Đừng làm khổ nhau

Đừng chỉ bằng mặt mà không bằng lòng. Sống như thế, con người càng xa nhau. Hãy bằng lòng, trải lòng ra, cởi mở tâm hồn, trở về tâm hồn nhiên, trong sáng dù ta không biểu lộ bằng mặt hay niềm nở đón chào thì tâm ta đã thông cảm cho nhau rồi.

Điều gì làm cho ta tổn thương, hãy thở, mỉm cười, nhận diện ta đang tổn thương. Tổn thương là chuyện bình thường, không có gì phải mặc cảm, bởi cuộc sống này có nhiều chuyện không vừa ý, bất công, hiểu lầm, đố kỵ… Và đó cũng là chuyện thường tình. Là người tu, ta phải biết thở, biết mỉm cười để lắng nghe, tiếp nhận, nhẫn nhục đối với những lời nói không dễ thương, dèm pha, lên án, thị phi…

Ta tập nhìn cái đẹp và cái không đẹp (cái xấu) nơi người khác. Ta thấy người ấy đau khổ mà không tự chủ được nên người ấy đã vung vãi khổ đau ra ngoài bằng những lời nói không dễ thương làm cho ta tổn thương. Ta cũng thấy chánh niệm ta còn yếu, dễ bị tổn thương. Ta không thể tự chủ được cho nên tâm tự ái, tổn thương phát khởi. Ta thấy người ấy khổ bởi người ấy không biết tu tập, nỗi khổ ấy được trao truyền từ cha mẹ, ông bà, dòng họ, tổ tiên và xã hội. Người ấy chỉ là nạn nhân của những khổ đau trong gia đình và nơi xã hội. Đồng thời, ta thấy tâm ta cũng có sẵn hạt giống tổn thương tự ái và những lời nói kia xúc tác tới hạt giống tổn thương trong ta. Khổ đau, tổn thương không phải do lời nói vụng về mà do cách ta phản ứng bằng tâm tự ái, tổn thương, mặc cảm.

Tâm ta là tấm kính phản ảnh những gì chung quanh. Nếu ta mỉm cười thì người ấy mỉm cười, ta cau có thì người ấy cau có, ta tha thứ thì người ấy tha thứ… Vui buồn, thương ghét, bạn thù đều biểu hiện từ tâm thức ta. Thay vì chạy ra ngoài để hơn thua, tranh đấu, đối phó, đổ lỗi cho những người chung quanh, ta trở về với ta, đưa tâm trở về phản chiếu vào tấm gương tâm ý để thấy rõ những gì đang xảy ra. Buồn ơi, chào em! Nghi ngờ ơi, chào em! Đố kỵ ơi, chào em! Tổn thương ơi, chào em!… Tất cả thế giới này là biểu hiện từ tấm kính vĩ đại của tâm thức. Ta tạo ra thế giới, ta tạo ra địa ngục hay thiên đường, ta tạo ra hạnh phúc lẫn khổ đau, ta tạo ra hận thù hay tha thứ… Và thế giới này ảnh hưởng trở lại tâm ý ta.

Mỗi người mỗi tính, không ai giống ai. Hãy nhìn cảnh để thấy tâm, người kia là tấm ảnh của tâm ta đó. Hãy giữ cái tâm trong sáng, tha thứ, bao dung mà đừng dùng tâm đố kỵ, nghi ngờ, phán xét, trách móc, thù hận… Con người khó có ai hoàn hảo. Nếu không thương yêu nhau thì thôi chứ đừng làm khổ nhau. Đừng vung vãi khổ đau, hận thù lên cho nhau, làm như thế ta càng làm cho cõi lòng ta thêm tan nát, phiền muộn và thế giới này sẽ trở thành hoả ngục của nghi ngờ, đố kỵ, hận thù, tàn bạo.

Bài viết: “Đừng làm khổ nhau”
Chân Pháp Đăng/ Vườn hoa Phật giáo
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 5