Chớ để tự mình phát tán cơn ho

Khi chúng ta hoảng loạn, lo âu, sợ hãi đủ thứ chuyện trên đời và phóng tâm theo tưởng uẩn thì có triệu triệu con virus được dịp lưu trú, sinh sôi nảy nở bủa vây khắp thân tâm, chúng bào mòn, rúc rỉa cho nỗi sợ hãi, phiền não này càng lúc càng tăng nhiệt não sầu ưu bi khổ.

Sáu căn mở toang, phóng thích cho tham, sân, si thì gặp sáu trần làm bệ phóng ươm thêm nỗi đau lửa khổ, là do mình, do chính mình vậy. Nhân tai hay thiên tai cũng phát xuất từ tứ đại này mà ra.
 
Trong kinh Pháp cú, Đức Phật đã dạy rõ, chỉ thẳng cho chúng ta thấy một điều sâu sắc, dễ thấy mà không phải dễ làm, bởi ý này vi tế và ma mãnh vô cùng!

“Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,

Như xe, chân vật kéo”.

Và:
“Ý dẫn đầu các Pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,

Như bóng, không rời hình”.

Bao nhiêu điều dịu ngọt đang ứa bầm trên cây, trên người, neo đậu vào tất cả mắt thấy, tai nghe, tay sờ, thịt da xúc chạm, cảm nhận và im lặng, lắng lòng nghe trôi, trôi, trôi về phía không cùng của những phận đời bi thiết.

Năm uẩn đang bùng cháy của tham sân si. Lo nhìn ngoại duyên mà phê này phán kia, còn nội thân và tâm đầy hôi dơ, còn cả đống bùng nhùng phiền não, sầu ưu bi khổ thì mình phớt lờ, cho là không có gì, rồi sẽ qua, sẽ ổn mà. Thật sự không ổn chút nào cả!

Sáu căn mở cửa không cài chốt kỹ thì gặp sáu trần đưa đến trần lao nghiệp chướng, buồn lo khổ nạn từ đây mà ra.

Tháng Giêng mùa lễ hội, mùa của cầu an, mong qua tai kiếp tật bệnh, muốn đủ thứ nhưng chúng ta đã làm gì trong hành trang này của đời mình, chính mình trong mỗi nhịp thở sinh khởi.

Nhấp ngụm trà ấm, mình nói với mình, mình dặn riêng mình, mình phán quyết cho mình, mình hành động ngay mình mấy điều thiết yếu để mà AN!

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý phải tự làm sạch cho chính mình, là dòng năng lượng đẹp tự chuyển hóa mình thì mới truyền tải thông điệp đẹp kia tới người thân, bằng hữu, cộng sự, cộng đồng, nhân quần. Sám hối sáu căn, làm cho thân tâm này hiền hòa lại, sống với mình với người và vật cho ai cũng được lợi lạc thì từ đây mới có thể gọi là an cùng nhau, lạc cùng nhau. Như vậy Ta-bà mới là Tịnh độ nhân gian!

Đa phần, chúng ta nương theo kiểu sống ỷ lại, tập khí, chịu sự tác động từ bên ngoài, ít chế ngự cảm xúc nên khó rà lại tần sóng của chính mình; rất dễ bị lôi cuốn trong cơn hoảng loạn của bên ngoài. Chính vậy mà lẽ ra chỉ có thể là lo lắng, sợ hãi, ảnh hưởng công việc, sức khỏe một đôi phần nhưng lại bị nhân lên gấp ba, bốn, năm lần của sự thật vốn dĩ. Do vậy, đem lại hệ lụy của trì trệ và khổ đau trong cơn lo lắng tột độ cũng từ chính mỗi cá thể và từ cộng đồng là có thật!

Khi chính mình mệt mỏi, lo âu, sợ hãi thì dòng điện năng yếu ớt, bệnh tật kia sẽ được dịp ấp ủ, bùng phát, cháy lên và lây lan sang người thân quyến thuộc, bạn bè, đồng nghiệp, đồng sự, cộng đồng xã hội, nhân sinh… Thật vậy, sanh già bệnh chết, thiên tai địch họa là có thật, khó và không ai không phải trải qua trong cuộc đời. Nếu chúng ta ngồi buồn, ủ rũ thì chắc chắn cơn bệnh, nỗi đau về thân xác, nhọc bệnh tinh thần càng trì xuống, nó làm mình bất an, có khi xúi quẩy làm cho mình chỉ muốn tự tử, “chết quách cho xong”, nhưng không thể. Trách nhiệm của chúng ta với bản thân, gia đình, và bao nhiêu mối quan hệ buộc ràng khác khó mà làm chuyện trốn tránh kia một cách hèn và mê muội ấy được! Buồn khổ là có thật, nhưng nếu chỉ ngồi im cho cơn bão buồn kia ập tới thì mình không thể là thành đồng lũy sắt, chẳng thể là thân kim cang bất hoại mà mình chắc chắn sẽ là vách bùn, vụn vỡ nhanh mau thôi. Sống chung với sợ hãi và phải vượt qua nó, chớ để nó xâm hại, đó là trách nhiệm của mỗi con người.

Mỗi chúng ta từ khi sinh ra cho tới lúc nhắm mắt tắt thở (có khi phải mở mắt tắt thở nghẹn ngào nữa!), luôn trải qua vô vàn buồn lo, sầu khổ, chỉ là mình cho qua, kệ đi mà, vì cuộc sống, vì ngày mai nên không hoặc chưa dám, chưa chịu nhận rõ sự khổ bủa vây!

Sợ hãi trong đói ăn, đói mặc, đói giải trí… rồi cao hơn nữa là sự mong muốn, phải có được, phải như vậy và được như vậy thì mới chịu nhưng có bao giờ là như ý, là toại ý cho nên lo lắng, thất vọng chuyển thành sân hận, bất kham, chống đối. Chúng ta mong muốn và bị chi phối bởi vật chất, danh vọng, nhu cầu lợi dưỡng cho bản thân quá nhiều nên đau khổ đi liền theo đó.

Sợ hãi thất nghiệp, mong muốn tăng lương, hy vọng được du lịch khắp đó đây, muốn được bình yên và hạnh phúc… nhưng cứ ngồi đó mơ mà không hành động cụ thể thì sợ hãi vẫn là liều thuốc độc đưa chúng ta tới bến bờ đau khổ. Công việc thì làm cho tới hết đời vẫn chưa xong, cứ làm và làm cho thật tốt từng việc một. Còn nếu như sinh khởi tham lam, ích kỷ, hại người, hại vật thì nỗi lo lắng sẽ hiện khởi, có khi giấu mọi người nhưng khó mà che được nỗi lo âu trong tâm tưởng, trong giấc mơ, trong riêng mình khi phải đối diện với chính mình.

Mỗi người cũng chỉ có thể tự mình đứng lên, vượt qua nỗi sợ hãi kia bằng trí tuệ, niềm tin rằng mình sẽ khỏe, sẽ mạnh, sẽ bằng an trước giông bão của thiên tai, nhân tai, của dịch bệnh, của thất bại, của lo toan bằng ý chí. Tâm lý là khoảnh khắc, là cảm giác. Phải tự truy vấn mình, làm cho mình an và khỏe thì mới có thể nói hay giúp người thân quyến thuộc và bên ngoài an được!

Ý chí tự thân sẽ quyết định mình khỏe hay mệt, khổ hay vui, bình an hay bất an. Ý chí phải được sống trong ánh sáng của trí tuệ, sự hiểu biết kiến thức, tri thức để áp dụng phù hợp với cơ địa mình, với đời sống hiện hữu này một cách phù hợp. Dĩ nhiên, không thờ ơ, không thể xem thường thiên tai địch họa, những tác nhân xấu từ bên ngoài hoặc ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp tới mình và người thân. Vì vậy, phòng bệnh, phòng vẫn luôn là tiêu chí hàng đầu cho tất cả sự và lý diễn ra sau đó. Nếu không phòng tốt thì khó mà tránh tốt được!

Bây giờ, ngăn lại cơn ho đang kéo dài của mình và người bằng cách vươn vai đứng dậy, hít sâu thở dài cho máu huyết lưu thông, điều hòa hơi thở, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý này xoay trở lại bên trong dò xét lại thật kỹ về vấn đề đang xảy ra kia là “thật có” hay chỉ là “thoáng qua”, là “do mình” hay “do sự chung”. Tâm có an thì thân mới khỏe. Thân có sạch thì khó bị tiêm nhiễm. Tâm có rộng mới dung chứa được mọi điều xấu ác, tốt đẹp. Thiên tai bệnh dịch, dù muốn dù không vẫn luôn đồng hành cùng đời sống xã hội loài người chúng ta từ thuở sơ khai tới nay.

Cơ bản, chúng ta phải sống hài hòa với môi trường, sống tốt với muôn loài, xem muôn loài là bạn thì tai kiếp đất, nước, gió, lửa sẽ khó mà diễn ra. Ngược lại, chính mình làm cho mình khổ mà thôi!

Thứ nữa, vệ sinh thân thể, ăn uống thanh đạm, ăn chín uống sôi, mở toang các cửa, vệ sinh nhà cửa phòng ốc thường xuyên, cho nắng tràn vào, tăng cường hoạt động thể thao, sống gần với thiên nhiên, chớ lạm dụng máy điều hòa, lười đi lại, hạn chế làm siêu anh hùng bàn phím, năng làm thiện nguyện với cộng đồng. Nở nụ cười cho nhau xua bao phiền muộn. Trấn an chính mình, mỗi người tự xây cho mình ngọn lửa ấm cúng thì nhiệt năng ấy làm ấm áp khắp nơi. Ngược lại, ai cũng chất chứa sân hận, sẵn sàng đả thương nhau thì chắc rằng khó mà trấn an, khó mà vượt qua nỗi khổ niềm đau.

Thế giới đầy biến động, cả cuộc đời chúng ta là chuỗi dài của bất như ý, nếu chúng ta cứ mải miết chạy đuổi, mong cầu bên ngoài mà không chế ngự cảm xúc, chẳng chịu biết đủ, dừng lại thì mãi khổ, mãi lo, mãi sợ và hoảng hốt. Tình huống xấu tốt đến từ bên ngoài, và có cả sự tham gia của chính chủ thể là mình nữa. Đừng lên án, đừng chửi rủa, đừng vô tâm, hãy chung tay làm điều tốt, có thể, vì một cộng đồng, đất nước, thế giới ngày một tốt hơn là trách nhiệm của toàn nhân loại. Ai cũng muốn sống, ai cũng muốn khỏe, ai cũng muốn đẹp, ai cũng muốn hạnh phúc thì cớ gì chúng ta làm đau nhau!

Cảm ơn virus và bệnh dịch để cho mình được mở lòng sáng mắt thấy được thân và tâm này hôi dơ. Xin lỗi virus và bệnh dịch đã cho mình thấy được lòng tham sân si, ích kỷ của bản thân và con người đã và đang ngày một xấu ác tới mức khó và không thể chấp nhận được. Do vậy, phản ứng ngược, hậu quả từ mình gây ra là điều có thật! Buông dần nghiệp sát, khởi sâu bi tâm, sống thiết thực an vui cho mình và người cùng muôn vật là hành trang trên bước đường an vui, giải thoát khỏi khổ đau của tất cả chúng sanh!

Bài viết: “Chớ để tự mình phát tán cơn ho”
Thiện Ngộ/ Vườn hoa Phật giáo

Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com

Hits: 2