Sự hình thành của A Tỳ Ðạt Ma- Hòa thượng Thích Thiện Siêu

Sự hình thành của A Tỳ Ðạt Ma


Hòa thượng Thích Thiện Siêu


Ba tạng là: Tu đa la tạng (Sutra Pitaka), Tỳ nại da tạng (Vinaya Pitaka), A tỳ đạt ma tạng (Abhidharma Pitaka). Chữ A tỳ đạt ma luận thường để chỉ các luận thư của các bộ phái, chứ không dùng cho các luận thư Ðại thừa. Abhidharma, Trung Hoa dịch âm là A tỳ đàm, A tỳ đạt ma, và dịch nghĩa là Vô tỷ pháp, Thắng pháp, Ðối pháp.


A. ÐỊNH NGHĨA

Nguyên trong kinh A-hàm đức Phật dùng chữ A tỳ đạt ma với dụng ý tán mỹ các pháp nghĩa thâm huyền, rộng lớn không gì sánh kịp, dần dần nó biến chuyển qua nhiều nghĩa bởi các luận sư của các bộ phái. Như luận sư Bà sa thì gọi A tỳ đạt ma là Phục pháp, vì nó hàng phục được tất cả tà thuyết của ngoại đạo. Hóa địa bộ gọi là Chiếu pháp, vì nó có khả năng chiếu soi tất cả tính tướng các pháp. Thí dụ sư thì gọi là Thứ pháp, vì Niết bàn là tối thượng, nó dưới pháp Niết bàn một bậc. Chính lý sư thì gọi là Thông pháp, vì nó có khả năng thấu đạt tất cả khế kinh. Hiếp Tôn Giả thì gọi là Cứu kính tuệ, Quyết đoán tuệ v.v… đến ngài Thế Thân thì gọi là Ðối pháp với hai nghĩa là đối hướng và đối quán. Ðối là đối diện hướng tới. Ðối diện hướng tới Niết bàn gọi là Ðối hướng Niết bàn và đối diện quán sát pháp Tứ đế gọi là Ðối quán. Pháp của Phật dạy không ngoài hai thứ là pháp Vô lậu thắng nghĩa (Niết bàn) và pháp Hữu lậu pháp tướng. Trí tuệ quán sát pháp tướng và chứng nhập Niết bàn thì gọi là Ðối pháp trí hay A tỳ đạt ma.

Ðạt ma (Dharma) dịch là Pháp có nghĩa là tự giữ lấy tính cách nó (nhậm trì tự tính) và làm mẫu mực phát sinh cho sự nhận biết (quỹ sinh vật giải).

Ðạt ma tức Dharma từ tự căn Dhri (giữ lại, mang) tức là cái được nắm giữ, hay lý tưởng nếu giới hạn ý nghĩa nó trong tác vụ tâm lý. Trình độ tâm lý sai biệt tùy sự tiếp nhận của mỗi cá thể:

  1. Ở đức Phật, đó là sự toàn giác hay viên mãn giác (Bồ đề).
  2. Lý tưởng diễn tả trong ngôn từ là giáo lý giáo pháp.
  3. Lý tưởng đề ra cho đệ tử theo là luật nghi, đức lý, cấm giới.
  4. Lý tưởng để chứng ngộ sẽ là nguyên lý, chân lý, bản tính, luật tắc, điều kiện.
  5. Lý tưởng thể hiện trong một ý nghĩa tổng quát đó là sự thật thực tại, sự kiện, sự thể, yếu tố, (bị tạo hay không bị tạo), tâm và vật, ý thể và hiện tượng. Trong trường hợp phái duy thật của các luận sư A tỳ đạt ma, chữ Ðạt Ma được dùng nhiều nhất theo nghĩa thứ năm này.

A tỳ tức Abhi (tiếp đầu ngữ) có nghĩa là hơn thế, nói về. Như vậy Abhidharma, có nghĩa là pháp tối thắng, hay là “Thắng”, hay trần thuật về pháp. Ngài Buddhagosa (Phật Âm, Phật Minh) trong Na tư mạn già la Y lạp hy ni (sách giải thích Digha Nikaya – Trường Bộ) dẫn bài tụng: “Có pháp tăng thịnh đặc thù, tôn trọng, nói rõ, tối thượng, thế gọi là A tỳ đạt ma”. Như vậy nó rốt ráo có hai điểm. Về nội dung thì ý nghĩa thù thắng, về phương pháp luận cứu thì tường tận khúc chiết. Ngài Phật Âm còn nói: “Trong kinh, pháp ngũ uẩn chỉ được thuyết minh một cách đại khái chứ không đi sâu vào chi tiết, còn trong A tỳ đạt ma thì phân biệt kinh, phân biệt luận, phân biệt vấn đáp, nên pháp ngũ uẩn được thuyết minh một cách cặn kẽ đầy đủ”.

Luận Ðại Trí Ðộ nói: “A tỳ đạt ma là gì? Ðáp: Là đối vấn mà đáp, hoàn toàn là hình thức luận cứu, nêu ra nhiều mặt để phân biệt, như nói về 18 giới, thì phân biệt cái nào có sắc, cái nào không sắc? Cái nào có thể thấy, cái nào không thể thấy? Cái nào hữu lậu, cái nào vô lậu? Cái nào thiện, cái nào bất thiện? Cái nào hữu báo, cái nào vô báo? v.v… như thế gọi là A tỳ đạt ma”.

Lại như bảy kiết sử là dục nhiễm, sân nhuế, hữu ái, kiêu mạnh, vô minh, kiến, nghi (Kinh Mật Hoàn Dụ số 115, Trung A hàm) trong đó cái nào là dục giới hệ (trói buộc ở cõi Dục)? Cái nào là sắc giới hệ? Cái nào vô sắc giới hệ? Cái nào kiến đế đoạn? Cái nào tư duy đoạn? Cái nào biến sử? Cái nào bất biến sử? v.v…

Ngài Chân Ðế và ngài Huyền Trang đều dịch Abhidharma là Ðối pháp, có nhiệm vụ tập hợp các pháp nghĩa lại rồi đem ra phân loại, định nghĩa, giải thích và phân biệt. Ðối pháp có hai là Ðối quán lý Tứ đế và Ðối hướng quả Niết bàn. Như vậy không thể hiểu Abhi, A là vô, Bhi là tỷ một cách máy móc được.

B. NGUỒN GỐC CỦA A TỲ ÐẠT MA

Nó đã bao gồm trong sự thuyết pháp của đức Phật. Ðức Phật thuyết pháp một cách ung dung tự tại. Lời Phật nói đơn giản minh bạch không có gì bí mật. Phật đã phân biệt và phân loại một cách rõ ràng. Như vậy nguồn gốc của A tỳ đạt ma xuất phát từ Phật.

C. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN LUẬN THƯ A TỲ ÐẠT MA

  1. Thời kỳ 1: Luận thư còn giữ hình thức khế kinh. Trong thời kỳ 100 năm sau Phật Niết bàn, chưa chia kinh luận như kinh A hàm còn truyền đến ngày nay là do học phong của Giáo hội Tăng đoàn mà được chỉnh lý và A tỳ đạt ma hóa, cho nên trong đó có những kinh mang nhiều sắc thái như luận, như kinh Tăng Nhất, Tạp A hàm, kinh Thế Ký trong Trường A hàm và Phân Biệt Bộ trong Trung Bộ, kinh Chúng Tập trong Trường Bộ.
  2. Thời kỳ 2: Luận thư giải thích nghĩa kinh. Lấy kinh làm bối cảnh rồi định nghĩa, phân loại, phân biệt, giải thích những điều đã nói trong kinh chứ chưa phát huy vấn đề gì đặc sắc độc lập, như Vô Ngại Ðạo Luận của Phật Âm, Ma ha ni luật sa, Cưu lạp ni luật sa trong Tiểu Bộ hay như Hán dịch Pháp Uẩn Túc Luận, Tập Dị Môn Túc Luận.
  3. Thời kỳ 3: Luận thư tiến tới độc lập. Thời kỳ này Luận thư không còn bàn giải nghĩa kinh mà lấy tất cả đề mục của các kinh tập hợp lại rồi phân loại một cách tường tận và theo mọi tiêu chuẩn để phân biệt tính chất các đề mục ấy, nội dung dần dần bao hàm các vấn đề sự thật độc lập hẳn với kinh luật. Ðó là thời kỳ xuất hiện bảy bộ luận của Phật giáo Nam phương và Ðại Tỳ bà sa luận của Hữu bộ, Thành Thật luận của Kinh bộ.
  4. Thời kỳ 4: Là thời kỳ Luận thư cương yếu. Các luận thư A tỳ đạt ma phát huy giáo nghĩa của các bộ phái khi đã phát triển thì mắc phải cái nạn quá nhiều, khó học hỏi nổi, nên đòi hỏi phải có các luận thư toát yếu. Bộ luận thư toát yếu ra đời đầu tiên là bộ A tỳ đàm Tâm Luận của Pháp Thắng (Ðạt ma thi la), đến Tạp A tỳ đàm Tâm Luận của Pháp Cứu, học trò Pháp Thắng, rồi đến Câu xá luận của ngài Thế Thân, Thanh Tịnh Ðạo luận của ngài Phật Âm, Luật A tỳ đạt ma Nghĩa Tập của ngài A nậu lâu đà. Hai bộ sau này thuộc Thượng tọa bộ Tích Lan.

Tóm lại, phương pháp xử lý vấn đề của các A tỳ đạt ma là trước hết nó hoàn toàn phụ thuộc vào kinh, chỉ có kinh là có quyền chứng tuyệt đối. Rồi dần dần từ việc giải thích từng mỗi câu kinh tiến lên thuyết minh toàn thể tư tưởng được gói ghém trong các câu kinh, trong sự tiến bộ đó nó đã nảy sinh ra thái độ phê phán tư tưởng trong kinh, cho đến khi không còn bị kinh chi phối, thậm chí không tôn trọng kinh bằng luận. Luận Ðại Tỳ bà sa cuốn 5 nói: “Nếu cứ khư khư chấp chặt từng câu kinh mà không đạt quan chân lý nó thì người ấy là ‘Trước văn Sa môn’ “. Ðó là thái độ của Hữu bộ lấy A tỳ đạt ma làm trung tâm. Và theo ngài Chân Ðế thì Kê Dẫn Bộ còn cho rằng: “Kinh luật chẳng qua chỉ là phương tiện, còn đệ nhất nghĩa đế chính thật nằm trong A tỳ đạt ma”. Như vậy A tỳ đạt ma đã có chỗ đặc sắc không giống khế kinh. Chẳng hạn, ở khế kinh chú trọng giá trị tu chứng thực tiễn theo chủ trương “chuyển mê khai ngộ” cho nên những điều gì không thiết thực giúp cho việc chuyển mê khai ngộ thì đức Phật bỏ qua không nói đến. Trong những Pháp môn Ngài dạy để chuyển mê khai ngộ, Ngài chỉ dạy những điều vừa đủ hiểu để tu hành, nhưng đến A tỳ đạt ma thì chuyển sang chú trọng nghiên cứu vấn đề sự thật. Thay vì xử lý các vấn đề tu dưỡng trước, thì A tỳ đạt ma lại lo thuyết minh một cách tinh tế về sự thật liên quan đến nhân sinh vũ trụ trước rồi sau mới đề cập vấn đề tu dưỡng. Chủ ý các luận sư A tỳ đạt ma tuy không coi thường vấn đề tu dưỡng nhưng muốn xác lập lý tưởng tu dưỡng thì trước phải xác định sự thật.

Sau hết, nhìn vào phạm vi phân chia các vấn đề cứu xét sự bất đồng giữa mới và cũ. Lúc đầu A tỳ đạt ma chỉ luận cứu những đề mục đặc thù như thiền định, trí tuệ… Nhưng trong quá trình tiến bộ liên tục nó đã lấy việc thuyết minh các đề mục đó một cách hệ thống làm nhiệm vụ và để tránh khó khăn nó lại chia các vấn đề đó ra từng bộ môn (chư môn phân biệt). Do đó mới có nhiều luận thư, và sau cùng để tiện việc học hỏi lại có các luận thư cương yếu ra đời.

D. CÁC LUẬN THƯ CỦA THƯỢNG TỌA BỘ

  1. Pháp Tụ Luận (Dhamma Sanghani)
  2. Phân Biệt Luận (Vibhanga)
  3. Giới Thuyết Luận (Dhatu Katha)
  4. Nhân Thi Thiết Luận (Pudgala Pannati)
  5. Song Ðối Luận (Yamaka)
  6. Pháp Trí Luận (Patthana)
  7. Thuyết Sự Luận (Kathavasthu)

Ngoài bảy luận thư cơ bản này còn có các luận thư được sáng tác tiếp theo:

  • Thanh Tịnh Ðạo Luận (Visudhimagga) của ngài Phật Âm thế kỷ V TL, có giá trị như một bộ bách khoa toàn thư Phật giáo, tính chất tương đương Câu xá Luận đối với Hữu bộ. Ðây là sách tiêu chuẩn của tân Thương tọa bộ.
  • Trường Tập Kinh Chú Sớ (Sumangala Vilasini), sách giải thích Trường Tập Kinh (Trường Bộ Kinh).
  • Attha Salina, sách chú thích bộ Luận Pháp Tụ.
  • Ngũ Thư Thuật Nghĩa (Panca-Pakarana Atthokattha): Năm sách Chú sớ Ðối pháp tạng.

Sau ngài Phật Âm có nhiều tác phẩm ra đời, trong đó có giá trị nhất là bộ A tỳ đạt ma Nghĩa Tập Luận (Abhidharmattha Sangaha – H.T. Minh Châu dịch là Thắng Pháp Tập Yếu) này do ngài A nậu lâu đà (Anuruddha) viết thế kỷ VIII T.L. Ðây là bộ sách ngắn gọn toát yếu giáo nghĩa Phật giáo, làm sách chỉ nam của Phật giáo Nam phương, với những giải thích xác đáng rõ ràng giáo nghĩa của Thượng tọa bộ nên nhiều nơi đã dùng nó thay cho Thanh Tịnh Ðạo Luận.

E. CÁC LUẬN THƯ CỦA HỮU BỘ

  1. Pháp Uẩn Túc Luận (Dharma Skandha): 12 cuốn, do Ðại Mục Kiền Liên (Mahamogalyayana), có thuyết nói do Xá lợi phất viết lúc Phật tại thế.
  2. Tập Dị Môn Túc Luận (Sangti paryaya pada) do Xá lợi phất viết lúc Phật tại thế (20 cuốn).
  3. Thi thiết Túc Luận (Prajnapti): Do Ca chiên diên (Kaiyaya) viết lúc Phật tại thế, chưa dịch ra Hán văn.
  4. Thức Thân Túc Luận (Vijnanakaya): 16 cuốn do Ðề bà thiết ma (Devasarman) viết sau Phật Niết bàn 100 năm.
  5. Phẩm Loại Túc Luận (Ptrakarama): 18 cuốn do Thế Hữu viết sau Phật Niết bàn 300 năm, cũng dịch là Chúng Sự Phần A tỳ đàm Luận.
  6. Giới Thân Túc Luận (Dhatukaya): 3 cuốn do Thế Hữu viết sau Phật Niết Bàn hơn 300 năm (có trước Ðại Tỳ Bà Sa. Có giá trị nhất trong các luận khác thời đó. Sau đệ tử thấy nhiều mới gom lại thành Giới Thân Túc Luận)
  7. Phát Trí Luận (Janna Prasthana, A tỳ đàm Bát kiền độ Luận): 20 cuốn do Ca chiên diên tử (Katyayaniputra – Ca na diễn ni tử) viết sau Phật Niết bàn 300 năm.

Bảy bộ luận này, bộ Phát Trí gọi là Thân Luận, còn sáu bộ kia gọi là Túc Luận, vì nó là chỗ dựa cho luận Phát Trí được thành, và vì nghĩa lý chứa đựng trong nó ít ỏi không bằng nghĩa lý trong Phát Trí Luận rộng hơn. Trong đó ba bộ viết ra lúc đức Phật còn tại thế, bốn bộ viết ra sau khi Phật Niết bàn. Ngoài bảy bộ luận cơ bản này, Hữu bộ còn có các luận thư để quảng diễn nghĩa lý các bộ trên như:

  • Luận Ðại Tỳ bà sa (Mahavibhasa) 200 cuốn, là kết quả của Ðại hội Kiết tập lần thứ tư vào giữa thế kỷ II T.L. tại Ca thấp di la (Kasmir, Kế Tân) do các ngài Thế Hữu, Diệu Âm, Giác Thiên, Pháp Cứu, Hiếp Tôn Giả chủ trì với sự ủng hộ tận lực của vua Ca nị sắc ca (Kaniska). Bộ này quảng diễn giáo nghĩa của luận Phát Trí.
  • A tỳ đàm Tâm Luận (Abhidharmahridaya) do Pháp Thắng (Ðạt ma thi la) tạo vào thế kỷ VI sau Phật niết bàn (đầu thế kỷ III T.L.), toát yếu Ðại Tỳ bà sa Luận.
  • Tạp A tỳ đàm Tâm Luận (Samyutara Abhidharmahridaya) do đệ tử của ngài Pháp Thắng là Pháp Cứu (Tăng già bạt ma) tạo vào thế kỷ VII sau khi Phật diệt độ (đầu thế kỷ IV T.L.) nhằm làm rõ nghĩa trong A tỳ đàm Tâm Luận, vì cho A tỳ đàm Tâm Luận quá giản lược.
  • Câu xá Luận (Abhidharma Kosa) do Thế Thân (Vasubhandhu) tạo vào 900 năm sau Phật diệt độ (đầu thế kỷ V T.L.), 30 cuốn.
  • Thuận Chính Lý Luận: 80 cuốn, do Chúng Hiền đồng thời Thế Thân tạo, nhằm bác lại Câu xá.
  • Hiển Tông Luận: 40 cuốn do Chúng Hiền tạo, nhằm nêu bật tông nghĩa của Hữu bộ.
  • Kinh Lượng Bộ: có Thành Thật Luận, 20 cuốn.

F. CÁC LUẬN THƯ DO AI NÓI?

Theo ngài Phật Âm trong Nam phương Phật giáo thì cho rằng, sau khi thành đạo, đức Phật ngồi tư duy dưới cội Bồ đề, và về sau trong các buổi thuyết pháp cho thân mẫu trên cung trời Ðao lợi, chính đức Phật đã nói sáu bộ luận đầu trong số bảy luận thư thuộc Thượng tọa bộ. Sáu luận thư này đã được hình thành tại Ðại hội Kiết tập lần thứ ba, còn bộ Luận Sự thứ bảy do Mục kiền liên tử Ðế tu làm ra khoảng 200 năm sau Phật niết bàn, nhưng cũng do lời Phật chú ký mà làm, nên về quan hệ vẫn được xem như do chính Phật nói. Trái lại, về phía Bắc phương Phật giáo thì cho rằng các luận thư A tì đàm không phải do Phật nói mà là do các đệ tử Phật nói trong các thời gian khác nhau, hoặc trong lúc Phật tại thế, hoặc sau khi Phật niết bàn. Quan điểm của Bắc phương sát với sự thật hơn.

HT Thích Thiện Siêu
(Trích: “Ðại cương Luận Câu Xá “, Viện Nghiên Cứu Phật Học VN, 1992)

-ooOoo-

Hits: 62