Phóng sinh thiếu hiểu biết: tội nhiều hơn phúc


Đây là thông điệp vừa được Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) phát đi lúc 5 giờ chiều 6-2, khi sắp đến ngày cúng ông Táo đi liền với phóng sinh cá chép.


Rùa tai đỏ là loài gây hại, không nên phóng sinh ra môi trường
 
Hoạt động từ bi vô tình thành điều ác

Theo quan niệm của Phật giáo, phóng sinh là một hành động nhằm cứu các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt và trao cho chúng cơ hội tiếp tục sống. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn, thì ra tay cứu thoát. Đặc biệt vào dịp Tết, ngày cúng Táo Công, mùng 1 hay ngày rằm, mọi người thường mua chim, cá, rùa để thực hiện việc phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn hiện nay khi việc làm ý nghĩa này đang ngày càng mất đi nét đẹp vốn có, gây ra không ít hậu quả cho môi trường sống của các loài sinh vật và chính các loài những tưởng là sẽ được cứu vớt nhờ phóng sinh. Do sự thiếu hiểu biết của con người, việc phóng sinh đã gây những tác động không tốt đối với môi trường sống trong vùng.

Phóng sinh một cách bừa bãi chính là tác nhân phát tán của các loài xâm nhập vào môi trường bản địa.

Nhiều người đem phóng sinh các loài rắn độc, rùa tai đỏ – những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa đến sự sống của các loài sinh vật đang sinh sống trong môi trường đó.

Ngoài ra, không ít loài đã chết sau khi được phóng sinh. Những con chim trời đang tự do bay lượn thì bị người ta bẫy và bán cho những người đi phóng sinh. Vòng luẩn quẩn bắt rồi thả rồi lại bị bắt khiến những chú chim tội nghiệp chết dần chết mòn và không còn có thể cất cánh bay cao được nữa.

Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao. Nhiều loài trong số chúng được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.

Đặc biệt, việc mua động vật hoang dã (ĐVHD) để phóng sinh đã vô tình tiếp tay cho hoạt động buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD, tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học cũng như những nỗ lực của các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ ĐVHD nói chung.

Hành vi nuôi nhốt, tàng trữ ĐVHD trái phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 500 triệu đồng theo Nghị định 157/2013/NĐ-CP và Nghị định 103/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 41/2017/NĐ-CP) hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 15 năm tù theo quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Phóng sinh như thế nào mới đúng?

Việc phóng sinh trước hết không nên quá hình thức mà nên được làm một cách tùy duyên, ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát. Cứu chúng sinh trong thời điểm này mới thực là ý nghĩa nguyên bản của việc phóng sinh.

Tuy nhiên, để việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa, người phóng sinh cần phải tìm hiểu rõ môi trường sống của các loài vật để có thể đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn, tạo cơ hội sống sót cho các loài sinh vật được phóng sinh. Khi gặp khó khăn, có thể liên hệ các cơ quan chuyên môn để có cách phóng sinh, cứu giúp các loài sinh vật đúng đắn và phù hợp nhất, tránh phóng sinh vội vàng, bừa bãi.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) chia sẻ: “Phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài ĐVHD. Nếu muốn bảo vệ ĐVHD thì cách tốt nhất là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên và đảm bảo chúng không bị săn bắt”.

Cùng với phóng sinh đúng pháp, đúng cách, cá nhân mỗi người có thể góp sức bảo vệ các loài ĐVHD bằng cách: Cam kết KHÔNG tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD. Kêu gọi người thân, bạn bè và những người xung quanh không sử dụng các sản phẩm từ ĐVHD. Thông báo các hành vi săn bắt, quảng cáo, buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD đến các cơ quan chức năng địa phương hoặc gọi đến đường dây nóng miễn phí về bảo vệ ĐVHD 1800-1522.



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 16