Trạm dừng vô định

Sự sống vẫn luôn tiếp diễn trong từng khoảnh khắc, bốn mùa thay lá, xuân đến xuân đi, mỗi phút giây đều tuần hoàn vô tận.

Con người sinh ra và lớn lên giữa tình yêu của cha mẹ, tình yêu của thiên nhiên vũ trụ, tình yêu đó được tiếp diễn từ hữu hạn đến vô hạn, luôn luôn tiến hoá theo quy luật thời gian. Chúng sinh mà kinh Phật gọi theo chữ Hán là “Hữu tình”, phát xuất từ Phạn ngữ “sattva”: hiện hữu bằng tình yêu. Mỗi người chúng ta xuất hiện ngay giữa lòng tình yêu của cha và mẹ, được nuôi lớn bằng tình yêu của gia đình, của xã hội, của thiên nhiên vạn vật. Nhưng ít người có thể duy trì tình yêu ấy.

Tình yêu ấy ngày càng bị biến dịch theo thời gian, biến dị theo nhiều hình thái khác nhau, có khi trở thành quái thai dị hợm, trở thành tai biến của nhân loại. Xã hội càng văn minh, thì tình yêu ấy càng bị biến hoại bởi vật chất, con người không còn đối xử với nhau bằng tình yêu chân thật, mà dường như đã thay thế nó bằng giá trị kinh tế thị trường, theo một ý thức hệ nào đó. Nhưng điều hiển nhiên, vật chất không thể giải quyết tận gốc bài toán khổ đau của nhân quả. 

Khổ đau là một sự thật của cuộc đời, một chân lý không cần chứng minh, khổ đau ấy vẫn luôn luôn hiện hữu và hiện tiền, có mặt bất cứ đâu và bất cứ khi nào, ở đâu có sự sống ở đó có tình yêu và khổ đau. Khổ đau chỉ có thể được chuyển hoá khi ta biết ôm lấy nó, khổ đau của chính mình và của tha nhân, không cho nó loen lói, như y sỹ không cho mụt độc lây lan. Chỉ khi ấy, tình yêu mới hiện tiền, sự sống mới hân hoan, và chính thực tại ấy mới đưa ta trở về điểm sâu thẳm nhất nội tâm.

Đức Phật đã nhiều lần nhấn mạnh: “không có sức mạnh nào có thể vượt qua sức mạnh của lòng thương yêu”, tình yêu là vũ khí sắc bén nhất trong tất cả công cụ, có tình yêu tất cả mọi khó khăn bế tắc của sự sống đều được giải quyết, mọi lưới tơ hận thù kết lấy nhân loại đều được cắt đứt. 

Tình yêu khởi điểm từ những rung động nhỏ nhất đầu tiên của sự sống, ngay trong đời sống thường nhật, tình yêu đó dần được lan rộng ra khi tưới tẩm nó bằng nguồn nước tri thức; nguồn nước ấy, vô hình nhưng sống động, nó nuôi lớn tình yêu bằng những điều kì diệu của tâm hồn. Đối với một vị có trí, có thức, tình yêu trong vị ấy dễ dàng được tăng trưởng và lan toả. Điểm kết thúc của tình yêu là “tâm đại bi”, một vị Đại sĩ thượng nhơn, chính là vị đã hoàn hảo tâm Đại bi, vị đó được gọi là Boddhisattva: “Hiện hữu bằng tình yêu và tri thức”, đây là hai phương diện song vận của tâm đại bi, luôn luôn hiện diện nơi một bậc Bồ-tát.

Hành giả tu tập giỏi, là vị sống trong cuộc đời nhưng không bị ân ái của trần gian làm nhuộm bẩn, mà có thể nuôi lớn bi và trí ngay giữa lòng tình yêu nhân loại: “Thế gian được nhận thức là lìa sinh diệt, giống như hoa đốm giữa hư không, không thể nói nó là sinh khởi hay huỷ hoại, từ đó mà khởi tâm Đại bi” (kinh Lăng-già), bản chất sự sống là như vậy, tất cả thiện pháp đều không lìa khỏi mảnh đất trần gian. Trần gian dù được thấy dù là mộng hay là thực, trần gian ấy vẫn luôn là nền tảng cho hết thảy sự vận hành lưu chuyển. 

Thiền sư Việt Nam thì nói: “Thịnh vượng hay suy thoái, đó là lẽ tự nhiên, không cần phải lo sợ” (ngài Vạn Hạnh). Cuộc đời con người, thường được các nhà văn nghệ sĩ ví là “một chuyến xe”, trên chuyến xe ấy, hành khách có lúc vui, lúc buồn, lúc gặp người hiền nhơn, khi gặp kẻ hung tợn: “đâm hà bá, phá sơn lâm”, có lúc xe hư vỏ lủng lốp, có khi thuận lợi mà tiến thẳng con đường.

Trên một hành trình dài, xe thường ghé vào các trạm dừng, ở mỗi trạm dừng ta thấy cảnh quan con người khác nhau, muôn vẻ của cuộc đời hiện đủ, cũng làm ta buồn, vui, mừng, giận theo nó, tâm tuỳ chuyển với cảnh, đó là lẽ thường; những biến động, những nghịch cảnh, hay những thành công rực rỡ, lên đến đỉnh cao của danh vọng, làm vua chúa quan tướng, cũng chỉ là những trạm dừng chân, tạm thời rồi cũng sẽ đi qua, hạnh phúc nào rồi cũng sẽ tan biến, duy chỉ cái an vui từ một tâm hồn hướng thượng, hướng thiện là còn mãi không tan.

Không một tài sản nào, dù giá trị liên thành mà có thể đánh đổi được sự an tĩnh của tâm hồn: “tâm an tĩnh thì không có một việc gì không thành”, trạm dừng của con đường đến đích an tĩnh không gì khác hơn ngoài tình yêu chân thật, tình yêu đó được hun đúc đầy đủ bởi hai chất liệu “bi và trí”, đó là trạm dừng an toàn và an ổn nhất, để nạp đủ lương thực cho sự sống, cho tiến trình giải thoát; con đường đi đúng hướng, là con đường phải băng ngang qua các trạm dừng ấy.

Đôi khi văn chương hay ví con người như những “bóng ma” lầm lũi, dò dẫm, trên lộ trình vô định của sự sống để tìm cầu một cái gì đó khi mờ hồ khi hiện thực, khi ảo ảnh khi rõ ràng, những dầu là hình thái gì đi chăng nữa, thì sự nguy hiểm đáng sợ nhất cho các hành giả là không có nơi an nghĩ, nơi dừng chân trước muôn trùng biến hoá trên con đường ấy, như chính lời Phật dạy cần ghi nhớ: “Đời sống con người sắp lụn tàn, con người đang dịch bước đến gần Thần chết, bởi vì giữa đường không nơi ngơi nghỉ, bước lữ hành của con người thiếu hẳn lương thực”(Pháp cú 237). Visa thị thực của Cực lạc giải thoát chỉ được cấp duyệt, khi hành giả vượt qua tất cả trạm dừng, trang bị đầy đủ tất cả hành trang thiết yếu, lên đường đến được “Đại xứ quán Từ bi”.

Những ngày đầu xuân Kỷ Hợi, 2019.

Bài viết: “Trạm dừng vô định”
Phước Nguyên/ Vườn hoa Phật giáo
 

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 21