Rồi một ngày bất chợt nhìn lại mình


Trong cuộc sống có những lúc ta vô tình lấn lướt, bon chen xô đẩy nhau để đạt được điều gì đó. Ta cứ sống vội vã với tâm lý luôn hướng ngoại về các mối quan hệ từ xã giao cho đến kết thân hay là trong công việc…

Những điều đó có phần dựa trên nền tảng của sự tính toán cho đi bao nhiêu và nhận lại được bao nhiêu, để rồi một ngày nào đó ta đánh mất mình lúc nào mà không hề hay biết.
Rồi bất chợt nhìn lại mình đã không còn là mình của ngày nào. Có lẽ lúc đó ta sẽ nghĩ rằng ”Ồ! Mình đã thay đổi thật rồi…”. Nhưng bản chất của sự thay đổi đó theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực mới thật sự là vấn đề cần phải quan tâm. Bởi từ ”suy nghĩ tạo nên hành động; hành động tạo nên thói quen; thói quen tạo nên tính cách; tính cách tạo nên số phận.” Chính vì những thay đổi nhỏ từ ý nghĩ khi không chịu quay về nhìn lại thì dần một ngày nào đó, từ ý nghĩ đơn giản ban đầu sẽ quyết định số phận và cuộc đời của ta mà không lời báo trước.

Vì lẽ đó trong giáo pháp Đức Phật từng dạy cho hàng đệ tử rằng hãy luôn tự quán xét nội tâm, nhìn lại bản thân trước những ý nghĩ, hành động của mình từ khi khởi sinh cho đến khi hình thành kết quả cuối cùng. Ví như công dụng và mục đích của chiếc gương là để soi chiếu vậy.

Kinh văn đề cập đến lời dạy của Ngài như sau:

– ”Này Rahula (La – hầu – la), con nghĩ thế nào? Mục đích của chiếc gương là gì?” 

– ”Bạch Thế Tôn, mục đích của cái gương là để soi chiếu.” 

– ”Cũng vậy, này Rahula, một hành động về thân được thực hiện sau khi đã soi chiếu nhiều lần; một hành động về lời nói được thực hiện sau khi đã được soi chiếu nhiều lần; một hành động về ý nghĩ được thực hiện sau khi đã được soi chiếu nhiều lần”.

”Này Rahula, khi con muốn làm một hành động về thân, con hãy soi chiếu hành động đó như thế này: ‘Hành động về thân mà ta muốn làm có đưa đến tổn hại cho chính mình, hay làm tổn hại cho người khác, hay làm tổn hại cho cả hai hay không? Đây có phải là một hành động bất thiện về thân đưa đến hậu quả đau khổ?’ Khi con soi chiếu, nếu con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta muốn làm đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cho cả hai; đây là một hành động về thân đưa đến khổ đau, với quả báo đau khổ’, thì con phải nhất định không làm hành động về thân ấy. Nhưng khi con soi chiếu, con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta muốn làm sẽ không đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc không làm tổn hại cho người khác, hoặc không làm tổn hại cho cả hai; đây là một hành động thiện về thân đưa đến an vui, với quả báo an vui’, vì vậy con có thể làm hành động về thân ấy. 

”Cũng vậy, này Rahula, khi con đang làm một hành động về thân, con hãy soi chiếu hành động thế này: ‘Hành động về thân mà ta đang làm có đưa đến tổn hại cho chính mình, hay làm tổn hại cho người khác, hay làm tổn hại cho cả hai hay không? Đây có phải là một hành động bất thiện về thân đưa đến hậu quả đau khổ?’ Khi con soi chiếu, nếu con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta đang làm đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cho cả hai; đây là một hành động về thân đưa đến khổ đau, với quả báo đau khổ’, thì con phải ngưng ngay hành động về thân ấy. Nhưng khi con soi chiếu, con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta đang làm sẽ không đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc không làm tổn hại cho người khác, hoặc không làm tổn hại cho cả hai; đây là một hành động thiện về thân đưa đến an vui, với quả báo an vui”, vì vậy con có thể tiếp tục hành động về thân ấy. 

”Cũng vậy, này Rahula, sau khi con đã làm một hành động về thân, con hãy soi chiếu hành động thế này: ‘Hành động về thân mà ta đã làm có đưa đến tổn hại cho chính mình, hay làm tổn hại cho người khác, hay làm tổn hại cho cả hai hay không? Đây có phải là một hành động bất thiện về thân đưa đến hậu quả khổ đau, với quả báo đau khổ?’ Khi con soi chiếu, nếu con biết rằng: ‘Hành động về thân mà ta đã làm đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc làm tổn hại người khác, hoặc làm tổn hại cho cả hai; đây là một hành động về thân đưa đến khổ đau, với quả báo đau khổ”, như vậy con phải thú nhận hành động ấy, con cần phải tiết lộ, trình bày rõ với Đạo sư của con, hoặc các bạn thiện tri thức đồng tu. Sau khi đã thú nhận đã tiết lộ, đã trình bày rõ ràng, con cần phải biết chế ngự phòng hộ trong tương lai. Nhưng khi con soi chiếu, con biết rằng: “Hành động về thân mà ta đã làm sẽ không đưa đến tổn hại cho chính mình, hoặc không làm tổn hại cho người khác, hoặc không làm tổn hại cho cả hai; đây là một hành động thiện về thân đưa đến an vui, với quả báo an vui’, thì con có thể an trú trong niềm hoan hỷ, tiếp tục rèn luyện ngày đêm trong các thiện pháp”.
 

(Trung Bộ Kinh II, số 61: Kinh Giáo Giới La – hầu – la, tr.174-177)
 
Qua đoạn kinh cho ta thấy được tầm quan trọng của sự nhìn lại để quán xét nội tâm như thế nào trước những ý nghĩ vi tế bên trong cho đến sự biểu hiện bằng hành động bên ngoài. Những ý nghĩ và hành động này tác động trực tiếp với bản thân ta và cả những người xung quanh. Vì thế, mỗi khi làm việc gì hay suy tính thực hiện điều gì đó ta cần phải có sự nhìn lại xem xét ý nghĩ, hành động đó là thiện lành và mang lại lợi ích chánh đáng hay không.

Ta hãy sống với sự nhìn lại để có được nhiều niềm vui và hạnh phúc. Đừng vì sự tranh đua hay vì mục đích tư lợi nào đó mà ta vô tình đánh mất chính mình, đánh mất những mối quan hệ thân yêu bên cạnh. Bởi, đôi khi ta cứ mải mê với công việc, với những dự định tính toán cho ngày mai mà quên nhìn lại mình. Tệ hơn là đánh giá người khác dựa trên sự thành công của mình, để rồi ta cứ cho đó là đúng, chánh đáng với suy nghĩ của mình. Và đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự tự cao cùng cái tôi ngày càng được gia cố và lớn mạnh.

Thiền sư Ajahn Chah từng nói rằng: ”Đừng phán xét người khác chỉ làm tăng tính tự cao tự đại của mình mà thôi. Thay vì vậy, chỉ cần hướng vào quán xét chính bản thân mình”, Vì lẽ ”Nhân vô thập toàn”, đã là con người thì không ai là hoàn thiện hết cả. Trong mỗi người đều có những ưu nhược điểm khác nhau và với nhược điểm thì sẽ tạo ra nhiều lỗi lầm sai trái, nhưng điều quan trọng là sau lỗi lầm đó ta cư xử ra sao, ta có đối diện hay là ngụy biện cho qua mới là quan trọng. 

Đức Phật cũng từng nói rằng: ”Trên đời có hai hạng người đáng quý nhất, một là người không mắc phải lỗi lầm và hai là hạng người có lỗi biết sai mà sửa lỗi”. Do đó, ta hãy luôn tự nhìn lại mình đang thuộc hạng người nào để rồi có cách nhìn nhận và ứng xử cho phù hợp. Để làm được điều đó, không ngoài sự nhìn lại quán xét nội tâm từ những việc làm khi mới bắt đầu khởi sinh nơi ý nghĩ, hay trong khi làm và sau khi làm của thân-khẩu-ý, để có thể đưa ra quyết định có nên tiếp tục thực hiện hay là nên dừng lại nhằm mang lại lợi ích cho bản thân, cho mọi người mới là điều thật sự quan trọng.

Chính vì lẽ đó, sự nhìn lại chính mình là điều không thể thiếu đối với một người có tâm cầu tiến nhằm hướng đến sự hoàn thiện bản thân, sửa đổi những tập nghiệp bất thiện để hình thành một cuộc sống tốt đẹp hạnh phúc cho hiện tại và cho mai sau. Hãy luôn trân trọng nhìn lại những gì mình đang có, để vững bước giữa dòng đời đầy hối hả nhưng tâm thái luôn thư thả và hạnh phúc bạn nhé!
 

Bài viết: “Rồi một ngày bất chợt nhìn lại mình”
Gia Phong/ Vườn hoa Phật giáo



Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 17