Người trong cuộc vụ cháy rừng ở Úc: Sự im lặng hùng tráng

Nạn cháy rừng ở Úc kéo dài trong khoảng thời gian từ giữa cuối năm 2019 đến đầu năm 2020 là một đại thảm họa. Cả nước Úc và những người hướng về Úc như quay cuồng, hoảng loạn vì những thiệt hại không thể bù đắp.

Trong bối cảnh ấy, ngay giữa biển lửa, vẫn có những người bình tĩnh đối diện với thực tại. Sự vững chãi, bình an trong nội tâm của họ đã đem đến sự an tâm cho nhiều người khác, giúp họ bước qua hoạn nạn…

Tác giả bài viết là một thiền giả Vipassana người Việt, sống tại New South Wales, Úc – nơi ngọn lửa tàn phá nhiều nhất. Tuy theo truyền thống Kitô giáo, nhưng chị và con gái đã tham dự nhiều khóa thiền Vipassana, với tâm nguyện: “Thay vì hoán chuyển con người từ một tổ chức tôn giáo này sang một tổ chức tôn giáo khác, chúng ta nên chuyển hóa con người từ đau khổ sang hạnh phúc, từ ràng buộc sang giải thoát và từ tàn ác sang bác ái” – như lời dạy của Thiền sư S.N. Goenka.

***
Ngày 12-11-2019, tiểu bang New South Wales (NSW) – Úc ra tuyên bố về tình trạng “Catastrophic” (khẩn cấp trong điều kiện thảm khốc – phải sơ tán cấp tốc) đầu tiên trong vòng 20 năm trở lại đây vì tình trạng cháy rừng hàng loạt ngoài tầm kiểm soát.

Đó là vì thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài và khí hậu nóng bất thường. NSW đã huy động cả quân đội và lực lượng chữa cháy ở tiểu bang khác sang tiếp ứng. Đám cháy mở màn cho thảm kịch này bùng lên ở cách nhà tôi khoảng 2km và được dập tắt ngay lập tức. Nhưng chỉ vài phút sau đó, hàng loạt các đám cháy khác bùng lên dữ dội khắp mọi nơi trong điều kiện gió mạnh và lốc xoáy khiến lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp và đội ngũ người tình nguyện không kịp trở tay. Kể từ đó, NSW nói riêng và toàn nước Úc nói chung chìm trong biển lửa.

Tôi đi lên núi tu thiền trong tình trạng như vậy. Người Úc vốn không can thiệp vào quyền tự do cá nhân của nhau nên mấy người bạn tôi chỉ ái ngại: “Đi lên Blue Mountains bây giờ nguy hiểm lắm, biết không?”, “Blackheath (địa điểm diễn ra khóa thiền) là điểm nóng có biết chưa?”. Tôi cười xòa xoa dịu: “Chết cũng khó lắm, mà tôi không hạp khó khăn”.

Mười bốn ngày đầu tiên trôi qua an toàn. Khóa tu đặc biệt Satipaṭṭhāna dành cho các thiền sinh có kinh nghiệm đã kết thúc êm đẹp. Gần 100 thiền sinh đã thật sự quay vào bên trong quan sát thân và tâm rất chuyên cần, tinh tấn 11, 12 tiếng một ngày trong tiếng gầm rú của xe cấp cứu, cứu hỏa và máy bay trực thăng cả ngày đêm, trong cái nóng khô người và khói bụi ngùn ngụt từ những đám cháy rừng gần đó. Trung tâm Dhamma Bhumi tọa lạc giữa rừng vốn rất tĩnh lặng, chỉ có thể nghe được tiếng chim hót và tiếng côn trùng nhưng bây giờ sự tĩnh lặng đó đã hoàn toàn bị phá bỏ. Chỉ còn có sự tĩnh lặng nội tâm của trăm con người tĩnh tọa trong Noble Silence (tạm dịch: im lặng hùng tráng) lan tỏa đến từng góc nhỏ của thiền đường và trong các thất tu.

Ngày 20-12-2019, tôi tiếp tục ngồi khóa tu 10 ngày thông thường. Lần này đông đến 130 thiền sinh, trong đó có rất nhiều người mới. Đám cũ tụi tôi ít hơn, vừa tu tập cho chính mình vừa trợ duyên cho người mới. Nhưng khóa tu chỉ diễn ra được một ngày. Ngày 21-12-2019 chính quyền công bố tình trạng “Catastrophic” lần thứ hai, yêu cầu bỏ nhà cửa để sơ tán. Thiền sinh cũ đã cùng ban quản trị trung tâm sơ tán các thiền sinh mới trong trật tự và tĩnh lặng rồi mới đến lượt họ lái xe đi. Tôi quyết ở lại để cứu thiền đường nên quay trở vào cùng các thiền sư và khoảng 15 người khác chuyển thức ăn, nước uống, dẫn ống nước chữa cháy về thiền đường. Chúng tôi làm việc cật lực cho đến hơn 5 giờ chiều và việc chuẩn bị vừa hoàn tất thì nhận được lệnh cưỡng bức sơ tán toàn phần của cảnh sát. Tôi rơm rớm nước mắt, mếu máo: “Tôi không muốn thiền đường bị cháy”. Ông Victor, giám đốc trung tâm buông đồ đạc, khom xuống (ông cao đến 1m80) nhìn vào mắt tôi nói bằng một giọng hiền từ: “Fiona có nhớ chữ anicca (vô thường) không? Thiền đường đã có đó tất có lúc phải mất đi. Nhưng chúng ta chưa đến lúc phải mất đi. Miễn chúng ta còn sống sẽ xây nên thiền đường khác. Bây giờ thì chạy đi, vẫn còn kịp”.

Vậy là tôi tỉnh ngộ. Tôi chạy. Nhưng tôi không chạy một mình. Tôi kéo theo ba chị nữa cùng đi. Chúng tôi lái chiếc xe cuối cùng rời khỏi Dhamma Bhumi, nén lòng không nhìn lại thiền đường mờ mờ trong khói bụi.

Ra khỏi rừng, vào trong thị xã mới thấy “ta chỉ mình ta”. Tất cả mọi nơi đều vườn không nhà trống. Highway vắng ngắt, chỉ xe tôi và một vài chiếc xe dân sự khác, còn lại toàn là xe cảnh sát và cứu hỏa chạy ngược chạy xuôi. Trực thăng vẫn quần đảo trên đầu. Đường ra khỏi dãy núi Blue Mountains toàn là đổ dốc, dài khoảng 55km vốn không khó đi nhưng hôm nay bụi khói phủ mờ và gió lốc thổi cuồn cuộn nên tôi tự nhủ phải cẩn thận. Thêm vào đó tôi chịu trách nhiệm cho 3 mạng người khác ở trên xe, trong đó chị ngồi ghế trước đang nằm mẹp vì bịnh, chốc chốc nói buồn nôn, vì vậy tôi phải cẩn thận gấp đôi. Khói bụi đầy trong xe vì người bịnh không chịu được máy lạnh nên đành mở cửa sổ. Nhiệt độ bên ngoài là 410C, bên trong xe còn cao hơn nhưng mọi người đều ngồi bình thản – cái bình thản của người hành thiền. Tôi cũng cầm lái một cách bình thản, nhẹ nhàng. Chiếc xe lao đi. Nói thêm là tôi hơi hư hỏng một chút. Tôi đổ đèo nối tiếp đèo “cẩn trọng” trong tốc độ 100-110km/h, trong khi tốc độ cho phép là 70-80km/h, trừ những khúc quanh như cùi chõ thì phải chạy thật chậm. Tôi cũng nghĩ nếu bị cameras chụp hình thì sẽ thanh minh là đang cấp cứu người bịnh.

Chuyến xe đa sắc tộc đã đưa một người Nhật, một Hongkong, một Úc và một Việt Nam về đến chốn an toàn sau hơn một tiếng đồng hồ. Sau khi đưa chị người Nhật bị bịnh vào nằm trong giường của tôi (vì chị bay qua đây thiền nên không có nhà cửa để về), tôi ngồi xuống sofa. Lúc đó là 8 giờ tối và lúc đó mới cảm giác được cái mệt rũ người. Tôi đã thầm cảm ơn Goenkaji, Vipassana cùng mấy người bạn Dhamma đã trợ duyên cho tôi cái đầu lạnh và sự bình tĩnh khôn cùng để vượt qua quãng đường dài khó khăn ấy vì tôi vốn là người lái xe dở tệ!

Sáng hôm sau tôi nhận được tin nhắn từ Dhamma Bhumi hỏi có muốn trở lại không vì lửa đã tạm lui. Tôi mừng quá kêu Yukie – chị người Nhật dậy. Chị hỏi tôi tính sao. Tôi nói thiền sư hơn 80 tuổi mà “gân” vậy thì tôi sẽ theo tới bến luôn. Chị cũng quyết định theo tôi dù còn rất mệt. Tôi điện về báo cho má biết, má mếu máo: “Con làm sao thì làm, ba vừa mất có 3 tuần nay thôi…”. Tôi lại cười hề hề đóng trò mị dân: “Chết khó lắm, mà con lại ngại khó”. Con gái của tôi là người hành thiền nên điềm nhiên nhắc: “Má đổ xăng đầy bình nhé, để có gì chạy cho lẹ!”.

Vậy là lại đi, lại leo dốc gần tiếng rưỡi, lại hòa mình vào khói bụi và cái nóng điên người, lại chuyển động cùng xe cảnh sát, cứu hỏa và trực thăng để được tĩnh tọa cùng Thiền sư Patrick và 25 pháp lữ khác. Thầy đã nhanh chóng tạo dựng một khóa tu đặc biệt sâu cho chúng tôi, những người tu đạo giải thoát ngay cả trong lửa vì hiểu rằng lửa cháy vẫn không tệ bằng khổ đế. Ngoài kia vẫn náo nhiệt những âm thanh của hiểm nguy và gian khó nhưng tại đây, lòng chúng tôi vang lên âm thanh “Sadhu” (Lành thay) trầm ấm mang về tĩnh tại nơi chính mình…

Đêm giao thừa đến trong tiếng chào đón vô thanh, tôi và mọi người thiền trong thời khắc đó để gởi tình yêu, lòng tri ân của mình cùng lời chúc bình an đến những người đang hy sinh âm thầm vì mạng sống của kẻ khác và cả những người đau khổ trong cuộc đời.

Bữa nay tôi xuống núi để về với cuộc sống đời thường, để đem năng lượng tu tập sẻ chia cho những người cần được giúp đỡ. Lúc ra lấy xe, tôi nhìn thấy những cây non mọc lên trong đất đá khô cằn và những tro tàn của trận cháy. Tôi rùng mình. Chưa đến mức như thi sĩ Quách Thoại “sụp lạy cúi đầu” đóa thược dược, tôi vẫn cảm động, rưng rưng thầm nhắc “Anicca”…

Lửa vây và giông tố,
Cây nảy lộc âm thầm.
Đời dẫu nhiều khốn khó,
Bình an vẫn ghé thăm. 

Bài viết: “Người trong cuộc vụ cháy rừng ở Úc: Sự im lặng hùng tráng”
Phương Hồ (New South Wales – Úc)

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 3