là rốt ráo, chưa phải là bất nhị, lượng tử mới chỉ là vô thủy vô minh mà thôi, còn cái tâm niệm của con người là nhất niệm vô minh. Chính nhất niệm vô minh phối hợp với vô thủy vô minh thành cái mà chúng ta gọi là vũ trụ vạn vật – cuộc sống thế gian. Cái sức mạnh chi phối lượng tử để tùy ý vẽ nên vũ trụ vạn vật mới thực sự là rốt ráo, đó chính là tâm bất nhị, là tâm Giác ngộ, là Phật tánh, là cái nhất thể của vạn vật”.

Từ quan điểm nói trên, với góc nhìn đạo Phật về biến đổi khí hậu môi trường ta thấy : Môi trường sống là sự tương quan, tương duyên và tương tác lãn nhau giữa tất cả các sinh vật, chúng sinh và các pháp vô sinh. Cho nên, hoạt động hay sinh hoạt của một sinh vật, một chúng sinh này ắt có ảnh hưởng đến những sinh vật và chúng sinh khác. Tương tự như vậy, ý nghĩ, lời nói và việc làm của chúng sinh này, tất có tác động đến những chúng sinh khác chung quanh. Ý nghĩ, lời nói và việc làm đó chính là điều mà đức Phật dạy ấy là Nghiệp của thân, miệng , ý, hay gọi là ba nghiệp. Để làm sạch cõi nước, làm sạch môi trường sống thì con người phải tự làm sạch Ba nghiệp: thân, khẩu, ý của mình trước. Làm sạch ba nghiệp bằng cách sửa đổi những ý nghĩ, lời nói và việc làm bất thiện, có hại cho người khác, cho xã hội, cho môi trường bằng ý nghĩ, lời nói và việc làm thiện lành, có ích hướng thượng cao đẹp.

Mục đích cao cả nhất của người Phật tử là làm sạch cõi nước mình đang sống, làm sạch môi trường sống để giống như cõi Phật thanh tịnh. Đây là ý nghĩa mà Phật giáo Đại thừa nêu cao lý tưởng Tịnh Phật quốc độ. Đó không phải là những hình ảnh hão huyền hoặc xa vời không có thật. Điều này qua tìm hiểu nghiên cứu các nhà khoa học hiện đại ngày nay cũng cho rằng: “Toàn bộ vũ trụ có thể quy về lượng tử, đó là một thể đồng nhất. Cái sức mạnh chi phối lượng tử để tùy ý vẽ nên vũ trụ vạn vật mới thực là rốt ráo. Đúng như câu kinh đức Phật dạy, “Tất cả duy tâm tạo”, đó chính là tâm bất nhị, là tâm giác ngọ, là Phật tánh, là cái nhất thể của vạn vật. Đức Phật A Di Đà đã điều khiển lượng tử để hình thành cõi giới Tây phương Cực lạc là một ví dụ cho thấy sức mạnh của tâm Giác ngộ” (Truyền Bình).

Biến đổi khi hậu từ góc nhìn đạo Phật, nếu chúng ta nhìn nhận sự biến đổi này là một hành động có lỗi thuộc phạm vi Đạo đức, thì chúng ta thực hiện lời dạy của đức Phật: Thiểu dục tri túc, đây là pháp sống mang lại Hạnh phúc giầu ý nghĩa nhân văn mà đức Phật dạy ta thật cao quý; nếu vì khái ái (tham, sân, si) khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên để rồi sau mới khắc phục hậu quả là chúng ta chỉ lo phần ngọn. Bỏ gốc theo ngọn là không thể… ! Bởi, “Thiện ác đáo đầu chung hữu báo/ chỉ tranh lai tảo dữ lai trì”. Theo giáo lý nhân quả-luân hồi của đạo Phật, việc lành hay việc dữ đều có kết quả, chỉ khác là đến sớm hay muộn tùy thuộc vào hành động tạo tác (tức nghiệp thiện, ác) của con người mà thôi.

Bài viết: “Biến đổi khí hậu môi trường từ góc nhìn đạo Phật”
Nguyễn Đức Sinh – Vườn hoa Phật giáo
Số : 18. Phố Quang Trung
Tp, Uông Bí – Quang Ninh
Tài liệu tham khảo:

Chú thích: (*) Khai thị thiền tông – tác giả Nguyễn Nhân-( Nxb TG.Quý I-2015 tr 67-68)

-Bài: 5 hành động thực tiễn Phật giáo đối diên với sự thật về Biến đổi khí hâu –Tác giả: Tiến sĩ Willa B.Miller- Vân Tuyển (PGVN phatgiao.org.vn 14/4/2018)

-Thiên địa vạn vật đồng nhất thể -Tác giả Truyền Bình ( phatgiao.org.vn 28/4/2018)

-Khoa học hiện đại hướng tới Phật giáo – Tác giả Truyền Bình (PGVN-phatgiao.org.vn -30/9/2016)

-Lão Tử – tác giả: Ngô Tất Tố (Nxb-Tp.HCM- nawm1992)



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 28