Khi ta tha thứ cho người đã làm hại ta, không có nghĩa là nghiệp ác của người đó được xóa bỏ. Đó là lý do tại sao có nhiều người nghĩ là sự tha thứ không có chỗ trong thế giới nghiệp của Phật giáo, và không tương ứng với giáo lý mà Đức Phật đã dạy.
Kinh Pháp cú, một tập hợp rất nổi tiếng của các bài kệ Phật giáo xưa, nói về vera (hiềm hận) trong hai trường hợp. Thứ nhất là khi ai đó đã làm tổn thương bạn, và bạn muốn làm tổn thương lại họ. Thứ hai là khi bạn thua trong một cuộc đối đầu – trong thời Đức Phật còn tại thế, điều này chủ yếu nhắm tới các trận chiến quân sự, nhưng giờ thì nó có thể nói rộng đến bất cứ sự tranh đua nào mà sự thất bại mang đến tai họa, dầu thực hay chỉ là cảm nhận – và bạn muốn trả thù.
Trong cả hai trường hợp, tha thứ là cái chấm dứt được vera. Bạn quyết không làm cho “ra lẽ” dầu xã hội có cho bạn quyền làm thế, vì bạn nhận thức rằng, từ quan điểm của nghiệp, điểm số duy nhất, thực sự trong các cuộc tranh hơn thua như thế chỉ ghi thêm điểm vào nghiệp xấu ác của cả đôi bên. Vì thế, khi tha thứ cho bên đối nghịch, cơ bản là bạn tự hứa với bản thân là sẽ bỏ qua bất cứ cơ hội nào để ghi thêm điểm xấu ác lên.
Bạn không biết cuộc đấu tranh tạo nghiệp xấu này đã lặp đi lặp lại trong biết bao kiếp sống, nhưng bạn biết rằng cách duy nhất để chấm dứt nghiệp đó là dừng vera lại, và nếu bạn không bắt đầu làm việc đó thì chuyện dứt nghiệp xấu không bao giờ xảy ra.
“Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi”
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
“Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi”,
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
“Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu”.
(Kinh Pháp cú, kệ 3-4-5)
Sự tha thứ là một cách thực hành mà bạn phải tự mình làm, tự trong nội tâm, nhưng đối phương có thể bị ảnh hưởng bởi tấm gương của bạn, để cũng dừng làm lan thêm vết bùn nhơ. Bằng cách đó, cả hai bên đều được ích lợi.
Tuy nhiên, nếu đối phương không cùng bạn dừng ngay cuộc đối đầu, thì cũng đến một lúc nào đó họ sẽ hết còn muốn tranh chấp, do vậy cuộc chiến giằng co qua lại giữa đôi bên sẽ chấm dứt.
Đức Phật đã chỉ cho ta ba cách để đối mặt với bất cứ cảm xúc dây dưa nào khiến ta phải ở về phía thất thủ, trở thành vô phương cứu chữa.
+ Thứ nhất, hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đang trong quá trình tiến đến cái chết, và ta không muốn những ý nghĩ hiềm thù lẫn vào trong cái chết tốt lành. Câu nói rằng: “Nó hại tôi. Tôi sẽ không yên cho đến khi trả được thù” là điều mà ta không muốn chú tâm vào khi thần chết đến gần. Nếu không, bạn sẽ thấy mình tái sinh với lòng hận thù, là một cách sống không vui vẻ gì. Bạn còn có nhiều thứ tốt đẹp hơn để làm với thời gian mình có.
+ Cách thứ hai là phát triển các ý nghĩ thiện lành vô hạn, “không hận thù, không ác ý”. Những suy nghĩ này nâng tâm bạn lên hàng Thánh, một cấp bậc cao của chư thiên, và từ quan điểm cao cả đó, ý nghĩ phải cố gắng tìm mọi cách để “giải quyết” các mối hiềm khích cũ dường như – mà thực sự là – nhỏ mọn và tàn nhẫn quá.
+ Cách thứ ba là dựa vào năm giới: không sát hại, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng chất gây say. Không bao giờ. Không một chút nào. Như Đức Phật ghi nhận, khi ta giữ các giới luật này trong tất cả mọi giao dịch với người khác, dù cho họ là ai hay họ đã làm gì, bạn luôn được an toàn, tránh khỏi hiềm hận, hiểm nguy – ít nhất là về phía bạn – đối với mọi chúng sinh. Và vì sự an toàn là phổ quát, chính bạn cũng sẽ được hưởng sự ích lợi đó.
Trong trường hợp bạn bị thất bại trong một cuộc so bì, Đức Phật dạy rằng bạn có thể tìm được bình an và chấm dứt hiềm hận chỉ bằng cách bỏ qua sự hơn – thua. Để làm được điều đó, bạn bắt đầu quán sát xem mình thường tìm hạnh phúc ở đâu. Nếu bạn tìm hạnh phúc qua sở hữu quyền lực hay vật chất, thì luôn có sự thắng – thua. Thí dụ, nếu bạn có quyền lực, thì người khác sẽ mất quyền lực. Nếu người khác thắng, thì bạn thua. Và như Đức Phật đã dạy:
“Chiến thắng sinh thù oán
Thất bại chịu khổ đau
Sống tịch tịnh an lạc
Bỏ sau mọi thắng, bại”.
(Kinh Pháp cú, kệ 201)
Trái lại, nếu bạn tìm hạnh phúc qua sự thực hành công đức – bố thí, trì giới và hành thiền – thì không có sự hơn thua. Mọi người đều thắng. Khi bạn bố thí, dĩ nhiên là người khác sẽ được hưởng những gì bạn đã chia sẻ với họ; còn bạn sẽ cảm nhận được sự giàu có bao la bên trong và bên ngoài là sự kính trọng, thương yêu của người. Khi bạn sống đạo đức, không làm hại bất cứ ai, bạn sẽ tránh được sự hối tiếc về các hành động của mình, trong khi người khác thì được bảo vệ, được an toàn. Khi hành thiền, bạn sẽ không bị tham, sân và si kiềm tỏa, do đó bạn sẽ giảm khổ đau khi chúng có mặt, và người khác sẽ không trở thành nạn nhân khi chúng xuất hiện. Sau đó bạn quán tưởng thêm:
“Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn
Thật chiến thắng tối thượng”.
“Tự thắng, tốt đẹp hơn
Hơn chiến thắng người khác
Người khéo điều phục mình
Thường sống tự chế ngự”.
“Dầu Thiên thần, Thát-bà
Dầu Ma vương, Phạm thiên
Không ai chiến thắng nổi
Người tự thắng như vậy”.
(Kinh Pháp cú, kệ 103-104-105)
Các chiến thắng ở đời có thể bị thay đổi bởi – sự “gài trước”, gian lận – nhưng trong ánh sáng của nghiệp và tái sinh, không bao giờ có thể sắp đặt, sự chiến thắng tâm tham, sân và si của bản thân luôn lâu dài. Đó là chiến thắng duy nhất không tạo ra hiềm thù, nên đó là chiến thắng duy nhất thực sự an toàn và bảo đảm.
Nhưng đó không phải là vinh quang mà bạn có thể hy vọng đạt được, nếu bạn vẫn còn chấp chứa trong tâm những tư tưởng hiềm thù. Thế nên, trong một thế giới mà chúng ta luôn bị đe dọa bằng cách này hay cách khác, và là nơi chúng ta luôn có thể tìm cách để trả những mối hận thù cũ – nếu ta muốn, thì cách duy nhất để tìm được sự chiến thắng thực sự an toàn trong cuộc sống là bắt đầu với các ý nghĩ tha thứ, cởi mở: rằng bạn không muốn là mối đe dọa cho ai cả, bất kể là họ đã hại bạn như thế nào. Đó là lý do tại sao sự tha thứ không chỉ tương ưng với sự thực hành những lời Phật dạy. Mà đó là bước cần thiết đầu tiên.
Diệu Liên Lý Thu Linh
(chuyển ngữ theo All Winners, No Losers, Nguồn: www.dharmatalks.org )
Nguồn : Source link vuonhoaphatgiao.com
Hits: 2